Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TRẦN LÃO LỤC BÁT TIẾP TỤC TRÌNH LÀNG
PHẠM LƯU VŨ
Trần Huy Tản (phải)
Trần Huy Tản (phải)
Sau một buổi “đàm” đủ thứ, (trừ đàm… đạo) với Trần Huy Tản, về đến nhà, bỗng nhiên lục Chí Phèo của Nam Cao ra đọc lại. May quá, “Chí” không có tuổi. Không có tuổi, nghĩa là Chí cùng cỡ tuổi với Trần Lão Tản. Khác nhau: một đằng được người khác (Đức ông Nam Cao) dùng văn chương vẽ ra từ cuộc đời, một đằng tự họa mình bằng lục bát.
Đức ông Nam Cao vẽ Chí tuyệt bút ở khoản nào? Ở cái khoản “chửi cả làng”. Khoản này thì Chí chỉ cần rướn một bước ngắn nữa là có thể sánh với Đức ông Lỗ Tấn bên Tàu. Còn Trần lão lục bát này thì tự họa mình ở khoản nào? Ở cái khoản: “cười cợt với cả làng”. Khoản này thì Trần lão cũng phải bước một bước ngắn nữa mới sánh được với một Đức ông khác cùng thời: Đức ông Huyền Thi (tức Bảo Sinh).
Một gã như Chí, dám một mình nhảy ra “chửi cả làng”, song không may cho Chí, gặp ngay phải cái làng… quá giỏi nghe chửi, càng ngày càng giỏi, chỉ bằng một “bản lĩnh” hết sức giản dị: “chắc nó trừ mình ra”. Vì vậy mà cả làng mần thinh, mặc dù Chí tìm đủ mọi cách khều một thằng bất kì nào đó ra chửi nhau với mình. Vô ích. “Cái làng này nó thế”. Cho đến tận bây giờ, vẫn nghe phảng phất đâu đây giọng Chí chửi ra rả, thậm chí còn muốn ỉa cả vào tai, ỉa lên đầu, lên cổ cả làng. Song, cái bản lĩnh “mần thinh” của làng, giờ đã đạt tới… bất khả tư nghì. Cho nên, dù cái sự “chửi” của Chí nay đã biến tướng muôn hình vạn trạng, chẳng hạn đào xới cả mồ mả ông cha, hay thản nhiên bốc hốt hàng triệu, hàng trăm triệu đô… của làng, thì cả làng ai cũng nghĩ: “chắc không có phần của mình (bị hốt) trong đó”. Thế là… làng vẫn mần thinh.
Trần lão lục bát này (và cả Đức ông Huyền Thi kia nữa) thì may mắn hơn Chí. Gặp ngay cái làng cũng giỏi cười cợt. Đặc biệt là khoản… cười người. Bản lĩnh này của làng cũng giản dị không kém. Chỉ cần nghĩ: “chắc lão cười ai đó”, thế là cả làng thoải mái cười theo, cười hi hí, cười ha hả, cười sặc sụa, cười… rung rốn, cuối cùng thì… cười chảy nước mắt. Trong thơ, cười đôi khi còn là một hình thức khác của khóc, gọi là cười ngược. Cười ngược để che đậy cái sự mần thinh. Còn nữa, cười đôi khi còn là một hình thức khác của điếc, gọi là cười sẵn. Cười sẵn để chứng tỏ mình không bị điếc. Ngoài ra còn cười vu vơ để tự cảm giác rằng mình tồn tại, cười ràn rụa để xả xì-trét cuộc đời, v.v… Tôi không đủ tư cách để “ấn chứng” thơ lục bát của Trần lão rằng đó là những cái cười sâu xa hay nông cạn, triết lý hay bình dân, hoặc là những “ngọn nến cháy kiệt cùng” hay cháy dở… việc ấy để dăm chục năm nữa, nếu những câu lục bát này còn thấm được tới lúc đó, thì tự con cháu chúng nó sẽ “ấn chứng”.
