Cổ Ngư
Trước khi việc chăn nuôi được công nghiệp hóa, từ đông sang tây, gà và vịt luôn chiếm địa vị chúa tể trong sân gia cầm. Bên cạnh bọn gà tây, gà sao, ngan, ngỗng, bồ câu… mờ nhạt, hình ảnh chàng gà trống oai phong lẫm liệt, mẹ gà cần cù và bầy con lông vàng ươm như tơ chiêm chiếp quẩn quanh, hay mấy mợ vịt xếp hàng một ồn ào như chợ vỡ tiến thẳng ra ao… vẫn là những hình ảnh khó quên, đã in đậm dấu trong trí nhớ con người từ thời thơ ấu, trong truyền thuyết, trong cả văn chương bình dân lẫn văn chương bác học. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi thấy gà vịt xuất hiện đầy dẫy trong truyện tranh và phim hoạt họa, với đầy đủ các tính khí của loài vật, lại được nhân cách hóa cho thêm phần gần gũi với những cô cậu bé con loài người. Vậy thì, nào, mời tất cả cùng ghé thăm sân gia cầm. Viếng ổ gà trước, thăm chuồng vịt sau!
Con gà cục tác lá chanh…
Trước khi trở thành món thịt luộc vàng lựng hay miếng McNuggets bao bột thơm ngậy, con gà phải chui ra từ quả trứng. Ðến đây, nhiều người lại nghĩ ngay về câu hỏi triết học nổi tiếng: Con gà có trước quả trứng hay quả trứng có trước con gà? Không biết có phải vì muốn trả lời cho câu hỏi trên, mà hai anh em Nino và Toni Pagot đã cùng với Ignacio Colnaghi tạo ra chú gà đen Calimero với chiếc mũ không rời đầu, chính là một nửa vỏ trứng trắng. Xuất hiện lần đầu tiên năm 1963, trong mục quảng cáo cho hiệu bột giặt Ava của Ý, đến thập niên 70 của thế kỷ 20, chú gà con Calimero nhảy thẳng từ truyện tranh sang phim hoạt họa và chiếm được lòng thương yêu của trẻ con Ý và Pháp. Các bộ phim ngắn được tiếp tục sản xuất cho đến tận năm 1995, thuật lại những cuộc phiêu lưu của Calimero cùng các bạn là hoàng anh Priscilla và cô vịt cận Valeriano. Ngoài Calimero, ở Âu châu, ít ai biết đến Kieku và Kaiku, hai chú gà Phần Lan (Asmo Alho vẽ và Mika Waltari viết kịch bản) dù tuổi thọ của cặp gà này cũng khá đáng kể (1932-1975). Ở Pháp, mặc dù con gà gô-loa thường được xem là biểu tượng quốc gia, nhưng hình như không có một họa sĩ truyện tranh hay phim hoạt họa nào lưu ý đến điều này cả. Tìm mãi, mới thấy trong đám gia súc, gia cầm của anh em Sylvain, Sylveste (họa sĩ J.L.Pesch & Maurice Cuvillier) cô gà mái Poulette. Phải chờ đến tận năm 2000, họ nhà gà mới đến giờ đăng quang trong bộ phim «Chicken run – Gà chẩu.» Aardman Studio của hai tác giả Anh Peter Lord, Nick Park đã hợp tác với hãng Dreamworks của đạo diễn Spielberg (Hoa Kỳ) để cùng dựng bộ phim hài hước này. Các nhân vật không thoát thai từ nét chì ngọn cọ mà đều được làm bằng bột nặn (pâte à modeler): chàng gà cồ Mẽo – tài tử xiếc Rocky Rod, nàng mái tơ Ginger, lão gà cụ Poulard từng có mặt trong phi đội hoàng gia Royal Air Force, mợ mái dầu Bernadette, cô gà ù thơ ngây Babette, chị gà kỹ sư Macbec, vợ chồng chủ trại Tweedy, chuột Nick và Pat… Nàng Ginger, với sự tiếp tay bất đắc dĩ của Rocky, tìm đủ mọi cách để đưa đàn gà thoát khỏi sự tàn sát của vợ chồng chủ trại Tweedy, đã nhiều dịp gây cho khán giả những trận cười thoải mái. Cũng nói thêm một chút, chàng Rocky đã được tài tử gạo cội Mel Gibson lồng giọng trong nguyên bản tiếng Anh và ngôi sao Gérard Depardieu cho mượn tiếng trong bản Pháp ngữ, đủ cho thấy cái «oai» của anh gà trống này.
