Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Đỗ Xuân Trường - Có nên truy tìm bằng chứng "chạy việc"?

Đỗ Xuân Trường
Tham nhũng trong lĩnh vực tổ chức- nhân sự là loại "tham nhũng gốc". Những người dùng tiền để "mua việc", "mua chức" trong các cơ quan Nhà nước sẽ tìm cách "thu hồi vốn" bằng nhiều hình thức tham nhũng khác.
Dân bức xúc, cơ quan chức năng...ngạc nhiên!
Tham nhũng, tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm làm vô hiệu hóa nguyên tắc công bằng, khách quan, triệt tiêu động lực phấn đấu, nhiệt huyết cống hiến của cán bộ, công chức. Và phá hoại môi trường làm việc cũng như hình ảnh của cơ quan Nhà nước.
Muốn chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả quản lý - phát triển nguồn nhân lực trong các cơ quan này, trước hết phải đánh mạnh vào loại tham nhũng gốc.
Trong thời gian gần đây, sau khi một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đề cập hiện tượng tiêu cực trong thi tuyển công chức đã làm xuất hiện hai luồng ý kiến: Các cơ quan Nhà nước nói chung cho rằng không có hiện tượng "chạy việc", thể hiện ở chỗ liên tiếp có các chỉ đạo phải tổ chức thanh tra, kiểm tra để làm rõ sự việc.
Nhận định của nhiều người là "biếu xén, quà cáp thì có, chứ chạy lên đến 100 triệu chắc là không". Và phải có bằng chứng rõ ràng, cụ thể chứ không thể kết luận "hồ đồ" được.
Ngược lại người dân lại cho rằng hiện tượng trên là hoàn toàn đúng và ai cũng biết.
Hàng trăm bạn đọc đã ý kiến chia sẻ của trên các trang báo mạng, đưa ra nhiều sự việc, con người có tên tuổi, địa chỉ cụ thể. Nhiều ý kiến thậm chí còn cho rằng mức 100 triệu chưa chính xác, vì nhiều người phải đưa các mức cao hơn rất nhiều để chạy việc.
Người dân cũng tỏ thái độ bức xúc trước việc các cơ quan chức năng lại tỏ ra ngạc nhiên, không biết đến hiện tượng "chạy việc" bằng tiền mà theo họ là rất phổ biến và ai cũng biết.
Chắc chắn các cơ quan chức năng ở các cấp đang vào cuộc, sẽ xảy ra các kết luận sau:
Nhiều khả năng một số sai phạm trong quy trình, thủ tục tuyển dụng sẽ bị phát hiện nhưng không đủ bằng chứng để kết luận có việc đưa và nhận hối lộ, nên chỉ một vài người phải chịu hình thức kỷ luật nhẹ.
Trường hợp ít khả năng hơn là tìm thấy đủ bằng chứng đưa và nhận hối lộ, cơ quan chức năng có thể quyết định hủy quyết định tuyển dụng, kỷ luật nặng, thậm chí chuyển cơ quan điều tra truy tố một số người liên quan.
Tuy nhiên cũng sẽ chỉ phát hiện và xử lý được một vài trường hợp tiêu cực và do vậy kết luận của một đợt thanh tra sẽ là có tiêu cực nhưng chỉ là số ít, cá biệt và đã được phát hiện, xử lý.
Cách nhìn nhận về sự việc và cách giải quyết như trên sẽ đưa đến hậu quả gì. Vì tiêu cực không được thừa nhận là phổ biến, nên sẽ tạo cho người ta nhận thức là sau khi thanh tra tiêu cực đã được phát hiện và loại bỏ hết.
Trong khi đó trên thực tế chỉ một phần nhỏ tiêu cực được phát hiện. Phần lớn tiêu cực chỉ tạm thời nằm yên, sau một thời gian khi sự việc lắng xuống sẽ hoạt động trở lại. Nguy hiểm hơn rút kinh nghiệm sau các đợt thanh tra, các tiêu cực này sẽ trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.


