Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

1852. HÒA ĐÀM GENÈVE NĂM 1954 – NỖI KHÓ XỬ CỦA TRUNG QUỐC (2) 


Posted by basamnews on June 20th, 2013

Mạng Trung Quốc 360doc.com
10-11-2010
Người dịch:  Quốc Thanh
Bài này trích từ “Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa -2” 《中华人民共和国建国史研究2》 Tác giả:  Dương Khuê Tùng   Nơi xuất bản: Nhà xuất bản nhân dân Giang Tây  Năm xuất bản: 9.2009. (Xin xem: book.douban.com/subject/3923370/).
Thúc đẩy ngừng bắn ở Đông Dương
Khi lãnh đạo 3 nước Trung Quốc, Việt Nam, Liên Xô bàn về phương châm đàm phán của Hội nghị Genève tại Moskva, Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa mới bắt đầu không lâu,tình thế cuộc chiến tuy có lợi rõ cho Đảng Việt Nam, song theo sự nhìn nhận của đa số các nhà lãnh đạo hai đảng Trung-Xô, điều này không có nghĩa là người Việt Nam có thể nhanh chóng đuổi được người Pháp ra khỏi Đông Dương. Đó không chỉ bởi vì quân Pháp vẫn chiếm cứ vùng ven biển và các thành phố lớn, kiểm soát quá nửa dân số Việt Nam, mà đặc biệt là do người Mỹ đang nóng lòng muốn can thiệp. Khi chiến tranh Triều Tiên vừa mới kết thúc, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai…rõ ràng là không muốn tái hiện lại màn chiến tranh Triều Tiên ở Đông Dương. Vì thế, sau khi phương châm cơ bản tham gia Hội nghị Genève đã được xác định, Chu Ân Lai nhanh chóng gủi điện cho Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lao động Việt Nam đề nghị Đảng  Việt Nam lập tức tiến hành các công tác chuẩn bị, tổ chức đoàn đại biểu đi dự Hội nghị Genève, đồng thời định ra các phương án đàm phán. Chu Ân Lai nhiều lần chủ trương cần chuẩn bị hoạch định một đường ngừng bắn, để cho mình bảo đảm có thể có được một khu vực tương đối hoàn chỉnh, từ đó thực hiện tổng tuyển cử, hoàn tất việc thống nhất. (Chu Ân Lai niên phổ, tr. 358).

Về chuyện này, Bộ chính trị Trung ương Đảng lao động Việt Nam đã nhiều lần họp hành nghiên cứu, song quan điểm của họ ít nhiều có khác với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Bởi Việt Nam độc lập đồng minh lúc này đã giành được nhiều căn cứ địa ở  miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam, kẻ địch tuy vẫn chiếm cứ các thành phố lớn và vừa, hải cảng, đường giao thông chính và hầu hết các vùng kinh tế quan trọng, nhưng đã có thể thừa hành chính quyền tại gần ¾ khu vực của Việt Nam. Nếu vạch ranh giới đình chiến, thì Việt Nam độc lập đồng minh buộc phải bỏ mất miền Nam, thậm chí là cả nhiều căn cứ địa ở các khu vực miền Trung, một số lượng lớn quân dân và cán bộ của Đảng đều sẽ rút về miền Bắc, đều này đối với nhiều cán bộ lãnh đạo tới từ những khu vực phải rút khỏi trong Đảng là khó lòng chấp nhận. Vì thế, mặc dù cuộc họp của 3 đảng Trung Quốc, Việt Nam và Liên Xô đã xác định được phương châm đàm phán, Trung ương Đảng Việt Nam đã quyết định cử Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Bộ trưởng ngoại giao đi dự Hội nghị Genève, về nguyên tắc cũng đã chấp thuận lời đề nghị thực hiện ngừng bắn, nhưng các ý kiến trong nội bộ Trung ương cũng chưa hoàn toàn thống nhất.
