Một khúc sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn)
MINH DIỆN
Trích lá thư từ Cali: “Lần này không
đạt được ước nguyện, chắc má con chết mất chú ơi, con lo quá! Con hy
vọng chú giúp được má con. Chú cố lên chú nghe! Con cảm ơn chú nhiều!
Con Đoàn Mai Hương”.
Tôi nhận được lá thư ấy trước khi
chị Ba Ninh, má của Mai Hương về nước hơn chục ngày. Tôi cảm thấy như có
cục đá đè nặng lên ngực làm tôi nghẹn thở. Ứớc nguyện chị Ba Ninh đeo
đuổi ba chục năm nay là tìm được hài cốt anh Lê Hưng, nay vẫn chưa
thành, dù chị đã từ Mỹ vế Việt Nam hết lần này lần khác.
Ra đón chị ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi càng cảm thấy áp lực đè nặng hơn. Vừa nhìn thấy tôi chị đã hỏi đồn:
- Chú nhận được thư con Mai Hương chưa? Mai mình đi Bắc được chưa?
Tôi nhìn chị Ba Ninh bỗng giật mình, chị
già đi nhanh quá. Mới năm kia tóc còn xanh, nay đã bạc gần hết, gương
mặt khô héo, hai mắt thâm quầng như bị thiếu ngủ. Tôi nói với chị:
- Chị nghỉ vài bữa lại sức rồi tính!
Chị Ba Ninh phẩy tay:
- No! phải đi liền! Bây giờ ‘búc’ vé mai bay luôn!
Trên xe về thành phố chị Ba Ninh cứ nhắc
đi nhắc lại như vậy, vợ tôi trêu tuần sau mới đi, chị khóc òa như một
đứa trẻ khiến vợ chồng tôi bối rối.
Chị Ba Ninh không có họ hàng gì với gia
đình tôi mà chỉ là hàng xóm với nhau. Năm 1979 tôi cưới vợ, mua căn nhà
nhỏ ở đường Trương Vĩnh Ký, đối diện với nhà chị. Mấy ngày đầu tôi dọn
đến ở, chị Ba Ninh tránh mặt không muốn tiếp xúc. Có hôm tôi mở cửa nhìn
ra, thấy chị định chào, chị kéo nón chụp mặt bước nhanh không ngoái
lại. Có lần đứa con trai út của chị đứng thẩn thơ ngoài đường, tôi vừa
cầm tay cháu làm quen, chị từ trong nhà chạy ra nói với tôi:
- Xin lỗi cháu làm phiền ông!
Tôi nói:
- Tôi chỉ muốn làm quen với cháu thôi chị ạ !
Chị Ba Ninh không nghe tôi nói, lặng lẽ kéo con vào nhà.
Hai gia đình đối diện nhau, ngày ngày
nhòm thấy nhau mà lạnh lùng thế này thì buồn quá! Người phụ nữ này đối
với tôi vừa e dè, vừa sợ vừa khinh thường, tôi tự thấy như vậy! Tôi mới
tới đây chưa đầy một tuần đã làm gì gây nên ác cảm như vậy?
Tôi đang băn khoăn thì ông tổ trưởng dân
phố tìm đến. Đó là một lão già ngoài sáu chục tuổi, gầy đét, mặt lưỡi
cày nhọn hoắt, dáng đi khòng khòng, mặc quần tây áo sơ my đóng thùng cẩn
thận, tay cầm cuốn sổ bìa đen dày cộm. Ông nói với tôi:
-Tôi biết đồng chí về đây một tuần rồi, nhưng phải tìm hiểu xác đính nhân thân của đồng chí, hôm nay mới sang nói chuyện!
Ô hay, cái ông già này là gì mà tìm hiểu
nhân thân mình? Tôi ngạc nhiên nhìn xoáy vào cái mặt vênh váo vẫn hay
gặp ở chốn công quyền. Tôi hỏi:
- Chú nói gì, tôi nghe đây?
- Vội gì? Uống nước đã chưa?
