Võ Phiến
CÁI CỤ THỂ
Tiếng nói, một phương tiện
Người họa sĩ dùng màu sắc để diễn tả ý tình; nhà văn dùng ngôn ngữ. Chất liệu của hội họa khắp nơi dần dần thành đồng nhất; xưa kia, có kẻ dùng sơn mài, người dùng mực tàu, có xứ dùng sơn dầu trên bố, có xứ quẹt bút lông trên lụa v.v.; ngày nay các phương tiện riêng đều nhập làm của chung, họa sĩ nước nào cũng có thể mua cùng một loại màu để vẽ trên cùng một chất vải.
Dĩ nhiên, cùng một chất liệu không đưa đến cùng một nét vẽ: ai có cá tính nấy, dân tộc nào có tính cách riêng của dân tộc nấy. Dù sao, cái đặc thù không nằm ngay trong phương tiện diễn đạt.
Phương tiện của văn chương thì khác. Phương tiện ấy gần như không hẳn là một phương tiện.
Ngọn bút lông màu mực tàu có thể là những món thích hợp nhất để dân tộc này, chất sơn dầu để một dân tộc khác sử dụng hầu biểu hiện tâm hồn mình bằng màu sắc; hệ thống ngũ cung thích hợp cho dân tộc này, hệ thống tam cung tứ cung cho những dân tộc khác dùng biểu hiện tình ý bằng âm thanh. Đó là những phương tiện, có ít nhiều liên hệ với cá tính dân tộc. Nhưng tiếng nói thì không phải chỉ có liên hệ: Tự nó, nó đã là một công trình trong đó được biểu hiện nhiều nét đặc thù của dân tộc tính.
Dùng tiếng nói để phô diễn cảm nghĩ? — Tiếng nói của một dân tộc tự nó đã hàm ngụ lề lối cảm nghĩ của dân tộc ấy rồi. Thành thử người làm văn thơ có chỗ không giống các nghệ sĩ khác: người làm văn thơ bị hồn thiêng dân tộc đeo đuổi, ám ảnh, canh giữ, ràng buộc, qui định; mặt khác, người ấy được nó bảo vệ, dìu dắt, hướng dẫn, ngay bằng cái phương tiện sử dụng.
Viết bằng Việt ngữ là có Việt tính rồi. Hoặc ít hoặc nhiều, tự nhiên phải có.
Nghe nói hồi thế kỷ thứ XIII, Trần Cương Trung sang ta một chuyến, về Tàu kể lại trong sách Sứ Giao Châu tập đại khái rằng dân ta nói nhanh, giọng cao, giống như chim kêu, phong gọi là gió, vân gọi là mây, thủy gọi là nước, nam gọi là can đa (?), nữ gọi là can ái (con gái?) v.v...
Không biết viên sứ nhà Nguyên chú ý làm gì đến những chuyện vô vị như thế. Giữa tiếng ta và tiếng Tàu bộ không có chỗ nào khác nhau ngộ nghĩnh hơn sao?
Sau họ Trần, nhiều người nêu lên chuyện cú pháp chẳng hạn: Bên này nói “xanh trời” (thanh thiên), bên kia nói “trời xanh”, bên này nói “trời con” (thiên tử), bên kia nói “con trời”, bên này nói “nước đáy trăng hình” (thủy để nguyệt ảnh), bên kia nói “hình trăng đáy nước” v.v. Đôi bên đều có thể tự hỏi: “Không biết đầu óc những kẻ kia ra sao mà họ nói năng ngược ngạo vậy?”
Xét cách nói năng, dưới gầm trời còn lắm cái kỳ cục: Thay vì nói “Tôi thấy nó”, người Pháp bảo “Tôi nó thấy” (Je le vois); thay vì “Bà ta đang mua cuốn sách”, người Đức lại nói “Cuốn sách mua người đàn bà bây giờ” (Das Buch kauft die Frau jetzt) v.v.
Vị trí ngược ngạo của các tiếng trong câu chỉ là chuyện nhỏ nhặt trong sự dị biệt giữa các ngôn ngữ. Quái gở còn nhiều.
Chẳng hạn một số dân tộc, như người Pháp, cứ khăng khăng xếp cho kỳ được mọi sự mọi vật trên đời vào hai “giống”, hoặc cái hoặc đực: bàn (la table) thì cái mà ghế (le banc) lại đực! Người Đức, người Nga thấy sự vật có ba giống. Có những dân tộc chia ra đến hơn mười hai giống.
Lại chẳng hạn sự phân biệt bên nhiều bên ít trong tiếng Anh tiếng Pháp: Hễ muốn nói đến một sự một vật gì, trước tiên ông tây bà đầm phải biết sự vật đó thuộc phe nhiều hay phe ít; không biết điều đó, không thể nói nên lời. Bởi vì tiếng nói của họ dính liền với cái ý niệm nhiều ít: một người sẽ nói thì “parlera”, mà nhiều người sắp nói thì “parleront”. Ta bảo “cuốn vở”, người Pháp không có cách nào nói như thế được: “cahier” (không có s) bao gồm cả cuốn vở lẫn số lượng của nó. Cuốn vở Pháp không tự tách lìa ra khỏi số lượng được.