Ở bên kia bờ Ðại Tây Dương, hình như con gà được các họa sĩ phim hoạt họa chú ý nhiều hơn so với cựu lục địa, bằng chứng là anh trống trắng Charlie, từ lâu đã là một trong những ngôi sao của vòm trời Looney Tunes-Warner Bros. Bên cạnh Charlie lúc nào cũng dương dương tự đắc như… gà trống, còn có mợ Prissy tình luỵ, chú gà con mọt sách Egghead Jr. và một lô một lốc kẻ thù cuả Charlie: vịt đen Daffy, chó Barnyard Dawg, mèo Sylvestre, diều hâu con Henry… Tất cả, dưới nét bút của Chuck Jones & Robert McKimson, đã tạo nên những bộ phim ngắn có phong thái đặc biệt, khác hẳn các bộ phim của hãng Disney. Trong hàng trăm nhân vật hoạt họa do nhóm Looney Tunes tác tạo (các họa sĩ Friz Freleng, Chuck Jones, Bob Clampett, Robert McKimson, Tex Avery…), có thể kể thêm chú trống choai Rattled Rooster, khá mờ nhạt so với Charlie. Họa sĩ Tex Avery, trong khi đầu quân cho hãng Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) đã trình làng bộ phim ngắn «Chú gà quê» (1936). Ba nhân vật chính: gà rù Lem, gà mái nhẹ dạ Daisy, gà ô Charles với đủ mánh khóe để loè mắt gái tơ, đã đưa khán giả đến những bất ngờ lý thú của cuộc tình một nàng hai chàng. Ngoài ra, năm 1990, mười năm trước khi bộ phim «Chicken run» ra mắt khán giả, hoạ sĩ Don Bluth, tác giả của các bộ phim hoạt họa nổi tiếng «Chuột Fievel ở vùng viễn tây,» «Công chúa Anastasia» và «Ðất tiền sử» đã tung ra thị trường bộ phim vẽ «Rock-O-Rico / Rock-A-Double» với nhân vật chính là chàng gà-ca sĩ nhạc rock Chanteclerc. Ở Pháp, Chanteclerc được ca sĩ nổi tiếng Eddy Mitchell lồng tiếng. Bộ phim, tuy vậy, lại không được sự chú ý đặc biệt của cả người lớn lẫn trẻ em. Cũng cần nhắc đến ở đây, Chanteclerc còn là tên một bộ phim mà hãng Disney dự định sản xuất, dựa theo một truyện ngụ ngôn của Âu châu. Tuy nhiên, dự án này, vì nhiều lý do, đã không thể thực hiện được. Cũng vì lẽ đó, mà cho đến nay, hãng Disney vẫn chưa có một «siêu sao gà» nào cả! Nhìn vào các bộ phim hoạt họa dài ngắn của hãng Disney, người ta cũng thấy gà xuất hiện đây đó, khi mờ khi tỏ. Sớm nhất, có lẽ là gà mẹ và đàn con trong phim «Mẹ gà khôn ngoan» (1934). Ðây là một phim luân lý, đúng với tinh thần của câu tục ngữ Việt Nam « tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.» Mẹ gà và đàn con chăm chỉ, trồng bắp để ăn, trong khi hai anh hàng xóm lười biếng, ham chơi, heo Peter và vịt Donald, lúc nào cũng chỉ chực chờ để xin được ăn món bắp luộc thơm phức. Oái oăm thay, sau khi bộ phim ra đời, mẹ gà, bầy con và cả heo Peter không gây được nhiều ấn tượng nơi người xem và chìm vào quên lãng, trong khi Donald dần dần nổi tiếng, trở thành «siêu sao» và leo lên vị trí thứ hai của các VIP trong hãng Disney, chỉ thua có mỗi chú chuột Mickey mà thôi! Năm 1934, Walt Disney cũng tạo ra nàng gà-ca sĩ opéra Clara (phim «Giúp trẻ mồ côi») với thân hình đồ sộ cuả các diva và chiếc mũ to đùng trên đầu. Sau đó, Clara còn có dịp xuất hiện trên sân khấu, hát song ca với Donald, đánh bạn với bò cái Clarabelle, cô vịt Daisy hoặc nàng chuột Minnie trong một số phim ngắn hoặc truyện tranh. Nhưng, kém may mắn hơn các bạn cùng trang lứa, Clara được ít người nhắc đến, dù cho đến tận những năm gần đây, vẫn thấp thoáng có mặt trong các bộ phim «Bài hát mừng Giáng Sinh cuả Mickey» (1983, dựa theo truyện cuả Charles Dickens) hoặc «Ai muốn bắt chú thỏ Roger?» (1988). Ngoài ra, những cuộc tình tay ba hay cuộc bể dâu trong sân gà vịt cũng đã được hãng Disney đưa lên màn ảnh trong hai bộ phim ngắn «Cock o’ the Walk» (1935) và «Chú gà giò» (1943). Bộ phim đầu kể về chuyện chàng gà ô Cock o’ the Walk, vô địch thế giới về môn quyền anh, vênh vang áo gấm về làng. Nàng gà trắng Prunella, trong một phút yếu lòng, đã quên bạn tình là anh gà mờ Hick Rooster để ngả vào vòng tay người hùng Cock. Thế là có thượng võ đài. Chẳng may cho chàng gà macho, tình yêu gọi sức mạnh, anh lẻo khoẻo Hick Rooster hạ knock-out ngay đối thủ, giành lại được trái tim nàng Prunella, lại lời thêm chức vô địch quyền anh nữa ! Bộ phim thứ nhì dựa theo một câu truyện phổ thông của Mỹ, với nhân vật chính là chú gà giò ngốc nghếch suốt ngày chỉ biết chơi yo-yo, giữa một sân gia cầm nhộn nhịp, yên vui. Ở đó có ngài trống đỏ Cocky Locky, bà mái nạ dòng Henny Penny, nhóm gà tây trưởng giả, đứng đầu là Turkey Lurkey, hai chàng lưu linh: Vịt Ducky Lucky và ngỗng Goosey Poosey... Cả bọn không biết con cáo quỷ quyệt Foxy Loxey đang đứng ngoài nhỏ dãi thèm thuồng, bày mưu tính kế. Sau đó, xôn xao vì tin đồn thổi do cáo già tung ra, địa vị ngài trống đỏ trong sân gà vịt bị lung lay. Lợi dụng tình thế, thêm lời xúi dại của cáo Foxy Loxey, gà giò khờ khạo đứng lên làm cách mạng, đòi giữ vị trí lãnh đạo. Cuối cùng, vị lãnh đạo mới này đã lùa tất cả vào hang cáo để ẩn nấp, vì chắc mẩm: Trời sắp sập đến nơi! Kết cuộc thế