Thanh Phương (RFI) -
Kể từ ngày 02/01 cho đến ngày 30/03/2013, người dân Việt Nam được mời
tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Theo dự thảo
sửa đổi Hiến pháp, có 8 nội dung sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân,
trong đó có Lời nói đầu của Hiến pháp; chế độ chính trị; quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bộ máy Nhà nước; hiệu lực
của Hiến pháp, v.v...
Trong cuộc họp báo ngày 29/12 vừa qua, ông Phan Trung Lý, trưởng ban
biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tuyên bố là nhân dân có thể cho ý
kiến đối với mọi nội dung trong bản dự thảo, kể cả điều 4 của Hiến pháp
Việt Nam, “ hông có cấm kỵ gì cả”.
Cho tới nay, ở Việt Nam, điều 4 Hiến pháp vẫn là chủ đề cấm kỵ và cựu
chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết khi còn tại chức đã từng tuyên bố rằng: “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”.
Trong bản hiến pháp 1992, điều 4 quy định vai trò của Đảng là “ lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, đồng thời khẳng định: “ mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”. Trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, điều 4 vẫn quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước, chỉ có thêm một câu: “Đảng
gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của
nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến ở
Hà Nội, những câu viết thêm đó không mang lại thay đổi căn bản nào cho
điều 4 Hiến pháp:
“Đằng đẵng suốt từ 1980 đến nay Điều 4 vẫn tiếp tục ngự trị Hiến pháp
Việt Nam, nhưng phải nói rằng, so với Hiến pháp 1980, Điều 4 lần này đã
bớt độc tài hơn khi không còn quy định: “ĐCSVN … là lực lượng duy nhất
lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” mà chỉ ghi: “ ĐCSVN … là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội”
Điều 4 lần này dài hơn Điều 4 Hiến pháp 1992 vì có ghi thêm hai điều ràng buộc:
Một là: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu
sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết
định của mình”.
Hai là: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Thêm thắt chút ít cho uyển chuyển hơn, song điều cốt lõi này thì vẫn đó và không thể nào chấp nhận được: “ĐCSVN …lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Sao lại cưỡng bức nhân dân Việt Nam phải chấp nhận một “lực lượng lãnh đạo” bắt họ phải “lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí minh làm nền tảng tư tưởng”,
trong khi, chính cái nền tảng tư tưởng ấy đã đẻ ra cái chủ trương phản
động nhất, cái khẩu lệnh phi lý, bất lương nhất trong lịch sử nhân loại:
“Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Chính cái “nền tảng tư tưởng” ấy đã xui ĐCSVN làm cải cách ruộng đất tàn sát hàng vạn đồng bào mình, trong đó có rất nhiều tinh hoa dân tộc.
Chính cái “nền tảng tư tưởng” ấy đã nẩy nòi ra những “lãnh tụ cộng sản”
kiểu như ông Đỗ Mười, ngay sau 1975, hăng hái tiến vào SàiGòn triệt hạ
công thương nghiệp bằng bàn tay chuyên chính vô sản tàn bạo, phi pháp,
bất nhân.
“Đảng … chịu sự giám sát của nhân dân” thật ư? Nhân dân nào được
giám sát mà lại chịu để cho ông TBT Đảng Nông Đức Mạnh mời Trung Quốc
vào đóng chốt ở Tây Nguyên, chịu để cho ông TBT Lê Khả Phiêu nhượng bao
nhiêu đất, bao nhiêu biển cho Trung Quốc.
“Đảng … chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quýết định của mình”
mà sao không tự xử thích đáng, không không tự bãi nhiệm, từ chức trước
những sai lầm tệ hại như chủ trương công nghiệp nặng làm then chốt đã
từng tàn phá nền kinh tế, đẩy đất nước vào kiệt quệ, nhân dân chịu đói
nghèo; như chủ trương mở đường Hồ Chí Minh và khu lọc dầu Dung Quất đã
gây lãng phí hàng trăm, nghìn tỷ đồng …
Điều 4 còn đấy nên đã ràng buộc Điều 70 một cách vô lý:
“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng
sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và
trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội
chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc
tế”.
Quân đội được nhân dân sinh ra và tốn công tốn của nuôi nấng thì phải phục vụ nhân dân, bảo vệ giang sơn đất nước chứ đâu
“phải tuyệt đối trung thành với ĐCSVN” để rồi phải tuyệt đối trung
thành và xả thân bảo vệ cái nền tảng tư tưởng Mac-Lênin. Tệ hại hơn, đôi
khi vì cái nền tảng tư tưởng ma quái ấy mà phải dấn thân làm đồ đệ cho
một “mẫu quốc” nào đó!