Ngày 7.5, quân đội nhân dân Việt Nam đã dùng hỏa pháo cực lớn và thuốc nổ hầm ngầm phá hủy hoàn toàn trận địa cốt lõi phòng thủ Điện Biên Phủ của quân Pháp, buộc quân Pháp phải đầu hàng, nhờ đó mà giành được đại thắng Điện Biên Phủ. Chiến dịch này đã tiêu diệt 160 000 quân Pháp, bắt làm tù binh 10 000, bắt sống Tư lệnh quân phòng thủ Pháp là chuẩn tướng De Casteries. Sau đại thắng Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng đại diện đoàn đàm phán Việt Nam, vốn giữ thái độ hoài nghi trước chủ trương vạch ranh giới ngừng bắn, tin tương rằng tình thế chiến trường đã có sự thay đổi căn bản, cho rằng cần thay đổi phương án đường chia Đông Tây phân giới Nam Bắc vốn có, nên yêu cầu ngừng bắn tại chỗ thì hơn, điều chỉnh đôi chút, đợi đến tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam luôn một thể. Trong khi đó, trong thời gian diễn ra Hội nghị Moskva, việc giữ nguyên ý tưởng giải quyết luôn một thể cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã bàn bạc căn cứ theo tình hình báo cáo từ phía Việt Nam, để thành lập Liên bang Đông Dương cách mạng cũng trở thành trở ngại đối với hòa bình khó lòng khắc phục. Phạm Văn Đồng giữ nguyên ý 3 nước Đông Dương là “một chỉnh thể thống nhất”, cần có một biện pháp giải quyết hoàn chỉnh. (Quách Minh, tr. 49). Còn Chu Ân Lai thì lại phát hiện được là 3 nước trong Liên bang Đông Dương  của thực dân Pháp trong lịch sử thực ra là 3 quốc gia khác nhau từ kết quả của các cuộc tiếp xúc ngoại giao với đại diện 2 nước Pháp, Anh cùng đại diện Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia trong thời gian Hội nghị Genève. Sau chiến tranh 3 nước thực sự đều đã độc lập riêng rẽ, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia dã được chính phủ của hơn 30 quốc gia trên thế giới công nhận, trong tình hình này mà muốn phủ nhận chính phủ của 2 quốc gia ấy, chỉ thừa nhận chính phủ chống Pháp của Liêu Quốc và Cao Miên do Việt Nam hỗ trợ, không chấp nhận đề nghị phải tách giải quyết riêng vấn đề 3 nước Đông Dương do Pháp, Anh đưa ra là điều hết sức khó khăn. Thực ra ngay chính cả bản thân Phạm Văn Đồng cũng rõ là tình hình của 3 nước rất khác nhau, Việt Nam có thể vạch được ranh giới, Campuchia hoàn toàn không có khả năng vạch ranh giới, đòi hỏi vạch ranh giới ở Lào cũng không đủ nguồn vốn. Nhất là Campuchia và Lào, đóng vai trò chủ lực trong lực lượng chống Pháp đều là quân dân Việt Nam. Song nếu chấp nhận tách giải quyết riêng, thì quân đội nhân dân Việt Nam cũng liền trở thành quân đội ngoại quốc, buộc phải rút khỏi. Kết quả tạo nên từ đó không chỉ phải bỏ rơi Nam Việt tạm thời, mà cả 2 nước Lào và Campuchia cũng chưa chắc đã rơi vào vòng kiểm soát của các chính phủ vương quốc. Điều này có một khảng cách quá xa với dự kiến ban đầu của Đảng Việt Nam và lực lượng chống Pháp ở Liêu Quốc, Cao Miên.
Xoay quanh những vấn đề này, đã xảy ra sự tranh cãi gay gắt giữa các bên trong thời gian Hội nghị Genève. Lưu ý tới phương án của Đảng Việt Nam sẽ không có khả năng được đối phương chấp nhận, đại diện Mỹ đã cố sức tận dụng sự tranh chấp này để khiến cho Hội nghị không thể đi đến kết quả hòa bình. Chu Ân Lai sau khi trao đổi với các đoàn đại biểu 2 nước Liên Xô, Việt Nam, vào ngày 27.5 đã đề xuất rõ rằng vấn đề ngừng bắn có thể xử lý lần lượt tùy theo tình hình khác nhau giữa 3 nước. Đề nghị này đã thúc đẩy Hội nghị đi đến thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn đồng thời cả 3 nước vào ngày 29, đây là thỏa thuận mang tính thực chất đầu tiên kể từ khi đàm phán tới đó. Ngày 30, Chu Ân Lai gửi điện cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh về tính tất yếu trong việc đưa ra sự nhượng bộ này. Trong bức điện ông nói: “Ranh giới giữa dân tộc với quốc gia ở 3 nước thành viên Đông Dương là rất rõ ràng và chặt chẽ. Ranh giới này đã tồn tại từ trước  khi Pháp thiết lập nền thống trị thực dân ở Đông Dương, hơn nữa, người dân 3 nước cũng nhìn nhận như vậy”. “Chính phủ Vương quốc 2 nước Campuchia và Lào với đại đa số người dân vẫn là chính phủ hợp pháp, hơn nữa, lại là chính phủ đã được hơn 30 nước trên thế giới công nhận”. Vì thế, đối với Việt Nam, Lào và Campuchia, “phải ứng xử với 3 nước một cách nghiêm túc”. Ông nhắc Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cần xem xét cẩn thận điểm này. (Kim Xung Cập, tr. 1126).
Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhanh chóng nhất trí với quan điểm của Chu Ân Lai, đồng thời giành được sự chấp thuận của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Lúc này, chính phủ Lanière (BS ktra hộ cái tên này) chủ chiến của Pháp đã bị hạ bệ, cuộc dàm phán Genève bị ảnh hưởng rất rõ. Do sự xúi giục của đại diện Mỹ, các nước Phương Tây đã bỏ dở giữa chừng cuộc hội nghị về vấn đề Triều Tiên. Còn trong cuộc đàm phán về vấn đề Lào, Campuchia, do 3 bên Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam vẫn khăng khăng không thừa nhận quân đội Việt Minh đã tiến vào 2 nước này, nên đàm phán cũng rơi vào trạng thái bế tắc, ngày thứ hai cũng đối mặt với tình hình nặng nề là các nước Phương Tây đã chấm dứt Hội nghị về vấn đề Đông Dương. Vì thế, đại diện 3 bên Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam đã có cuộc trao đổi nội bộ khẩn cấp vào tối ngày 15. Chu Ân Lai nêu thẳng thừng ngay tại trận: Mấu chốt của việc đàm phán hiện nay là phía ta có thừa nhận quân Việt ở Liêu Quốc và Cao Miên hay không. Nếu như tôi kiên quyết không thừa nhận, thì vấn đề Cao Miên, Liêu Quốc sẽ không thể bàn được tiếp, vấn đề Việt Nam cũng sẽ bị kéo theo mà không bàn tiếp được. Cho nên, cần thừa nhận trước đây đã có quân tình nguyện Việt Nam tác chiến ở Cao Miên, Liêu Quốc, song có một số đã rút về, nếu như có còn thì cần xử lý dựa theo biện pháp rút hết quân đội nước ngoài. Trong khí đó, vấn đề 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cần được giải quyết lần lượt, cần xem xét để đưa ra nhượng bộ về vấn đề Lào và Campuchia. Bởi vì, lực lượng của ta tại Lào và Campuchia quá mỏng, dựa vào lực lượng Việt Nam để đánh tiếp ở Lào và Campuchia thì chỉ tổ khiến cho các chính phủ Vương quốc hiện tại nghiêng hẳn sang phía Mỹ, thậm chí còn thúc cho Anh, Mỹ làm Hiệp ước Đông Nam Á, đưa Anh, Mỹ… vào trong một rọ, chẳng thà cứ để họ trở thành các nước trung lập kiểu Đông Nam Á còn hơn. (Khúc Tinh, tr. 257, 264, 266). Ngày hôm sau, theo ý kiến đã đi đến thống nhất trong Hội nghị, Chu Ân Lai thông qua cuộc gặp Đại thần ngoại giao Anh Eden là đồng chủ tịch Hội nghị và phần phát biểu có hạn chế trong Hội nghị để bày tỏ rõ ý muốn có sự nhượng bộ về điều này. Cử chỉ này đã đánh bại được đại diện Mỹ đang chuẩn bị có ý đồ bỏ dở giữa chừng cuộc thảo luận về vấn đề Đông Dương. Cuộc thảo luận về vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Genève đã xuất hiện khả năng chuyển biến tốt. (Lý Liên Khánh, tr. 277-281; Kim Xung Cập, tr. 1128).
Sau khi đã giải quyết xong vấn đề xử lý riêng rẽ 3 nước Đông Dương, việc thực hiện vấn đề ngừng bắn ra sao đã nhanh chóng được đưa vào chương trình nghị sự. Để thống nhất được tư tưởng và phương châm đàm phán, đại diện 3 bên Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam đã mở hội nghị riêng ngày 17.6 để thảo luận về phương án phân khu do Trung ương Đảng lao động Việt Nam gửi điện đề xuất vào ngày 13. Song Phạm Văn Đồng khó lòng chấp thuận được đề nghị của Chu Ân Lai lấy Việt Nam làm trọng điểm tranh giành, còn Cao Miên, Liêu Quốc thì tùy tình hình mà nhượng bộ, Cao Miên không phân khu, Liêu Quốc chỉ phân biên khu. Sau đó, Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ giải thích rằng kiến nghị của ông ta là dựa trên tình trạng thực tế đối sánh lực lượng giữa 3 nước. “Lực lượng mọi phương diện của Việt Nam tương đối mạnh, không những có thể trụ vững được, mà còn có thể từng bước củng cố và mở rộng ảnh hưởng”. Nếu như chúng ta có sự nhượng bộ về vấn đề Cao Miên và Liêu Quốc, thì có thể đòi cho Việt Nam được nhiều hơn một chút, yêu cầu được bồi thường. Vấn đề là sự lường tình thế của Phạm Văn Đồng, thậm chí cả Trung ương Đảng lao động Việt Nam, đều đã quá lạc quan, phải trả giá quá đắt. Nhất là khi nội các Pierre Mendès-France ở Pháp lên nắm quyền, ngày 17.6 đã hứa công khai là chỉ trong vòng 1 tháng sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương một cách hòa bình, nếu không tự động từ chức, thì điều này càng khiến cho Đảng Việt Nam cảm thấy có khả năng kiên trì đến cùng buộc chính phủ Pháp phải nhượng bộ. Theo họ, sốt ruột phải là người Pháp, chứ không phải là họ. Theo đó, Chu Ân Lai đã gửi điện cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đề nghị lãnh đạo hai đảng Trung-Việt tổ chức hội đàm, để nói rõ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề then chốt này, nhằm đi đến nhất trí. (Như trên; Điện Chu Ân Lai gửi Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ đồng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, ngày 19.6.1954). Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhanh chóng bày tỏ sự đồng ý, đồng thời đã có chỉ thị thêm.
Ngày 2.7, Chu Ân Lai sau khi đi thăm Ấn Độ và Miến Điện đã tới Liễu Châu, Quảng Tây, để tham gia cuộc hội đàm hai đảng Trung-Việt như đã định. Hội đàm bắt đầu vào ngày mùng 3, ngày mùng 5 kết thức, trong 3 ngày tổng cộng có 8 cuộc họp. Theo báo cáo của Võ Nguyên Giáp, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, tình thế hết sức có lợi cho Việt Nam. Địch tuy vẫn còn hơn 470 000 quân, nhưng chỉ có 190 000 quân viễn chinh trong toàn bộ quân Pháp, 240 000 là ngụy quân Việt Nam, quân Lào chỉ có khoảng 20 000, quân Cao Miên chỉ khoảng 15 000. Lực lượng chống Pháp ở Đông Dương đã lên tới hơn 300 000 quân. Lực lượng quân địch chủ yếu ở Việt Nam, có khoảng 400 000, ở Việt Bắc 180 000, ở  Liên Khu Năm 80 000, Nam Bộ 120 000 đều là ngụy quân, còn quân đội nhân dân Việt Nam có 280 000, chủ yếu tập trung ở Liên Khu Năm và Bắc Trung Bộ, so sánh lực lượng thực tế mạnh hơn quân địch.