Ảnh minh họa

Chuyện cũ của một trường đại học

Cách nhìn nhận sự việc và giải pháp trên đây hoàn toàn khác cách thức mà một trường đại học lớn đã áp dụng để loại bỏ thành công hiện tượng sinh viên đưa phong bì bồi dưỡng cán bộ coi thi xảy ra cách đây gần 20 năm.
Hồi đó mỗi buổi thi, sinh viên góp tiền và đặt sẵn phong bì trên bàn giám thị và ngầm hiểu, để đổi lại là sự nhân nhượng ít nhiều để họ trao đổi bài và quay cóp. Số tiền mỗi lần không lớn, chỉ 20.000 - 50.000 đồng nhưng cũng là một khoản đáng kể, nhất là khi so với mức thù lao ít ỏi mà giám thị nhận được cho mỗi lần coi thi.
Không ai biết chính xác việc này bắt đầu từ bao giờ và như thế nào. Ban đầu có thể chỉ là "sáng kiến" của một vài anh sinh viên tại chức láu cá đến ngày thi chưa kịp học bài. Nhưng dần dần hiện tượng này lan ra các hệ khác như cao học, bằng đại học thứ 2, chính quy và các hình thức thi tuyển sinh đầu vào, thi hết môn, thi tốt nghiệp...
Sau nhiều năm nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến, thậm chí gần như thông lệ trong trường đại học này. Không phải ai cũng đồng ý nhưng những người từ chối hoặc trả lại phong bì hồi đó phải chịu một sức ép lớn vì đi ngược lại "thông lệ nhóm".
Nhưng rồi đến một thời điểm thông lệ này bị "đặt vấn đề". Đó là khi một sinh viên lên mạng internet công khai đề cập và phản đối hiện tượng tiêu cực này.
Ngay lập tức thông tin về vụ việc được truyền đi với tốc độ chóng mặt trong cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn trường và lan ra cả bên ngoài. Ban lãnh đạo trường đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Sau đó các thành viên ban lãnh đạo trường đã phân công nhau trực tiếp xuống gặp toàn thể cán bộ, giảng viên của từng đơn vị trong trường để trao đổi về vụ việc. Đồng thời sinh viên tất cả các hệ đào tạo cũng được thông báo nghiêm cấm tất cả các hành vi thu, gom tiền và đưa phong bì cho giám thị, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Trong quá trình xử lý vụ việc tính xác thực của hiện tượng trên, mức độ thế nào hoàn toàn không được đặt ra, và do vậy cũng không ai yêu cầu đi tìm "bằng chứng" về sự tồn tại và mức độ của hiện tượng trên.
Sẽ không bao giờ có quyết tâm lớn, nỗ lực cao để giải quyết một vấn đề mà bản thân chủ thể chưa thừa nhận. Điều này có vẻ đơn giản nhưng cũng có thể vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự dũng cảm của người lãnh đạo. ... Những người đã, đang và có thể vi phạm cần phải nhận được thông điệp rõ ràng từ lãnh đạo Hà Nội, đó là: Hành vi tiêu cực đó là sai trái, có hậu quả nghiêm trọng và phải chấm dứt ngay.
Không có cuộc thảo luận nào về nguyên nhân tại sao lại xảy ra hiện tượng đó. Không có việc tìm hiểu ai đã từng nhận phong bì, bao nhiêu lần, bao nhiêu tiền, khi nhận phong bì có thực hiện đúng chức trách của giám thị hay không...
Nhà trường cũng không truy cứu sinh viên đã tung lên vấn đề trên hay tìm hiểu động cơ của người này là gì. Lý do đơn giản, là dù bất cứ lý do gì, diễn ra trong hoàn cảnh nào, ai vi phạm thì việc nhận tiền là sai phạm rõ ràng, không có gì cần phải nói thêm, bàn luận hay thanh minh gì nữa.
Một lý do nữa là rất khó có thể tìm bằng chứng vi phạm và nếu theo hướng tập trung vào thanh tra, kiểm tra cũng không thể đưa ra kết luận chính xác về mức độ vi phạm.
