Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Giáp Văn Dương - Bạn nghiện Internet tới mức nào? 


Giáp Văn Dương

Chứng nghiện Internet (1), một dạng cụ thể của chứng nghiện công nghệ mà một phiên bản dễ thấy nhất là cơn say lướt Facebook, là một trong những vấn đề thời sự ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo.
Tuy nhiên, nghiện Internet có tương tự các chứng nghiện đã được biết đến như nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy?

Nhiều quốc gia đã thừa nhận hội chứng nghiện Internet là nguy cơ tàn phá sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ - Ảnh: Tự Trung

Hội chứng nghiện Internet được đề xuất lần đầu tiên năm 1995 bởi Ivan Goldber khi ông mô tả chứng nghiện đánh bạc theo các tiêu chuẩn của Sổ tay thống kê và chẩn đoán các bệnh tâm thần (2), phiên bản 4 (DSM-4).
Có chăng chứng nghiện Internet?
Cùng với sự phát triển của công nghệ băng thông rộng và sự phổ cập của Internet, truyền thông đại chúng đề cập đến chứng nghiện Internet ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó có phải là một chứng nghiện hay không thì đến nay vẫn chưa thống nhất.
Năm 2006, Hiệp hội Y khoa Mỹ (American Medical Association) đã từ chối việc khuyến nghị Hiệp hội Tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association) đưa chứng nghiện Internet vào Sổ tay thống kê và chẩn đoán các bệnh tâm thần, phiên bản 5 (DSM-5). Cuốn sổ tay này vừa được công bố ngày 22-5-2013. Trong đó, tuy bị từ chối là một bệnh nghiện chính thức, nhưng Hiệp hội Tâm thần Mỹ vẫn đưa chứng nghiện Internet vào phần phụ lục với hàm ý đây là vấn đề đáng quan tâm, cần nghiên cứu tiếp. Tuy nhiên, chứng nghiện Internet vẫn là một chủ đề được giới chuyên gia lưu ý bàn thảo (3).
Với một số nước châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc thì chứng nghiện Internet được coi là một hiện tượng thực tế đáng lo ngại, không cần phải bàn cãi, nhất là khi ngày càng có nhiều thanh thiếu niên vì mải mê chơi trò chơi trực tuyến (4) đến mức chết tại chỗ trong quán Internet. Với Hàn Quốc, chứng nghiện Internet thậm chí còn bị xếp thành một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất về sức khỏe cộng đồng (5).
Theo thống kê, ngay từ năm 2006, Hàn Quốc đã có 210.000 trẻ em tuổi từ 6-19 bị mắc chứng nghiện Internet và cần điều trị. Trong số đó, 20-24% số trẻ này cần phải được điều trị trong bệnh viện. Ngoài ra, do chơi điện tử nhiều, lên đến 23 giờ/tuần, nên 1,2 triệu học sinh Hàn Quốc cũng có nguy cơ bị nghiện Internet và cần được tư vấn ở cấp độ cơ bản. Đến tháng 6-2007, Hàn Quốc đã huấn luyện 1.043 chuyên gia tư vấn để làm việc trong 190 trung tâm và bệnh viện điều trị chứng nghiện Internet.
Tại Trung Quốc, tình hình cũng đáng lo ngại ở mức tương tự. Theo báo cáo, năm 2007 có khoảng 10 triệu thanh thiếu niên Trung Quốc mắc chứng nghiện Internet, ứng với khoảng 13,7% thanh thiếu niên sử dụng Internet.
Các nghiên cứu khác cho thấy với đại chúng, tỉ lệ người có dấu hiệu nghiện Internet vào khoảng 6-15%. Với học sinh sinh viên, tỉ lệ này lên đến 13-18,4% (6). Như vậy, có thể ước lượng sơ bộ tỉ lệ người nghiện Internet trung bình là khoảng 10% số người sử dụng.
Số người sử dụng Internet ở Việt Nam tính đến tháng 11-2012 lên đến hơn 31 triệu người (7). Tuy chưa có nghiên cứu thống kê nhưng nếu tỉ lệ người có triệu chứng nghiện Internet tính ở mức thấp nhất là 6% thì tỉ lệ người có triệu chứng nghiện Internet lên đến 1,8 triệu người. Một con số đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể có tình trạng nhiều người dùng chung một máy tính nên tỉ lệ người nghiện Internet sẽ ít hơn. Để làm rõ tình trạng này cần thiết phải có một điều tra xã hội học nghiêm túc trước khi đưa ra những kết luận chắc chắn.
Các hình thức nghiện phổ biến
Chứng nghiện Internet biểu hiện ở rất nhiều hình thức khác nhau. Một trong số các hình thức đó có thể được liệt kê dưới đây:
  • Nghiện trò chơi điện tử trực tuyến (game online).
  • Nghiện các nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng.
  • Nghiện đánh bạc, mua sắm trên mạng.
  • Nghiện nhắn tin và tán gẫu trên mạng.
  • Nghiện lang thang vô định trên mạng.
  • Nghiện tìm kiếm và đọc những nội dung không cần thiết.
Mô hình bệnh lý
Để giải thích nguyên nhân gây ra chứng nghiện Internet, cần thiết phải đưa ra một mô hình bệnh lý. Về đại thể, mô hình này có thể chia thành ba loại chính như sau (8):