Điều 4 làm khổ nghèo nhân dân, làm nguy hại đất nước như vậy mà sao cứ để nó đóng gông mãi vào Hiến pháp Việt Nam cho được!”
Trong chỉ thị 22 mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành, lãnh
đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho
bản dự thảo Hiến pháp là “một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị”. Thế nhưng, ngay trong chỉ thị đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu công an và quân đội phải “ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước.”
Lời răn đe này chắc chắn là khiến chẳng có mấy ai dám góp ý về những vấn
đề nhạy cảm trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, như điều 4, sợ rồi sẽ
bị khép vào tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, theo điều 88 Bộ luật Hình
sự Việt Nam.
Trong “Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp tại Việt Nam”, đề ngày 28/12/2012, một số nhân sĩ trí thức có tên tuổi ở Việt Nam đã yêu cầu hủy bỏ điều 88 này, một điều luật mà theo họ “thực
chất là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Việt Nam và
Công ước quốc tế về những quyền chính trị và dân sự ghi nhận và bảo
đảm”.
Trong bản dự thảo được công bố để lấy ý kiến nhân dân, đó là có một điều
mới quy định về Hội đồng Hiến pháp, được mô tả là “cơ chế phán quyết về
những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nhưng đối với ông Nguyễn Thanh Giang, nếu thật sự có vai trò như thế
thì Hội đồng Hiến pháp này trước hết phải xóa bỏ những điều luật như
điều 88 và điều 79 Bộ Luật Hình sự:
“Dự trù thành lập Hội đồng Hiến pháp như trong Điều 120 cũng là một nét
tiến bộ đáng hoan nghênh của dự thảo Hiến pháp mới. Điều 120 xác định
quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp là kiểm tra tính hợp hiến
của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban
thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối
cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét
lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến
pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ
quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp
hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình
Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
Hy vọng Hội đồng này nếu có chút phẩm giá thì việc trước tiên là nên yêu
cầu Nhà nước hủy bỏ ngay điều 88 và điều 79 ở Bộ Luật Hình sự.
Nói vậy để được mơ màng thôi. Chừng nào còn ĐCSVN thì Điều 88 và Điều 79 kia phải được duy trì để bảo vệ Điều 4 chứ!"
Nếu có một điểm gì thật sự mới so với Hiến pháp hiện hành, thì đó là
trong bản dự thảo sửa đổi, người ta không còn ghi kinh tế Nhà nước là
chủ đạo nữa, mặc dù vẫn Việt Nam vẫn được xem là”nền kinh tế thi trường
định hướng XHCN”, một khái niệm cho tới nay còn rất mơ hồ. Đối với ông
Nguyễn Thanh Giang, đây là một điểm tiến bộ nổi bật của Hiến pháp sửa
đổì lần này:
“Điều 54 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được ghi:
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền
kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh
tranh theo pháp luật”.
Đây là điểm tiến bộ nổi bật của Hiến pháp sửa đổi lần này. Nhớ lại rằng,
Hiến pháp 1992 còn sủng tôn hết kinh tế nhà nước đến kinh tế tập thể mà
kỳ thị kinh tế tư nhân. Điều 55 HIếN PHÁP 1992 ghi: “ …kinh tế nhà
nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được
củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của
nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát
triển”.
Tôi phấn khởi hoan nghênh và nhiệt liệt đón mừng điểm tiến bộ này. Suốt
gần hai mươi năm qua, tôi đã viết vài nghìn trang chính luận góp phần
bàn thảo nhiều vấn đề quốc sự, trong đó có ba điều trăn trở nhất. Ngoài
vấn đề nên thiết lập mối liên minh liên kết với thế giới tiên tiến nói
chung và với Hoa Kỳ nói riêng để ngăn ngừa sự xâm lăng Đại Hán, hai vấn
đề đối nội mà tôi quyết liệt đấu tranh rất kiên trì là phải bỏ chủ
trương ưu tiên kinh tế quốc doanh và chủ trương quy định đất đai là sở
hữu toàn dân.
