Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Đôi lời với Đức Hiển 

Nguyễn Tuân 
Nhân đọc bài báo “Cổ súy cho “tự xử” là triệt tiêu công lý!” của Đức Hiển, tôi muốn trao đổi lại một số vấn đề dưới đây, nhờ Bọ Lập Quê choa đăng giùm. 

1. Tác giả viết: “Không thể có công lý nếu mọi người bất chấp pháp luật và hành xử theo cách của mình!”. Như ta đã biết, công lý và pháp luật là 02 khái niệm khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ và biện chứng với nhau. Pháp luật (bao gồm cả thực thi pháp luật) phục vụ cho phẩm giá của con người (nền tảng là các quyền tự nhiên của con người), tức là phục vụ cho lẽ phải, cho công bằng thì mới đưa lại công lý và ngược lại công lý sẽ không bao giờ có được nếu pháp luật bất công và không vì phẩm giá con người. 

Do đó, khó có thể nói rằng cứ tuân thủ pháp luật là có công lý và bất chấp pháp luật là xa rời công lý. 

2. Tác giả viết: “Điều gì sẽ xảy ra nếu bất kỳ ai cũng có thể chọn con đường dùng vũ lực, vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế khi cho rằng mình bị chính quyền xử ép? Cổ súy cho điều đó là vô hiệu hóa pháp luật, trật tự xã hội sẽ đảo lộn”

Soi rọi từ lịch sử, ta thấy rằng không có một nhà nước nào tồn tại vĩnh hằng cả. Nếu nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân thì nhà nước ấy đứng vững vì được dân thương yêu, ủng hộ. Ngược lại, nếu nhà nước ấy dùng cường quyền xử ép, hà hiếp, áp bức dân thì tức nước vỡ bờ hay con giun xéo lắm cũng quằn là chuyện tất yếu, cho dù cổ súy hay không cổ súy. Nhìn rộng ra, trong thế giới vạn vật cũng vậy, vật chất tồn tại bằng cách vận động, thay đổi không ngừng. Xã hội cũng vận động, phát triển bằng cách thay đổi hình thái này bằng một hình thái khác. Nếu không vận động thì xã hội làm sao thay đổi, phát triển? Nếu không làm cách mạng làm sao chúng ta giành được độc lập từ ách đô hộ tàn bạo từ Pháp, Nhật? Nếu tôi nhớ không lầm thì chính học thuyết Mark dạy rằng “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội”. 

Chưa dám nói rằng hành vi của Đoàn Văn Vươn là biểu hiện của đấu tranh giai cấp nhưng phải nhìn nhận rằng Đoàn Văn Vươn đã gây một tiếng vang khiến cho chính quyền phải nhìn nhận sai lầm của mình và một số quan chức đã bị trừng phạt. Nếu Đoàn Văn Vươn cứ cúi đầu cam chịu thì liệu “trật tự xã hội” đến bao giờ được “đảo lộn” như vậy? Mặt khác, hành vi của Đoàn Văn Vươn nên được nhìn nhận như là một sự phản kháng tự nhiên nhằm bảo vệ phẩm giá của mình khi không còn con đường nào khác. Phải đặt mình vào hoàn cảnh bức bách của ông ấy thì ta mọi chuyện ta sẽ rất dễ thông cảm (cần phải thấy rằng việc ông Vươn dùng vũ khí là bất đắc đĩ, không còn cách nào khác vì thực tế đã áp dụng mọi biện pháp “chống đối” mà pháp luật cho phép rồi nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng, ví như khiếu nại, khởi kiện). Chắc chắn sẽ có nhiều người đồng tình với nghệ sĩ Kim Chi khi bà trả lời BBC rằng “Ai mà cướp đi sự sống của tôi một cách vô lý thì tôi cũng hành động như thế”. 

N.T 

Tác giả gửi Quê choa 
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
nguồn:http://quechoa.vn/2013/04/06/doi-loi-voi-duc-hien/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001