nào, ai cũng có thể đoán được! Một bộ phim ngắn khác: «Hiền mẫu Pluto» (1936) kể câu chuyện về chú chó Pluto, vì vô tình, lọt vào ổ gà đúng lúc gà mái đi vắng, đàn con lại vừa chui ra khỏi vỏ. Gà con, cũng như những loài chim khác, nhận động vật đầu tiên mà nó trông thấy làm… mẹ ! Thế là chú chàng Pluto đành tíu tít với bổn phận mới, nhưng, làm ơn mắc oán, Pluto bị gà trống gà mái đả thương tơi bời để giành lại con, đành lủi thủi nhủi về chuồng. May thay, đàn gà con có nghĩa, cuối cùng cũng tìm được đến với «mẹ chó» Pluto ! Năm 1945, trong bộ phim dài «Ba chàng du ca,» bên cạnh vịt trắng Donald, còn có thêm chàng gà đỏ cao bồi Panchito và anh két xanh đỏm dáng Jose Carioca. Cả ba đưa dẫn khán giả đến thăm viếng những vùng đất và tập tục của châu Mỹ La-tinh. Ngoài sự kết hợp giữa người thật và các nhân vật hoạt họa (toon), cùng nhau nhảy muá theo điệu salsa, bộ phim còn muốn nói lên tinh thần đoàn kết giữa ba vùng Bắc-Trung-Nam Mỹ, thể hiện qua tình thân của Donald, Panchito và Jose Carioca. Sau đó, trong gần hai mươi năm, gà biến mất hẳn trong những phim hoạt họa của hãng Disney. Mãi đến 1973, trong phim «Robin, hiệp sĩ rừng xanh,» dựa theo truyền thuyết Anh quốc, bên cạnh những nhân vật chính: cáo Robin, gấu Jean Bé, chó Cha Tuck, sư tử Hoàng tử Jean, sói Cảnh sát trưởng vùng Nottingham, người ta mới thấy sự xuất hiện trở lại của chàng trống đẹp mã-ca sĩ hát dạo Allan và bà gà Gertrude, nhũ mẫu cuả nàng cáo Marianne-vị hôn thê cuả Robin. Gần đây hơn, trong bộ phim «Nông trại nổi loạn» (2004), có thể là bộ phim hoạt họa cuối cùng cuả hãng Disney thực hiện theo lối cổ điển, gia đình gà lại có dịp xuất hiện đông đủ, dù chỉ sắm vai «quần chúng.» Tuy nhiên, người ta có thể hy vọng vào sự ra đời cuả một «siêu sao gà» trong bộ phim sắp tới của hãng Disney, dự định trình làng vào dịp Giáng Sinh 2005: «Gà con.» Ngoài các bộ phim không gian ba chiều, dùng hình ảnh tổng hợp (image de synthèse), thực hiện chung với Pixar như: «Truyện đồ chơi» (1996 & 1999), «Ðời sâu bọ / 1001 cái chân» (1998), «Bầy quái» (2002), «Nemo» (2003), «Gia đình siêu nhân» (2004), «Gà con» sẽ là bộ phim vẽ trong không gian ba chiều thứ nhì của hãng Disney, sau «Khủng long» (2000). Wait and see !
Lạch bạch dáng vịt bầu
Trong khi làng gà chỉ đơn cử được vài «ngôi sao» nhàn nhạt, thì xóm vịt hãnh diện trương ngay hai «siêu sao nặng ký»: vịt trắng Donald và vịt đen Daffy.
