Published on December 30, 2012
Kình
Vậy là đã non một tháng kể từ cái ngày 12 tháng 12 – thời điểm BÊN THẮNG CUỘC chính thức phát hành. Tác giả cuốn sách – nhà báo Huy Đức – đã nhận được không ít hồi âm trái chiều nhau, người tán dương nhiều mà kẻ ném đá cũng không ít. Thế nhưng, phải chăng đã tới lúc nhận diện toàn cảnh sự kiện này ?
Không như nhiều người lầm tưởng, BÊN THẮNG CUỘC không phải hồi ký mà là một cuốn sách phản tỉnh lịch sử – xã hội, tác giả của nó không hề trải qua hoặc tận mắt chứng kiến những sự kiện xảy ra từ thời điểm 30 tháng 4 năm 1975 đến nay mà phản ánh lại hồi ức của các nhân vật từng tham dự hay ít nhiều có liên quan. Mặc dù ra đời ở một thời khắc đặc biệt – 12 tháng 12 năm 2012 – và cách phát hành cũng khác lạ so với truyền thống xuất bản Việt Nam – ebook mạng Amazon, nhưng BÊN THẮNG CUỘC đề cập đến những vấn đề không mới trong mối quan tâm của cộng đồng Việt Nam – kẻ biết thì nhiều mà người hiểu thì ít. Nếu coi BÊN THẮNG CUỘC như một hồi ký, thì nó nằm trong xu thế chung của dư luận đọc sách Việt Nam. Kể từ đầu thập niên 1990, khi xã hội Việt Nam chuyển hẳn từ cơ chế khép kín sang cởi mở, thì con người có nhiều cơ hội tiếp xúc với các trào lưu văn hóa – xã hội toàn cầu, do đó mà kích thích nhu cầu phản tỉnh ; sự phản tỉnh bao gồm việc xem xét lại những vấn đề thuộc về quá khứ và nhận diện lại đời sống hiện tại.
Giai đoạn thập niên 1990, khi Internet còn chưa phổ biến tại Việt Nam và truyền thông đại chúng nằm trong tay Nhà nước, thì những vấn đề có xu hướng đối lập với quan điểm của người đương quyền (“Đảng và Nhà nước”) được truyền tay lén lút thông qua những tập giấy photocopy nhòe nhoẹt hoặc sách báo đem từ nước ngoài về. Cho đến khoảng đầu thế kỷ này, cùng với sức tăng trưởng nhanh nhạy của nền kinh tế thì công nghệ thông tin cũng được thỏa sức vẫy vùng, bất chấp lạm phát và vật giá tăng chóng mặt thì các thiết bị điện tử – vi tính lại mỗi lúc một rẻ, điều kiện tuyệt vời đó tạo ra sự chắp cánh cho nhu cầu phản tỉnh xã hội mà hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam đang vò đầu bứt tai để ngăn chặn. Bắt đầu từ những hồi ký của nhà báo lão thành Bùi Tín (Hoa xuyên tuyết – 1991, Mặt thật – 1993) cho đến Đêm giữa ban ngày (1997) của Vũ Thư Hiên, Đi tìm cái Tôi đã mất (2006) của Nguyễn Khải rồi sự kiện tái bản cuốn Giọt nước trong biển cả (1987) của chính trị gia Hoàng Văn Hoan, dư luận hải ngoại đã quá quen với việc, bộ mặt vừa ngây thơ vừa uy dũng của Đảng Cộng sản Việt Nam bị chính những người “nằm trong chăn” vạch trần ; bởi trước nay họ chỉ quen với những tập hồi ký, trước tác văn học của chính cộng đồng mình – tức là cái nhìn của những người không thuộc bộ máy lãnh đạo Đảng Cộng sản. Còn trong nước, mọi sự dù sốc nhưng cũng chỉ lưu truyền trong giới trí thức, dư luận đại đa số là bán tín bán nghi.