Đối với Pháp, Anh, thì một là ít, hai trở lên là nhiều. Tiếng cổ Do Thái có thời từng phân biệt: ít, cặp, và nhiều (singulier, duel, pluriel). Lại có dân tộc còn thấy phải tách số ba ra làm một hạng riêng biệt nữa (triel).
Thế rồi một sắc tộc ở vùng vịnh Hudson bên Hoa Kỳ nói tiếng eree, cho rằng sự phân biệt xa gần hết sức cốt yếu: kẻ gần nói với người xa thì “kitotèw”, kẻ xa nói với người gần lại là “kitotik”. Không để ý đến xa gần thì không sao diễn được cái ý “nói” nên lời! Cái gì mà lạ vậy?
Đối với người xứ này sự vật phải luôn luôn là đực hay cái, với người xứ nọ luôn luôn có nhiều ít phân minh, với người xứ khác luôn luôn chia ra hai hạng xa gần. Đối với chúng ta, những cái “nhảm nhí” ấy không một mảy may cần thiết.
Trên hoàn cầu có ba nghìn thứ tiếng: trong cái “thế giới ba nghìn” ấy, sự tréo cẳng ngỗng, trái nghịch nhau không biết kể sao cho hết. Vả cũng chẳng có ai biết hết để mà kể.
Vấn đề không phải là ai phải ai trái, ai hợp lý ai vô lý. Mọi ngôn ngữ đều có tính cách ước định; các từ vị được sắp xếp theo những cấu trúc khác nhau: có những cái không thấy cần thiết trong hệ thống sắp xếp này lại là cần thiết trong hệ thống khác.
Nhưng không phải trái, không phải là hết vấn đề. Các đặc điểm trong ngôn ngữ không tranh hơn thua với nhau, nhưng có một số nào đó chắc chắn có thể tiết lộ về ít nhiều xu hướng tinh thần riêng biệt của từng dân tộc. Tại sao ta sắp xếp câu nói theo lối này mà các người bạn nước láng giềng lại sắp xếp theo lối nọ? Tại sao ta chú trọng đến lãnh vực này và có một kho từ ngữ hết sức phong phú, trong khi dân tộc khác lại không quan tâm đến địa hạt ấy và lời lẽ để diễn tả rất nghèo nàn? v.v. Những chuyện ấy hẳn có ý nghĩa.
Hàng triệu triệu người trong muôn vạn năm đã kế tiếp nhau xây dựng một hệ thống ngôn ngữ, hết lớp này đến lớp khác, hết sáng kiến nọ đến tìm tòi kia, đem tất cả kinh nghiệm sinh hoạt của mình, tất cả tình cảm tư tưởng của mình ký thác vào đó: Làm sao mà một ngôn ngữ không phản ảnh nếp sống vật chất và tinh thần của dân tộc cho được. Không phải chỉ phản ảnh vào nội dung các công trình xây dựng bằng lời nói (tức các tác phẩm văn chương) mà phản ảnh ngay cả trong cấu trúc của câu nói, trong thành phần của lời nói, cũng có khi trong cách phát ra giọng nói nữa. Tức ngay trong bản thân của tiếng nói.
Alain cho rằng nhà thơ vì sử dụng ngôn ngữ cho nên được nhiều may mắn hơn nhà điêu khắc. Và không phải chỉ có người làm nghệ thuật được lợi thế, đến như nhà tư tưởng cũng nhờ vào ngôn ngữ của mình nhiều lắm. Aristote mỗi lần gặp chỗ rắc rối liền nhận thấy: “Đọc nghe không ổn.” Phải chăng hễ cứ viết thế nào mà lời lẽ sắp xếp cho thuận hợp với nhau, nghe ổn thỏa, là tự nhiên thành viết đúng? Bởi vì quy luật kết hợp của lời lẽ do cha ông truyền lại vốn bao hàm một ý nghĩa thâm trầm.(2)
Ngôn ngữ giúp thi sĩ viết hay, triết gia viết đúng: Alain có lạc quan quá chăng? Trong tiếng nói cha ông có gửi gắm sự khôn ngoan, dĩ nhiên là vậy. Nhưng ông Alain có nghĩ rằng trong đó cũng có phản ảnh cả những cái không khôn ngoan, và cả những cái trái với sự khôn ngoan? Tại sao không? Dân tộc nào dám chắc mình không có nhược điểm, ngôn ngữ nào không có những chỗ lẩm cẩm? Trong tiếng Anh, pants, trousers, breeches, shorts, slacks v.v. đều thuộc số nhiều cả. Áo số ít, quần thì số nhiều, tại sao vậy? Thật khó mà tin rằng có sự khôn ngoan lớn lao trong những chiếc quần thuộc số nhiều ấy.
Vậy trong tiếng nói có biểu lộ các sở trường mà chắc chắn cũng có cả những sở đoản của dân tộc. Kẻ nào am hiểu tường tận tiếng nói của mình thì biết được nhiều hơn là mình vẫn tưởng.