Những ai đã từng gặp Trần Lão Tản, và nhất là nghe lão đọc lục bát của mình thì đều phải công nhận rằng đó là một lão chuyên… cười cợt. Vậy mà mở đầu tập thơ, lại là những bài… không thấy cười đâu cả. Thì ra cái “thấy”, với sự “thấy” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Không thấy, là việc của mỗi người. Thấy, là việc của tất cả bọn chúng sinh. Thơ này vượt lên trên thơ “thế sự”, gọi là thơ “thế gian” (thế mà… gian). Ví dụ bài mở đầu:
“Cha như thân hạc kiếm mồi
Mẹ như ong hút mật đời nuôi con
Con như con kiến còn non
Cứ bò theo vết đường mòn xửa xưa
Gặp trong giông bão nắng mưa
Đường mòn mất dấu ai đưa con về…”
Bài thơ hay như ca dao, có cái đầu đề rất thương: “Ai đưa con về?”, là một trong số những bài được “chú thích” là rút trong một cuốn giáo khoa tiểu học cấp tỉnh (lẻ). Song theo tôi, nó hoàn toàn xứng đáng với cả sách giáo khoa cấp… trung ương. Trẻ con bên Tây chắc không bao giờ hiểu nổi mấy câu này, đơn giản bởi chúng sống (thoải mái, vui vẻ) bằng bảo hiểm, do Nhà nước của chúng nuôi cho đến tận lúc trưởng thành. Khi nào ở ta tiến tới cũng như Tây thì xin các nhà làm sách giáo khoa hãy rút bài thơ này ra.
Trên kia sở dĩ lôi Chí Phèo ra mở đầu cho bài viết này bởi Trần lão lục bát cũng là một nhà… “Chí Phèo” có hạng. Đặc tả như thế này:
“Cả đời Chí thiếu nhiều điều
Vung vênh, nồi méo úp nhiều đớn đau…”
- bài: “Bao đêm lạnh giá…”
Thì đúng phải phong lão Trần là… “Chí sĩ”. Gọi là: “Chí sĩ”, chứ không phải “Chí học” đâu nhé. “Chí sĩ” mới đạt tới cảnh giới hóa thân vào Chí, nói thay Chí, biến thành Chí… Còn “Chí học” (ví dụ như Đức ngài thi sĩ Đỗ Minh Tuấn trong bài “giải mã Chí Phèo”), thì mới đạt tới trình độ… thuộc Chí mà thôi. Chỉ cần bốn chữ: “Vung vênh, nồi méo”, đã gồm đủ Chí Phèo, Thị Nở rồi. Thêm cái sự “úp” kia nữa là có cả cái làng trứ danh trong câu ấy. Tiếc rằng hai chữ “đớn đau” cuối câu hơi dễ dãi và… sáo. Viết thế chả hóa ra Chí Phèo biến thành… Nam Cao hay sao? Hay là muốn có vần “au” để nối thêm mấy vần lê thê phía sau nữa, có tác dụng làm nhạt bớt sự “kết hợp” giữa cái “vung vênh” và cái “nồi méo” tri kỉ của muôn đời. Ấy là tại cái món “lục bát” nó thế chăng?
Nó thế, nghĩa là nó gọi vần, kén vần, nên đôi khi nó kéo người thơ chệch sang đường khác. Câu chuyện này do chính Cụ Tú Xương kể, không biết có đúng không. Rằng cụ “bật” ra cái “tứ” của bài “Sông lấp”, bắt đầu bằng hai câu… kết: “Đêm nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Thế là cụ cứ việc theo cái vần nó “kén”, mà làm… ngược lại hai câu đầu: “Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai…”, lắp ghép lại thành bài “Sông lấp” tuyệt đỉnh (chỉ dở mỗi cái đầu đề). Gặp trường hợp cái vần nó kén khó quá, đọc ngược, đọc xuôi đều thấy chệch mất “tứ” thì… xin mời đọc hai câu thôi, ví dụ:
“Con tôi giống mẹ giống bà
Đứa cao đứa thấp nhưng là con tôi…”
- bài: “Con tôi”
Không giống tôi nhưng đúng là con tôi, thế mới là con tôi. Lục bát kiểu này gọi là: “ngụ ngôn sấm ký”. Món này chắc ai cũng phải bái Đức ông Huyền Thi làm sư phụ: “Con ta đâu phải của ta / tai họa của nó mới là của ta”; hay:“Đêm nằm nghĩ mãi không ra / Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ”… Đến hai câu sau đây trong bài: “Cô tôi mãi chửa lấy chồng”, thì Trần lão vớ được tuyệt cú, hai câu có sức nặng bằng cả tập thơ. Có phải vì thế mà nó phải “lặn” xuống tận cuối bài:
“Vại dưa cô muối rất chua
Đố ai biết được cô vừa muối xong?”