Như đã giới thiệu ở trên, Donald xuất hiện đầu tiên như một nhân vật phụ trong phim «Mẹ gà khôn ngoan» (1934). Tính đến năm 2004, Donald vừa tròn bảy mươi tuổi. Theo giấy hộ tịch, Donald sinh ngày thứ sáu mười ba, tháng ba, cầm tinh con… vịt. Tính tình nóng nảy, cáu bẳn, lười nhác, vụng về, qua loa, đố kỵ, nhát như cáy nhưng khi lên cơn lại sửng cồ nhảy choi choi quyết ăn thua đủ…, gồm mọi thói hư tật xấu trên đời, chỉ được cái chân thật, Donald, với bộ áo thuỷ thủ trên người, lúc nào cũng túng thiếu và suốt đời chạy quanh tìm việc vặt nuôi thân. Cũng có lẽ vì khá «nhân bản» so với chuột Mickey «gương mẫu kiểu hướng đạo sinh,» nên Donald được rất nhiều khán giả ái mộ. Sinh ra từ nét vẽ của Walt Disney, nhưng Donald thực sự sống động trong các bộ phim ngắn và truyện tranh thực hiện bởi bộ ba Jack King (chủ nhiệm), Jack Hannah (viết kịch bản), Carl Barks (hoạ sĩ), với giọng nói vừa nhanh vừa ù ù cạc cạc rất khó nghe khó hiểu do Clarence Nash lồng tiếng. Nhìn vào danh sách dài dằng dặc những bộ phim của hãng Disney thực hiện và có mặt Donald trong đó, người ta thấy chú vịt này hiện diện ở khắp mọi nơi, trong mọi thời đại, có lúc đại diện cho Hoa Kỳ hợp tấu cùng chàng gà Mễ Panchito và anh két Ba Tây Jose Carioca khắp vùng Trung-Nam Mỹ («Ba chàng du ca,» 1945), có lúc làm gã lính Ðức tôn thờ Hitler như thần tượng («Der Fuehrer’s Face,» phim tuyên truyền chống phát-xít thời Ðệ nhị thế chiến, 1943)… Cùng với chuột Mickey và chó đần Dingo, vịt Donald đã tham dự vào nhiều cuộc phiêu lưu kỳ thú: bắt ma («Những oan hồn cô đơn,» 1937), lau chùi chiếc đồng hồ khổng lồ («Thợ chùi đồng hồ,» 1937), chiếm lại cây đàn huyền diệu từ tay gã khổng lồ Willie («Mickey và hạt đậu thần,» phỏng theo truyện cổ tích Âu châu, 1947), chống lại kẻ định tiếm ngôi vua («Hoàng tử và gã nghèo khó,» phỏng theo truyện của nhà văn Mỹ Mark Twain, 1990). Ðến năm 2004, có lẽ để kỷ niệm sinh nhật bảy mươi tuổi của Donald, lần đầu tiên bộ tam sên này có mặt trong một cuốn phim dài hơn sáu mươi phút: «Ba chàng ngự lâm pháo thủ,» dựa theo câu truyện kiếm hiệp của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (cha). Bộ phim quy tụ hầu hết các «tài tử gạo cội» cuả hãng Disney: cặp chuột Mickey-Minnie, cặp vịt Donald-Daisy, chó đần Dingo, bò cái Clarabelle, chó Pluto, cũng như sói Pat Hibulaire và anh em bọn trộm Rapetou trong các vai phản diện… Chỉ nhìn riêng tiểu sử của Donald, cũng đã có nhiều điều để nói, cũng đủ dựng hẳn một cái chợ vịt, nhưng không, các hoạ sĩ của hãng Disney còn muốn làm hơn thế nữa, họ đã tạo cho Donald một gia đình thật đông đúc. Nếu lấy Donald làm nhân vật trung tâm, sẽ tìm thấy ở thế hệ trên: bà mẹ nuôi hiền từ, quán xuyến của Donald, quen sống đời thôn trang; ông chú giàu sụ nhưng keo kiệt khó ai bì Picsou (còn mang tên Scrooge, lão hà tiện nổi tiếng trong truyện «Bài hát Giáng Sinh» cuả Charles Dickens); một ông chú khác, Ludwig von Drake, bác học nổi tiếng… gàn. Ngang lứa với Donald có vịt đẹp-ý trung… áp Daisy ; em họ Gontran suốt đời gặp may, đồng thời cũng là tình địch của Donald; anh họ Gus, tham ăn tục uống, phụ việc ở nông trại cho mẹ Donald ; thêm một anh họ nữa, Popop, lúc nào cũng như từ cung trăng rơi xuống, hippie, yêu đời, chỉ mỗi tội vụng về, còn hơn cả Donald một bực! Thế hệ sau Donald có anh em sinh ba: vịt con