Trong khi tôi pha trà, ông tổ trưởng đưa
cặp mắt ti hí soi mói khắp nơi, như tìm kiếm và định giá từng thứ đồ
vật trong nhà tôi. Tôi đưa mời ly nước, ông uống ực, rồi nói:
- Ta xưng hô đồng chí cho đúng mực!
Trước tiên tự giới thiệu tôi là Hồ Khóa, cán bộ miền Nam tập kết về,
trước khi nghỉ hưu làm phó bí thư chi bộ kiêm thư ký công đoàn cừa hàng
rau quả chợ Mơ Hà Nội, hiện nay là tổ trưởng an ninh khu phố này. Qua
điều tra xác minh, được biết đồng chí là sỹ quan quân đội chuyển ngành
làm phóng viên nhà báo, là đảng viên của đảng, nên tôi rất mừng, vì tổ
dân phố ta có thêm lực lượng nòng cốt, nên hôm nay sang đây trao đổi
mang tính chất nội bộ với đồng chí!
Ông Khóa không đợi tôi mời, cấm ly nước
thứ hai uống ực. Hình như cái thân hình gầy quắt kia lúc nào cũng thèm
ăn, thèm uống và thèm nói? Ông lấy cặp kính lão đeo lên mắt, mở quyển
sổ đen ra, tôi liếc nhìn thấy ghi đặc kín. Giọng nói của ông rít trong
cổ họng vừa có vẻ bí mật vừa khoe khoang:
- Trước hết tôi quán triệt cho đồng chí
hiểu là tổ dân phố chúng ta hiện nay có 30 hộ, 155 khẩu, trong đó 30%
thành phần nòng cốt đáng tin cậy, 30% trung gian còn 40% là người của
chế độ cũ, tư sản có thâm thù với cách mạng vả giai cấp , là đối tượng
rất nguy hiểm …
Ông Khóa uống một ly nước nữa rồi tiếp:
- Về biểu hiện hàng ngày, quá trình theo
dõi, tôi trao đổi cụ thể với đống chí như sau: Ở cách nhà đồng chí một
căn là nhà đồng chí Thế, đại úy hậu cần Bộ tư lệnh thành phố, hay uống
rượu với mực khô nướng, thỉnh thoảng đưa bạn bè về nhậu, hay chửi thề.
Cách nhà đồng chi hai căn là nhà ông Khuê, trước giải phóng làm ở ngân
hàng, có con vượt biên, có thái độ bất mãn ngầm, mấy lần gặp tôi không
chào cứ khinh khỉnh, sáng nào cũng uống cà phê sữa. Cách nhà đồng chí
ba căn là nhà ông Thái, hay ăn thịt gà, mới hôm qua tôi phát hiện giết
một con gà mái gói lông vào tờ báo bỏ vào túi quần mang ra vứt xuống ống
cống. Cách nhà đồng chí bốn căn là nhà bà Nhưng có cô con gái mặc áo hở
ngực, nghi làm gái điếm…
Tôi phì cười cắt lời ông Khóa:
- Chú đã đọc truyện “Nhũng người khốn khổ” của Victor Huygo chưa? Tôi thấy chú giống y như Giave !
Ông Khóa hỏi:
- “Đồng chí Ca ve” ấy thế nào?
Tôi nói:
- Đi rình !
- Tốt!
Ông Khóa hạ giọng nói vừa đủ cho tôi nghe:
- Tôi đang theo dõi cái đối tương trước
mặt nhà đồng chí kia! Con mụ Ba Ninh đó. Chồng mụ là thiếu tá pháo binh
ngụy đang đi học tập cải tạo, mụ ở nhà với hai đứa con, một gái một
trai, đứa con gái năm nay 16 đang học lớp 12, thằng con trai mới lên 4.
Mụ này vượt biên ba lần không thoát, hiện nay đang chuẩn bị vượt biên
lần thứ 4, mụ này hay thức khuya, rất khinh thường chế độ ta, có biểu
hiện chống đối ra mặt…
Tôi rùng mình sởn gai ốc vỉ kinh tởm lão
Khóa và cái bộ máy sử dụng lão. Thật đê tiện bẩn thỉu! Chúng theo dõi
từ miếng ăn giấc ngủ của người khác. Chúng soi mói vào đời tư từng con
người. Mỗi ngóc ngách cuộc sống, từ vật chất đến tinh thần của công dân
đều không thoát khỏi con mắt cú vọ của chúng! Tôi mới tới đây có một
tuần mà đã lọt vào trong vòng ngắm của chúng rồi!
