Chỉ tiêu
Tháng 6 17, 2013
Chỉ tiêu
Với
tôi, cuộc nổi dậy ngày này tròn sáu mươi năm trước ở Cộng hòa Dân chủ
Đức trước hết liên quan đến hai cái tên lừng lẫy trong văn học Đức:
Bertolt Brecht và Walter Benjamin. Về người thứ nhất, tôi đã có lần viết
trong bài “Vẫn còn một lời nói sau”
(2009). Còn người thứ hai đã tự tử năm 1940, trên đường chạy nạn
Hitler. Song lịch sử vốn không màng tiết kiệm chua chát đã khiến người
ta phải nhớ đến ông, vì cái tên Benjamin nổi tiếng và cái tên Benjamin
khét tiếng. Em trai ông, bác sĩ Georg Benjamin chết trong trại tập trung
Quốc xã năm 1942 nhưng vợ là bà Giáo sư Tiến sĩ luật Hilde Benjamin trở
thành người đứng đầu nền tư pháp Đông Đức. Trước khi ngồi ghế Bộ trưởng
Tư pháp, bà chánh án tối cao được mệnh danh “Hilde sát máu” đã không
phải xấu hổ với người thày Xô-viết của mình, ông công tố tối cao Andrey
Vyshinsky trong các vụ án thanh trừng của Stalin những năm 30. Bà cần
không đầy 4 năm để ra 2 bản án tử hình, 15 bản án chung thân và 550 năm
tù trong 13 vụ án chính trị mở đầu lịch sử CHDC Đức.
Buối sáng ngày 17-6-1953, ông Ernst
Jennrich, 42 tuổi, làm việc trong một hợp tác xã ở Magdeburg, đạp xe đến
trụ sở hợp tác xã và ngạc nhiên thấy rất nhiều người tụ tập đình công
ngoài đường. Không biết thế nào là đình công và chưa bao giờ tham gia
một cuộc đình công, ông vội đạp xe đến xí nghiệp, nơi vợ ông làm việc,
kể chuyện và hỏi ở đây có đình công không. Sau này trước tòa, câu hỏi ấy
bị coi là kích động và xúi giục nổi loạn. Nghe loáng thoáng có bắn nhau
ở nhà tù, ông rủ con trai đến xem thực hư thế nào. Khi hai cha con đến,
lính canh nhà tù đã bị đám đông tước khí giới. Thấy một thiếu niên còn
cầm khẩu cạc-bin của một người lính, ông giằng lấy để ngăn cậu bé dùng
súng. Bị áp lực của đám đông, ông bắn hai phát chỉ thiên, đập gãy súng
rồi về nhà khi xe tăng Liên Xô xuất hiện. Hai hôm sau ông bị bắt, vì tội
kích động chống các cơ quan chính quyền dân chủ nhân dân, tuyên truyền
cổ vũ cho chủ nghĩa phát-xít, đe dọa nền hòa bình của nhân dân Đức, kết
hợp với tội cố ý giết người vì động cơ thấp hèn, hòng trợ giúp một hành
vi tội phạm khác.
Phiên tòa ngày 25-8-1953 tại Magdeburg
chỉ có thể kết án ông tù chung thân vì tội kích động bạo loạn chống
chính quyền, vì không đủ chứng cứ quy cho ông tội giết một người lính
canh tù, theo cáo trạng. Đến đây, bà Bộ trưởng Tư pháp, em dâu của tác
gia Walter Benjamin mà tôi yêu mến, xuất hiện. Chính bà chỉ đạo cho Viện
Công tố kháng nghị. Chỉ tiêu của nền tư pháp Đông Đức cho vụ bạo loạn
này là 2 án tử hình. Sáu tuần sau, theo yêu cầu của Tòa án Tối cao, cũng
hội đồng xét xử của Tòa án địa phương Magdeburg từng kết án Ernst
Jennrich tù chung thân đã mở tiếp một phiên tòa kéo dài 15 phút, không
có thêm một tình tiết mới nào, và tuyên án tử hình. Năm tháng sau, ông
bị xử tử bằng máy chém.
Cần
phải nói thêm là sau khi cuộc nổi dậy bị đập tan, Bộ trưởng Tư pháp đầu
tiên của CHDC Đức, ông Max Fechner, lên tiếng trên tờ báo của Đảng, tờ Nước Đức mới,
bảo vệ quyền đình công của người lao động như chính luật pháp của CHDC
Đức quy định và phản đối việc truy tố những người đã tham gia đình công .
Ngay lập tức, ông bị quy là kẻ thù của Đảng và Nhà nước, tước mọi chức
vụ, khai trừ khỏi Đảng và tống giam với bản án 8 năm tù không kể 2 năm
tạm giam. Người kế nhiệm ông, không ai khác, là bà Hilde Benjamin. Thành
tích của bà ở cương vị mới là 12000 người liên quan đến cuộc đình công
ngày 17 tháng Sáu bị bắt giữ, 1600 người bị kết án, trong đó có 2 án tử
hình, 3 án chung thân, 13 án tù 10-15 năm, 99 án tù 5-10 năm, 824 án tù
1-5 năm, còn lại dưới 1 năm. Chỉ tiêu đã hoàn thành.
*
Bao nhiêu năm tháng tù cho những blogger
Việt Nam vừa bị bắt trong những ngày qua – Trương Duy Nhất, Phạm Viết
Đào, Đinh Nhật Uy – và bao nhiêu nữa thì đủ chỉ tiêu của nền tư pháp
chuyên chính vô sản Việt Nam, tôi không biết. Chi tiết cuối cùng tôi
muốn kể về vụ án Ernst Jennrich tròn 60 năm trước cũng trong một đất
nước chuyên chính vô sản là đơn từ chức của một hội thẩm nhân dân. Ngày
6-10-1953, ông Fritz Ringenberg, hội thẩm tại Tòa Hình sự I b Huyện
Magdeburg gửi đơn sau đây đến tòa:
“Trong cuộc họp và biểu quyết của
Tòa Hình sự hôm nay về quyết định của Tòa án Tối cao nước CHDC Đức ngày
8-9-1953 đề nghị kết án tử hình bị cáo Ernst Jennrich, tôi không thể bỏ
phiếu tán thành, vì lương tâm không cho phép tôi định đoạt mạng sống của
một con người, nhất là khi lời khai của các nhân chứng theo tôi là có
những mâu thuẫn đáng kể và bản thân bị cáo cho đến ngày hôm nay hoàn
toàn không thừa nhận hành vi tội phạm.”
Hành động ấy thật là lẻ loi, vô ích, dại
dột hay thậm chí là ngu ngốc, theo cách nhìn của đám đông đương thời,
song phải nghiêm túc sống với lương tâm của mình tới mức nào người ta
mới đủ sức quyết định như vậy, dưới thời một “Hilde sát máu”.
Một năm sau ngày nước Đức thống nhất, Tòa án Halle khôi phục vụ án và xử Ersnt Jennrich trắng án. Vụ án của ông được dựng thành kịch
và bia tưởng niệm ông đặt ở Magdeburg. Bà Hilde Benjamin không chứng
kiến bước ngoặt này của lịch sử. Hưởng mọi vinh quang và phần thưởng
danh giá nhất của CHDC Đức, bà mất tháng Tư năm 1989, thọ 87 tuổi. Bảy
tháng sau Bức tường Berlin sụp đổ.
© 2013 pro&contra
nguồn:http://www.procontra.asia/?p=2584
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001