Riri, Fifi, Loulou, lúc nghịch như quỷ, khi ngoan hơn thiên thần. Rộng ra hơn trong mớ liên hệ dây mơ rễ má, xóm giềng làng nước, người ta còn thấy Daisy cũng có ba cô cháu gái: Lily, Lulu, Zizi ; ông chú Picsou thì có bao nhiêu kẻ thù, từ những bậc đại phú giàu nứt đố đổ vách như Gripsou, Flairsou, qua cô vịt phù thuỷ áo đen Tick, đến anh em nhà trộm Rapetou. Hàng xóm của Donald còn có anh chim Géo với những phát minh đủ loại, trên vai lúc nào cũng có chú người máy tí hon Filament đeo dính… Ngoài Donald và Thành phố Vịt, hãng Disney còn có hai chàng thích chén chú chén anh: Vịt Ducky Lucky và ngỗng Goosey Poosey («Chú gà giò,» 1943), cô vịt xanh đội mũ nồi Sonia suýt toi mạng trong hàm răng sói dữ (« Peter và con sói,» 1946, dựa theo nhạc khúc của nhà soạn nhạc Nga Sergei Prokofiev), chị em nhà ngỗng Amélie và Amélia với dáng đi đủng đỉnh của các bà mệnh phụ, lặn lội từ Anh quốc sang tận Paris thăm ông chú say xỉn Waldo («Những nhà quý tộc mèo,» 1970). Nhưng nổi tiếng nhất, với giải Academy Award 1939 dành cho phim hoạt họa ngắn, là chú vịt con xấu xí trong bộ phim cùng tên, phỏng theo truyện của nhà văn Ðan Mạch Hans Anderson. Từ thuở lọt lòng, vịt con xấu xí đã lộc ngộc, ồ ề hơn nhiều so với anh em vịt lụa cùng lứa, nên bị cả gia đình hắt hủi. Lang thang mãi, cuối cùng vịt con mới tìm được gia đình đích thực cuả mình: đàn chim vương giả thiên nga. Trước đó, 1931, Walt Disney cũng đã giới thiệu một version «Vịt con xấu xí» trên phim đen trắng, nhưng không gây được tiếng vang.
Donald, dù rất cà chớn, nhưng lại được tánh tốt bụng, thương người. Chú vịt khùng Daffy đứng cạnh bên, hiện rõ vai phản diện: gian hùng, giảo hoạt, với đủ mưu thần chước quỷ trong đầu để toan tính hại đối thủ. Gầy hơn mắm, đen như củ súng với một khoanh trắng quanh cổ, keo kiết xác, ưa đấu đá hơn thua, kèm tính tự kỷ ám thị bẩm sinh, chú Daffy cảu nhảu càu nhàu lúc nào cũng nghĩ: Tất cả mọi điều vô lý kẻ khác làm đều đổ hết cả lên đầu vịt của mình. Vì vậy, phải hành động, nhiều khi phải ra tay trước đối phương! Nghĩ là làm, vịt Daffy, thỉnh thoảng cùng với tay sai là chú heo nhút nhát có tật nói lắp Porky, tấn công hết gà trống Charlie, đến thỏ xám Bugs Bunny, mèo đen Sylvestre, con quái Taz, người Hỏa tinh Marvin…, có lẽ chỉ đôi chút kiêng dè lão Elmer chuyên nghề… thợ săn! Thường là thất bại ê chề, nhưng Daffy luôn gượng dậy, và quyết tâm nâng mục tiêu lên cao hơn nữa, để tự khuyến khích mình phải đạt tới cho bằng được! Các hoạ sĩ Tex Avery, Fritz Freleng, Bob Clampett và Chuck Jones đã lần lượt đem đến cho nhân vật Daffy những tật thói và tính cách nhân vật ngày một phức tạp, đôi khi rất… tâm thần! Xuất hiện trong hơn 150 phim hoạt hoạ ngắn, đến năm 2003, bên cạnh các tài tử Brendan Fraser, Jenna Elfman, Steve Martin, Timothy Dalton… Daffy cùng với chú thỏ lanh lợi, thông minh Bugs Bunny và vài tài tử toon khác (vàng anh Titi, chó đồng Vil, cướp biển Sam râu đỏ…) có mặt trong bộ phim dài «Giờ hành động của nhóm Looney Tunes.» Bộ phim do Joe Dante, người dựng «Gremlins,» thực hiện, hãng Warner Bros. sản xuất. Ngoài ra, một loạt phim hoạt họa truyền hình chủ đề khoa học giả tưởng với Daffy trong vai chính cũng được trình chiếu trong vài năm gần đây. Cuối cùng, chàng vịt thích chành chọe này cũng đã thỏa chí, trở thành «siêu sao liên hành tinh» !
