Đào Tiến Thi
Tác giả gửi cho NTT blog
Ngày mai con vừa tròn hai mươi tuổi, cái mốc đánh dấu con người buộc
phải “giã từ tuổi nhỏ”, bố muốn con chia sẻ với bố một vài cảm xúc.
Hồi mang thai con, mẹ con rất yếu. May sao vừa lúc ông Võ Văn Kiệt, thủ
tướng chính phủ lúc ấy, ký một quyết định hay thông tư gì đấy cho các bà
mẹ nghỉ đẻ 6 tháng. Cái chế độ ấy chỉ thực hiện ngắn ngủi đâu có mấy
năm, sau đó quay về 4 tháng (cho đến đầu 2013 lại được lên 6 tháng). Dù
chế độ nghỉ ít hay nhiều thì đa số các bà mẹ vẫn để sát ngày sinh mới
nghỉ, thời gian còn lại dành nuôi con nhỏ về sau. Riêng mẹ con thì buộc
phải nghỉ trước 3 tháng, vì có nhiều dấu hiệu không bình thường về sức
khoẻ. Được nghỉ, bố đưa mẹ tạm rời khỏi cái trường miền núi hẻo lánh ra
“trung tâm” để được gần bệnh viện. Gọi là “trung tâm” nhưng thực ra chỉ
là một huyện lỵ miền núi lèo tèo chưa đủ tiêu chuẩn lên hàng thị trấn.
Và cũng may ông hiệu trưởng trường bố cho mượn một cái nhà bếp bỏ không,
và đấy chính là nơi con sinh ra, lớn lên, gắn với những năm thơ ấu đầu
đời của mình. Cho đến tận năm con lên bảy, bố mẹ mới mua nổi một ngôi
nhà cũ ở tạm.
Cái đêm con chào đời là một đêm khá căng thẳng của bố. Theo dự đoán của
bác sỹ thì cũng không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng vì cái bệnh viện này
cũng chẳng hơn cái trạm xá bao nhiêu, nếu bất trắc xảy ra thì làm sao?
Vả lại, bố bị ám ảnh bởi cái chết khủng khiếp và oan khốc của bà nội
con, cũng là khi sinh nở, vào năm bố lên tám tuổi. Vì vậy, trước đó bố
đã “huy động” tối đa những bác sỹ mà bố ít nhiều quen biết. Các bác ấy
đều hứa nếu gọi là đến ngay. Bố vẫn nhớ bác sỹ ngoại khoa bảo bố từ hôm
trước: “Điện đóm ở đây phập phù lắm. Mày chuẩn bị cho tao cái đèn pin.
Nếu mất điện tao mổ bằng đèn pin cũng được”. Ôi, ông bác sỹ này nổi
tiếng là liều, nhưng chính cái liều lại giúp ta yên tâm những lúc như
thế này. Trước đó ít năm, chính ông đã từng mổ một ca ruột thừa đã đến
hồi nguy kịch. Thời bao cấp, đến chỉ khâu hoá học cho phẫu thuật cũng
không có. Đưa lên tuyến trên thì không kịp. Thế là ông ấy khâu bằng chỉ
“ta”, tức là chỉ để khâu vá! Ấy thế mà cứu được!
Sự chuẩn bị quả không thừa. Đêm ấy, ngoài bác sỹ sản khoa còn có mấy bác sỹ nữa hỗ trợ nên mọi việc cũng vượt qua được.
Những ngày đầu tiên làm bố, bố thấy một cảm xúc rất lạ. Ấy là cảm xúc
thiêng liêng khi thấy mình làm người! Vì bố cứ nghĩ ở các loài động vật,
giống đực ít khi biết nuôi con. Cho nên hành động nuôi con của người bố
trong xã hội loài người là một trạng thái làm người, một thứ tình cảm
có ý thức, trong khi ở người mẹ, chủ yếu là bản năng. Có lẽ một phần
cũng vì hồi ấy bắt đầu “mở cửa”, bố bị ảnh hưởng các phim “Tây”, nhiều
phim nói về tình cảm cha con rất cảm động, điều không thể có được trong
phim ảnh cũng như văn học Việt Nam.
