Bao giờ em sẽ dẫn con về thăm nhà?
Tháng 6 21, 2013
Phạm Thị Hoài
Em đến nước Đức như một dãy số không dàn
hàng ngang. Không gia đình. Không nghề nghiệp. Không bằng cấp. Không
học vấn. Không ngoại ngữ. Không một xu dính túi. Tất nhiên là không hộ
chiếu, không thị thực nhập cảnh. Không cả nhan sắc. Đến chơi nhà, tôi
còn thấy em không giỏi việc nội trợ; bồn tắm thì vương mấy cọng rau, tủ
lạnh vướng vài sợi tóc. Khi đã tàn nhẫn thì tạo hóa tàn nhẫn triệt để.
Tất cả 50 hạt trên 10 gióng của chiếc bàn tính gẩy là số phận em đều
đứng im.
Cho nên gặp lại em bốn năm sau trong một
cửa hàng bán đồ 99 xu mà em là bà chủ, tôi sững sờ. Ở đó em là nô lệ
của chính mình, từ tám giờ đến tám giờ; nhưng những người Việt tay không
đi bắt giấc mơ Đức cặm cụi mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ là bình
thường. Em đã nói được chút tiếng Đức, vừa có bằng lái và sở hữu một
chiếc xe đã chạy hơn một trăm ngàn cây số, nhưng là Mercedes. Thân hình
gầy guộc năm nào đã đẫy đà, tóc nhộm hoe vàng, lông mày xăm nâu, da dẻ
bớt mầu nắng gió Quảng Bình. Tôi đoán em cũng đã trả hết tiền vé hai
trăm triệu cho chuyến vượt biên bất hợp pháp vào Đức. Tất cả như một câu
chuyện thành đạt ngoài sức tưởng tượng. Em có quyền tự hào. Có lẽ em
cũng may mắn.
Chẳng hạn may mắn hơn một chị Nghệ An
đứng tuổi, có lẽ đã gần sáu mươi, cả ngày chực ở bãi đậu xe của một siêu
thị giấm dúi bán thuốc lá lậu. Có lần chị khoe với tôi là con trai ở
nhà vừa vào đại học. Trong vài phút, người phụ nữ ấy quên rằng mình đang
chui lủi kiếm những đồng tiền phạm pháp, nhớn nhác chạy cảnh sát, đã bị
bắt dăm bảy lần, sắp bị tòa phạt và sớm muộn cũng bị trục xuất. Chị chỉ
còn là một người mẹ đầy tự hào. Thời trẻ tôi thấy những bà mẹ suốt ngày
khoe con là lố bịch. Sau này tôi mới thấy điều đáng kiêu hãnh nhất của
cuộc đời mình là đứa con. Riêng em không thế.
Công nghệ chạy giấy tờ để trở thành
“người của nước Đức, có gì nước Đức lo cho hết”, như người Việt sang đây
bất hợp pháp ao ước, hiện nay không quá khó. Chìa khóa để đổi đời là
những đứa con. Đứa thứ nhất trên danh nghĩa có quốc tịch Đức để người mẹ
“ăn theo”. Danh nghĩa ấy theo thời giá hiện nay lên tới ba chục ngàn
Euro. Đứa thứ hai “ăn theo” mẹ và người bố lại “ăn theo” nó. Đứa thứ ba
để cấp danh nghĩa cho một người bố khác, lấy lại vốn. Giấy khai sinh của
trẻ em gốc Việt thế hệ tị nạn kinh tế ở Đức bây giờ là một mê hồn trận
với những ông bố thật và những ông bố giả chồng lên nhau. Nhưng nhiều
năm trước, em không có cơ hội đó. Chiếc chìa khóa của em mầu đen. Em
sinh con với một chàng Mozambique, công nhân hợp tác lao động ở CHDC Đức
cũ, đã nhập tịch, mà em gọi là “thằng mọi”. Khi “thằng mọi” bỏ đi với
một “con Mông Cổ mắt híp”, còn lại hai mẹ con. Em bảo giấy tờ mình xong
rồi, tiếc gì thằng Tây hôi. Về thăm gia đình em đi một mình. Em bảo đem
thằng “Oẳn tà roằn” về Quảng Bình, cha mạ ra đường không dám nhìn ai
nữa.