Cụ tượng, không lấy gì làm lạ
“Kẻ nào am hiểu tường tận tiếng nói của mình”, kẻ ấy chắc chắn không phải là một người Việt Nam. Ngành ngữ học ở Âu Mỹ phát triển sớm và tiến xa hơn ở ta nhiều, thế mà câu nói về chuyện “am hiểu tường tận” của Alain còn là một lời ước ao. Còn chúng ta, xưa kia tiếng nói nôm na kẻ học thức không chịu dùng vào văn chương, nói gì đến việc nghiên cứu tìm hiểu nó? Chuyện ngữ pháp, văn pháp, văn phạm, mẹo tiếng Nam v.v. chẳng qua là những chuyện mới bắt chước theo... kiểu Tây cả.
Dù mới tìm hiểu không lâu đã có người nhận thấy tiếng nói của chúng ta có những đặc điểm lý thú.
Hơn ba mươi năm trước (3) , cụ Dương Quảng Hàm để ý thấy tiếng Nam giàu về các từ ngữ cụ tượng, nghèo về các từ ngữ trừu tượng, nhất là các từ ngữ thuộc phạm vi triết học và khoa học. Cụ Dương nhận xét: “Điều đó không lấy gì làm lạ, vì xưa kia các cụ chưa hề nghiên cứu đến các vấn đề triết học và các khoa học chuyên môn, nên chưa tìm tiếng, đặt tiếng để diễn đạt các tư tưởng ấy.” (4)
Cũng vấn đề từ ngữ cụ tượng ấy, về sau nhiều người khác (các ông Hoài Thanh, Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong v.v.) tiếp tục nêu ra những khía cạnh mới.
Một vài trường hợp thường được đưa ra làm thí dụ: Về cái ý mà người Pháp diễn tả bằng một tiếng “porter”, chúng ta dùng bao nhiêu là tiếng khác nhau: ẵm, bồng, đeo, đội, mang, xách, vác, bưng, bê, bế, khuân, chở, nách, cõng, gánh, quảy, khênh, địu...; về cái ý “trốn”, chúng ta phô diễn bằng bao nhiêu là tiếng khác nhau: dọt, tránh, lỉnh, lánh, lẻn, cút, xước, de, lặn, dù, xéo ...; về cái ý “la”, chúng ta có bao nhiêu là tiếng: hét, tru, kêu, thét, quát, gào, réo, rú, rống, ré, rít, reo v.v...
Thấy vậy mà bảo rằng tiếng Việt phong phú, các thứ tiếng khác nghèo nàn thì e không ổn, thì gặp rắc rối ngay. Bởi vì có những trường hợp khác người Việt dùng ít tiếng mà người Anh người Pháp lại diễn ra bằng nhiều tiếng khác nhau. Việt bảo “nói”, Anh, Pháp phân biệt ra: say, speak, lecture, talk, tell, address, chatter, gossip, converse, discourse v.v., hay parler, dire, bavarder, s’adresser v.v.; Việt chỉ gọi là “thịt”, Anh lại phân biệt ra meat với flesh, Pháp gọi tách riêng viande với chair v.v...
Khi người khác có ít tiếng mà Việt có nhiều, khi người khác có nhiều mà Việt lại chỉ có ít tiếng, những cái tưởng chừng mâu thuẫn ấy thực ra chỉ do một nguyên nhân: là Anh Pháp sở trường về cái trừu tượng, còn Việt Nam thì thiên về cái cụ thể. Người Việt Nam nói đội, vác, cõng... là vẽ ra nhiều hình ảnh khác nhau mô tả những điệu bộ, cử chỉ, cách thế khác nhau: hoặc mang một vật trên đầu, hoặc mang vật ấy trên vai, hoặc mang vật ấy trên lưng v.v...; nhưng người Việt Nam không rút ra được từ bao nhiêu động tác khác nhau ấy một khái niệm chung là: nhấc một vật lên. Người Việt phân biệt ra nhiều dạng thức cụ thể khác nhau, còn Anh Pháp thì từ nhiều dạng thức linh tinh họ rút ra một ý niệm chung. Do đó trong những trường hợp này họ dùng ít tiếng mà Việt dùng nhiều. Trái lại, cũng chính vì lý do ấy mà ở trường hợp các tiếng nói, và tiếng thịt, Việt với Anh Pháp lại khác nhau. Giữa talk với speak, với tell v.v., giữa viande với chair, không có sự khác biệt về dạng thể, chỉ có sự khác biệt về ý nghĩa. Ấy, chính sự phân biệt về những ý niệm trừu tượng ấy là chỗ yếu của Việt Nam, chúng ta không để ý đến, chúng ta bỏ qua!
Một bên chú trọng đến dạng thái nên sử dụng nhiều tiếng để chỉ thị những dạng thái cụ thể khác nhau; một bên chú trọng đến ý niệm nên có nhiều tiếng để chỉ thị những ý niệm trừu tượng khác nhau. Và ở những trường hợp vừa dẫn trên đây không hề có vấn đề triết học, khoa học chuyên môn nào cả; tự dưng chúng ta thiên về cái cụ tượng trong khi có những dân tộc khác thiên về cái trừu tượng vậy thôi.
Lẽ nào “điều đó không lấy gì làm lạ”?
“Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.”
Nước sông Hoàng Hà trong câu thơ Tàu tha hồ có thể đáo Nam Hải, đáo Bắc Hải, đáo Đông Hải v.v..., tiếng đáo vẫn thích hợp như thường.
Nếu có một con sông như thế chảy trong câu thơ Việt thì mỗi sự đổi hướng của nó sẽ gây chuyện phiền toái hơn: “Chảy ra bể Bắc, chảy vào bể Nam, chảy xuống bể Đông v.v.”, phải nói vậy mới nghe được.
Ngồi tại Sài Gòn, một người nói tiếng Việt có thể khiến bạn bè bật cười vì những lỗi lầm như: “Tôi vừa ra Chợ Lớn, vào Sài Gòn, xuống Lăng Cha Cả, lên Cần Thơ v.v.” Kẻ xài tiếng Tây tiếng Mỹ không gặp những rắc rối ấy.
Kể ra người Việt cũng có thể nói: đi Sài Gòn, đi Cần Thơ, đi Chợ Lớn v.v., không cần chỉ rõ phương hướng di chuyển, cũng như người Pháp nói “aller à”, người Mỹ nói “go to”... tứ phương vậy. Nhưng thường thường người Việt thông thạo lại không chịu cách nói dễ dãi ấy.
Kẻ nói ra, vào, lên, xuống, mô tả rõ ràng, cụ thể sự di chuyển. Còn dùng tiếng à, tiếng to lại chứng tỏ một khả năng trừu tượng, rút ra một ý niệm chung ngụ trong những tiếng chỉ chiều hướng khác nhau.
Ở đây cũng chẳng có vấn đề triết học, khoa học chuyên môn gì ráo. Chúng ta như từng có trong đầu một hình ảnh quá cụ thể về sự di chuyển trong không gian, vậy thôi.
Lẽ nào “điều ấy lại không lấy gì làm lạ”?
Gọi bằng em
Lại nữa, khi người Pháp nói: “Elle est belle”, chúng ta không biết dịch ra làm sao cho phải. “Cô ấy đẹp” chăng? Không chắc đâu. Elle là cô ấy, cũng có thể là bà ấy, là bà cụ ấy, là dì ấy, thím ấy, chị ấy, nàng ấy, mợ ấy v.v.
Tiếng elle của Pháp thuộc một tự loại mà chúng ta có người gọi là nhân vật đại danh từ, có người gọi là ngôi tự. Trong Pháp ngữ mỗi ngôi chỉ có một vài tiếng để chỉ chung các nhân vật thuộc số ít, và một tiếng chỉ các nhân vật số nhiều. Trong Việt ngữ mỗi ngôi dùng không biết bao nhiêu là tiếng khác nhau.
Đại danh từ là tiếng thay thế cho danh tự, nhưng chúng ta lại không muốn cho danh tự bị thay thế. Một tiếng “vous” thay thế tất cả mọi danh từ ở ngôi thứ hai trong Pháp ngữ. Ở ta thì không hề có một tiếng nào được phép đại diện rộng rãi như vậy; chúng ta vẫn xưng hô phân biệt: anh, ông, chị, bà, quí ngài, các cháu, cô, dượng, v.v.
Ở đây lại có vấn đề tiếng cụ tượng nữa.
Trong những cô, bác, ông, anh, v.v. nọ, mỗi người có hai tư cách: một là cái tư cách của nhân vật có liên hệ thân thuộc, có quan hệ tôn ti với ta; một nữa là cái tư cách của kẻ đối thoại với ta. Trong tư cách sau này, họ bình đẳng với nhau, họ là “vous” như nhau.
Nhưng để gọi “vous”, phải vận dụng óc trừu tượng để rút ra từ bao nhiêu nhân vật khác nhau nọ một tư cách giống nhau. Chúng ta không làm công việc ấy trong khi nói năng.
Đến đây chợt nhớ Hồ Dzếnh. Ông từng có mấy câu buồn bã:
(...) Con người tôi gọi bằng em
Nhớ tôi nhưng đã thành duyên lâu rồi
Mộng tàn nước chảy mây trôi
Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa (...)
Hồ Dzếnh chỉ có một nửa dòng máu Việt Nam trong người nhưng ông đã thấm thía sâu xa cái ngôn ngữ của quê ngoại.
Con người được gọi bằng em, tất nhiên đó không phải là một người em. Và “gọi bằng em” là một cái gì quan trọng, là một giá trị tình cảm không nói sao cho xiết. Thoạt tiên ắt gọi là cô, mãi sau bao vất vả mới gọi nhau được bằng tên (hoặc Loan, hoặc Phượng, hoặc Thúy, hoặc Thoa...), rồi mới được gọi bằng em. Tiến từng cung bực thân yêu, mặn nồng. Từng cung bực rung động khác nhau nơi người nói và kẻ nghe. Không sao?