Tôi nói với lão Khóa:
- Ông đúng là một tên Gia ve bẩn thỉu ! Mời ông khỏi nhà tôi, từ giờ phút này, cấm ông bén mảng tới đây!
- Mày dám!
Lão Khóa tự ái, nổi khùng ngay lập tức.
Tôi túm cổ áo lão kéo ra đường, nói to:
- Cút!
Hành động của tôi hôm đó lọt vào mắt chị
Ba Ninh. Gặp tôi chị không khinh khỉnh cúi mặt mà mỉn cười chào hỏi
thân thiện. Thỉnh thoảng chị ghé qua nhà tôi nói chuyện với vợ tôi.
Giáp tết năm ấy chị Ba Ninh mang cho
nhà tôi một đĩa bánh thuổn do chị tự làm. Đây là loại bánh nguyên liệu
gồm bột mỳ đánh thật nhuyễn với trứng gà, đổ vào những chiếc khuôn bằng
gang, đậy vung thật khít, đặt trên bếp than củi, khi bánh chín nở bung
đầu phía trên, có mùi thơm ngậy, rất ngon. Bánh thuổn là đặc đặc sản
của người Quảng Nam mỗi khi tết đến xuân về. Dù giàu hay nghèo, dù bận
bịu đến đâu, tết đến cũng phải đúc bánh thuổn cúng ông bà. Người ta còn
đoán hên xui khi đúc bánh thuổn. Nhà nào cuối năm đúc bánh thuổn nở
đều, hy vọng mọi việc sang năm tốt đẹp, ngược lại bánh không nở mọi
việc thất bại.
Hôm ấy chị Ba Ninh mang cho nhà tôi đĩa
bánh chị vừa đúc còn nóng hổi, cái nào cũng nở bung như bông hoa. Chị
cười rất tươi nói với vợ chồng tôi:
- Tôi hy vọng năm nay mình sẽ gặp hên!
Vợ tôi nói:
- Em chúc chị thuận buồm xuôi gió!
Chị Ba Ninh ngồi thừ ra suy nghĩ một lúc lâu, rồi nói với tôi:
- Nói thực với chú, tôi đã tâm sự với
thím ấy. Nhân dịp tết này tôi cho hai cháu vượt biên. Tôi biết chú thím
là người tốt nên tôi không giấu, trong khi tôi giấu hết cha mẹ tôi cũng
như bên chồng tôi. Tôi phải cho con tôi đi vì tương lại của chúng nó. Ở
lại đây suốt đời không ngóc đầu được với cái lý lịch bố thiếu tá ngụy đi
học tập cải tạo chú ạ! Con Mai Hương giỏi nhất lớp môn Anh văn mà không
được chọn đi thi toàn trường, tương lai không được thi vào đại học chú
ơi…
Chị Ba Ninh nói xong mặt tái mét như
không còn hạt máu. Chị run bắn lên biu vào cái bàn, nhưng vẫn gục xuống.
Hình như chị hoảng loạn vì đã trót mang điều bí mật sống còn ra nói với
một người mới quen, hơn nữa lại là một cán bộ như tôi. Nhìn người phụ
nữ yếm thế trước mặt mình, nghĩ tới những lời miệt thị cùa lão Khóa, tôi
cảm thấy thương chị, lo cho chị và hai đứa nhỏ. Tôi nói với chị:
- Tôi không khuyên chị nên đi hay nên ở. Chỉ khuyên chị hết sức thận trong! Và tôi chúc chị may mắn!
Nghe tôi nói thế, chị Ba Ninh bình tĩnh lại, trên môi nở một nụ cười héo hắt. Chị nắm chặt bàn tay tôi:
- Vậy là chú?
- Vâng, chị hãy tin tôi không bao giờ làm hại chị !
