Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

TƯ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN BẢN KIẾN NGHỊ 2009 (10-19)

Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (10 & 11)
Mười tháng sau cuộc tọa đàm khoa học Giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác và chế biến quặng bauxite ở Đăk Nông, hội nghị khoa học thứ hai mang tên tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế – văn hóa xã hội và môi trường khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ do UBND tỉnh Đăk Nông, Tập đoàn TKV và Viện CODE cùng phối hợp tổ chức tại Đăk Nông trong hai ngày 22 và 23/10 năm 2008. Chúng tôi xin đăng lại tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc và Báo cáo tổng hợp kết quả cuộc tọa đàm này. 
Bauxite Việt Nam
 Chương trình Bauxite tại Tây Nguyên
và các vấn đề về văn hóa – xã hội
(Tham luận tại Hội thảo về Khai thác bauxite tại Gia Nghĩa -
Đak Nông – 23/10/ 2008)

Nhà văn Nguyên Ngọc 
Tôi không được dự Hội thảo về dự án khai thác và chế biến bauxite ở Đăk Nông hồi tháng 12 -2007, nhưng có tìm đọc lại các báo cáo chính của Hội thảo. Tại hội thảo ấy đã có một số đại biểu đã lưu ý đến các vấn đề xã hội và văn hóa liên quan đến dự án bauxite, song tôi nghĩ có lẽ còn chưa đủ, chưa nêu thật rõ tầm quan trọng của vấn đề này, chưa làm rõ nếu trong dự án to lớn này có chỗ cần cân nhắc thì điều cần cân nhắc nhất có thể chưa hẳn là chuyện môi trường mà trước hết và quan trọng hơn cả là chuyện xã hội – văn hóa, hoặc nói đúng hơn, chuyện môi trường cũng gắn chặt với chuyện xã hội – văn hóa, liên quan khắng khít với nhau (tôi sẽ xin nói rõ về điểm này hơn sau đây). Và đấy chính là một đặc điểm của xã hội Tây Nguyên, phải hết sức chú ý khi tính toán, giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nhỏ nào ở vùng này – huống nữa là trong mưu toan chuyện đại sự khổng lồ như chuyện bauxite chúng ta đang bàn đây. Rất tiếc là trước đây, trong hơn 30 năm qua, ta đã không chú ý đầy đủ chính vào điều này, để lại những hậu quả nặng nề, đến nay vẫn còn âm ỉ, thậm chí có thể nói chưa biết đến bao giờ và bằng cách nào gỡ ra được.
Là người từng hoạt động ở Tây Nguyên và gắn bó với vùng đất và người này hơn nửa thế kỷ qua, tôi hết sức băn khoăn với dự án bauxite Tây Nguyên, rất sợ rằng những toan tính vội vã và hời hợt của chúng ta sẽ làm cho tình hình đã nặng nề, đang còn nặng nề, sẽ trở nên trầm trọng hơn, đến mức không còn cứu vãn được nữa. Theo tôi, chúng ta đang đứng trước một quyết định mất còn. Và sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ, không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua, những bài học lớn, sâu và cay đắng 30 năm ấy còn để lại, sờ sờ ra đấy, rất có thể lại còn dạy ta lần nữa, nhiều lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước.
Bài học lớn ở Tây Nguyên hơn 30 năm qua là gì? Có thể nói vắn tắt và đơn giản thế này: sau năm 1975, chúng ta đã chủ trương và tiến hành những việc rất lớn ở Tây Nguyên: Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng vững chắc về an ninh và quốc phòng; Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước – và để thực hiện hai chủ trương chiến lược đó, đã tổ chức một cuộc đại di dân chưa từng có từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Chủ trương chiến lược đối với Tây Nguyên như vậy là đúng, nhưng biện pháp để thực hiện chủ trương đó, tăng cường lực lượng lao động cho Tây Nguyên bằng một cuộc đại di dân từ đồng bằng lên, với cường độ và tốc độ rất lớn, như đến nay đã chứng tỏ, chắc chắn là sai lầm lớn, thậm chí là sai lầm chiến lược như có người đã cảnh báo ngay từ lúc bấy giờ,  nhưng hoàn toàn không được nghe. Chúng ta đã hành động ở Tây Nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến chỗ đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt, thậm chí đặc biệt nhất trong cả nước, không giống bất cứ vùng nào khác, kể cả các vùng dân tộc phía bắc và phía nam. Thậm chí có thể nói không quá lời, chúng ta đã làm mọi việc ở Tây Nguyên như là trên một vùng đất không người, không hề biết, không hề quan tâm đến những điều cơ bản và sơ đẳng nhất của vùng đất và người rất đặc trưng này. Không hề quan tâm đến lịch sử rất đặc biệt của Tây Nguyên. (Chẳng hạn có ai biết Tây Nguyên chính thức thuộc về ViệtNamtừ khi nào? Các dân tộc Tây Nguyên đã đến và gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ bao giờ, bằng những con đường nào, có những điểm nào trên con đường đó để lại ảnh hưởng sâu xa trong sự gắn bó ấy? Từng dân tộc ở Tây Nguyên, như dân tộc Mơ Nông ở Đăk Nông đây, có những đặc điểm gì về lịch sử, về truyền thống, về tính cách, v.v.). Rồi tổ chức xã hội cổ truyền của Tây Nguyên ra sao đã khiến cho Tây Nguyên tồn tại bền vững qua mọi thử thách hàng nghìn năm nay, kể cả thử thách vô cùng khắc nghiệt của hai cuộc chiến tranh trong thời hiện đại, và còn ảnh hưởng rất sâu đậm cho đến tận ngày nay; những việc làm của chúng ta hiện nay tác động tốt xấu như thế nào đến cơ cấu tổ chức xã hội đã từng tỏ ra rất hiệu lực đó. Đặc điểm của các dân tộc và từng dân tộc ở Tây Nguyên, mối quan hệ giữa họ với nhau và với các dân tộc bên cạnh. Có đại biểu đã nêu rõ rằng những vấn đề tự nhiên và môi trường ở Tây Nguyên, ở Đăk Nông, là có tính chất “liên quốc gia”, rất đúng như vậy. Tôi xin nói thêm: vấn đề dân tộc ở đây cũng có tính chất liên quốc gia, hẳn chúng ta đều biết quá rõ và chắc chắn không thể coi thường khía cạnh rất nhạy cảm này. Và vấn đề cốt tử hàng đầu của mọi xã hội nông nghiệp là vấn đề đất đai, quyền sở hữu đất đai; có ai đã để tâm nghiên cứu vấn đề đất đai và quyền sở hữu đất đai ở Tây Nguyên xưa và nay ra sao? Trong những năm qua đã biến đổi như thế nào? Đang để lại những bài toán nào khiến chúng ta còn phải rất đau đầu tìm cách giải quyết (mà hầu như chưa thật sự có đường ra). Có một số tác giả đã có những công trình công phu và rất có trách nhiệm về đề tài vừa cơ bản vừa nóng hổi này, nhưng theo chỗ tôi được biết các công trình đó đều bị xếp kín vào tủ, không một người có trách nhiệm từ cấp cao nhất đến người thực hiện cụ thể ở cơ sở tại Tây Nguyên quan tâm, thậm chí liếc mắt nhìn qua. Hôm nay tôi xin được nói rõ lại một số điều chính các tác giả ấy đã nói rồi mà bị bỏ ngoài tai. Ở Tây Nguyên đất tức là rừng, và từ xưa, ở Tây Nguyên không có đất và rừng vô chủ. Rừng núi mênh mông vậy nhưng đều có chủ rất rõ rệt và cụ thể. Người chủ tuyệt đối đó là các làng, từng làng, đất và rừng của từng làng có ranh giới hết sức rành mạch, là thiêng liêng, của tổ tiên ngàn đời trao lại, của “Thần linh” ban cho làng, được ghi rất chặt chẽ trong luật tục, không ai được xâm phạm hay làm ô uế. Các nhà khoa học gọi đây là “quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng”. Quyền sở hữu đó là cơ sở, là nền tảng vật chất và kinh tế của tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên là làng. Làng và rừng của làng, từng làng, là “không gian gian xã hội” hay “không gian sinh tồn” của con người ở đây, nghĩa là khi không gian gian ấy bị xâm phạm, bị biến dạng, bị mất đi, thì con người không còn sinh tồn, nói nôm na là không còn sống được nữa. Mất nền tảng ấy thì làng tan, văn hóa tan, con người trở nên bơ vơ, lạc lõng, tha hóa, bởi văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng, văn hóa rừng, con người Tây Nguyên là con người của làng, của rừng. Và như thế xã hội tất rối loạn… 30 năm qua chúng ta đã xử trí như thế nào đối với đất và rừng ở Tây Nguyên? Chúng ta coi đấy là đất và rừng giữa trời, vô chủ, hết sức thản nhiên lấy đi hàng triệu hecta đất và rừng của các làng, từng làng, dửng dưng giao cho các đơn vị bộ đội, các Liên hiệp xí nghiệp nông lâm công nghiệp, rồi các nông trường, lâm trường, những tác nhân phá rừng lừng danh, và giao cho hàng triệu người di cư từ nơi khác đến, cũng là tác nhân phá rừng kinh khủng không kém (rồi ta đi vu cáo cho đồng bào dân tộc tại chỗ làm rẫy phá rừng, điều nếu quả họ đã làm thì họ đã bị tiêu diệt mất hàng vạn năm nay rồi!). Làng bị tước đi, cướp đi đất và rừng của mình, vỡ nát, tan rã. Có thể nói không quá đáng, ở Tây Nguyên ngày nay có hiện tượng một xã hội đang tan rã.
Tôi biết tôi nói ra những điều trên đây là không có gì mới, chắc mỗi người trong chúng ta có nói thẳng ra hay không đều biết, hoặc ít ra đều cảm thấy rồi. Nhưng tôi muốn nói lại những điều đó ở đây để thử đặt lại câu hỏi: trên hơn 2/3 diện tích của tỉnh Đăk Nông mà ta sẽ chặt trụi, cạo sạch đi hết rừng, rồi đào bới lên để lấy bauxite, trên cái diện tích không hề nhỏ ấy vốn có bao nhiêu rừng và đất của bao nhiêu làng Mnông, sự tan vỡ của các làng Mnông ngàn đời ấy sẽ đưa lại hậu quả gì? Liệu chúng ta có phải chờ đợi một tình hình bất ổn mới, như đã diễn ra nhiều năm qua trên cao nguyên này, lần này có thể còn nặng nề hơn, vì nhiều lý do: việc mất đất, mất rừng của dân tộc bản địa lần này rộng lớn hơn, tập trung hơn, dữ dội hơn, tính chất xuyên biên giới rõ rệt và phức tạp hơn, và lại có yếu tố nước ngoài, một yếu tố nước ngoài không hề đơn giản, đã cắm được vào tận đây thì không dễ, không biết bao giờ mới nhổ đi được, di hại không biết đến bao giờ, điều chắc chắn ai cũng biết, dù vì lý do này khác có nói ra hay không. Tôi nghĩ cần phải nói ra điều đó, hôm nay, nếu không thì sẽ là vô trách nhiệm, với đất nước, với lịch sử…
Quả thật có một câu hỏi nóng bỏng đối những ai từng yêu mến, gắn bó, và cả mắc nợ nữa, mảnh đất và con người ở đây, câu hỏi: người Mnông, chủ nhân ngàn đời của Đăk Nông này sẽ đi đâu, sẽ ra sao đây? Những điều chúng ta, những người chủ trương dự án, những nhà đầu tư và thực thi dự án hứa với đồng bào Mnông, với các làng Mnông, những làng từng sống chết ngàn đời ở đây, những lời hứa đó có bao nhiêu căn cứ? Bao nhiêu khả năng hiện thực? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu đó chỉ là lời hứa cho xong chuyện, cho được việc hôm nay, vì những quyền lợi cấp thời bây giờ?
Tôi có nghe ý kiến nói rằng Tây Nguyên còn đến hai triệu hecta rừng, rừng mất vì khai khoáng ở Đăk Nông là không đáng kể, và đấy cũng là vùng không có rừng, nên chẳng ảnh hưởng gì! Theo tôi con số hai triệu hecta rừng là một con số ma. Trong chiến tranh chống Pháp tôi từng có hoạt động ở vùng Đăk Mil, chúng tôi tồn tại được thời bấy giờ là do được rừng đại ngàn che chở. Nay rừng đã bị phá rất nhiều, đến gần hết, chúng ta muốn tiếp tục sa mạc hóa hoàn toàn vùng này chăng? Cũng không thể không nói thật rằng cái gọi là kế hoạch hoàn thổ sau khi đã cạo sạch rừng, bóc đi từ 1 mét đến 1,5 mét đất cho đến quặng, rồi tiếp tục moi đến hàng chục mét nữa để vét hết quặng, rồi lấp lại, trồng rừng lên, lập lại làng, khôi phục lại cuộc sống cho dân… là một sự nói chơi, nói đùa cho vui, nếu không phải là nói cho được việc trước mắt. Mùa mưa rừng Tây Nguyên, ai từng ở đây hẳn đều biết, dữ dội như thế nào, lại trên đất Đăk Nông cao trên 800 mét và dốc đến 25°, hoàn thổ thế nào kịp trước mùa mưa? Sẽ là một cuộc cạo sạch vĩnh viễn và khai thác tàn phá có tính tiêu diệt không hơn không kém, chắc chắn sẽ để lại một hoang mạc, như nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, không chỉ ở đây, mà còn ở cả một vùng rộng lớn Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Gần đây chúng ta nói đến tai họa Vedan. Tai họa do chất thải độc từ khai thác bauxite ở trên độ cao và dốc như Đăk Nông chắc chắn còn gấp trăm lần tai họa Vedan… Và rồi những người Mơ Nông bản địa bị thu hồi đất sẽ đi đâu, tái định cư như thế nào, làm gì ở vùng đất mới của họ, và họ đứng đâu, làm gì trong các nhà máy hiện đại của chúng ta? Kinh nghiệm suốt hơn 30 năm qua cho thấy, trong những dự án quy mô nhỏ hơn, ít hiện đại hơn nhiều, chưa đâu thành công trong việc đưa người bản địa trở thành những công nhân hiện đại trong các cơ sở kinh tế công nghiệp hiện đại. Hầu như chắc chắn họ chỉ còn hai con đường: lui vào rừng ngày càng sâu, bị bần cùng hóa tột độ, ngày càng khốn khổ và bế tắc; hoặc ở lại và trở thành người làm thuê đơn giản cho những người nơi khác đến, tức người Kinh (và 26.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật như kế hoạch dự kiến sẽ đưa lên đây) và cả những người nước ngoài mà chúng ta không hề mong muốn. Bị đẩy vào tình cảnh tất yếu đó, hoặc họ sẽ là một dân tộc bị suy tàn, mai một, hoặc họ sẽ có phản ứng không thể lường. Trong tình hình đó những cơ sở khai khoáng hoành tráng và những nhà máy huy hoàng của chúng ta có thể bảo đảm an toàn chăng?…
Các nhà khoa học đã phác ra bức tranh phải nói là khá đen tối về môi trường. Tôi xin thử hình dung bức tranh xã hội. Và muốn nói thêm rằng rõ ràng như vậy ở đây vấn đề môi trường cũng là vấn đề xã hội, là vấn đề dân tộc, và đã là vấn đề dân tộc thì chớ coi thường. Như chúng ta đều biết tôn giáo và dân tộc là hai vấn đề lâu dài nhất, khó nhất, thậm chí vĩnh viễn của thế giới, và cũng là của từng quốc gia.
Chúng ta đang đứng trước một vấn đề như vậy ở đây, hôm nay.
Quả thật nếu cứ một mực dấn tới, tôi không thấy có đường ra. Tôi là một người lính, từng trải qua chiến tranh. Tôi biết trong chiến tranh có một kinh nghiệm thoạt nghe hơi lạ: Quyết định nổ súng, mở đầu một trận đánh, một chiến dịch là rất khó. Đã chuẩn bị đầy đủ chưa? Đã rà soát chu đáo hết mọi chi tiết nhỏ nhất chưa? Còn sơ sót nào không, mà mỗi sơ sót nhỏ nhất đều là xương máu, thậm chí thất bại đau đớn?… Rất khó. Nhưng quyết định chấm dứt một trận đánh, một chiến dịch lại càng khó hơn. Trong khi tất cả đang hăng hái, hừng hực lao lên, mà dám sáng suốt nhận ra những bất lợi đang hé lộ chưa thật rõ, song có thể sẽ là chí tử, hiểu rằng nên dừng lại đi, lao lên thêm chút nữa là đang thắng có thể chuyển ngay thành bại, thảm hại, dám dũng cảm quyết đoán dừng lại, rút lui. Một sự anh minh và dũng cảm còn hơn cả khi quyết định nổ súng.
Tôi có cảm giác hiện nay chúng ta đang đứng trước một tình huống như vậy ở Đăk Nông này. Có quá nhiều hiểm nguy có thể đưa đến thảm họa từ một quyết đoán hời hợt.
Trong các báo cáo ở Hội thảo tháng 12-2007, tôi đặc biệt chú ý, có ấn tượng sâu đối với báo cáo của tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, theo tôi là một nghiên cứu có cơ sở khoa học, có biện luận thuyết phục, được cân nhắc thận trọng, và quan trọng hơn nữa, hết sức có trách nhiệm. Tôi tán thành những kiến nghị cuối cùng của tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, và trong ba kiến nghị cụ thể: (1) Sớm chấm dứt các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên; (2) Tăng cường đầu tư cho cây công nghiệp ở Tây Nguyên (thực ra sức chịu đựng cây công nghiệp ở Tây Nguyên cũng là có hạn, không phải vô tận, tăng cường đầu tư ở đây hẳn nên chú trọng chất hơn lượng – cà phê của ta nhiều nhưng chế biến kém, giá thấp …), tôi rất chú ý kiến nghị thứ ba: Thành lập Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế ở Tây Nguyên. Tôi đề nghị nên nói rõ thêm: Thành lập Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên, thậm chí có thể đảo ngược thứ tự ưu tiên lại: Không phải Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội, mà là Ủy ban Quốc gia về phát triển xã hội – kinh tế. Hơn ở đâu hết, ở Tây Nguyên vấn đề xã hội – văn hóa là vấn đề hàng đầu, các toan tính lớn nhỏ về kinh tế đều phải phụ thuộc vào những cân nhắc chặt chẽ, thận trọng nhất về văn hóa xã hội để giữ yên sự bền vững trên vùng đất đã quá nóng này. Cho Đăk Nông, cho Tây Nguyên, và cho cả nước.
N. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 Báo cáo hội thảo
 TÌM KIẾM GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC DO KHAI THÁC, CHẾ BIẾN QUẶNG BAUXIT, SẢN XUẤT ALUMIN VÀ LUYỆN NHÔM ĐẾN KINH TẾ – VĂN HÓA
XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC TÂY NGUYÊN
VÀ NAM TRUNG BỘ
Gia Nghĩa, ngày 22 – 23/10 năm 2008 
 
 Đăk Nông, tháng 11 năm 2008

I.                 BỐI CẢNH

Bô xít là khoáng sản kim loại phổ biến trên bề mặt trái đất và là một  trong những nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn của ViệtNam. Để khai thác nguồn tiềm năng này, ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025; theo đó quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tiềm năng bô xit gồm 2 vùng: vùng khai thác, chế biến quy mô vừa và nhỏ nằm ở các tỉnh phía Bắc và ven biển miền Trung; và vùng khai thác, sản xuất quy mô công nghiệp nằm chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên với 8 nhà máy, tổ hợp khai thác chế biến bô xit, sử dụng nguồn quặng từ 20 vùng mỏ, phân bố chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Ngoài những lợi ích kinh tế do khai thác nguồn tài nguyên này có thể mang lại, việc khai thác bô xít cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức và tồn tại liên quan đến môi trường, sinh thái, văn hóa và xã hội vùng khai thác, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn như hoàn thổ phục hồi môi trường, xử lý chất thải trong quá trình khai thác chế biến và ổn định đời sống cộng đồng dân cư vùng khai thác khoáng sản. Đặc biệt vấn đề chất thải bùn đỏ bởi cho đến nay trên Thế giới vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đối với Việt Nam, tiềm năng tài nguyên bô xít mới chỉ là điều kiện cần trong khi chưa có kinh nghiệm, chưa có công nghệ, thiếu nguồn nhân lực cũng như các điều kiện về cơ sở hạ tầng, các hoá chất, trình độ quản lý bảo vệ môi trường đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành công nghiệp này.
Với những lợi thế và khó khăn nêu trên nên việc khai thác tiềm năng bô xit khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua đã trở thành một trong những vấn đề có tính thời sự được nhiều cơ quan ban ngành và các tổ chức xã hội quan tâm phản ánh. Bên cạnh những ý kiến đánh giá tích cực, dư luận xã hội cũng còn nhiều băn khoăn, trăn trở về những nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa, xã hội đối với vùng có tính đặc thù như Tây Nguyên và các vùng khác có liên quan khi khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên khoáng sản bô xít. Nhận thức được vấn đề này, ngày 14/12/2007 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đăk Nông phối hợp với Viện Tư vấn  phát triển (CODE) và Tạp chí doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DNĐTNN) đã tổ chức tọa đàm khoa học “Giảm thiểu tác động tiêu cực trong khai thác và chế biến quặng bô xít ở Đăk Nông”.
Tại cuộc tọa đàm này, nhiều vấn đề liên quan về chương trình bô xít như các tác động tiêu cực về môi trường, văn hóa, xã hội đã được nêu ra. Tuy nhiên, do tính phức tạp của vấn đề nên các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý liên quan của tỉnh Đăk Nông đã thống nhất mời Tập đoàn Công nghệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tham gia đồng tổ chức một hội thảo khoa học quy mô lớn hơn với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương liên quan để có nhìn nhận rõ hơn về tổng thể tiềm năng và những vấn đề đặt ra khi thực hiện chương trình khai thác, chế biến quặng bô xít ở Tây Nguyên.
Thực hiện kế hoạch này, ngày 22 – 23/10/2008 tại Thị xã Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đăk Nông, Tập đòan TKV và Viện CODE cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Tìm kiếm giải pháp giảm thiếu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ” nhằm có được nhiều ý kiến thảo luận sâu hơn, đa chiều hơn về tiềm năng, lợi thế; những nguy cơ và tác tác động của chương trình này, để từ đó tìm kiếm các giải pháp giảm thiếu tác động bất lợi của quá trình khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh liên quan. 

II.              KẾT QUẢ THẢO LUẬN

Hội thảo “Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai  thác, chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ” thu hút được sự quan tâm của hơn 160 đại biểu tham gia thảo luận, phân tích các vấn đề liên quan dưới nhiều góc độ khác nhau: từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; nhà khoa học (các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học); chuyên gia (môi trường, kinh tế, xã hội); doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đang xúc tiến đầu tư khai thác, chế biến quặng bô xít ở Tây Nguyên; cộng đồng địa phương và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Sau phát biểu khai mạc, đề dẫn của lãnh đạo 3 đơn vị đồng tổ chức, 11 báo cáo khoa học và 18 ý kiến đóng góp, phản biện của đại biểu đã tạo ra không khí tranh luận sôi nổi suốt 2 ngày hội thảo. Tựu chung, được tổng hợp theo 3 nhóm chủ đề sau đây:
  1. Tiềm năng tài nguyên bô xít ViệtNamvà chương trình khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm của Tập đoàn TKV;
  2. Cảnh báo nguy cơ tác động bất lợi đối với kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường khi khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm;
  3. Tìm kiếm, đề xuất các giải pháp hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu tác động bất lợi do khai thác chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm.

II.1. Tiềm năng và chương trình khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm của Tập đoàn TKV

Theo kết quả điều tra thăm dò địa chất, các mỏ, các điểm quặng bô xít ở Việt Nam có phân bố rất rộng từ Bắc vào Nam, với trữ lượng thăm dò địa chất ước đạt 5,5 tỷ tấn quặng nguyên khai, tương đương với 2,4 tỷ tấn quặng tinh (trong đó trữ lượng cấp tìm kiếm thăm dò là 2,0 tỷ tấn, tài nguyên dự báo là 0,4 tỷ tấn)[1], tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên (91,4%), trong đó vùng Đăk Nông 1,44 tỷ tấn, Lâm Đồng 0,463 tỷ tấn, Gia Lai-Kon Tum 0,285 tỷ tấn.
Công nghiệp khai thác bô xít ở ViệtNamtừ trước đến nay nói chung còn nhỏ bé. Ở miền Bắc trong thời kỳ Pháp thuộc, chỉ khai thác bô xít ở mỏ Lỗ Sơn (Hải Dương) với sản lượng khoảng 36 nghìn tấn / năm. Sau hoà bình lập lại, hàng năm mỏ này vẫn tiếp tục được khai thác nhưng khối lượng không đáng kể. Ngoài ra một số mỏ ở Lạng Sơn, Cao Bằng cũng được khai thác thủ công, cung cấp nguyên liệu cho một số nhà máy sản xuất xi măng (như Hoàng Thạch) hoặc bán sang thị trường Trung Quốc. Ở miền Nam, năm 1977 mỏ Đồi Nam Phương (Lâm Đồng) đã được chính thức đưa vào khai thác với công suất thiết kế khoảng 10 nghìn tấn tinh quặng/năm để cung cấp cho nhà máy sản xuất phèn chua COPHATA (nay là nhà máy hoá chất Tân Bình – TP Hồ Chí Minh). Hiện nay xí nghiệp khai thác, tuyển khoáng vẫn tiếp tục hoạt động, cung ứng nguyên liệu để sản xuất phèn chua và nhôm hydroxit. Công nghệ khai thác, vận chuyển sử dụng chủ yếu là máy xúc, ô tô. Công tác bảo vệ và phục hồi môi trường chưa được quan tâm đúng mức đã được dư luận phản ánh.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Thanh Liêm[2] về tổng quan tiềm năng và quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác, chế biến sử dụng quặng bô xít thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng bô xít lớn; công nghiệp bô xít – nhôm đã và đang nhận được sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - TKV
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm – TKV

Để thực hiện các dự án tổ hợp bô xít – alumin ở Tây Nguyên, TKV đã xây dựng định hướng phát triển quy trình, công nghệ, mô hình khai thác quặng bô xít, chế biến và sản xuất alumin và nhôm kim loại. Theo trình bày của TS.Nguyễn Chí Quang (cố vấn Chủ tịch HĐQT tập đòan TKV) thì nguyên tắc chung phát triển và chuyển giao công nghệ mà TKV hướng tới là thay đổi mô hình và công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng và thương mại theo hướng sạch hơn và thân thiện với môi trường. Dựa trên cơ sở sử dụng tiết kiệm tài nguyên bô xít, giảm tối đa các tác động của chất thải đến môi trường, thiết lập và duy trì hành vi của doanh nghiệp và xã hội một cách hài hòa, có trách nhiệm. Do ViệtNamchưa có kinh nghiệm và công nghệ công nghiệp nhôm, vì vậy TKV sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp của các đối tác nước ngoài có điều kiện xử lý, giảm thiếu các tác động bất lợi đối môi trường, xã hội. Quy trình công nghệ khai thác, chế biến quặng bô xít TKV định hướng tóm tắt như sau:
Vấn đề này được thể hiện tại các văn bản như Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010; Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 về quy hoạch các dự án bô xít – alumin – nhôm tại Tây Nguyên và dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và đặc biệt là quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 về quy hoạch phân vùng, thăm dò khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ…

Theo quy hoạch, Tây Nguyên được xác định là vùng khai thác chế biến quặng bô xít quy mô công nghiệp với 7 nhà máy Alumin, 2 nhà máy điện phân nhôm, 2 nhà máy hydroxit nhôm, 1 đường sắt khổ đôi dài 270km, rộng 1,43m từ Đăk Nông đến Bình Thuận và 1 cảng biển chuyên dụng công suất 20 – 25 triệu tấn tại Bình Thuận. Mục tiêu đến năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất từ 6,0-8,5 triệu tấn alumin, 0,2-0,4 triệu tấn nhôm mỗi năm và đến năm 2025 sản xuất 12-18 triệu tấn alumin mỗi năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án này khoảng hơn 227 nghìn tỷ đồng.
-         Quy trình chung về công nghệ khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên: Chuẩn bị khai thác – khai thác và hoàn nguyên – tuyển quặng – luyện alumin – vận tải đường sắt – cảng biển xuất khẩu;
TS. Nguyễn Chí Quang, cố vấn Chủ tịch HĐQT - TKV
TS. Nguyễn Chí Quang, cố vấn Chủ tịch HĐQT – TKV
-         Quy trình xử lý bùn thải (từ*): Bùn thải – Rửa bùn – Hồ chứa bùn thải (quá trình làm khô) và xử lý nước thải (dùng nước biển) – Nước công nghiệp được tái sử dụng.Mô hình quản lý công nghệ khai thác mỏ: Thiết lập 3 vùng trong khu vực khai thác gồm vùng lõi (vùng chuẩn bị và khai thác), vùng đệm (khu lưu giữ đất phủ) và vùng hoàn nguyên, tái tạo giá trị sau khai thác. Tiến trình thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu hoàn nguyên, phục hồi môi trường đến đấy: Dọn mặt bằng – khoan nổ mìn – San gạt đất bóc – Xúc và vận chuyển đất bóc – Khai thác quặng – Vận chuyển quặng – Khôi phục địa hình – Hoàn trả lại lớp đất mặt – Cải  tạo đất và trồng cây.
-         Quy trình sản xuất alumin: Quặng bô xít qua tuyển – Nghiền – Hòa tách (dùng hơi nước) – Pha loãng – Lắng tách bùn (*) – Lọc bùn – Kết tủa – Phân cấp hạt – Rửa hydrat – Nung – sản phẩm alumin – kho chứa và vận chuyển.
-         Công nghệ điện phân nhôm: Alumin (và các nguyên liệu, nhiên liệu) – Bể điện phân nhôm – Nhôm kim loại – gia công các sản phẩm từ nhôm. Để sản xuất 1 tấn nhôm kim loại cần khoảng 15,6MWh điện và phát thải 11 tấn CO2.
Công nghệ xử lý bùn đỏ: Để chứa bùn đỏ, sẽ tận dụng các thung lũng để xây dựng hồ chứa với quy trình xử lý chống thấm nghiêm ngặt ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước ngầm. Các hồ chứa bùn đỏ sẽ phân thành 3 khu theo quá trình xử lý là bãi thải chứa bùn (vùng bùn), khu vực tách nước (vùng khô) và hồ trung hòa (vùng nước). Khi bùn đỏ khô chuyển đi và vòng tuần hoàn của bãi thải bùn đỏ lại bắt đầu. Các nghiên cứu xử lý bùn đỏ trên thế giới đều hướng tới nhằm mục đích từ thải bỏ đến tiêu hủy an tòan và tận dụng thành phần có ích bao gồm:
-         Xử lý – tồn trữ: Chỉnh pH (theo phương pháp rửa, trung hòa) – Tách lỏng (lắng với chất trợ keo tụ, lọc ép) – Đóng rắn (phụ gia là  than hay hóa chất) – Ổn định;
-         Xử lý tiêu hủy: Phân hủy sinh học hoặc đốt tận dụng năng lượng (trộn với than và ép thành bánh làm nhiên nhiệu);
-         Xử lý tận dụng: Dùng để canh tác nông nghiệp (làm đất trồng  cây nông nghiệp), sản xuất vật liệu xây dựng, thu hồi kim loại quí, tận dụng sản xuất chất keo tụ, ứng dụng trực tiếp trong công nghệ môi trường…
Về quy trình công nghệ xử lý chất thải trong quá trình sản xuất alumin, TS.Nguyễn Chí Quang cho biết do alumin nặng hơn xi măng nên phát bụi ít hơn các nhà máy xi măng. Sản xuất alumin sẽ thải ra bùn đỏ có tính kiềm. Một số quy trình công nghệ (Bauxsol) dự kiến sử dụng nước biển để xử lý nhằm giảm độ kiềm và các chất độc hại (các loại tảo có trong nước biển có tác dụng hấp thu các kim loại nặng). Tập đoàn TKV dự kiến, nếu phương án này có thể áp dụng sẽ chuyển nước biển lên Tây Nguyên tận dụng chiều đi lên của đường sắt sau khi vận chuyển alumin xuống cảng biển.
Trên cơ sở áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại và những bài học kinh nghiệm từ các nền sản xuất bô xít tiên tiến của nước ngòai, TKV cho rằng việc khống chế và kiểm sóat nguy cơ phát tán các chất độc hại, bùn thải trong quá trình khai thác chế biến vào môi trường là hoàn toàn có thể thực hiện được. Với điều kiện đặc thù ở Tây Nguyên, định hướng về công nghệ của TKV là sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trên nguyên tắc sử dụng công nghệ khai thác và hoàn nguyên cùng song hành với nhau ngay từ đầu, giải quyết hài hòa giữa công nghệ và môi trường. Tiêu chí đầu tư phát triển của TKV không vì mục tiêu tối đa lợi nhuận mà tạo cơ hội phát triển đảm bảo lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, tạo nhiều việc làm và ổn định sinh kế cho cộng đồng.…
Cùng quan điểm với TKV, ông David McCraken đại diện Tập đoàn BHP Billiton (Anh – Úc) khẳng định chiến lược đầu tư khai thác bô xít của tập đoàn là hướng tới phát triển bền vững theo nguyên tắc cơ bản “tổn hại bằng không”, nghĩa là không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho con người và môi trường, thực hiện nghiêm ngặt quy trình giám sát và quản lý rủi ro, đầu tư khai thác khoáng sản song hành với tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương và thực hiện trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn cam kết tuân thủ nguyên tắc về đạo đức kinh doanh và tính trung thực, công bằng trong tuyển dụng và tôn trọng pháp luật địa phương…Với kinh nghiệm lâu đời và triển khai nhiều dự án ở các nước đang phát triển giống như Việt Nam, Tập đoàn BHP Billiton tự tin thực hiện tốt ở Việt Nam, đồng hành cùng lợi ích của xã hội và cộng đồng trên cơ sở tiếp cận một cách toàn diện để có được dự án tối ưu.

Đại diện Tập đòan BHP Billiton
Đại diện Tập đòan BHP Billiton
Trước những trình bày, phân tích và đánh giá về khả năng khống chế, kiểm soát tác động bất lợi đối với môi trường, kinh tế, văn hóa và xã hội vùng Tây Nguyên khi triển khai chương trình khai thác quặng bô xít của TKV và đối tác nước ngoài, nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo đã không đồng tình với quan điểm này và đã có những ý kiến phản biện, tranh luận về tính khả thi, những nguy cơ, tồn tại và các hạn chế của chương trình.
Cũng như tại tọa đàm khoa học tháng 12/2007, tại hội thảo này, một lần nữa các nhà khoa học đều đánh giá quy hoạch công nghiệp nhôm của Việt Nam quá nhiều tham vọng, chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ càng. Chương trình có quá nhiều dự án và nhiều bất cập chưa được tính đến. Điều này được thể hiện khi chương trình chưa lượng hóa được bao nhiêu đất phải chiếm dụng, bao nhiêu diện tích rừng và đa dạng sinh học có nguy cơ bị phá hủy, bao nhiêu hộ dân bị di dời và ảnh hưởng…
Trước hết, chương trình quy hoạch khai thác chế biến quặng bô xít được xây dựng trong điều kiện tiềm năng trữ lượng quăng bô xít chưa được điều tra đánh giá đúng mức, số liệu không thống nhất, điều tra địa chất chưa đạt yêu cầu. Việc phát triển các dự án bô xít của Tập đoàn TKV hiện nay chỉ thể hiện quyết tâm, trong khi các nguồn lực cần thiết như nhân lực, vốn, kinh nghiệm và công nghệ về bô xít gần như chưa có. Theo kế hoạch, từ chỗ chưa có gì nhưng chỉ trong vòng 10 – 15 năm, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có vị trí quan trọng trong công nghiệp bô xít-nhôm, cụ thể là số dự án bô xít – alumin của Việt Nam chiếm 27% tổng số dự án và 20% sản lượng alumin của thế giới[3]. Các ý kiến tranh luận cho rằng chương trình này đang đứng trước những nguy cơ và thách thức chưa lường tính hết được, bao gồm:
(i) Sự không cân đối giữa đầu vào và đầu ra của các dự án. Các dự án sản xuất alumin lên tới 12 – 18 triệu tấn/năm nhưng các dự án luyện nhôm kim loại chỉ có công suất từ 0,2-0,4 triệu tấn/năm;
(ii) Các dự án triển khai ở vùng rất nhạy cảm về môi trường xã hội như Tây Nguyên nhưng chưa có nghiên cứu và thử nghiệm trước;
(iii) Các dự án tuyển quặng bô xít cần rất nhiều nước nhưng lại được triển khai ở vùng khan hiếm nước về mùa khô cho phát triển các cây công nghiệp và đời sống nhân dân;
(iv) Các dự án nhôm có nhu cầu tiêu thụ điện rất lớn trong khi ViệtNamđang thiếu điện và sẽ không có nguồn thủy điện rẻ tiền để đảm bảo cho các dự án nhôm;
(v) Thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho lưu thông sản phẩm như đường sắt, cảng biển…
Quan điểm chung của các ý kiến tranh luận cho rằng bôxit (kể cả nhôm) là thứ khoáng sản được con người biết đến, nhưng chưa bao giờ là nguyên liệu sống còn của đời sống công nghiệp thế giới. Cuộc đụng chạm tác động vào Tây nguyên quá lớn như vậy mà chưa tính toán được những cái được và mất một cách toàn cục sẽ là điều vô cùng mạo hiểm. Theo đánh giá của TS.Trương Văn Tấn[4] các dự án bô xít theo quy hoạch này là những dự án lớn mang tầm chiến lược quốc gia nhưng Tập đòan TKV đã bỏ qua rất nhiều bước khảo sát, thẩm định cần thiết, đặc biệt là các yếu tố kinh tế xã hội.
Chương trình bôxit ở Tây nguyên đang thực hiện bộc lộ một nhược điểm rất rõ trong công tác quy hoạch tổng thể của Việt Nam đó là có quá nhiều chương trình triển khai nhưng mỗi ngành đều xây dựng kế hoạch cho riêng mình, ít quan tấm đến vấn đề phối hợp lồng ghép với nhau để nâng cao hiệu quả và tính khả thi. Tình trạng chung của Việt Nam thời gian qua và hiện nay là dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên để xuất thô (hoặc sơ chế), chưa chú trọng đến chế biến tinh, chẳng hạn như chương trình bô xít theo kế hoạch mới chỉ chú trọng đến công đoạn sản xuất alumin, chưa đủ điều kiện để luyện nhôm vì thiếu điện. Nhiều ý kiến thảo luận nhận định, chương trình khai thác bô xít này có tầm vóc lớn, liên quan đến nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu làm rõ. PGs.TS Trần Đình Thiên – Quyền viện trưởng Viện kinh tế ViệtNamđánh giá chương trình bô xít là siêu dự án, với nhiều vấn đề vượt quá tầm giải quyết của nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Chương trình quá nhiều tham vọng đối với ngành khoáng sản, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức tác động đến nhiều vấn đề của Tây Nguyên. Nếu thực hiện như kế hoạch đưa ra, dự báo dễ thấy sẽ xảy ra một cuộc tranh chấp về tài nguyên như đất đai, tài nguyên rừng và nguồn nước chưa từng có ở Tây. Nhấn mạnh về những nguy cơ tổng thể khi triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên, ông Cư Hòa Vần (Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng khai thác bô xít trên Tây Nguyên, đặc biệt với việc khai thác dàn trải trên 2/3 diện tích của tỉnh Đăk Nông sẽ liên quan đến nhiều vấn đề như kinh tế xã hội, môi trường sinh thái, an ninh chính trị và nguy cơ xáo trộn trật tự xã hội.
ThS.Lê Quang Trung, Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam
ThS.Lê Quang Trung, Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam

Bô xít là ngành công nghiệp mới đối với Việt Nam, bản thân Tập đòan TKV cũng chưa có nhiều kinh nghiệm cả lý thuyết lẫn thực hành, đặc biệt chưa có quy trình công nghệ xuyên suốt từ thăm dò, khai thác phục hồi môi trường đến sản xuất alumin, xử lý bùn thải và điện phân nhôm, tất cả đều phải dựa vào nước ngoài. Nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý Trung ương và địa phương và thậm chí cả một số chuyên gia của Tập đòan TKV cũng tỏ ra băn khoăn lo lắng về vấn đề này.
Phản biện ý kiến tham luận về mục tiêu chiến lược và nguyên tắc đầu tư khai thác khoáng sản của ông David McCraken đại diện Tập đòan BHP Billiton (Anh – Úc) và định hướng công nghệ khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin của TKV, ThS.Lê Quang Trung[5] cho rằng phương án khai thác bô xít đang đưa đến cho nhân dân cả nước và đồng bào Tây Nguyên một bức tranh sai lệch về hiệu quả của chương trình, và đặc biệt nhầm lẫn khái niệm về sinh kế bền vững và lợi ích cộng đồng trong phát triển bền vững. Trong chừng mực nào đó nhiều học giả trên thế giới đã cho rằng chiêu bài phát triển bền vững có thể được xem như là một dạng thực dân kiểu mới của các nước giàu để đưa công nghệ, sử dụng nhân lực của họ để tiếp cận khai thác tài nguyên của các chậm phát triển.