Lần đầu tiên gọi nhau bằng anh, bằng em, bằng cưng, bằng mình, lần đầu tiên tự xưng bằng anh bằng em, ôi chao! sung sướng đến rùng mình, rợn cả người, đê mê tâm thần, máu bốc lên đỏ cả mặt mày, xúc động mạnh từ thể xác đến tâm hồn chứ phải chơi đâu. Vì thế ở đời thỉnh thoảng vẫn có kẻ chưa được hưởng tình thân với người đẹp nhưng cũng đánh liều gọi tiếng “em” để ăn gian một khoái cảm. Khi gọi em, tự cái tiếng gọi nó đem tức thì đến cho mình một cảm xúc. Tức thì. Cho nên “con người tôi gọi bằng em”: Khỏi cần nói người ấy với tôi quan hệ như thế nào. Biết tôi gọi ra sao, thế là đủ. Tiếng gọi sao mà huyền diệu. Khác với tiếng you biết chừng nào!
Do đó từ Hồ Dzếnh lại nghĩ sang hoàn cảnh hôn nhân dị chủng, đến những cặp vợ chồng gọi nhau bằng you. Vợ thì có đấy nhưng không có “em”, chồng thì có đấy mà mình không xưng “em” được: mỗi một ngày biết bao lần thiệt thòi, mất mát. Mơ tưởng đến cái tiếng “em” không bao giờ được gọi được xưng, ối trời! Thì vẫn là người ấy, nhưng gọi “you” thì còn đâu tình cảm nữa; gọi thế là rốc cạn em đi, là làm rỗng cả em mất rồi. Ngôi thứ hai! cái “ngôi” sao mà vô vị. Ngôi này ngôi nọ, thảy đều là ý niệm, là sự bịa đặt của lý trí. Tư cách người đối thoại, cái tư cách gì mà chung chung, mà nhạt nhẽo thế? So sánh làm sao được với “em”, vốn chỉ thị một đối tượng cụ thể trong một quan hệ nồng nàn.
Người Việt Nam không xưng hô với các ngôi, với những tư cách trừu tượng; chúng ta nói với những con người cụ thể, nói về những con người cụ thể. Bởi vì mỗi tiếng xưng hô chỉ thị một nhân vật cụ thể cho nên mỗi tiếng phát khởi một tình cảm rõ ràng: yêu đương, trìu mến, hận thù, tôn kính, khinh khi v.v... Tiếng xưng hô dính liền với một hình ảnh cụ thể, cho nên trong tiếng xưng hô có một chứa đựng tình cảm tương ứng với hình ảnh ấy.
Xưng người như vậy mà tự xưng mình cũng vậy: hoặc cháu, hoặc tôi, hoặc tao, hoặc mỗ, hoặc ta, hoặc thằng này, hoặc kẻ hèn này v.v.: mình tự trình diện dưới những tư thế, dạng vẻ khác nhau, khi ôn nhu khép nép lúc dõng dạc oai vệ... “Này, cho mày biết: trêu vào bà, bà cho tan xác đấy nhá!” Cái ngôi thứ nhất trong tiếng “bà” vụt lớn lên, dữ tợn không ngờ. Giả sử vẫn người ấy vừa mới thỏ thẻ em em anh anh với chồng thì ta thấy ngay cái hiệu quả của ma lực ngôn ngữ cụ thể thật là kỳ diệu: “Còn em đâu nữa mà bà đấy thôi”. Từ một hình ảnh ngoan hiền thoắt cái biến sang một hình ảnh đanh ác. Đại danh tự như “je”, như “I”..., những cái trừu tượng ấy không dựng lên hình ảnh nào hết.
Khi dân tộc ta bắt đầu tiếp xúc với dân tộc Trung Hoa thì trình độ văn hóa ta thấp hơn văn hóa họ, xã hội ta tổ chức kém xã hội họ. Người Tàu đã đưa vào ta một số kỹ thuật mới, tất nhiên cũng đưa sang ta cả những từ ngữ mới liên quan với kỹ thuật ấy. Cũng như thế, ta học được của người Tàu nhiều điều về tổ chức chính trị từ cơ sở lên đến trung ương, và đồng thời ta mượn luôn của họ những từ ngữ thuộc sinh hoạt chính trị: xã, thôn, hương, lý, triều đình, quan, dân v.v. Ta học của họ nhiều kiến thức và đồng thời cũng nhiều từ ngữ về triết học, tôn giáo, y thuật: âm, dương, liêm, sỉ, thiện, ác, tạng, phủ, hư, thực v.v.
Tuyệt đại đa số những tiếng chỉ về tư tưởng, học thuật, về sinh hoạt chính trị, kinh tế v.v. là những tiếng mượn của người Tàu, và cũng là những tiếng trừu tượng. Như thế không lạ.