Đêm ba mươi năm ấy, chị Ba Ninh và hai
đứa con ra đi, và lần này họ đến được đảo Pradong của Malaysia, rồi 6
tháng sau được định cư ở Mỹ.
Mười năm sau chị Ba Ninh về Việt Nam lần
đầu tiên. Ngôi nhà chị ở đường Trương Vĩnh Ký nhà nước đã tịch thu giao
cho một cán bộ. Tôi cũng không ở con đường đó nữa mà chuyển lên Bàu Cát
cách đó vài khu phố. Chi Ba Ninh tìm được nhà tôi, báo tin buồn anh Lê
Hưng chồng chị chết năm 1979, chị về làm các thủ tục lấy hài cốt của
chồng chị.
Cuộc tìm kiếm ấy kéo dài đã hơn hai
mươi năm. Cứ hai năm chị Ba Ninh gom góp tiền từ Mỹ về một lần, có lấn ở
cả hai ba tháng nhưng vẫn như mò kim đáy bể.
Anh Hưng chồng chị bị bắt đi cải tạo từ
ngày 25-7-1975 , lúc đầu giam ở Bố Lá , rồi đưa ra Đồng Nai, rồi Hà
Nam và cuối cùng chuyển lên Lạng Sơn. Phần lớn hồ sơ lưu ở trại cải tạo
Lạng Sơn, đã bị thất lạc trong cuộc chiến tranh năm 1979 khi quân
Trung Quốc tràn sang xâm lược nước ta nên đến đây gần như bế tắc.
Cách đây mấy tháng một người tên Vũ Trần
Tuấn, ở bang Wasington đã lặn lội tới Califonia tìm chi Ba Ninh. Người
này cùng bị cải tạo với Lê Hưng ở Lạng Sơn, năm 1995 được tha và năm
1998 đi Mỹ theo diện HO. Ông Tuấn đã kể lại trường hợp đặc biệt của ông
và Lê Hưng.
Khi quân Trung Quốc tràn biên giới đánh
sang Việt Nam , Lạng Sơn là một mặt trận nóng bỏng. Trại cải tạo sỹ quan
chế độ Viêt Nam cộng hòa nằm trong vùng xung đột , không sơ tán kịp,
nhiều sỹ quan đang cải tạo tại đây đã trở thành đồng đội của bộ đội
cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Hưng và anh Tuấn là hai trong số
những người đó.
Ông Tuấn kể: “Trong đêm chúng tôi nghe
tiếng pháo nổ ở Chóp Chài vọng tới rồi hôm sau xe tăng Trung Quốc ào ạt
tấn công vào Lạng Sơn. Trại cải tạo cũng bị tấn công, anh em bảo vệ hy
sinh rất nhiều. Chúng tôi nói với người chì huy, hãy tin chúng tôi, cho
chúng tôi cầm súng chiến đấu bên cạnh anh em bộ đội. Trong giờ phút ấy,
chúng tôi quên hết quá khứ, quên hết mặc cảm, chỉ nghĩ mình là người
Việt Nam, phải đoàn kết lại chống quân xâm lươc Trung Quốc. Lòng căm thù
bộng trào lên trong lòng. Cùng với lòng căm thù, và lòng tự hào, kiêu
hãnh tưởng như đã bị vùi lấp trong những năm qua bỗng trỗi dậy. Người
lính điều khiền cự ly pháo hy sinh anh Hưng thay thế vị trí anh ấy, tôi
tiếp đạn. Khi bọn Trung Quốc sáp dzô chúng tôi bắn Ak, loại vũ khí trước
đó anh em bộ đội mới hướng dẫn cho chúng tôi…Anh Hưng theo đơn vị pháo
và mấy ngày sau tử trận ở khu vực sông Kỳ Cùng chân dãy núi Mẫu Sơn” .
Ông Tuấn còn giữ được mảnh giấy viết tay
như sau: “ Tôi Nguyễn Đức Minh đại đội phó đại đội 1 tiều đoàn 3 Trung
đoàn 12 ghi nhận anh Lê Hưng và Vũ Trần Tuấn đã tham gia chiến đấu với
đơn vị, anh Lê Hưng đã tử trận ngày 28-2-1979 tại mặt trận Lạng Sơn”.