Câu thơ ám ảnh tôi suốt từ chập tối hôm trước. Tôi biết chắc rằng Trần Lão Tản có một bà cô như thế, lão rất thương bà cô của mình. Nhưng lạ sao, đến sáng hôm sau thì hình ảnh “bà cô” ấy trong tôi biến thành… Trần Lão Tản, còn tập lục bát của lão lại biến thành… vại dưa. Bèn rung đùi ngâm nga: “Vại dưa lão muối rất chua / Đố ai biết được lão vừa muối xong”. Một thầy giáo dạy văn cấp 3 trường huyện, một hôm đọc đến mấy câu này:
“Vợ dại cũng lắm cái hay
Nó yêu nó gọi suốt ngày chồng ơi…
Vợ khôn tài giỏi hơn tôi
Nó chê nó gọi những nhời trống không…”
- bài: “Hỏi trăng với gió”
Bèn hỏi tôi: “Cái ông nhà thơ này… hai vợ hả bác?” Tôi trả lời: đúng thế! Đàn ông có vợ ai chả vậy, một vợ dại và một vợ khôn. Anh thầy giáo ngẫm nghĩ một hồi rồi vỗ đùi: “Chí lý”. Tôi bảo: không biết à? Rồi đọc hai câu “sấm” của Đức ông Huyền Thi: “Bò nào bò chẳng có u / Đàn ông một vợ còn ngu hơn bò”. Anh thầy giáo lại vỗ đùi: “Cũng chí lý”. Ngay lập tức, anh ta “hoát nhiên đại ngộ”.
Đọc Trần Huy Tản (kể cả phần văn xuôi trong tập này), dễ dàng nhận ra rằng lục bát là cái “tạng” bẩm sinh, là cái “nghiệp” chí tử của lão. Sở dĩ tôi mạo muội gọi lão là “Trần lão lục bát”, bởi lão thực ra “nghĩ” bằng lục bát là chủ yếu, là thường trực, còn “làm thơ” bằng lục bát thì chỉ… thi thoảng. Nói thật nhé, đời này, đời sau, đời sau nữa… ai yêu quý lão, khen lão cũng là vì “lục bát”, mà ghét lão, chê lão cũng bởi tại cái món “lục bát” này (ghê thật! nghe như lời than của Khổng Phu Tử khi san định Kinh Xuân Thu vậy). Nhưng cái “tạng” bẩm sinh này của lão là tạng lục bát ngắn, chứ không phải dài. Đây là chỗ mà Trần lão ngược lại với các bậc “lục bát” khác, bậc gần là Đức ông thi sĩ Nguyễn Bính, bậc xa là Đức thi hào Nguyễn Tiên Điền. Lục bát của Trần lão chỉ có thể trích hai câu, bốn câu, cùng lắm là sáu câu (nãy giờ tôi toàn làm thế). Chớ có dại dẫn ra cả bài. Lý do là lục bát của lão càng dài càng… dở. Lão có thấy điều đó không? Có đấy:
‘Thơ quê bán ở gốc đa
Thơ phố bán ở sân ga rất nhiều…”
- bài: “Bán cho ai?”
Hai câu này, đối với tôi, coi như một hình thức “mở hàng thơ” rất ngộ nghĩnh của Trần lão. Thế cái món lục bát này là “quê” hay “phố” đây? Dày đặc “quê”. Vậy đã là “quê” thì dán ở gốc đa. Dán chứ không bán, bởi bà con nông dân vốn có thói quen cái gì cũng quy ra thóc. Khối bà nhà quê (thuở trước), thuộc Kiều, thuộc Chinh Phụ ngâm vanh vách, song tôi vẫn dám cam đoan rằng họ không có “mua”.  Còn nếu món này là “phố” thì:
“Bàn chân quen xéo trên đê
Mà đi trên phố cứ ghê ghê người…”
- bài: “Trên phố”
Chữ “xéo” buông thật là đáo để. Chữ ấy nặng cỡ ngàn cân. Không có chữ ấy, chắc Trần lão không dám thả cho những câu lục bát của mình rong ruổi khắp phố phường những anh tài, chị tài… của Thủ Đô ngàn năm văn vật. Điều đó chứng tỏ cái “dũng” của Trần lão. Bởi chả cứ gì Trần lão, ngay cả cụ Nguyễn Tiên Điền ngày trước dẫu sống lại mà nghe đám con cháu bi giờ đọc Kều, chắc cũng phải cảm thấy… “cứ ghê ghê người”.
Tháng 12/2012
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2012/12/26/tr%E1%BA%A7n-lao-l%E1%BB%A5c-bat-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-trinh-lang/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001