Bà Trần Thị Lành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh thái, Chính Sách, Xã Hội (SPERI) lo ngại việc chuyển giao công nghệ và học tập kinh nghiệm nước ngoài khi chưa xây dựng quy trình riêng trong điều kiện Việt Nam với lịch sử phát triển kinh tế xã hội và thể chế chính trị khác với các nước có ngành công nghiệp nhôm phát triển, cũng như chưa có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho quy hoạch này ở một địa bàn nhạy cảm về xã hội và chính trị như ở Tây Nguyên là vấn đề mạo hiểm. Do vậy, khi chưa làm rõ được quy trình công nghệ khai thác và chế biến bô xít vận dụng vào ViệtNamvà chưa có đánh giá ĐMC thì không nên vội vàng triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên.
GS. Lê Văn Khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội
GS. Lê Văn Khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bên cạnh những ý kiến phản biện và tranh luận về kế hoạch khai thác quy mô lớn ở Tây Nguyên và vấn đề áp dụng quy trình công nghệ trong khai thác, chế biến; một vấn đề khác cũng được quan tâm là địa điểm xây dựng các nhà máy, tổ hợp bô xít – alumin. Theo kế hoạch dự kiến tất cả các nhà máy, tổ hợp chế biến bô xít – alumin đều đặt trên Tây Nguyên với mục đích là hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng các nhà máy chế biến ở Tây Nguyên ngoài việc hạn chế về điều kiện mặt bằng xây dựng công trình (vì chủ yếu là vùng đồi núi) sẽ gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Việc chọn địa điểm các nhà máy alumin, nhất là các nhà máy công suất lớn sẽ là bài toán phức tạp hơn nhiều do các mỏ bô xít đều ở thượng nguồn, cách xa cảng biển hàng trăm km, điều kiện giao thông khó khăn. Một nhà máy alumin quy mô lớn đặt tại thượng nguồn sẽ rất khó xử lý ô nhiễm kiềm và hóa chất hơn khi đặt ở hạ nguồn. Do vậy không nên cảm tính về những hiệu quả xã hội nào đó để quyết định địa điểm nhà máy alumin nói riêng và đầu tư khai thác chế biến bô xít nói chung
[6]. Chính hiệu quả kinh tế cao của sản xuất là yếu tố cơ bản để tạo ra hiệu quả xã hội và giải quyết thỏa đáng các vấn đề về môi trường. Nếu sản xuất không có hiệu quả kinh tế thì sẽ không có lựa chọn nào cả mà chỉ tạo thêm gánh nặng lâu dài cho xã hội và môi trường. Chỉ riêng góc độ môi trường cần phải cân nhắc tính toán cụ thể vì đây là vùng nhạy cảm về sinh thái, các vấn đề dân tộc… Đây là lý do mà các nước xã hội chủ nghĩa những năm 80 của thế kỷ trước khi nghiên cứu phương án khai thác bô xít ở Tây Nguyên đều đề xuất xây dựng các nhà máy ở ven biển Nam trung Bộ và Đông Nam Bộ, ngay cả Tập đoàn Chalco (Trung Quốc) lúc đầu cũng đề xuất nên xây dựng nhà máy alumin tại Bình Thuận hoặc ở Bà rịa – Vũng Tàu[7] sẽ giảm được giá thành và dễ xử lý ô nhiễm môi trường hơn nếu đặt nhà máy alumin ở Tây Nguyên.Tranh luận về quy trình công nghệ sử dụng nước biển xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến phản biện cho rằng đây là phương án thiếu tính khả thi và không có hiệu quả. GS. Lê Văn Khoa – Đại học Quốc Gia Hà Nội nêu lên rằng cả nước biển và bùn đỏ đều có tính kiềm và nồng độ pH cao nên về phương diện khoa học không thể dùng nước biển để “xử lý” bùn đỏ được. Ngoài ra, nếu như sử dụng nước biển để xử lý bùn đỏ thì khối lượng nước biển chuyển lên Tây Nguyên sẽ rất lớn vì với công suất alumin dự kiến khoảng 12 – 18 triệu tấn sẽ thải ra trên 30 triệu tấn bùn đỏ/năm cần phải xử lý.

TS.Nguyễn Thành Sơn cho rằng các thung lũng là nơi có dòng chảy phân thủy, khi mưa lũ lớn bùn đỏ rất dễ bị chảy tràn ra ngoài. Vì tính chất nguy hiểm của bùn đỏ nên ở một số nước phải xây dựng nhà có mái che để bảo vệ bùn đỏ, hoặc sản xuất bao cao su để chứa. “Chúng ta không thể mơ hồ đối với nguy cơ về vấn đề bùn đỏ khi chứa ở trên cao nguyên” – ông Sơn nhấn mạnh.
Việc triển khai khai thác bô xít theo quy mô công nghiệp thì vùng Tây Nguyên sẽ có nguy cơ biến thành sân sau cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luyện nhôm của các tập đoàn nhôm hàng đầu thế giới. Tây Nguyên có thể phải trả giá nặng nề về môi trường, sinh thái và ổn định xã hội nhưng ngành công nghiệp nhôm của ViệtNamcó thể vẫn chưa phát triển được vì theo quy hoạch khâu điện phân nhôm cũng chỉ xác định khiêm tốn khỏang 0,2 – 0,4 triệu tấn/năm vào năm 2025. Những sai lầm chiến thuật có thể dẫn đến những sai lầm về chiến lược. Sai lầm chiến lược của chương trình khai thác chế biến quặng bô xít ở ViệtNamlà chỉ tận dụng khai thác nguồn quặng bô xít và sản xuất alumin trên Tây Nguyên để xuất khẩu dưới dạng alumin. Việc xuất khẩu alumin dẫn đến phải xây dựng tuyến đường sắt và cảng biển với quy mô đầu tư lớn. Có thể khẳng định ViệtNamlà quốc gia có tiềm năng trữ lượng bô xít lớn và việc khai thác nguồn tài nguyên này ở một góc độ nào đó là cần thiết. Tuy nhiên việc khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên là vấn đề không đơn giản. Đây là nguồn tài nguyên lớn của đất nước nhưng với điều kiện đặc thù về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội ở Tây Nguyên thì cần xác định lại thời điểm thích hợp khi nào thì bắt đầu khai thác và khai thác theo phương thức nào để biến  tiềm năng khoáng sản này thành nguồn lợi vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Vì vậy trước khi quyết định cần thận trọng và có nhiều nghiên cứu thực tiễn, đặc biệt là các vấn đề văn hóa xã hội và tính ảnh hưởng tích hợp, liên vùng về môi trường.

II.2. Những nguy cơ và các tác động bất lợi đối với kinh tế, xã hội và môi trường của chương trình khai thác bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm ở Tây Nguyên

Những nguy cơ tác động bất lợi đối với kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường khi triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên, nhất là triển khai theo quy mô công nghiệp là một trong những chủ đề được thảo luận và tranh luận nhiều nhất tại hội thảo. Các chuyên gia, các nhà khoa học và cả các nhà quản lý đều thống nhất thừa nhận rằng thách thức lớn nhất khi khai thác chế biến bô xít đối với Tây Nguyên là vấn đề mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (mất thảm thực vật rừng, đa dạng sinh học, suy giảm nguồn nước…), ô nhiễm chất thải (quặng thải, bùn đỏ, bùn oxalate…), di dân, tái định cư và việc làm nông thôn… Đây là những vấn đề cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình khai thác chế biến nếu không sẽ để lại hậu quả không lường. Khai thác bô xít phải bóc đi lớp đất mặt trên diện rộng, riêng tỉnh Đăk Nông có thể ảnh hưởng đến gần 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Đức Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng đã đề cập đến những vấn đề nảy sinh khi triển khai các dự án bô xít, đó là sẽ phải chuyển đổi có thời hạn một số vùng đất sản xuất của người dân, chặt hạ một số diện tích rừng, sẽ có những ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của những hộ dân di dời tái định cư và tác động đến tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường sinh thái, quan hệ và an ninh xã hội ở địa phương.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Chính Phủ Việt Nam đã nhiều lần đưa dự án khai thác bô xit ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của COMECON[8]. Các nước thành viên của COMECON, đặc biệt là Liên Xô, khi đó rất thiếu quặng bô xít cho nhu cầu công nghiệp quốc phòng. Sau khi nghiên cứu đánh giá tổng thể, Hội đồng COMECON đã quyết định không triển khai dự án bô xít ở Tây Nguyên và đã tích cực giúp Việt Nam triển khai các dự án phát triển cao su, cà phê và chè. Các chuyên gia của COMECON nhận định, nếu triển khai các dự án bô xít ở Tây Nguyên sẽ có những tác động tiêu cực đến nguồn nước, không đủ nước để phát triển được cây công nghiệp cao su, chè và cà phê; sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn vùng hạ lưu ở Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia. Hạn hán sẽ kéo dài và lũ lụt sẽ thường xuyên xẩy ra hơn. Từ đó, các chuyên gia của COMECON đã đi đến kết luận rằng các dự án bô xít ở Tây Nguyên không có hiệu quả và họ đã lựa chọn phương án giúp Việt Nam bằng cách phát triển các dự án cao su, cà phê, và chè…
Hơn hai mươi năm sau, chương trình khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên lại được khởi động, dư luận xã hội lại một lần nữa được nghe những cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn về kinh tế xã hội và môi trường với mức độ cảnh báo trầm trọng hơn vì lần này được dự kiến là sẽ triển khai với quy mô công nghiệp. Các tác động và nguy cơ được nhiều đại biểu quan tâm lo lắng nhiều nhất là:
(i) Nguy cơ phát tán các chất thải độc hại, bao gồm các hóa chất sử dụng trong các công đoạn chế biến, quặng đuôi sau tuyển rửa, bùn đỏ và bùn oxalate… ra môi trường khu vực và hạ lưu;
(ii) Nguy cơ biến đổi khí hậu thời tiết do thu hẹp diện tích rừng đầu nguồn dẫn đến suy giảm khả năng điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, gia tăng lũ lớn về mùa mưa, hạn hán về mùa khô làm thất thu mùa màng các tỉnh vùng hạ lưu;
(iii) Làm xáo trộn đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư bản địa;
(iv) Để lại hậu quả xấu chưa lường trước được sau khai thác…

Từ ý kiến tranh luận và thảo luận, những vấn đề liên quan đến cảnh báo nguy cơ được nhóm theo các lĩnh vực sau đây: 

II.2.1. Các vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, hiệu quả kinh tế, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên

Theo trình bày của các chuyên gia Tập đoàn TKV, việc khai thác và chế biến bô xít sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,  mang lại lợi ích đáng kể cho địa phương, hình thành các cụm kinh tế công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động… thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên. Ông Đặng Đức Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng cho rằng thực hiện các dự án bô xít mỗi năm sẽ đóng góp cho ngân sách của tỉnh khoảng 1500 tỷ đồng (gấp 3 lần hiện nay) và có thể đạt được 2000 tỷ đồng sau năm 2015. Đăk Nông nếu không khai thác quặng dưới lòng đất thì không thể phát triển được.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và ngay cả một số nhà quản lý cũng chưa đồng tình với đánh giá này. 
a. Hiệu quả kinh tế khi khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên:
Khai thác khoáng sản nói chung và khai thác chế biến bô xít nói riêng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Tuy nhiên trong điều kiện thực tế về các dự án bô xít ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng và tập trung phản biện về cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế của các dự án này. Nói chung các ý kiến đều thống nhất rằng phương án kinh doanh các dự án bô xít của TKV trình bày còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Trong phương án kinh doanh của TKV chưa tính toán hết các chi phí tổng thể khi vận hành các dự án. Ngoài những tính toán chi phí – lợi ích thuần túy khi lâp dự án đầu tư như trước đây, nhiều lĩnh vực và phạm vi ảnh hưởng chưa được tính đến như quy mô bị ảnh hưởng đối với các vấn đề liên quan như môi trường, thảm thực vật, nguồn nước, xã hội… mang tính liên vùng. Chỉ có điều tra tính toán tổng thể các vấn đề này mới làm rõ được hiệu quả đầu tư đúng thực tế.
Mặt khác trong chiến lược phát triển, các dự án lớn thường phải thể  hiện được tác động có tính lan tỏa để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đối với các dự án bô xít này, vốn đầu tư rất lớn nhưng tính lan tỏa thấp. Liệu áp dụng công nghệ khai thác chế biến, sản xuất alumin có thể giúp cho Tây Nguyên cất cánh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững hay nhấn chìm Tây Nguyên với rác thải công nghiệp và bất ổn xã hội. Đáng lo ngại là công nghệ của TKV đưa ra mới chỉ mang tính định hướng, chưa có được những lập luận mang tính khoa học trên cơ sở thực tiễn và khách quan trước các siêu dự án bô xít này. Nhiều đại biểu băn khoăn nếu dự án khai thác bô xít ở Đăk Nông hàng năm có thể đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 1500 tỷ đồng nhưng liệu lợi ích trước mắt này có bù đắp được các rủi ro trong khi cách đây 20 năm dự này đã từng bị hủy bỏ? Đó là chưa kể đến nhiều đại biểu băn khoăn tính khả thi của việc đóng góp cho ngân sách địa phương tới 1500 tỷ đồng mỗi năm – bởi đây chỉ mới là con số mà nhà đầu tư đưa ra nhưng chưa có những giải thích, lập luận, tính toán chính xác về nguồn thông tin.
Tranh luận cụ thể hơn về hiệu quả kinh tế, một số ý kiến cho rằng nếu dành nguồn vốn đầu tư các dự án bô xít để đầu tư cho chương trình phát triển cây công nghiệp như cao su, cà phê… thì lợi nhuận cao hơn nhiều lần, vừa thu hồi vốn nhanh không phải đối mặt với những nguy cơ về môi trường vừa tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Các dự án bô xít chiếm dụng đất lớn nhưng lại mâu thuẫn với tạo ra việc làm mới cho dân cư địa phương.
TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng
TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng
Minh chứng cho vấn đề này TS.Nguyễn Thành Sơn đưa ra so sánh với  cùng lượng vốn đầu tư như dự án nhà máy alumin Nhân cơ (theo công suất trước đây là 300 nghìn tấn alumin/năm) để đầu tư dự án cao su có thể trồng được hơn 34 nghìn ha và thuế nộp cho ngân sách gấp 23 lần, khả năng thanh toán nợ gấp 5 lần, thời gian hoàn vốn nhanh gấp 2 lần và khả năng sử dụng lao động gấp 34 lần so với dự án khai thác bô xít. Dự án bô xít – nhôm Lâm Đồng sử dụng diện tích đất 4200 ha nhưng chỉ tạo ra khoảng 1668 lao động, như vậy bình quân dự án bô xít cần 2,5 ha để có thêm 1 việc làm.
Một rủi ro hiện hữu cũng được nhiều đại biểu đề cập đến trong điều  kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là yếu tố thị trường. Giá trị gia tăng và có hiệu quả kinh tế nhất của ngành công nghiệp nhôm là ở khâu luyện nhôm kim loại từ alumin. Giá trị của sản phẩm alumin chỉ chiếm 11 – 14% giá trị nhôm kim loại. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay ViệtNamchưa thể thực hiện được vì thiếu điện. Vì thế, nếu chỉ khai thác bô xít và sản xuất alumin hiệu quả sẽ rất thấp. Mặt khác thị trường alumin cũng chứa đựng nhiều rủi ro do thị trường thế giới về alumin trong những năm gần đây lại có nhiều biến động bất ổn. Bị ảnh hưởng, chi phối lớn  và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
PGs.TS. Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PGs.TS. Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGs.TS.Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cảnh báo nếu không đánh giá được xu thế phát triển của thị trường nhôm thế giới thì khó có thể tránh được những rủi ro về thị trường trong tương lai. Bài học từ ngành thép, xi măng lò đứng, mía đường cho thấy ban đầu các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt liên doanh liên kết để khai thác nhưng khi thị trường bất ổn việc khai thác không thuận lợi thì không tham gia nữa và phía Việt Nam phải gánh chịu hậu quả.
Bên cạnh yếu tố thị trường, một yếu tố khác cũng góp phần quan trọng đến hiệu quả các dự án bô xít được nhiều đại biểu quan tâm là tính hiệu của quả của dự án xây dựng đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận. Nếu xây dựng chỉ để chuyển alumin xuống cảng biển thì quá lãng phí và không hiệu quả. Nhưng để kết hợp vận chuyển chiều ngược lại rất hạn chế vì chệnh lệnh độ cao rất lớn giữa Đăk Nông và cảng biển Bình Thuận (khoảng 700 – 750m). Đó là chưa kể đến khi chưa có đường sắt (khó có thể hoàn thành trước 2015) thì việc vận tải nguyên liệu cho nhà máy alumin như hóa chất, than… bằng đượng bộ cũng cần chi phí rất lớn. Chỉ tính riêng nguồn than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện tại Nhân cơ phục vụ sản xuất alumin, TS.Nguyễn Thành Sơn đưa ra tính toán mỗi ngày cần khoảng 1000 tấn than, tương đương 40 xe ô tô trọng tải 25 tấn. Như vậy theo kế hoach trong giai đoạn 2007 – 2015 có 6 nhà máy alumin ở Tây Nguyên được xây dựng (tổng công suất 6,4 – 8,4 triệu tấn alumin/năm)[9] khi chưa có đường sắt thì khối lượng vận tải than, hóa chất… sẽ rất lớn vì xe ô tô vận tải để chuyển than, hóa chất và alumin được thiết kế khác nhau. Nguy cơ phá hỏng cả hệ thống giao thông đường bộ vốn đã yếu kém ở Tây Nguyên là hiện hữu.
Liên quan đến tác động đối với đời sống kinh tế của người dân, theo số liệu báo cáo tại hội thảo của ông Trương Văn Hiển (Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đăk Nông), trong số diện tích quy hoạch vùng khai thác mỏ bô xít khoảng 400 nghìn ha sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng, trong đó cơ khoảng 139 nghìn ha đất nông nghiệp (chiếm 35% diện tích vùng quy hoạch khai thác mỏ) và 114 nghìn ha đất rừng (chiếm 29% diện tích vùng quy hoạch khai thác mỏ)[10]. Chương trình cũng sẽ tác động đến cuộc sống, sinh kế của 80 – 100 nghìn hộ dân trong vùng, đặc biệt là mất đi nguồn thu nhập chủ yếu của họ từ cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê. Việc khôi phục lại các vườn cây lâu năm này không đơn giản đối với đồng bào dân tộc vì đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư lớn và chăm sóc 5 – 6 năm sau mới có thu hoạch. Như vậy việc chiếm dụng đất sẽ có tác động lớn đến sinh kế và khả năng phục hồi thu nhập cho cộng đồng bị ảnh hưởng mặc dù sẽ được đền bù nhưng rất khó đảm bảo được cho các chi phí cần thiết.
Từ những ý kiến phân tích tranh luận giữa các bên trên đây cho thấy với những thông tin số liệu hiện có thì chưa đủ cơ sở để đánh giá tính hiệu quả của các dự án bô xít tại Tây Nguyên. Cần có thêm nhiều nghiên cứu thực tiễn, đa chiều với quy mô mở rộng từ vùng bị tác động trực tiếp đến vùng bị ảnh hưởng gián tiếp cả về kinh tế, văn hóa và hội và môi trường để từ đó phân tích đánh giá lợi ích – chi phí mang tính tổng hợp liên vùng. 
b. Quản lý sử dụng bền vững tài nguyên
Ngoài nguy cơ rủi ro về kinh tế, việc khai thác bô xít, sản xuất alumin cũng đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên. Các ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu đều khẳng định về những nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn đối với nguồn nước, tài nguyên rừng, tài nguyên đất… khi khai thác quặng bô xit.
Trên quan điểm khai thác tài nguyên hướng tới sự phát triển bền vững, cần khai thác các dạng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm gắn với bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu họat động của các ngành kinh tế. Quan điểm này đồng nghĩa với việc không nhất thiết cứ có khoáng sản là khai thác, thấy lợi trước mắt là làm mà không căn cứ vào nhu cầu nguyên liệu khoáng sản của nền kinh tế và những tính toán lợi ích về lâu dài. Nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo cho rằng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là xu hướng chạy theo lợi nhuận xuất khẩu khoáng sản mà quên rằng khoáng sản cần được khai thác “hợp lý và tiết kiệm có hiệu quả”[11], để dành tài nguyên không tái tạo này cho sự phát triển bền vững của các thế hệ mai sau. Bô xít ở Tây Nguyên là dạng tài nguyên tiềm năng có giá trị rất lớn cần được quản lý bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý và tiết kiệm.
Khai thác, chế biến bô xít, sản xuất alumin là một quá trình tiêu tốn và sử dụng rất nhiều nước. Việc bóc lớp thảm thực vật vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông làm khai trường sẽ ảnh hưởng đến cân bằng nước không những cho Tây Nguyên vốn đang thiếu nước cho các họat động sản xuất, đặc biệt là cây công nghiệp và đời sống nhân dân mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước của các tỉnh vùng hạ lưu Sông Đồng Nai và các tỉnh Campuchia ở hạ lưu sông Srêpok. Nếu triển khai các dự án bô xít theo quy mô lớn sẽ xảy ra tranh chấp về nước rất gay gắt giữa nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nước cho thủy điện, nước cho sinh họat và một khối lượng nước rất lớn dành cho khai thác chế biến bô xít.
GS. Đào Công Tiến, Nguyên hiệu trưởng ĐH kinh tế TP Hồ Chí Minh
GS. Đào Công Tiến, Nguyên hiệu trưởng ĐH kinh tế TP Hồ Chí Minh

Đồng quan điểm này, GS.Đặng Trung Thuận (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên không tránh khỏi ngăn dòng, làm hồ chứa ở thượng lưu để lấy nước rửa quặng, sản xuất alumin… sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng nước ở hạ lưu. Quan trọng hơn khi khai thác đất sẽ bị bóc đi, phá hủy lớp thảm thực vật, hệ thống cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su… tác động đến các hệ sinh thái rừng tự nhiên vừa có giá trị về kinh tế, đa dạng sinh học và khả năng điều điều tiết nguồn nước, điều hòa khi hậu không những cho Tây Nguyên mà đối với cả hạ lưu.
Lo lắng về vấn đề này, GS.Đào Công Tiến (Nguyên hiệu trưởng Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, nguyên cố vấn của Thủ tướng Chính phủ) cảnh báo nguồn nước ở Tây Nguyên những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, vấn đề cân bằng nước trở thành vấn đề quan trọng không những cho Tây Nguyên mà cả duyên hải Trung Bộ và Đông Nam bộ. Nếu trưng dụng nước cho khai thác bô xít với khối lượng lớn, chắc chắn Tây Nguyên sẽ “chết” vì thiếu nước.

Mặt khác do phần lớn các mỏ khai thác bô xít nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai, con sông được xem là mạch sống chính, là nguồn cung cấp nước chủ đạo cho hàng chục triệu người đang sinh sống dưới hạ lưu nên những tác động của các họat động phát triển từ khai thác quặng trên Tây Nguyên sẽ không dừng lại ở mức độ địa phương từng tỉnh mà lan rộng ra cả vùng, cả lưu vực.  Theo ước tính sơ bộ để sản xuất được 1 tấn alumin cần khoảng 60 m3 nước phục vụ cho việc tuyển quặng, chế biến alumin… thì tổng nhu cầu nước giai đoạn 2007 – 2015 theo quy hoạch các dự án bô xít vùng Tây Nguyên cần khoảng 396 triệu m3/năm và giai đoạn 2015 – 2025 cần khoảng 792 triệu m3/năm. Xét về tiềm năng nguồn nước trên địa bàn thì có khả năng đáp ứng nhưng do lượng mưa phân bố không đều nên mùa khô Tây Nguyên sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Mặt khác việc khai thác sử dụng nguồn nước cho các dự án bô xít chưa được đề cập trong phương án cân bằng nước trước đây của quy hoạch quản lý sử dụng nước sông Đồng Nai, như vậy sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng và cân bằng nước trên toàn lưu vực sông Đồng Nai[12].
Liên quan đến nguy cơ phá hủy môi trường đất và thảm thực vật, ông Lê Quang Trung đưa ra số liệu về kinh nghiệm của thế giới rằng khi khai thác 1m2 mỏ quặng thì tác động lan tỏa sẽ ảnh hưởng đến diện tích xung quan tối thiểu là 3m2. Khai thác quặng bô xít sẽ tác động mạnh đến tài nguyên đất đai trên diện rộng, mặc dù mỗi năm mỗi dự án chỉ sử dụng khoảng 60 – 80 ha. Theo tính tóan của TS.Nguyễn Thành Sơn, mức độ chiếm dụng đất, thảm thực vật bị phá hủy khi khai thác bô xít khoảng 30 – 50 ha/triệu tấn bô xít, tương đương với 450ha/ triệu tấn công suất nhà máy.
Với địa hình dốc và đồi núi dưới tác động của mưa lớn ở Tây Nguyên toàn bộ mặt đất sau khai thác dù có hoàn thổ, trồng cây kịp thời giữa hai mùa mưa cũng chưa đủ thời gian để liền thổ, kết dinh và tránh được nguy cơ đất bị cuốn trôi và xói mòn và có thể dẫn đến nguy cơ thảm họa về lũ quét, lũ bùn. Quá trình khai thác, chế biến quặng bô xít trong điều kiện ở Tây Nguyên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, bảo vệ sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên. 

II.2.2. Các nguy cơ về ô nhiễm môi trường và sinh thái của Tây Nguyên và NamTrung bộ

Nguy cơ ô nhiễm môi trường và sinh thái của Tây Nguyên và Nam Trung bộ do khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin được nhiều bài tham luận đề cập và có nhiều ý kiến tranh luận tại hội thảo. Các dự án đang triển khai chỉ có đánh giá tác động môi trường cục bộ của từng dự án mà không có nghiên cứu mức độ tác động mang tính tích hợp và liên vùng (đánh giá môi trường chiến lược – ĐMC). Trong quá trình khai thác chế biến bô xít ngoài việc gây ra tác động rất lớn đối với môi trường tự nhiên như phá rừng, xói mòn rửa trôi đất còn phát sinh một khối lượng chất thải rất lớn bao gồm khí thải, nước thải, hóa chất, bùn đỏ, bùn oxalate, chất thải rắn, chất thải nguy hại, đặc biệt là chất thải bùn đỏ… gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân không những ở Tây Nguyên mà còn có nguy cơ tác động bất lợi đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam bộ và các tỉnh Đông bắc Campuchia. Các ý kiến tranh luận tại hội thảo, kể cả TKV thống nhất thừa nhận các chất thải là không thể tránh khỏi khi thực hiện các dự án bô xít bao gồm các chất thải phát tán vào không khí, các chất thải rắn ra môi trường nước và đất, đặc biệt là chất chải bùn đỏ. Nguy cơ về ô nhiễm môi trường và sinh thái trong quá trình khai thác bô xít, sản xuất alumin chủ yếu liên quan đến chất thải. Từ nhận thức về nguy cơ ô nhiễm và các định hướng quy trình công nghệ về kiểm sóat chất thải TKV trình bày, hội thảo nhận được nhiều ý kiến phản biện, tranh luận có lúc gay gắt của các nhà khoa học và các chuyên gia.
Theo ước tính khối lượng chất thải trong quá trình khai thác, chế biến bô xít thải ra môi trường rất lớn. Bình quân lượng đất đá phủ phải bốc lên và đổ thải khoảng 1m3/tấn bô xít; trong khâu tuyển quặng lượng chất thải bình quân 1 tấn/ tấn quặng nguyên khai; trong khâu sản xuất alumin bình quân thải ra khoảng 2mchất thải/tấn (gồm  bùn đỏ, bùn oxalate và nước thải); trong khâu luyện nhôm lượng chất khí thải độc hại bình quân 1kg/tấn. Với khối lượng chất thải như vậy, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm lo lắng vì Tây Nguyên thường có mưa lớn và tập trung sẽ gây khó khăn cho công tác hoàn thổ cũng như làm tăng nguy cơ phát tán các chất thải vào môi trường nước. Việc hoàn thổ và đảm bảo độ kết dính cần thiết giữa các lớp đất hoàn thổ và lớp đất cũ, cũng như đảm bảo độ che phủ của cây trồng để chống lại sự xói mòn rửa trôi giữa 2 mùa mưa là không khả thi. Nguy cơ sạt lở chảy trôi cả khối đất hoàn thổ theo dòng nước khi có mưa lớn và có thể gây ra thảm họa lũ bùn cho hạ lưu. Môi trường sinh thái Tây Nguyên là vấn đề sống còn không những cho nhân dân trong vùng mà còn đối với các vùng hạ lưu. Vì vậy phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên phải đi cùng với bảo vệ những cánh rừng hàng trăm năm chứ không phải phá đi để khai thác và trồng lại rừng. Theo ý kiến của ông Trần Văn Hiển (giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đăk Nông), khi khai thác quặng bô xít vào vào mùa khô thì đến mùa mưa khó hoàn nguyên được để trả lại đất cho dân, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con.
Trong số các chất thải từ khai thác, chế biến quặng bô xít, ô nhiễm bùn đỏ là vấn đề được thảo luận và quan tâm nhiều của các đại biểu. Các ý kiến đều khẳng định bùn đỏ là chất thải không thể tránh khỏi trong công đoạn sản xuất alumin. Trên thế giới chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả, triệt để đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ở Việt Nam nếu sản xuất alumin ở Tây Nguyên bắt buộc tạo ra các hồ chứa bùn đỏ trên cao nguyên, như vậy sẽ có nguy cơ đe dọa thường xuyên đến an ninh và môi trường trên địa bàn nếu bị chảy tràn bờ khi có mưa lớn hoặc vỡ đập tràn ra ngoài. Lượng bùn đỏ tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp 3 lần lượng alumin thu được để xuất khẩu. Ngoài ra còn phải thường xuyên chứa khối lượng lớn hóa chất độc hại trong các kho ở Tây Nguyên. Bùn đỏ không như xăng dầu chảy ra có thể thu gom lại được, chỉ cần bùn đỏ thoát ra ngoài thì kim loại nặng sẽ phát tán vào nước ngầm theo sông hồ đổ về hạ lưu là vô phương cứu chữa. Cao nguyên Mơ Nông (Đăk Nông) là nơi bắt nguồn của nhiều nhánh sông suối quan trọng đổ vào sông Đồng Nai, sông Krông Nô (Srêpok) nên dòng chất thải từ các khai trường bô xít hoặc dòng bùn đỏ không kiểm soát được từ các hồ chứa sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, vẩn đục nước ảnh hưởng đến nước sinh họat và sản xuất của cư dân vùng hạ lưu. Về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ông Trần Phương (phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông) cũng cảnh báo, chưa nói đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do bùn đỏ, bùn oxalate, ngay cả khi tuyển quặng với khối lượng hàng chục triệu tấn quặng thì nguy cơ làm vẩn đục nguồn nước cũng là vấn đề cần lưu tâm cho sử dụng nước ở hạ lưu.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, ở lưu vực sông Đồng Nai thuộc khu vực Đăk Nông – Lâm Đồng lượng mưa trung bình năm thuộc loại cao khoảng 2000 – 2600mm và phân bố tập trung vào mùa mưa (84%). Nguy cơ xảy ra lũ lớn, đặc biệt là lũ quét là hiện hữu và thường xuyên nên cần được xem xét một cách thận trọng khi xây dựng các chương trình phát triển trên địa bàn này. Như vậy nếu thực hiện các dự án bô xít theo quy hoạch, không có cách nào khác là chôn lấp bùn đỏ ngay tại Tây Nguyên và với vị trí đầu nguồn của các hệ thống sông lớn những hồ bùn đỏ, nếu xảy ra lũ quét khi đó không chỉ Tây Nguyên mà các cư dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam bộ sẽ chịu hậu quả.
Khi so sánh về điều kiện khai thác và phương thức thực hiện các dự án bô xít của nước ngoài với Việt Nam, một số ý kiến cho rằng vấn đề môi trường trong khai thác bô xít ở Tây Nguyên có thể sẽ gay gắt hơn những vấn đề tương tự ở Úc vì phần lớn các mỏ bô xít ở Úc đều ở sát biển (hạ nguồn), trong khi phần lớn các mỏ bô xít Việt Nam nằm trên cao nguyên (thượng nguồn). Như vậy khai thác bô xít quy mô lớn ở Tây Nguyên sẽ  gây xói mòn đất, tác hại tới rừng và thảm thực vật đầu nguồn vốn đã và đang bị suy thoái, ảnh hưởng tới khí hậu thời tiết, làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán ở vùng hạ lưu. Vấn đề cân bằng nước ở vùng thượng nguồn nhất là ở những vùng có mỏ bô xít sẽ khó khăn hơn.
GS. Đặng Trung Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội
GS. Đặng Trung Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngoài nguy cơ ô nhiễm từ các chất thải rắn, trong quá trình khai thác sẽ phát tán một số loại khí có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù a xít hoặc hòa tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước, khi rơi xuống sẽ làm gia tăng khả năng hòa tan các kim loại trong đất làm chai đất, phá hủy rễ cây hạn chế khả năng đâm chồi, giảm năng suất cây trồng. Các khí này còn có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi, gây loét phế quản… Theo ý kiến GS.Đặng Trung Thuận đối với công đoạn sản xuất alumin, tác động đến môi trường không khí là vấn đề rất đáng quan tâm khi sản xuất alumin sẽ phát tán các chất thải vào không khí gồm Fluorua dạng khí, dạng phân tử, SO
2, hắc ín… Hợp chất Flo đi vào môi trường nước, môi trường đất gây hại cho người và gia súc ( tác hại đến răng và bệnh còi xương)…Ngoài nguy cơ ô nhiễm từ các chất thải rắn, trong quá trình khai thác sẽ phát tán một số loại khí có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù a xít hoặc hòa tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước, khi rơi xuống sẽ làm gia tăng khả năng hòa tan các kim loại trong đất làm chai đất, phá hủy rễ cây hạn chế khả năng đâm chồi, giảm năng suất cây trồng. Các khí này còn có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi, gây loét phế quản… Theo ý kiến GS.Đặng Trung Thuận đối với công đoạn sản xuất alumin, tác động đến môi trường

Như vậy vấn đề ô nhiễm chất thải tác động đến môi trường sinh thái  được hầu hết các đại biểu, kể cả các nhà quản lý nhìn nhận là hiện hữu và có nguy cơ cao. Nhiều vấn đề thắc mắc liên quan đến khả năng kiểm sóat và xử lý ô nhiễm chưa được các nhà đầu tư giải đáp thỏa đáng, còn nhiều vấn đề cần được phân tích làm rõ hơn để có biện pháp giảm thiểu tác động trước khi triển khai thực hiện. 

II.2.3. Các vấn đề liên quan đến ảnh hưởng văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân cư vùng khai thác khoáng sản

Ngoài những nguy cơ và rủi về kinh tế và môi trường sinh thái, một vấn đề được quan tâm đặc biệt đối với vùng đặc thù và nhạy cảm như Tây Nguyên đó là những tác động không thể tránh khỏi và chưa lường hết được về văn hóa xã hội đối với cộng đồng dân cư Tây Nguyên, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc bản địa. Bài phát biểu khai mạc của Ông Cư Hòa Vần đã cảnh báo “nếu 2/3 diện tích Đăk Nông biến thành công trường khai thác bô xít thì sẽ có nguy cơ gây ra xáo trộn xã hội và dẫn đến nhiều tác động tiêu cực”.
Trong các bài tham luận và thảo luận, TKV cam kết thực hiện chiến  lược kinh doanh bền vững trên cơ sở tài nguyên, khoáng sản và nguồn nhân lực, phát triển hài hòa với môi trường với địa phương và cộng đồng, liên kết và huy động các nguồn vốn tài nguyên, vốn sinh thái, các khu bảo tồn, vốn văn hóa sử thi cồng chiêng, vốn xã hội cộng đồng, làng bản lấy con người là trung tâm, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, công bằng và an sinh xã hội, phát huy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội gắn với sinh kế cộng đồng…
Từ thực tế triển khai tại dự án tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng và nhà máy alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) cũng như nhìn nhận tính khả thi của các cam kết thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững của TKV, nhiều đại biểu tranh luận về nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa xã hội của cộng đồng dân cư địa phương. 
Nhà văn Nguyên Ngọc
Nhà văn Nguyên Ngọc
Nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo cho rằng nguy cơ khi triển khai chương trình bô xít trên Tây Nguyên chưa hẳn là chuyện môi trường kinh tế, môi trường tự nhiên mà trước hết và quan trọng hơn cả là chuyện văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng. Nhà văn Nguyên Ngọc rút bài học kinh nghiệm về các chương trình phát triển trong hơn 30 mươi năm qua do chưa có sự chú ý đúng mức đến vấn đề xã hội nên đã để lại những hậu quả nặng nề, âm ỉ chưa biết đến bao giờ và bằng cách nào tháo gỡ được. Ông Ngọc cho rằng nói đến Tây Nguyên là nói đến văn hóa xã hội và là vấn đề hàng đầu. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu, các giải pháp đưa ra khi triển khai chương trình này chưa có giải pháp nào cụ thể cho môi trường sống của người dân Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các ý kiến thảo luận về vấn đề này khẳng định các dự án bô xít nếu triển khai sẽ đe doạ không gian văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa. Nếu tiếp tục triển khai đồng loạt, quy mô rộng chắc chắn không gian sống, không gian văn hóa của cư dân bản địa Tây Nguyên sẽ bị đảo lộn “Người dân M’Nông, chủ nhân của vùng đất Đăk Nông sẽ đi về đâu? Lời hứa của các nhà hoạch định chính sách, chủ đầu tư và thực tế triển khai các dự án với đồng bào M’Nông có bao nhiêu căn cứ?” ông Nguyên Ngọc tỏ ra băn khoăn và lo lắng.


TS. Tuyết Hoa Niek Đam, Đại học Tây Nguyên
TS. Tuyết Hoa Niek Đam, Đại học Tây Nguyên

TS.Tuyết Nhung Buôn Krông (Giảng viên Đại học Tây Nguyên) khi trình bày kết quả khảo sát xã hội tại 3 xã vùng mỏ Nhân Cơ khẳng định ở tại các khu vực đang dự kiến khai thác mỏ trong tương lai thì cây cà phê và các cây công nghiệp khác đang phát triển tốt và đời sống của người dân đang ổn định nhờ vào nguồn thu nhập này. Nếu mất Bon (làng của người M’nông – dân tộc bản địa chủ yếu trên cao nguyên M’nông) mô hình làng truyền thống và văn hóa của người M’Nông sẽ bị triệt tiêu. Từ đó sẽ kéo theo hàng lọat các vấn đề văn hóa xã hội, thậm chí là các vấn đề an ninh, chính trị. Cơ hội việc làm tham gia vào đào tạo công nhân kỹ thuật hầu như không có vì trình độ học vấn thấp. Người dân mong mỏi ở các cấp chính quyền và chủ đầu tư một cam kết về việc làm và làm thế nào đảm bảo không gian văn hóa một khi phải nhường đất cho các dự án bô xít.
TS.Tuyết Hoa Niek Dam – Giảng Viên Đại học Tây Nguyên bình luận, những quy trình công nghệ và cam kết của TKV đối với địa phương và cộng đồng được trình bày rất hay. Nhưng các thông tin, tài liệu chúng tôi được biết về dự án khai thác bô xít chưa thấy đề cập nhiều về vấn đề này. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với đất đai, với núi rừng. Khi thu hồi đất đồng bào sẽ đi đâu và sẽ làm gì để sinh sống? Trình độ văn hóa của đồng bào nói chung còn thấp rất khó đảm bảo yêu cầu đào tạo để trở thành công nhân trong các nhà máy như mong muốn của TKV. Vậy họ sẽ làm gì để khôi phục thu nhập.

Đây là nguy cơ có thể đẩy họ phải đi tìm nơi ở. Qua điều tra nghiên cứu thực địa của nhóm nhà khoa học đại học Tây Nguyên cho thấy người dân trong vùng mỏ bô xít đang hoang mang bởi chưa biết cuộc sống của họ sẽ như thế nào khi bị thu hồi đất và chuyển chỗ ở.
TS. Tuyết Nhung Buôn Krông, Đại học Tây Nguyên
TS. Tuyết Nhung Buôn Krông, Đại học Tây Nguyên

Thực tế về cơ hội việc làm cho cư dân địa phương từ các dự án bô xít trên thế giới cho thấy phần lớn các dự án bô xít – nhôm đều lẩn tránh việc xác định danh mục các ngành nghề của nhà máy alumin có thể phù hợp để sử dụng lao động tại chỗ. Các cơ sở sản xuất alumin về bản chất là các nhà máy hóa chất đòi hỏi công nhân phải được đào tạo có trình độ cao với số lượng không cần nhiều, như vậy khả năng tạo ra việc làm tại chỗ không đáng kể. Ở khâu khai thác, tuyển quặng, các nhà đầu tư tăng cường mức độ cơ giới hóa cao và việc làm cho cư dân tại chỗ cũng hạn chế.

