Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Thay đổi ở Miến Điện tác động người buôn bán nhỏ ra sao?
2013-01-21
Thay đổi ở Miến Điện và những tác động đối với một số đối tượng kinh doanh, buôn bán nhỏ ở nước này hiện nay.

AFP PHOTO
Một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm thành phố Yangon, Miến Điện hôm 13-08-2013.

Quầy hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm

Khi đất nước Miến Điện còn đóng cửa dưới chính quyền quân sự, lượng du khách đến viếng thăm đất nước này được cho biết chưa đầy 800 ngàn người mỗi năm.
Tuy nhiên, sau khi đất nước này thực hiện thay đổi chính trị và những bước tiếp theo, số du khách đến tìm hiểu, tham qua đất nước Miến Điện được cho là còn nhiều mảng chưa được khai phá đã gia tăng ngọan mục, ít nhất là 60% trong năm qua.
Một số người Việt trong thời gian qua cũng chọn Miến Điện làm điểm đến tham quan và làm ăn.
Khi chúng tôi bước xuống phi trường Mingaladon tại thành phố Yangon, thì ngoài những chiếc máy bay A320 sơn màu trắng - vàng của hãng hàng không Miến Điện, Myanmar Airways International- MAI, trên sân đỗ, còn có một chiếc cùng loại mang nhãn hiệu của Việt Nam Airlines. Trên đường vào làm thủ tục nhập cảnh Xứ Miến, chúng tôi nghe tiếng loa gọi hành khách lên máy bay để đi Việt Nam.
Du khách đến nhiều tất nhiên sẽ là một nguồn lợi cho những người buôn bán hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm cho du khách.
Khu chợ nổi tiếng Boyoke Aung San ra đời từ năm 1926. Trước tiên được đặt tên theo ông James George Scott, người được nhiều người Miến Điện nhớ đến vì ông này là người đưa bóng đá đến Xứ Miến. Nay nhiều người vẫn còn gọi khu chợ là chợ Scott. Tuy nhiên sau này được chính thức gọi tên Boyoke Aung San, có nghĩa tướng Aung San. Vị anh hùng và là cha của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi hiện nay. Hầu hết tất cả du khách đến Yangon đều được hướng dẫn đến thăm khu chợ này.
Khu lồng chợ khá cao. Trong chợ cách bố trí những gian hàng cũng không khác gì chợ Bến Thành ở Sài Gòn với những cửa hàng bán đủ loại  hàng mỹ nghệ chế tác bằng đá cẩm thạch Miến Điện, bằng gỗ, những cửa hiệu đồ trang sức vàng bạc, đá quí đặc trưng của Xứ Miến, cửa hàng thổ cẩm các dân tộc địa phương, cửa hàng bán đồ thủ công - mỹ nghệ địa phương…
Một chủ cửa hàng mỹ nghệ tại đó xưng tên là Thi Thi Win cho biết thu nhập quầy hàng của bà hồi năm rồi tăng đáng kể chủ yếu là bán hàng lưu niệm; chứ mặt hàng nữ trang đá quý chẳng mấy du khách mua.

000_Hkg8159959-250.jpg
Ngân hàng Kanbawza ở trung tâm thành phố Yangon, Miến Điện hôm 10-01-2013. AFP PHOTO / Soe hơn WIN.
Ông Myat Ngu Wah, chủ nhân một cửa hàng chuyên bán nữ trang chế tác bằng đá quí Miến Điện cho biết việc xin phép mở một quần hàng như của ông tại chợ Scott nay có phần dễ dãi hơn tuy nhiên vẫn chưa thông thoáng lắm như mong đợi của thành phần buôn bán tư nhân như ông.
Một chủ cửa hàng mỹ nghệ sơn mài không muốn nêu danh cho biết mỗi năm cửa hàng của ông đóng thuế cho chính phủ khoảng 180 ngàn kyat mà thôi.
Một điểm mà tất cả đều than phiền đối với chính quyền quân sự trước đây là chính sách tiền tệ cứng nhắc, không cho doanh nghiệp giữ đô la Mỹ mà buộc phải dùng đồng euro.