Sau khi nghe báo cáo của Võ Nguyên Giáp, vấn đề đầu tiên mà Chu Ân Lai nêu ra chính là: Nếu như Mỹ không can thiệp, tình trạng Pháp vẫn cứ tăng thêm binh lực đánh tiếp, thì tới bao lâu nữa chúng ta mới có thể giành được toàn bộ Đông Dương? Võ Nguyên Giáp nói, nếu đánh tốt thì chỉ vài ba năm là có thể nắm được. Hồ Chí Minh thì nói “thời gian ít nhất là dăm ba năm”. Ông ta thừa nhận: “Ba nước có tình trạng khác nhau. Cơ sở của Việt Nam tốt hơn, cơ sở của Lào và Campuchia kém hơn, cán bộ ở Lào và Campuchia thực ra là người Việt Nam. Ngoài ra, ngay cả khi ở Việt Nam, cũng có  nghĩa là Việt Bắc, có khá hơn, nếu xếp thứ tự Trung-Việt, thì lực lượng của Việt Nam cũng kém hơn. Đồng thời, Võ Nguyên Giáp cùng cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, La Quý Ba… cũng đều nhấn mạnh giao thông là vấn đề lớn, nếu như muốn đánh lớn thì còn phải bỏ thời gian trước tiên vào việc sửa chữa các đường quốc lộ, nếu không sẽ rất khó đánh.
Theo đó, Chu Ân Lai đã làm tăng thêm lòng tin để thuyết phục được Đảng Việt Nam. Ông nêu rõ: Cần phải nhìn thấy rằng, vấn đề Đông Dương không chỉ là vấn đề giữa 3 nước Đông Dương với Pháp, mà nó đã được quốc tế hóa, đây là đặc điểm mang tính then chốt. Sự quốc tế hóa này thậm chí đã vượt ra khỏi phạm vi và mức độ quốc tế hóa vấn đề Triều Tiên. Đông Dương không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ vùng Đông Nam Á và Nam Á, mà còn ảnh hưởng tới cả các nước vùng Thái Bình Dương như Úc, Tân Tây Lan[i]…, vì thế Mao Trạch Đông nói: “Chỉ cần sơ xuất một chút là sẽ ảnh hưởng đến gần 600 triệu người ở 10 quốc gia”. Hơn nữa, vấn đề Đông Dương còn ảnh hưởng trực tiếp đến nước Pháp, do đó cũng sẽ ảnh hưởng tới tình hình của Châu Âu. Hội nghị Genève khiến cho Pháp phải cải tổ nội các, chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel bị hạ bệ, chính phủ Pierre Mendès-France chủ hòa lên nắm quyền, cho thấy nếu hòa với Pháp, thì không chỉ sẽ đánh bại được âm mưu của Mỹ, mà còn có thể đoàn kết được với nhiều quốc gia hơn.
Ông đồng thời giải thích, chúng ta đều biết rằng, ngay cả Mỹ có không can thiệp, thì giải phóng toàn bộ Việt Nam cũng phải mất tới 3 năm. Huống hồ về phương diện can thiệp,  Mỹ đã huy động được nửa năm. Hiện tại Ngô Đình Diệm cầm quyền lại càng đáng lưu ý hơn. Bởi vì lời lẽ của ông ta cho thấy là hoàn toàn thân Mỹ, thực tế là Mỹ đang chỉ đạo tất cả., vì thế, khả năng Mỹ giúp chính quyền ngụy Nam Việt là rất lớn. Nếu phương án chúng ta đề xuất mà yêu cầu quá cao, không thể đi đến hòa bình, thì đã chắc gì Mỹ sẽ can thiệp. Mấu chốt của vấn đề Triều Tiên nằm ở sự tăng viện của Mỹ, tốc độ tăng viện của Mỹ mà nhanh, sẽ có sự bất ngờ. Trung Quốc mà có thêm vào thì cũng chỉ chơi được trận hòa, chứ không thể thắng được. Hiện tại ở Đông Dương lại là tình trạng như vậy. Một khi Mỹ bị cuốn vào, chúng ta sẽ không thể nắm được Việt Nam dựa vào thủ pháp quân sự, mọi điều kiện sẽ chỉ càng thêm khó khăn, thậm chí ngay cả như tình hình hiện có cũng không thể giữ nổi. Cân nhắc về những tình hình này, chắc vẫn nên dùng phương pháp hòa bình để giành được toàn Việt Nam thì sẽ tốt hơn. Bởi vì xem ra các nước Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia… cũng sẽ không phản đối việc sau này sẽ do Việt Nam dân chủ cộng hòa thống nhất Việt Nam. Cho nên, khả năng có thể tổ chức bầu cử tại Việt Nam vẫn nhiều hơn so với Triều Tiên. Hơn nữa, chiến tranh lại còn sẽ khiến cho Lào và Campuchia ngả về phía Mỹ, khiến cho phái cứng rắn của Pháp lại lên nắm quyền, đồng thời đẩy Anh Mỹ lại làm một, thành lập nên Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á.