Chính cái trạng thái “làm người” ấy mà bố làm những việc chưa từng làm
một cách mẫn cán và thiêng liêng. Ví như việc giặt “cứt su”, việc thay
tã, lau rửa mỗi khi con “ị đùn” chẳng hạn. Nhưng việc này mới lạ: bố
“biết” hát ru, hát rất nhiệt tình, hễ đặt con lên chõng là hát, mặc dù
trước đó bố chưa hề biết hát hay biết ngâm thơ. Bố ru con bằng những câu
bố thích:
- Con cò lặn lội bờ ao/ Ăn sung thì chát ăn đào thì chua...
- Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...
- Ngòi đầu cầu nước trong như lọc/ Đường bên cầu cỏ mọc còn non/ Đưa chàng lòng dặc dặc buồn...
Và bố bỗng nhận ra rằng: sao dân tộc này cứ luôn luôn buồn như vậy? Buồn
từ ngày xửa ngày xưa buồn về. Buồn hết kiếp này sang kiếp khác. Phải
chăng các dân tộc Âu châu hùng cường vì họ sẵn một tinh thần mạnh mẽ và
một ý chí phiêu lưu, chứ không hay than thở như chúng ta? (Cho đến nay
bố vẫn ấp ủ nghiên cứu cái đề tài này mà vẫn chưa có thì giờ để làm)
Và do đó, cũng nhiều khi bố ru con bằng những câu bi mà hùng, bi mà tráng của Phan Bội Châu:
Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
Ông cha để lại cho ta lọ vàng
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở
Bốn nghìn năm dãi gió dầm mưa
Biết bao công của người xưa
Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm...
Những chuyện con lớn lên trong 20 năm qua như thế nào, lúc có dịp bố sẽ
kể sau. Bây giờ bố chỉ nói mấy sự việc vào lúc “giao thời”, lúc con
“quá độ” qua thời thơ bé để bước vào tuổi trưởng thành.
Năm con 18 tuổi, sau khi đi đăng ký nghĩa vụ quân sự ở phường về, bố bắt
tay chúc mừng con. Bố nói: “Chúc mừng con đã hết tuổi “vị thành niên”
để chính thức trở thành người công dân. Bố mẹ chỉ có một mình con và yêu
quý con biết nhường nào, nhưng nếu đất nước có giặc, bố mẹ vẫn động
viên con lên đường để làm nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước”.
Và bố đọc: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc
đao cung...”
Tuy nhiên tại thời điểm ấy bố vẫn thấy con là một cậu bé chưa có ý thức gì về những khái niệm cao siêu kia.
Nhưng chỉ mấy tháng sau, khoảng cuối 2010, khi con vẫn đang học lớp 11,
bố bỗng bất ngờ khi biết con đã ký vào bản kiến nghị dừng khai thác
bauxite Tây Nguyên. Điều này khiến bố phải rút kinh nghiệm với con, rằng
tuy việc rất đúng, rất đáng hoan nghênh, nhưng cũng cần hỏi ý kiến bố
mẹ, chứ không nên tự ý.
Vào khoảng tháng 4-2011, nhà cầm quyền bắt đầu có động thái sách nhiễu
những người đã ký vào kiến nghị đòi trả tự do cho TS. Cù Huy Hà Vũ. Mấy
người bạn, người quen của bố cũng đã “được” công an “hỏi thăm”. Với bố,
khi ký, bố giấu mẹ con và con, vì mẹ con vốn đã nhiều bệnh lại hay lo
lắng, nhưng trước tình hình này, bố thấy phải nói với con. Sau khi bố
kể, con tỏ ra rất bình tĩnh. Con bảo: “Nếu bố có thế nào, con cũng không
sợ hãi đâu. Và con sẽ luôn ở bên cạnh mẹ để mẹ yên tâm”. Con biết
không, đó là lúc bố thấy hạnh phúc vô cùng, vì không ngờ con đã trưởng
thành nhanh như vậy.