Tôi
đã nghĩ đến em và thằng bé da đen buồn lủi thủi, khi Barack Obama trở
thành người đàn ông quyền lực nhất thế giới, không lâu sau chuyến thăm
Berlin lần thứ nhất mùa hè năm 2008 và thủ đô nước Đức nóng rực trong
cơn sốt Yes We Can. Hôm qua tôi ghé cửa hàng của em, khi Obama
đến Berlin lần thứ hai. Tôi mất hai tiếng rưỡi đồng hồ để bò trên đoạn
đường bình thường chạy xe 20 phút. Toàn bộ thành phố bị lùa khỏi trung
tâm, để ngài Tổng thống cùng gia đình và đoàn tùy tùng hộ vệ được an
toàn chuyển động trên những đường phố Berlin đầy cảnh sát và không một
bóng dân sự. Obama diễn thuyết trước 6.000 người tại Cổng Brandenburg
thay vì trước 200.000 người tại Cột Khải hoàn như 5 năm trước. Cơn sốt
lần này nóng rực các mạng xã hội và mang tên Yes We Scan. Người gửi cho tôi đường link vào trang Obama Is Checking Your Email
tái bút ngay bên dưới: “Xóa ngay email này, trước khi tình báo Mỹ tìm
ra bạn”. Facebook và Twitter tràn đầy những hình ảnh giễu cợt ngài Tổng
thống. Ảnh một bên là J.F. Kennedy với phát ngôn bằng tiếng Đức: “Ich bin ein Berliner” (Tôi là một người Berlin) tròn 50 năm trước tại Berlin, một bên là câu của Obama: “Ich bin ein Trojaner” (Tôi là một phần mềm do thám Trojan). Một bên là hình Bức tường Berlin với câu “Mr. Gorbachev, tear down this gate!” của Tổng thống Reagan, một bên là hình bức tường rào dây kẽm gai của nhà tù Guantanamo với câu “Mr. Obama, tear down this gate!”. Một bên là M.L. King với câu “I have a dream”, một bên là câu của Obama: “I have a drone”.
Hình Obama lột mặt nạ rồi hiện ra thành Bush nhan nhản. Tại Checkpoint
Charlie, cửa khẩu nổi tiếng nhất từng ngăn Đông và Tây Berlin, những
người biểu tình giương biểu ngữ: “Your privacy ends hier” (Không gian riêng tư của quý vị chấm dứt tại đây) ngay dưới tấm bảng lịch sử “You are entering the American Sector” (Quý vị đang bước vào địa phận do Hoa Kỳ kiểm soát). Song
được truyền bá nhiều nhất là hình Obama đeo tai nghe, như diễn viên
Ulrich Mühe trên áp phích của bộ phim Đức nổi tiếng được giải Oscar Cuộc đời của người khác (Das Leben der anderen) về cơ quan mật vụ Đông Đức Stasi. Bên dưới đề: “Stasi 2.0”. Bên cạnh đề: “All your data is belong to us.” Mươi ngày trước trên tờ Guardian, ông Daniel Ellsberg, người đã tiết lộ Hồ sơ Pentagon về Chiến tranh Việt Nam bốn mươi năm trước đã đưa ra cụm từ mới: United Stasi of America.
Obama đến. Obama đi. Em không lây những
cơn sốt vừa kể. Em sắp nhượng lại cửa hàng 99 xu, mở tiệm bán hoa. Tôi
hỏi thăm, đã dẫn con về thăm nhà chưa. Em lắc.
© 2013 pro&contra
nguồn:http://www.procontra.asia/?p=2604
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001