Chu Ân Lai nói từ chiều, tối mùng 3 một mạch đến sáng mùng 4. Chiều mùng 4, sau khi bài nói của Chu Ân Lai kết thúc, Hồ Chí Minh tỏ thái độ ngay tức thì. Ông nói: Hiện Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường, có thể hòa, mà cũng có thể chiến, phương diện chủ yếu là tranh thủ hòa, chuẩn bị chiến. Chúng ta phải giúp Pierre Mendès-France, không để ông ta bị rới đài, điều này sẽ có lợi cho chúng ta. Vào trước tháng 11, phải làm tốt mối quan hệ với Pháp, tranh thủ được hòa bình, bởi vì trước tháng 11 Mỹ phải bầu cử, sẽ có sự cân nhắc về chuyện can thiệp.
Lời của Hồ Chí Minh chẳng khác gì lời kết luận, tỏ ý tán thành nhất trí với những người dự họp. Tối đó, những người có liên quan của hai bên Trung-Việt đã thức suốt đêm để chuẩn bị văn kiện, tới ngày hôm sau mọi người cùng thảo luận chỉnh sửa theo từng mục, nhanh chóng thông qua bản văn kiện hội nghị “Về phương án của Hội nghị Genève và vấn đề đàm phán”. Ngày kế tiếp, Trung ương Đảng Việt Nam lập tức thông báo lại cho Phạm Văn Đồng đang còn ở Genève về phương châm đàm phán và phương án phân khu đã được hội nghị xác định. Thông báo nói rõ, tư tưởng chỉ đạo đàm phán hiện nay là áp dụng phương châm thúc đẩy tích cực, không nên ngồi đợi một cách tiêu cực. Phương án cụ thể là:  Tại Việt Nam vẫn tranh thủ đình chiến ở vĩ tuyến 16 , cân nhắc đến Đường số 9 ở phía bắc vĩ tuyến 16 sẽ là nơi Lào tất phải đi qua để ra biển, đối phương có thể sẽ không nhượng bộ, cho nên sẽ có sự điều chỉnh trên cơ sở vĩ tuyến 16;  còn tại Lào thì tranh thủ cắt 2 tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ ở gần Trung Quốc và Việt Nam làm khu tập kết của lực lượng kháng chiến; tại Campuchia thì chỉ có thể tranh thủ giải quyết về mặt chính trị.
Song, Phạm Văn Đồng tỏ ra nghi ngờ không biết có cần thiết phải nhượng bộ như vậy hay không, nên chẳng có biện pháp gì để thúc đẩy đàm phán cả. Xem ra chỉ còn có mấy tháng nữa là đến thời hạn cuối cùng Pierre Mendès-France phải đưa ra lời hứa thực hiện hòa bình, Chu Ân Lai vừa quay lại Genève vào ngày 12 thì  buổi tối Phạm Văn Đồng đã có một cuộc đàm thoại dài. Chu Ân Lai lấy bài học bỏ qua mối nguy cơ can thiệp của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên và kinh nghiệm sau kháng chiến Đảng cộng sản Trung Quốc dùng dĩ thoái vi tiến mà đạt được thành công làm ví dụ để thuyết phục mãi, cuối cùng đã khiến cho Phạm Văn Đồng thay đổi thái độ. Ngày hôm sau, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đã lần lượt đề xuất với đại diện Pháp lấy bắc vĩ tuyến 16 làm phương án mới về đường phân giới tạm thời. Qua cò kè mặc cả, hai bên lại nhượng bộ, Pháp bỏ yêu cầu đường phân giới vĩ tuyến 18, Việt Nam bỏ yêu cầu đường phân giới vĩ tuyến 16, nhất trí lấy 12,1-2 dặm Anh ở nam vĩ tuyến 17, bắc Đường 9 làm đường phân giới quân sự, đạt được sự thỏa hiệp cuối cùng.
Ngày 21.7, bản Hiệp định hòa bình Việt Nam, Lào và Campuchia thực hiện chấm dứt các hành động thù địch đã được ký chính thức. Mấy điểm thỏa thuận này ngoài việc quy định đường phân giới ra, còn có những quy định tương ứng về các vấn đề như sự giám sát quốc tế, quân Pháp rút về Nam và quân dội nhân dân Việt Nam rút về Bắc, 2 năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong phạm vi toàn Việt Nam, bộ đội kháng chiến Lào sẽ tập kết tại 2 tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ, bộ đội kháng chiến Campuchia phục viên giải ngũ, Lào và Campuchia 1 năm sau tiến hành tổng tuyển cử… (Sưu tập các văn kiện Hội nghị Genève, trang 260-269; Tân Hoa nguyệt báo, số 8 năm 1954). Nỗ lực giành lại hòa bình cho Đông Dương của chính phủ Trung Quốc mới tại Hội nghị Genève đến đây coi như đã đạt được thành công theo dự định.
