TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA
Nhạc Ráp có lịch sử gắn liền với bạo
lực, tội phạm. Nhiều trong số các ca sĩ Ráp là những thanh niên đường
phố, dùng Ráp để kể những câu chuyện về mặt trái của xã hội hiện đại, về
cuộc sống ảm đạm đằng sau vẻ hào nhoáng của chốn thị thành, về những
đau khổ, những tâm sự bị kìm nén, nỗi niềm của những kẻ đứng bên lề. Nhà
văn Lê Minh Khuê đã lựa chọn phong cách này để kể về một tội ác rung
rợn qua truyện ngắn “Ráp Việt”.
Tôi đã đọc Lê Minh Khuê từ lâu lắm
rồi, và trong tôi cứ hình dung ra một phụ nữ mặc quần “phăng” màu tím
than, áo cánh chẽn “hồng công” màu trắng hoặc xanh da trời hát một bài
ca đầy âm hưởng lãng mạn cách mạng. Vậy mà bây giờ người phụ nữ ấy lại
hát nhạc Ráp. Tôi đã nghĩ chị sẽ hợp với một cái đàn ăc coóc đê ông, hào
hứng những bài ca vang dội hoặc với một cây ghi ta thủ thỉ tâm tình. Ai
mà nghĩ chị lại “kết” thể loại hoang dã và “bạo lực”, với những câu
chuyện “không có cú pháp” xen lẫn những tiếng beat táo bạo. Rồi tôi lại
cứ nghĩ miên man, nhà văn nào ở Việt Nam có thể mặc quần soóc thụng, áo
T-shirt free-size, mũ lưỡi trai sụp xuống mắt tung hoành sân khấu với
những lời lẽ bụi bặm vừa được bưng ở ngoài phố vào. Ngầu như nhà văn
Nguyễn Quang Lập thì tôi cũng chỉ tưởng tượng đến cảnh mặc quần bò đứng
trên sân khấu nhận giải thưởng văn chương là cùng.
Các nhà văn nhà thơ, nhà làm nghệ thuật
thường gắn bó với một phong cách và trung thành với phong cách đó. Phải
có một động lực, một biến cố, một cuộc “bể dâu” nào đó mới có thể khiến
nhà văn thay đổi hẳn phong cách của mình. Thường các cuộc cách mạng là
biến cố quan trọng gây ra những bước ngoặt trong phong cách sáng tác. Ở
Nga thì có Maiakovsky, Gorky, ở Việt Nam thì có Xuân Diệu, Nguyễn Tuân,
vân vân. Đây đều là những nhà văn nhà thơ kiêt xuất, với phong cách nào
họ cũng chiếm được vị trí đáng nể. Trong thời đại a còng, trước nhà văn
Lê Minh Khuê có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thay đổi phong cách đột ngột
đến sững sờ. Và bây giờ nhà văn Lê Minh Khuê, người được công luận cho
là điềm đạm, nữ tính, đằm thắm, đại khái là chin chắn, bỗng nhiên nổi
loạn.
Lê Minh Khuê đã phá cách trong lối đặt
câu văn tiếng Việt. Dưới đây là một vài câu văn trong “Ráp Việt” đăng
trên trang web của nhà văn Phong Điệp
Đây là câu mở đầu truyện ngắn
Chị Hường chủ nhà nghỉ, một loại nhà nghỉ bình dân bảo Canh đâu rồi sao cái phòng 203 không mở được khóa.
Câu này không có các dấu ngoặc kép vốn dùng để đánh dấu lời nói trực tiếp.
Câu thứ hai có thể làm điên đầu các nhà ngôn ngữ tiếng Việt.
Canh đi lên cầu thang cúi cái thân
hình to béo bảo vệ nghe hỏi vậy rất nghi hoặc bảo phòng đó hôm chủ nhật
có hai người thuê trả tiền trước ba ngày nhưng ngay buổi tối thấy trả
phòng hỏi người nữ đâu người nam bảo đi ra rồi.
Tác giả sử dụng lối văn nói liền tù tì
không chấm phảy, thản nhiên mặc kệ tâm trạng của đọc giả trước một hiện
trường án mạng hãi hùng, sởn gai ốc: một cái xác chết đã lên dòi.