Nhưng kể từ năm 2008, tập hồi ký của giáo sư văn học Nguyễn Đăng Mạnh được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành rồi bị giới kiểm duyệt xử phạt, công nhiên xóa sổ khỏi hệ thống phát hành sách ; cuốn sách được đăng tải trên Internet và gây nên “cơn sóng thần” dư luận chưa từng có. Tại hải ngoại, người ta tán dương nhiệt liệt vì một học giả con cưng của chế độ mà chửi chế độ… như hát hay, chửi đã quá, sướng… mắt quá ; ở trong nước, cư dân mạng xôn xao bàn tán, họ không phủ nhận rằng nó là cú sốc trong cảm quan nhận biết chính trị – xã hội của mình. Nhưng các học giả thì ung dung hơn, nhiều nhân vật có uy tín trong nước nói toạc móng heo : “Chẳng có gì mới, những điều này đã được các sách báo trước đây nói cả rồi !”. Được hơn một năm thì hiệu ứng dư luận lịm tắt.
Đến năm 2009, dư luận trong nước lại lần thứ nhì nổi sóng khi cuốn Hồi ký của một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Hoa Kỳ) ấn hành. Lần này, không còn trạng thái sốc vì sự thật quá đắng nữa, mà cộng đồng đã đón nhận những miếng đắng với ham muốn được tìm hiểu… rộng hơn, sâu hơn và cũng… sốc hơn. Tập sách ra đời như một ly trà chanh mát lạnh giữa trưa hè oi ả vậy ! Nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn, cả dư luận trong và ngoài nước xôn xao rồi im lìm.
Khoảng tháng 4 năm 2011, cuốn sách Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng ra mắt trên website e-ThongLuan và được ấn hành nửa công khai tại Việt Nam, dư luận trong và ngoài nước đã đón nhận với tinh thần điềm tĩnh hơn, hào hứng hơn. Sự rộng lượng của dư luận cũng tương quan với những vấn đề được đề cập trong cuốn sách – nó được xây dựng trên thiện ý “cách nhìn mới về những vấn đề không mới”. Có thể xem Tổ quốc ăn năn là tập sách phản tỉnh lịch sử – văn hóa quý báu cho những ai bấy lâu thờ ơ với đại cuộc quốc gia, tuy nhiên, càng về sau càng có sự phân rẽ dư luận trong việc tiếp thu nội dung Tổ quốc ăn năn. Nhìn chung, ít nhiều cộng đồng cũng đồng cảm với những trăn trở của người viết, song làn sóng dư luận trong khoảng một năm qua đã không phản ánh được giá trị thực của cuốn sách.
Và bây giờ thì BÊN THẮNG CUỘC ra lò, giữa lúc nền chính trị – xã hội Việt Nam bấn loạn vì những dấu hiệu tan vỡ của một hình thái kinh tế… chẳng giống ất giáp nào cùng nguy cơ rơi vào biển lửa giữa hai thái cực kẻ lạm quyền muốn củng cố uy quyền và người khai phóng sơn hà đang bế tắc vì đường lối đấu tranh. Nhưng, phải chăng BÊN THẮNG CUỘC là… “người cuối cùng của bộ lạc Mohican” ?
Trong các xã hội có ít nhiều những tính cách của nền văn minh, đọc sách là một nhu cầu thiết yếu, nhưng để nhận diện trạng thái xã hội đó thì cần biết người đọc là ai và họ thường đọc loại sách nào. Tại nhiều quốc gia phát triển (chỉ số HDI, mức sống, văn hóa – giáo dục và an ninh cao) thì độc giả thường ở lứa tuổi mới lớn hoặc độ tuổi lao động, thị hiếu thường là các loại văn hóa phẩm có tính chất giải trí và học thuật – tất cả đều có ích cho công việc, học tập. Còn tại một số quốc gia sùng đạo, đối tượng đọc sách là người ái mộ tôn giáo, họ yêu thích việc đọc các loại sách có liên hệ với niềm tin của mình. Nhưng riêng tại Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, xu hướng của con người là tìm đọc các loại sách có tính chất tự thuật, mang tính cách tư liệu (hồi ký, tùy bút, sách tâm hồn…), đối tượng độc giả khá tạp nham, nhưng chủ yếu là tầng lớp bình dân và một lượng đáng kể trí thức. Họ không đòi hỏi những bìa sách đẹp, giá cả phải chăng và nội dung ly kỳ, ấn tượng ; vậy họ đọc sách để làm gì ?