Trong khi đó các dự án bô xít có nguy cơ cao về tác động xã hội không những đối với hơn 150 nghìn dân trong vùng quy hoạch khai thác mỏ của tỉnh Đăk Nông mà còn ảnh hưởng đến các vùng xung quanh và ở hạ lưu, nhiều hộ dân phải di dời nhường chỗ cho khai trường. Điều duy nhất như nhiều chuyên gia đánh giá, các dự án bô xít – nhôm có thể mang lại cho dân cư địa phương đó là chất thải và bùn đỏ!
Theo ý kiến bà Trần Thị Lành (Viện trưởng Viện nghiên cứu sinh thái và chính sách xã hội – SPERI) trong quá trình triển khai ban đầu của các dự án, Tập đoàn TKV chưa thực hiện công việc đầu tiên theo quy định của pháp luật là tham vấn ý kiến cộng đồng, niêm yết công khai những thiệt hại của người dân và ô nhiễm môi trường trong vùng như nguyên tắc quy định trong pháp lệnh dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã đề ra. Khi khai thác nhiều diện tích đất bị chiếm dụng, nhiều hộ dân phải di dời nơi ở cũ để nhường chỗ cho các khai trường, đất bị đào bới sẽ làm mất đi tính đa dạng sinh học, mất đi nhiều loại cây quí gắn với đời sống văn hóa xã hội lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên  cùng với các tri thức bản địa của họ.
TS. Đào Trọng Hưng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
TS. Đào Trọng Hưng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Từ thực tế này, một số chuyên gia xã hội học cho rằng vấn đề tái định cư, định canh đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên nếu không có nghiên cứu, chuẩn bị cẩn thận sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội trong tương lai.
Việc chiếm dụng quá lớn diện tích đất trong khai thác bô xít sẽ làm đảo lộn đời sống của cộng đồng địa phương từ vấn đề kinh tế, kế sinh nhai, môi trường sống, đến văn hóa xã hội… Về vấn đề này, TS.Đào Trọng Hưng (Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nêu câu hỏi chất vấn TKV rằng đã tiên lượng đầy đủ khi tác động vào một vùng nhạy cảm xã hội như Tây Nguyên? Ông Hưng nhấn mạnh về việc chuẩn bị các khu tái định cư, hình thức di dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sinh kế lâu dài và sự tham gia của người dân và cộng đồng trong quá trình tái định cư và phục hồi sinh kế…

Qua nghiên cứu điểm tại khu vực dân cư dự án Nhân Cơ của Đại học Tây Nguyên[13]  cho thấy người dân luôn ở trong thế bị động đối với những gì diễn ra xung quanh họ. Thông tin không được phổ biến một cách cụ thể đến các bên liên quan và cả những người bị tác động trực tiếp. Kế hoạch đền bù giải tỏa không được thông báo rõ ràng, người dân không tiếp cận được thông tin về phương án định canh, định cư…

II.3. Đề xuất giải pháp phát triển bền vững và giảm thiếu tác động bất lợi do khai thác quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Những phân tích và thảo luận kể cả tranh luận của các bên đã phần nào giúp cho các đại biểu nhận thức và nhìn nhận được bức tranh tổng thể, những bất cập, thiếu thực tế cũng như những nguy cơ và rủi ro của chương trình khai thác, chế biến quặng bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đối với kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường đối với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh hạ lưu sông Đồng Nai và sông Srêpok. Khai thác bô xít để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cần được cần nhắc. Việc khai thác bô xít ở quy mô rộng, công nghiệp và xây dựng các nhà máy chế biến ở vùng nhạy cảm cả về môi trường sinh thái, chính trị và xã hội như Tây Nguyên trong khi chưa có kinh nghiệm, chưa có công nghệ và các nguồn lực cần thiết khác chủ yếu dựa vào nước ngoài thì đây là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét cẩn thận trước khi thực hiện. So sánh với điều kiện và phương thức khai thác, chế biến bô xít của nước ngoài,  nhiều đại biểu lo ngại về tính khả thi của chương trình và phương án khai thác, chế biến bô xít ở Tây Nguyên của TKV có thể đẩy nguy cơ tác động đến môi trường càng trầm trọng hơn. Từ những bức xúc và cảnh báo nguy cơ liên quan khi khai thác, chế biến bô xít và sản xuất xuất alumin kể trên, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp để cùng nhau thảo luận nhằm giảm thiểu tác động bất lợi vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên. 
a. Cần thực hiện nghiên cứu tỷ mỷ, đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch khai thác bô xít vùng Tây Nguyên:
Vấn đề quan tâm nhiều nhất đối với quy hoạch phân vùng khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin và luyện nhôm là chưa có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Hầu hết các ý kiến phản biện đều cho rằng với quy mô và tầm quan trọng của các dự án bô xít ở Tây Nguyên, chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện ĐMC theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. TS.Trương Văn Tấn (Cục trưởng Cục môi trường Miền Trung – Tây Nguyên, Bộ TNMT) cho rằng báo cáo của TKV chưa phân tích rõ về vấn đề kinh tế và phòng chống rủi ro về tài nguyên mang tính tích hợp và liên vùng, nhất là đối với vùng phòng hộ đầu nguồn. Vì vậy, việc triển khai lập ĐMC đối với quy hoạch khai thác bô xít là hết sức rất cần thiết, ít nhất cũng phải thực hiện đối với quy hoạch khai thác vùng Tây Nguyên vì những lý do sau đây:
(1). Các dự án khai thác bô xít, chế biến alumin ở Tây Nguyên triển  khai theo quy mô công nghiệp với nhiều dự án trải trên quy mô rộng lớn (riêng Đăk Nông đã hơn 400 nghìn ha),
(2). Các dự án nằm ở vùng rất nhạy cảm về xã hội, chính trị và môi trường;
(3). Các dự án đều có quy mô lớn và nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sông văn hóa xã hội và môi trường của một bộ phận dân cư rất lớn gồm 12 tỉnh ở hạ lưu.
Cùng với quan điểm trên GS.Đặng Trung Thuận cũng nhấn mạnh khi phân tích về tính bất cập của quy hoạch khai thác bô xít và khẳng định các dự án bô xít ở Tây Nguyên được coi là những siêu dự án trải trên diện rộng về nhiều mặt nên rất cần thiết phải có ĐMC theo đúng quy định tại điều 14 luật Bảo vệ môi trường. Nên chờ khi có đủ nhân lực, kỹ thuật và điều kiện cần thiết khác chứ vội vàng khai thác, sản xuất alumin khi chưa có điều tra nghiên cứu kỹ là quy trình ngược không nên làm. Bà Trần Thị Lành cũng cho rằng việc làm đầu tiên của chương trình khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên là phải lập ĐMC, nếu chưa thực hiện được vấn đề này thì chưa nên triển khai vì nguy cơ ảnh hưởng rất lớn chưa lường hết được, đặc biệt là vấn đề văn hóa xã hội của cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đều thống nhất rằng trong những dự án lớn như dự án bô xít cần chú ý đến nhiều khía cạnh khác nhau trước khi đưa ra quyết định. Theo tham vấn ý kiến ở Bộ Tài Nguyên môi trường, việc Thủ tướng ký phê duyệt chỉ mang tính định hướng. Khi triển khai thực hiện cần phải tuân thủ pháp luật và việc lập ĐMC đối với dự án quy hoạch như quy hoạch khai thác chế biến bô xít là công việc bắt buộc đã được quy định trong luật bảo vệ môi trường. Để có cơ sở khoa học nhằm thực hiện tốt chương trình khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit ở Tây Nguyên mà vẫn hạn chế được các tác động bất lợi tới môi trường tự  nhiên và kinh tế xã hội, thì việc triển khai đánh giá ĐMC hoặc tác động môi trường tổng hợp cho Quy họach này là hết sức cần thiết và cấp bách.
Về phía địa phương, trong bài phát biểu bế mạc hội thảo, ông Trần Phương (Phó chủ tịch tỉnh Đăk Nông) đã đề nghị Viện CODE hỗ trợ vận động các nguồn lực giúp tỉnh đánh giá môi trường tổng hợp cho các dự án bô xít trên địa bàn. GS. Đào Công Tiến khẳng định rằng  trước khi trình Thủ tướng ký phê duyệt chương trình này chưa được bàn và nghiên cứu kỹ. Vì thế, cho đến nay khi đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập cần phải bàn tiếp và kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh. Ông nhấn mạnh rằng đây là việc làm bình thường trong quá trình xây dựng chính sách. Không nên duy ý chí rằng việc gì đã quyết định rồi, thấy thiếu sót nhưng vẫn làm. 
b. Cần có chương trình khai thác thử nghiệm trước khi triển khai các dự án lớn:
Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đề xuất và tham gia thảo luận. Theo ý kiến chung của nhiều đại biểu vì ViệtNamchưa có kinh nghiệm, chưa có quy trình công nghệ về khai thác và chế biến bô xít, sản xuất alumin thì việc có dự án sản xuất thử nghiệm là vô cùng cần thiết và không thể bỏ qua. Nếu triển khai nóng vội chưa chắc đã có hiệu quả kinh tế nhưng nguy cơ về sự cố môi trường rất lớn.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập của chương trình khai thác bô xít và giải đáp những vấn đề chưa có lời giải về sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên, các ý kiến đều thống nhất về giải pháp duy nhất để triển khai các dự án bô xít là triển khai thử nghiệm, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng ra các dự án khác. Theo đề xuất của TS.Nguyễn Thành Sơn thì quy mô thử nghiệm chỉ nên giới hạn dưới 1,5 triệu tấn bô xít/năm (khoảng 300 nghìn tấn alumin). Địa điểm có thể chọn trên cơ sở khu mỏ Gia nghĩa hoặc mỏ 1-5 vì các khu mỏ này đã thăm dò có trữ lượng tương đối lớn và có thể đại diện cho Tây Nguyên. Về phương thức thử nghiệm, cần có sự giám sát toàn diện của cộng đồng xã hội thông qua chính quyền địa phương trong việc đưa ra quyết định và thực hiện cam kết.
PGS.TS. Hà Huy Thành, Viện trưởng Việnghiên cứu môi trường và PTBV
PGS.TS. Hà Huy Thành, Viện trưởng Việnghiên cứu môi trường và PTBV

Mục tiêu của dự án thử nghiệm cần làm rõ những vấn đề khách quan và chủ quan còn bỏ ngỏ của các dự án. Những câu hỏi lớn và quan trọng chưa có giải đáp của chủ đầu tư liên quan đến 10 nhóm vấn đề gồm (i) Vấn đề xã hội, (ii) vấn đề đa dạng sinh học, (iii) vấn đề công nghệ, (iv) vấn đề môi trường, (v) Vấn đề sinh thái, (vi) Vấn đề nguồn nước, (vii) Vấn đề kinh tế, (viii) vấn đề chính sách (ix) vấn đề con người và (x) Vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử của chủ đầu tư và các bên liên quan.

Đồng quan điểm này, PGs.TS.Trần Đình Thiên cho rằng trước khi triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn cần có kế hoạch làm thử một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Về phần mình với tư cách là đại diện của Viện nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững, PGs.TS.Hà Huy Thành nhìn nhận sự cần thiết có mô hình thử nghiệm và cho rằng chúng ta nên thí điểm trước để xem xét đánh giá cụ thể vấn đề như thế nào trước rồi mới quyết định có nên triển khai hay không. Đăk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung chưa đến lúc nóng lòng khai thác bô xít khi chưa có nghiên cứu đúng mực. Về phía chủ đầu tư, từ ý kiến đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học ông Dương Văn Hòa cho biết,  TKV ủng hộ quan điểm cần làm thí điểm trước và thực tế TKV đang làm thí điểm ở dự án Nhân Cơ và Tân Rai. Trên
Ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk nông
Ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk nông

c. Chính sách quản lý sử dụng đất đai vùng khai thác chế biến bô xít
cơ sở 2 dự án này sẽ tiếp tục điều chỉnh cho các dự án tiếp theo. Ông Trần Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng đề nghị nên triển khai dự án thử nghiệm trước và lấy dự án đang thực hiện ở Nhân Cơ làm thí điểm để có mô hình mẫu đánh giá rút kinh nghiệm trước khi quyết định mở rộng các dự án khác. Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng với 2 dự án được TKV coi là “thử nghiệm” với vốn đầu tư mới chỉ tính phần nhà máy alumin đã lên đến gần 1 tỷ đô la là quá lớn. 

Vấn đề sở hữu đất và sử dụng đất sau khi khai thác mỏ bô xít đối với điều kiện xã hội các dân tộc Tây Nguyên là vấn đề rất nhạy cảm. Vì vậy việc vận dụng chính sách đất đai hợp lý để giảm thiểu những xáo trộn trong đời sống xã hội cộng đồng là vấn đề được các địa phương, đặc biệt là tỉnh Đăk Nông quan tâm ngay từ khi chương trình khai thác bắt đầu xúc tiến triển khai. Đặc điểm của khai thác mỏ bô xít có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn không kéo dài như các loại khoáng sản khác, vì vậy có thể không cần phải thu hồi đất như luật khoáng sản quy định. Do vậy sau khai thác có thể hoàn nguyên để trả lại đất cho các đối tương sử dụng đất. Trên cơ sở ý tưởng này, UBND tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo Sở Tài Nguyên môi trường xây dựng đề cương đề xuất áp dụng chính sách đất đai trong khai thác mỏ bô xít. Theo đề xuất này có 3 phương án như sau:
-Phương án 1: Nhà nước thu hồi và cho thuê đất có thời hạn, sau khi khai thác và hoàn thổ trả lại đất cho chủ sử dụng đúng vị trí và diện tích như trước khi thu hồi
-         Phương án 2: Nhà nước thu hồi, quy hoạch lại và giao cho các chủ sử dụng sau khi khai thác và hoàn nguyên;
Phương án 3: Nhà nước thu hồi đất, các chủ sử dụng đất được cấp đất sản xuất mới hoặc chuyển ngành nghề.
Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đăk Nông
Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đăk Nông
Theo ý kiến chung của các đại biểu, trong các phương án đề xuất về áp dụng chính sách đất đai, phải ưu tiên lựa chọn phương án áp dụng chính sách nào có lợi cho người dân nhất, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải tuân thủ pháp luật. Có thể áp dụng cả 3 phương án đối với từng trường hợp cụ thể khác nhau. Việc thu hồi đất phải thực hiện một cách thận trọng, nhà đầu tư cùng chính quyền địa phương cần có giải pháp mềm dẻo, tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của người dân. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu phát triển dự thảo đề cương để tính toán lại vấn đề sử dụng đất hợp lý hơn và đưa ra phương án áp dụng chính sách đất đai phù hợp tránh xáo trộn đến đời sống của người dân, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất việc di dời dân khỏi nơi ở truyền thống…
Phân tích khả năng áp dụng chính sách này, Ông Trần Phương (phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông) và Ông Dương Văn Hòa (Phó tổng giám đốc TKV) đều cho rằng cả 3 phương án do Sở Tài nguyên môi trường đưa ra có thể sử dụng xen ghép phù hợp với từng đối tượng sử dụng đất và cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn. Bên cạnh đó, ý kiến của một số đại biểu còn băn khoăn về vấn đề phương án tái định cư tạm thời và đời sống người dân bị ảnh hưởng khi áp dụng theo phương án 1 và 2 (sẽ trả lại đất cho dân sau khi hoàn thổ). Trong thời gian cho TKV thuê đất để khai thác thì các hộ dân này sống ở đâu, phương án tái định cư tạm thời sẽ thực hiện như thế nào và theo phương thức nào? Vì vậy cần có những nghiên cứu cụ thể hơn, toàn diện hơn về các phương án áp dụng chính sách đất đai đối với vùng khai thác mỏ bô xít…
d. Hoàn thổ, phục hồi môi trường:
Để khôi phục môi trường sau khai thác, các tham luận của TKV đưa ra định hướng quy trình công nghệ khai thác theo phương thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đấy theo quy trình: vùng đất ban đầu -> bóc các lớp đất mặt -> khai thác quặng -> hòan thổ -> trồng cây. Để thực hiện vấn đề này, TKV đưa ra phương án tiếp cận khai thác theo 3 vùng gồm vùng lõi là khu vực khai thác; vùng đệm để chứa lớp đất phủ; và vùng hoàn nguyên tái tạo giá trị. Với mô hình quản lý khai thác mỏ bền vững áp dụng kinh nghiệm thực tế ở nước ngoài, TKV hy vọng sau 2 – 3 năm hoàn thổ cây trồng sẽ trở lại xanh tươi, kể cả việc phục hồi cây trồng trên bãi thải bùn đỏ. Để chuẩn bị kế hoạch hoàn thổ phục hồi môi trường, TKV đang chuẩn bị các nghiên cứu ứng dụng lựa chọn các cây trồng phù hợp để trồng sau khi hoàn thổ, kể cả tìm hiểu kinh nghiệm sử dụng các loại cây trồng trên vùng hoàn thổ ở nước ngòai. GS.Hồ Sĩ Giao (Hội khoa học mỏ Việt Nam) cũng nhìn nhận lạc quan về khả năng hoàn thổ phục hồi môi trường của các dự án bô xít ở Đăk Nông khi cho rằng đặc điểm địa chất khoáng sản bô xít ở ĐăkNông có các thân quặng được hình thành dưới dạng vỏ phong hóa laterit bao bọc phần chóp của các đồi thấp, có chiều dày không lớn, trụ vỉa là đá bazan phong hoa bở rời dễ cải tạo để có chất lượng phù hợp với điều kiện sinh trưởng của một số cây trồng như cao su, hồ tiêu, cà phê… Bởi vậy sau khai thác việc hoàn thổ sẽ mang lại cho đất đai nhiều giá trị mới như chất lượng đất được cải thiện cho cây trồng, giảm độ lồi lõm của địa hình, mục tiêu sử dụng đất đa dạng hơn… Tuy nhiên đa số các nhà khoa học, kể cả một số nhà quản lý cũng không đồng tình quan điểm này và cho rằng việc hoàn thổ, phục hồi môi trường không đơn giản như nhận thức từ trước đến nay của nhiều người khi cho rằng hoàn thổ phục hồi môi  trường chỉ là việc lấp đất lại và trồng cây. Các nhà khoa học khuyến cáo rằng hoàn thổ, phục hồi môi trường ở đây cần được hiểu ở các khía cạnh khác nhau theo mục đích sử dụng, đó là:
(i) Hoàn thổ, cải tạo đất để phát triển nông lâm nghiệp (trồng cây nông nghiệp và trồng rừng);
(ii) Hoàn thổ, phục hồi lại gần giống các hệ sinh thái tự nhiên trước đây để bảo vệ hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học và
(iii) Hoàn thổ để sử dụng vào mục đích khác (xây dựng các công trình…).
Đặc biệt đối với hệ sinh thái rừng tự nhiên, dù chỉ ở dạng rừng nghèo kiệt cũng có giá trị rất lớn về mặt sinh học và sinh thái môi trường mà không một loại rừng trồng nào có thể thay thế được, nhất là đối với vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối như Tây Nguyên nên việc phục hồi đối với hệ sinh thái này không đơn giản. Vấn đề hoàn thổ ở đây là đảm được tính thổ nhưỡng để phục hồi cây trồng, chứ không phải là lấp đất lại sau khai thác. Hoàn thổ phục hồi môi trường cần được hiểu là hoàn trả lại cho đất và thảm thực vật trên đất gần giống với môi trường trước khi khai thác.
PGs.TS.Hà Huy Thành đưa ra dẫn chứng về khai thác than ở Quảng Ninh cả trăm năm nay nhưng thử hỏi hoàn thổ được bao nhiêu. Việc hoàn thổ phục hồi môi trường không dễ dàng như một số bài tham luận chỉ mang tính lý thuyết. Ngay cả các Tập đoàn công nghiệp nhôm hàng đầu thế giới có nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thổ phục hồi môi trường như ý kiến thảo luận của ông Đinh Xuân Hùng (chuyên viên của Tập đòan Alcoa – Hoa Kỳ) cũng cho rằng phục hồi rừng khó khăn hơn rất nhiều so với hoàn thổ cải tạo đất trồng cao su hay cà phê. Các dự án hoàn thổ phục hồi rừng ở Tây Úc phải đảm bảo được tính đa dạng sinh học như trước khi khai thác mới được địa phương chấp nhận. Đồng quan điểm này, ông Lê Quang Trung cũng cho rằng việc hoàn thổ sau khai thác là vấn đề hoàn lại thổ nhưỡng đúng vị trí, từng loại đất và hệ sinh thái ban đầu.
Chia sẻ kinh nghiệm hoàn thổ, phục hồi môi trường ở nước ngoài, TS.Nguyễn Anh (Hội khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nám) trong bài tham luận gửi tới hội thảo cho biết công tác hoàn thổ phục hồi môi trường là giải pháp cơ bản để xử lý mặt đất bị biến đổi sau khai thác bô xít và cũng chính là vấn đề môi trường cơ bản nhất cần được xử lý triệt để trong khai thác bô xít. Kinh nghiệm hoàn thổ phục hồi môi trường của công ty Nabalco (Úc) được đánh giá là thành công trong việc tái tạo các khu rừng họ tràm giống như các khu rừng nguyên thủy quanh đó. Các tiêu chí sử dụng để đánh giá mức độ thành công của hoàn thổ đó là độ luân hồi dinh dưỡng (Nutrient Cycling), độ ổn định đất (Soil Stability), mật độ cư trú của chim (bird Density), các chỉ tiêu về chất lượng nước ngầm… Những chỉ tiêu này được so sánh với các chỉ tiêu tương ứng của các khu rừng nguyên thuỷ xung quanh. Theo quy trình hoàn thổ phục hồi môi trường này, thì công tác hoàn thổ không phải thực hiện sau khi khai thác mà thực chất đã được bắt đầu từ trước khi khai thác. Kinh nghiệm  hoàn thổ phục hồi môi trường thường của công ty Nabalco thường thực hiện trong khoảng 9 – 10 năm và theo các bước sau đây:
(1). Công tác chuẩn bị trước khi khai thác (thường bắt đầu 3 năm trước khi khai thác với sự hợp tác chặt chẽ với người địa phương) bao gồm (i) Khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ và cất giữ các vật mẫu về đất, nước, các loài sinh vật cũng như giống, gen động thực vật. (ii) Chặt hết các loại cây tầm cao trong phạm vi mặt bằng khai thác. Các thân cây được đốt tại chỗ làm mẫu cho đất. Các loại thực vật tầng thấp cần được tiếp tục phát triển. Giữ trạng thái mặt bằng như vậy trong 3 năm để ổn định các quá trình sinh hoá trong đất. (iii) Sau đó, bóc lớp đất màu (Topsoil) và lớp đất phủ (Subsoil) và chuyển tới các vị trí tập kết riêng biệt gần khai trường và bảo quản chúng cho tới khi được sử dụng lại. Mặt bằng đã sẵn sàng cho khai thác.
(2). Khai thác bô xit: Tiến hành khai thác bô xit trên các mặt bằng đã được chuẩn bị. Kết thúc khai thác từng khu vực theo kế hoạch. Mặt bằng sau khi kết thúc khai thác được định hình và kết nối với địa hình tự nhiên nhằm tạo điều kiện thoát nước, phong hoá và thẩm thấu.
(3). Sau khi khai thác kết thúc cần thực hiện những công việc sau để tái tạo mặt đất gần giống trạng thái nguyên thuỷ (được thực hiện trong khoảng 2 năm) gồm các công việc: (i)  Sử dụng đất phủ (Subsoil) và đất màu (Topsoil) được cất giữ để trải lại theo thứ tự và độ dày nguyên thuỷ trên mặt đất đã biến đổi sau khai thác. (ii) Tái tạo hệ thực vật nguyên thuỷ từ những hạt giống đã được sưu tầm, lập hồ sơ và cất giữ trước đây trên mặt bằng sau khai thác đã được trả lại đất phủ và đất màu (gieo trực tiếp hoặc ươm và trồng cây giống). (iii) Tại các thời điểm thích hợp tương ứng với sự tái tạo hệ thực vật, thực hiện tái tạo hệ động vật nguyên thuỷ bằng cách kết hợp tác động nhân tạo (từ nguồn giống, gen cất giữ) và tác động tự nhiên (sự di chuyển động vật và sự sinh sôi tự phát của hệ côn trùng).
(4). Theo dõi lâu dài bảo đảm các điều kiện cho công tác hoàn thổ thành công (tối thiểu phải 5 năm). Công tác hoàn thổ không dừng lại ở chỗ tái tạo hệ thực vật và động vật. Phải tiếp tục theo dõi, bao gồm quan trắc và nghiên cứu các biến đổi, đề xuất các giải pháp tiến bộ nhằm bảo đảm điều kiện tối ưu để các hệ thực vật và động vật trên mảnh đất hoàn thổ phát triển bình thường và ổn định, trở về trạng thái gần như nguyên thuỷ với tất cả các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên vốn có trước khi khai thác. Một vấn đề quan trọng là không ®ể xảy ra cháy rừng trong các khu vực đang hoàn thổ vì cháy rừng sẽ huỷ hoại sự tái tạo các thành phần hữu cơ và cản trở các hoạt động vi sinh.
Vấn đề sử dụng đất và hoàn thổ với diện tích hàng ngàn ha khi khai thác bô xít ở Tây Nguyên có thể sẽ khó khăn hơn ở Úc rất nhiều vì các mỏ bô xít ở Tây Nguyên thường có trữ lượng phân tán hơn và mật độ dân cư cao hơn, tình hình sinh thái và khí hậu thủy văn phức tạp hơn ở các vùng mỏ bô xít của Úc. Việc sử dụng đất và hoàn thổ trong khai thác khoáng sản nói chung ở ViệtNamđang còn nhiều bất cập. Hơn nữa ViệtNamchưa có thực tiễn về sử dụng đất và hoàn thổ với quy mô lớn và yêu cầu cao như vậy trong khai thác khoáng sản. Đây là thách thức lớn phải vượt qua để quá trình khai thác, chế biến bô xít ở Tây Nguyên được thực hiện an toàn thỏa đáng về môi trường.

e. Đề xuất các vấn đề liên quan khác
Ngoài các vấn đề trọng tâm trên đây, hội thảo cũng đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp liên quan khác nhằm hướng tới phát triển bền vững cho Tây Nguyên và giảm thiếu tác động bất lợi khi khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin.
Bà Trần Thị Lành cho rằng cần thiết có Ủy ban về phát triển kinh tế  xã hội Tây Nguyên như ý kiến đề xuất của nhiều đại biểu hoặc là cần có nhóm tư vấn độc lập, tập hợp các chuyên gia có trình độ khoa học khách quan có tình cảm thực sự với mảnh đất Tây Nguyên và vì sự phát triển của Tây Nguyên.
Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng cần thiết có cơ chế tham gia, đánh giá giám sát của cộng đồng và hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng bị ảnh hưởng bởi dự án bô xít. Các tổ chức và cơ chế tham gia giám sát có thể bao gồm như tổ liên lạc cộng đồng, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, nhóm hỗ trợ nâng cao trình độ cho con em đồng bào dân tộc…
Trên cơ sở những đề xuất giải pháp hỗ trợ sinh kế và đời sống của cộng đồng của các đại biểu, ông Dương Văn Hòa (Phó tổng giám đốc TKV) cho biết, TKV với trách nhiệm xã hội của mình sẽ thành lập quỹ sinh kế hay quỹ đầu tư phát triển cộng đồng để có nguồn tài chính giúp chủ đầu tư cùng với các đối tác khác tham gia hỗ trợ cộng đồng. Trong thời gian tới TKV sẽ nghiên cứu thành lập các tổ công tác:
(1). Thành lâp tổ công tác phát triển cộng đồng có sự tham gia của các tổ chức xã hội, trong đó vấn đề quan trọng cần quan tâm giải quyết là làm thế nào để con em đồng bào dân tộc có thể tham gia vào lao động và làm việc tại các dự án;
(2). Thành lập tổ công tác nghiên cứu về vấn đề hoàn nguyên đất đai sau khai thác.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng có ý kiến về sự cần thiết có thêm nhiều nghiên cứu thực tiễn cũng như sự cần thiết xây dựng luận cứ kinh tế kỹ thụât các dự án bô xít ở quy mô rộng hơn. Tính toán cụ thể hơn về lợi ích – chi phí theo quy mô mức độ ảnh hưởng liên quan đến cả môi trường kinh tế, xã hội… Đồng thời cần có thêm nhiều nghiên cứu đề xuất đóng góp các giải pháp để xây dựng các chính sách có tính khả thi cao hơn. Ông Trần Phương (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông) cũng nhấn mạnh về sự cần thiết có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm để thảo luận, tiếp tục mổ xẻ các vấn đề để tìm các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi khi thực hiện các dự án bô xít và hỗ trợ cộng đồng địa phương vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên nói chung và của Đăk nông nói riêng.

III.           KẾT LUẬN HỘI THẢO

Thời gian 2 ngày thảo luận, theo ý kiến đánh giá của nhiều đại biểu là chưa đủ để các đại biểu bày tỏ hết được những băn khoăn lo lắng về Tây Nguyên trước chương trình khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin theo quy mô công nghiệp như kế hoạch của Tập đoàn TKV. Kết thúc hội thảo nhưng còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp làm rõ, cần phải có những nghiên cứu, hội thảo tiếp theo rộng và sâu hơn. Từ các ý kiến thảo luận của các đại biểu và phát biểu kết thúc hội thảo của ông Trần Phương (Phó chủ tịch UBND tỉnh), những kết luận quan trọng của hội thảo có thể được tổng hợp như sau:
(1).  Những vấn đề tranh luận giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp dù đồng tình hay phản đối đều thể hiện tình cảm, nỗi lo lắng về một Tây Nguyên đang và sẽ chuyển mình trong chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nỗi lo lớn nhất của các đại biểu là sự an toàn liên thế hệ của cộng đồng các dân tộc trên Tây Nguyên sẽ ra sao trước chương trình khai thác chế biến bô xít, sản xuất alumin theo quy mô công nghiệp của Nhà nước mà TKV đang bước đầu triển khai;
(2). Nhiều vấn đề thảo luận tại hội thảo vượt quá nhận thức và khả năng của địa phương và doanh nghiệp. Do vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu, hội thảo nhằm tiếp tục thảo luận, phân tích, mổ xẻ để kiến nghị với Nhà nước có bước đi thích hợp và có các giải pháp nhằm khắc phục, điều chỉnh chương trình khai thác bô xít phù hợp vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên nói chung và của Đăk Nông nói riêng;
(3). Những cảnh báo về nguy cơ và rủi ro khi khai thác quặng bô xít, sản xuất alumin ở Tây Nguyên là hiện hữu và có thể gây ô nhiễm có tính tác động tích hợp và liên vùng về tất cả các lĩnh vực như kinh tế, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội, sinh thái…  không những đối với Tây Nguyên mà còn có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống và môi trường các tỉnh vùng hạ lưu sông Đồng Nai và vùng đông bắc Campuchia ở hạ lưu sông Srêpok; đặc biệt là vấn đề tác động đến cuộc sống văn hóa xã hội cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, vấn đề chất thải bùn đỏ, suy giảm diện tích rừng và nguồn nước…
(4). Để giảm thiếu tác động bất lợi và vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:
  • Cần thiết kiến nghị lập ĐMC cho quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác bô xít, sản xuất alumin, nhất là ĐMC đối với vùng Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai. Vì các dự án bô xít, sản xuất alumin tập trung chủ yếu ở Đăk Nông nên cũng có thể theo phương án tối thiểu nhất là lập ĐMC cho quy hoạch kinh tế xã hội tỉnh Đăk Nông hoặc ĐMC cho quy hoạch sử dụng đất, hay phương án đánh giá môi trường tổng hợp cho tỉnh Đăk Nông theo đề xuất của tỉnh Đăk Nông;
  • Nghiên cứu thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm khai thác bô xít, sản xuất alumin trước khi triển khai các dự án lớn;
  • Nghiên cứu xây dựng cơ chế áp dụng chính sách đất đai phù hợp khi thu hồi đất khai thác bô xít ở Đăk nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung;
  • Nghiên cứu quy trình hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác bô xít theo các mục đích sử dụng: (i) hoàn thổ cải tạo đất phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, (ii) hoàn thổ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên (phục hồi đa dạng sinh học gần giống trước khi khai thác)…
  • Triển khai các nghiên cứu thực tiễn, đặc biệt là các tác động về xã hội và môi trường làm cơ sở bổ sung tính toán lợi ích – chi phí cho các dự án bô xít;
  • Nghiên cứu thành lập các tổ chức họat động vì cộng đồng: tổ liên lạc cộng đồng, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, nhóm tư vấn độc lập hỗ trợ cộng đồng, quỹ hỗ trợ cộng đồng…
Cuối hội thảo ông Trần Phương – Phó chủ tịch UBND Đăk Nông đã đưa ra thông điệp rằng “Tài nguyên bô xít chỉ được phép khai thác khi làm cho đời sống của nhân dân được tốt hơn, bền vững hơn. Đó là lương tri của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà đầu tư đối với Tây Nguyên”. 


[1] Nguồn Quyết định 167/2007/QĐ-TTg
[2] Nguyễn Thanh Liêm, trưởng Ban nhôm – Tập đoàn TKV
[3] Theo số liệu của TS.Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc công ty Năng lượng Sông Hồng
[4] TS. Trương Văn Tấn, Cục trưởng Cục môi trường miền Trung – Tây Nguyên, Bộ Tài nguyên Môi trường
[5] TS. Lê Quang Trung, Viện khoa học lâm nghiệp ViệtNam
[6] Ý kiến các tỉnh có mỏ bô xit cho rằng nếu đưa các nhà máy alumin xuống gần cảng biển thì các tinh này  bị khai thác tài nguyên mà không mang lại lợi ích đáng kể gì để phát triển!
[7] Ý kiến của ông Trần Kiệt, đại diện Tập đòan Chal co tại Hà Nội, trao đổi bên lề hội thảo Tại Đak Nông
[8] Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN
[9] Quyết định 167/2007/QĐ-TTg
[10] Đây là số liệu quy hoạch vùng có mỏ quặng bô xít, số liệu thực tế sẽ khai thác cụ thể chưa có
[11] Quy định tại điều 4 Luật khóang sản 2005
[12] Nguồn số liệu: theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện khoa học thủy lợi MiềnNam
[13] Báo cáo tham luận tại hội thảo của nhóm nghiên cứu Đại học Tây Nguyên
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45259
======================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (12)
Chúng tôi xin đăng lại bài sau đây, đã đăng trên Viet Nam net ngày 10/12/2008, để thấy rằng bây giờ nhìn lại, những lý do dừng dự án bô-xít Tây Nguyên mà ba tác giả TS. Nguyễn Đông Hải, nhà văn Nguyên Ngọc, TS. Nguyễn Thành Sơn nêu lên trong bài báo đã dần trở thành hiện thực, rõ ràng một cách không thể chối cãi. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập, “Cá không ăn muối cá ươn / Thủ tướng cãi trí thức trăm đường Thủ tướng hư”. Nếu chúng ta nhớ rằng vào thời điểm ấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói Dự án bô-xít là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố không đưa vấn đề bô-xít ra lấy ý kiến của Quốc hội, còn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thì chính là người đã ký với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào ba văn bản trực tiếp xúc tiến việc hợp tác với Trung Quốc để khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, thì hai chữ Thủ tướng trong cái “bia miệng” trên đây phải thay bằng chữ Đảng mới phải.
Nhưng trí thức là gì? Xưa Mao xếng xáng khinh bỉ cho không bằng cục phân, và nay Tổng Bí thư Nguyễn đại nhân hạ cố ban cho họ mấy chữ lũ suy thoái và đe sẽ xử lý. Chợt nhớ bài thơ TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO của Hà Sĩ Phu: “Bốn anh Trí Phú Địa Hào / Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ / Đảng ta thương Trí ngu ngơ / Cho Công – Nông – Trí chung cờ liên minh / Trông lên Liềm – Búa hai hình / Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu / Quay sang tìm Phú, Địa, Hào / Thấy ba bụng phệ… đã vào… Đảng ta!”. Đừng thấy Đảng ca tụng trí thức mà tưởng bở!!!
Bauxite Việt  Nam