Nhưng cái lạ là có những chuyện không liên quan gì đến học thuật, tư tưởng, chính trị v.v., những chuyện mà trước khi gặp người Tàu đầu tiên dân tộc ta vẫn làm, vẫn nói đến, thế mà ở những chuyện ấy các dân tộc khác có những lối nói chứng tỏ một óc trừu tượng, trong khi lối nói của chúng ta biểu lộ một khuynh hướng thích cái cụ thể.
Trong trường hợp các tiếng ẵm, bồng, khuân, vác, trốn, lỉnh, hò, hét, la, kêu v.v., cũng như trong trường hợp ra, vào, lên, xuống..., cũng lại như trong trường hợp xưng hô về ngôi nọ ngôi kia, chúng ta thấy có một thiên năng về cái cụ tượng hiển hiện trong Việt ngữ ngay từ trước khi có sự can thiệp của ảnh hưởng Hoa ngữ. Chúng ta đâu có chờ đợi đến lúc gặp mặt người Tàu mới quyết định lối xưng hô trong khi trò chuyện?
Tiếng nói của cảm quan
Nhiếp ảnh gia Mỹ đưa máy ảnh lên và nhắc: “Cheese!” để khách hàng cười cho tươi. Người khách hàng Việt Nam không cần phát âm cái tiếng có ý nghĩa xa lạ với niềm hân hoan như thế. Chúng ta chỉ cần mở miệng nói: “Cười”, thế là nụ cười đã nở ngay trên môi.
Chúng ta không thể nói “ngậm” mà hở miệng, nói “nhăn răng” mà khép mồm giấu răng giấu lợi được. Chúng ta không nói để gọi tên một động tác, mà nói để biểu diễn luôn cả cái động tác ấy cho người khác thấy hiển hiện trước mắt. Khi nói “khạc” thì ta khạc, nói “nhổ” thì mồm ta nhổ, nói “hút” thì ta hút vào, nói “phun” thì ta phun ra, nói “nuốt”, nói “ọe”, nói “hả” v.v. đều thế cả. Lắm khi thật ngộ nghĩnh: Nói cười “ha hả” thì miệng ta mở toang mà bảo cười “mỉm” thì miệng ta lại ngậm hàm tiếu! Nói rằng cửa “mở” thì miệng cũng mở theo, mà bảo cửa “khép” tức thì môi người cũng khép lại. Trông theo miệng người Anh người Pháp lúc phát âm ra các tiếng rire, sourire, open, close, ouvrir, fermer v.v., đâu có thế? Cách nói của Việt Nam trong nhiều trường hợp không phải chỉ là phát ra một ký hiệu âm thanh. Mà là biểu diễn cả một dạng thể.
Người Việt Nam khi phát âm thì miệng mồm biểu diễn sự việc mà cái âm của tiếng nói tự nó cũng mô tả sự vật nữa.
Chúng ta thường khen trong Truyện Kiều có nhiều câu thơ mà âm thanh có giá trị mô tả cao. Chẳng hạn: “Vó câu khập khễnh, bánh xe gập ghềnh”. Hai tiếng “khập khễnh” và “gập ghềnh” tự nó diễn tả tình trạng con đường rõ ràng hơn bất cứ cách định nghĩa nào tìm thấy trong tự điển.
Tất nhiên một câu thơ như thế chứng tỏ thiên tài rực rỡ của Nguyễn Du, nhưng phải nhận rằng cái tài ấy đã nương cậy rất nhiều vào thiên năng đặc biệt của dân tộc, tôi muốn nói đến đặc điểm của Việt ngữ. Thật vậy, trong cuộc sống hàng ngày, những kẻ không có năng khiếu nào về thi ca cũng sử dụng những tiếng có giá trị mô tả rất tinh. Chẳng hạn:
“Thằng nhỏ trông lí la lí lắc, khó thương quá.
Ông ấy đi đứng sao mà ưỡn à ưỡn ẹo, không nghiêm chỉnh tí nào.
Lạ thật, bà nọ đẫy đà mà sanh ra con cái đứa nào cũng loắt choắt v.v.”
Không cần ai giải nghĩa những chữ lí la lí lắc, ưỡn à ưỡn ẹo, loắt choắt; cứ nghe tiếng nói phát ra là chúng ta đã hình dung được những dạng thái ngụ trong ấy rồi.
Ông Đàm Quang Hậu (5) đã chú ý đến khả năng gợi tả của các âm trong Việt ngữ. Tóe, xòe, loe, toe, toét, loét, khoe...: âm oe đọc lên gợi ra hình ảnh một cái gì mở rộng. Eo, teo, quắt queo, cheo leo, lèo khèo v.v.: âm eo diễn tả cái gì thắt lại. Khi đọc âm ong thì môi phải cong miệng phải phồng; cho nên các tiếng quả bóng, cái lọng, cái nong, chiếc vòng v.v. đều ngụ ý cong và phồng. Khi đọc âm oi thì phải hắt hơi ra; cho nên các tiếng thòi (ra), lòi (ra), cái ngòi, cái vòi, nhoi (lên) v.v. đều ngụ ý ngoi ra. Các tiếng quát, quạt, quất, quật, quăng, quẳng v.v. đều hàm ý cứng cỏi, không phải là không liên quan với phụ âm nổ qu. Các tiếng mềm mại, mịn, mượt, mướt, mơn mởn, mỡ v.v. đều hàm ý mềm, không phải là không liên hệ với phụ âm lỏng m.
