Đào Hiếu - Phá rừng và trồng rừng
Có anh bạn đi Trung Quốc về, nói: Hàng Châu đẹp quá. Hỏi: đẹp ở chỗ nào thì đáp: nó có nhiều rừng, rừng ở ngay trong thành phố, xanh mát, yên tĩnh. Công viên như rừng mà đường phố cũng như rừng, đặc biệt là rừng trúc.
Nhưng không phải chỉ có Hàng Châu, Singapore, Kuala Lumpur… mà cả Paris, Boston, Washington DC… đều có rừng ngay trong thành phố. Ý niệm “thành phố rừng” đã có từ lâu lắm. Khi triều đại các vua Louis bên Pháp xây dựng điện Versailles thì đó cũng là nơi rừng tiếp giáp rừng, các Sa hoàng xây Cung điện Mùa Hè ở Saint Petersburg cũng đã trồng cả những khu rừng bạt ngàn trong khuôn viên mênh mông của mình.
Đà Lạt của Việt Nam cũng là một thành phố rừng. Nhưng đó là Đà Lạt của ngày xưa, thuở người ta còn biết quý rừng, biết trân trọng từng ngọn thông, từng tán lá. Ngày nay Đà Lạt đang bị “quy hoạch” phân lô, bán nền nhà…Rừng bị đẩy lùi về phía xa, phía những dãy núi…
Nhật Ký Đỗ Thọ có kể một giai thoại: Ngày nọ, tổng thống Ngô Đình Diệm lên nghỉ mát ở Đà Lạt. Buổi sáng như thường lệ ông mở cánh cửa sổ để ngắm rừng thông thì ngạc nhiên khi nhìn thấy một khoảng trống ở cuối tầm mắt. Ông gọi điện thoại cho thị trưởng Đà Lạt. Thị trưởng sợ quá, lập tức có mặt. Vừa đẩy cửa bước vào, chưa kịp vái chào “cụ” thì cái gạt tàn thuốc đã bay thẳng vô mặt. Không dám né tránh, thị trưởng run rẩy thưa: “Bẩm cụ, cụ có điều chi dạy bảo?”. Ông Diệm hét lên: “Ai chặt rừng?!”.
Phải chi chúng ta cũng biết yêu rừng như tổng thống Ngô Đình Diệm thì hy vọng có thể cứu được Đà Lạt.
Bạn tôi là giáo viên cấp ba, sau 75 bị “mất dạy” chuyển nghề chạy xe ôm. Từ Quy Nhơn anh bạn tót lên Gia Lai kiếm sống. Ngày ngày anh chở dân buôn qua lại, dọc biên giới Campuchia, Lào. Đó là các chị buôn thuốc lá, nhu yếu phẩm, đó là các tay lâm tặc vô rừng buôn gỗ lậu, cần những tay lái gan dạ thuộc lòng các trạm kiểm lâm, luồn lách, băng rừng vượt suối vào sâu trong rừng giao dịch làm ăn với các “đối tác” sơn lâm khác.
Đồng nghiệp và cũng là đồng hương của anh là một gã hồi nhỏ bị “té vô thùng đinh” nên mặt lồi lõm trông rất ngầu. Gã có một chiếc BS tức là chiếc xe máy hiệu Bridgestone hai thì chạy xăng pha nhớt. Loại xe này rất đắc dụng đối với đường rừng hiểm trở vì nó chạy mát máy. Những tay lâm tặc có vẻ ưa chuộng gã hơn anh bạn tôi vì gã rất dày dạn và quan trong hơn: gã hiểu biết nhiều về gỗ của rừng Gia Lai, tất nhiên không phải nhờ vào trình độ văn hóa cấp hai của gã, mà nhờ đã lăn lộn với nghề cưa xẻ gỗ nhiều năm trên địa bàn này.
Các tay lâm tặc từ các nơi về Gia Lai tìm mua gỗ vừa nhờ gã đưa rước vừa nhờ gã mách nước cho chỗ nào có loại gỗ quý mà bọn họ cần mua. Ban đầu các lâm tặc chỉ trả tiền xe ôm, cộng chút ít tiền “bo”, về sau thấy gã xe ôm nọ lanh lợi quá, đắc dụng quá, thấy vai trò của gã như một cố vấn, chẳng những về nghề gỗ mà còn về cách luồn lách tránh né hoặc mua chuộc kiểm lâm nên các đại gia buôn gỗ nọ phải thỏa mãn một số yêu sách của gã, chẳng hạn như khi chở gỗ về đồng bằng, họ bằng lòng cho gã “ké” chừng 5 hoặc 10 mét khối gỗ của gã.
Nhờ khai thác nhiều đại gia như thế nên gã đã đưa ra thị trường khá nhiều gỗ mà không cần xin giấy phép gì cả. Gã trở nên giàu có. Gã từ giã nghề chạy xe ôm và trở thành một tay buôn gỗ lậu chuyên nghiệp.
Nhưng bước ngoặt đời gã bắt nguồn từ khi gã trúng đợt gỗ pơ-mu.
