Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Thời cuộc làm đất nước suy tàn 


Donguyen (Danlambao) - Thực sự, dù có làm gì đi chăng nữa, chúng ta cốt cũng là những con người đang và sẽ sống cùng với sự tồn vong đất nước này. Chúng ta không từ bỏ sinh mệnh của Tổ Quốc linh thiêng chỉ vì tiếng kêu gào của những thứ vật tầm thường. 

Hôm nay, nhân sự kiện có tin báo rằng tổng thống đất nước Syria đã có quyết định cáo lui chính trị và đang xin tỵ nạn ở Venezuela, tôi gửi đến anh em một niềm tin rằng, đất nước chúng ta sẽ thay đổi trong nay mai. Và, chúng ta phải nhanh chóng tiến hành điều này.

Đất nước ta đang đứng trước một cơ hội để làm lại, một cơ hội để tất cả mọi người cùng đứng lên chung tay góp sức, xây dựng đất nước mà không cần đến chủ thuyết cộng sản đã bị thế giới vứt bỏ, đem vào viện bảo tàng. 

Hiện nay, bối cảnh đất nước của chúng ta, phải nói là hết sức ngặt nghèo và đang bị cô lập, không chỉ trên mặt trận ngoại giao mà ngay cả quốc phòng. 

Việc Trung Quốc ngày một lấn tới để cưỡng đoạt và chiếm trọn vẹn biển đông là một thực tế đang diễn ra liên tục từ năm 2002 đến nay. Trong một quá khứ sử dụng vũ lực để đánh chiếm các đảo, ngày nay, Trung Quốc đang cố gắng làm lại một lần nữa. Chiếm đóng biển Đông và tận thu dầu khí là một trong những sách lược của cộng sản Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách kinh tế mới trong cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ nói riêng và Tây Phương nói chung.

Để có thể chuyển đổi một nền kinh tế phụ thuộc, nền sản xuất gia công sang nền kinh tế tự chủ kỹ thuật và phát triển, Trung Quốc cần thời gian và điều kiện cho việc đó. Hiện nay, nợ công và khủng hoảng tài chính đang đe dọa nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Tuy rằng Trung Quốc đã có thể làm chủ được một số ngành nghề kỹ thuật, nhưng sức mạnh công nghệ và tích lũy chất xám còn yếu kém nhiều so với Tây Phương. Họ muốn đi lên một nấc thang mới trong sự phát triển của nền văn minh và họ cần tiền! Tiền cho họ thời gian, hay nói chính xác hơn cho những người cộng sản Trung Quốc thời gian để tạo lập các thể chế kinh tế mới, nhằm theo đuổi và thực hiện chiến lược 30 năm sau bắt kịp Tây Phương. Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi, những tầng lớp trung lưu chợt nhận thấy rằng họ phải yêu nước hơn nữa khi họ nhận biết rõ ràng về sự thua thiệt của quốc gia họ với các nước tiên tiến. Họ cố gắng làm một cuộc cách mạng đầu tư nhằm sao chép và bắt chước các kỹ thuật của phương tây, chuyển đổi nền kinh tế lao động chân tay sang nền kinh tế tri thức sáng tạo hơn. 

Không khó hiểu tại sao Biển Đông nằm trong các tính toán của Trung Quốc. Thật ra mà nói, nếu lãnh đạo đất nước Trung Quốc không phải là những người cộng sản thì cuộc cách mạng chuyển đổi kinh tế bên họ vẫn diễn ra. Đó là tính tất yếu. Nhưng người cộng sản Trung Quốc muốn rằng, sự xảy ra đó, phải diễn ra cùng với sự tồn tại song song của thể chế cộng sản và với lợi ích của họ. Họ không muốn sự thay đổi trên con đường phát triển đó, chế độ độc đảng cộng sản bị đào thải, như đang diễn ra tại các nước Bắc Phi và Tây Á. Tài nguyên là tiền! Và biển là con đường mà xưa nay mọi quốc gia tiến ra thế giới, từ thời văn hóa cổ đại Babylon đến tận ngày hôm nay. 

Có thể nói, trong cái nhìn của Tây Phương hay cái nhìn từ lịch sử, người Nga không đáng tin cậy như đảng CSVN thường nghĩ và từng kết nghĩa. Họ từng từ bỏ đảng CSVN trên mặt trận Việt-Trung. Những lời thoa môi đầu ngọn lưỡi tưởng chừng như là thứ vũ khí giúp Việt Nam đánh bại Trung Quốc thì hóa ra là chính xương máu của đồng bào đổ xuống. Đó là lịch sử, đó là sự thật. 