Cũng về trường hợp các âm, hai ông Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê (6) nghĩ rằng Tàu có 214 bộ trong phép viết, hoặc giả ta cũng có một số vần gốc làm căn bản cho phép nói chăng? mỗi vần biểu thị một khái niệm gì đó. Chẳng hạn vần ắt trong các tiếng cắt, chặt, gặt, ngắt, vặt, xắt v.v.
Ở đây có chỗ cần lưu ý: là mối liên hệ giữa các chữ cùng một bộ trong Hoa ngữ căn cứ trên một sự phân loại theo lý trí, còn mối liên hệ giữa các tiếng cùng âm của Việt ngữ lại căn cứ trên cảm nhận của giác quan. Các chữ ngôn , luận, ngữ, nghị cùng có bộ ngôn; đó là kết quả một suy luận về các ý nghĩa trừu tượng của chúng. Trong khi ấy tròn, lon, hòn v.v. mà đồng âm với nhau là kết quả của sự gần nhau về dạng thái những gì cụ thể do cảm quan ghi nhận.
Ông Phan Văn Hùm lại chú ý đến các thanh: “Vì giọng hỏi là một giọng gãy, nhưng mà còn dịu, nên chi những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nhẹ, hoặc ngắn, hoặc nhỏ, hoặc dễ v.v. Còn giọng ngã, vì gãy mà chìm, nói phải ráng đưa hơi từ trong ngực ra, nên chi những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nặng, hoặc dài, hoặc lớn, hoặc khó, hoặc bền v.v.” (7). Do lẽ ấy, ông Phan bảo hai chữ mỏng mảnh không thể có dấu ngã được; còn những chữ nặng trĩu, dài nhẵng, phải đánh dấu ngã.
Cũng về các thanh, hai ông Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê cảm thấy giọng ngang có ý ngang ngang chưa quyết định; giọng sắc có ý mạnh mẽ, gắng sức; giọng nặng có ý nặng nhọc, chìm hẳn xuống.
Còn ông Maurice Durand, thì nghiên cứu tỉ mỉ, công phu về khả năng gợi tả của tiếng Việt, cả các âm cũng như các thanh (8).
Để nói về loại tiếng nọ, ông M. Durand dùng một tự ngữ mà chúng ta có kẻ dịch là cảm từ, có người dịch là tiếng biểu cảm.
Cái thực lạ: ở khắp nơi, tiếng nói chẳng qua là những dấu hiệu ước định để biểu ý; ở ta nó lại có giá trị biểu cảm.
Đành rằng trong ngôn ngữ các dân tộc khác có loại nghĩ thanh từ (onomatopée) bắt chước thiên nhiên, nhưng số tiếng ấy chẳng có là bao, và “bắt chước” là chuyện quá thô sơ so với lối gợi tả của tiếng biểu cảm trong Việt ngữ. Gần chúng ta như người Tàu người Ấn, xa chúng ta như bên Âu bên Phi, cho đến nay chưa nghe nói có dân tộc nào dùng nhiều tiếng biểu cảm như ta.
Thiên hạ nói là phát ra những tín hiệu bằng âm thanh; còn chúng ta nói là gợi lại tiếng động, là vẽ ra hình tượng, là truyền cho nhau những cảm giác sống động. Chúng ta nói, kẻ tiếp nhận không phải chỉ hiểu ý nghĩa, mà còn cảm được nội dung của điều phát biểu, mường tượng ra hình ảnh những sự vật được đề cập. Nói bằngViệt ngữ tức là mô tả một cách cụ thể bằng âm thanh.
Có lần học giả Granet nhặt trong tiếng Trung Hoa được ba trang lớn tiếng đôi (như quan quan, yêu yêu, hoàng hoàng, âm âm v.v.) ông lấy làm thích thú về những điệp ngữ ấy lắm. Ông cho rằng những cặp chữ đôi ấy gợi lên cái gì cụ thể như những bức họa bằng lời (comme de véritables peintures vocales).
Granet có lý: Khi ta nói chậm, chậm có thể mang một nghĩa ước định. Nhưng khi ta nói chầm chậm, thì âm thanh của tiếng nói mô tả động tác, khả năng tác động của từ ngữ ấy vượt ra ngoài ý nghĩa ước định. Tiếng điệp ngữ quả là có giá trị minh họa. Và những bức họa tài tình như thế chồng chất đầy nghẹt cả kho ngôn ngữ Việt Nam. Nếu sưu tầm, chúng ta không phải chỉ có ba trang giấy mà là trùng trùng điệp điệp, bởi vì gần như mọi tĩnh từ trong Việt ngữ đều có thể biến thành tiếng đôi: Trong Truyện Kiều có mấy câu mà chúng ta ai nấy đều biết:
“Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối gành bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đàng
Rầu rầu ngọn có nửa vàng nửa xanh”.