Không có đoàn thanh tra nào được thành lập, không có tiêu cực nào được phát hiện và cũng không có ai bị kỷ luật, nhưng hiện tượng phong bì cho giám thị trên sau đó gần như ngay lập tức biến mất. Mặc dù trước đó nhiều người tin rằng rất khó loại bỏ tiêu cực này vì nó gắn với lợi ích, xuất hiện phổ biến và đã tồn tại trong một thời gian dài.
Thẳng thắn thừa nhận có tiêu cực
Tại sao cách làm của trường đại học nọ lại có kết quả tốt như vậy?
Trước hết ban lãnh đạo nhà trường đã thẳng thắn thừa nhận sự tồn tại của tiêu cực. Chính nhờ việc thừa nhận sự tồn tại của tiêu cực mà lãnh đạo trường có thể tập trung vào việc làm thế nào để loại bỏ tiêu cực. Cách giải quyết này nhẹ nhàng nhưng hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tập trung vào thanh tra và xử lý kỷ luật với những người vi phạm.
Tiếp theo, để loại bỏ tiêu cực lãnh đạo trường tập trung giúp toàn thể cán bộ, giảng viên nhận thức được sự sai trái và tính chất nghiêm trọng của vấn đề và trong trường hợp này là khá dễ dàng. Có cán bộ, giảng viên nào lại không thấy được sự sai trái và hậu quả khi họ nhận phong bì của thí sinh khi coi thi?
Tuy nhiên vẫn cần có người lãnh đạo đứng lên và công khai nói cho họ biết làm như vậy là sai, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về đạo đức, và do vậy phải chấm dứt hành vi sai trái đó nếu không muốn phải chịu chế tài nghiêm khắc.
Trong các cuộc gặp lãnh đạo trường gửi đến với tất cả cán bộ, giảng viên một thông điệp rõ ràng: Đó là một việc làm sai rất nghiêm trọng và do vậy ngay lập tức phải chấm dứt hoàn toàn.
Liệu Hà Nội có thể tham khảo và rút kinh nghiệm cách làm của trường đại học trên để loại bỏ hiện tượng "chạy việc" hiện nay.
Giải quyết một vấn đề khó như loại bỏ tiêu cực trong tuyển dụng cần có quyết tâm cao và nỗ lực lớn. Cũng giống như như trường đại học nọ, trước hết thành phố cần thừa nhận sự tồn tại của "chạy việc".
Đây là điều kiện tiên quyết để thay đổi vì sẽ không bao giờ có quyết tâm lớn, nỗ lực cao để giải quyết một vấn đề mà bản thân chủ thể chưa thừa nhận. Điều này có vẻ đơn giản nhưng cũng có thể vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự dũng cảm của người lãnh đạo.
Tiếp theo, những người liên quan cần được quán triệt một cách rõ ràng về hành vi sai trái và hậu quả của hành vi này. Với tiêu cực trong tuyển dụng, những người có thể vi phạm đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc cán bộ tổ chức- nhân sự nên họ là những người hiểu rõ nhất sự tai hại khi tuyển dụng không dựa trên phẩm chất, năng lực của ứng viên.
Điều tưởng chừng hiển nhiên này lại rất quan trọng vì những sai trái khi xảy ra trong một thời gian dài, hoặc bởi số đông mà không bị "tuýt còi" có xu hướng được coi là điều bình thường. Những người đã, đang và có thể vi phạm cần phải nhận được thông điệp rõ ràng là: Hành vi tiêu cực đó là sai trái, có hậu quả nghiêm trọng và phải chấm dứt ngay.
Về các ứng viên dự tuyển vào cơ quan Nhà nước, cũng như các thí sinh khi đi thi, vi phạm với họ chỉ là bắt buộc. Khi tiêu cực là phổ biến, ai cũng chạy thì họ cũng phải theo nếu không muốn bị thiệt thòi. Khi "cửa" không còn, họ cũng sẽ thôi chạy. Mà cửa "đóng" hay "mở" hoàn toàn do "cán bộ" quyết định.
Innova gửi hôm Thứ Bảy, 05/01/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130104/do-xuan-truong-co-nen-truy-tim-bang-chung-chay-viec
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001