Trong con mắt tôi, người Nga không xấu xí, bởi tôi hiểu họ có một thứ quyền lợi trên hết. Quyền lợi dân tộc. Thứ quyền ấy cho phép họ hành động như vậy. Họ đã từ chối và chúng ta tự chiến đấu. Máu đổ xuống... Để tự do được dành lại. Nhưng đó là ý chí quật cường của mỗi con người sống trên nước Việt này, từ ngàn xưa đã có, không có chủ nghĩa cộng sản, người Việt vẫn chiến đấu để dành độc lập. Hơn 2000 năm qua, khi cái chủ thuyết cộng sản còn chưa sinh ra, dân tộc ta vẫn quyết chiến không khoan nhượng và kết cục luôn dành chiến thắng, lấy lại nền độc lập. 

Có thể xác nhận rằng, trên mặt trận ngoại giao hiện nay, mối quan hệ Việt-Ấn được đánh giá là hết sức vội vàng. Nó không được gây dựng bằng niềm tin hay có những kết cấu tạo nên mối quan hệ bền vững kết tử. Do đó, các nhà hoạch định và làm chính trị thấy rằng đây chỉ là sự giao thoa trên mặt trận ngoại giao khi hai quốc gia có cùng quan điểm, lợi ích. Có cùng lợi ích, hay cùng đi trên một con đường. Không có nghĩa là kết tử và cùng nhau cộng sinh để đạt được mục đích. Một đàn kiến đi qua một cái rãnh, những con kiến đi trước sẽ chết làm phao cho những con đi sau. 

Hiện nay, trong đường lối ngoại giao của đảng CSVN đang có nhiều sự nhầm lẫn và dối trá, khi được thuyết giáo rằng, “đất nước chúng ta có cái khó mà người dân không hiểu được, người dân chỉ biết tụ tập theo sự xúi giục, làm mất an ninh trật tự,..” Hay “nếu chúng ta theo Mỹ, chúng ta sẽ mất ổn định, chúng ta không sợ chiến đấu nhưng chúng ta không muốn chiến tranh, vì chiến tranh là mất mát, là chết chóc...” Lập luận đường lối này bao biện và cho rằng, họ muốn gìn giữ sự ổn định cho đất nước và đường lối ngoại giao nhà nước cố gắng làm giảm nhẹ các tình huống tranh chấp để không tạo cớ chiến tranh với người Trung Quốc cũng là để giữ vững sự ổn định. 

Tuy nhiên, trong chúng ta, không ai là không lo mất đi sự ổn định cả, ngay cả những con người đang đấu tranh cho dân chủ, họ cũng mong muốn một cuộc sống bình yên cùng với các anh an ninh, vui cười, chào hỏi,... Nhưng họ chọn lựa và đánh đổi. Tất cả mọi người, ngay chính cả người cộng sản đang lãnh đạo đất nước, đều hiểu rằng, quyền chiến tranh hiện nay không nằm trong tay của ta mà là do Trung Quốc gây hấn và quyết định. Dù chúng ta có sợ hay không sợ thì Trung Quốc vẫn là kẻ tạo ra cuộc chiến. Chúng ta hèn nhát, họ cũng chiến, chúng ta không hèn nhát họ cũng cũng có ý định chiến, chúng ta nhượng bộ họ vẫn chiếm, chúng ta không nhượng bộ họ vẫn có ý đồ chiếm. Có nghĩa, đó là điều mà chúng ta luôn phải đối mặt chứ không phải là đi tìm sự trốn tránh, hay phát khởi đường lối ngoại giao nhượng bộ. Thực tế trong một tháng vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành những hành động trắng trợn hơn dù nhà nước cộng sản hiện thời tại Việt Nam “đã có những bước đi nhượng bộ”. Đó là hai sự kiện: 

- Đầu tư hơn 1,6 tỷ dola cho qui hoạch “thành phố Tam Sa”, trên một diện tích đảo nhỏ như thế, số tiền này có thể dùng để xây dựng đủ một bãi đáp máy bay phục vụ cho chiến đấu, cơ sở hạ tầng điện nước, cơ quan làm việc để nuôi quân và các cơ sở chiến đấu cất trữ vũ khí. 