Cụ Nguyễn Du làm thơ, nghe mà ham! Dám chắc thi sĩ mọi quốc gia trên thế giới đều ao ước được sử dụng một thứ tiếng có nhiều điệp ngữ biểu cảm như tiếng Việt.
Làm thơ mà biểu cảm được là hay; nói lời nói thường mà cũng biểu cảm được thì thật là tuyệt vời. Có ai mở miệng nói mà không muốn truyền thẳng cảm xúc của mình cho người nghe; nhưng mấy ai muốn mà được? Từ cái cảm xúc trong lòng, cái hình ảnh trong trí, cho đến những ký hiệu dùng để diễn tả, sự cách biệt quá xa. Nói bằng ký hiệu làm nghèo hẳn cảm xúc, nghèo hẳn cái nội dung được nói đến.
Dường như A. Daudet có viết đâu đó về tình cảnh bất lực thảm thương của người văn sĩ: điều hắn ôm ấp trong lòng thật linh động, phong phú, nhưng tác phẩm hắn viết ra chẳng diễn tả được bao nhiêu; giống như con sứa ngoài khơi Địa Trung Hải đẹp đẽ chừng ấy mà giạt vào bờ nó teo tóp lại, vớt lên chỉ còn tí xíu trên tay!
Nói bằng tiếng “biểu cảm” là cách nói lạ lùng nhất, là chộp con sứa ngay giữa bể khơi, là “truyền thần” được những hình ảnh, cảm xúc: lí la lí lắc, loắt choắt, ưỡn ẹo, nao nao, sè sè v.v., đó không phải là thực tại, là sự sống được trực tiếp “truyền thần” lại bằng âm thanh sao?
Nói bằng tiếng biểu cảm cũng lại là cách nói thật tài tình. Là làm nghệ thuật.
Tiếng biểu cảm khác với tiếng ước định cũng như bức vẽ khác với chữ viết. Ghép ba mẫu tự c, â, y — ba dấu hiệu ước định — để làm thành một chữ vô hồn, thật xa với việc vẽ ra bức tranh cây để gửi vào đó sự rung động của mình.
Thành thử viết chữ và dùng tiếng ước định, ai cũng làm được; còn vẽ tranh và đặt ra tiếng biểu cảm là chuyện khó khăn hơn nhiều, chỉ có những hạng nghệ sĩ mới làm nổi. Theo Đoàn Phú Tứ, phải nghệ sĩ như trẻ con, như quần chúng quê mùa dốt nát. Và, dĩ nhiên, như Đoàn Phú Tứ nữa: bài ‘Màu thời gian’ là một biểu diễn xuất sắc về cái khả năng gợi tả của Việt ngữ.
Cũng như ở mọi ngành nghệ thuật khác, người nghệ sĩ nói tiếng nói biểu cảm phải có những cảm giác tươi tắn. Đời sống cảm quan phong phú, cái trực giác làm bật ra những âm thanh thích hợp tương ứng với những cảm giác nọ không phải sở trường của hạng trí thức vùi đầu vào sách vở (9). Tiếng nói đặc biệt của chúng ta không phải là công trình của lý trí mà là của cảm quan. Nó là kết quả của một đời sống thiên về những cảm quan tươi tắn, mạnh mẽ, dồi dào; nó nói thẳng với cảm quan.
Thế giới của cảm quan là cái thế giới hữu hình, khả xúc, khả giác, cụ tượng. Là cái thế giới của tiếng nói kỳ diệu của chúng ta.
(Còn tiếp)
1. Tiểu luận này được viết dần, đăng trên các tạp chí Thời Tập và Văn ở Sài Gòn trong các năm 1973–75. Biến cố tháng 4-75 làm gián đoạn, tác giả ra đi không mang được tài liệu theo để tiếp tục công việc. Mười ba năm sau — tháng 7-1988 — các ý kiến cũ được trình bày trong một hội nghị ở Adelaide (Úc châu); và đoạn kết của bài nói chuyện hôm ấy được dùng để tạm kết thúc loạt bài này. Toàn thiên tiểu luận đã được in vào cuốn Tiểu luận, do nhà Văn Nghệ xuất bản tại Hoa Kỳ cuối năm 1988.
2. “Bien écrire n’est-ce pas développer selon l’affinité des mots, qui enferme science profonde?” (Alain, Préliminaire à l’esthétique).
3. Bài này được viết vào năm 1973.
4. Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu in lần thứ 10, năm 1968, trang 407.
5. Danh từ chuyên khoa trong Việt ngữ , Huế, 1958.
6. Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Đại học Huế, 1963.
7. Dẫn theo Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 115.
8. ‘Les mots impressifs en Vietnamien’, trong Bulletin de la société des études indochinoises, bộ mới, tập XXXVI, số 1, 1961.
9. Đoàn Phú Tứ, bài ‘Âm thanh’ trong tạp chí Thanh Nghị, số 14, ra ngày 1-6-1942.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/12/vo-phien-chung-ta-qua-tieng-noi-1.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001