10 LÝ DO ĐỀ NGHỊ TẠM DỪNG DỰ ÁN BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN  
TS. Nguyễn Đông Hải – Nhà văn Nguyên Ngọc – TS. Nguyễn Thành Sơn
(TuanVietNam) – Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta xin hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô-xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt. – Kiến nghị của các nhà khoa học Việt Nam.
Để đảm bảo tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam giới thiệu thư của một nhóm các nhà khoa học gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị tạm dừng triển khai các dự án bô xít Tây Nguyên như một tư liệu tham khảo. 
Tháng 12/2007 và tháng 10/2008, UBND tỉnh Đắk Nông, Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng Viện Tư vấn phát triển đã tổ chức hai cuộc hội thảo đánh giá về những dự án bô-xít của Tập đoàn TKV đang triển khai trên Tây Nguyên với sự tham gia của: đại diện tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư-TKV, các nhà quản lý, các nhà khoa học thuộc những vực có liên quan (kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, địa chất, môi trường, xã hội, v.v.).
Trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN. Ảnh: Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô-xít (VietNamNet)
Trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN. Ảnh: Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô-xít (VietNamNet)
Qua hai cuộc hội thảo, có thể tóm tắt hai ý kiến nhận xét đánh giá chủ yếu về khai thác bô-xít trên Tây Nguyên được rút ra như sau:
(1) Trên quan điểm vĩ mô và về mặt chiến lược, tuyệt đại đa số các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá các dự án bô-xít đang được triển khai là: không có hiệu quả về mặt kinh tế-tài chính; rất không hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội; với trình độ tiếp cận lạc hậu của chủ đầu tư cũng như của các đối tác Trung Quốc về các giải pháp công nghệ kỹ thuật, các dự án bô-xít đang được tích cực triển khai sẽ phá hủy môi trường tại chỗ (của Tây Nguyên), sẽ gây ra những thảm họa về sinh thái trên diện rộng (cho các tỉnh Nam Trung Bộ của VN và các tỉnh của Campuchia); đang tạo ra thêm các yếu tố bất ổn định về an ninh trật tự xã hội trên Tây Nguyên.
(2) Ở tầm vi mô và mang tính chất cục bộ, ý kiến của TKV- chủ đầu tư đã tự đánh giá về các dự án bô-xít đang được triển khai là: kinh tế Tây Nguyên kém phát triển, vì vậy cần tận dụng khai thác nguồn tài nguyên bô-xít có hạn để tranh thủ xuất khẩu cho Trung Quốc nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách cho địa phương và cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, qua hai lần hội thảo, đã là sáng tỏ một số vấn đề:
- Mặc dù trong các văn bản của TKV thường dùng khái niệm “alumin”, hay “công nghiệp bô xít-nhôm” (ngay cả nhà nghỉ của TKV cũng mang tên “Alumin”) nhưng trên thực tế, chỉ có các dự án khai thác bô-xít, và chế biến bô-xít thành nguyên liệu thô (có tên gọi bằng tiếng Anh là alumina, hoặc bằng tiếng Pháp là alumine) để xuất khẩu cho Trung Quốc. Hoàn toàn không có dự án nhôm (aluminium) nào đang được triển khai. Việc lạm dụng từ “alumin” không tồn tại trên thực tế của TKV trong điều kiện hạn chế về trình độ văn hóa cũng như ngoại ngữ của đồng bào dân tộc ít người dễ dẫn đến hiểu nhầm là “nhôm”.
- Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Nông: “Trong vùng quy hoạch khai thác bô-xít diện tích đất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng cây hàng năm và cây lâu năm chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Hầu hết nhân dân sống trong vùng quy hoạch mỏ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác quặng bô-xít sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của toàn bộ các hộ dân trong vùng quy hoạch”.
- Theo báo cáo của TKV tại Hội thảo phân tích về thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) mang tính chiến lược của các dự án bô-xít là: “Sử dụng nhiều đất đai; tiêu thụ năng lượng điện lớn; tác động lớn về môi trường và xã hội; cơ sở hạ tầng không đảm bảo; Rủi ro chính trị xã hội cao; Thay đổi mối quan hệ tài nguyên với phát triển kinh tế và phong tục địa phương; Chi phí bảo vệ môi trường cao; v.v.”
Thực tế là qua hai lần hội thảo, chúng ta đã có thể rút ra từ các nhận xét đánh giá trên là: Chủ đầu tư – TKV là một tập đoàn của Nhà nước, có am hiểu về công nghệ kỹ thuật, có ý thức chính trị xã hội, luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp nên chấm dứt vô điều kiện càng sớm càng tốt việc triển khai các dự án bô-xít trên Tây Nguyên.
Để làm sáng tỏ hơn về những đánh giá và kết luận trên, chúng tôi xin được bổ sung và làm rõ 10 lý do không nên triển khai các dự án bô-xít như sau:
1/ Triển khai các dự án bô-xít là không cần thiết
Ba câu hỏi về chức năng cơ bản của nền kinh tế vĩ mô: sản xuất ra hàng hóa gì? sản xuất ra như thế nào? và để phục vụ cho các đối tượng nào trong xã hội? Nhiệm vụ chủ yếu mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần giải quyết là giảm đến mức tối thiểu sự lãng phí trong việc sản xuất ra những sản phẩm không cần thiết và tăng cường đến mức tối đa việc sản xuất ra những sản phẩm cần thiết.
Trước hết, nhu cầu về nhôm kim loại của VN không lớn, theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay và trong tương lai hàng năm VN chỉ nhập khẩu khoảng 100-150 nghìn tấn (tương đương với 2 chuyến tàu). Trên thị trường thế giới, nhôm kim loại luôn là mặt hàng thường xuyên có sẵn, chưa bao giờ xẩy ra khan hiếm. Về mặt kỹ thuật, nhôm chỉ được coi là “kim loại cơ bản”, không thuộc nhóm “kim loại quý hiếm” vì có thể được thay thế bằng các sản phẩm khác như sắt, gỗ, nhựa, giấy. Ngành công nghiệp nhôm chỉ tồn tại ở một số ít nước trên thế giới, chủ yếu là ở những nước có dư thừa điện năng giá rẻ.
Vì vậy, trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN. Alumina là nguyên liệu thô để luyện thành nhôm kim loại, và bô-xít là quặng đầu vào để tuyển thành alumina. Việc khai thác bô-xít, tuyển thành nguyên liệu thô alumina chỉ phục vụ cho mục đích xuất khẩu lại càng là một định hướng sai lầm.
Thứ hai, phát triển một ngành sản xuất tiêu tốn nhiều nước ngay trên một địa bàn còn đang khát nước là một lựa chọn không thông minh. Theo báo cáo của chủ đầu tư, chương trình bô-xít trên Tây Nguyên chủ yếu tập trung vào khai thác quặng bô-xít để chế biến thành nguyên liệu thô là alumina để xuất khẩu trong điều kiện phải sử dụng nguồn nước ngọt, vốn còn đang rất khan hiếm, đang ngày càng cạn kiệt, nhưng rất cần cho việc phát triển các cây công nghiệp khác có giá trị xuất khẩu rất cao (như cà phê, chè, cao su). Công nghiệp khai thác, tuyển-luyện bô-xít thành alumina có 3 ảnh hưởng rất tiêu cực đến nguồn nước: vừa tiêu hao rất nhiều nước (cần khoảng 60 mét khối nước cho 1 tấn), vừa làm ô nhiễm nguồn nước và vừa làm cạn kiệt nguồn nước tự nhiên.
Tất cả các dự án bô-xít đều nằm trong khu vực thượng nguồn lưu vực của sông Đồng Nai và Sêrêpốc. Việc khai thác bô-xít sẽ dẫn đến hậu quả không tránh khỏi là làm cạn kiệt nguồn nước của các con sông này. Trong đó, sông Đồng Nai đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế xã hội của các khu dân cư lớn đồng thời cũng là các khu công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương.
Nước ngọt là nguồn lực phát triển các cây công nghiệp quan trọng, còn đang thiếu đối với Tây Nguyên. Sử dụng nguồn tài nguyên nước ngọt có hạn đó để phát triển cao su, cà phê hay chè, chúng ta có thể dần dần lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên.
Tài nguyên nước ở Tây Nguyên là vô cùng quý giá và đặc biệt, tài nguyên nước trong mùa khô là sự sống còn của nền kinh tế Tây Nguyên. Trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 2) tổng lượng mưa ở Đắk Nông bình quân chỉ đạt 35mm, trong khi mực nước ngầm ngày càng hạ thấp đang là một thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế nói chung và đối với cây công nghiệp nói riêng (đặc biệt là cây cà phê).
Hồ chứa nước tiêu sẽ bị biến thành hồ chứa bùn đỏ. Ảnh: VietNamNet
Hồ chứa nước tiêu sẽ bị biến thành hồ chứa bùn đỏ. Ảnh: VietNamNet
2/ Triển khai các dự án bô-xít không làm tăng ngân sách địa phương
Vì mục tiêu của TKV hiện nay là khai thác và chế biến bô-xít thành  nguyên liệu thô để xuất khẩu, nên các dự án bô-xít không dẫn đến việc lan toả phát triển các dự án đầu tư có hiệu quả khác. Việc tăng thu ngân sách địa phương trên Tây Nguyên sẽ rất khiêm tốn. Các khoản nộp cho địa phương là thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, hay kể cả cái gọi là “thương quyền” của dự án khai thác bô-xít là không đáng kể, và không đủ bù số tiền ngân sách các tỉnh sẽ phải chi ra để khắc phục suy thoái môi trường do khai thác bô-xít.
Gần đây, ông Đặng Đức Yến – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định (trên mục Kinh tế-Xã hội một số báo gần đây) rằng “nếu dự án alumin này vào, tính từ các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường… sẽ đóng góp cho tỉnh khoảng 1.600 tỷ đồng và đến năm 2011 thì có thể đạt hơn 2.000 tỷ đồng”. Chúng tôi cho rằng, nhận định như vậy là thiếu trách nhiệm và quá lạc quan vì con số nêu trên là không đúng sự thật. Cả ngành công nghiệp than của VN sau 120 năm phát triển, xuất khẩu trên 20 triệu tấn than/năm, hiện nay cũng chỉ có lợi nhuận trước thuế khoảng 3000 tỷ đ/năm, mức nộp cho ngân sách nhà nước còn ít hơn nhiều so với con số dự tính nộp cho Đắk Nông nêu trên của các dự án bô-xít!
Bản thân dự án Nhân Cơ (theo tính toán ban đầu của chủ đầu tư), với số vốn đầu tư 2938,8 tỷ đồng, mức thuế nộp ngân sách chỉ khoảng 30,2 tỷ đồng. Số liệu này đến nay cũng không đáng tin cậy, vì 3 lý do:
(i) đến nay con số này sẽ còn giảm vì tổng mức đầu tư chỉ sau 1 năm đã tăng lên trên 3200 tỷ (tổng mức đầu tư thực tế sau này chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa);
(ii) giá thành sản phẩm của dự án chưa được xác định (bản thân Giám đốc Công ty Nhân Cơ cũng đã không thể trả lời được câu hỏi giá thành sản xuất và giá xuất khẩu nguyên liệu thô alumina là bao nhiêu?);
(iii) hiện nay giá bán nguyên liệu thô alumina trên thế giới đang giảm mạnh. Ngay cả Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa các dự án alumina ở tỉnh Sơn Đông vì không có hiệu quả.
3/ Triển khai các dự án bô-xít không có hiệu quả
Như trên đã phân tích, hầu như toàn bộ nguyên liệu thô alumina chỉ để xuất khẩu với quy mô lớn sẽ dẫn đến sự phục thuộc vào thị trường thế giới. Khách hàng mua nguyên liệu alumina của VN chỉ duy nhất là Trung Quốc. Nguồn cung cấp alumina trên thế giới rất phong phú (kể cả alumina được chế biến từ các loại quặng không phải bô-xít). Qui mô phát triển bô-xít của VN càng lớn, thì giá bán càng giảm, hiệu quả kinh tế càng thấp và sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng cao.
Thực tế, việc xuất khẩu nguyên liệu thô là alumina không có giá trị và không có hiệu quả kinh tế cao. Giá trị của alumina chỉ chiếm 10-12% so với giá trị của  nhôm kim loại và chỉ bằng <5% so với giá trị của các sản phẩm từ nhôm kim loại (giấy nhôm, hộp nhôm, diura,).
Kinh nghiệm từ chính TKV cho thấy trên thị trường khoáng sản, các doanh nghiệp VN không có khả năng cạnh tranh cao so với ngay các đối thủ trong khu vực. Ví dụ, việc xuất khẩu than của TKV hiện nay là một điển hình. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một Hội thảo ngay tại Hà Nội về chính sách phát triển kinh tế của VN, giá xuất khẩu than của VN (được qui về cùng giá trị chất lượng theo nhiệt năng) vào cùng một thị trường là Nhật Bản chỉ bằng 2/3 giá than xuất khẩu của Australia.
Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia, và càng không thể cạnh tranh được với Australia, là những nước đã và đang xuất khẩu với qui mô lớn, có nhiều lợi thế về vận tải biển hơn hẳn VN.
Ngoài ra, yếu tố công nghệ lạc hậu và thị trường tiêu thụ bị phụ thuộc nước ngoài cũng sẽ không cho phép TKV thu được hiệu quả kinh tế trong việc xuất khẩu nguyên liệu thô alumina. Trường hợp điển hình hiện nay là dự án đồng Sinh Quyền của TKV. Việc xuất khẩu tinh quặng đồng hiện nay của dự án Sinh Quyền hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nếu đưa tinh quặng đồng từ Sinh Quyền về nhà máy Tằng Lỏong để luyện thành đồng kim loại có thể bán cho nhiều hộ tiêu dùng (trong nước và/hoặc xuất khẩu), nhưng vì nhập khẩu công nghệ luyện đồng lạc hậu (chỉ luyện ra được kim loại đồng “ba con chín” có độ tinh khiết chỉ đạt 99,95÷99,97%, trong khi tiêu chuẩn của thị trường thế giới cao hơn “bốn con chín” 99,995) giá bán đồng kim loại thấp, tỷ suất lợi nhuận của việc luyện đồng lại thấp hơn nhiều so với xuất khẩu quặng tinh.
Đối với TKV, tương lai của ngành công nghiệp nhôm cũng không thể khá hơn hiện tại của các ngành công nghiệp đồng và than.
4/ Để xuất khẩu alumina phải đầu tư một hệ thống đường sắt không hiệu quả
Theo kế hoạch của TKV, để xuất khẩu alumina cần xây dựng 270km đường sắt từ Bình Thuận lên Tây Nguyên với chi phí ước khoảng 20.800 tỷ đồng (tương đương với 1,3 tỷ đô la) và một cảng biển Bình Thuận với chi phí 9.100 tỷ đồng (khoảng 535 triệu đô la). Cả hai dự án này thuộc lĩnh vực hạ tầng chỉ để phục vụ cho xuất khẩu alumina và vận chuyển than từ cảng lên Tây Nguyên.
Theo báo cáo về “định hướng công nghệ” của TKV tại Hội thảo, tuyến đường sắt còn được dùng để chở nước biển từ Bình Thuận lên Tây Nguyên để xử lý bùn đỏ? Mặc dù các dự án bô-xít đang triển khai rầm rộ, nhưng hạng mục hạ tầng này đang còn “treo” và chưa rõ. Cả hai hạng mục này cần phải được đầu tư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư và hạch toán vào alumina.
Như vậy, chắc chắn các dự án bô-xít và alumina trên Tây Nguyên lại càng không hiệu quả. Còn nếu, để hai hạng mục này được xây dựng bằng tiền đóng thuế của người lao động trong cả nước thì cần phải được Quốc hội xem xét.
Trong khi chờ đợi đường sắt (không biết bao giờ làm), chủ đầu tư dự tính sẽ sử dụng đường ôtô để chở than và các hóa chất độc hại khác từ biển lên Tây Nguyên và chở alumina từ Tây Nguyên ra biển. Rất tiếc, cả ba mặt hàng “than” hóa chất và “alumina” lại không thể sử dụng cùng một loại xe tải để tận dụng hai chiều hàng đi-hàng về. Than có thể chở bằng xe thùng, xe ben, còn alumina và hóa chất phải chở bằng xe bồn chuyên dùng hiện đại.
Như vậy, theo “định hướng công nghệ” của chủ đầu tư, phương tiện vận tải ô tô sẽ được sử dụng để chở hàng triệu tấn hàng một năm trên cung độ hơn 270km (về mặt kỹ thuật, cung độ tối ưu của vận tải ô tô loại 15-25T chỉ khoảng 10-15km). Vì vậy, giá thành alumina sẽ tăng cao hơn nhiều (chỉ tính riêng chi phí vận tải ra biển để xuất khẩu đã tăng thêm khoảng 1 triệu đ/tấn), việc xuất khẩu alumina không thể có lãi.
5/ Triển khai các dự án bô-xít là không an toàn về môi trường sinh thái
Một là: Môi trường đất bị chiếm dụng và môi trường sinh vật bị hủy hoại.
Phần lớn, tới 95% bô-xít trên thế giới khai thác lộ thiên. Trong ngành mỏ, đây là phương thức khai thác đòi hỏi chiếm dụng nhiều đất, có tác hại huỷ diệt hệ thực vật và động vật, làm sói mòn trôi lấp đất. Mức độ chiếm dụng đất của các dự án bô-xít trên Tây Nguyên rất lớn. Diện tích rừng và thảm thực vật bị phá huỷ trong khâu khai thác bình quân 30-50ha/tr.tấn bô-xít; diện tích mặt bằng bị chiếm dụng để xây dựng nhà máy tuyển bô-xít bình quân 150 ha/tr.tấn công suất, và để tuyển alumina 450 ha/tr.tấn công suất.
Hai là: chất thải bùn đỏ sẽ phải tồn trữ vĩnh viễn trên cao nguyên dễ có nguy cơ bị trôi lấp, gây thảm họa về môi trường cho các tỉnh phía dưới.
Bùn đỏ gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit, Natrisilico-aluminate, Canxi-titanat, Mono-hydrate nhôm, Tri-hydrate nhôm v.v. Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bô-xít. Trên thế giới, chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) có thể xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội (chỉ đáp ứng được khả năng của nhà đầu tư).
Australialà nước có lợi thế về địa hình (bằng phằng, có lớp đá gốc), khí hậu (rất ít mưa) và dân cư (rất thưa) thuận lợi cho việc chế biến  bô-xít và chôn cất bùn đỏ tại chỗ. Ở ViệtNam, nếu chế biến bô-xít thành alumina trên Tây Nguyên sẽ bắt buộc phải tạo ra các hồ chứa bùn đỏ thường xuyên đe doạ tình hình an ninh chính trị trên địa bàn (bọn khủng bố có thể lợi dụng biến các hồ bùn thành bom bẩn). Lượng “bom bẩn” tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp 3 lần lượng alumina thu được từ Tây Nguyên để xuất khẩu cho Trung Quốc. Ngoài ra, còn phải thường xuyên tồn chứa một lượng lớn hoá chất độc hại (để chế biến bô-xít thành alumina) trong các kho hóa chất trên Tây Nguyên.
Chỉ riêng dự án của công ty cổ phần Nhân Cơ, theo báo cáo ĐTM, phần đuôi quặng nước thải và bùn thải có khối lượng tới hơn 11 tr.m3/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới hơn 8,7 triệu m3. Với qui mô như vậy, thiệt hại do vỡ đập: không thể kiểm soát được, nguy cơ vỡ đập không thể lường trước được.
Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra môi trường khoảng 0,8 tr.m3/năm, lượng nước bẩn thải ra môi trường 4,6 tr.m3/năm. Khối lượng quặng bô-xít khai thác của dự án này lên tới 2,32 tr.m3/năm, dẫn đến nguy cơ tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 tr.m3. Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có: 20,25 tr.m3, số còn lại không biết chứa ở đâu? Ai là người chịu trách nhiệm? Chủ đầu tư? Dân địa phương?.
Ba là: các dự án bô-xít sẽ làm mất nguồn nước ngọt không có gì thay thế để phát triển các cây công nghiệp trên Tây Nguyên và mất nguồn nước cung cấp cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh
Cả hai khâu tuyển bô-xít và tuyển alumina trên Tây Nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước. Dự án Nhân Cơ có tổng mức tiêu dùng nước tới gần 15 triệu m3/năm. Dự án Tân Rai, có dự kiến xây đập chắn nước để đáp ứng nhu cầu của dự án khoảng 18 triệu.m3/năm. Như vậy, nguồn nước cho café, cao su và các nhu cầu khác bị mất đi hơn 33 tr.m3/năm. Lượng nước ngọt này chủ yếu dùng để tuyển quặng bô-xít, vì vậy không thể tuần hoàn, hay lọc để tái sử dụng cho các mục đích khác.
Bốn là: các dự án bô-xít trên Tây Nguyên sẽ làm thay đổi môi trường và sinh thái của cả khu vực
Vấn đề môi trường chủ yếu liên quan đến các chất thải. Các chất thải không thể tránh được trong các dự án bô-xít gồm:
(i) trong khai thác bô-xít, khối lượng chất thải rắn rất lớn, bình quân lượng đất đá phủ phải bốc lên và đổ thải 1m3/tấn bô-xít;
(ii) trong khâu tuyển quặng bô-xít, lượng chất thải bình quân 1tấn/tấn quặng nguyên khai;
(iii) trong khâu tuyển alumina lượng chất thải (gồm bùn đỏ, bùn oxalate, và nước thải) bình quân >2m3/tấn; và cuối cùng,
(iv) trong khâu luyện nhôm, lượng chất thải độc hại bình quân 1kg/tấn.
Ngoài các nguy cơ phá hủy môi trường tại chỗ, các dự án bô-xít alumina còn có những ảnh hưởng tiêu cực không thể tránh được đến hệ sinh thái trên qui mô rộng lớn.
Trong khâu khai thác bô-xít, nguy cơ hiện hữu là thảm thực vật và động vật của Tây nguyên sẽ bị thay đổi. Trong khâu tuyển alumina nguy cơ hiện hữu là tiêu dùng nhiều nước, phải xây đập chắn, sẽ ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của các dòng chảy. Các biến đổi dị thường về thời tiết và khí hậu khu vực miền trung có nguy cơ sẽ xẩy ra ngay gắt hơn, hạn hán sẽ kéo dài hơn, lũ quét sẽ xẩy ra thường xuyên hơn (thiệt hại do các biến đổi dị thường về thời tiết hiện nay đã tới 4000-5000 tỷ đ/năm). Các chuyên gia của Comecon (Hội đồng tương trợ kinh tế) ngày xưa đã so sánh: để lấy được 1 tấn bô-xít trên Tây Nguyên, cái giá Việt Nam phải trả là sẽ mất đi 1 tấn lúa ở miền nam trung bộ.
Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được vớiIndonesia, và càng không thể cạnh tranh được vớiAustralia. Ảnh: Khai thác Bô-xít ở miền TâyAustralia. Nguồn: britannica.com
Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được vớiIndonesia, và càng không thể cạnh tranh được vớiAustralia. Ảnh: Khai thác Bô-xít ở miền TâyAustralia. Nguồn: britannica.com
6/ Triển khai các dự án bô-xít là không phù hợp với năng lực của TKV
Trong tất cả các khâu của việc phát triển ngành “bô-xít-nhôm”, TKV chỉ có thế mạnh duy nhất ở khâu đơn giản nhất là bốc xúc đất bazan để khai thác quặng bô-xít. Các khâu chủ yếu quan trọng còn lại đều phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
Với chức năng là một tập đoàn kinh tế của Nhà nước, có trách nhiệm phát triển ổn định ngành than để cung cấp đủ than cho nền kinh tế, TKV hiện còn đang đứng trước những thách thức không thể vượt qua, đó là cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.
Kể từ khi được thành lập đến nay, trong suốt hơn 13 năm qua, trong  ngành than hầu như TKV chưa có đầu tư tái sản xuất mở rộng, chưa xây dựng được thêm một mỏ than mới nào, toàn bộ sản lượng than hiện có đều được khai thác theo kiểu “thâm canh” đến tối đa tại các mỏ than được xây dựng từ thời bao cấp theo Tổng sơ đồ do Liên Xô (cũ) lập trước đây.
ViệtNamcó bể than đồng bằng Sông Hồng với tiềm năng (trữ lượng) gấp 20 lần bể than Quảng Ninh. Mặc dù điều kiện khai thác có khó khăn hơn so với bể than Quảng Ninh, nhưng than đồng bằng sông Hồng lại có chất lượng cao hơn, rất phù hợp cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, hoá chất, luyện kim v.v. Những nguồn lực có hạn của TKV nên chăng phải được ưu tiên để phát triển bể than đồng bằng sông Hồng để làm ra sản phẩm mà nền kinh tế VN đang rất cần, nhưng không thể nhập khẩu được trong tương lai gần.
Ngoài việc không thể tăng được sản lượng than do không có đầu tư đúng mức như trên, hiện nay, tại bể than Quảng Ninh, TKV còn phải đối mặt với hai vấn đề cũng chưa có khả năng giải quyết. Đó là: (i) vấn đề môi trường vùng than Quảng Ninh đang bị xuống cấp nghiêm trọng và (ii) vấn đề vi phạm kỹ thuật cơ bản (cũng rất nghiêm trọng) của các mỏ than đã và đang làm tăng số vụ tai nạn lao động chết người cao gấp 3 lần mức bình quân của thế giới.
Yêu cầu về vốn đầu tư của riêng ngành than hiện nay cũng rất lớn, bình quân khoảng 1 tỷ đô la/năm.
Ngoài ra, định hướng “kinh doanh đa ngành” của TKV đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập (phần lớn các dự án “đa ngành” không hiệu quả, đều phải được “bao cấp” từ hòn than, đặc biệt là các dự án điện Na Dương, công ty Tài Chính, khách sạn, du lịch, lắp ráp ôtô v.v.). Gần đây, TKV còn được Chính Phủ giao bổ sung nhiệm vụ xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tất cả những nhiệm vụ hệ trọng trên đang đè nặng lên đôi vai gầy và quá mỏng manh của người thợ mỏ. Có thể nói, giao cho TKV những dự án ngoài than cũng chẳng khác nào giao “ốc mang cọc cho rêu”.
7/ Triển khai các dự án bô-xít là không đảm bảo sinh kế cộng đồng của các đồng bào dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên chủ yếu sống bằng nghề nông. Đất rừng Tây Nguyên ngắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với bà con dân tộc ít người, đất rừng không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn gắn liền với đời sống văn hóa. Suy giảm về tài nguyên rừng kéo theo suy giảm về văn hóa. Không một buôn làng nào không gắn với rừng như gắn với thần linh riêng của mình.
Số liệu điều tra cụ thể của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tây Nguyên đã khẳng định: Khác với ý kiến lâu nay (của chủ đầu tư) cho rằng đất có hàm lượng bô-xít cao không thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, ở xã Nhân Cơ (trên địa bàn triển khai dự án bô-xít Nhân Cơ) diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 83,03%, đất lâm nghiệp 0,08% và chỉ có 2,1% đất chưa sử dụng. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Nhân Cơ có 4.573 ha, trong đó có 3039,5 ha trồng cây công nghiệp là cà phê (2264 ha), cây điều (515 ha), cây tiêu (136 ha), và cau su (124,5 ha).
Trong khi đó, diện tích chiếm đất của dự án Nhân Cơ trên 4000ha, tương đương với 87% diện tích đất tự nhiên của xã. Cũng theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Nguyên, đối với đồng bào M’nông, chưa có dự án bô-xít Nhân Cơ đồng bào đã thiếu đất sản xuất rồi.
Chiếm dụng phần lớn đất nông nghiệp nhưng các dự án bô-xít không mang lại chỗ làm việc cho đồng bào dân tốc thiểu số. Ví dụ, dự án Tân Rai có diện tích chiếm đất tới 4200ha, nhưng chỉ tạo ra chỗ làm việc cho tổng số 1668 lao động. Như vậy, bình quân dự án bô-xít cần 2,5ha đất để tạo ra 1 việc làm cho người phải có đào tạo. Trong khi đó, 1 ha đất dùng để phát triển cây công nghiệp sẽ tạo ra 5 chỗ làm việc cho bà con dân tộc ít người không cần phải đào tạo.
Cũng theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Đại học Tây Nguyên, trong 12 buôn làng của huyện Đắk Rlap, số người học hết lớp 9 để có đủ điều kiện tuyển dụng vào dự án cũng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Dự án bô-xít Nhân Cơ mới chỉ tuyển chọn được 2 (hai) con em đồng bào dân tộc tại chỗ đi đào tạo công nhân. Hiện dự án bô-xít Nhân Cơ đang gửi người đi đào tạo tại Trung Quốc, nhưng chủ yếu là con em của cán bộ trong công ty- từ các tỉnh khác đến.
Theo số liệu của Công ty Alumin Nhân Cơ, để triển khai dự án, số lượng lao động sẽ tập chung vào Tây Nguyên khoảng 3000 người, bao gồm kỹ sư, công nhân kỹ thuật (chủ yếu là người Trung Quốc) và một số ít còn lại là lao động từ ngoài Bắc vào. Đối với dự án Tân Rai (đang triển khai ở Lâm Đồng), tình trạng cũng tương tự, và nguy cơ còn hiện hữu hơn vì nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu.
Khoảng cách giầu-nghèo giữa người có việc làm (từ nơi khác đến, có thu nhập) và người không có việc làm (người dân tộc, không được đào tạo, không còn đất canh tác) sẽ gia tăng. Việc người dân tộc trên Tây Nguyên sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc sống xã hội ngay trên quê hương của mình, thay vào đó là làn sóng di cư mới của những lực lượng lao động có đủ trình độ từ Trung Quốc và các tỉnh ngoài Tây Nguyên đã trở thành hiện thực. (Ví dụ điển hình là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả của TKV ở Quảng Ninh hiện nay, sau khi trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc đã đưa công nhân và lao động phổ thông từ Trung Quốc sang thực hiện 100% công việc).
Ngoài ra, dự án bô-xít Nhân Cơ còn chiếm dụng, san lấp cả hồ nước ngọt (hồ Cá Trê của người M’nông bon Bù Zấp) là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và địa điểm hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn.
8/ Triển khai các dự án bô-xít là không phát triển bền vững Tây Nguyên
Để phát triển bền vững, chúng ta cần có đánh giá, phân tích nghiêm  túc các thế mạnh, các  điểm yếu, các cơ hội, và các thách thức trong phát triển kinh tế của Tây Nguyên (các học giả Harward thường gọi là “phân tích chiến lược”).
Trước hết: Thế mạnh của Tây Nguyên là đất đỏ bazan. Đây là nguồn tài nguyên rất quý, là nơi duy nhất có khả năng trồng cau su, cà phê, tiêu, điều, chè. Trong đó, tại các khu vực có mỏ bô-xít các cây trồng chủ lực là cà phê, điều, tiêu và cau su có năng suất bình quân tương đối cao và trình độ thâm canh và canh tác của người dân cũng rất chuyên nghiệp. Đây không chỉ đơn giản là “thế mạnh”, theo khái niệm của kinh tế thị trường, đất đỏ bazan của Tây Nguyên là “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi”.
Thứ hai: Điểm yếu của Tây Nguyên là hạ tầng cơ sở kém phát triển (đặc biệt là đường giao thông, nước ngọt và nguồn cung cấp điện) và trình độ đào tạo của người lao động có hạn.
Thứ ba: Cơ hội phát triển kinh tế của Tây Nguyên là nhu cầu tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê, chè, điều, tiêu, cao su v.v. trong cân bằng ngân sách của Nhà nước đang ngày càng tăng. Trong hoàn cảnh VN đã ra nhập WTO, thị trường cho các sản phẩm cà phê, điều, cao su ngày càng được đảm bảo. Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm các cây công nghiệp trên vùng đất đỏ bazan có thể dần thay thế kim ngạch xuất khẩu của dầu thô (với trữ lượng có hạn và với sản lượng đang ngày càng giảm) của VN.
Thứ tư: Thách thức lớn nhất của Tây Nguyên là do vị trí địa lý của Tây Nguyên với chức năng là “mái nhà của Đông Dương” việc phát triển kinh tế trên Tây Nguyên có ảnh hưởng đến vấn đề môi trường và vấn đề sinh thái không chỉ của Tây Nguyên mà còn của các tỉnh bên dưới (nam trung bộ của VN và các tỉnh của Lào và Campuchia.
Qua phân tích như trên, ta thấy, các dự án bô-xít-alumina hoàn toàn  không phát huy được thế mạnh (thậm chí còn triệt tiêu các thế mạnh), nhưng lại khơi sâu điểm yếu (làm căng thẳng hơn những mất cân đối về giao thông, nước ngọt và điện năng), không tận dụng được cơ hội (thậm chí còn làm giảm cơ hội xuất khẩu), nhưng lại làm hiện thực hơn các thách thức (môi trường và sinh thái).
Lựa chọn của Tây Nguyên: bô-xít-alumina hay cây công nghiệp?
Trước hết, về mặt định hướng: phát triển cây công nghiệp là định hướng đã được Chính phủ VN lựa chọn từ trước đến nay, có đầy đủ căn cứ khoa học, và kinh tế xã hội, đã và đang được thực tế của Tây Nguyên chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Còn phát triển bô-xít là một định hướng hoàn toàn mới, nhưng rất nguy hiểm xét về mặt khoa học và kinh tế xã hội, tuy chưa được thực tế của VN chứng minh, nhưng trên thế giới, đã có rất nhiều ví dụ điển hình.
Thứ hai, về nguyên tắc phát triển bền vững (hoặc phát triển sạch): phát triển cây công nghiệp là “phát triển xanh” và sạch. Cây công nghiệp không chỉ có tác dụng lấy lại mầu xanh cho Tây Nguyên, còn có tác dụng giữ độ ẩm, hạn chế các thảm họa thiên tai như lũ quyét, lũ ống, chống khả năng khô cằn, điều hòa nguồn cung cấp nước cho các tỉnh hạ lưu. Ngược lại, phát triển bô-xít là phát triển hủy diệt mầu xanh, xâm hại đến thảm thực vật và thảm sinh vật và làm ô nhiễm không chỉ Tây Nguyên mà cả các tỉnh dưới hạ lưu.
Thứ ba, về hiệu quả kinh tế: Các tính toán cho thấy, hiệu quả kinh tế của các dự án bô-xít thấp hơn nhiều so với cau su và cà phê. Cùng với một số tiền bỏ ra (tạm lấy tổng mức đầu tư theo tính toán ban đầu của dự án bô-xít Nhân Cơ là 2938,8 tỷ đồng), nếu phát triển bô-xít, chủ đầu tư sẽ làm mất đi 4000 ha cây công nghiệp, nếu phát triển cây công nghiệp chủ đầu tư sẽ trồng mới được 34.754 ha cau su, hay 58.777 ha cà phê.
Tổng doanh thu hàng năm của bô-xít chỉ đạt 1.450 tỷ đồng, còn của cau su là 2.242 tỷ đồng, của cà phê là 5.878 tỷ đồng. Khả năng thanh toán nợ của các dự án cau su và cà phê cao hơn của bô-xít khoảng 5 lần; Khả năng đóng góp cho ngân sách địa phương của cau su cao hơn 23 lần, của cà phê cao hơn 72 lần. Tổng lao động sử dụng của bô-xít chỉ có tối đa 5000 người (chủ yếu di dân từ nới khác đến), nhưng của cau su là 173.000 người, của cà phê là 588.000 người (chủ yếu là lao động tại chỗ) v.v. (chi tiết xem bảng sau).
Chỉ tiêu so sánhđ/vịbô-xítCao suCà phê
1.       Tổng vốn đầu tư, tỷ.đồngtỷ VNĐ2.938,82.938,82.938,8
2.       Diện tích cây xanh bị phá hủyha4.00000
3.       Diện tích cây xanh được trồng mớiha034.75458.777
4.       Tổng Doanh thu hàng nămtỷ đ.1.4502.2425.878
5.       Tổng thuế nộp ngân sách hàng nămtỷ đ307012.175
6.       Lợi nhuận sau thuế hàng nămtỷ đ3011.0613.703
7.       Khả năng thanh toán nợ của dự ánB/C1,99,09,0
8.       Thời gian thu hồi vốnnăm<5>3>1
9. Sử dụng lao độngngười5000173.000588.000
Ghi chú: số liệu so sánh trên đến nay sẽ còn thay đổi theo hướng có  lợi hơn cho cao su và cà phê, vì tổng mức đầu tư của dự án bô-xít Nhân Cơ sau một năm đã tăng lên hơn 3200 tỷ VNĐ. Con số thực sau này chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa.
9/ Triển khai các dự án bô-xít là không minh bạch
Kết quả của các lần hội thảo cho thấy, còn rất nhiều vấn đề quan trọng (như nêu trên) cần phải được làm rõ trước khi triển khai các dự án bô-xít. Hiện nay, mặc dù chủ đầu tư chưa làm rõ được bất cứ vấn đề gì nhưng vẫn tích cực triển khai. Cách làm như vậy là không minh bạch, không cầu thị và chưa hết trách nhiệm.
Điều đáng quan ngại hơn, là càng triển khai, càng nẩy sinh nhiều các câu hỏi chưa có câu trả lời, hoặc được chủ đầu tư đưa ra các câu trả lời cũng không minh bạch. Ví dụ: (i) Như trên đã nêu, để xử lý bùn đỏ, chủ đầu tư dự tính sẽ vận chuyển nước biển bằng tàu hoả từ Bình Thuận lên Tây Nguyên?. (ii) Trong quá trình đấu thầu dự án Tân Rai, qui mô công suất đã được chủ đầu tư điều chỉnh tăng lên gấp 2 lần chỉ căn cứ theo “ý kiến” của các nhà thầu nước ngoài. (iii) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, các vấn đề hiệu quả và vấn đề môi trường của dự án Tân Rai đã được giảm xuống đến mức nhà thầu không có công nghệ nguồn, đang phải đóng cửa các dự án của chính mình ở mẫu quốc cũng đã thắng thầu các dự án ở Tây Nguyên?
ViệtNamđang rất cần triển khai các dự án nhiệt điện chạy than. Mặc dù các dự án điện là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, rất thiết yếu đối với nền kinh tế, Chính phủ vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ “đầu vào” và “đầu ra” (hợp đồng mua than và hợp đồng bán điện). Các dự án bô-xít là những dự án bán rẻ tài nguyên của đất nước, không những cả “đầu vào” “đầu ra” đều chưa rõ, mà bản thân công nghệ kỹ thuật (“hộp đen”) của dự án cũng còn tồn tại nhiều vấn đề không minh bạch. Những người đưa ra các quyết định, các lựa chọn rất quan trọng về công nghệ kỹ thuật bô-xít-alumina lại không có kinh nghiệm gì về alumina-bô-xít Tây Nguyên (giám đốc Công ty bô-xít Nhân Cơ không trả lời chính xác được câu hỏi “bể bùn đỏ có tổng mức đầu tư là bao nhiêu?”, chỉ đưa ra con số “khoảng 200 tỷ đồng”, tức khoảng 12 triệu U$, thấp hơn 10-15 lần mức bình quân của thế giới, nhưng trên hội thảo cứ khẳng định bể chứa bùn đỏ khổng lồ rộng hơn 200ha “do nước ngoài thiết kế” là “rất an toàn”).
10/ Triển khai các dự án bô-xít là không tuân thủ luật
Thứ nhất, theo Điều 14, Mục 1, Chương III của Luật Bảo vệ môi trường 2005, thì các chương trình như bô-xít ở Tây Nguyên, phải có Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) trước khi phê duyệt.
Mặc dù vậy, trên thực tế, các dự án bô-xít đã được triển khai, thậm chí có dự án đã đấu thầu, nhưng vẫn chưa có ĐCM được phê duyệt. Đây là một kẽ hở đang bị chủ đầu tư TKV cùng các nhà thầu Trung Quốc lợi dụng bỏ qua các nguy cơ về phá hủy môi trường và các thảm họa về sinh thái cho toàn bộ khu vực Nam Trung bộ của VN để chấp nhận và đưa những công nghệ lạc hậu vào Tây Nguyên.
Thứ hai, Luật khoáng sản quy định: (tại khoản 1, điều 5) “Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; ưu tiên các dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, làm ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế – xã hội cao”; (tại khoản 4 điều 5) “Chính phủ hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô” và (tại khoản 1 điều 48) đã nêu rõ: nhà nước có chính sách ưu đãi và khuyễn khích đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản thành nguyên liệu tinh và sản phẩm.
Trong khi đó, chương trình phát triển của TKV chỉ tập trung cho việc xuất khẩu alumina là một dạng nguyên liệu thô, không phải là sản phẩm nhôm. Các dự án alumina của TKV đang tích cực triển khai với công nghệ thải bùn đỏ (dạng lỏng) rất lạc hậu của Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp nhôm của Thế giới, Trung Quốc không nằm trong số những nước có công nghệ nguồn. Chính các công nghệ thải bùn đỏ mà TKV đang nhập khẩu từ Trung Quốc vào Tây Nguyên hiện đang bị xã hội tẩy chay ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Các nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển, đã từ lâu chuyên sang công nghệ thải bùn đỏ thân thiện hơn với môi trường (dạng khô).
Thứ ba, theo “Chương trình nghị sự 21 của VN” về phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại QĐ số 153/2004/TTg-QĐ ngày 17/8/2004, trong đó về các lĩnh vực tài nguyên môi trường đã quy định cần ưu tiên bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước, khai thác thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; về định hướng phát triển bền vững đã nêu rõ quan điểm: phát triển ngành khai khoáng cân đối với phát triển chung của các ngành kinh tế khác.
Trong khi đó, các dự án khai thác bô-xít và chế biến nguyên liệu thô alumina đều dự kiến xâm hại trên quy mô lớn đến môi trường nước ngọt, môi trường đất của Tây Nguyên. Theo báo cáo của TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Đại học Tây Nguyên), dự án bô-xít Nhân Cơ đã xâm hại đến sinh kế của cộng đồng các bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn (chiếm đất canh tác, lấp cả hồ nước ngọt).
Tóm lại, về nhiều khía cạnh tuân thủ luật, việc triển khai các dự án bô-xít trên Tây Nguyên hiện nay của chủ đầu tư cần phải được dừng lại kịp thời để xem xét đánh giá trước khi chưa quá muộn.
Nhận xét và kiến nghị
Mặc dù các dự án bô-xít đang trong thời kỳ triển khai, nhưng cân nhắc giữa “Mất và được trong việc khai thác bô-xít Tây Nguyên” chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng:
(i) Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được;
(ii) Những chi phí chủ đầu tư đã từng chi ra cho bô-xít không thể so  sánh được với những thiệt hại vô cùng nặng nề mà nền kinh tế của đất nước sẽ phải ngánh chịu từ việc khai thác bô-xít;
(iii) Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô-xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt.
Ngày 5/11/2008, 17 nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội Tây Nguyên đã có Thư kính gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các tỉnh đề nghị tạm dừng khai thác bô-xít trên Tây Nguyên.
Với các lý do trình bày trên, chúng tôi kính đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam xem xét không cho phép triển khai các dự án bô-xít trên Tây Nguyên.
N. Đ. H. – N. N. – N. T. S.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2008-12-10-10-ly-do-de-nghi-tam-dung-du-an-bo-xit-tay-nguyen
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45334
=====================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (13)
Chúng tôi xin đăng lại bài của tác giả Nguyễn Trung, đã đăng trên VietNamnet ngày 2/12/2008
Bauxite Việt Nam
MẤT VÀ ĐƯỢC TRONG VIỆC KHAI THÁC BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN
02/12/2008 08:16 (GMT + 7)
Nguyễn Trung
Khai thác bô-xít như đang triển khai là đi theo một quy trình ngược. Về lâu dài là đang lấp ló một “Vedan” khổng lồ, toàn diện, vô phương cứu chữa, là sự phụ họa tiếp theo với thiên tai, kéo dài sự tụt hậu của cả nước – chuyên gia Nguyễn Trung, người vừa có thư gửi Thủ tướng kiến nghị tạm dừng dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên viết. 
TIN LIÊN QUAN
Cuộc chơi của các “đại gia” bô-xít trên thế giới
Đại dự án bô-xít Tây Nguyên: người trong cuộc đề xuất gì?
Nguy cơ hiện hữu trong các dự án bô-xít trên Tây Nguyên
Đại kế hoạch bô-xít ở Tây Nguyên bị phản đối quyết liệt

LTS: Mặc dù quy hoạch khổng lồ về khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên đã bắt đầu được triển khai, các nhà khoa học đang phản biện quyết liệt. Ngày 5-11-2008 các nhà khoa học và làm công tác nghiên cứu đã có thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị tạm dừng khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Trước đó, trong hội thảo tại Gia Nghĩa – Đắc Nông ngày 22 và 23/10, nhiều chuyên gia cũng đã nêu lên những lý lẽ và phân tích cần thận trọng trong việc triển khai và mở rộng quy mô của đại dự án này.
Tôn trọng tính phản biện và đa chiều của thông tin, Tuần Việt Nam sẽ lần lượt đăng tải phân tích, quan điểm nhiều chiều của các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý, với mong muốn góp thêm ý kiến cho các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm ra một cách thức tiếp cận phù hợp nhất trong khai thác bô-xít, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, một vị trí địa chính trị – an ninh – văn hóa quan trọng của Việt Nam.
IThị trường thế giới về nhôm (aluminum)

Nhôm (aluminum) là kim loại nhẹ, ngày càng chiếm vị trí quan trọng kinh tế thế giới. Năm 1991 kinh tế thế giới tiêu thụ khoảng 24 triệu tấn nhôm, mười lăm năm sau (2005) là 63 triệu tấn, hiện nay là xấp xỷ 90 triệu tấn (số tròn); xu thế này sẽ tiếp tục duy trì, do có nhiều nền kinh tế mới nổi lên - đặc biệt là Trung Quốc, và do nhôm ngày càng thay thế nhiều loại vật liệu và kim lọai khác nhờ tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật. Tuy nhiên thị trường nhôm dồi dào, vì nguồn cung rất phong phú.