Đặc điểm của loại sách tự thuật là nội dung thuộc về trải nghiệm, cảm quan riêng tư của tác giả chứ không chắc phản ánh hầu hết những gì diễn ra trong đời sống. Nhưng bằng góc nhìn riêng, với những khía cạnh khu biệt được đề cập, thì độc giả dựa vào đó để lý giải đời sống có chiều sâu hơn. Chúng ta cũng thấy rằng, xã hội Việt Nam giống như một guồng xoay chóng mặt, con người bị cuốn vào đó với mọi hỉ-nộ-ái-ố xoay quanh chỉ một thứ : Lợi nhuận, đồng tiền ngự trị tâm hồn và chi phối mọi hành vi ứng xử của con người ; bên cạnh đó, mọi lĩnh vực đời sống bị chính trị hóa một cách công khai, tàn nhẫn. Sống trong xã hội như thế, con người bị che mắt bởi lớp lớp sương lúc mờ lúc tỏ, họ tìm đến những thú vui đời thường (xem phim, đọc sách, chơi thể thao…) vừa để giải trí vừa muốn được sống thật với chính mình. Thực tế, đối tượng độc giả của những hồi ký gây xôn xao dư luận nhiều năm qua, đa phần đều đọc sách như một cách giải tỏa tâm lý, nó giống ý nghĩa tên gọi một cuốn sách của Spencer Johnson – Phút nhìn lại mình.
Sách tự thuật là thứ văn hóa phẩm được ấn hành công phu nhất tại Việt Nam, luôn đứng đầu bảng những loại sách được chọn mua. Nguyên cớ đã quá rõ ràng, trong một xã hội bị chính trị độc đoán kiểm soát tới tận răng, đời sống luôn căng thẳng, bế tắc vì những “thanh gươm Damokles” mang tên “tế nhị, nhạy cảm, cấm chỉ, bí mật…” chực chờ rơi xuống thì nhu cầu con người luôn có xu hướng xích lại những ý kiến phản biện, có tính cách trái ngược chủ kiến của người cầm quyền. Đó chẳng phải tất yếu khó cưỡng ư ? Người Việt Nam đọc hồi ký để tìm kiếm sự thật đời sống, tìm kiếm cái bản Ngã của mình, chứ không phải đọc để hiểu tác giả của nó là ai, vận dụng lối thi pháp gì và viết để làm gì.
Thế nhưng, trước khi ra mắt BÊN THẮNG CUỘC, tin chắc rằng nhà báo Huy Đức đã sắp sẵn tinh thần để nhận hỉ-nộ-ái-ố từ những công chúng hết sức đặt biệt của mình – những con người thuộc về lịch sử. Hoa cũng nhiều mà cà chua, trứng thối, mắm tôm… không ít đâu. Đơn giản vì, Huy Đức đã chạm tới bức thành trì định kiến của cộng đồng người Việt Nam từng tham dự những sự kiện đau thương trong quá khứ. Ôi, cái quá khứ đẫm máu và nước mắt của nước Việt Nam thân yêu ! Cuốn sách này là cây kích để Huy Đức (lúc này đã đóng vai trò của Don Quixote) lao thẳng vào “cối xay gió” định kiến cố hữu và những người tôn trọng cũng như ủng hộ ông thì chỉ có thể làm bác Sancho thật thà, vui tính mà thôi.
Đã tới lúc rút ra mấy nhận định về sự kiện BÊN THẮNG CUỘC :
◆ Đối với dư luận trong nước nói chung, những vấn đề được đề cập trong cuốn sách này không mới, thậm chí một số đã tỏ ra vô hiệu ứng với tiến trình lịch sử – xã hội. Sức lan tỏa của BÊN THẮNG CUỘC chỉ tùy thuộc vào khoảng thời gian tập 1 ra mắt cho đến khi tập 2 được xuất bản và không lâu sau đó. Tức là, BÊN THẮNG CUỘC khó có tác động đáng kể đối với dòng chảy xã hội cũng như nhu cầu phản biện trong dư luận.
