Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Các bộ trưởng Thăng, Luận "ép" yêu nước đạt chuẩn


Phạm Thanh
Bộ trưởng Thăng cho rằng “đóng phí là yêu nước”, còn Bộ trưởng Luận dạy học sinh biết yêu thương, cứu giúp đồng loại. 

Bộ trưởng Giao thông thắp sáng tình yêu nước

Bộ trưởng Đinh La Thăng lên ngồi “ghế nóng” Bộ Giao thông vận tải từ tháng 8/2011, ngay khi lên nắm giữ cương vị mới ông đã được dư luận chú ý với nhiều hành động được đánh giá là quyết liệt, mạnh mẽ, như thay lãnh đạo dự án, nhà thầu thi công vì để xảy ra tình trạng chậm tiến độ của hàng loạt dự án giao thông, như sân bay, cầu đường…


Nhưng đấy chỉ mới là một phần rất nhỏ tạo nên “tên tuổi” Bộ trưởng Thăng, khi thực tế dư luận biết và hiểu nhiều hơn về ông chủ yếu qua các chính sách về thuế, phí, như phí bảo trì đường bộ, đề án thu phí hạn chế ô tô vào nội đô giờ cao điểm, kêu gọi đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) để thu phí cầu đường, cùng Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua lộ trình phí phương tiện qua các trạm BOT tăng 3,5 lần so với hiện nay trong giai đoạn từ nay tới năm 2016.Còn nhớ, thời điểm tháng 4/2012, khi giải thích về phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng có nói: “Đúng là nó có thể chưa hoàn toàn khách quan, chưa hoàn toàn công bằng, nhưng người đi ô tô đóng góp là sự tự hào, hạnh phúc, là yêu nước”.

Ô, ra vậy, vì theo Bộ trưởng Thăng đóng phí là yêu nước, nên ông mới nghĩ ra nhiều loại phí thế để người dân được có cơ hội yêu nước nhiều hơn, thậm chí “yêu nước chồng yêu nước”, khi đồng thời với việc thu phí bảo trì vẫn duy trì, để hoạt động hơn 30 trạm thu phí BOT. Thậm chí, thời gian từ giờ tới năm 2016 sẽ có thêm ít nhất 21 trạm thu phí BOT dọc tuyến Quốc lộ 1A (đoạn Hà Nội – Cần Thơ), còn các tuyến đường khác có hay không thì chưa rõ. Nhưng xu thế chung của Bộ GTVT là thực hiện đầu tư cho giao thông theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư và thu hồi vốn thông qua thu phí. Vì thế nên việc tiếp tục ra đời các trạm thu phí BOT là khó tránh.

Theo Bộ trưởng Thăng “đóng phí là yêu nước”, vậy có thể hiểu ai không đóng phí là người đó không yêu nước. Hiện nay tổng dân số nước ta gần 90 triệu người, tính xông xênh trong đó có một nửa (45 triệu người) là dưới 18 tuổi (chưa đủ tuổi đi xe máy, ô tô), trong khi tính hết qúy I/2013, tổng số ô tô và xe máy trên cả nước đã lên trên 39 triệu phương tiện (trong đó có hơn 2 triệu ô tô, hơn 37 triệu xe máy). Như vậy sẽ có hơn 6 triệu người đi xe đạp, đi bộ và phương tiện khác, số này không phải mất phí đường bộ, và như vậy là chắc chắn có hơn 6 triệu người này là không yêu nước, hoặc “ít yêu nước hơn những người có phương tiện để đi lại và đóng phí”.