Trữ lượng quặng bô-xít trên thế giới rất lớn (có thể là hàng trăm tỷ tấn) so với nhu cầu khai thác và khả năng khai thác, lại nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới, do đó dù được coi là quý, nhưng nhôm không phải là kim loại hiếm. Tương tự như mặt hàng dầu lửa, giá nhôm cũng dao động theo cung cầu và theo biến động của tình hình kinh tế thế giới; tháng 3-2008 giá nhôm trên thị trường thế giới là 3380 USD/tấn, đến tháng 10-2008 chỉ còn 2850 USD/tấn.
Mặc dù trong một hai thập kỷ gần đây sản xuất nhôm trên thế giới tăng đều trong biên độ từ 5 - 10%/năm, song bản đồ sản xuất nhôm (hiểu theo nghĩa nơi có lò luyện nhôm – smelters) trên thế giới trong vòng hai, ba thập kỷ nay có nhiều thay đổi lớn: sản xuất giảm dần ở Tây Âu, một số nơi ở Bắc Mỹ và Bắc Thái Bình Dương, để chuyển mạnh vào các vùng kém phát triển hơn như Úc, Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc, Ấn Độ… Nguyên nhân cơ bản của sự chuyển dịch này là giá thành và vấn đề bảo vệ môi trường.
Từ sự thay đổi nói trên của bản đồ sản xuất nhôm trên thế giới trong nửa thế kỷ trước, người làm chính sách của các tập đoàn, nhà nước… và các nhà nghiên cứu đã tổng kết:
Để đi tới quyết định có sản xuất nhôm hay không, cần đáp ứng thỏa đáng những điều kiện sau đây - xếp theo thứ tự quan trọng của các yếu tố:
1. có nguồn điện dồi dào,
2. có nguồn nước dồi dào,
3. nơi khai thác có vị trí và địa thế hoang vắng thuận lợi cho giải quyết thỏa đáng vấn đề bảo vệ môi trường (nước thải và bùn đỏ),
4. có khả năng giảm xuống mức thấp nhất chi phí vận tải,
5. có trữ lượng bô-xít dồi dào với hàm lượng cho phép đạt 4/2/1 (4 tấn quặng làm ra 2 tấn alumina [nhôm oxit] rồi từ đó ra 1 tấn nhôm, nếu không giá thành sẽ quá đắt),
6. có nguồn lao động rẻ.
Ngoại trừ các vùng mỏ phong phú của Nga ở miền Trung Uran và cũng là nơi sản xuất chính về nhôm của quốc gia này và một vài nơi trong các nước CIS cũ (Liên bang các quốc gia độc lập – bao gồm Nga và một số nước trong Liên Xô cũ), việc khai thác bô-xít ở châu Âu hầu như đóng cửa từ cách đây nhiều thập kỷ.
Trên thực tế chỉ còn lại một số mỏ nhỏ và đang thu hẹp dần ở Rumani, Hy Lạp, và vùng Bankan… Trước đó nhiều nước Tây Âu đã lần lượt đóng cửa các mỏ than và quặng sắt, mặc dù còn trữ lượng lớn, song đã mất lợi thế so sánh trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế.
Nơi cung cấp quặng sơ chế alumina cho công nghiệp nhôm ở châu Âu hiện nay chủ yếu là Úc, NamMỹ và châu Phi. Trong vòng hai thập kỷ nay, sản xuất nhôm của châu Âu (trừ Nga) tăng không đáng kể, thậm chí có xu hướng giảm mạnh như ở các nước Đức, Pháp, Ý, riêng ở Anh từ nhiều năm nay không có số liệu thống kê (có lẽ hoàn toàn đóng cửa).
Sản lượng nhôm của các nước Tây Âu 18 tháng vừa qua tiếp tục giảm đi 0,35 triệu tấn, dự báo trong vòng một năm tới sẽ giảm tiếp 0,3 triệu tấn. Trừ các nước trong khối CIS cũ, sản xuất nhôm của châu Âu hiện nay đạt mức khoảng 8 triệu tấn/năm. Bắc Mỹ đã kết thúc thời đại hoàng kim công nghiệp luyện nhôm của mình vào khoảng đầu thập kỷ 1970, hiện nay sản xuất dừng lại ở mức khoảng 7 triệu tấn/năm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến sản xuất nhôm ở châu Âu chững lại và giảm là do giá điện và vấn đề môi trường.
Về điện cho sản xuất nhôm
Để sản xuất 1 tấn nhôm từ quặng sơ chế alumina [nhôm oxit] cần khoảng 14.500 kwh đến 15.000 kwh để điện phân, nghĩa là tương đương với lượng điện cho 1 gia đình trung bình dùng trong 20 năm trời! Riêng khối lượng điện hàng năm tiêu thụ cho sản xuất nhôm hiện nay trên thế giới còn lớn hơn hoặc tương đương với toàn bộ số lượng điện đang tiêu thụ hàng năm của cả châu Phi.
Giá CIF quặng sơ chế alumina loại (12% bụi ceria) tại cảng Trung Quốc có lúc lên tới khoảng 447 – 540 USD/tấn, nay giảm nhiều (350 – 400 USD/tấn). Giá 1MKWh điện ở Trung Quốc là 50 USD (nghĩa là 5 cent 1 Kwh). Như vậy riêng chi phí cho 1 tấn nhôm mất khoảng 1100 USD tiền nguyên liệu và 700 – 800 USD tiền điện, chưa kể chi phí sản xuất. Có thể nói không cường điệu lắm: đối với một số nước (điển hình làIceland) việc làm ra nhôm để bán, thực chất một phần là cách để bán điện (chiếm 30% giá thành, thậm chí có thể hơn nữa tùy theo giá điện mua được!).
Chuyên gia của những tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất nhì thế giới như RUSAL, ALCOA, ALCAN… đưa ra ý kiến: nếu không có giá điện khoảng 35 đến 40 USD/1 MKWh (3,5 – 4 cent/Kwh) với đủ 6 yếu tố để làm nhôm như đã nêu trên, thì không thể nói là có điều kiện lý tưởng để sản xuất nhôm (Trung Quốc hiện đang sản xuất điện với giá 5 cent/kwh).
Chính thực tế này cắt nghĩa tại sao sản xuất nhôm tại các nước Tây Âu đang giảm, phần còn được duy trì chủ yếu là để phục vụ công nghiệp sản xuất nhôm cao cấp, hợp kim, nhất là các hợp kim cao cấp.
Ngay tập đoàn ALCOA hiện nay có ½ công suất sản xuất nhôm tạiTexas phải đóng cửa vì không chịu nổi giá điện. Ảrập Thống nhất Emirat (EAU) đang dọa cắt hơi đốt để sản xuất điện cho lò luyện nhôm lớn nhất thế giới (trị giá 5 tỷ USD) của tập đoàn Rio Tinto đặt tại nước này, nếu Rio Tinto không chấp nhận giá ga mới… (EAU vừa giàu về năng lượng, nước và có vị trí địa lý và bờ biển có thể nói là lý tưởng cho công nghiệp luyện nhôm).
Về bùn đỏ
Quá trình sơ chế bô-xít để lấy alumina thường để lại tối thiểu là ½ trọng lượng quặng đã khai thác là bùn đỏ + khối lượng nước nhiễm bùn này trong quá trình tuyển rửa. Cả hai thành phần này – bùn và nước nhiễm bùn – vốn không thân thiện với môi trường, lại tồn đọng các hóa chất gây ăn mòn (đặc biệt là soude caustic [xút]), khiến chúng trở thành những vũng bùn lớn hầu như không có loài vi sinh nào sống được, hủy hoại bề mặt của đất và các mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường.
Gọi loại bùn đỏ này là “bom bẩn” không phải là hoàn toàn vô lý. Cách xử lý tối ưu là phải có nơi chôn loại bùn và nước thải này rồi phủ một lớp đất dày lên trên, để lấy lại mặt bằng nơi khai thác và phủ xanh bằng trồng trọt. Đó cũng là phương thức đề phòng mưa gió chuyển tải bùn đỏ loang ra khắp vùng chung quanh, tuy nhiên vấn đề ô nhiễm nước ngầm do mưa tạo ra thì chưa có cách gì xử lý được ổn thỏa.
Việc hoàn thổ nơi khai mỏ và chôn bùn như vậy rất tốn kém, thường để lại những cảnh quan loang lổ như những vết sẹo lớn màu nâu đỏ trên mặt đất. Cũng vì lý do này, vị trí nơi khai thác bô-xít phải là những vùng hoang vắng và xa các khu dân cư, xa các nguồn nước nổi và nước ngầm. Riêng vấn đề nhiệt độ không khí gia tăng và bụi do mưa gió cuốn đi khắp nơi chưa có cách nào xử lý thỏa đáng.
Một bãi bùn đỏ ở sau khi khai thác bô-xít, Ấn Độ. Ảnh: Geho
Một bãi bùn đỏ ở sau khi khai thác bô-xít, Ấn Độ. Ảnh: Geho
Việc luyện nhôm cũng gây ô nhiễm môi trường không ít. Cùng với giá điện đắt, đấy là 2 nguyên nhân chính khiến nhiều lò luyện nhôm ở Tây Âu và Bắc Mỹ tiếp tục đóng cửa.
Bãi bùn đỏ Nalco Damanjodi, Ấn Độ: không cỏ mọc, không một loại vi sinh, không sự sống. Ảnh: Geho
Bãi bùn đỏ Nalco Damanjodi, Ấn Độ: không cỏ mọc, không một loại vi sinh, không sự sống. Ảnh: Geho
Là “công xưởng thế giới”, nhu cầu về nhôm và sản xuất nhôm của Trung Quốc trong vòng một thập kỷ nay tăng đột biến. Trung Quốc chiếm khoảng 3% trữ lượng bô-xít thế giới (có tài liệu nói là 2,3%), song hiện nay hàng năm tiêu thụ trên 10% sản lượng nhôm của thế giới và còn tăng nhanh trong những năm tới.
Nguyên nhân chính là bản thân nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc tăng trưởng mạnh, đồng thời Trung Quốc có chủ trương chiến lược tranh thủ sự chuyển dịch công nghiệp sản xuất ô-tô và máy bay vào Trung Quốc để sớm trở thành một cường quốc xuất khẩu hai mặt hàng quan trọng này.
Liên tục trong gần 2 thập kỷ vừa qua, sản lượng nhôm của Trung Quốc tăng khoảng 6 -10%/năm trên cơ sở nhập xấp xỉ 50% nguyên liệu từ bên ngoài. Hiện nay sản xuất nhôm trên lãnh thổ Trung Quốc đạt khoảng 16 triệu tấn, nhiều gấp đôi châu Âu, hoặc bằng cả Mỹ và Tây Âu cộng lại, chỉ đứng thứ hai thế giới (sau Úc) và còn tiếp tục tăng nhanh.
Tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất của Trung Quốc là CHALCO, đứng thứ tư thế giới, mỗi năm sản xuất khoảng 2,1 triệu tấn nhôm. Sự xuất hiện của “con rồng đói” Trung Quốc (TMS – The Minerals, Metals & Materials Society, Mỹ) như vậy là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho giá alumina trong vòng 10 năm nay từ 300 USD, lên 350 USD, có lúc vọt lên 450 USD/tấn, nhưng hiện nay đang giảm.
Vì những lý do trình bầy trên, Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch dài hạn và quyết liệt: “chinh phục” các thị trường bô-xít trên thế giới. Sản lượng nhôm hàng năm Trung Quốc đạt được hiện nay nói lên sự thành công của chiến dịch này.
Thị trường cung cấp alumina cho Trung Quốc có thể nói là dồi dào, người cung cấp chủ yếu là Úc, châu Phi, Indonesia và Nam Mỹ; riêng châu Phi có những mỏ do Trung Quốc trực tiếp khai thác.
Dòng suối Tịnh Tây, Quảng Tây - trước khi khai thác bô-xít. Ảnh: Dương Danh Dy sưu tầm.
Dòng suối Tịnh Tây, Quảng Tây – trước khi khai thác bô-xít. Ảnh: Dương Danh Dy sưu tầm.
Tác động ô nhiễm môi trường nơi khai thác bô-xít: Dòng suối Tịnh Tây, Quảng Tây trở thành suối máu Ảnh: Dương Danh Dy sưu tầm.
Tác động ô nhiễm môi trường nơi khai thác bô-xít: Dòng suối Tịnh Tây, Quảng Tây trở thành suối máu Ảnh: Dương Danh Dy sưu tầm.
Khó khăn lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là môi trường nơi khai thác bô-xít bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiệt độ không khí tăng lên và tàn phá nghiêm trọng các vùng chung quanh.
II. Được và mất đối với Việt Nam trong việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên
1. Lựa chọn con đường phát triển nào cho Việt Nam?
Đó là câu hỏi đầu tiên cần đặt ra, trước khi cân nhắc nên hay không  nên, được và mất gì trong việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên.
Trước hết, ViệtNamlà một nước đất chật người đông, tài nguyên thiên nhiên đa dạng nhưng nhìn chung không ra tấm ra món và nằm không tập trung. Đặc biệt lại là nước đi sau, với tình trạng kinh tế nghèo và lạc hậu, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị vừa rất thuận lợi nhưng cũng rất nhạy cảm. Thực tế này đòi hỏi phải cân nhắc thấu đáo mọi bề trong việc lựa chọn chiến lược phát triển.
Với một dân cư 254 người/km2, Việt Nam có mật độ dân số đứng sau Ấn Độ (336/km2), gần ngang với Philippines (277/km2), nhưng gấp hơn 5 lần mật độ dân số cả thế giới (45,2 người/km2) và gần gấp 3 lần mật độ dân số châu Á (89/km2), cao hơn các nước Trung Quốc (138/km2), Thái Lan (125/km2), Malaysia (84/km2) là các quốc gia vừa có quan hệ kinh tế mật thiết với nước ta, vừa là các đối thủ cạnh tranh…
Đất chật người đông như vậy, đứng sát nách cái “công xưởng thế giới”, lại ở vào khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn trong phát triển và cạnh tranh kinh tế. Sau 32 năm xây dựng trong hòa bình, trong đó có 10 năm đầu khủng hoảng và 22 năm đổi mới, Việt Nam vẫn là nước nghèo nhất so với các nước ASEAN. So với Singapore, Malaysia và Thái Lan, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta rất yếu và có khoảng cách lớn – ví dụ: so với Thái Lan hiện nay khoảng cách này có thể là 20 năm, so với Malaysia và Singpore còn xa hơn nữa.
Việt Nam cũng bị Trung Quốc bỏ lại rất xa về mọi phương diện, và trên thực tế đang chịu sức ép rất lớn nhiều mặt, đặc biệt là sức ép của nền kinh tế Trung Quốc – và điều này cũng là rất tự nhiên.
Trong bối cảnh như vậy, cuộc sống chỉ dành lại cho ViệtNamcâu hỏi để trả lời: Trong tình thế này, ứng xử hay lựa chọn con đường phát triển nào là thông minh nhất cho ViệtNam?
Là nước đi sau, đất chật người đông, ở vào khu vực phát triển năng động và cạnh tranh quyết liệt như thế, dù lựa chọn con đường phát triển nào, sản phẩm gì.., để tồn tại được và trở nên giầu có, kinh tế Việt Nam chỉ có thể dựa trên (a) phát huy nguồn lực con người và (b) tìm cách làm ra ngày càng nhiều của cải trên đất nơi mình đang sinh sống. Xin nhấn mạnh: Là bằng sản xuất kinh doanh làm ra ngày càng nhiều của cải trên đất, chứ không phải dưới đất - với nghĩa là đào đất (như khai thác khoáng sản) lấy tài nguyên không tái tạo được đem đi bán và bán luôn cả môi trường tự nhiên, cả không gian sinh sống.
Thực tế khách quan khắc nghiệt của cuộc sống đòi hỏi như vậy. Phát huy nguồn lực con người để đẩy mạnh làm ăn trên đất là con đường sống và phát triển của nước ta, làm gì cũng không được xa dời nguyên lý này.
Nói một cách hình ảnh, đấy là đòi hỏi: Nước ta cần tìm cho ra một chiến lược phát triển sao cho với con người của mình, trên mỗi thước vuông của đất nước mình, có thể làm ra lâu dài và ngày càng nhiều của cải trong thế giới ngày càng cạnh tranh quyết liệt này!
Chúng ta không thể đào đất đem đi bán – kể cả dưới hình thức khai thác khoáng sản – để vừa thu hẹp và vừa hủy hoại không gian sinh sống vốn đã vô cùng chật hẹp so với dân số nước ta, lại vừa tạo ra cấu trúc kinh tế giam hãm đất nước trong lạc hậu, giữa lúc kinh tế ngày nay là của thời đại khoa học công nghệ và kỹ thuật, thời đại kinh tế tri thức và thời đại toàn cầu hóa. Than và dầu xuất đã quá nhiều rồi, chẳng bao lâu nữa, có thể ngay những năm đầu của thập kỷ 2010, nước ta sẽ phải nhập những thứ này.
Hơn nữa, không phải chỉ đối với sản phẩm bô-xít, ở vào đầu thế kỷ 21 này, là nước đi sau, mà lại chú trọng phát triển kinh tế nguyên liệu, tạo ra cấu trúc kinh tế mang nặng các sản phẩm thượng nguồn – bất luận nó là gì: dầu thô, than, sắt, gỗ, bột giấy, xi-măng… - thì sẽ có nguy cơ: Càng phát triển càng tụt hậu, càng đánh mất hai lợi thế cạnh tranh mạnh nhất, quý nhất, và cũng là hai lợi thế duy nhất nước ta có được: con người và vị trí địa lý kinh tế lý tưởng (đồng thời cũng là vị trí đầy thách thức đầu sóng ngọn gió của các sức ép nhìn theo địa kinh tế và địa chính trị).
Chưa nói đến khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay đã đi quá sâu vào kinh tế thượng nguồn và chưa chuẩn bị được bao nhiêu cho phát triển kinh tế hạ nguồn. Xu thế này rất nguy hiểm và cần sớm được đảo ngược.
Rồi đây, vào khoảng 2020, 2050 mật độ dân số nước ta còn cao hơn nữa, có thể gấp đôi hiện nay. Rồi hiệu ứng nhà kính vừa gây thiên tai tàn phá, vừa thu hẹp diện tích đất đai con người có thể sinh sống của nhân dân ta, đòi hỏi phải phát huy 2 lợi thế duy nhất nói trên của đất nước sẽ càng trở nên gay gắt hơn.
Ngày hôm nay đã phải bắt đầu chuẩn bị cho tình huống này, ngày hôm nay càng không được phép tạo ra hay chồng chất thêm những khó khăn mới cho tình huống này!
Vì ngay từ đầu chậm nhận thức ra hai lợi thế duy nhất này của đất nước, cho nên thành tựu phát triển kinh tế đất nước đạt được 32 năm qua dù là rất to lớn nếu đem ta ra so với ta, song vẫn là nhỏ và là quá chậm, nếu so với những gì nhiều quốc gia khác đã làm được trong cùng một chiều dài thời gian như vậy (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…), hoặc so với đòi của bảo toàn độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia. Đất nước vẫn đang đứng trước thực tế: Càng phát triển, khoảng cách nhiều mặt giữa nước ta và những nước cần so sánh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…) đang rộng thêm mãi ra, nguy cơ tụt hậu đang tăng lên chứ không giảm đi.
Với đỉnh cao đạt được năm 2007, nước ta đã hoàn thành thời kỳ phát triển kinh tế theo chiều rộng. Trong tình hình như vậy mà tiếp tục đi sâu vào kinh tế nguyên liệu thì có nghĩa là tự mua dây thắt cổ mình, bởi vì các yếu tố để tiếp tục phát triển theo chiều rộng đã được khai thác tới ngưỡng không cho phép vượt qua.
Tình hình này thể hiện ở chỗ kinh tế từ một thập kỷ nay tăng trưởng  mạnh nhưng chậm phát triển, hiệu quả kinh tế thấp, cấu trúc kinh tế thay đổi rất chậm; những ách tắc hay sự hẫng hụt lớn của chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và năng lực quản trị quốc gia ngày càng gia tăng.
Nhìn theo góc độ này, lạm phát từ sau quý I-2008 vọt lên 2 con số ngoài việc là hệ quả của những yếu kém kinh tế vỹ mô còn là sự cảnh báo rõ ràng về cái ngưỡng không được phép vượt qua vừa nêu trên.
Tình hình hiển nhiên đã chín muồi: kinh tế đất nước phải chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn – giai đoạn phát triển theo chiều sâu, chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập. Tiếp tục phát triển theo chiều rộng như vừa qua sẽ đi tới đổ vỡ.
Đất nước đang đứng trước ngã ba đường: Hoặc là chuyển sang phát triển chủ yếu theo chiều sâu để tiếp tục con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa theo hướng trở thành một nước phát triển, hoặc đi sâu vào con đường phát triển hiện tại dựa trên lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên để trở thành một Philippines mới trong khu vực với mọi hậu quả khôn lường.
Lựa chọn con đường phát triển theo chiều sâu chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập, thì không thể lựa chọn đi sâu vào kinh tế nguyên liệu, càng không thể đi vào khai thác bô-xít ở Tây Nguyên như đang bắt đầu tiến hành.
2. Còn phương án phát triển nào tốt hơn cho Tây Nguyên?
Với cách nhìn vấn đề nêu trong câu hỏi 1, logic tiếp theo là phải đặt ra câu hỏi 2: Ngoài khai thác bô-xít, còn phương án phát triển kinh tế nào tốt hơn cho Tây Nguyên không?
Đã có nhiều tài liệu nói về tiềm năng kinh tế to lớn của Tây Nguyên  và tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với an ninh quốc phòng của cả nước. Điều này cũng có nghĩa là Tây Nguyên rất nhạy cảm đối với an ninh quốc phòng của cả nước.
Kiến nghị ngày 05-11-2008 của các nhà khoa học và làm công tác nghiên cứu gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị tạm dừng khai tác bô-xít ở Tây Nguyên, báo cáo của tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn “Những sai lầm chiến lược và những rủi ro hiện hữu trong việc phát triển các dự án bô-xít trên Tây Nguyên của VN”, tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc, và nhiều tham luận khác tại hội thảo Gia Nghĩa – Đắc Nông ngày 22 và 23-10-2008 đã nêu lên những lý lẽ xác đáng, xin miễn cho việc nhắc lại.
Dưới đây xin lưu ý thêm một số đặc thù của Tây Nguyên để góp phần vào việc tìm hướng đi cho vùng này.
Lựa chọn hướng phát triển Tây Nguyên xanh có lẽ là thích hợp nhất cho việc phát huy các tiềm năng của Tây Nguyên, tạo khả năng phát triển bền vững và gìn giữ môi trường, gìn giữ nguồn nước – không những không thể thiếu được để nuôi sống con người và tự nhiên toàn vùng Tây Nguyên, mà còn có lợi cho cả toàn vùng chung quanh, riêng phía Nam xuống tận miền Đông Nam Bộ.
Vì vậy: Khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên mà không bảo toàn được Tây Nguyên thì có thể nói đến mức: Cướp như thế và mang đi bán dù chỉ là một nhát cuốc đất của Tây Nguyên, là cuốc lộn Tây Nguyên lên đem bán cho nước ngoài, để lại trong nước gánh chịu mọi hệ quả! Mong rằng lương tri đủ tỉnh táo để đánh giá việc làm này.
Ngoài Đà Lạt, Tây Nguyên còn một số các địa điểm có độ cao và địa hình tương tự như Đà Lạt, có thể cho phép tạo ra trên Tây Nguyên có thêm một hay hai Đà Lạt mới, ví dụ như Mang Đen (Komplong, Kontum), mở rộng Đà Lạt ra Đan Kia vân… vân… Rất nên tiến hành khảo sát kỹ những nơi có độ cao từ 800-1000m trở lên trên Tây Nguyên để làm rõ tiềm năng này.
Nếu tìm ra Tây Nguyên có thêm một hay hai Đà Lạt mang khí hậu ôn đới, tìm ra nhiều điểm cao khác dù là diện tích nhỏ hơn cũng có điều kiện khí hậu ôn đới như thế, phải nói đấy sẽ là nguồn của cải vô cùng giầu có và lợi thế đặc biệt được tạo hóa ban cho nước ta, để làm giàu cho Tây Nguyên và cho cả nước, giầu về của cải cũng như về văn hóa.
Những vùng hay điểm ôn đới như thế ở Tây Nguyên sẽ là độc nhất vô nhị trong toàn khu vực Đông Nam Á, cho phép nhân dân ta đem trí tuệ và tài năng của mình phát huy lợi thế này tạo thành những trung tâm của giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, an dưỡng, du lịch và các dịch vụ khác của cả nước và toàn khu vực – đúng với nghĩa làm giàu trên đất.
Như vậy Tây Nguyên chẳng những sẽ tạo ra sức hấp dẫn cho chính mình mà còn cho cả nước, bảo tồn và làm giầu văn hóa Tây Nguyên và cả nước, có sức hấp dẫn đối với toàn khu vực và trên thế giới. Như vậy đất nước ta sẽ có thêm một cầu nối kinh tế và văn hóa rất quan trọng để đi vào kinh tế dịch vụ, kinh tế tri thức và hội nhập.
Điều cần đặc biệt quan tâm là sự tàn phá môi trường diễn ra đến nay ở Tây Nguyên đã vượt quá mức cho phép. Riêng Lâm Đồng có 67 nghìn ha rừng thông thì đã bị chặt sạch 52 nghìn ha với lý do thông già, mà lẽ ra chỉ nên khai thác tỉa bỏ những cây có bệnh và đồng thời phải trồng bổ sung để bảo toàn lá phổi của Tây Nguyên.
Ngày nay chỉ cần thêm một bước đi sai nữa, một quyết định sai, một quy hoạch sai dù là nhỏ trên Tây Nguyên, thậm chí dù chỉ ở một huyện hay một tỉnh, là hoàn toàn có thể hủy hoại toàn bộ triển vọng phát triển nói trên của Tây Nguyên, đồng thời gây tác hại cho các vùng lân cận . Xảy chân một bước, mang hận nghìn đời! Hệ quả không thể lường hết được. Xin đừng đánh giá thấp nguy cơ này.
Hiển nhiên là một thiếu sót lớn không thể bỏ qua là: Cho đến hôm nay Nhà nước ta vẫn chưa có một chiến lược phát triển Tây Nguyên được xây dựng theo hướng đi của thời đại, trên cơ sở những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất của văn minh nhân loại, cũng như trên cơ sở nhận thức đầy đủ những nguy cơ mới của biến đổi khí hậu và môi trường, những thách thức và cơ hội của hội nhập vào nền kinh tế thế giới đầy biến động trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.
Chưa có một chiến lược tổng thể với cách nhìn như vậy cho phát triển Tây Nguyên mà đã đi vào khai thác bô-xít ở Tây Nguyên thì không khác gì hôm nay bắt đầu chặt đứt tương lai phát triển của Tây Nguyên.
Vì những đặc thù nổi bật và tầm quan trọng như vậy, phát triển Tây Nguyên là nhiệm vụ của cả nước, phải do chính quyền Trung ương (Nhà nước) trực tiếp nắm lấy, phân cấp gì cho địa phương cũng phải trong khuôn khổ chiến lược phát triển do chính quyền Trung ương xây dựng với tinh thần vừa nêu trên, phân định rõ Trung ương (cả nước) phải làm gì và từng tỉnh Tây Nguyên phải làm gì.

Không thể khoán trắng cho các tỉnh để duy trì một Tây Nguyên phát triển trên cơ sở các nền kinh tế “GDP-tỉnh” và bị chi phối bởi tư tưởng “nhiệm kỳ”, manh mún, mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh một kiểu như hiện nay
. Không thể lại thêm mỗi ngành hay mỗi tập đoàn bất kể từ đâu đến ngày đêm xâu xé vùng này năm này qua năm khác…

Đấy là chưa nói đến vấn đề di dân tự do, nạn phá rừng đang diễn ra không ngừng trên Tây Nguyên…
Không có Tây Nguyên của Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông hay Lâm Đồng, mà chỉ có Tây Nguyên của cả nước, Tây Nguyên của Việt Nam! Càng không thể có Tây Nguyên của một ngành hay tập đoàn nào. Hơn nữa, phát triển Tây Nguyên cần bàn bạc kỹ với tất cả các tỉnh chung quanh.
Một lần nữa xin nhấn mạnh: Sự thật là nước ta thiếu hẳn một chiến lược phát triển đúng đắn làm nền tảng và căn cứ cho chiến lược tổng thể phát triển Tây Nguyên. Không thể kéo dài sự chậm trễ này nữa. Chiến lược Công nhiêp hóa – hiện đại hóa như đã đề ra và đang theo đuổi vừa còn nhiều điểm chưa rõ, vừa không thích ứng với tình hình mới: Đất nước đã kết thúc một giai đoạn phát triển, tình hình kinh tế và chính trị thế giới có nhiều thay đổi lớn mang tính một bước ngoặt.
3. Nhận xét về các dự án khai thác bô-xít đang triển khai
Ngoài những nhận xét đã nêu trong Kiến nghị ngày 05-11-2008 và trong Hội thảo Đắc Nông, dưới đây xin trình bầy thêm một số khía cạnh.
Nét chung nhất là việc quyết định khai thác bô-xít ở Tây Nguyên không được cân nhắc theo 6 yếu tố đã được đúc kết ra từ kinh nghiệm khai thác bô-xít trên thế giới. Chủ trương tiến hành khai thác bô-xít ở Tây Nguyên thực ra chủ yếu chỉ dựa trên hai yếu tố cuối cùng và có tầm quan trọng thấp nhất: có quặng, có lao động rẻ; 4 yếu tố đầu quan trọng hơn và mới thực sự là những yếu tố quyết định thì chỉ được xem xét để cho qua, thực tế là bỏ qua.
Có thể khẳng định từ nay đến năm 2020 – 2025 nước ta không thể có điện cho sản xuất nhôm, cho dù đến lúc đó có thể đã có điện hạt nhân. Ngay trước mắt, kể cả trường hợp 13 dự án điện tập đoàn EVN “nhả ra” với lý do thiếu vốn vẫn được các tập đoàn khác cáng đáng, khó có thể nói đến năm 2020 ta có thể đáp ứng đủ yêu cầu về điện của cả nước – chưa tính đến chuyện điện cho luyện nhôm ở Tây Nguyên.
Giả định rằng kiên quyết đầu tư một số công trình điện thủy lợi hay nhiệt điện chỉ để cho phục vụ riêng cho luyện nhôm ở Tây Nguyên thì khó mà đạt được yêu cầu 5 cent (USD)/kwh với một lượng điện dồi dào để có thể cung ứng dù chỉ cho một (1) lò luyện nhôm, công suất tối thiểu phải có là 100.000 tấn/năm, nghĩa là ít nhất cần phải có khoảng 1,5 tỷ kwh cho luyện một lò như vậy – tương đương với 1/6 hay 1/5 công suất một năm của nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Điều này có nghĩa để sản xuất ra khoảng một nửa triệu tấn nhôm, phải đầu tư riêng cho điện ước khoảng 2 – 2,8 tỷ USD theo tính toán hiện nay của EVN với giá 1kw cho thủy điện là 1500 USD và cho nhiệt điện là 1200 USD. Tổng sản lượng điện cả nước làm ra năm 2007 là 58,4 tỷ kwh, chỉ vừa đủ sản xuất ra gần 4 triệu tân nhôm.
Vào khoảng năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ là nước nhập than và dầu,  chẳng lẽ chỉ để cho sản xuất alumina? – chứ không phải nhôm! Lò luyện nhôm công suất dưới 100.000 tấn giá thành sẽ tăng vọt, rất khó cạnh tranh trên thị trường. Nếu có một lượng điện như thế ở Tây Nguyên thì dùng vào việc khác sẽ làm ra nhiều của cải hơn.
Là nước đi sau, bây giờ mới tham gia thị trường nhôm với tư cách là nước xuất khẩu, tối thiểu nước ta phải có sản lượng nhôm hàng năm từ 0,5 đến 1 triệu tấn thì mới trụ được; nghĩa là chỉ riêng về điện ta sẽ cần có thêm từ 1 đến 2 nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ để phục vụ cho mục đích này. Có nên không? Có khả thi không?
Tất cả những điều vừa trình bày cho thấy từ nay đến năm 2020 hoặc 2025 ta không có khả năng tự sản xuất 100.000 tấn nhôm có hiệu quả kinh tế cao và cạnh tranh được trên thị trường. Nghĩa là, nếu bây giờ quyết khai thác bô-xít Tây Nguyên, thì mãi cho đến năm 2020-2025 ta chỉ có khả năng làm ra alumina để xuất khẩu, và phải gác lại dài hạn hơn mơ ước trở thành quốc gia xuất khẩu nhôm.
Như vậy, nguy cơ nhãn tiền là chiến lược sản xuất nhôm xuất khẩu vào năm 2020-2025 có thể sẽ bị gián đoạn hẳn, hoặc phải dừng lại trong thời gian chưa tính toán được ở khâu sản xuất ra alumina, với những hệ lụy không tưởng tượng được cho đất nước.
Một bài toán nữa chưa có lời giải là vấn đề nước ở Tây Nguyên cho  bô-xít: Lấy ở đâu? và xử lý nước bùn thế nào ở nơi cao và có độ dốc lớn? Các thông tin về công nghiệp nhôm trên thế giới cho thấy tùy công nghệ sử dụng, lượng nước cần thiết cho chế biến được 1 tấn alumina thông thường là 24 m3 – nếu có lắp đặt thêm công nghệ tái tạo lại nước đã sử dụng thì có thể giảm xuống còn 6 m3.
Công nghệ được sử dụng tại Aughinish / Ireland được coi là hiện đại nhất cho đến nay, sử dụng khoảng 3 m3 / 1 tấn alumina. Nhiều mỏ bô-xít tại Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do không xử lý tốt vấn đề nước bùn, nên đã có những sông suối mang mầu đỏ mà chính báo chí Trung Quốc gọi đó là những sông suối “máu”.
Một số vấn đề khác có liên quan: Giả thiết ta chỉ sản xuất alumina
Hiệu quả kinh tế đầy nghi ngờ
Hiện nay, sản xuất ra một tấn alumina (quặng bô-xít sơ chế) cần phải có khoảng một tấn than; điều này có nghĩa phải chuyển một lượng than lớn lên Tây Nguyên, đi bằng đường nào? Hoặc phải có một lượng điện tương ứng. Nếu tính đủ cả chi phi cho đầu tư kết cấu hạ tầng, chi phí hoàn thổ và phục hồi môi trường đúng với yêu cầu mà cấu tạo địa hình Tây Nguyên đòi hỏi sau khi khai thác, liệu giá thành sản xuất alumina của Tây Nguyên có thể giữ được khoảng  300 – 350 USD/tấn (giá FOB) hoặc thấp hơn nữa để đứng vững được trên thị trường hay không?
Muốn đạt giá thành trên, ngoài tổng chi phí cho khai thác, hàm lượng nhôm trong quặng phải đạt công thức 4/2/1. Giả thiết rằng hàm lượng nhôm trong quặng thấp, ví dụ có thể là <4/<2/1, giá alumina đem bán sẽ rất rẻ và khó bán – vì giá thành luyện ra nhôm sẽ tăng cao.
Hơn thế nữa, alumina của ta làm ra ai sẽ mua? Ta không thể đem alumina bán cho Tây Âu và Bắc Mỹ được vì xa quá, cước phí vận tải tốn kém và ở đấy sản xuất nhôm đang bị thu hẹp. Nhật Bản là nước nhập nhôm (chứ không phải là alumina) để tiêu dùng, để luyện nhôm tinh khiết và chế tạo các hợp kim cao cấp khác.
Nhìn quanh ta: Cường quốc xuất khẩu nhôm là New Zealand, đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD – tương đương với xuất khẩu thủy sản của nước ta, song đã có nguồn nhập alumina ổn định từ Úc, giá cả có sức cạnh tranh và chất lượng cao.
Thái Lan chỉ có công nghiệp nhôm tái sinh từ sản phẩm nhôm đã dùng (recycle), các nước ASEAN còn lại hầu như chưa có công nghiệp luyện nhôm đáng kể và không phải là các quốc gia nhập khẩu alumina. Như vậy hầu như chỉ còn Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nhập alumina và có rất nhiều đầu mối trên thế giới để nhập với khối lượng lớn, giá cả cạnh tranh.
Tình hình cho thấy, nếu ta quyết định sản xuất ra alumina, nước ta có thể sẽ rơi vào tình thế: Thị trường quanh ta chỉ có một người mua là Trung Quốc, trong khi đó người bán rất nhiều và đều mạnh hơn ta (Úc, châuPhi,NamMỹ…). Thực tế này sẽ tạo ra cho alumina của ta sự lệ thuộc nguy hiểm.
Giả thử rằng quyết định vào năm 2020 – 2025 nước ta mới bắt đầu đi vào công nghiệp nhôm, có thể lúc đó – nhờ sự phát triển mọi mặt của đất nước và những tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật và công nghệ – tình hình sẽ cho phép nước ta một sự lựa chọn khác: đi thẳng vào công nghiệp nhôm cao cấp (nhôm tinh khiết, các hợp kim quý…), trên cơ sở nguyên liệu nhập hay tại chỗ, với những điều kiện kinh tế và những điều kiện thân thiện với môi trường có lợi hơn rất nhiều so với hiện nay. Nghĩa là lúc này vội vã hay nôn nóng là tự ăn vào chính mình!
Một ví dụ cụ thể, ngay bây giờ, giữa lúc người làm dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên dự định tạm thời vận tải alumina xuống biển bằng đường ô-tô, trong đầu mới chỉ có ý tưởng sẽ vận chuyển alumina bằng đường sắt, nhưng chưa có quy hoạch và thiết kế khả thi cho đường sắt này, thì trên thế giới đã có một vài nơi vận tải alumina bằng đường ống (Úc, Brazil…)…
Quan trọng hơn thế nhiều là tại sao không ngay từ bây giờ tính đến phương án và trù bị mọi việc, để vào một thời điểm nào đó, Việt Nam sẽ có thể thay thế Nhật Bản sản xuất những sản phẩm nhôm cao cấp? Xin lưu ý, hiện nay Nhật đang trù tính chuyển nhiều bộ phận công nghiệp của nền kinh tế nước mình ra bên ngoài để tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế Nhật.
Là nước đi sau, chúng ta có quyền lựa chọn. Có nên tính đến yếu tố  này trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của nước ta hay không? Lựa chọn con đường này sẽ có khả năng tránh hay giảm thiểu đáng kể việc phát triển kinh tế của các sản phẩm thượng nguồn và giúp ta khắc phục tốt hơn tình trạng tụt hậu. Như vậy đối với nước ta hiện nay, với một tầm nhìn chiến lược mới và cách tiếp cận mới, càng chậm đi vào khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, càng có lợi. Lợi thế nước đi sau là như vậy.
Ngay ở Trung Quốc, việc phát triển công nghiệp nhôm ngoài đòi hỏi tất yếu là đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mỗi năm khoảng 15 triệu tấn không có cách gì nhập đủ được, Trung Quốc gắn nhiệm vụ này với việc nhiệm vụ tranh thủ cơ hội trở thành cường quốc xuất khẩu ô-tô và máy bay. Rõ ràng thời buổi ngày nay quốc gia nào có ý thức về cạnh tranh đều phải “gắn” như vậy, nếu không là tự đào thải mình. Tìm cách gắn với cái hiện đại và sức cạnh tranh cao, chứ không phải gắn với tài nguyên không tái tạo được và lao động cơ bắp.
Quy trình lộn ngược
Việc triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên ngoài việc thiếu chiến lược phát triển tổng thể của vùng này làm nền tảng, có nguy cơ đang diễn ra theo quy trình lộn ngược: Kết cấu hạ tầng phải có cho khai thác và cho bảo vệ môi trường không được xây dựng trước khi tiến hành triển khai các công trình khai thác và tuyển + sơ chế quặng. Các kế hoạch giải quyết các vấn đề an sinh xã hội có liên quan đến toàn vùng Tây Nguyên hoặc là mới có ở mức độ ý tưởng, hoặc là chưa nghĩ đến, hoặc chưa có!
Chưa thấy các dự án khai thác alumina ở Tây Nguyên có các nguồn điện và nước của riêng mình, trước mắt vẫn là tính chuyện sử dụng các đầu vào này (input) cho sản xuất trên cơ sở các nguồn hiện có tài chỗ. Cách tiếp cận này rất nguy hại cho Tây Nguyên, trong khi Tây Nguyên đang thiếu trầm trọng điện và nước cho con người, nông nghiệp và cây công nghiệp.
Vấn đề vận tải một khối lượng lớn quặng sơ chế alumina (ước lượng từ 0,6 đến 1 triệu tấn/năm) từ Tây Nguyên xuống cảng biển trong nhiều năm sau khi bắt đầu khai thác, trù tính trong thời chưa có đường sắt và cảng chuyên dụng, sẽ dử dụng đường bộ và một hay nhiều cảng hiện có.
Điều này có nghĩa sẽ hủy hoại đáng kể những con đường và cảng có liên quan, đồng thời làm ô nhiễm không thể cứu vãn được cả một vệt đỏ dài hủy diệt xuất phát từ các mỏ bô-xít ở Tây Nguyên chạy xuống tận cảng biển, một phần lớn vùng duyên hải miền Trung.
Thực tế này sẽ cũng có nghĩa là làm hỏng luôn kinh tế cả vùng duyên hải miền Trung, nhất là ngành du lịch. Với cung cách làm ăn đang có của ta, chờ cho đến khi hoàn thành được đường sắt và cảng chuyên dụng cho xuất khẩu bô-xít, tình hình có thể sẽ quá muộn – chưa nói đến chuyện những công trình chuyên dụng này có khả thi về mặt kinh tế hay không, có tiền để làm không, và biết bao nhiêu điều bất thường khác! V… v…
Việc xử lý bùn đỏ và nước thải nêu trong các đề án khai thác bô-xít  đầy nghi ngờ, vì hai lý do: (a)rất tốn kém, (b)khó có thể làm được như có thể viết ra trên giấy – hiện tượng này đã từng xảy ra tại nhiều nước trên thế giới – kể cả ở Úc, Canada….
Ngay ở nước ta, xin hãy nhìn lại quá trình khai thác than hơn 100 năm nay ở Quảng Ninh, nhất là 30 năm trở lại đây. Có thể nói, cho đến ngày hôm nay, tất cả các mỏ than đã khai thác xong và đã đóng cửa ở Quảng Ninhhầu như đều là các vùng “Quảng Ninh đen”, chưa có một nơi nào môi trường tự nhiên được hoàn lại như trước khi khai thác.
Một lần tôi hỏi một đồng chí lão thành cách mạng là nguyên bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh: “Tại sao không phục hồi trả lại môi trường nơi khai mỏ?”. Trả lời: “Một là làm như thế sẽ lỗ; hai là ăn hết mất rồi!” Với cách quản lý mỗi năm hàng chục triệu tấn than xuất khẩu lậu như đã từng xảy ra vừa qua, thật khó tin môi trường những nơi khai thác bô-xít ở Tây Nguyên sẽ được hoàn trả một cách an toàn, nhất là vùng này cao và có độ dốc lớn. Còn các vấn đề ô nhiễm khác?
Hồ chứa bùn đỏ sau khi lấy alumina từ bô-xít tại Kashipur - Orissa, Ấn Độ: không còn sự sống nào trong môi trường này. Ảnh: Miningwatch.ca
Hồ chứa bùn đỏ sau khi lấy alumina từ bô-xít tại Kashipur – Orissa, Ấn Độ: không còn sự sống nào trong môi trường này. Ảnh: Miningwatch.ca
Vấn đề nguy hiểm nhất trong quy trình lộn ngược này là chưa có một chương trình khả thi và được phê duyệt ở cấp quốc gia cho việc bảo vệ, phục hồi môi trường nơi khai thác và cho toàn vùng, thiếu hẳn sự bàn bạc với các tỉnh, các địa phương chung quanh và các Bộ, ngành có liên quan về việc phối hợp, hợp tác với nhau xử lý các hệ quả của khai thác bô-xít có thể xảy ra. Lẽ ra vấn đề nguy hiểm nhất này phải được xử lý đầu tiên trước khi quyết định sẽ làm hay không làm alumina ở Tây Nguyên.
Việc làm mới?
Báo chí nói dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên đã động thổ (Đắc Nông) sẽ đem lại 16 nghìn việc làm mới. Nhìn theo cái giá Tây nguyên phải trả, con số này thật quá bé nhỏ so với dân số Tây Nguyên – năm 1975 lả 1,3 triệu người và hiện nay là gần 4 triệu người.
Ngoài ra về bô-xít ở Tây Nguyên, chí ít phải đặt thêm các câu hỏi: (1)16 nghìn việc làm này là cho ai – nghĩa là người dân tộc nào? (2) Bao nhiêu người các dân tộc Tây Nguyên sẽ bỏ đi và sự xáo trộn dân cư “đến và đi” sẽ xảy ra như thế nào? hệ quả mọi mặt? (3) Phương án Tây Nguyên xanh có tạo ra nhiều việc làm hơn không? (4)Bao nhiêu việc làm thuộc các ngành nghề khác ở Tây Nguyên và các vùng, các tỉnh chung quanh sẽ bị mất đi do việc khai thác bô-xít hủy hoại môi trường toàn vùng? V… v…
Năm 1976 Tây Nguyên có khoảng 1,2 triệu người sinh sống, hiện nay là gần 4 triệu. Trong một môi trường dân số tăng nhanh như vậy- nhất là do tăng dân số cơ học và còn đang tiếp tục tăng, thêm một hai chục nghìn việc làm mới cho Tây Nguyên nhờ khai thác bô-xít như vậy, có giải quyết được vấn đề đời sống của Tây Nguyên không? Trong khi đó một không gian dân cư sinh sống đáng kể sẽ bị việc khai thác khoáng sản này cướp đi. Nên lựa chọn cái gì?
Cần lưu ý: Con số 16 nghìn việc làm có thể tạo ra nhờ khai thác bô-xít như báo chí nêu lên, chủ yếu sẽ là lao động thủ công. Thực tế ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy khai thác mỏ càng sử dụng nhiều lao động thủ công, hủy hoại môi trường càng lớn. Trên hết cả, xin hãy đi khảo sát đời sống thợ tại các mỏ than, mỏ đá, các mỏ khoáng sản khác ở khắp nước ta để suy nghĩ xem: Họ đang sống như thế nào? Đây có phải là loại việc làm đáng tạo ra của thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại thời hội nhập ngày nay hay không? Vân… vân…
Muốn phát triển Tây Nguyên bền vững, cần trả lời thỏa đáng nhiều câu hỏi khác tương tự như thế, kể cả về an ninh quốc phòng và đối ngoại.
Kết luận
Khai thác khoáng sản đem bán – dù là than, dầu hay là gì nữa – lúc này đối với nước ta là cực chẳng đã, là hạ sách, trong nhiều trường hợp là thất sách, không nên mở rộng thêm, mà cần thay đổi tình hình này càng sớm càng tốt, kéo dài là chuốc thêm nghèo khó và tụt hậu.
Ngoài ra nước ta hàng năm thiên tai gây ra biết bao nhiêu khốn khó,  năm sau có thiên hướng khắc nghiệt hơn năm trước, tình trạng lụt lội các nơi ngày càng nhiều. Không có lý do gì mỗi năm lại cứ cho đẻ thêm các công trình kinh tế góp phần làm trầm trọng thêm thiên tai, để rồi lại kêu gọi cả nước ra sức chống, ra sức cứu, với bao nhiêu đau thương và tổn thất.
Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên như đang triển khai , sẽ (1)hủy hoại môi trường đồng thời làm biến đổi khí hậu toàn bộ vùng này và chung quanh, (2)thu hẹp vùng dân cư sinh sống, (3)gây phương hại cho an ninh của đất nước.
Khai thác bô-xít như đang triển khai, về lâu dài là đang lấp ló một “Vedan” khổng lồ, toàn diện, vô phương cứu chữa, là sự phụ họa tiếp theo với thiên tai, để làm hỏng đất nước, kéo dài nữa sự tụt hậu của cả nước.
Liên quan đến Vedan, ngày 13-11-2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trước Quốc hội: “Chính phủ cũng chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi Chính phủ đã từ chối dự án thép trị giá 4 – 5 tỷ USD vì vấn đề môi trường”. Mong rằng tinh thần này được vận dụng cho bô-xít Tây Nguyên.
Với nguy cơ triển khai theo quy trình lộn ngược như đang thực hiện, chương trình khai thác bô-xít Tây Nguyên có thể vừa để lại nhiều hệ quả lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, vừa tạo ra cho nước ta sự lệ thuộc mới không thể chấp nhận.
Khai thác bô-xít như đang triển khai nguy hiểm tới mức những sai lầm có nguy cơ gây ra những tổn thất lớn lao mang trọng tội đối với quốc gia, thiết nghĩ nên cân nhắc rất cẩn trọng với tầm nhìn dài hạn.
Vì vậy xin đề nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ thị cho tạm dừng việc triển khai chương trình này, thực hiện các nghiên cứu cho phép đi tới những quyết định thỏa đáng cho tương lai phát triển của Tây Nguyên, trước khi đi tới quyết định nên dừng hẳn trong một thời gian nhất định việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, hay nên đi tiếp và đi tiếp như thế nào. Mong trí tuệ của cả nước được huy động, và mong khai thác kinh nghiệm của cả thế giới cho việc này.
Xin trân trọng đề nghị Bộ Chính trị và Chính phủ cử một đoàn có thẩm quyền về kiến thức khoa học và kinh tế, độc lập với các Bộ, ngành và tập đoàn,
- a: đi khảo sát một số nơi chứa bùn đỏ ở Ấn Độ, châu Phi, hay một  vài nơi nào khác để nghiên cứu những hệ lụy trong việc khai thác bô-xít, về báo cáo công khai trong nước để tham khảo ý kiến nhân dân trước khi đi tới quyết định cuối cùng.
- b: đi khảo sát dự án đầu tư của Trung Quốc ký với Úc khai thác bô-xít ở mỏAurukun,Queenslandrồi so sánh với những dự án ta đã ký kết và rút ra những kết luận cần thiết cho Tây Nguyên.
Con đường đi lên của nước ta là tìm cách phát huy con người Việt Nam tự chủ, có ý chí nhẫn nại làm giầu bền vững, lâu dài trên từng thước vuông đất của Tổ quốc chúng ta – bằng trí tuệ và lao động cần cù sáng tạo, chứ không phải bằng cách đào bới khoáng sản đem đi bán.
Xin đừng giây phút nào quên nước ta đất chật người đông, ở vào vị trí địa lý và vị thế đầy thách thức ác nghiệt. Riêng trong nửa sau của thế kỷ 20 nước ta phải gánh chịu 5 cuộc chiến tranh khốc liệt, và hôm nay bước vào thế kỷ 21 với sự lạc hậu và tụt hậu kinh hoàng so với thế giới. Cần nhìn vào con đường đất nước phải đi để thấy hết sự thật này! Phải biến thách thức thành cơ hội. Đó là con đường duy nhất để tồn tại và phát triển. Vị trí địa lý và vị thế nước ta tiềm tàng một cơ hội như thế! Tất cả trước hết phụ thuộc vào cái đầu và ý chí, chứ không phải cơ bắp.
Thừa hưởng những kinh nghiệm của các nước đi trước trong hai thế kỷ trước, một số nước NICs đã tận dụng được lợi thế nước đi sau và đã thành công – con đường họ đi bắt đầu từ giáo dục… Tại sao nó không thể là con đường của chúng ta? (tham khảo thêm: “Lối đi duy nhất để Việt Nam thoát nghèo” và Chàng trai 22 tuổi không thể sống trong quần áo thiếu niên ).
Thế hệ chúng ta hôm nay cần làm mọi việc để tránh phải đi vào lịch sử với “tội danh” là thế hệ hủy hoại Tây Nguyên. Trách nhiệm của mỗi người ViệtNamthế hệ hôm nay đối với phát triển và tương lai của Tây Nguyên là không thể thoái thác.
N.T.
Tài liệu tham khảo
1. Các websites về công nghiệp và thương mại aluminum của các quốc gia được nhắc tới trong tham luận này.
2. Các báo cáo năm của UNDP, WTO năm 2005, 2006.
3. Các bài về công nghiệp nhôm của Earth Policy Institute – USA 2003 – 2006.
4. Các báo cáo chuyên đề hàng năm của ALCOA -
http://www.alcoa.com/global/en/investment/annual_rep.asp
5. bô-xít AND ALUMINA PROCESSING METHOD AND TAILINGS PRODUCTION -http://www.miro.co.uk/tailsafe-if/restricted/docs/wp1_2_6_bô-xít.pdf
6. Các báo cáo chuyên đề hàng năm của UC RUSAL http://www.rusal.ru/en/
7. European Aluminum Association Report – 2007.
8. bô-xít and Aluminum: A Cradle to Grave Analysis) – Nguồn: bss.sfsu.edu/raquelrp/projects/bô-xít%20and%20Aluminum.ppt
9. “MATERIALS AND THE ENVIRONMENT” Chapter 6. Designing a New Materials Economy Lester R. Brown
10. Eco-Economy: Building an Economy for the Earth, W.W. Norton & Co., NY: 2001.
11. Ecological restoration of land with particular reference to the mining of metals and industrial minerals: A review of theory and practice by J.A. Cooke and M.S. Johnson – nguồn: pubs.nrc-cnrc.gc.ca/rp/rppdf/a01-014.pdf
12. Canadian Mining Companies Destroy Environment
and Community Resources in Ghana – nguồn http://www.miningwatch.ca/updir/Cdn_Cos_in_Ghana.pdf
13. Dương Danh Dy – “Tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường khi khai thác bauxit tại một vài nơi ở Trung Quốc”.
14. Nguyễn Trung, (1)“Ngã ba 2007” VietnamNet, 25-12-2007, (2) “Lối đi duy nhất để Việt Nam thoát nghèo”VNN.VN 24/10/2008 10:35, và (3)”Chàng trai 22 tuổi không thể sống trong quần áo thiếu niên” VNN.VN31/10/2008 10:11.