◆ Đối với dư luận hải ngoại, BÊN THẮNG CUỘC gây ra những tranh cãi trái chiều gay gắt, nếu không nói rằng cuốn sách này làm chia rẽ dư luận hải ngoại xung quanh vấn đề chính danh của Việt Nam Cộng hòa và tội lỗi của Đảng Cộng sản đối với đồng bào miền Nam. Dư luận hải ngoại trong những ngày này đang rất xôn xao, nhìn chung tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng tác giả cuốn sách không khách quan như tuyên bố, lại có vẻ “bợ đỡ” chính thể trong nước và nhục mạ những người có liên hệ với Việt Nam Cộng hòa.
Về nội dung cuốn sách, có thể thấy :
■ Huy Đức xây dựng cuốn sách bằng sự tổng hợp những quan điểm trái chiều về một sự kiện cụ thể chứ bản thân ông ít tự đánh giá.
■ Trên nguyên tắc tôn trọng tất cả các vấn đề – sự kiện – nhân vật, người viết không hàm ý biểu dương bên này và chê bôi bên nào.
■ Các sự kiện được sắp xếp gần với trình tự thời gian từ 1975 đến hiện nay, bên cạnh đó, tác giả cuốn sách cũng không bỏ qua những sự kiện là tiền đề cho sự kiện được đề cập. Tất cả các đối tượng đều có lịch sử, vai trò của riêng mình.
Nhưng, vấn đề tiếp nhận BÊN THẮNG CUỘC đã cho những tín hiệu sau :
▄▄▄ Đa phần người Việt Nam chúng ta đón nhận những ý kiến phản biện bằng sự suồng sã của con vẹt và thói hách dịch của kẻ bề trên. Nó là biểu hiện cho sự cùm trói tư duy, không chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác chủ kiến của mình và chỉ gìn giữ những định kiến mà không cần liên hệ với giá trị hiện thời – tự coi tầm hiểu biết của mình là chân lý bất biến.
▄▄▄ BÊN THẮNG CUỘC không những gây sửng sốt cộng đồng hải ngoại mà còn cho thấy, sự thiển cận đáng ngạc nhiên trong cộng đồng hải ngoại khi nhận diện tình hình đất nước. Nhiều ý kiến tại hải ngoại cho rằng, Huy Đức viết sách với lời lẽ của giới tuyên giáo cộng sản và “chỉ nói một nửa sự thật” ; cũng không hiểu cái “sự thật” trong cảm quan của họ là gì, nhưng dường như họ muốn buộc Huy Đức phải thừa nhận rằng : Chủ nghĩa cộng sản là quái thai lịch sử và Đảng Cộng sản giống như bầy quỷ dữ, xã hội Việt Nam chịu sự cai trị hà khắc của Đảng Cộng sản nên thành bại hoại, tối đen… Tức là, họ cho rằng, mọi thảm kịch cũng như thực trạng Việt Nam hiện tại đều có nguồn cơn là Đảng Cộng sản – với tư cách kẻ tội đồ bán nước hại dân.
▄▄▄ Rất có thể, sau BÊN THẮNG CUỘC sẽ không còn cuốn sách phản tỉnh nào tạo được làn sóng dư luận nữa. Bởi vì những “thâm cung bí sử” của Đảng Cộng sản đã được bạch hóa và phân tích nhiều, bên cạnh đó, trong cộng đồng không tìm ra sự đồng thuận trong việc khắc phục thảm trạng đổ vỡ chính thể và kiến thiết quốc gia mới hòa hợp – phát triển, cho nên sự ì trệ đã len lỏi vào phong trào đấu tranh nhân quyền – dân chủ và gây ra sự bế tắc, ăn xổi ở thì. Con người chỉ muốn cầu an hoặc hành động một cách chiếu lệ, miễn sao không gây mếch lòng nhà cầm quyền, vì thế, những cuốn sách phản tỉnh tuy có thể làm biến cải tư duy nhưng không tạo ra được những đổi mới trong cuộc vận động vì tương lai tốt đẹp của đất nước.
Vậy mới lo rằng, BÊN THẮNG CUỘC là “người Mohican cuối cùng”, một dấu chấm hết đậm đà cho phong trào dân chủ – nhân quyền chăng ?
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001