Tôi cùng chị Ba Ninh ra Hà Nội và ngược
đường lên Lạng Sơn. Tìm vào Trung đoàn 12 , được tin đại đội phó Nguyễn
Đức Minh đã hy sinh mấy ngày sau ông Lê Hưng. Những người chỉ huy mới
của Trung đoàn hiện nay không biết sự kiện sảy ra ba mươi năm trước,
chính họ cũng đang day dứt vì hàng trăm liệt sỹ cùa đơn vị bây giờ vẫn
nằm rải rác đâu đó quanh dãy núi Mẫu Sơn, Chóp Chài, Lộc Bình hoặc
những nơi Trung Quốc còn chiếm đóng.
Dù biết là vô vọng, tôi vẫn chiều theo
chị Ba Ninh, đi hết nghĩa trang này tới nghĩa trang khác. Tới nghĩa
trang nào chị cũng bày hoa trái trước đài Tổ Quốc Ghi Công khấn vái rồi
đi thắp nhang từng ngôi mộ liệt sỹ. Chị dán mắt vào từng hàng tên liệt
sỹ, và đứng thẫn trước những tấm bia ghi liệt sỹ vô danh.
Từ Lạng Sơn chúng tôi lên Cao Bằng, Hà
Giang. Hết ngày này qua ngày khác, rồi lại quay về Lạng Sơn. Hết nghĩa
trang liệt Sỹ đến nghĩa trang nhân dân.
Một buổi chiều chúng tôi đến một nghỉa
trang trên bờ sông Kỳ Cùng. Nghĩa trang nhỏ, thưa thớt vài chục nấm mộ ,
hầu hết không có bia, đã xác xơ, tàn phế theo thời gian. Nghiã trang
nhìn xuống dòng sông Kỳ Cùng, phía bên kia lả vùng đất Việt Nam hiện
còn đang bị Trung Quốc lấm chiếm, nhấp nhóa những lá cờ đỏ chót như máu
tươi trên những mái nhà lô xô như đồn bốt.
Chúng tôi lần mò tìm kiếm trong vô vọng ,
bên này sông và chảy máu mắt nhìn qua bên kia sông. Ngày xưa ông cha ta
đã dặn con cháu đừng bao giờ để mất một tấc đất của tổ tiên vậy mả bây
giờ ta để mất. Những chừ đề trên ải Mục Nam Quan làm cho giặc phương Bắc
kinh hồn giờ đâu rồi?
Tôi tự hỏi, không ai trả lời mà chỉ nghe tiếng gió.
Gió! Gió hất ngược từ lòng sông Kỳ Cùng
lên, ào ào tràn vào cái nghĩa trang hoang vắng, hất tung những bụi cỏ
cuối thu xác xơ. Gió lùa vào những hốc mộ hoang rít lên tiếng kêu hu hu
như tiếng khóc.
Chị Ba Ninh ngồi lặng câm bên ngôi mộ vô
danh, không có mộ bia, chỉ có một tảng đá tự nhiên như một người đàn
ông đứng vươn ngực ra phía dòng sông. Hôm nay người quắt lại sau gần
một tháng trời bươn bà tìm hài cốt chồng, không đạt được ước nguyện. Chi
lấy kéo cắt từng lọn tóc của mính thả xuống dưới chân tảng đá hình
người đàn ông. Chị cắt hết mái tóc đã bạc qua những năm tháng đớn đau
cùng số phận của dân tộc!
Gió! Gió từ lòng sông Kỳ Cùng cuồn cuộn
tràn vào, cuốn mái tóc của người đàn bà thủy chung và khốn khổ lên vách
núi, rồi hất ngược ra, dội lên thành tiếng thét gào! Chị Ba Ninh bấu
chặt tay vào tảng đá, gương mặt chị không vui, không buồn, như hóa đá
giữa hoàng hôn!
M.D
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2012/12/26/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-dan-ba-hoa-da/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001