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5470/index.aspx
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45355
======================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (14)


MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ XỬ LÝ HỒ CHỨA BÙN ĐỎ
PGS. TS. Nghiêm Hữu Hạnh 
1. Đặt vấn đề
Theo công nghệ của Chalieco, để sản xuất 1 tấn alumina (nhôm oxit), phải khai thác trên 2 tấn quặng bauxite và thải ra khoảng 1,5 tấn bùn đỏ ướt. Tính toán của nhiều tác giả [1] cho thấy, tại dự án Nhân Cơ, sau 15 năm khai thác, khối lượng bùn đỏ lên tới 8,7 triệu m3, tại dự án Tân Rai, một năm thải ra 0,8 triệu m3, cả đời dự án Tân Rai thải khoảng 80-90 triệu m3 bùn đỏ. Từ năm 2015, trung bình mỗi năm dự án bauxite Tây Nguyên thải ra khoảng 6 triệu m3 bùn đỏ. Nếu thực hiện tất cả các dự án, khối lượng bùn đó được lưu giữ vĩnh viễn trên Tây Nguyên là trên 1 tỷ m3, gần tương đương dung tích hồ Yaly, bằng 1/3 hồ Trị An và bằng 2,5 dung tích hồ Kẻ Gỗ.
Bùn đỏ là một chất thải sau xử lý tách lọc tinh quặng chứa hàm lượng lớn xút (natri hydroxit:   NaOH), một chất độc hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái động thực vật. Đã có một số nghiên cứu xử lý nhằm trung hòa bùn đỏ hoặc sử dụng bùn đỏ vào cải tạo đất chua, vào sản xuất vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, mức độ ứng dụng còn hạn chế. Hiện nay, giải pháp chôn lấp vẫn được sử dụng rộng rãi nhất ở nhiều nước trên thế giới. Việc chôn lấp hàng trăm triệu m3 bùn đỏ độc hại ở cao trình +600-700m tại vùng đầu nguồn của các hệ thống sông Đồng Nai và Serepok là một sự đe dọa trực tiếp, lâu dài đối với hệ môi trường sinh thái và an ninh quốc gia. Bởi vậy, các hồ chứa bùn đỏ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trong bài viết ngắn này, tác giả phân tích một số khía cạnh để cùng nhìn nhận thấu đáo hơn về ảnh hưởng của hồ chứa bùn đỏ đến môi trường sinh thái. 
2. Một số vấn đề về an toàn hồ chứa bùn đỏ
2.1. Ổn định đập
Để ngăn bùn đỏ chảy về phía hạ lưu, cần xây dựng đập chắn bùn. Vật liệu đắp đập thường là đất được lấy tại địa phương. Đập này phải được thiết kế và xây dựng bảo đảm không xảy ra sự cố nguy hiểm trong quá trình tồn tại vĩnh viễn. Trong vài chục năm qua, chúng ta đã xây dựng trên 3.000 đập đất, trong đó, khoảng 460 đập có dung tích chứa trên 1 triệu m3 nước. Thống kê trên 100 đập có dung tích chứa từ 5 triệu m3 trở lên cho thấy dạng mất ổn định về sạt, trượt mái hạ lưu chiếm khoảng 35%, mất ổn định thấm khoảng 25%, tổng cả hai loại sự cố trên chiếm khoảng 60%. Nguyên nhân của các dạng mất ổn định nêu trên chủ yếu là do chất lượng thi công và chất lượng đất đắp. Trong các sự cố đập đã nêu, nhiều đập được xây dựng ở Tây Nguyên và đất đắp là đất bazalt.
Số liệu nêu trên cho thấy tỷ lệ sự cố đối với đâp đất là rất lớn. Điều này không những chỉ đúng với ViệtNammà còn phù hợp với nhiều nước trên thế giới. Nó đáng được quan tâm, tham khảo khi xây dựng nhiều hồ chứa bùn đỏ trên Tây Nguyên. Vì bùn đỏ là chất độc hại nên đập chắn phải được thiết kế và xây dựng bảo đảm an toàn tuyệt đối, nghĩa là không cho nước tràn qua mặt đập, không cho phép sạt trượt mái đập, không cho phép có dòng thấm qua nền và thân đập.
Sự cố nước tràn qua mặt đập
Các hồ chứa nước thường được kết cấu đập tràn, một loại đập có chức năng cho nước tràn qua vào mùa lũ nhằm không cho nước tràn qua đập đất. Nếu nước tràn qua đập đất thì đây là một tai họa vì khả năng vỡ đập là rất cao. Đố với đập chứa bùn đỏ do không có đập tràn nên để xác định chiều cao đập cần sự nghiên cứu, tính toán thủy văn rất thận trọng. Đặc biệt, khi lượng mưa ở Tây Nguyên rất lớn (2.000-2.500 mm/năm), rất tập trung (trong vòng vài ba tháng). Hơn nữa, do biến đổi khí hậu, tính cực đoan của diễn biến thời tiết có xu hướng gia tăng và đôi khi không theo quy luật. Do đó rủi ro nước tràn qua đập của hồ chứa bùn đỏ là một mối đe dọa thường trực và không loại trừ những tình huống bất khả kháng.
Sạt, trượt mái đập
Đập của hồ chứa bùn đỏ, có thể, sẽ được xây dựng theo phương pháp đầm nén, nghĩa là lấy đất ở một bãi đất nào đó đủ điều kiện cho đất đắp đập, đưa về vị trí xây đập, rải thành các lớp mỏng 0,4-0,5m. Lúc này, đất đã bị phá vỡ cấu trúc và rời rạc hoàn toàn. Nhờ thiết bị đầm, lớp đất này được đầm chặt đến mức độ cần thiết do thiết kế đưa tra, sao cho đất sau khi đầm có được các thông số bền, biến dạng và thấm cần thiết. Các thông số này cùng với kích thước mặt cắt ngang sẽ bảo đảm cho đập không bị mất ổn định đối với sạt, trượt và thấm. Tuy nhiên, ở các công trình thủy lợi các sự cố trên vẫn rất thường xảy ra (trung bình cứ trong 3 đập thì có 1 đập có sự cố). Đối với đập chứa bùn đỏ, nếu chất lượng thiết kế tốt, chọn được bãi vật liệu chất lượng tốt, thi công bảo đảm chất lượng thì sẽ bảo đảm được ổn định đối với sạt, trượt và thấm.
Dòng thấm qua đập
Cần phân biệt vấn đề dòng thấm qua đập với mất ổn định thấm. Các đập đất hoặc đập bê tông đều có dòng thấm chảy qua đập vì hệ số thấm của đất đắp khoảng 10-2 -10-3m/ng-đ (ngày-đêm), của bê tông khoảng 10-4m/ng-đ. Nghĩa là, trong đập đất, qua 24 giờ nước đi được từ 10 đến 1mm. Còn ổn định thấm được coi là khả năng của đập giữ được cấu trúc và hình dạng ban đầu dưới tác dụng của dòng thấm. Mất ổn định thấm thường thể hiện ở sự thẩm lậu, sự sệ mái, sự xuất hiện các dòng nước tập trung ở mái đập. Như vậy, nếu được thiết kế và xây dựng bảo đảm kỹ thuật thì đập chắn bùn đỏ có thể thỏa mãn điều kiện ổn định thấm, nhưng việc ngăn chặn dòng thấm qua đập là một việc không khả thi (kể cả đập được xây bằng bê tông). 
2.2. Thấm nước từ hồ chứa bùn đỏ
Để các chất độc hại có trong bùn đỏ không ảnh hưởng đến nước mặt và nước dưới đất, các chuyên gia đặc biệt quan tâm tới vấn đề thấm nước của hồ chứa. Thấm ở hồ chứa được thể hiện ở thấm từ nền đập, thấm qua vai đập-nơi đập tựa vào 2 vách đồi và thấm từ đáy hồ. Trong trạng thái tự nhiên, đất nền ở Tây Nguyên có hệ số thấm khoảng 0,10-10-2m/ng-đ. Nếu không được xử lý chống thấm nghiêm ngặt, những chất độc hại từ bùn đỏ xâm nhập vào môi trường đất và nước vùng phụ cận trên Tây Nguyên là điều hiển nhiên.
Để chống thấm cho hồ chứa các chất thải, những năm gần đây, kinh  nghiệm của thế giới là  dùng một loại vải chống thấm, được gọi là geomembrane. Thông thường, công nghệ xử lý như sau: trải một lớp đất lót, thường là sét, được đầm chặt đến độ chặt lớn nhất; trải lớp vải geomembrane; trên đó là một lớp cát hoặc vải geotextile có chức năng thu nước thải để bơm hoặc tự chảy ra ngoài. Trong trường hợp ở Tây Nguyên, theo báo cáo của TKV và Bộ Tài nguyên -Môi trường [1], thì trên lớp geomembrane là một lớp đất sét nữa, điều này được đưa ra với mong muốn tăng cường chống thấm cho đáy hồ. Vì hệ số thấm của đất nguyên trạng ở Tây Nguyên là khá lớn nên lớp đất đặp đáy hồ này chỉ có thể đạt được hệ số thấm vào khoảng10-3m/ng-đ. Điều đó có nghĩa là, so với thời gian tồn tại lâu dài của hồ chứa bùn đỏ thì các lớp đất sét gia cường chống thấm này không có giá trị gì. Để nước thải độc hại trong hồ không bị ngấm ra môi trường xung quanh, sự ổn định của lớp geomembrane là yếu tố quyết định.
Geomembrane, thông thường, được sản xuất từ PVC, LLDPE và HDPE…, là những chất dẻo tổng hợp. Geomembrane đã được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu chống thấm của hồ, đập. Ưu điểm của loại vải này là mềm, dẻo, có cường độ chống kéo, chống cắt, chống xuyên thủng cao, hệ số thẩm thấu nhỏ, vào khoảng 10–8m/ng-đ [3,4]. Geomenbrane được sử dụng làm vật liệu chống thấm cho các hồ chứa rác thải, chất thải công nghiệp và chất thải phóng xạ từ những năm cuối của thế kỷ trước. Để đánh giá độ bền của geomembrane với hóa chất, người ta thực hiện các phép thử [4, 6]. Thông thường, thời gian thử chỉ kéo dài từ 30 ngày đến 60 ngày. Những kết quá đó chỉ phù hợp khi dùng các loại vải này làm vật liệu chống thấm trong thời gian ngắn hạn. Geomembrane mới được sử dụng từ khoảng vài chục năm trở lại, hơn nữa, kinh nghiệm sử dụng cho các chất thải quặng còn chưa nhiều. Theo [7] nó chỉ có thể tồn tại được trong vòng 50-100 năm . Lời khuyên từ những nghiên cứu của một số tác giả [4, 6] là đối với môi trường chứa NaOH không nên sử dụng geomembrane hoặc chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn. Nếu thời gian tương tác giữa các chất ăn mòn với geomembrane kéo dài, thì geomembrane sẽ bị phá hủy do ăn mòn hóa học. Nghiên cứu cho thấy sức chịu kéo của geomembrane chỉ còn 60% sau 1 năm tác dụng với NaOH [6].
Từ nhận định của nhiều chuyên gia, chúng tôi thấy geomembrane có thể chống thấm tốt nhưng sẽ bị phá hủy do sự ăn mòn của nước NaOH sau một thời gian nhất định. Điều đó cho thấy bài toán chống thấm triệt để cho hồ chứa bùn đỏ có thể là không khả thi.
3. Kết luận
Từ một số phân tích nêu trên có thể nhận xét như sau:
1. Khả năng nước tràn qua đập, gây xói lở, sạt trượt mái đâp hạ lưu,  thậm chí vỡ đập chắn của hồ chứa bùn đỏ là nguy cơ hiện hữu thường trực trong mùa mưa. Từ đó nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm do tràn hồ chứa bùn đỏ là không tránh khỏi trong suốt quá trình tồn tại vĩnh viễn của hồ. Sự cố này là do tai biến thiên nhiên gây ra, sức người là quá nhỏ bé, nhiều khi không chống đỡ được.
2. Sử dụng vải chống thấm geomembrane chỉ có thể làm chậm quá trình thấm nước chứa NaOH từ hồ chứa bùn đỏ nhưng không thể ngăn cản được dòng thấm này (từ đáy hồ, nền đập, vai đập và thân đập) vào vùng đất lân cận. Do đó, hiểm họa ô nhiễm môi trường đất – nước, môi trường sống ở vùng xung quanh và vùng hạ lưu hồ chứa bùn đỏ là hiện hữu. Khoa học hiện nay chưa thể khắc phục được.
3. Những nhận xét trên cần được phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng khi quyết định xây dựng những hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên. 
Tài liệu nguồn
1. Bauxitevietnam. info
2. Chemical resistance guide forCarlislepolypropylene geomembrane systems (9/03F)
3. Coppinger J. Use of bituminous geomembrane to reduce environmental impact of road in aquifer
4. Harry M. Freement Eugene; F. Harric. Hazardous waste remediation Innovative treatment technologies
5. Riton PPS Chemical property
6. Rollin A. Rigo J.M. Geomembranes indentification and performance testing
7. Tailings manegement. http://www.mongolianriverresources.mn/DOWNLOAD/AusGov/ TailingsManagement.pdf
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45388
======================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (15)
Sau bài phân tích đầu tiên về xử lý hồ chứa bùn đỏ (Tư liệu 14), khi xảy ra sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary, PGS TS Nghiêm Hữu Hạnh đã viết tiếp bài  phân tích thứ hai về độ an toàn của hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên. Bài đã được đăng trên BVN ngày 19/10/2010. Trong lần đăng lại này, chúng tôi bổ sung lời dẫn của GS Nguyễn Thế Hùng.
Bauxite Việt Nam
Tác giả PGS Nghiêm Hữu Hạnh đã phân tích rất khoa học về nguy cơ dẫn đến sự cố đập chắn của hồ chứa bùn đỏ.
Trong các nghiên cứu mới nhất về sự cố gây ra do dòng thấm gây ra, ví dụ thấm từ các hồ chứa nước, thì vấn đề vỡ đập do dòng thấm gây xói ngầm các hạt mịn, khoa học hiện nay vẫn chưa đưa ra được tiêu chuẩn để kiểm tra; do đó đối với hồ chứa bùn đỏ, như PGS Nghiêm Hữu Hạnh phân tích trong bài này thì càng nguy hiểm bội phần.
Các giải pháp kỹ thuật cho hồ chống thấm bùn đỏ ở Tây Nguyên hiện nay là không thể chống thấm được, đặc biệt qua đáy hồ và nguy cơ vỡ đập vẫn tiềm ẩn.
GS Nguyễn Thế Hùng, Đại học Đà Nẵng
AN TOÀN HỒ CHỨA BÙN ĐỎ Ở TÂY NGUYÊN TỪ BÀI HỌC HUNGARY
 PGS. TS. Nghiêm Hữu Hạnh
1. Đặt vấn đề
Theo tính toán của nhiều tác giả [1] cho thấy, tại dự án Nhân Cơ, sau 15 năm khai thác, khối lượng bùn đỏ lên tới 8,7 triệu m3, tại dự án Tân Rai, một năm thải ra 0,8 triệu m3, cả đời dự án Tân Rai thải khoảng 80-90 triệu m3 bùn đỏ. Việc chôn lấp hàng trăm triệu m3bùn đỏ độc hại ở cao trình +600-700m tại vùng đầu nguồn của các hệ thống sông Đồng Nai và Serepok là một sự đe dọa trực tiếp, lâu dài đối với hệ môi trường sinh thái và an ninh quốc gia. Bởi vậy, các hồ chứa bùn đỏ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Sự cố vỡ đập chứa bùn đỏ Ajkai Timfoldgyar ởHungarylàm chúng ta không khỏi lo ngại cho sự an toàn của các hồ chứa bùn đỏ của đại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên nước ta. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Công Thương và Tập đoàn KTV đã lưu ý tới vấn đề này. Tuy nhiên các vị này, như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đều khẳng định về sự an toàn của các đập chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên, thậm chí có người còn cho rằng xây dựng đập chứa bùn đỏ trong thung lũng ở Tây nguyên thuận lợi hơn, an toàn hơn so với các hồ Ajkai Timfoldgyar ở đồng bằng. Trong bài này, tác giả phân tích một số ưu, nhược điểm của hai vị trí nêu trên, bước đầu phân tích nguyên nhân gây vỡ hồ ởHungaryvà bài học cho Việt Nam. 
2. Một số ưu nhược điểm chính của hai vị trí
Điều giống nhau cơ bản là các hồ này đều chứa bùn đỏ ướt. Vì bùn đỏ là chất độc hại nên hồ chứa dù đặt ở đâu cũng đều phải được thiết kế và xây dựng bảo đảm an toàn tuyệt đối, nghĩa là không cho nước tràn qua mặt đập, không cho phép sạt trượt, vỡ đập, không cho phép có dòng thấm qua nền và thân đập.
Điều khác biệt là hồ Ajkai Timfoldgyar ởHungaryđược xây dựng ở đồng bằng còn hồ của Tân Rai và Nhân Cơ được xây dựng ở thung lũng trên cao nguyên. Điều khác biệt này tạo nên những ưu và nhược điểm khác nhau.
Khi xây dựng ở đồng bằng có những ưu nhược điểm chính như sau:
* Ưu điểm:
- Có thể lựa chọn được những khu vực có cấu trúc địa chất thuận lợi, như tầng đất cách nước dày, tầng chứa nước nằm sâu dưới mặt đất. Từ đó vấn đề ngấm nước độc hại vào tầng chứa nước và ra môi trường xung quanh được hạn chế và trên thực tế có thể khắc phục được. Trong trường hợp không khắc phục được sự thấm của nước hồ vào vùng đất xung quanh thì ở những nơi tầng nước ngầm nằm sâu có bị ô nhiễm thì sự ô nhiễm ấy cũng không có tác hại gì nếu không khai thác nước ngầm làm nước sinh hoạt.
- Có thể lựa chọn được vùng mà ở đó không phát sinh các hiện tượng địa chất động lực công trình, như xói bề mặt, trượt lở, lũ bùn đá, phong hoá, xói ngầm, cát chảy, lún ướt… do đó hoàn toàn có thể chủ động giải quyết vấn đề ổn định của đập và hồ chứa.
- Hồ được xây cao trên vùng đồng bằng thì nước mặt cung cấp cho hồ chỉ còn là nước mưa, hoặc nước do tuyết tan. Do đó có thể chủ động khắc phục được nguy cơ tràn nước từ đập ra xung quanh
- Có thể lựa chọn được vị trí rộng rãi, bằng phẳng thuận lợi cho thi công đập cũng như thi công kết cấu chống thấm cho nền đập và đáy hồ.
- Khi vấn đề thấm đã được giải quyết, thì an toàn của hồ chứa hoàn toàn toàn phụ thuộc vào sự ổn định của đập.
- Trong trường hợp đập được xây dựng bằng bê tông như đập Ajkai Timfoldgyar thì ổn định đập hoàn toàn chủ động được đối với vấn đề sức chịu tải, vấn đề lún nền đập vấn đề trượt phẳng ở mặt tiếp xúc giữa đáy đập và đất nền đập.
- Trong trường hợp đập được xây bằng bê tông thì bằng phụ gia hoàn toàn khống chế được tính chống thấm, tính ăn mòn hoá học của NaOH đối với bê tông. Đập bảo đảm được ổn định lâu dài. 
* Nhược điểm: Kinh phí xây dựng đập là rất lớn. 
Khi xây dựng ở các thung lũng ở Tây Nguyên có ưu nhược điểm sau:
* Ưu điểm:
- Chọn được thung lũng rộng thuận tiện cho quá trình thi công đập.
- Chọn được các thung lũng mà ở đó chỉ cần xây một đập ngăn là có thể tạo được một hồ chứa bùn đỏ.
- Vật liệu đắp đập là đất (theo như TKV: đắp con đê ngăn) là dễ tìm  kiếm và rẻ tiền, các đơn vị thi công đã có nhiều kinh nghiệm thi công đập đất.
- Kinh phí xây dựng đập nhỏ hơn rất nhiều so với đập bê tông và đập phải xây bao quanh hồ ở đồng bằng. 
*Nhược điểm:
- Vì hồ chứa ở thung lũng nên là nơi tụ thuỷ, nước mưa từ xung quanh đổ về. Dù có hệ thống mương thu nước mặt quanh hồ thì cũng không bảo đảm chắc chắn là với những trận mưa lớn nước không tràn qua mương để chảy vào hồ bùn đỏ. Hơn nữa, mương cần được xây dựng vững chãi để không bị vỡ khi vận hành và để mương làm việc hiệu quả thì sau mỗi trận mưa phải duy tu, nạo vét đất đá lắng đọng ở mương. Đặc biệt, khi lượng mưa ở Tây Nguyên rất lớn (2.000-2.500 mm/năm), rất tập trung (trong vòng vài ba tháng). Hơn nữa, do biến đổi khí hậu, tính cực đoan của diễn biến thời tiết có xu hướng gia tăng và đôi khi không theo quy luật. Do đó rủi ro nước tràn qua đập của hồ chứa bùn đỏ là một mối đe dọa thường trực và không loại trừ những tình huống bất khả kháng.
- Đất ở đáy hồ là đất bazal, hệ số thấm khoảng 10–7-10–8 m/s, là loại đất ít thấm. Bề dày của lớp đất này thường không lớn, ở sườn và đáy thung lũng thường dao động trong khoảng từ 5 m đến 10 m. Dưới nó thường là lớp đá nứt nẻ, phong hoá mạnh, hệ số thấm thường là 10–4 đến 10–3m/s, thuộc loại đá thấm nước mạnh. Vì hệ số thấm của đất nguyên trạng ở Tây Nguyên là khá lớn nên lớp đất đáy hồ này chỉ có thể đạt được hệ số thấm vào khoảng10-8 m/s. Điều đó có nghĩa là, so với thời gian tồn tại lâu dài của hồ chứa bùn đỏ thì các lớp đất sét gia cường chống thấm này không có giá trị gì. Để nước thải độc hại trong hồ không bị ngấm ra môi trường xung quanh, sự ổn định của lớp geomembrane [2,3] [vải chống thấm] là yếu tố quyết định. Để đánh giá độ bền của geomembrane với hóa chất, người ta thực hiện các phép thử [4, 6]. Thông thường, thời gian thử chỉ kéo dài từ 30 ngày đến 60 ngày. Những kết quả đó chỉ phù hợp khi dùng các loại vải này làm vật liệu chống thấm trong thời gian ngắn hạn. Theo [7] nó chỉ có thể tồn tại được trong vòng 50-100 năm. Lời khuyên từ những nghiên cứu của một số tác giả [4, 6] là với môi trường chứa NaOH không nên sử dụng geomembrane hoặc chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn. Nếu thời gian tương tác giữa các chất ăn mòn với geomembrane kéo dài, thì geomembrane sẽ bị phá hủy do ăn mòn hóa học. Nghiên cứu cho thấy sức chịu kéo của geomembrane chỉ còn 60% sau 1 năm tác dụng với NaOH [6]. Điều đó cho thấy bài toán chống thấm triệt để cho hồ chứa bùn đỏ là không khả thi. Một khi nước từ hồ chứa bùn đỏ đã thấm xuống đến tầng đá phong hoá nứt nẻ thì tầng chứa nước khe nứt, nguồn cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho Tây Nguyên sẽ bị ô nhiễm.
- Khi xây hồ ở thung lũng, dưới tác dụng của nước mặt trong hồ, các quá trình địa chất động lực công trình như hiện tượng tái tạo bờ hồ, trượt lở, phong hoá có điều kiện để phát sinh, phát triển mạnh mẽ hơn.
- Thung lũng được hình thành do hoạt động của các quá trình địa chất, như bào mòn, rãnh xói, mương xói, thường liên quan tới những đới nứt nẻ phong hoá mạnh. Do đó, trong nhiều trường hợp, thung lũng không những chỉ là nơi tụ thuỷ của dòng nước mặt mà còn là nơi tụ thuỷ của nước ngầm. Do vậy, nguy cơ lan truyền ô nhiễm tăng lên gấp bội so với ở đồng bằng.
- Để ngăn bùn đỏ chảy về phía hạ lưu, cần xây dựng đập chắn bùn. Vật liệu đắp đập mà TKV sử dùng là đất được lấy tại địa phương. Nhờ thiết bị đầm, lớp đất này được đầm chặt đến mức độ cần thiết do thiết kế đưa ra, sao cho đất sau khi đầm có được các thông số bền, biến dạng và thấm cần thiết. Các thông số này cùng với kích thước mặt cắt ngang sẽ bảo đảm cho đập không bị mất ổn định đối với sạt, trượt và thấm. Tuy nhiên, ở các công trình thủy lợi các sự cố trên vẫn rất thường xảy ra (trung bình cứ trong 3 đập thì 1 đập có sự cố). Đối với đập chứa bùn đỏ, khi chịu tác dụng của nước chứa NaOH từ hồ thấm vào, đất trong nền và thân đập sẽ dần dần bi phá hoại kết cấu, tính chống thấm giảm đi, tính nén lún tăng lên, độ bền chống cắt giảm đi. Nguy cơ phá huỷ do thấm, nứt, trượt, vỡ đập là rất cao. 
3. Nhận xét bước đầu về nguyên nhân vỡ đập Ajkai Timfoldgyar ở Hungary
Để phân tích nguyên nhân vỡ đập Ajkai Timfoldgyar, chúng tôi xin giới thiệu một số hình được [8] và một số trang mạng truyền tải như sau:

Hình 1. Tháng 6 năm 2010 xuất hiện 1 vết rò nhỏ ở hạ lưu đập
Hình 1. Tháng 6 năm 2010 xuất hiện 1 vết rò nhỏ ở hạ lưu đập
Hình 2. Tháng 10 năm 2010: điểm rò đã phát triển. Bùn đã chảy ngầm từ thượng lưu xuống hạ lưu qua nền đập. Đập bị nứt ngang và dọc.
Hình 2. Tháng 10 năm 2010: điểm rò đã phát triển. Bùn đã chảy ngầm từ thượng lưu xuống hạ lưu qua nền đập. Đập bị nứt ngang và dọc.
Hình 3. Đường ống trên đỉnh đập bị kéo căng về phía bên phải. Trụ đỡ đường ống bị đứt, đường ống bị vỡ. Bùn đỏ tràn ra mặt đập.
Hình 3. Đường ống trên đỉnh đập bị kéo căng về phía bên phải. Trụ đỡ đường ống bị đứt, đường ống bị vỡ. Bùn đỏ tràn ra mặt đập.
Hình 4. Đập bị kéo căng và đứt vỡ ở góc nối của hai cạnh
Hình 4. Đập bị kéo căng và đứt vỡ ở góc nối của hai cạnh
 Từ các hình trên có thể nhận xét như sau:
Từ điểm rò nhỏ bé không được xử lý (hoặc là không xử lý được?), qua 4 tháng, dòng thấm đã tạo nên hang ngầm xuyên từ thượng lưu xuống hạ lưu làm nền đập bị rỗng. Do không có chân đỡ, đập bị võng xuống, kéo căng và nứt. Khi bị kéo, tại điểm góc nối giữa hai cạnh của hồ chứa, cạnh vuông góc với nó làm việc như một ngàm cứng. Do điểm võng này nằm không xa ngàm, nơi tập trung ứng suất kéo lớn nhất, đập bị đứt ở gần ngàm. Nguyên nhân gây vỡ đập hoàn toàn do rò rỉ từ thượng lưu xuống hạ lưu khi kết cấu chống thấm đã bị xuyên thủng.
4. Kết luận
Từ một số phân tích nêu trên có thể nhận xét như sau:
1. Hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên làm việc trong điều kiện bất lợi hơn rất nhiều so với hồ chứa bùn đỏ ở đồng bằng, cụ thể là hồ Ajkai  Timfoldgyar.
2. Khả năng nước tràn qua đập, gây xói lở, sạt trượt mái đâp hạ lưu,  thậm chí vỡ đập chắn của hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên là nguy cơ hiện hữu thường trực trong mùa mưa. Từ đó nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm do tràn hồ chứa bùn đỏ là khó tránh khỏi trong suốt quá trình tồn tại vĩnh viễn của hồ. Sự cố này là do tai biến thiên nhiên gây ra, sức người là quá nhỏ bé, nhiều trường hợp là không thể chống đỡ được (lũ miền Trung là một ví dụ).
3. Sử dụng vải chống thấm geomembrane chỉ có thể làm chậm quá trình thấm nước chứa NaOH từ hồ chứa bùn đỏ chứ không thể ngăn cản được dòng thấm này (từ đáy hồ, nền đập, vai đập và thân đập) vào vùng đất lân cận. Do đó, hiểm họa ô nhiễm môi trường đất – nước, môi trường sống ở vùng xung quanh và vùng hạ lưu hồ chứa bùn đỏ là hiện hữu. Khoa học hiện nay chưa thể khắc phục được.
4. Do tác dụng của NaOH, đất ở nền và thân đập sẽ có hệ số thấm lớn hơn dễ tạo nên các dòng ngầm như ở Ajkai Timfoldgyar làm cho đập dễ bị lún nứt, sức kháng cắt giảm đi làm cho đập dễ bị nứt trượt, là tiền đề dẫn đến vỡ đập.
5. Thảm hoạ Ajkai Timfoldgyar xảy ra không phải do động đất, do sức chịu tải của nền hoặc độ bền của đập bê tông, mà do biến dạng thấm. Dạng phá huỷ này cần được nghiên cứu bằng thực nghiệm, các mô hình tính toán hiện đại hiện chưa thể mô phỏng được một cách chính xác, đủ độ tin cậy cơ chế phá huỷ này.
6. Chẳng nhẽ thế hệ chúng ta tham lam và thiếu trách nhiệm đến nỗi chỉ vì tiền mà chất chứa lên đầu cháu chắt của mình những hiểm hoạ khôn lường? 
Tài liệu nguồn
1. BauxiteVietnam
2. Chemical resistance guide forCarlislepolypropylene geomembrane systems (9/03F)
3. Coppinger J. Use of bituminous geomembrane to reduce environmental impact of road in aquifer
4. Harry M. Freement Eugene; F. Harric. Hazardous waste remediation Innovative treatment technologies
5. Riton PPS Chemical property
6. Rollin A. Rigo J.M. Geomembranes indentification and performance testing
7. Tailings manegement. http://www.mongolianriverresources.mn/DOWNLOAD/AusGov/ TailingsManagement.pdf
8. http://poleshift.ning.com/The causes of failure of the Ajkai Timfoldgyar / Kolontar tailings dam
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45382
======================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (16) – Hai bài viết của GS TS Nguyễn Thế Hùng


LỜI NÓI DỐI VÔ LIÊM SỈ VỀ SỰ AN TOÀN CỦA HỒ CHỨA BÙN ĐỎ Ở TÂY NGUYÊN
 GS TS Nguyễn Thế Hùng
Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt nam
Chúng ta biết các thiên tai xảy ra theo luật xác suất; các hiện tượng như mưa lũ, động đất, trượt lở núi… xảy ra không thể đoán trước lúc nào và cường độ là bao nhiêu!
Khi thiết kế các công trình đập giữ bùn đỏ, hồ chứa nước…, người ta chỉ dự tính được sự an toàn của nó ứng với lượng mưa, động đất… xảy ra nhỏ hơn với các giá trị tính toán nào đó (tương ứng với tần suất nào đó do cấp công trình qui định).
Với các công trình có tuổi thọ hữu hạn (như hồ chứa nước để tưới, phát điện…) mà có hiệu quả kinh tế, thì người ta chấp nhận xây dựng; bởi lẽ trong thời gian vận hành (50 ÷ 100) năm, công trình sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt nếu nó không bị sự cố (như vỡ đập chẳng hạn); còn việc có bị vỡ đập hay không do  thiên tai (vượt tần suất thiết kế) xảy ra trong lúc nó vận hành, trong một thời gian hữu hạn, là mang tính xác suất – có nghĩa là có thể có hoặc không. Ngoài nguyên nhân thiên tai, đập còn có thể bị vỡ do con người gây ra như thi công không đảm bảo chất lượng, do chiến tranh, khủng bố…
Với một công trình tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm lớn, và tồn tại lâu dài như hồ chứa bùn đỏ, do khai thác bauxite ở Tây Nguyên, mà nói đến sự an toàn không bị vỡ đập là lời nói dối vô liêm sỉ!
Mặt khác, cho dù không bị vỡ đập thì trong khoảng thời gian rất dài  sự thẩm lậu bùn đỏ vào tầng nước ngầm (do khả năng thẩm thấu của vật liệu chống thấm, sự tương tác với hóa chất…) là rất lớn và không có biện pháp gì ngăn cản được (xem bài đã đăng trong BauxiteVN của GS Nguyễn Thế Hùng; PGS Nghiêm Hữu Hạnh).
Trái đất này là của chung, mọi quốc gia cần phải góp phần giữ gìn bảo vệ nó; sự phá hoại môi trường, gây ô nhiễm xảy ra do khai thác bauxite Tây Nguyên sẽ bị loài người tiến bộ lên án, đặc biệt là các nước anh em Campuchia, Lào do bị ảnh hưởng trực tiếp.
Chúng ta cần phải vun xới tình hữu nghị lâu dài với các nước anh em láng giềng, phải chứng tỏ là một nước văn minh trong cộng đồng nhân loại.
Dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên không mang hiệu quả kinh tế, hủy hoại môi trường, và tiềm ẩn các nguy cơ khác về an ninh quốc phòng, bảo tồn văn hóa… Nên việc dừng khai thác nó là quyết định mang tính sống còn của dân tộc Việt Nam. 
Ngày 27 tháng 10 năm 2010
N. T. H.           
* * *
Ý KIẾN NGẮN VỀ CHUYỆN CHỐNG THẤM Ở HỒ BÙN ĐỎ 
GS TS Nguyễn Thế Hùng 
Bản Báo cáo số 91/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 22/5/2009, về việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên, cho biết hồ bùn đỏ được thiết kế có đáy lót bằng hai lớp đất sét dày 0,6 mét ở giữa có lớp vải địa kỹ thuật để chống thấm.
Về mặt kỹ thuật, đất sét có hệ số thấm bé: K = 10-5 ÷10-7 cm/s; trong khi đó vải địa kỹ thuật có hệ số thấm bé hơn đất sét: K = 10-8 ÷10-12 cm/s; hệ số thấm bé nhưng không phải là không thấm. Cần phải lưu ý điều này. Hai chất liệu này nếu dùng trong thời gian ngắn, một vài năm, thì khả năng thấm là ít. Tuy nhiên, đối với các hồ chứa bùn đỏ tồn tại hàng trăm  năm hoặc vĩnh viến. Với chiều cao bùn đỏ vài chục mét, tổng diện tích đáy hồ hàng vài trăm hecta, thì khoảng 100 năm thôi, lượng nước ngấm từ hồ bùn đỏ xuống đáy hồ để đi vào các mạch nước ngầm cũng đến hàng trăm triệu m3. Hơn nữa, vải địa kỹ thuật có còn đảm bảo tính năng kỹ thuật dưới tương tác của hóa chất hay không, là vấn đề chưa được thực nghiệm làm sáng tỏ.
Hồ bùn đỏ tồn tại vĩnh viễn, lại nằm trên cao nguyên, có độ chênh cao so với mặt biển tối thiểu cũng đến vài trăm mét; nên theo thời gian, lượng nước trong hồ sẽ ngấm xuống đáy hồ ngày một nhiều, không có gì ngăn cản được, di chuyển theo các mạch nước ngầm vào sông suối hay các công trình lấy nước khác, gây hậu quả khôn lường đến môi sinh.
Hay nói cách khác là việc sử dụng hai chất liệu đất sét và vải địa kỹ  thuật cho quy trình chống thấm bùn đỏ trong hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên chưa có đủ bằng chứng là bảo đảm. Với một lượng chất thải khổng lồ bùn đỏ, tính đến cuối công trình có thể lên đến hàng tỷ tấn mà lại dựa trên biện pháp xử lý như vậy là một việc làm quá mạo hiểm.
Vì lý do này, vị trí nơi khai thác bauxite phải là những vùng hoang vắng và xa các khu dân cư, xa các nguồn nước mặt và nước ngầm; vùng trũng nhất trong lưu vực, để nước ngầm không di chuyển đến nơi khác. Do đó nhất thiết không nên làm hồ chứa bùn đỏ ở vùng thượng lưu của các lưu vực sông. Bài học tại Úc, ở đó họ đã sử dụng một vùng hoang mạc đất trũng để làm nơi chứa bùn đỏ.
Tóm lại, bài toán về hồ chứa bùn đỏ ở khu vực Tây Nguyên ViệtNamdo TKV và Bộ Công thương Việt Nam đưa ra không đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật.
N.T.H.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45402
=====================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (17) – Ba lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến các nhà lãnh đạo về vấn đề khai thác Bauxite Tây Nguyên