Nàng là con gái một thợ cắt tóc vốn
cựu binh chiến tranh biên giới. Thợ cắt tóc thuộc thành phần cơ bản công
nông trúng ủy viên hội đồng nhân dân huyện từ ù lì chân chất vào chân
ủy viên họp hành gặp gỡ ông thợ cắt tóc trở nên ma mãnh.
Câu văn trở lại với quy tắc ngữ pháp,
chủ ngữ vị ngữ được đặt ngay ngắn hơn khi nói về kẻ sát nhân và động cơ
sát nhân (những câu văn này lại có vẻ nghiêm ngắn quá trong giai điệu
Ráp đang phiêu, khiến độc giả tự nhiên thấy “quê”):
Sát thủ tên là Cảnh, đang học đại
học trên tỉnh. Là cháu nội ông Hùng. Người mà cả quê hương tôn vinh suốt
những năm chiến tranh giờ đột nhiên người ta ra rả tên ông! Ngày và
đêm.
Cảnh mím môi thỏa mãn và cả liều
lĩnh. Bây giờ có bị bắt cũng thoải mái vì việc làm của hắn là để trả thù
cho cái việc đem ông hắn ra bờm xơm..
Động cơ giết người này sẽ làm đau đầu
các vị quan toà. Không phải vì của cải, không phải vì dục vọng, không
phải vì mâu thuẫn cá nhân.
Câu chuyện của nhà văn Lê Minh Khuê làm
chúng ta nhớ tới anh sinh viên Raskolnikov dùng búa đập chết bà già
trong tiểu thuyết nổi tiếng Tội ác và trừng phạt của
Dostoevsky. Một bên là bà già nhăn nheo xấu xí như quả táo tàu, giàu có
nhờ cho vay nặng lãi. Một bên là cô gái xinh đẹp hấp dẫn, giàu có nhờ
bán mình cho quan chức và chạy dự án nhà nước. Dostoevsky không biện
minh cũng chả lên án Raskolnikov mà để cho anh ta tự dằn vặt lương tâm
và sống trong dày vò khốn khổ. Lê Minh Khuê thì sốt sắng hơn Dostoevsky
nhiều, chị dường như kiêm nhiệm vai trò của nhân chứng, của công tố
viên, của luật sư, của bồi thẩm đoàn, và cả… quan toà nữa.
Vậy thì ai hát Ráp? Ngoài nhà văn mượn
cấu trúc phi ngữ pháp để kể một câu chuyện về bạo lực, người hát Ráp hẳn
còn là các nhân vật trong truyện. Không phải là những thanh niên đường
phố xù xì gai góc bặm trợn, không phải những kẻ bên lề xã hội. Người hát
Ráp đều có vai vế cả. Một bên là ngôi sao đang lên của thời hiện tại,
một cô gái có tên Lan Hương, hấp dẫn và biết sử dụng vẻ sexy của mình
đúng nơi đúng chỗ, lại thêm hậu thuẫn đắc lực và sự cổ vũ nhiệt tình của
cả một hệ thống, và nhờ thế mà tạo ra của cải. Một bên là hậu duệ của
quá khứ vinh quang chưa muốn tắt ngấm, nhưng bất lực trong việc đưa vinh
quang trở lại vũ đài, có tên là Cảnh. Nghiễm nhiên ngôi sao đang lên
chiếm vị trí khán đài A, để mặc quá khứ vinh quang ngậm ngùi bực bội. Đổ
thêm dầu vào lửa, ban nhạc Ráp là cú beat khốc liệt xúi giục Cảnh kết
liễu đời Lan Hương trong nhà nghỉ.
Các phương tiện thông tin đại chúng và
nhiều nghiên cứu xã hội học ngày nay vẫn cho rằng tình trạng bạo lực và
tôi phạm có nhiều nguyên nhân xuất phát từ hình ảnh bạo lực trong phim
ảnh, văn học. Ráp mặc dù có quan hệ đến bạo lực nhưng ít có nghiên cứu
nào cho thấy Ráp là nguyên nhân bạo lực. Chúng ta ghi nhận thêm phát
hiện của Lê Minh Khuê trong vấn đề này.
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2012/12/26/le-minh-khue-%E2%80%93-khi-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-hat-rap/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001