Tuy nhiên, khi bố quyết định tham gia biểu tình chống xâm lược Trung
Cộng cùng những người yêu nước thì bố vẫn không cho con đi. Bởi tuy chỉ
làm cái bổn phận tối thiểu của người công dân một cách ôn hoà nhưng ở
cái đất nước này nó lại đầy bất trắc. Và cũng may, chính hôm con đòi đi
nhiều nhất mà không được đi ấy là hôm người ta khủng bố dã man. Chính là
hôm chú Chí Đức bị đạp mặt và biết bao nhiêu người bị đánh, bị giật cờ
Tổ quốc. Nếu con cũng bị đạp mặt, bị giật cờ, thì vết thương lòng có thể
sẽ hằn sâu vào trái tim non nớt của con, thì liệu con có đủ bình tĩnh
để bước tiếp chặng đường chông gai khốn khó của đời mình cũng như của
dân tộc mình không?
Nhưng chỉ một năm sau, tức hè năm 2012 vừa đây thì bố đã đồng ý để con
xuống đường cùng anh em, đồng bào. Bởi vì lúc này con đã là sinh viên.
Mà lại là sinh viên Sư phạm. Mà đặc biệt lại là Sư phạm Văn khoa, nơi
chuyên được giáo dục về lòng yêu nước, yêu con người, và sau này lại chỉ
đi làm cái phận sự là truyền bá lòng yêu nước và yêu con người.
Dừng lại để nói thêm rằng, riêng với con, chọn nghề này đã là một sự lựa
chọn “phi thường”, bởi sức học của con hoàn toàn có thể chọn một trường
“hot”, một nghề “hot”. Nhưng con đã chọn con đường nối nghiệp bố mẹ,
mặc dù từ nhỏ con đã chứng kiến tất cả những nỗi nghèo khó, nhọc nhằn,
bất công mà bố mẹ phải chịu đựng. Sự lựa chọn của con khiến tất cả anh
em và bạn bè của bố mẹ phải ngạc nhiên và có phần ái ngại, rằng cớ gì mà
“Ma đưa lối, quỷ đưa đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” như
thế? Nhưng bố mẹ thấy rất hạnh phúc, vì con đã không “chê” bố mẹ, đã
chọn con đường như bố mẹ, con đường nhọc nhằn nhưng lương thiện và hữu
ích.
Đến cuộc biểu tình thứ tư của mùa hè 2012, tức cuộc thứ ba mà con tham
gia thì con bị bắt, bị giam và bị tra tấn tinh thần một ngày trong trại
“Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà”. Việc này con đã kể, nhưng bố thì chưa. (Bố
đã ghi lại đầy đủ sự việc và cảm xúc. Có lẽ để đến ngày kỷ niệm bố sẽ
kể). Nhưng có một một chi tiết cần nói luôn hôm nay, ấy là cái cảm xúc của con khi con bước vào cổng trại “Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà” cũng giống hệt cảm xúc của bố lúc
bị bắt lên xe bus và lúc bước vào cổng đồn Công an Mỹ Đình năm trước.
Ấy là đều lấy hai câu thơ của cụ Phan Châu Trinh làm phương châm để
đương đầu với hoàn cảnh:
Quốc thổ trầm luân dân tộc tuỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn[1].
Nghĩa là con đã biết sống, dám sống như một con người. Chính đây là điều để bố yên tâm nhất về con.
(Viết vào đêm trước ngày con vừa tròn 20 tuổi, 2-3-1993 – 2-3-2013)
[1] Đất nước đắm chìm nòi giống khổ
Làm trai chi phải sợ Côn Lôn.
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001