- Ra lệnh kiểm ngư và các phương tiện biển đi qua vùng biển Trung Quốc tuyên bố quyền làm chủ. 

Có nghĩa, sự nhượng bộ của đảng và nhà nước CSVN không hề có giá trị ngoại giao và làm giảm căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông như nhà nước Hanoi chờ đợi và thuyết giáo. Đường lối ngoại giao song phương không đem lại bất cứ sự có lợi nào trong tranh chấp mà ngược lại càng làm cho Bắc Kinh càng tỏ ra hung hãn và gia tăng các áp lực xâm lấn liên tục trong 8 tháng qua. 

Nhìn lại tình hình diễn biến 18 tháng qua, không có ngày nào mà chúng ta được yên lòng với các sự kiện diễn ra liên tục ngoài Biển Đông. Các vụ quấy rối và vi phạm lãnh hải của tàu Trung Quốc được báo về. 

Chúng ta nên đặt câu hỏi rằng:

- Đường lối ngoại giao hiện nay đang tạo ra các giá trị nào, lợi ích gì, có làm cho phía người Trung Quốc thôi và từ bỏ ý định đánh chiếm Biển Đông hay không? 

- Tại sao trước sức ép của quốc tế và nhượng bộ của chính quyền cộng sản Việt Nam, Trung Quốc vẫn hung hãn và ngày càng có nhiều bước đi xác lập chủ quyền biển Đông, đưa vào tình thế đã rồi, dùng các lực lượng quân sự để chiếm đóng khiến ta ngày càng khó khăn hơn? 

- Đường lối ngoại giao đang đặt đất nước ở vị trí dưới trong quan hệ song phương, vậy tại sao đảng và nhà nước nhất quyết chọn đường lối đó? Vì trong bang giao các nước là không phân biệt lớn-nhỏ. 

Mọi người thân mến, đất nước vẫn phát triển mà vẫn không cần chủ thuyết cộng sản, là chủ thuyết đang bào mòn sức sống của dân tộc, nhồi nhét sự hèn nhát nhưng hung độc. Tôi nghĩ, ngay cả những con người trong ngành an ninh còn chút lương tâm cũng nhìn thấy điều này. 

Như vậy, sự cáo chung của chế độ cộng sản là cần thiết để đất nước thoát thai trong hình hài mới. Dù có chế độ cộng sản hay không có chế độ cộng sản, dân tộc vẫn chiến đấu và bảo vệ quyền làm chủ đất nước. Sự tồn tại của chế độ này là không cần thiết và tạo sức ỳ cho đất nước trên con đường tiến lên. 

Các anh an ninh cũng nên chia sẻ quan điểm trên đây với tôi. 

Tôi muốn nhắn nhủ rằng, tất cả chúng ta những con người đấu tranh cho dân chủ và cho đất nước cùng với các anh em bên ngành an ninh, quân đội không nên đối đầu với nhau. Cái mà chúng ta chống là chống lại những con người làm cho đất nước này ngày càng tan nát, những con người đang nắm quyền chính trị và nắm quyền tổ chức xã hội. Không nhiều lắm, có không đến 500 con người đang nắm quyền chính trị và khuynh loát. Một con số quá ít so với hàng ngàn chiến sĩ an ninh, quân đội và người dân. 

Thông điệp của năm mới là sự hòa hợp giữa anh em an ninh với người dân, và nhất quyết loại trừ kẻ bán nước. Chúng tôi kêu gọi sự hòa hiếu của các chiến sĩ an ninh, quân đội trên mặt trận dân tộc chống lại xâm lăng ngoại bang chứ không phải trên mặt trận đối đầu máu mủ nào với nhân dân cả nước. Vì các anh là chiến sĩ nhân dân. Đường lối ngoại giao của lãnh đạo cộng sản đang thể hiện sự thất bại. Hãy nhìn thấy điều đó để hiểu rằng anh em bảo vệ đảng cộng sản là sự tương tàn vô nghĩa - nghịch nhân đạo. 

Đừng biến mình thành công cụ của người cộng sản, các anh còn có nhân dân trong lòng. Và người dân cũng đang cần các anh. 

Bước sang năm mới, kính chúc mọi người, các anh em an ninh, quân đội, cùng với gia đình thân quyến, một năm mới nhiều niềm vui, cuộc sống đúng như mong đợi! 

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/12/thoi-cuoc-lam-at-nuoc-suy-tan.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001