Những vấn đề có thể bàn thảo
Từ tích cực viện trợ cho Đông Dương vũ tranh chống Pháp, cho đến toàn lực thúc đẩy cho bản Hiệp định hòa bình Genève đi tới thành công, Trung Quốc mới đã có những thay đổi quan trọng về chính sách đối với Đông Dương. Ý nghĩa của sự biến động chính sách này ra sao, từ thời gian Hiệp định Genève cho đến ngày nay  đều luôn là một vấn đề gây tranh luận. Mấu chốt của vấn đề này là lường được tình thế chiến tranh khi ấy ra sao, tức nếu như lực lượng chống Pháp của Việt Nam vẫn cứ đánh tiếp, thì liệu Mỹ có nhất thiết phải can thiệp vũ trang như nhà lãnh đạo Chu Ân Lai đã ước đoán hay không? Sau mấy chục năm đã qua, khi nghiên cứu các tư liệu hồ sơ mà Mỹ đã bạch hóa, khi khảo sát lại lịch sử Mỹ can thiệp vào Chiến tranh Đông Dương, dường như vẫn không thể phủ nhận được sự tồn tại của khả năng này vào lúc đó. Nói cách khác, nếu cự tuyệt hòa bình và thỏa hiệp thì vẫn mang một sự mạo hiểm nào đó. Ngay cả khi Đảng Việt Nam có không cần tới thời gian dăm ba năm là có thể thực hiện được thống nhất, thì nguy cơ có thể đem lại do tấn công quân sự vẫn từ nhiều phương diện. Đúng như Chu Ân Lai đã lo ngại, kiểu tấn công quân sự này có thể sẽ khiến cho Lào, Campuchia đầu hàng Mỹ, sẽ khiến cho cả Đông Nam Á chuyển hướng sang chống Cộng, sẽ khiến cho Pháp và Anh vốn có mâu thuẫn với Mỹ bị buộc phải tán thành chủ trương của Mỹ về vấn đề Châu Á, sẽ khiến cho âm mưu ngăn trở hòa bình của Mỹ thành công, và vân vân… Kết quả xuất hiện những tình huống này có thể vẫn là giống nhau:  Hoặc là một chính phủ Pháp và chính phủ Nam Việt chủ chiến, hoặc là các chính phủ Lào và Campuchia  cầu sự giúp đỡ từ Mỹ, rồi cuối cùng Mỹ cũng vẫn nhân cơ hội này mà tiến hành can thiệp quân sự. Một khi đã xuất hiện kết quả như thế, thì kẻ thù mà Việt Minh chắc là sẽ nhiều hơn.
Những tranh luận về khả năng can thiệp của Mỹ và liệu Đảng Việt Nam có nhanh chóng thực hiện thống nhất được hay không rất dễ khiến cho người ta nghĩ đến cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Sở dĩ Chu Ân Lai đặc biệt lấy cuộc Chiến tranh Triều Tiên làm ví dụ để nhấn mạnh cần có sự lường tính thật đầy đủ về sự can thiệp của Mỹ, chính là vì vào năm ấy cũng đã từng xuất hiện tình huống tương tự. Do mới đầu quá lạc quan về tiến trình chiến tranh, không dự liệu trước được Mỹ sẽ tiến hành can thiệp một cách nhanh chóng như vậy, nên kết quả là đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt quân sự. Cho dù về sau Trung Quốc đã xuất quân giữ được Bắc Triều Tiên, thì cũng chỉ có thể chơi một trận hòa với Mỹ. Hơn nữa, Triều Tiên lại còn đã phải chịu những tổn thất to lớn vì thế, Trung Quốc cũng do vậy mà đã phải hi sinh đáng kể. Đảng Việt Nam lúc này, nói một cách nghiêm túc, vẫn còn không chắc chắn được bằng Đảng Triều Tiên vào năm đó. Chiến tranh Triều Tiên khi ấy tính bằng tuần, còn thời gian biểu thống nhất quân sự của Đảng Việt Nam lúc này lại phải tính bằng năm, những diễn biến trong cả một khoảng thời gian dài như thế lại càng khó dự đoán. Nói Mỹ dứt khoát sẽ không can thiệp, bất luận ra sao thì cũng đều thiếu căn cứ.
Chỉ cần tồn tại khả năng Mỹ can thiệp, thì đối với Việt Nam độc lập đồng minh chưa được quốc tế thừa nhận, việc ký kết Hiệp định hòa bình Genève sẽ mang một ý nghĩa quan trọng. Đó là bởi vì, bản hiệp định đạt được qua sự đàm phán kéo dài tới hơn 3 tháng này sẽ khiến cho Đảng Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được 12 triệu dân và đất đai Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 17, nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” từ đây cũng trở thành một quốc gia danh chính ngôn thuận được quốc tế công nhận. Mỹ không chỉ không tìm được lý do để có thể trực tiếp tấn công quân sự quy mô lớn đối với Việt Minh, mà còn ngay cả khi Mỹ trực tiếp đưa quân tới Nam Việt vào thời kỳ cuối thập kỷ 60, cho đến khi tiến hành ném bom dã man nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng không thể không xem xét đến sự thực được quốc tế công nhận, vì thế mà luôn giữ một mức hạn chế nhất định cho hành động quân sự của mình, tức không cho quân đội Mỹ vượt quá vĩ tuyến 17.. Điều này ở một mức độ tương đối lớn đã bảo vệ và củng cố được thành quả thắng lợi mà Đảng Việt Nam đã có. Dĩ nhiên, Hiệp định Genève không hề thúc đẩy sự đi đến tổng tuyển cử và thống nhất như Chu Ân Lai và những người khác đã lường tính, song Mỹ và đặc biệt là chính quyền Nam Việt thối nát đã ngăn trở tổng tuyển cử và thống nhất, lại cung cấp lí do đủ để nhận được sự đồng tình của đa số người dân trên thế giới cho Cộng sản triển khai lại cuộc đấu tranh vũ trang ở Miền Nam mấy năm sau. Rồi do việc củng cố và xây dựng Miền Bắc, cuộc Chiến tranh Đông Dương sau này bất kể là gian khổ ra sao, thì sự tồn tại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng tất sẽ khiến cho nó có được nền tảng tiến lên và hậu phương đáng tin cậy khác với trước đây. Chỉ cần làm một phép so sánh giữa Triều Tiên bị chia cắt với một Việt Nam cuối cùng đã giành được thống nhất là sẽ thấy được kiên trì tấn công chưa chắc đã là điều có lợi. Thỏa hiệp và hòa bình tạm thời, kết quả trái lại sẽ có lợi cho cả tấn công và thống nhất về sau.