Rồi Bộ trưởng giải thích thêm: “Thật ra không ai muốn nộp phí cả. Ai lại muốn bỏ ra khoản tiền mà lẽ ra không phải nộp. Hiện nay miền núi người dân vẫn phải bỏ tiền làm đường cùng với Nhà nước. Nên tôi nghĩ những người đi ô tô Nhà nước lo nhiều hơn, phải học tập. Đóng góp để Nhà nước làm hạ tầng là hợp lý. Đa số người có ô tô sẽ ủng hộ việc này. Vì sau đó họ đi đường tốt hơn, thuận lợi hơn, thời gian nhanh và chi phí xăng dầu ít hơn”.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, tình hình thế giới có nhiều biến động thì tình yêu nước là vô cùng cần thiết, và Bộ trưởng Thăng cùng ngành thuế vẫn tiếp túc khích lệ điều này qua phí và thuế, vì đóng thuế hay phí đều là thể hiện tình yêu nước, là quyền lợi, trách nhiệm và là nghĩa vụ của mỗi công dân.

Và tất nhiên, tình yêu nước sẽ tiếp tục được vun đắp khi chúng ta biết nhìn về những điều tốt đẹp, hướng thiện, chứ không phải chỉ sắm soi, bới móc điều xấu, cái chưa tốt, như lời nhắc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. 

Bộ trưởng Giáo dục dạy học sinh hướng thiện, biết yêu thương

Để người dân “đóng phí là yêu nước” như lời Bộ trưởng Thăng, thì đương nhiên đúng là phải hướng người dân, dư luận về những điều tốt đẹp, nhìn những cái đã làm được, chứ không phải săm soi mấy cái tiêu cực, mấy cái không hay. Và để dạy người khác có cái nhìn hướng thiện thì xem ra Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận là một người như thế.
Lâu nay, khi nói tới giáo dục, người ta nghĩ ngay tới thành tích, nào là tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp… và thực tế là như thế thật. Thậm chí, trong quy định về trường chuẩn quốc gia có cả tiêu chí tỷ lệ học sinh giỏi, khá, trung bình. Đây quả thực là những biện pháp mạnh của ngành giáo dục để giáo viên và học sinh các trường phải cùng cố gắng đạt chuẩn, vì nếu có chuẩn thì mới được đầu tư nhiều để chuẩn hơn nữa.

Hay như mới đây khi ra văn bản chỉ đạo về kỳ các kỳ thi năm 2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có). Vì theo Bộ trưởng, việc đưa thông tin tiêu cực có thể làm các em bị sốc, không làm được bài thi. Vì tiêu cực có thì nó vẫn sờ sờ ở đó, đâu có mất đi mà phải vội, đưa tin chậm 1, 2 ngày cũng đâu có sao.

Và cơ bản là ngành giáo dục có nhiều cái tốt, tại sao báo chí chỉ chăm chăm đưa tin mấy cái không tốt, mấy cái tiêu cực vốn chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, là thiểu số, ít phổ biến… trong khi có rất nhiều điều tốt đẹp khác thì lại không đưa tin. Chống tiêu cực là cuộc chiến lâu dài, nhiều biện pháp, nên theo Bộ trưởng là không thể nóng vội.

Rồi việc cho phép thí sinh mang máy quay vào phòng thi cũng là cách của Bộ trưởng chống tiêu cực, vì: “Việc quản lý hiện tại đặt trên giả thiết thầy giáo và cán bộ quản lý tốt, song thực tế vẫn có những trường hợp vi phạm. Ngược lại, thí sinh có em gian lận, vi phạm thi cử nhưng cũng có cháu trung thực, đấu tranh với cái xấu. Mình phải khích lệ, động viên mặt tích cực ấy. Như thế, lực lượng công vụ giám sát thi và ngược lại cũng bị giám sát”.

Còn những vụ việc kiểu như sách tập đánh vần in cờ Trung Quốc, sách tham khảo in thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; học tới lớp 7, 8, thậm chí đạt học sinh tiên tiến vẫn không làm nổi phép tính chia (trường THCS người dân tộc Sơ Rá, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum); học sinh lớp 3 chưa thạo đánh vần (một số trường Tiểu học ở huyện An Lão, Bình Định)… chỉ là thiểu số thôi, và là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp chứ không phải ngành giáo dục, nên quý vị đừng lấy đó làm đại diện cho ngành giáo dục nhé.
Theo Phụ nữ Today
nguồn:http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/06/cac-bo-truong-thang-luan-ep-yeu-nuoc-at.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001