Tôi đã gọi doanh nghiệp nhà nước là những cái bồ sứt cạp thủng đáy để
người ta mặc sức rót vô tội vạ tài sản, kể cả xương máu của nhân dân,
vào đấy để cho hàng loạt cái mồm quý tử của Đảng thi nhau nhồm nhoàm
nhai nuốt. Buồn cười nhất là ngay trong Báo cáo Chính trị Đại hội VII
người ta đã ấn định phải tập trung nguồn lực làm cho kinh tế quốc doanh
đạt chỉ tiêu 60% GDP. Lúc ấy tôi đã kịch liệt phản bác điều hoang tưởng
nguy hại này và đã bị quy kết đủ tội: chống CNXH, chống Đảng, phản
động….cho nên đã bị hành hạ đủ kiểu rất tàn nhẫn
Thực tế nhỡn tiền là mặc dù đã rót vào đấy không biết bao nhiêu tài sản
xã hội, tài nguyên đất nước và đã qua mấy kỳ thực hiện Nghj quyết Đại
hội rồi mà đến nay kinh tế nhà nước vẫn chỉ đóng góp được 30% GDP. Chẳng
những thế, kinh tế nhà nước với rất nhiều Vinashin, Vinalines … đã
choàng vào cổ nền kinh tế èo uột này món nợ xấu đến một triệu nghìn tỷ!
Suy cho cùng, đấy cũng là do hậu quả từ Điều 4 Hiến pháp.”
Tóm lại, theo ông Nguyễn Thanh Giang, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này,
tuy có một vài tiến bộ, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của một Hiến pháp
thật sự do dân, vì dân:
“Về
quy phạm sửa đổi hiến pháp không những ta đã không theo lề lối của thế
giới mà cũng không theo các điều khoản khoản hiến định trong Hiến pháp
1946.
Cho đến nay, Hiến pháp nước ta vẫn do Quốc hội soan thảo và thông qua,
mà Quốc hội thì chỉ là cơ quan lập pháp trong khi lập hiến có chức năng
riêng và quyền lập hiến là một quyền riêng.
Luật gia Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776 đã
nâng quyền lập hiến lên cao hơn quyền lập pháp. Từ đấy mới bảo đảm cho
hiến pháp không bị cơ quan lập pháp làm biến chất.
Quốc hội chỉ là cơ quan lập pháp. Quyền lập hiến (quyền làm ra và sửa
đổi hiến pháp) phải được giao cho Ủy hội Lập hiến gồm các chính khách,
các trí thức Việt Nam tên tuổi trong và ngòai nước, các đại biểu xuất
sắc thuộc mọi thành phần xã hội không chỉ là đại biểu Quốc hội hay đảng
viên đảng CSVN. Bản Hiến pháp mới nhất thiết phải được đưa ra cho nhân
dân phúc quyết.”
Phải để cho người dân thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp, tức là phải
đưa Hiến pháp ra trưng cầu dân ý, đó cũng là yêu cầu của nhiều nhà trí
thức khác, như tiến sĩ Tô Văn Trường. Trong một bài viết về sửa đổi Hiến
pháp gởi cho trang Bauxite Việt Nam, được đăng ngày 11/1, ông Tô Văn
Trường đã nêu lên vấn đề này. Ông viết:
“Nhiều quốc gia khi xây dựng Hiến pháp trên cơ sở phúc quyết của toàn
dân, được nhân dân và trí thức góp công xây dựng tạo nên một bản Hiến
pháp xứng đáng gọi là Hiến pháp làm cơ sở chỉ đạo các luật đi kèm. Quyền
làm chủ đất nước của người dân ở mức độ đơn giản nhất thể hiện qua việc
người dân được “phúc quyết” Hiến pháp. Lấy ý kiến người dân về Hiến
pháp không phải là “Phúc quyết” mà cần có Trưng cầu dân ý. Liệu dự thảo
Hiến pháp mới có được dân phúc quyết theo cách thức này? Còn góp ý giống
như góp ý cho Nghị quyết Đại hội Đảng 2 kỳ vừa rồi thì mọi người cũng
đã thừa biết là nó đi đến đâu.”
Trước đó, trong một bài đăng trên Lao Động cuối tuần, số đề ngày 03/01/2013, tiến sĩ Nguyễn Quang A, cũng đã viết:
"Nếu muốn xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì mọi
quyền lực phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp không phải là của nhà nước,
mà là của nhân dân. Trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể, là người quyết
định, là những người trao quyền cho nhà nước (phân quyền cho các nhánh
nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư pháp) đến mức nào và như thế nào
để bảo vệ các quyền tự do và sự hạnh phúc của người dân. Đấy là quyền
tối cao của nhân dân. Như thế nhân dân là người quyết định Hiến pháp.
Đối tượng của Hiến pháp (đối tượng phải thi hành, phải tuân thủ Hiến
pháp và bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp) chính là nhà nước chứ không
phải người dân."
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130114-sua-doi-hien-phap-viet-nam-phai-bat-dau-voi-viec-bo-dieu-4
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/sua-oi-hien-phap-viet-nam-phai-bat-au.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào
“nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001