Dĩ nhiên, với Trung Quốc mới, nó vẫn tồn tại một vài vấn đề đáng phải bàn trong việc chuyển biến chính sách đối với Đông Dương. Điều đặc biệt cần phải bàn ở đây chính là vấn đề về mối quan hệ giữa hình thái ý thức với chính sách ngoại giao. Với tư cách là một bối cảnh văn hóa chính trị, bất cứ một chính quyền nào trong quá trình soạn thảo các chính sách cũng đều khó tránh khỏi bị lẫn nhân tố hình thái ý thức của chính đảng mình vào trong đó, từ đó mà khiến cho chính sách của họ mang thiên hướng chính trị nào đó. Song, giữa hình thái ý thức với tư cách là một mục tiêu văn hóa chính trị, và chính sách hiện thực với tư cách là một phương thức và thủ đoạn truy cầu lợi ích thiết thực, suy cho cùng là có sự khác biệt rõ ràng. Trộn lẫn hai thứ với nhau, hoặc đưa quá nhiều nhân tố hình thái ý thức vào trong quá trình cân nhắc chính sách, thì nhất định sẽ tạo nên sự rối loạn chức năng chính sách. Nếu như nói, một chính phủ mạnh trong quá trình cân nhắc chính sách mà xem xét đưa hình thái ý thức vào nhiều hơn, thì thường phải một thời gian khá lâu sau mới cảm nhận thấy tác dụng phụ của nó, hơn nữa, nếu tác dụng phụ này cũng thường được thể hiện nhiều hơn ở tầng cấp chính sách, vậy một nước yếu mà xem xét đưa hình thái ý thức vào nhiều hơn trong quá trình cân nhắc chính sách, thì tác dụng phụ mà nó đem lại sẽ hiển lộ rất nhanh, hơn nữa còn khó tránh khỏi sẽ dẫn đến vấn đề ở tầng cấp đạo đức. Đó là bởi vì thứ mà chính sách trong nước phải đối mặt chỉ là những quan hệ lợi ích khác nhau trong một chỉnh thể lợi ích thống nhất, còn thứ mà chính sách đối ngoại phải đối mặt lại là quốc gia có chủ quyền khác hẳn với lợi ích. Chính sách trong nước chỉ cần chính phủ ở vào thế mạnh, thì sự hòa trộn mục tiêu với thủ pháp có thể sẽ làm thay đổi các quan hệ lợi ích thiết thực rất lớn, song lại ảnh hưởng khá chậm đến bản thân thẻ thống nhất, sự làm thay đổi các mối quan hệ lợi ích khác nhau này có thể vấn đề đạo đức do nó đem lại cũng rất dễ bị chìm trong bối cảnh chính trị của nền văn hóa mạnh. Chính sách đối ngoại lại hoàn toàn khác. Do trong thực tế không tồn tại một thể thống nhất, nên nếu quá cường điệu một hình thái ý thức nào đó trong mối tương hỗ các chủ thể lợi ích khác nhau tới mức độ không thỏa đáng, thì nhất định sẽ đem lại vấn đề ở tầng cấp đạo đức, tức khi xuất hiện các nhu cầu lợi ích khác nhau, nếu xem xét những lợi ích tạm thời của mình thì liệu có phù hợp với yêu cầu của hình thái ý thức hay không?
Có thể thấy rất rõ, khi Chu Ân Lai và những người khác đưa ra chủ trương hòa bình vạch ranh giới đình chiến, trước tiên đã phải đối mặt với nỗi phiền toái đạo đức này. Trong Hội nghị Liễu Châu, Chu Ân Lai đặc biệt chú trọng nêu ra vấn đề như vậy, tức liệu có mâu thuẫn hay không giữa việc tìm kiếm hòa bình cho Đông Dương với nhiệm vụ quốc tế của phong trào cộng sản quốc tế? Sở dĩ phải nêu ra vấn đề này, chính là vì đã nảy sinh mâu thuẫn giữa lối tư duy ưu tiên hình thái ý thức với việc cân nhắc chính sách lấy lợi ích thiết thực làm trung tâm. Nhiệm vụ quốc tế của phong trào cộng sản quốc tế là giải phóng Đông Dương, mà tìm kiếm hòa bình thì sẽ khiến cho cuộc chiến tranh giải phóng này bị đứt quãng giữa chừng, đồng thời sẽ khiến cho nhiệm vụ quốc tế ấy bị giảm giá nhiều. Rất rõ ràng là, trực tiếp chịu ảnh hưởng trước tiên từ sự thay đổi chính sách hòa bình ở Đông Dương là lợi ích của Đảng Việt Nam, Đảng Trung Quốc với tư cách là một bên thừa hành nghĩa vụ quốc tế, vô hình trung phải gánh chịu cả nghi vấn lịch sử là liệu chính sách này có trái với mục tiêu của hình thái ý thức hay không. Mặc dù Stalin đã giải thích nhiều lần là không hề có sự mâu thuẫn giữa hai cái, đã nhấn mạnh tới so sánh lực lượng trong thực tế, hãy tin tiền đồ tốt nhất cho hai nước Lào và Campuchia là giữ trung lập, ở Việt Nam nếu thực hiện thống nhất bằng tổng tuyển cử thì sẽ hiện thực hơn là thực hiện thống nhất bằng chiến tranh, v.v. và v.v…, song chỉ cần Đảng Việt Nam bị làm giảm giá mục tiêu giải phóng đã định, chỉ cần sự thực chứng minh sự thống nhất của Việt Nam vẫn phải dựa vào chiến tranh để giải quyết, thì sự thay đổi chính sách này của Trung Quốc sẽ khó lòng tránh khỏi trở thành một vấn đề được người ta đưa ta bàn thảo thêm ở tầng cấp đạo đức.
