Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Nguyễn Hồng Hải - Liệu Việt Nam có thể có hệ thống một đảng, hai ứng cử viên? 

Nguyễn Hồng Hải

Diên Vỹ chuyển ngữ
10.05.2013
Việt Nam đang tiến hành một trong những cải tổ chính trị lớn nhất và hào hứng nhất trong hai thập niên qua - soạn thảo lại Hiến pháp quốc gia.


Nhiều vấn đề trong hiến pháp đang được tranh luận - vai trò của Đảng Cộng sản (ĐCS) đang cầm quyền đối với các bộ phận của nhà nước và xã hội; vai trò của quân đội; hệ thống quản lý nhà nước và tư nhân và sở hữu đất đai; và những cơ chế cần thiết để bảo vệ quyền công dân và quyền con người.
Vào tháng Hai, “Nhóm 72”, một tập thể gồm 72 cán bộ Đảng cao cấp, các trí thức nổi tiếng, các cựu chiến binh và những nhân vật khác, đã hoàn thành một bản dự thảo hiến pháp theo phong cách phương Tây và gửi đến một cơ quan chuyên trách của Quốc hội là Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992. Hành động này khiến nhiều người nghĩ rằng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ nằm trong tay của người dân thay vì của Đảng. Tuy nhiên, cảm nhận này không kéo dài bao lâu. Vài tuần sau Tổng Bí thư ĐCS đề cập đến vấn đề mà ông gọi là ‘sự suy thoái tư tưởng và đạo đức’ tại một hội nghị ở Vĩnh Phúc, bên ngoài Hà Nội. Lời phê phán này được hiểu là nhắm vào những ai đề xuất những thay đổi đi ngược lại bản dự thảo do ĐCS chỉ đạo, trong có có cả Nhóm 72.
Trong đệ trình của mình, Nhóm 72 đề nghị rằng để Việt Nam có được một nền dân chủ hiệu quả, cần có một hệ thống đa đảng, hoặc ít nhất là chế độ bầu cử mang tính cạnh tranh. Nhưng ĐCS đã không chấp nhận điều này, quan điểm của họ đối là Việt Nam dân chủ phải theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa và do ĐCS lãnh đạo. ĐCS không bác bỏ chế độ bầu cử cạnh tranh nhưng nhấn mạnh rằng các ứng cử viên phải do Đảng hoặc Mặt trận Tổ quốc đề cử.
Một biểu tượng của dân chủ là việc bầu cử công bằng, không phân biệt và bao gồm mọi thành phần. Thường thì điều này chỉ xảy ra trong một thể chế đa đảng được bảo vệ bởi một hệ thống kiểm soát và cân bằng và nguyên tắc pháp lý để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng. Đối với các nhà lý luận phương Tây, Việt Nam còn xa mới đạt được những điều kiện trên. Nhưng điều này không có nghĩa là nó không thể có một chế độ bầu cử công bằng và cạnh tranh trong một thể chế độc đảng. Một thoả hiệp chính trị của các bên vì sự tiến triển của đất nước có thể tạo điều kiện cần có cho một chế độ bầu cử cạnh tranh công bằng trong một hệ thống độc đảng.
Người dân Việt Nam dường như vẫn ủng hộ mạnh mẽ sự cầm quyền của ĐCS. Điều này có được đặc biệt là nhờ tính đáp ứng nhanh của chính phủ đối với đòi hỏi của xã hội và tính ổn định xã hội của đất nước. Những cuộc biểu tình thường xuyên của nông dân đã phản bác lại lập luận trên, nhưng những cuộc biểu tình này thì nhằm vào chính quyền địa phương chứ không phải trung ương, và chưa bao giờ có một cuộc biểu tình lớn chống lại sự lãnh đạo của ĐCS. Vai trò của ĐCS đối với sự độc lập và thống nhất nước nhà cũng như tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới cần được ghi nhận, nhưng các chỉ trích đã nhắm vào ĐCS vì tình trạng suy giảm kinh tế và nạn tham nhũng lan tràn gần đây.
ĐCS phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, như bản dự thảo hiến pháp hiện nay đề nghị - đây là điều mà ĐCS có thể làm được bằng cách bảo đảm bầu cử cạnh tranh công bằng. Vai trò của đảng trong những cuộc bầu cử này có thể được xem như một “quan toà không thiên vị”. Điều này có nghĩa là nó sẽ để các ứng cử viên tự do cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp. ĐCS có thể đề xuất ứng cử viên của mình và chắc chắn là sẽ luôn làm điều này. Nhưng nó cũng phải tạo chỗ đứng công bằng cho các ứng cử viên độc lập mà không cần phải có đảng chính trị riêng của họ. Điều này có thể được gọi là ‘hệ thống một đảng, hai ứng viên’. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, hệ thống này phải được đưa vào hiến pháp.
Hệ thống này chưa được thực hiện ở mức quốc gia, mặc dù khuôn mẫu hai-ứng viên từng xảy ra ở những cấp thấp hơn trong cơ chế dân chủ từ quần chúng - một dự án thí điểm chính trị do ĐCS đưa ra vào năm 1998. Không có nhiều ứng cử viên độc lập đắc cử vì ảnh hưởng của đảng, nhưng cũng có một số thành công. Kinh nghiệm thực tế cho thấy muốn thành công cần phải có một số điều kiện. Chúng bao gồm, nhưng không giới hạn: sự không can thiệp của ĐCS, uy tín và khả năng của ứng cử viên và sự tham gia mạnh mẽ của quần chúng.
Việt Nam từ lâu vẫn được các nhà lý luận chính trị và chính trị gia phương Tây xem như là một thể chế một đảng, một ứng cử viên. Bất chấp những cải cách chính trị, các ứng cử viên của ĐCS vẫn giữ vị trí thống trị trong cả ba nhánh quyền lực và vì thế nhiều người vẫn hoài nghi về ý nghĩa của những cải cách này. Việc sửa đổi Hiến pháp quốc gia là một cơ hội tốt cho ĐCS Việt Nam bắt đầu thay đổi quan điểm này. Nó cần hợp thức hoá hệ thống một đảng, hai ứng cử viên ở cấp quốc gia, theo sau những thí điểm thành công ở cấp thấp hơn. Hệ thống này cũng là một bước đi tốt hướng đến việc cải cách chính trị. Nếu Việt Nam làm được điều này, nó sẽ tạo ra một khuôn mẫu cho những quốc gia cộng sản còn lại noi theo.
Nguyễn Hồng Hải là Ứng cử viên Tiến sĩ tại Phân viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị và Quốc tế thuộc Đại học Queensland.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Bảy, 11/05/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130511/nguyen-hong-hai-lieu-viet-nam-co-the-co-mot-he-thong-mot-dang-hai-cu-ung-vien
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001