Cửa hàng Internet

Một dạng kinh doanh nhỏ khác từng xuất hiện trước thời kỳ cải tổ ở Miến nhưng trong những năm gần đây trở nên phát đạt hơn. Đó là những quán Internet mọc lên không chỉ ở ngay thành phố mà cả ở những vùng ngoại vi.
Chúng tôi không chọn vào tham qua một tiệm Net ở trung tâm Yangon mà đi xa khoảng 10 cây số khỏi thành phố này đến một quán Nét nhỏ. Gọi là quán vì diện tích chỉ chừng 24 mét vuông, với 12 máy tính. Tên gọi của quán là Aung Zan Htut. Chủ nhân là một thanh niên mới 22 tuổi. Anh cho biết không phải đến khi chính quyền tiến hành cải tổ anh mới kinh doanh dịch vụ này.
Quán Net của anh  mở cửa từ 8:30 sáng đến 10:30 tối. Hai anh em của anh thay nhau trông coi cửa hàng.
Do nhu cầu của những người sống trong khu  vực có thân nhân ra nước ngoài lao động. Việc liên lạc qua Internet trở nên cần thiết và phố biến. Anh cho hay khách hàng chủ yếu sử dụng dịch vụ của quán là để nói chuyện - chat qua Internet với thân nhân đang ở nước ngoài.
Khi đến quán, chúng tôi thấy những khách hàng chủ yếu là các phụ nữ trẻ tuổi đang say sưa nói chuyện qua mạng. Sau đó có hai phụ nữ dẫn theo con vào thuê máy.
Anh cho biết từ khi mở cửa đến nay hoạt động kinh doanh thuận lợi, có lãi dù tiền mướn nhà mỗi tháng cũng khá cao là 150 ngàn kyat. Anh cho chung tôi biết nội trong khu vực nhỏ bé của anh thôi còn có 5 quán net khác nữa; trong đó có hai quán số máy tính của mỗi nơi là 30 máy.

Trung tâm mua sắm

Đến với Yangon hiện nay, du khách còn có thể thấy những trung tâm mua sắm được mở ra ở những vị trí thuận tiện, rộng thoáng của thành phố.
Junction Square là một trung tâm mua sắm được nói lớn nhất ở thành phố Yangon. Chúng tôi đến với trung tâm này vào khoảng 4 giờ chiều ngày chủ nhật.
Ngay tại cửa vào cũng có bàn kiểm tra an ninh với thiết bị điện tử tự động như ở các sân bay và nhiều công sở quan trọng khác khắp nơi trên thế giới.
Khoảng sân trước của trung tâm mua sắm khá rộng rãi. Nhiều người đến mua sắm đi bằng ô tô hay taxi. Tuy nhiên số lượng không đông đúc như ở những trung tâm mua sắm tại những quốc gia trong khu vực như ở trung tâm Paragon của Thái Lan ngay tại Bangkok.
Chúng tôi bước vào và tay có mang theo máy quay phim. Một nhân viên an ninh đến ngay và ra dấu nói không được quay video trong trung tâm. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết là nhân viên an ninh yêu cầu trình báo cho ban quản lý trung tâm mới được quay phim. Sau đó chúng tôi được nhân viên an ninh dẫn lên tầng thứ ba cao nhất, nơi có văn phòng của ban quản lý. Cô quản lý đang bận làm việc với một người nước ngoài khác; yêu cầu chúng tôi chờ. Sau khi làm việc xong, cô này sang gặp chúng tôi, hỏi yêu cầu rồi đưa ra một tờ giấy khai báo; trên đó có tên, số hộ chiếu, bảo chúng tôi điền vào, ký tên rồi thu lại và đồng ý cho chúng tôi thu hình.
Trung tâm mua sắm này đã ra đời hai năm. Ngoài những gian hàng bán những sản phẩm của một số công ty là những quầy nhỏ của tư nhân. Những mặt hàng bày bán trong trung tâm mua sắm lớn đó của thành phố Yangon cũng không khác mấy những nơi khác: áo quần thời trang, giày dép, nữ trang, đá quí, đồ gia dụng, những mặt hàng phục vụ cho giới trung lưu thành phố như máy tập thể dục, gian trò chơi điện tử cho trẻ nhỏ…
Một số chủ nhân các quầy ở trung tâm mua sắm Junction Square đều từ chối nói chuyện về tình hình kinh doanh của họ tại đó. Thái độ e dè phổ biến đối với mọi người; cũng như chuyện phải khai báo để được thu hình.
Những người Miến Điện hiểu biết tình hình cho hay, trước đây vào khi Hoa Kỳ và các nước Phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt chính quyền quân sự Miến Điện, thì phía Trung Quốc âm thầm vào làm ăn ở xứ này và lợi nhuận thu về trong khoản thời gian đó không phải là ít.
Tuy vậy cơ hội tại một thị trường mới mở cửa theo chiều hướng dân chủ hóa như của Miến Điện được đánh giá là còn rất lớn.
Trên đường phố, trong số những sách được các tay bán sách dạo chào mời là Luật Đầu tư Nước ngoài, Luật Kinh doanh Xuất - Nhập - Khẩu. Những thứ đó dành cho các tập đoàn, đại công ty; trong khi những người kinh doanh nhỏ đều mong ước chính quyền có những qui định minh bạch, thông thoáng, chính sách tiền tệ linh hoạt để hoạt động kinh doanh của họ được thuận lợi.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/myanmar-changes-local-people-3-gm-01212013103309.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001