Thực ra, việc tồn tại nghi vấn như vậy là hết sức tự nhiên. Một ví dụ gần chúng ta nhất, đó là vụ việc Stalin yêu cầu Mao Trạch Đông tới Trùng Khánh để tiến hành hòa đàm với Tưởng Giới Thạch khi sắp kết thúc kháng chiến vào 8.1945. So với biện pháp giải quyết vấn đề 3 nước Đông Dương trong Hội nghị Genève, có thể Stalin khi ấy hi vọng hơn vào việc Trung Quốc sẽ dùng phương thức Lào để giải quyết được vấn đề. Quan điểm cơ bản của ông ta cũng là với so sánh lực lượng của hai đảng Quốc Cộng và hoàn cảnh quốc tế yêu cầu hòa bình vào thời hậu chiến, Đảng cộng sản không thể dùng chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, thậm chí còn chưa đạt được tới mức có thể giảng hòa phân giới được với Quốc dân đảng,vì thế mà phải chuyển đổi áp dụng phương thức đấu tranh dân chủ hòa bình. Việc này khiến Mao Trạch Đông hết sức tức giận. Sự thật về sau đã chứng minh, dân chủ hòa bình theo suy nghĩ của Stalin bị bế tắc, Đảng cộng sản vẫn yêu cầu thông qua chiến tranh để giải quyết vấn đề. Vì thế, Mao Trạch Đông cả đời để bụng sự can thiệp này của Stalin, đồng thời đã chỉ trích gay gắt từ tầng cấp đạo đức, gọi cử chỉ này của Stalin là “không cho phép làm cách mạng”. Nói cho đúng thì cả hai sự việc trên đều rất giống nhau. Nếu liên hệ cách làm của Chu Ân Lai trong Hội nghị Genève với cách làm của Stalin năm ấy, chúng ta sẽ phát hiện thấy, những người cộng sản thường khó khăn hơn trong việc phân biệt một cách nghiêm túc giữa mục tiêu của hình thái ý thức với cân nhắc chính sách về các lợi ích thiết thực.
Sự thành công của Hội nghị Genève năm 1954, cùng việc đề xuất Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, là một trong những tiêu chí tương đối quan trọng cho thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc mới đã từ chỗ “nghiêng hẳn” về nhấn mạnh nổi bật hình thái ý thức bắt đầu chuyển sang cân nhắc nhiều hơn về lợi ích thiết thực của quốc gia. Sau khi đã quen với lối tư duy của chủ nghĩa quốc tế, đột nhiên đặt lợi ích của quốc gia mình lên vị trí hàng đầu trong cân nhắc chính sách, thậm chí còn lấy đó để chuyển đổi làm mờ nhạt bớt màu sắc hình thái ý thức, nên có nhất thời xuất hiện những sự khó chịu và mâu thuẫn này khác cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng tiếc là, xu hướng thay đổi chính sách do Chu Ân Lai đề xướng ấy đã không thể phát triển được thuận lợi. Mấy năm sau, sau khi Mao Trạch Đông phát hiện thấy Liên Xô “không cách mạng”, sự xem xét hình thái ý thức trong chính sách đối ngoại lại dần dần chiếm vị trí chủ đạo. Tuy rút cuộc là cân nhắc hình thái ý thức nhiều hơn một chút, hay cân nhắc lợi ích thiết thực nhiều hơn một chút, trong các thời kỳ khác nhau cũng có những biểu hiện khác nhau, song chính sách đối ngoại của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ tư tưởng “phản đế” “phản xét lại” của Mao Trạch Đông ngày càng biểu hiện khuynh hướng ngoại giao cách mạng là điều không thể chối cãi. Chính trong tình hình ấy, Mao Trạch Đông thậm chí đã tán đồng một cách rõ ràng việc phủ nhận những nỗ lực hòa bình mà Chu Ân Lai đã làm tại Genève, thậm chí đã không chỉ một lần xin lỗi đảng anh em về việc mình cũng đã đồng ý giải quyết vấn đề Đông Dương bằng hòa bình vào năm đó. (Ghi chép bài nói chuyện Mao Trạch Đông gặp Đoàn đại biểu Đảng Chính phủ Việt Nam, 4.6.1963).
Tại Trung Quốc, chính sách đối ngoại lại quay về đường lối do Chu Ân Lai đề xướng vào năm 1954, tức mưu cầu ở một hạn độ lớn việc gắn kết chính sách đối ngoại với những mục tiêu thiết thực về an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia, chứ không phải là gắn kết với mục tiêu về hình thái ý thức đã được nhất trí quá bán, là sự tình sau thập kỷ 70.
(Dịch ngày 5-6-2013)
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013
nguồn:http://basam.info/2013/06/20/1850-hoa-dam-geneve-nam-1954-noi-kho-xu-cua-trung-quoc-2/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001