Pơ-mu (fokienia) là một loại gỗ rất quý hiếm, còn có tên gọi là “bách Phúc Kiến” mùi thơm, vân gỗ đẹp, nhìn bề ngoài nó rất giống gỗ thông nhưng trong khi thông là một thứ gỗ xấu, chỉ dùng làm giàn giáo, đóng bàn ghế loại bình dân thì pơ-mu là gỗ quý, không hề bị mối mọt, bền chắc, người ta dùng nó để chế tác các mặt hàng gỗ mỹ nghệ và trang trí nội thất cao cấp, ngoài ra rễ cây pơ-mu còn có tinh dầu rất quý được chưng cất dùng trong ngành hóa mỹ phẩm và trong y học. Cây pơ-mu đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 1996 vì đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Khi phát hiện ra loại gỗ này, gã đã trà trộn nó với gỗ thông và kiếm lời gấp trăm lần số vốn bỏ ra. Có thể nói gỗ pơ-mu là chiếc đũa thần đưa gã lên hàng đại gia từ đó.
Khi đã có nhiều tiền, gã loại bỏ các đối thủ như chi Tư, chị Bạch…làm bá chủ võ lâm, phô trương thanh thế, mua chuộc, cấu kết với giới cầm quyền các cấp, kinh doanh nhiều lãnh vực khác như đá granit, địa ốc…
Hệ thống ngân hàng trở thành đồng minh thân cận của gã.
Các dịch vụ của gã nghe thì to lớn, “tầm cỡ” “đẳng cấp”… nhưng thực chất là chặt rừng bán gỗ làm giàu.
Còn anh bạn giáo viên của tôi, đồng nghiệp của ngài lâm tặc kia thì nay đã trở lại nghề dạy học. Và thỉnh thoảng trong chút men rượu, anh cũng không quên “khoe” mình từng là chiến hữu của đại gia đó!
Cây đước tự mọc thành rừng trong nhiều ngàn năm. Lửa trời cũng từng đi qua trong những mùa khô hanh, đốt phá rừng. Chiến tranh cũng từng đến, bom lân tinh thiêu rụi từng mảng, rồi con người chặt cây làm nhà, hầm than, thả bè trôi về phố chợ làm vật liệu xây dựng. Nhưng những khu rừng ngập mặn vẫn tồn tại. Cây đước tự phát triển, biết cách để sinh tồn, biết sinh đẻ, nhân giống, biết xếp hàng thành rừng. Những thế hệ rừng nối tiếp, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh cũng giống như cỏ trên thảo nguyên mênh mông không ngừng sinh diệt mà vẫn tồn tại.
Cây đước già ra hoa kết trái. Trái nó dài chừng hai gang tay, mình tròn, treo lủng lẳng như những trái dưa chuột dài ốm nhách. Hàng triệu trái đước đong đưa chực chờ phía trên mặt nước, phía trên mặt bùn nhão, như một thế hệ đông đảo những cư dân mới, sẵn sàng thả mình cắm phập một đầu xuống bùn để xác định chỗ đứng, xác định sự góp mặt của mình trên mặt đất.
Từ chỗ vừa “cắm dùi” ấy, chúng sẽ lớn lên thành khu rừng mới, vươn những ngón chân dài bấu vào đất, bám trụ vững chắc như “kiền ba chân”, thân thì ngoi lên khỏi mặt nước, mọc ra những cái nhánh, phủ xanh một vùng lãnh thổ.
Mặc cho con người tàn phá, rừng vẫn tự tái tạo, vẫn sống và ôm ấp, bảo lãnh, che chở cho cả một hệ sinh thái đa diện dưới chân nó: con người, con cua, con còng, con cá. Và chim chóc, khỉ, rắn, cá sấu. Và ong.
Cũng có khi, do tham vọng, con người hối hả tàn phá rừng với tốc độ nhanh gấp mấy lần một chu kỳ sinh trưởng. Rừng hở lưng, lạnh gáy, lạnh xương sống. Rừng thấy trống trải và yếu đuối trước những cơn bão, những trận lũ quét, những mưa nguồn.
Rừng hấp hối.
Rừng Tây Nguyên cũng hấp hối. Những dãy núi chết phơi tấm da màu huyết dụ giữa trời. Con người lột da rừng, trơ ra lớp thịt bầm dập bị hun khói nám đen. Đó là những khu rừng ở Tây nguyên đã bị hỏa thiêu ngay trước mắt tôi, nằm chết khô giữa tro than và đất cằn, vụn nát.
Rừng Cà Mau cũng đang bị tàn phá theo từng thời vụ: nó đang trở thành nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cho những thành phố, nguồn than cho những khu dân cư…
Vậy mà từng ngày vẫn có những cô gái nhỏ chèo xuồng dọc theo những con nước len lỏi giữa rừng già, một tay quẫy mái chèo, một tay gom những trái đước già đang nổi trôi trên mặt nước đục.
Những chiếc xuồng lặng thầm nối đuôi nhau đi nhặt những trái đước. Những chiếc xuồng không chở trăng sao, không chở tao nhân mặc khách. Những chiếc xuồng đi nhặt sự sống của rừng, những chiếc xuồng đi gom góp một thế hệ mới cho đất.
Và sau đó là những đôi chân khẳng khiu, đen đủi, lội trong nước mặn, trong bùn sình trồng từng mầm sống xuống đất đen.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Sáu, 21/06/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130621/dao-hieu-pha-rung-va-trong-rung
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001