Thư thứ nhất:
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP GÓP Ý VỀ DỰ ÁN BÔ XÍT TÂY NGUYÊN
14/01/2009 11:31 (GMT + 7)
(TuanVietnam) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị “cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định”.
Để đảm bảo thông tin đa chiều, Tuần Việt Namgiới thiệu toàn văn bức thư này để độc giả tham khảo.
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ
Thời gian vừa qua báo chí đăng nhiều bài và ý kiến của các nhà khoa học và hoạt động xã hội cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội của các dự án khai thác bô-xít trên Tây Nguyên.
Đầu tháng 11-2008 một số nhà khoa học và quản lý có tên tuổi đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị cho dừng các dự án này để nghiên cứu, xem xét lại, cân nhắc lợi hại một cách toàn diện.
Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang được triển khai, trong tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại một dự án).
Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè…) trên Tây Nguyên.
Ý kiến phản biện của các nhà khoa học nước ta vừa qua phân tích trên nhiều phương diện, trong các điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay cũng đi tới kết luận như các nhà khoa học Liên Xô cách đây 20 năm. Với những cảnh báo nghiêm trọng như vậy, chúng ta cần xem xét các dự án này một cách khách quan - cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô-xít trên Tây Nguyên đến 2025.
Về quy mô, quy hoạch khai thác bô-xít Tây Nguyên từ nay đến 2025 là một kế hoạch lớn, giá trị ước tới gần 20 tỷ đô-la Mỹ, sẽ tác động sâu sắc nhiều mặt còn hơn cả các công trình kinh tế lớn đã có ở nước ta.
Vì vậy nên mời thêm các tư vấn chuyên ngành quốc tế có nhiều kinh nghiệm phối hợp với các nhà khoa học và nhà quản lý của nước ta cùng thẩm định cho khách quan, sau đó báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét, cân nhắc kỹ càng, không thể chỉ đưa vào đề xuất của các Bộ hay tập đoàn kinh tế.
Vừa qua đồng chí Thủ tướng đã quyết định bác dự án nhà máy thép lớn của Hàn Quốc tại vịnh Vân Phong, khẳng định quyết tâm của Chính phủ phát triển kinh tế bền vững, được đông đảo nhân dân và các nhà khoa học đồng tình, ủng hộ.
Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng. Tôi đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định.
Chúc đồng chí mạnh khỏe,
Võ Nguyên Giáp
http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5875/index.aspx
Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô xít Tây Nguyên
Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý đại tướng Võ Nguyên Giáp xác nhận với SGTT rằng, đại tướng đã có thư gởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng để góp ý về việc thực hiện dự án bô xít tại Tây Nguyên.
Trong thư, đại tướng nhắc lại: đầu những năm 80, Chính phủ lúc đó đã đưa chương trình khảo sát bô xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối Comecon (hội đồng tương trợ kinh tế của các nước theo phe xã hội chủ nghĩa – PV). “Tôi được phân công theo dõi, chỉ đạo trực tiếp chương trình này”, đại tướng viết. Sau khi khảo sát đánh giá hiệu quả của các chuyên gia Liên Xô, khối Comecon đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam không nên khai thác bô xít trên Tây Nguyên do tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư tại chỗ, và cả dân cư vùng Nam Trung bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô xít, mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp trên Tây Nguyên.
Đại tướng cho biết, thời gian qua báo chí đăng nhiều bài và ý kiến các nhà khoa học phản biện, phân tích trên nhiều phương diện trong điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay, cũng đi tới kết luận như các nhà khoa học
Liên Xô cách đây 20 năm. Với những cảnh báo như vậy, đại tướng cho rằng “chúng ta cần xem xét các dự án này một cách khách quan – cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô xít trên Tây Nguyên đến năm 2025”.
Đại tướng cũng đề nghị Thủ tướng cho dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, báo cáo bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết để làm căn cứ cho mọi quyết định.
Duy Thông
Họ và tên: Lê Mai
Địa chỉ: Đà Nẵng
Email: lemaidn@yahoo.com
Là một người công tác trong ngành mỏ, liên quan nhiều đến môi trường, tôi vô cùng cảm kích trước lời dạy, lời khuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sự cần thiết phải dừng khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Tôi nghĩ rằng, bức thư là tâm huyết của một vị đại công thần khai quốc, quan tâm đến đất nước hàng ngày, hàng giờ, dù tuổi Đại tướng đã rất cao.
Một điều vô cùng thú vị là Đại tướng đã từng phụ trách chương trình kinh tế ở Tây Nguyên và Chính phủ khi đó đã có quyết định đúng đắn là không khai thác bô -xít ở đó. Nhờ vậy, Tây nguyên mới còn được như ngày nay. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ quan tâm đến các ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hoá, đặc biệt là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sớm cho ngừng dự án khai thác bô -xít ở Tây Nguyên.
Họ và tên: Tran Mai
Địa chỉ: Hoa ky
Email: tranmai@yahoo.com
Thât là may mắn “lão tướng” Võ tuy tuổi gần thế kỷ nhưng vẫn không “già” .
Tôi rất tâm đắc lá thư của Lão tướng gửi Thủ tướng hiện tại, vẫn giọng văn rõ ràng và dứt khoát trước vấn đề có nguy cơ lớn của đất nước. May mắn thay nước ta vẫn còn các vị lãnh đạo yêu nước tuy già mà vẫn lắng nghe và quan tâm đến đất nước.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của Võ tướng : Dừng ngay các dự án khai thác tài nguyên nếu chưa được xem xét kỹ càng của cả Nhà nước và Chính phủ.
Đó mới là yêu nước.
Họ và tên: pham hung
Địa chỉ:
Email: hungpvvn@yahoo.com
Cảm ơn bác Giáp dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn theo sát tình hình đất nước.Thiết nghĩ điều đó khiến mọi người cần nhìn lại vấn đề về khai thác quặng nói chung. Cần chuyển dịch cơ cấu,chúng ta không  còn ở thời kỳ bán tất cả những gì chúng ta có để mà tồn tại nữa; nên ưu tiên cho những hướng phát triển bền vững và tránh những hậu quả đáng tiếc như những nước phát triển trước. Đối với nước ta thì đó là một món tiền to nhưng đối với nước khác thì không thấm vào đâu cả và hãy nghĩ đến hậu quả của nó.
Họ và tên: Nguyễn Vũ Trâm Anh
Địa chỉ: KDC Hiệp Thành 1- TX. Thủ Dầu Một – Tỉnh Bình Dương
Email: obvkhi@yahoo.com.vn
Hoan hô ý kiến của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp! Tôi hòan hòa ủng hộ ý kiến mà Đại Tướng đã nêu trong lá thư trên, bởi lẽ bài học phát triển kinh tế bền vững là khuynh hướng chung của nhân loại ngày nay. Tôi theo dõi tất cả bài viết về dự án này và đọc tất cả những ý kiến phản hồi , tuy nhiên tôi thấy khó hy vọng , nhưng bây giờ đọc bài viết này đã cho tôi niềm hy vọng , vì thế Tôi sẽ rất vui hơn nữa nếu ý kiến của Đại tướng được chấp thuận. Tất cả đều vì lọi ích chung của cả dân tộc , đất nước trong tương lai.
Họ và tên: bien phan
Địa chỉ:
Email: suthatkhonghe@gmail.com
Tôi vô cùng trân trọng ý kiến đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dù tuổi cao nhưng Ông vẫn quan tâm lo lắng cho những vấn đề của Đất nước. Những ý kiến của Ông xuất phát từ nguyện vọng vì dân và lợi ích lâu dài của Đất nước. Bản thân tôi ủng hộ quan điểm và mong rằng Chính phủ sẽ có những quyết định sáng suốt.
Họ và tên: Trịnh Thanh Phi
Địa chỉ: Hoàn Kiếm, Hà Nội
Email: trinhthanh38@yahoo.com
Là một CCB đã có thời gian phục vụ, công tác trên đất Tây nguyên, tôi hiểu Tây nguyên là vùng đất đậm đặc giá trị văn hoá truyền thống, có vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu về An ninh- Quốc phòng đối với miền Trung và cả nước.
Tây nguyên cũng là vùng đất có giá trị cao về phát triển kinh tế rừng, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi và du lịch sinh thái… Vậy mà đã mấy tháng nay dư luận cả nước vô cùng lo lắng bức xúc về một đại dự án khai thác quặng bô xít do Tập đoàn Than –Khoáng sản Việt Nam liên doanh với đối tác Trung Quốc đang triển khai trên vùng đất này. Đáng chú ý rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn hoá và đông đảo nhân dân trong và Việt kiều ở nước ngoài đã có rất nhiều ý kiến phản biện, phản đối việc triển khai thực hiện dự án lớn này nhưng việc triển khai dự án vẫn đang hối hả thực hiện.
Trước nhiều ý kiến phản đối như vậy rất khó hiểu là không hề có ý kiến phản hồi của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ TN-MT, Bộ KH & ĐT và cao hơn là Chính phủ.
Nay tôi được đọc bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tôi thấy ý kiến của Đại tướng thể hiện thái độ trách nhiệm rất cao, đầy tâm huyết, có sức thuyết phục cao khi đề xuất dừng triển khai dự án khai thác bô xít trên Tây nguyên để đảm bảo cho việc phát triển Tây nguyên một cách bền vững cả trước mắt và trong tương lai.
Vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Đại tướng thể hiện trong thư, rất mong Thủ tướng Chính phủ nên có sự chỉ đạo cho dừng dự án.
Nếu đại đa số các nhà khoa học và nhân dân không đồng thuận dự án, cần phải coi đây là việc vô cùng hệ trọng nên cần phải đưa ra Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng bàn thảo để có quyết định chính xác vì sự phát triển bền vững cho Tây nguyên, vì lợi ích cơ bản lâu dài của đất nước.
Một dự án có quy mô trải rộng trên cả vùng Tây nguyên, có sự tác động rất lớn đến hệ sinh thái môi trường, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng …như vậy mà việc triển khai không minh bạch, thiếu thông tin để nhân dân có ý kiến đồng thuận cao là không thực hiện đúng phương châm “Dân biết. dân bàn. dân làm. dân kiểm tra” cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc, không thể quyết định một cách vội vàng, đơn giản.
Vì thế tôi hoan nghênh và cảm ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tiếng đầy trách nhiệm vì một Tây nguyên mãi xanh tươi, giàu, đẹp hợp ý Đảng, lòng dân cả nước.
Họ và tên: pham van phuc
Địa chỉ: japan
Email: phuc236@yahoo.com
Cháu là một trong những người thuộc thế hệ trẻ của Việt Nam đang học tập ở nước ngoài vô cùng xúc động trước bức thư của Đại Tướng, tuy tuổi đã cao,nhưng vẫn luôn luôn lo nghĩ cho đất nước.Tuổi trẻ chúng cháu sẽ cố gắng hết sức để đưa đất nước ta trở lên giàu đẹp.
Chúng ta chỉ nên tin vào ý kiến của các nhà khoa học có hiểu biết. Còn các tập đoàn,nhất là của nước ngoài họ luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Đừng để con cháu mai sau phải gánh chịu hậu quả của những quyết định vội vàng hôm nay.
Họ và tên: Hải Âu
Địa chỉ: Hà Nội
Email: xelen2006@yahoo.com
Tôi rất cảm động vì thấy ở tuổi gần đất xa trời, dù sức khỏe rất yếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không ngừng dõi theo mọi bước đi trong tiến trình phát triển của đất nước.
Ý kiến của Đại tướng rất xác đáng. Trước khi quyết định một vấn đề gì hệ trọng, tác động tới đời sống của một số dân không nhỏ, Chính phủ cần cân nhắc kỹ mọi góc độ lợi hại. Nếu chúng ta đã xác định là phát triển bền vững, thì mọi tiêu chí về phát triển kinh tế – xã hội, đều phải hướng tới mục tiêu đó hoặc coi tiêu chí đó là tâm điểm để quyết định.
Không chỉ lo ngại về tác động bất lợi của môi trường sinh thái khu vực Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ vì dự án khai thác bô xít, tôi thực sự lo lắng vì sự có mặt của hàng ngàn nhân công TQ tại đất nước Việt Nam.
Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế – xã hội nữa, mà còn liên quan đến an ninh trật tự, chính trị của đất nước. Mong Chính phủ tiếp thu ý kiến góp ý chân thành, mang tính xây dựng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để có quyết định thật đúng đắn, sáng suốt.
http://www.sgtt.com.vn/detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=46095&fld=HTMG/2009/0113/46095

* * *
Thư thứ hai:
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP GỬI THƯ TỚI HỘI THẢO VỀ BÔ-XÍT
13:33′ 09/04/2009 (GMT+7)
Trong phiên khai mạc Hội thảo về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên sáng nay (9/4), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đọc bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
>> Khai thác bô xít Tây Nguyên: 3 vấn đề, 3 kiến nghị
>> “Không nên làm bô xít Tây Nguyên ào ào bằng mọi giá” 
>> Triển vọng bô-xít Tây Nguyên – Tìm hiểu tại chỗ
>> Khai thác Bô-xít: Lợi ích kinh tế, hậu quả môi trường
>> Đại kế hoạch bô-xít: Lợi ích trước mắt, nguy cơ lâu dài

Tôi được biết, hôm nay có cuộc Hội thảo về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên do đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
Tôi cho đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Vấn đề này trước đây tôi đã từng nghiên cứu, tôi đã có thư gửi đồng chí Thủ tướng nhưng chưa được trả lời.
Tại cuộc Hội thảo quan trọng này, tôi mong các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội hãy nêu cao trách nhiệm trước dân tộc thảo luận một cách khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn để kiến nghị với Đảng và Nhà nước một chủ trương đúng đắn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên mà tôi cho là không nên khai thác.
Vì đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng.
Xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ.
Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2009
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/840943/
 * * *
Thư thứ 3 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi BCH TU, Bộ Chính trị cùng Quốc hội và Chính phủ về vấn đề Bauxite Tây Nguyên
14:52 27/05/2009 (GMT+7)



nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45418
=====================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (18)


KHAI THÁC BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN: CÁI NHÌN TỪ MỘT VÀI GÓC ĐỘ KINH TẾ HỌC  
GSTS Nguyễn Mạnh Hùng
Khoa Kinh tế, Đại học Laval, Quebec, Canada
Bất bình tắc minh (Hàn Dũ)
Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là một tổng công trình tầm cỡ quốc gia, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiền đồ của cả dân tộc. Thời gian vừa rồi, qua một tập hợp dân sự có tính tự phát đã làm kiến nghị đưa lên các cấp lãnh đạo đất nước, và qua những phản biện của những nhà trí thức, khoa học… chúng ta đã có dịp đọc và suy ngẫm trên nhiều vấn đề, từ an ninh quốc phòng, hiệu quả kinh tế, tác hại mội trường … đến văn hóa Tây Nguyên. Sau đây, chúng tôi làm một tổng hợp những góc độ nhìn vấn đề khai thác bô-xít dưới lăng kính của kinh tế học, nêu ra một số bất cập để có luận cứ khoa học đi đến một kết luận, với lương tri và trí tuệ, là không tránh né được. Tổng hợp nên dĩ nhiên có những điều phải lặp lại, dẫu ngắn gọn. Ngoài ra, có nhiều thuật ngữ tôi phải dịch từ tiếng Anh (để trong ngoặc) mà chúng ta có thể tìm hiểu thêm nội dung của những khái niệm kinh tế được đề cập bằng cách tra bộ từ điển bách khoa trên mạng http://en.wilkipedia.org với những từ khóa tương ứng.  
Một góc hồ bùn đỏ Tân Rai
Một góc hồ bùn đỏ Tân Rai
1-     Khai thác bô-xít là một tổng công trình gồm nhiều dự án (Tân Rai, Nhân Cơ, rồi Đăk Nông 2, 3,vân vân). Không vẽ vời ảo tưởng gì về khả năng sản xuất thành phẩm cao cấp hyđroxít-nhôm, hoặc kim loại nhôm trong 20 năm tới, công trình đào đất Tây Nguyên lên sơ chế thành alumin là qui trình khai thác một tài nguyên quốc gia bất khả tái sinh (non-renewable). Là tài nguyên quốc gia, bô-xít thuộc quyền sở hữu (và khai thác) của mọi người ở mọi địa phương trên lãnh thổ Việt Nam, và của mọi thế hệ,ở hiện tại và trong tuơng lai. Chỉ nhấn mạnh đến kinh tế của hai tỉnh Lâm Đồng và Dăknông, và tính toán lời lỗ của những dự án kiểu giá bán trừ giá thành (như một cửa hàng “chạp phô”) chẳng cho được một thông tin nào về hiệu quả kinh tế.
2-     Vì là tài nguyên bất khả tái sinh, khai thác bô-xít là một qui trình không đảo ngược được (irreversible). Trong ngành kinh tế tài nguyên, cho mỗi tấn quặng bán ra, giá bán trừ giá thành là lợi nhuận/tấn, được gọi là tô-khoáng sản (resource rent) cho mỗi tấn quặng. Theo định luật cơ bản Hotelling, tô này (viết tắt là tks) tăng trong thời gian theo cấp số mũ, cấp số bằng với tỷ suất lợi nhuận (interest rate) trên thị trường bất động sản. Để giản dị hóa định luật này, xin lưu ý rằng tài nguyên nằm trong lòng đất là một tích sản (asset). Như mọi loại tích sản khác dùng như vốn tiết kiệm, tài nguyên cũng hưởng lãi suất thường là bằng độ lãi suất dài hạn trên thị trường vốn tư bản: giá trị tks vì vậy tăng trong thời gian như nói trên. Hệ luận: giữ bô-xít trong lòng đất là một quyết định kinh tế, không như cách nghĩ có tài nguyên mà không khai thác là “phí của”!
3-     Giá bán bô-xít: vì gần, phí chuyên chở tất nhỏ, nên thị trường cho bô-xít Tây Nguyên chắc là TQ. Giá bán sẽ là giá độc quyền mua (monopsony price), hẳn phần lợi về phần TQ rất quan trọng. Ép giá trong trường hợp này không có chi là đáng ngạc nhiên. Mặt khác, giá tài nguyên, còn gọi là sản phẩm nhất đẳng, là loại giá rất biến động (thí dụ: tháng 7-2008, giá dầu thô là 147 USD/ thùng, rớt còn hoảng 30 USD/ thùng vào tháng 2-2009). Tính toán nguồn thu vào với tổng công trình khai thác bô-xít trải ra từ 50- 80 (thí dụ) năm phải dựa trên giá bán bấp bênh rất khó tiên liệu. Đây là một hình thái bất trắc (uncertainty), nhưng vẫn chưa trầm trọng bằng những vấn đề liên quan đến cách tính giá thành.
4-     Giá thành trong khai thác bô-xít gồm tất cả tổn phí có loại tính được, có loại không (hay chưa thể) tính được. Tính được: đầu tư thiết bị cho mỗi dự án nhỏ, giá chuyên chở vận tải (đường ôtô, đường sắt, cảng Kê Gà…), lương lao động các cấp có và không có tay nghề, chi phí hoàn thổ (lấy đá, trải đất và trồng cây trên những hố đào) … Không hay chưa tính vào giá thành gồm khá nhiều mục hạng:
Thứ nhất, là nguồn nước. Theo một số dữ kiện thì sử dụng nước để rửa quặng có thể khiến sông Đồng Nai không đủ nước cung cấp cho nông lâm nghiệp khiến sản lượng sẽ hao hụt. Đây cũng là một tổn phí – kinh tế học gọi là tổn phí cơ thế (opportunity cost), phải tính trong giá thành.
Thứ nhì, đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải: đường sắt, cảng Kê Gà… không chỉ xây dựng cho dự án Tân Rai hay Nhân Cơ mà là cho toàn bộ công trình khai thác, rất khó xác định phần đầu tư nào là thuộc vào dự án nào. Tổn phí trong khâu đầu tư này cũng là một phần giá thành, và rất khó tính toán.
Thứ ba, nhưng quan trọng hơn cả, là xử lý bùn đỏ[i]. Độ thẩm thấu của bùn vào những mạch nước vẫn còn là một vấn đề quan yếu. Giả như tai họa nước nhiễm độc xảy ra với một xác suất nào đó (hồ  chứa bùn không thể an toàn 100% vì lũ lớn, động đất, vì thậm chí “khủng bố”…), trong hàng trăm năm, những chất thải không thể phân hủy có thể khiến nông, lâm nghiệp không chỉ ở Tây Nguyên mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì sao? Giá trị tiên liệu (expected value) –tức giá trị toàn bộ sản lượng nông lâm nghiệp mất đi vì ô nhiễm nhân với xác suất tai họa (hay độ rủi ro) – là vô cùng lớn, mặc dù cái xác suất này có thể rất nhỏ. Đây cũng là một tổn phí, và phải tính vào giá thành của bô-xít ở điều kiện kỹ thuật xử lý bùn ướt mà TKV đưa ra công luận.
Thứ tư, khai thác bôxít sẽ đảo lộn hệ sinh thái Tây Nguyên. Phải tính đến những tổn phí về mất mát tính đa dạng sinh vật (bio-diversity) và văn hóa (cultural diversity). Hai khái niệm này đã áp dụng trong tính toán kinh tế từ gần 2 thập niên qua trong những dự án quốc tế có tầm cỡ. Phải nói ngay, chi phí hoàn thổ trong dự án bô-xít, tổn phí tái định cư cư dân phải tạm di… mà TKV đề cập chỉ là một phần rất nhỏ của khái niệm tổn phí hoàn nguyên môi trường. Tổn phí này, được xác định như số tiền cần thiết để đưa môi trường về trạng thái trước khi thi công dự án, nên được điều nghiên đúng đắn. Tính toán cho phép môi trường có khả năng hoàn nguyên khiến tổn phí này rất đáng kể.
Xin nhấn mạnh, những mục hạng tổn phí nói trên đều là tổn phí mà người Việt Nam phải trả, từ thế hệ này cho đến những thế hệ sau. Đó là thể loại ngoại tác tiêu cực (negative externalities) của tập hợp những công trình khai thác bô-xít mà Nhà Nước Việt Nam phải tính đến. Những đối tác hợp vốn đầu tư, chủ nợ (chắc chắn là TQ, đang tung tiền cho vay trên thế giới trong tình hình kinh tế suy trầm hiện nay)… người nước ngoài dĩ nhiên lờ đi: họ cố tình giảm tổn phí thực thụ, nhắm thu lợi nhuận chỉ tính trên cơ sở hời hợt hư bản (nominal), và bất kể môi trường, nguồn nước… ở Tây Nguyên bị tác hại.
5-     Vì tính không đảo nghịch được của qui trình khai thác bô-xít cả về mặt môi trường lẫn yếu tính bất tái sinh của quặng, chúng ta có thể qui về một số vấn đề lý thuyết như, cách đây trên 30 năm, nhà kinh tế K. Arrow, người đoạt giải Nobel, cùng đồng sự của ông là A. Fisher[ii] đã đặt ra, đặc biệt là khái niệm về giá trị kinh tế của khả năng lọc lựa trong tương lai (option hay/và quasi-option value). Không khai thác, là một quyết định có giá trị kinh tế: Tây Nguyên vẫn sử dụng đất làm nông, lâm nghiệp, cảnh quan vẫn có khả năng hấp dẫn để phát triển du lịch. Không khai thác, cho phép chúng ta có thời gian điều nghiên, học hỏi kỹ thuật phù hợp với đặc thù địa lý – chính trị, gạn lọc thông tin, vân vân… Hiện nay, trong phần lớn những đại học có chuyên ngành về khâu quản lý khu vực công (public administration), người ta dạy sinh viên phương thức gọi là “Norwegian governance”: song song với bất cứ một dự án nào, phương án chọn lựa đầu tiên là nghiên cứu và tính toán giá trị của khả năng “không làm gì cả” để so sánh xem dự án nói trên, ở giai đoạn tiên khởi, có đáng “để bàn” không!
Quan điểm của Arrow-Fisher nói trên đưa đến ”nguyên tắc cẩn trọng” áp dụng trong rất nhiều qui ước quốc tế về môi trường (Protocol Montreal 1987 về khí ôzôn, Tuyên bố Rio 1992 về khí thải tác động đến thay đổi khí hậu…). Nguyên tắc cẩn trọng có thể tóm tắt như sau: “nếu tai họa là một đe dọa trầm trọng thì lý lẽ chưa có dữ kiện khoa học chính xác không thể viện ra để trì hoãn việc bảo vệ môi trường. Khi áp dụng nguyên tắc này… mọi quyết định phải dựa vào: 1) cách đánh giá cẩn thận để tránh, nếu có thể, những tác hại nghiêm trọng, hay không đảo nghịch được, đến môi sinh; và 2) những lượng định với độ rủi ro gắn cho những lựa chọn khác nhau có tác động đến môi trường”.
6-     Một nghịch lý, được gọi là lời nguyền của tài nguyên (resource curse), đã được kiểm tra: ở những quốc gia có trữ lượng quặng mỏ đáng kể, khai thác tài nguyên dẫn đến tình trạng tăng trưởng và phát triển thấp hơn những quốc gia khác. Thí dụ: trong thời đoạn 1965-1998, GDP trên từng đầu người của những quốc gia dầu lửa OPEC giảm 1.3% trong khi số lượng này, đối với những quốc gia có nền kinh tế đang nổi lên (emerging economies), lại tăng 2.3% trung bình cho mỗi năm. Để hiểu phần nào nghịch lý này, xin quan sát hiện tượng ”giàu xổi”, kiểu trúng số, hay đào thấy một hũ vàng dưới gầm giường. Tài tụ, nhân tán: con cái trong gia đình hầm hè bất đồng vì chia của (hiện tượng nội chiến giữa các sắc dân ở vùng có mỏ kim cương ở Phi châu chẳng hạn), cha mẹ quyết định mọi chuyện tài chính (những ”đại gia” đầy quyền lực kinh tế so với thường dân, cấu kết với quyền hành chính trị để tự bảo vệ (tham nhũng), và chuyển tiền sang Thụy Sĩ cho an toàn). Ngoài ra, các đại gia cũng như cô chiêu cậu ấm trong lớp kế thừa kẻ thôi lao động, kẻ  bỏ học, ăn nhậu, tiêu xài phung phí, và cứ thế, từ vi mô lên vĩ mô, chúng ta hình dung phần nào tại sao độ tăng trưởng lại có thể giảm. Giàu xổi ngoài phát sinh ra những tiêu cực như chiến tranh, tham nhũng, sự tham quyền cố vị dẫn đến mất dân chủ, thất thoát vốn… còn mắc chứng ”bệnh Hà Lan” (Dutch Disease), một căn bệnh thuần kinh tế[iii]. Hội chứng này giải thích tại sao, khi khai thác một tài nguyên thiên nhiên, một nền kinh tế mở lại đi ngược qui trình kỹ nghệ hiện đại hóa (de-industrialization)[iv]. Khả năng này khiến một Nhà nước có trách nhiệm phải tính toán và có biện pháp làm sao khai thác tài nguyên mà không tác động tiêu cực lên quá trình công nghiệp và hiện đại hóa nền kinh tế. Theo chỗ chúng ta biết, điều này chưa hề được đề cập tới trong những báo cáo về dự án khai thác Bô-xít.
7-     Vì bô-xít là tài nguyên không tái sinh, khai thác là một qui trình không đảo ngược được. Trên bình diện này, khái niệm phát triển có tính bền vững (sustainable development) –  viết tắt là PTBV – trở nên vô cùng thiết yếu. Thế nào là PTBV? Hiện nay, trên thế giới, gần như có sự đồng thuận về định nghĩa sau[v]: PTBV là phương cách sử dụng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu con người đồng thời bảo toàn môi trường để những nhu cầu này không chỉ có thể được đáp ứng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả những thế hệ tương lai. Theo cách nói của Ủy ban Bruntland, PTBV là làm thế nào nhu cầu của thế hệ hiện tại thỏa mãn mà không phương hại đến khả năng những thế hệ sau có thể đáp ứng nhu cầu của chính họ.
Và làm sao để có PTBV? Câu trả lời, trên lý thuyết, là phuơng thức Harkwick-Solow: đầu tư lợi nhuận lấy từ khai thác khoáng sản ở mọi thời điểm vào những dạng tích sản tái sinh được (reproducible assets), như thiết bị công nghệ, vốn con người (qua y tế, giáo dục), hạ tầng cơ sở giao thông… Làm như vậy, lợi tức kinh tế tương ứng là lợi tức bền vững; nó cho phép mọi thế hệ giữ được tiềm năng tiêu thụ (potential consumption) không suy giảm với thời gian. Và đây là đạo lý nối những thế hệ con người, giữa thế hệ hiện tại đối với những thế sau dù họ chưa sinh ra (intergenerational ethical criteria).
PTBV cần cái nhìn chiến lược lâu dài và tổng quan. Khai thác bô-xít là một, trong nhiều khâu, trong chiến lược này mà tôi chỉ được nghe đến mà không hề biết nội dung ra sao! Trong một đất nước mà những người có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành chỉ quan tâm đến cái gu “mì ăn liền”, rất khó tưởng tượng ra trên thực tế PTBV là gì! Như vậy, khai thác bô-xít không thể khác được là ứng vào lời nguyền của tài nguyên nói ở trên.
8-     Đối với một tài nguyên như bô-xít, chúng ta đã định nghĩa tô khoáng sản (tks) ở phần trên, tức giá bán trừ giá thành cho một đơn vị trọng lượng khoáng. Xin lưu ý, để phù hợp với khái niệm PTBV, phải tính mọi tổn phí môi trường trong cách tính giá thành này. Và nhấn mạnh, tuy không tính đến tổn phí môi sinh, mất mát sự đa dạng sinh vật và văn hóa, và sự xâm hại tất yếu nguồn nước sông Đồng Nai dànhcho nông lâm nghiệp ở những vùng phụ cận, mà theo tính toán (không được phổ biến) của Chính phủ,đã phải mất 13-14 năm mới hoàn vốn đầu tư (đầu tư nào, có kể cả tuyến vận tải không?). Cho nên,chúng tôi đoan chắc, về mặt hiệu quả kinh tế với cách tính toán đầy đủ và khoa học nêu trên, khai thác bô-xít là lỗ, và lỗ lớn cho dân tộc Việt Nam, sở hữu chủ tài nguyên này. Ở điều kiện kỹ thuật khai thác bô-xít và khả năng bảo tồn môi sinh mà TKV trình bày, hiệu quả kinh tế sẽ âm vì tổn phí môi trường có khả năng rất cao. Nhưng lỗ như vậy là cho người Việt Nam, chứ các chủ đầu tư, chủ nợ của dự án…vẫn có khả năng được tiền để ”năng nhặt chặt bị”, cố tình ”quên mất” những tổn phí trên bình diện môi sinh lẽ ra là phải tính đến. Và đồng hóa cái thứ tiền này vào hiệu quả kinh tế một công trình kinh tế công cộng tầm cỡ quốc gia thì đúng là cách báng nhạo mọi mức độ lương tâm và kiến thức con người.
Nhắc lại, giá bán bô-xít là giá độc quyền mua, và hiện tượng ép giá trong trường hợp này không hiếm. Giả thử chuyện này xẩy ra, đối tác mua bô-xít – cũng có thể đồng thời là đối tác hợp tác đầu tư, và hiện có khả năng lớn là chủ nợ cho đầu tư của Việt Nam – ép giá tạo ra những khoản lỗ khiến cái con tính lấy lại vốn đầu tư trong 13-15 năm là bất khả, thì sao? Giả thử cứ lỗ, lỗ, và lỗ… chủ nợ sẽ xiết đất bù vào thanh khoản, và hỡi ơi, đất cũng như khoáng sản Tây Nguyên có thể ”mất trắng” trong tương lai. Giả thuyết này dĩ nhiên tiêu cực, nhưng không phải không có cơ sở. Hiện nay, TQ bỏ tiền mua đất trên toàn thế giới, ở Châu Mỹ La-tinh, Đông Nam Á, và nhất là châu Phi. Hiện tượng này đã lên đến mức Liên Hiệp Quốc cất tiếng cảnh báo, và không thể giả vờ như không biết. Nhưng chúng ta nhất quyết không ”bài Hoa”, với hình thái cảm tính sơ đẳng. Chúng ta chỉ nhất quyết bảo vệ đất nước mình. Thứ nhất là về văn hóa, dĩ nhiên, nhưng điều này nhiều khi không hiển nhiên. Thứ nhì, là cương thổ: Nam quốc sơn hà Nam (đế) nhân cư. Chúng ta có truyền thống và lịch sử làm bằng nên điều này dễ nhận ra. Nhận ra nên phải cảnh giác, chớ mắc bẫy. Bây giờ, người ta xâm lược nhau bằng nhiều cách, không hẳn cứ với bom đạn, và chắc chắn khai thác tài nguyên cũng là một phương sách ”tằm ăn dâu”, không thể lơ là coi thường được!
9-     Xin nói về đề xuất thi công dự án Tân Rai như một thí điểm.Trong những công trình công cộng có tầm cỡ, phải lưu tâm đến hiệu suất tầm kích (return to scale), và hiệu suất này gia tăng (increasing return to scale) nên khi tính toán chúng ta không thể cắt  một công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên ra từng dự án nhỏ để tính hiệu quả kinh tế rồi làm một bài toán cộng để xác định hiệu quả cho toàn bộ công trình. Vì thế, khai thác bô-xít với dự án Tân Rai không cho phép diễn dịch hiệu quả kinh tế bất cứ gì về những dự án khác. Làm thí điểm là rất tầm phào, không ý nghĩa gì cả.
Thúc đẩy dự án Tân Rai, tức tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải sẽ chẳng những chỉ phục vụ Tân Rai mà còn những công trình khác (Nhân Cơ, Đaknông 2, 3….). Gọi Tân Rai là thí điểm chẳng qua là chiến thuật ”du kích” đẩy cho nhau sa lầy khiến rút chân ra khỏi bùn (đỏ) không được. Lý do đưa ra là đã ”trót” ký hợp đồng. Xin nhắc TKV và những đối tác vi phạm khoản 4, điềụ 5 của Luật khoáng sản nhằm ”hạn chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô, tinh luyện”. Phạm luật, vi hiến đủ là lý do ngưng ngay dự án Tân Rai. Những phí tổn phạt vạ kinh qua chuyện hủy hợp đồng, nếu có, cũng chẳng to tát gì so với hậu quả tai hại khổng lồ của việc khai thác Tây Nguyên một cách hấp tấp và thiếu tính toán cơ bản (đọc bản báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội kỳ họp này, ai mà rút được một kết luận gì minh bạch thì là thánh sống). Và những nhân vật, những cơ quan liên đới đến việc khai thác bô-xít phải chịu trách nhiệm và bị kỷ luật.
Lần đầu từ gần 60 năm nay, một tổ chức dân sự tự phát tập hợp được hàng ngàn người ở trong cũng như ngoài nước đã cất tiếng nói về một sự việc công cộng quan trọng. Tiếng nói đó, từ những tấm lòng son, là những tiếng nói rất chừng mực, có cơ sở, và thật lạ lùng, phần lớn đều phù hợp với những kiến thức khoa học hiện đại nhất của bộ môn Kinh tế học. Chúng tôi cố tổng hợp, nên buộc ít nhiều phải lặp lại, và xin người đọc luợng thứ nếu mất thời giờ quí báu.
Cũng lần đầu, giới có thẩm quyền có phản ứng: không có Kiến nghị ngày 12-04-2009, chắc chắn không có “Kết luận…” của Bộ Chính trị, không có “Báo cáo…” của Chính phủ trước Quốc hội. Mặc dầu những phản ứng nói trên có phần “đối phó”, nhưng ở một mức độ nhất định, đã biểu tỏ khả năng “có nghe” ít nhiều tiếng nói nhân dân. Và đây, cho phép chúng tôi giữ ít nhiều hy vọng khi nhìn về tương lai.
Công cuộc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên còn dài dài, không phải là chuyện một hay hai kỳ Đại hội Đảng. Vì sẽ dàn trải ra 2, 3 chục năm, thời gian đủ để những lớp trẻ kế thừa đào sâu, nghiên cứu, và tìm lấy những cách ứng xử thích hợp. Bài viết tổng hợp này là một món quà nhỏ gửi họ, để họ tiện theo dõi những khái niệm kinh tế giúp soi rọi vấn đề. Chúng ta có thể đặt vấn đề với những tổ chức quốc tế quan tâm đến môi trường và tài nguyên như Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (World Wild Fund (WWF)), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), hoặc Green Peace[vi]… mong có được ủng hộ và trợ giúp về những vấn đề khoa học kỹ thuật.
Nhân dịp này, cho phép tôi cám ơn những người chủ trương Kiến nghị và 3 vị dân biểu, các ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Minh Thuyết, đã lên tiếng phản biện trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, chứng minh cho nhân dân rằng tập hợp những người đại diện cho mình cũng có ít nhiều tiếng nói. Sau cùng, nhưng trên hết, chúng tôi chuyển bài viết này như lời chúc thọ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị khai quốc công thần đã không quên: “các vua Hùng đã có công dựng nước, con cháu chúng ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và mặc 96 mùa xuân, Đại Tướng đã không “lão giả an chi”, viết đến bức thư thứ ba lên tiếng yêu cầu các cấp có thẩm quyền, vì tương lai con em, hãy ngưng ngay toàn bộ những dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.
Tham khảo:

[i] Nguyễn Thành Sơn, ”Vấn đề công nghệ và môi trường trong khai thác bauxit ở Tây Nguyên”: Bùn đỏ có liên quan mật thiết đến vấn đề môi trường và sinh thái. Liên quan đến bùn đỏ có hai vấn đề cần quan tâm, đó là: công nghệ thải bùn đỏ và địa điểm chôn cất bùn đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn công nghệ ”ướt” là một sai lầm, rất nguy hiểm về môi trường, không cần phải ”thí điểm”, mà cần được (và có thể) sửa sai ngay từ bây giờ khi còn chưa muộn. Khái niệm ”ướt” ở đây gắn với chất NaOH, chứ không phải gắn với H2O như cách hiểu thiếu khoa học của một số người (gắn với nước mưa). Bãi thải bùn đỏ theo công nghệ ”khô” rất khó bị mưa lũ cuốn trôi, ít có nguy cơ bị vỡ đập, chiếm dụng ít diện tích đổ thải, suất đầu tư thấp hơn (tới 30-50%) và bản thân ít độc hại. Còn bãi thải bùn đỏ theo công nghệ”ướt” rất dễ bị mưa lũ cuốn trôi (kể cả sau khi đã được tháo khô), rất dễ bị vỡ đập (vì phải chịu tác động của áp lực thủy tĩnh), chiếm dụng nhiều diện tích hơn (tới 50%-100%), suất đầu tư cao hơn và bản thân bãi thải rất độc hại (đặc biệt là khi chưa kịp tháo khô).

[ii] Arrow, K.J. and Fischer, A.C. (1974), “Environmental preservation, uncertainty and irreversibility”,Quarterly Journal of Economics 88(2):312-319. Cuối thập niên 60, có cuộc tranh cãi nên hay không khai thác tiềm năng dưới đất của Grand Canyon, một cảnh quan có một không hai trên đất Mỹ. Tiềm năng, đánh giá còn nhiều ẩn số ngẫu nhiên, tức bất trắc (uncertainty). Khai thác, cảnh quan đó sẽ mất vĩnh viễn (irreversibility). Không khai thác, tức không phải chấp nhận rủi ro, có lý khi độ bất trắc cao (large uncertainty). Trường hợp này, có thể xác định giá trị bảo tồn của Grand Canyon, như một vùng du lịch có hiệu suất kinh tế. Không khai thác, cũng có một giá trị kinh tế, gọi là giá trị lọc lựa trong tương lai (option value, và/hay quasi-option value). Với thời gian, chúng ta học hỏi và gạn lọc thông tin để giải tỏa bất trắc (uncertainty resolution), tìm kỹ thuật mới hầu giải quyết những khó khăn trước đây…
[iii] Corden, W.M. (1984). ”Boom Sector and Dutch Disease Economics: Survey and Consolidation”.Oxford Economic Papers 36: 362.
[iv] Xin tóm lược: nền kinh tế ở mức vĩ mô gồm 3 khâu, tài nguyên và kỹ nghệ có thị trường quốc tế, và sản xuất cho tiêu thụ nội địa (như dịch vụ, chẳng hạn). Khi thi công một công trình khai thác tài nguyên, lao động từ khâu kỹ nghệ chuyển qua khâu tài nguyên: sản xuất kỹ nghệ tất giảm. Lợi tức thu thêm được vì bán tài nguyên trải rộng trên nền kinh tế qua hình thái lương lao động tăng, mức lao động dùng trong sản xuất kỹ nghệ tiếp tục giảm, mức lao động trong khâu sản xuất nội địa tăng. Lợi tức thu thêm khiến lượng tiêu thụ hàng nội địa tăng, và như hệ quả, giá cả mặt hàng này cũng tăng. Về khâu kỹ nghệ, mất tính cạnh tranh nên xuất khẩu giảm. Với giá quốc tế qui định cho những nền kinh tế nhỏ, tác động sau cùng là tỷ giá hối suất tăng
[v] http://en.wilkipedia.org/ sustainable development: Sustainable development is a pattern of resource use that aims to meet human needs while preserving the environment so that these needs can be met not only in the present, but also for future generations to come. The term was used by theBrundtland Commission which coined what has become the most often-quoted definition of sustainable development as development that “meets the needs of the present without compromising the ability of future generations to meet their own needs”.
[vi] Xin tham khảo http://en.wilkipedia.org/ list of environmental organizations

Đã đăng trên BVN 6/6/2009
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45434
=====================================================================
Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (19)


10 LÝ DO ĐỀ NGHỊ TẠM DỪNG DỰ ÁN BÔ XÍT TÂY NGUYÊN
TS. Nguyễn Đông Hải – Nhà văn Nguyên Ngọc – TS. Nguyễn Thành Sơn
13/01/2009 09:59 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta xin hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô-xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt. – Kiến nghị của các nhà khoa học Việt Nam.
>> Triển vọng bô-xít Tây Nguyên – tìm hiểu tại chỗ
Để đảm bảo tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam giới thiệu thư của một nhóm các nhà khoa học gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị tạm dừng triển khai các dự án bô xít Tây Nguyên như một tư liệu tham khảo.
Tháng 12/2007 và tháng 10/2008, UBND tỉnh Đắk Nông, Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng Viện Tư vấn phát triển đã tổ chức hai cuộc hội thảo đánh giá về những dự án bô-xít của Tập đoàn TKV đang triển khai trên Tây Nguyên với sự tham gia của: đại diện tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư-TKV, các nhà quản lý, các nhà khoa học thuộc những vực có liên quan (kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, địa chất, môi trường, xã hội v.v.).

Trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN Ảnh: Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô - xít (VietNamNet)
Trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN Ảnh: Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô – xít (VietNamNet)
Qua hai cuộc hội thảo, có thể tóm tắt hai ý kiến nhận xét đánh giá chủ yếu về khai thác bô-xít trên Tây Nguyên được rút ra như sau:
(1) Trên quan điểm vĩ mô và về mặt chiến lược, tuyệt đại đa số các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá các dự án bô – xít đang được triển khai là: không có hiệu quả về mặt kinh tế-tài chính; rất không hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội; với trình độ tiếp cận lạc hậu của chủ đầu tư cũng như của các đối tác Trung Quốc về các giải pháp công nghệ kỹ thuật, các dự án bô-xít đang được tích cực triển khai sẽ phá hủy môi trường tại chỗ (của Tây Nguyên), sẽ gây ra những thảm họa về sinh thái trên diện rộng (cho các tỉnh Nam Trung Bộ của VN và các tỉnh của Campuchia); đang tạo ra thêm các yếu tố bất ổn định về an ninh trật tự xã hội trên Tây Nguyên.
(2) Ở tầm vi mô và mang tính chất cục bộ, ý kiến của TKV- chủ đầu tư đã tự đánh giá về các dự án bô – xít đang được triển khai là: kinh tế Tây Nguyên kém phát triển, vì vậy cần tận dụng khai thác nguồn tài nguyên bô – xít có hạn để tranh thủ xuất khẩu cho Trung Quốc nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách cho địa phương và cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, qua hai lần hội thảo, đã là sáng tỏ một số vấn đề:
- Mặc dù trong các văn bản của TKV thường dùng khái niệm “alumin”, hay “công nghiệp bô xít-nhôm” (ngay cả nhà nghỉ của TKV cũng mang tên “Alumin”) nhưng trên thực tế, chỉ có các dự án khai thác bô – xít, và chế biến bô – xít thành nguyên liệu thô (có tên gọi bằng tiếng Anh là alimina, hoặc bằng tiếng Pháp là alimine) để xuất khẩu cho Trung Quốc. Hoàn toàn không có dự án nhôm (aluminium) nào đang được triển khai. Việc lạm dụng từ “alumin” không tồn tại trên thực tế của TKV trong điều kiện hạn chế về trình độ văn hóa cũng như ngoại ngữ của đồng bào dân tộc ít người dễ dẫn đến hiểu nhầm là “nhôm”.
- Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Nông: “Trong vùng quy hoạch khai thác bô – xít diện tích đất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng cây hàng năm và cây lâu năm chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Hầu hết nhân dân sống trong vùng quy hoạch mỏ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác quặng bô – xít sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của toàn bộ các hộ dân trong vùng quy hoạch”.
Thực tế là qua hai lần hội thảo, chúng ta đã có thể rút ra từ các nhận xét đánh giá trên là: Chủ đầu tư – TKV là một tập đoàn của Nhà nước, có am hiểu về công nghệ kỹ thuật, có ý thức chính trị xã hội, luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp nên chấm dứt vô điều kiện càng sớm càng tốt việc triển khai các dự án bô – xít trên Tây Nguyên.- Theo báo cáo của TKV tại Hội thảo phân tích về thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) mang tính chiến lược của các dự án bô – xít là: “Sử dụng nhiều đất đai; tiêu thụ năng lượng điện lớn; tác động lớn về môi trường và xã hội; cơ sở hạ tầng không đảm bảo; Rủi ro chính trị xã hội cao; Thay đổi mối quan hệ tài nguyên với phát triển kinh tế và phong tục địa phương; Chi phí bảo vệ môi trường cao; v.v.”
Để làm sáng tỏ hơn về những đánh giá và kết luận trên, chúng tôi xin được bổ sung và làm rõ 10 lý do không nên triển khai các dự án bô – xít như sau:
1/ Triển khai các dự án bô – xít là không cần thiết
Ba câu hỏi về chức năng cơ bản của nền kinh tế vĩ mô: sản xuất ra hàng hóa gì? sản xuất ra như thế nào? và để phục vụ cho các đối tượng nào trong xã hội? Nhiệm vụ chủ yếu mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần giải quyết là giảm đến mức tối thiểu sự lãng phí trong việc sản xuất ra những sản phẩm không cần thiết và tăng cường đến mức tối đa việc sản xuất ra những sản phẩm cần thiết.
Trước hết, nhu cầu về nhôm kim loại của VN không lớn, theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay và trong tương lai hàng năm VN chỉ nhập khẩu khoảng 100-150 nghìn tấn (tương đương với 2 chuyến tàu). Trên thị trường thế giới, nhôm kim loại luôn là mặt hàng thường xuyên có sẵn, chưa bao giờ xẩy ra khan hiếm. Về mặt kỹ thuật, nhôm chỉ được coi là “kim loại cơ bản”, không thuộc nhóm “kim loại quý hiếm” vì có thể được thay thế bằng các sản phẩm khác như sắt, gỗ, nhựa, giấy. Ngành công nghiệp nhôm chỉ tồn tại ở một số ít nước trên thế giới, chủ yếu là ở những nước có dư thừa điện năng giá rẻ.
Vì vậy, trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN. Alumina là nguyên liệu thô để luyện thành nhôm kim loại, và bô – xít là quặng đầu vào để tuyển thành alumina. Việc khai thác bô – xít, tuyển thành nguyên liệu thô alumina chỉ phục vụ cho mục đích xuất khẩu lại càng là một định hướng sai lầm.
Thứ hai, phát triển một ngành sản xuất tiêu tốn nhiều nước ngay trên một địa bàn còn đang khát nước là một lựa chọn không thông minh. Theo báo cáo của chủ đầu tư, chương trình bô – xít trên Tây Nguyên chủ yếu tập trung vào khai thác quặng bô – xít để chế biến thành nguyên liệu thô là alumina để xuất khẩu trong điều kiện phải sử dụng nguồn nước ngọt, vốn còn đang rất khan hiếm, đang ngày càng cạn kiệt, nhưng rất cần cho việc phát triển các cây công nghiệp khác có giá trị xuất khẩu rất cao (như cà phê, chè, cao su). Công nghiệp khai thác, tuyển-luyện bô – xít thành alumina có 3 ảnh hưởng rất tiêu cực đến nguồn nước: vừa tiêu hao rất nhiều nước (cần khoảng 60 mét khối nước cho 1 tấn), vừa làm ô nhiễm nguồn nước và vừa làm cạn kiệt nguồn nước tự nhiên.
Tất cả các dự án bô – xít đều nằm trong khu vực thượng nguồn lưu vực của sông Đồng Nai và Sêrêpốc. Việc khai thác bô – xít sẽ dẫn đến hậu quả không tránh khỏi là làm cạn kiệt nguồn nước của các con sông này. Trong đó, sông Đồng Nai đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế xã hội của các khu dân cư lớn đồng thời cũng là các khu công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương.
Nước ngọt là nguồn lực phát triển các cây công nghiệp quan trọng, còn đang thiếu đối với Tây Nguyên. Sử dụng nguồn tài nguyên nước ngọt có hạn đó để phát triển cao su, cà phê hay chè, chúng ta có thể dần dần lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên.
Tài nguyên nước ở Tây Nguyên là vô cùng quý giá và đặc biệt, tài nguyên nước trong mùa khô là sự sống còn của nền kinh tế Tây Nguyên. Trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 2) tổng lượng mưa ở Đắk Nông bình quân chỉ đạt 35mm, trong khi mực nước ngầm ngày càng hạ thấp đang là một thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế nói chung và đối với cây công nghiệp nói riêng (đặc biệt là cây cà phê).
Hồ chứa nước tiêu sẽ bị biến thành hồ chứa bùn đỏ. Ảnh: VietNamNet
Hồ chứa nước tiêu sẽ bị biến thành hồ chứa bùn đỏ. Ảnh: VietNamNet
2/ Triển khai các dự án bô – xít không làm tăng ngân sách địa phương
Vì mục tiêu của TKV hiện nay là khai thác và chế biến bô – xít thành nguyên liệu thô để xuất khẩu, nên các dự án bô – xít không dẫn đến việc lan toả phát triển các dự án đầu tư có hiệu quả khác. Việc tăng thu ngân sách địa phương trên Tây Nguyên sẽ rất khiêm tốn. Các khoản nộp cho địa phương là thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, hay kể cả cái gọi là “thương quyền” của dự án khai thác bô – xít là không đáng kể, và không đủ bù số tiền ngân sách các tỉnh sẽ phải chi ra để khắc phục suy thoái môi trường do khai thác bô – xít.
Gần đây, ông Đặng Đức Yến- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định (trên mục Kinh tế-Xã hội một số báo gần đây) rằng “nếu dự án alumin này vào, tính từ các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường… sẽ đóng góp cho tỉnh khoảng 1.600 tỷ đồng và đến năm 2011 thì có thể đạt hơn 2.000 tỷ đồng”. Chúng tôi cho rằng, nhận định như vậy là thiếu trách nhiệm và quá lạc quan vì con số nêu trên là không đúng sự thật. Cả ngành công nghiệp than của VN sau 120 năm phát triển, xuất khẩu trên 20 triệu tấn than/năm, hiện nay cũng chỉ có lợi nhuận trước thuế khoảng 3000 tỷ đ/năm, mức nộp cho ngân sách nhà nước còn ít hơn nhiều so với con số dự tính nộp cho Đắk Nông nêu trên của các dự án bô – xít!
Bản thân dự án Nhân Cơ (theo tính toán ban đầu của chủ đầu tư), với số vốn đầu tư 2938,8 tỷ đồng, mức thuế nộp ngân sách chỉ khoảng 30,2 tỷ đồng. Số liệu này đến nay cũng không đáng tin cậy, vì 3 lý do:
(i) đến nay con số này sẽ còn giảm vì tổng mức đầu tư chỉ sau 1 năm đã tăng lên trên 3200 tỷ (tổng mức đầu tư thực tế sau này chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa);
(ii) giá thành sản phẩm của dự án chưa được xác định (bản thân Giám đốc Công ty Nhân Cơ cũng đã không thể trả lời được câu hỏi giá thành sản xuất và giá xuất khẩu nguyên liệu thô alumina là bao nhiêu?);
(iii) hiện nay giá bán nguyên liệu thô alumina trên thế giới đang giảm mạnh. Ngay cả Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa các dự án alumina ở tỉnh Sơn Đông vì không có hiệu quả.
3/ Triển khai các dự án bô – xít không có hiệu quả
Như trên đã phân tích, hầu như toàn bộ nguyên liệu thô alumina chỉ để xuất khẩu với quy mô lớn sẽ dẫn đến sự phục thuộc vào thị trường thế giới. Khách hàng mua nguyên liệu alumina của VN chỉ duy nhất là Trung Quốc. Nguồn cung cấp alumina trên thế giới rất phong phú (kể cả alumina được chế biến từ các loại quặng không phải bô – xít). Qui mô phát triển bô – xít của VN càng lớn, thì giá bán càng giảm, hiệu quả kinh tế càng thấp và sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng cao.
Thực tế, việc xuất khẩu nguyên liệu thô là alumina không có giá trị và không có hiệu quả kinh tế cao. Giá trị của alumina chỉ chiếm 10-12% so với giá trị của  nhôm kim loại và chỉ bằng <5% so với giá trị của các sản phẩm từ nhôm kim loại (giấy nhôm, hộp nhôm, diura,).
Kinh nghiệm từ chính TKV cho thấy trên thị trường khoáng sản, các doanh nghiệp VN không có khả năng cạnh tranh cao so với ngay các đối thủ trong khu vực. Ví dụ, việc xuất khẩu than của TKV hiện nay là một điển hình. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một Hội thảo ngay tại Hà Nội về chính sách phát triển kinh tế của VN, giá xuất khẩu than của VN (được qui về cùng giá trị chất lượng theo nhiệt năng) vào cùng một thị trường là Nhật Bản chỉ bằng 2/3 giá than xuất khẩu của Australia.
Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia, và càng không thể cạnh tranh được với Australia, là những nước đã và đang xuất khẩu với qui mô lớn, có nhiều lợi thế về vận tải biển hơn hẳn VN.
Ngoài ra, yếu tố công nghệ lạc hậu và thị trường tiêu thụ bị phụ thuộc nước ngoài cũng sẽ không cho phép TKV thu được hiệu quả kinh tế trong việc xuất khẩu nguyên liệu thô alumina. Trường hợp điển hình hiện nay là dự án đồng Sinh Quyền của TKV. Việc xuất khẩu tinh quặng đồng hiện nay của dự án Sinh Quyền hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nếu đưa tinh quặng đồng từ Sinh Quyền về nhà máy Tằng Lỏong để luyện thành đồng kim loại có thể bán cho nhiều hộ tiêu dùng (trong nước và/hoặc xuất khẩu), nhưng vì nhập khẩu công nghệ luyện đồng lạc hậu (chỉ luyện ra được kim loại đồng “ba con chín” có độ tinh khiết chỉ đạt 99,95÷99,97%, trong khi tiêu chuẩn của thị trường thế giới cao hơn “bốn con chín” 99,995) giá bán đồng kim loại thấp, tỷ suất lợi nhuận của việc luyện đồng lại thấp hơn nhiều so với xuất khẩu quặng tinh.
Đối với TKV, tương lai của ngành công nghiệp nhôm cũng không thể khá hơn hiện tại của các ngành công nghiệp đồng và than.
4/ Để xuất khẩu alumina phải đầu tư một hệ thống đường sắt không hiệu quả
Theo kế hoạch của TKV, để xuất khẩu alumina cần xây dựng 270km đường sắt từ Bình Thuận lên Tây Nguyên với chi phí ước khoảng 20.800 tỷ đồng (tương đương với 1,3 tỷ đô la) và một cảng biển Bình Thuận với chi phí 9.100 tỷ đồng (khoảng 535 triệu đô la). Cả hai dự án này thuộc lĩnh vực hạ tầng chỉ để phục vụ cho xuất khẩu alumina và vận chuyển than từ cảng lên Tây Nguyên.
Theo báo cáo về “định hướng công nghệ” của TKV tại Hội thảo, tuyến đường sắt còn được dùng để chở nước biển từ Bình Thuận lên Tây Nguyên để xử lý bùn đỏ?. Mặc dù các dự án bô – xít đang triển khai rầm rộ, nhưng hạng mục hạ tầng này đang còn “treo” và chưa rõ. Cả hai hạng mục này cần phải được đầu tư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư và hạch toán vào alumina.
Như vậy, chắc chắn các dự án bô – xít và alumina trên Tây Nguyên lại càng không hiệu quả. Còn nếu, để hai hạng mục này được xây dựng bằng tiền đóng thuế của người lao động trong cả nước thì cần phải được Quốc hội xem xét.
Trong khi chờ đợi đường sắt (không biết bao giờ làm), chủ đầu tư dự tính sẽ sử dụng đường ôtô để chở than và các hóa chất độc hại khác từ biển lên Tây Nguyên và chở alumina từ Tây Nguyên ra biển. Rất tiếc, cả ba mặt hàng “than” hóa chất và “alumina” lại không thể sử dụng cùng một loại xe tải để tận dụng hai chiều hàng đi-hàng về. Than có thể chở bằng xe thùng, xe ben, còn alumina và hóa chất phải chở bằng xe bồn chuyên dùng hiện đại.
Như vậy, theo “định hướng công nghệ” của chủ đầu tư, phương tiện vận tải ô tô sẽ được sử dụng để chở hàng triệu tấn hàng một năm trên cung độ hơn 270km (về mặt kỹ thuật, cung độ tối ưu của vận tải ô tô loại 15-25T chỉ khoảng 10-15km). Vì vậy, giá thành alumina sẽ tăng cao hơn nhiều (chỉ tính riêng chi phí vận tải ra biển để xuất khẩu đã tăng thêm khoảng 1 triệu đ/tấn), việc xuất khẩu alumina không thể có lãi.
5/ Triển khai các dự án bô – xít là không an toàn về môi trường sinh thái
Một là: Môi trường đất bị chiếm dụng và môi trường sinh vật bị hủy hoại
Phần lớn, tới 95% bô – xít trên thế giới khai thác lộ thiên. Trong ngành mỏ, đây là phương thức khai thác đòi hỏi chiếm dụng nhiều đất, có tác hại huỷ diệt hệ thực vật và động vật, làm sói mòn trôi lấp đất. Mức độ chiếm dụng đất của các dự án bô – xít trên Tây Nguyên rất lớn. Diện tích rừng và thảm thực vật bị phá huỷ trong khâu khai thác bình quân 30-50ha/tr.tấn bô – xít; diện tích mặt bằng bị chiếm dụng để xây dựng nhà máy tuyển bô – xít bình quân 150 ha/tr.tấn công suất, và để tuyển alumina 450 ha/tr.tấn công suất.
Hai là: chất thải bùn đỏ sẽ phải tồn trữ vĩnh viễn trên cao nguyên dễ có nguy cơ bị trôi lấp, gây thảm họa về môi trường cho các tỉnh phía dưới.
Bùn đỏ gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit, Natrisilico-aluminate, Canxi-titanat, Mono-hydrate nhôm, Tri-hydrate nhôm v.v. Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bô – xít. Trên thế giới, chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) có thể xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội (chỉ đáp ứng được khả năng của nhà đầu tư).
Australia là nước có lợi thế về địa hình (bằng phằng, có lớp đá gốc),  khí hậu (rất ít mưa) và dân cư (rất thưa) thuận lợi cho việc chế biến  bô – xít và chôn cất bùn đỏ tại chỗ. Ở Việt Nam, nếu chế biến bô – xít thành alumina trên Tây Nguyên sẽ bắt buộc phải tạo ra các hồ chứa bùn đỏ thường xuyên đe doạ tình hình an ninh chính trị trên địa bàn (bọn khủng bố có thể lợi dụng biến các hồ bùn thành bom bẩn). Lượng “bom bẩn” tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp 3 lần lượng alumina thu được từ Tây Nguyên để xuất khẩu cho Trung Quốc. Ngoài ra, còn phải thường xuyên tồn chứa một lượng lớn hoá chất độc hại (để chế biến bô – xít thành alumina) trong các kho hóa chất trên Tây Nguyên.
Chỉ riêng dự án của công ty cổ phần Nhân Cơ, theo báo cáo ĐTM, phần đuôi quặng nước thải và bùn thải có khối lượng tới hơn 11 tr.m3/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới hơn 8,7 triệu m3. Với qui mô như vậy, thiệt hại do vỡ đập: không thể kiểm soát được, nguy cơ vỡ đập không thể lường trước được.
Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra môi trường khoảng 0,8 tr.m3/năm, lượng nước bẩn thải ra môi trường 4,6 tr.m3/năm. Khối lượng quặng bô – xít khai thác của dự án này lên tới 2,32 tr.m3/năm, dẫn đến nguy cơ tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 tr.m3. Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có: 20,25 tr.m3, số còn lại không biết chứa ở đâu?, ai là người chịu trách nhiệm? chủ đầu tư? dân địa phương?.
Ba là: các dự án bô – xít sẽ làm mất nguồn nước ngọt không có gì thay thế để phát triển các cây công nghiệp trên Tây Nguyên và mất nguồn nước cung cấp cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh
Cả hai khâu tuyển bô – xít và tuyển alumina trên Tây Nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước. Dự án Nhân Cơ có tổng mức tiêu dùng nước tới gần 15 triệu m3/năm. Dự án Tân Rai, có dự kiến xây đập chắn nước để đáp ứng nhu cầu của dự án khoảng 18 triệu.m3/năm. Như vậy, nguồn nước cho café, cao su và các nhu cầu khác bị mất đi hơn 33 tr.m3/năm. Lượng nước ngọt này chủ yếu dùng để tuyển quặng bô – xít, vì vậy không thể tuần hoàn, hay lọc để tái sử dụng cho các mục đích khác.
Bốn là: các dự án bô – xít trên Tây Nguyên sẽ làm thay đổi môi trường và sinh thái của cả khu vực
Vấn đề môi trường chủ yếu liên quan đến các chất thải. Các chất thải không thể tránh được trong các dự án bô – xít gồm:
(i) trong khai thác bô – xít, khối lượng chất thải rắn rất lớn, bình quân lượng đất đá phủ phải bốc lên và đổ thải 1m3/tấn bô – xít;
(ii) trong khâu tuyển quặng bô – xít, lượng chất thải bình quân 1tấn/tấn quặng nguyên khai;
(iii) trong khâu tuyển alumina lượng chất thải (gồm bùn đỏ, bùn oxalate, và nước thải) bình quân >2m3/tấn; và cuối cùng,
(iv) trong khâu luyện nhôm, lượng chất thải độc hại bình quân 1kg/tấn.
Ngoài các nguy cơ phá hủy môi trường tại chỗ, các dự án bô – xít alumina còn có những ảnh hưởng tiêu cực không thể tránh được đến hệ sinh thái trên qui mô rộng lớn.
Trong khâu khai thác bô – xít, nguy cơ hiện hữu là thảm thực vật và  động vật của Tây nguyên sẽ bị thay đổi. Trong khâu tuyển alumina nguy cơ hiện hữu là tiêu dùng nhiều nước, phải xây đập chắn, sẽ ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của các dòng chảy. Các biến đổi dị thường về thời tiết và khí hậu khu vực miền trung có nguy cơ sẽ xẩy ra ngay gắt hơn, hạn hán sẽ kéo dài hơn, lũ quét sẽ xẩy ra thường xuyên hơn (thiệt hại do các biến đổi dị thường về thời tiết hiện nay đã tới 4000-5000 tỷ đ/năm). Các chuyên gia của Comecon (Hội đồng tương trợ kinh tế) ngày xưa đã so sánh: để lấy được 1 tấn bô – xít trên Tây Nguyên, cái giá Việt Nam phải trả là sẽ mất đi 1 tấn lúa ở miền nam trung bộ.
Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia, và càng không thể cạnh tranh được với Australia. Ảnh: Khai thác Bô - xít ở miền Tây Australia. Nguồn: britannica.com
Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia, và càng không thể cạnh tranh được với Australia. Ảnh: Khai thác Bô – xít ở miền Tây Australia. Nguồn: britannica.com
6/ Triển khai các dự án bô – xít là không phù hợp với năng lực của TKV
Trong tất cả các khâu của việc phát triển ngành “bô – xít-nhôm”, TKV chỉ có thế mạnh duy nhất ở khâu đơn giản nhất là bốc xúc đất bazan để khai thác quặng bô – xít. Các khâu chủ yếu quan trọng còn lại đều phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
Với chức năng là một tập đoàn kinh tế của Nhà nước, có trách nhiệm phát triển ổn định ngành than để cung cấp đủ than cho nền kinh tế, TKV hiện còn đang đứng trước những thách thức không thể vượt qua, đó là cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.
Kể từ khi được thành lập đến nay, trong suốt hơn 13 năm qua, trong  ngành than hầu như TKV chưa có đầu tư tái sản xuất mở rộng, chưa xây dựng được thêm một mỏ than mới nào, toàn bộ sản lượng than hiện có đều được khai thác theo kiểu “thâm canh” đến tối đa tại các mỏ than được xây dựng từ thời bao cấp theo Tổng sơ đồ do Liên Xô (cũ) lập trước đây.
Việt Nam có bể than đồng bằng Sông Hồng với tiềm năng (trữ lượng) gấp 20 lần bể than Quảng Ninh. Mặc dù điều kiện khai thác có khó khăn hơn so với bể than Quảng Ninh, nhưng than đồng bằng sông Hồng lại có chất lượng cao hơn, rất phù hợp cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, hoá chất, luyện kim v.v. Những nguồn lực có hạn của TKV nên chăng phải được ưu tiên để phát triển bể than đồng bằng sông Hồng để làm ra sản phẩm mà nền kinh tế VN đang rất cần, nhưng không thể nhập khẩu được trong tương lai gần.
Ngoài việc không thể tăng được sản lượng than do không có đầu tư đúng mức như trên, hiện nay, tại bể than Quảng Ninh, TKV còn phải đối mặt với hai vấn đề cũng chưa có khả năng giải quyết. Đó là: (i) vấn đề môi trường vùng than Quảng Ninh đang bị xuống cấp nghiêm trọng và (ii) vấn đề vi phạm kỹ thuật cơ bản (cũng rất nghiêm trọng) của các mỏ than đã và đang làm tăng số vụ tai nạn lao động chết người cao gấp 3 lần mức bình quân của thế giới.
Yêu cầu về vốn đầu tư của riêng ngành than hiện nay cũng rất lớn, bình quân khoảng 1 tỷ đô la/năm.
Ngoài ra, định hướng “kinh doanh đa ngành” của TKV đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập (phần lớn các dự án “đa ngành” không hiệu quả, đều phải được “bao cấp” từ hòn than, đặc biệt là các dự án điện Na Dương, công ty Tài Chính, khách sạn, du lịch, lắp ráp ôtô v.v.). Gần đây, TKV còn được Chính Phủ giao bổ sung nhiệm vụ xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tất cả những nhiệm vụ hệ trọng trên đang đè nặng lên đôi vai gầy và quá mỏng manh của người thợ mỏ. Có thể nói, giao cho TKV những dự án ngoài than cũng chẳng khác nào giao “ốc mang cọc cho rêu”.
7/ Triển khai các dự án bô – xít là không đảm bảo sinh kế cộng đồng của các đồng bào dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên chủ yếu sống bằng nghề nông. Đất rừng Tây Nguyên ngắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với bà con dân tộc ít người, đất rừng không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn gắn liền với đời sống văn hóa. Suy giảm về tài nguyên rừng kéo theo suy giảm về văn hóa. Không một buôn làng nào không gắn với rừng như gắn với thần linh riêng của mình.
Số liệu điều tra cụ thể của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tây Nguyên đã khẳng định: Khác với ý kiến lâu nay (của chủ đầu tư) cho rằng đất có hàm lượng bô – xít cao không thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, ở xã Nhân Cơ (trên địa bàn triển khai dự án bô – xít Nhân Cơ) diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 83,03%, đất lâm nghiệp 0,08% và chỉ có 2,1% đất chưa sử dụng. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Nhân Cơ có 4.573 ha, trong đó có 3039,5 ha trồng cây công nghiệp là cà phê (2264 ha), cây điều (515 ha), cây tiêu (136 ha), và cau su (124,5 ha).
Trong khi đó, diện tích chiếm đất của dự án Nhân Cơ trên 4000ha, tương đương với 87% diện tích đất tự nhiên của xã. Cũng theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Nguyên, đối với đồng bào M’nông, chưa có dự án bô – xít Nhân Cơ đồng bào đã thiếu đất sản xuất rồi.
Chiếm dụng phần lớn đất nông nghiệp nhưng các dự án bô – xít không mang lại chỗ làm việc cho đồng bào dân tốc thiểu số. Ví dụ, dự án Tân Rai có diện tích chiếm đất tới 4200ha, nhưng chỉ tạo ra chỗ làm việc cho tổng số 1668 lao động. Như vậy, bình quân dự án bô – xít cần 2,5ha đất để tạo ra 1 việc làm cho người phải có đào tạo. Trong khi đó, 1 ha đất dùng để phát triển cây công nghiệp sẽ tạo ra 5 chỗ làm việc cho bà con dân tộc ít người không cần phải đào tạo.
Cũng theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Đại học Tây Nguyên, trong 12 buôn làng của huyện Đắk Rlap, số người học hết lớp 9 để có đủ điều kiện tuyển dụng vào dự án cũng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Dự án bô – xít Nhân Cơ mới chỉ tuyển chọn được 2 (hai) con em đồng bào dân tộc tại chỗ đi đào tạo công nhân. Hiện dự án bô – xít Nhân Cơ đang gửi người đi đào tạo tại Trung Quốc, nhưng chủ yếu là con em của cán bộ trong công ty- từ các tỉnh khác đến.
Theo số liệu của Công ty Alumin Nhân Cơ, để triển khai dự án, số lượng lao động sẽ tập chung vào Tây Nguyên khoảng 3000 người, bao gồm kỹ sư, công nhân kỹ thuật (chủ yếu là người Trung Quốc) và một số ít còn lại là lao động từ ngoài Bắc vào. Đối với dự án Tân Rai (đang triển khai ở Lâm Đồng), tình trạng cũng tương tự, và nguy cơ còn hiện hữu hơn vì nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu.
Khoảng cách giầu-nghèo giữa người có việc làm (từ nơi khác đến, có thu nhập) và người không có việc làm (người dân tộc, không được đào tạo, không còn đất canh tác) sẽ gia tăng. Việc người dân tộc trên Tây Nguyên sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc sống xã hội ngay trên quê hương của mình, thay vào đó là làn sóng di cư mới của những lực lượng lao động có đủ trình độ từ Trung Quốc và các tỉnh ngoài Tây Nguyên đã trở thành hiện thực.
(Ví dụ điển hình là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả của TKV ở Quảng Ninh hiện nay, sau khi trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc đã đưa công nhân và lao động phổ thông từ Trung Quốc sang thực hiện 100% công việc).
Ngoài ra, dự án bô – xít Nhân Cơ còn chiếm dụng, san lấp cả hồ nước ngọt (hồ Cá Trê của người M’nông bon Bù Zấp) là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và địa điểm hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn.
8/ Triển khai các dự án bô – xít là không phát triển bền vững Tây Nguyên
Để phát triển bền vững, chúng ta cần có đánh giá, phân tích nghiêm  túc các thế mạnh, các  điểm yếu, các cơ hội, và các thách thức trong phát triển kinh tế của Tây Nguyên (các học giả Harward thường gọi là “phân tích chiến lược”).
Trước hết: Thế mạnh của Tây Nguyên là đất đỏ bazan. Đây là nguồn tài nguyên rất quý, là nơi duy nhất có khả năng trồng cau su, cà phê, tiêu, điều, chè. Trong đó, tại các khu vực có mỏ bô – xít các cây trồng chủ lực là cà phê, điều, tiêu và cau su có năng suất bình quân tương đối cao và trình độ thâm canh và canh tác của người dân cũng rất chuyên nghiệp. Đây không chỉ đơn giản là “thế mạnh”, theo khái niệm của kinh tế thị trường, đất đỏ bazan của Tây Nguyên là “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi”.
Thứ hai: Điểm yếu của Tây Nguyên là hạ tầng cơ sở kém phát triển (đặc biệt là đường giao thông, nước ngọt và nguồn cung cấp điện) và trình độ đào tạo của người lao động có hạn.
Thứ ba: Cơ hội phát triển kinh tế của Tây Nguyên là nhu cầu tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê, chè, điều, tiêu, cau su v.v. trong cân bằng ngân sách của Nhà nước đang ngày càng tăng. Trong hoàn cảnh VN đã ra nhập WTO, thị trường cho các sản phẩm cà phê, điều, cao su ngày càng được đảm bảo. Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm các cây công nghiệp trên vùng đất đỏ bazan có thể dần thay thế kim ngạch xuất khẩu của dầu thô (với trữ lượng có hạn và với sản lượng đang ngày càng giảm) của VN.
Thứ tư: Thách thức lớn nhất của Tây Nguyên là do vị trí địa lý của Tây Nguyên với chức năng là “mái nhà của Đông Dương” việc phát triển kinh tế trên Tây Nguyên có ảnh hưởng đến vấn đề môi trường và vấn đề sinh thái không chỉ của Tây Nguyên mà còn của các tỉnh bên dưới (nam trung bộ của VN và các tỉnh của Lào và Campuchia.
Qua phân tích như trên, ta thấy, các dự án bô – xít-alumina hoàn toàn không phát huy được thế mạnh (thậm chí còn triệt tiêu các thế mạnh), nhưng lại khơi sâu điểm yếu (làm căng thẳng hơn những mất cân đối về giao thông, nước ngọt và điện năng), không tận dụng được cơ hội (thậm chí còn làm giảm cơ hội xuất khẩu), nhưng lại làm hiện thực hơn các thách thức (môi trường và sinh thái).
Lựa chọn của Tây Nguyên: bô – xít-alumina hay cây công nghiệp?
Trước hết, về mặt định hướng: phát triển cây công nghiệp là định hướng đã được Chính Phủ VN lựa chọn từ trước đến nay, có đầy đủ căn cứ khoa học, và kinh tế xã hội, đã và đang được thực tế của Tây Nguyên chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Còn phát triển bô – xít là một định hướng hoàn toàn mới, nhưng rất nguy hiểm xét về mặt khoa học và kinh tế xã hội, tuy chưa được thực tế của VN chứng minh, nhưng trên thế giới, đã có rất nhiều ví dụ điển hình.
Thứ hai, về nguyên tắc phát triển bền vững (hoặc phát triển sạch): phát triển cây công nghiệp là “phát triển xanh” và sạch. Cây công nghiệp không chỉ có tác dụng lấy lại mầu xanh cho Tây Nguyên, còn có tác dụng giữ độ ẩm, hạn chế các thảm họa thiên tai như lũ quyét, lũ ống, chống khả năng khô cằn, điều hòa nguồn cung cấp nước cho các tỉnh hạ lưu. Ngược lại, phát triển bô – xít là phát triển hủy diệt mầu xanh, xâm hại đến thảm thực vật và thảm sinh vật và làm ô nhiễm không chỉ Tây Nguyên mà cả các tỉnh dưới hạ lưu.
Thứ ba, về hiệu quả kinh tế: Các tính toán cho thấy, hiệu quả kinh tế của các dự án bô – xít thấp hơn nhiều so với cau su và cà phê. Cùng với một số tiền bỏ ra (tạm lấy tổng mức đầu tư theo tính toán ban đầu của dự án bô – xít Nhân Cơ là 2938,8 tỷ đồng), nếu phát triển bô – xít, chủ đầu tư sẽ làm mất đi 4000 ha cây công nghiệp, nếu phát triển cây công nghiệp chủ đầu tư sẽ trồng mới được 34.754 ha cau su, hay 58.777 ha cà phê.
Tổng doanh thu hàng năm của bô – xít chỉ đạt 1.450 tỷ đồng, còn của cau su là 2.242 tỷ đồng, của cà phê là 5.878 tỷ đồng. Khả năng thanh toán nợ của các dự án cau su và cà phê cao hơn của bô – xít khoảng 5 lần; Khả năng đóng góp cho ngân sách địa phương của cau su cao hơn 23 lần, của cà phê cao hơn 72 lần. Tổng lao động sử dụng của bô – xít chỉ có tối đa 5000 người (chủ yếu di dân từ nới khác đến), nhưng của cau su là 173.000 người, của cà phê là 588.000 người (chủ yếu là lao động tại chỗ) v.v. (chi tiết xem bảng sau).
Chỉ tiêu so sánhđ/vịbô – xítCao suCà phê
1.       Tổng vốn đầu tư, tỷ.đồngtỷ VNĐ2.938,82.938,82.938,8
2.       Diện tích cây xanh bị phá hủyha4.00000
3.       Diện tích cây xanh được trồng mớiha034.75458.777
4.       Tổng Doanh thu hàng nămtỷ đ.1.4502.2425.878
5.       Tổng thuế nộp ngân sách hàng nămtỷ đ307012.175
6.       Lợi nhuận sau thuế hàng nămtỷ đ3011.0613.703
7.       Khả năng thanh toán nợ của dự ánB/C1,99,09,0
8.       Thời gian thu hồi vốnnăm<5>3>1
9. Sử dụng lao độngngười5000173.000588.000
Ghi chú: số liệu so sánh trên đến nay sẽ còn thay đổi theo hướng có  lợi hơn cho cao su và cà phê, vì tổng mức đầu tư của dự án bô – xít Nhân Cơ sau một năm đã tăng lên hơn 3200 tỷ VNĐ. Con số thực sau này chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa.
9/ Triển khai các dự án bô – xít là không minh bạch
Kết quả của các lần hội thảo cho thấy, còn rất nhiều vấn đề quan trọng (như nêu trên) cần phải được làm rõ trước khi triển khai các dự án bô – xít. Hiện nay, mặc dù chủ đầu tư chưa làm rõ được bất cứ vấn đề gì nhưng vẫn tích cực triển khai. Cách làm như vậy là không minh bạch, không cầu thị và chưa hết trách nhiệm.
Điều đáng quan ngại hơn, là càng triển khai, càng nẩy sinh nhiều các câu hỏi chưa có câu trả lời, hoặc được chủ đầu tư đưa ra các câu trả lời cũng không minh bạch. Ví dụ: (i) Như trên đã nêu, để xử lý bùn đỏ, chủ đầu tư dự tính sẽ vận chuyển nước biển bằng tàu hoả từ Bình Thuận lên Tây Nguyên?. (ii) Trong quá trình đấu thầu dự án Tân Rai, qui mô công suất đã được chủ đầu tư điều chỉnh tăng lên gấp 2 lần chỉ căn cứ theo “ý kiến” của các nhà thầu nước ngoài. (iii) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, các vấn đề hiệu quả và vấn đề môi trường của dự án Tân Rai đã được giảm xuống đến mức nhà thầu không có công nghệ nguồn, đang phải đóng cửa các dự án của chính mình ở mẫu quốc cũng đã thắng thầu các dự án ở Tây Nguyên?
Việt Nam đang rất cần triển khai các dự án nhiệt điện chạy than. Mặc dù các dự án điện là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, rất thiết yếu đối với nền kinh tế, Chính phủ vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ “đầu vào” và “đầu ra” (hợp đồng mua than và hợp đồng bán điện). Các dự án bô – xít là những dự án bán rẻ tài nguyên của đất nước, không những cả “đầu vào” “đầu ra” đều chưa rõ, mà bản thân công nghệ kỹ thuật (“hộp đen”) của dự án cũng còn tồn tại nhiều vấn đề không minh bạch. Những người đưa ra các quyết định, các lựa chọn rất quan trọng về công nghệ kỹ thuật bô – xít-alumina lại không có kinh nghiệm gì về alumina-bô – xít Tây Nguyên (giám đốc Công ty bô – xít Nhân Cơ không trả lời chính xác được câu hỏi “bể bùn đỏ có tổng mức đầu tư là bao nhiêu?”, chỉ đưa ra con số “khoảng 200 tỷ đồng”, tức khoảng 12 triệu U$, thấp hơn 10-15 lần mức bình quân của thế giới, nhưng trên hội thảo cứ khẳng định bể chứa bùn đỏ khổng lồ rộng hơn 200ha “do nước ngoài thiết kế” là “rất an toàn”).
10/ Triển khai các dự án bô – xít là không tuân thủ luật
Thứ nhất, theo Điều 14, Mục 1, Chương III của Luật Bảo vệ môi trường 2005, thì các chương trình như bô – xít ở Tây Nguyên, phải có Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) trước khi phê duyệt.
Mặc dù vậy, trên thực tế, các dự án bô – xít đã được triển khai, thậm chí có dự án đã đấu thầu, nhưng vẫn chưa có ĐCM được phê duyệt. Đây là một kẽ hở đang bị chủ đầu tư TKV cùng các nhà thầu Trung Quốc lợi dụng bỏ qua các nguy cơ về phá hủy môi trường và các thảm họa về sinh thái cho toàn bộ khu vực Nam Trung bộ của VN để chấp nhận và đưa những công nghệ lạc hậu vào Tây Nguyên.
Thứ hai, Luật khoáng sản quy định: (tại khoản 1, điều 5) “Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; ưu tiên các dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, làm ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế – xã hội cao”; (tại khoản 4 điều 5) “Chính phủ hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô” và (tại khoản 1 điều 48) đã nêu rõ: nhà nước có chính sách ưu đãi và khuyễn khích đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản thành nguyên liệu tinh và sản phẩm.
Trong khi đó, chương trình phát triển của TKV chỉ tập trung cho việc xuất khẩu alumina là một dạng nguyên liệu thô, không phải là sản phẩm nhôm. Các dự án alumina của TKV đang tích cực triển khai với công nghệ thải bùn đỏ (dạng lỏng) rất lạc hậu của Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp nhôm của Thế giới, Trung Quốc không nằm trong số những nước có công nghệ nguồn. Chính các công nghệ thải bùn đỏ mà TKV đang nhập khẩu từ Trung Quốc vào Tây Nguyên hiện đang bị xã hội tẩy chay ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Các nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển, đã từ lâu chuyên sang công nghệ thải bùn đỏ thân thiện hơn với môi trường (dạng khô).
Thứ ba, theo “Chương trình nghị sự 21 của VN” về phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại QĐ số 153/2004/TTg-QĐ ngày 17/8/2004, trong đó về các lĩnh vực tài nguyên môi trường đã quy định cần ưu tiên bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước, khai thác thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; về định hướng phát triển bền vững đã nêu rõ quan điểm: phát triển ngành khai khoáng cân đối với phát triển chung của các ngành kinh tế khác.
Trong khi đó, các dự án khai thác bô – xít và chế biến nguyên liệu thô alumina đều dự kiến xâm hại trên quy mô lớn đến môi trường nước ngọt, môi trường đất của Tây Nguyên. Theo báo cáo của TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Đại học Tây Nguyên), dự án bô – xít Nhân Cơ đã xâm hại đến sinh kế của cộng các bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn (chiếm đất canh tác, lấp cả hồ nước ngọt).
Tóm lại, về nhiều khía cạnh tuân thủ luật, việc triển khai các dự án bô – xít trên Tây Nguyên hiện nay của chủ đầu tư cần phải được dừng lại kịp thời để xem xét đánh giá trước khi chưa quá muộn.
Nhận xét và kiến nghị
Mặc dù các dự án bô – xít đang trong thời kỳ triển khai, nhưng cân nhắc giữa “Mất và được trong việc khai thác bô – xít Tây Nguyên” chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng:
(i) Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được;
(ii) Những chi phí chủ đầu tư đã từng chi ra cho bô – xít không thể so sánh được với những thiệt hại vô cùng nặng nề mà nền kinh tế của đất nước sẽ phải ngánh chịu từ việc khai thác bô – xít;
(iii) Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô – xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt.
Ngày 5/11/2008, 17 nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội Tây Nguyên đã có Thư kính gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính Phủ và các tỉnh đề nghị tạm dừng khai thác bô – xít trên Tây Nguyên.
Với các lý do trình bầy trên, chúng tôi kính đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam xem xét không cho phép triển khai các dự án bô – xít trên Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Đông Hải – Nhà văn Nguyên Ngọc – TS. Nguyễn Thành Sơn
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5543/index.aspx
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45464
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001