Ở Pháp, có đại diện là vịt đen Canardo, trong loạt truyện tranh mười lăm quyển (từ 1978 đến 2004, nhà xuất bản Casterman) của họa sĩ Benoit Sokal. Thám tử tư, lù đù trong chiếc áo khoác trắng, cặp mỏ to kềnh che gần hết mặt lúc nào cũng nhép một điếu thuốc lá, mê whisky, tặc lưỡi luôn miệng, Canardo gợi ngay đến hình ảnh nhân vật Columbo. Trong thế giới nửa người nửa thú rất thời sự của Canardo, có đủ án mạng, thanh toán, khủng bố, truy lùng, điều tra, bắt giữ…, với cảnh sát trưởng-thỏ khờ Garenni, mụ cò hung hiểm Clara, nàng chó bắn súng giỏi hơn cao bồi Carmen… Ở đó, chính-tà lẫn lộn, hắc-bạch không phân minh: Canardo đúng là loại truyện tranh dành cho người lớn!
Thay lời kết
Ðược thuần hoá quá lâu, lại thêm tính lười nhác, bất cẩn, vịt nhà Á châu đã quên mất cách làm tổ, ấp trứng. Ðàn vịt cỏ cứ chạy tràn đồng, vừa kiếm ăn, vừa đẻ rơi đẻ vãi. Người đi chăn phải lội ruộng nhặt trứng vịt đem về bỏ vào ổ gà. Vì lẽ đó, ta mới có câu «Mẹ gà, con vịt»: gà mái ấp trứng, nở ra một bầy vịt con. Mẹ cục tác đi đầu, con cạp cạp theo sau, ra đến ao, con nhảy ào xuống nước, tung tăng bơi lội, mẹ nháo nhào chạy quanh trên bờ, cầu cứu: «Mẹ ơi, con vịt chết chìm, hết bơi, hết lội, hết tìm cá tôm!» Gà nhà trên toàn thế giới thì đã quên mất cách bay (trừ đàn gà trong phim «Gà chẩu»), và, với đà công nghiệp hóa trong ngành chăn nuôi hiện nay, những tiểu dị chắt lọc được từ mấy ngàn năm qua, đọng lại ở các giống gà ác, gà tre, gà ri, gà chọi, gà Nhật Bản, gà Hồ, gà Ðông Cảo… sẽ dần nhường chỗ cho các giống «gà Mỹ» ngắn ngày, trứng nhiều, thịt… nhạt thống trị! Và rồi, với máy ấp, chẳng bao lâu nữa, gà nhà cũng sẽ chịu cùng số phận của vịt, quên đi hai trong những hoạt động chính của loài chim: làm tổ và ấp trứng. Khi đó, chắc chắn làng gà xóm vịt sẽ có thêm nhiều «ngôi sao» mới, thay thế cho Calimero, Rocky, Daffy và Donald !
Choisy-le-Roi 09.2004
Tài liệu tham khảo:
1/ Patrick Gaumer & Claude Moliterni – Dictionnaire mondiale de la bande-dessinée
(Larousse 2001)
2/ Plusieurs auteurs – Encyclopédie de la bande-dessinée internationale (Omnibus 2003)
3/ Patrick Brion – Tex Avery (Chêne 1984)
4/ Jerry Beck - Looney Tunes, l’encyclopédie (Semic 2003)
5/ Dave Smith & Steven Clark – Walt Disney, 100 ans de magie (Michel Lafon 2001)
6/ John Grant – Encyclopedia of Walt Disney’s animated characters (Hyperion 1998)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/04/co-ngu-ong-noi-ga-ba-noi-vit.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001