1. Mô hình nhận thức - hành vi
Theo mô hình này, việc lạm dụng Internet là do nhận thức lệch lạc dẫn đến hành vi cũng lệch lạc theo, như chơi game online (trò chơi trực tuyến) quá mức, đánh bạc, truy cập các nội dung đồi trụy quá nhiều… tạo ra chứng nghiện Internet. Vì thế, điều trị chứng nghiện Internet trong trường hợp này sử dụng lý thuyết nhận thức - hành vi, theo đó nhấn mạnh việc sử dụng Internet có kiểm soát, và cho rằng chính suy nghĩ, nhận thức sẽ tạo ra cảm xúc, vì thế cần phải xác lập nhận thức đúng trước hết.
Việc điều trị chứng nghiện Internet theo cách này có những đặc điểm rất gần với một số quan niệm của nhà Phật như chánh kiến, chánh niệm, chánh tư duy. Vì thế, có thể vận dụng những quan điểm gần gũi này của văn hóa Phật giáo truyền thống để giúp người nghiện Internet điều chỉnh hành vi của mình.
2. Lý thuyết bù trừ
Theo lý thuyết này, người dùng Internet cảm thấy được bù đắp những khiếm khuyết ở ngoài đời thực, đặc biệt là với giới trẻ. Chẳng hạn, áp lực học hành nặng nề và đặc biệt là hệ thống thi cử, đánh giá tài năng chỉ dựa trên điểm số đã làm giới trẻ mệt mỏi và tìm kiếm sự khẳng định mình trên thế giới ảo. Ngoài đời, một trẻ có thể nhút nhát, ít bạn, hay bị trêu chọc, điểm số kém, nhưng trên thế giới ảo, cậu ta có thể là một game thủ có tiếng và được vị nể.
Ngay cả người lớn cũng có xu hướng dùng thế giới ảo để tìm kiếm cảm giác bù đắp những thất bại hoặc trốn tránh các khó khăn thực ngoài đời. Việc kết bạn, giao lưu, khẳng định mình trên mạng cũng dễ dàng hơn so với ngoài đời thực. Vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm sự thừa nhận mình trên mạng thì việc trốn tránh cuộc đời thực bằng cách sống trong thế giới ảo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng nghiện Internet.
Theo mô hình này, cách thức điều trị tốt nhất là khuyến khích các hoạt động thực ngoài đời, giao lưu thực, bình tĩnh giải quyết các khó khăn thực, đặc biệt phải cải tiến hệ thống đánh giá năng lực, thay vì chỉ sử dụng một tiêu chuẩn giản đơn như điểm thi hay tiền bạc. Cần hình thành một cách thức đánh giá năng lực cởi mở và toàn diện hơn cho xã hội.
3. Mô hình tâm lý thần kinh
Theo mô hình này thì chứng nghiện Internet liên quan trực tiếp đến các vấn đề về tâm lý và thần kinh. Cụ thể, động cơ nguyên thủy của con người là tìm kiếm hạnh phúc, khoái cảm và lảng tránh khổ đau. Động cơ nguyên thủy này có thể cùng với các động cơ phối kết khác, như mong muốn khẳng định mình, là một trong các thôi thúc người ta bước vào sử dụng Internet.
Khi sử dụng Internet thì hệ thần kinh được kích thích và người dùng có trải nghiệm khoái cảm. Nhưng khi nghiện, khoái cảm này sẽ trơ dần, dẫn đến thôi thúc tái sử dụng ở mức độ cao hơn. Dần dà, điều này gây ra cảm giác “vật vã” khi không được sử dụng Internet, với những biểu hiện cụ thể như: bồn chồn, mất ngủ, cảm xúc bất ổn định, dễ bực bội, cáu kỉnh... Những điều này sẽ tích tụ và chuyển thành các phản ứng tiêu cực của người nghiện Internet như nhận thức sai lệch, dữ tợn, thù nghịch, đổ lỗi...
Và để giải tỏa các phản ứng tiêu cực này cũng như hệ lụy của nó mang lại, người ta lại tăng cường sử dụng Internet để trốn tránh, để tìm lại cảm giác thỏa mãn, để xác lập giá trị của mình trong thế giới ảo. Vòng xoáy cứ như vậy tiếp tục làm người nghiện ngày càng khó bứt ra khỏi thế giới mạng.
Bạn có nghiện Internet không?
Sau khi đã đọc hết những nội dung trên thì đây là câu hỏi mà bạn phải đối diện một cách trung thực: bạn có nghiện Internet không?
Nếu có đầy đủ các biểu hiện sau thì bạn có thể bị coi là đã nghiện Internet:
  • Lạm dụng: thường gắn kèm với việc mất cảm thức về thời gian, thậm chí quên cả nhu cầu cơ bản như ăn, uống, vệ sinh…
  • Biểu hiện “vật vã”, như giận dữ, căng thẳng, thậm chí trầm cảm khi không được sử dụng Internet.
  • Mức độ sử dụng tăng, biểu hiện qua tăng thời gian dùng Internet, nhu cầu về máy tính mạnh hơn, cần phần mềm nhiều tính năng hơn.
  • Hậu quả tiêu cực như tranh cãi, nói dối, thành tích học tập/làm việc kém, tách rời xã hội, mệt mỏi thường xuyên…
Thay lời kết
Đến nay tuy chưa có một thống nhất chính xác giữa các nhà nghiên cứu về chứng nghiện Internet, nhưng những hậu quả của việc lạm dụng Internet đến sức khỏe sinh học và tâm thần, năng suất lao động, chất lượng công việc, cuộc sống gia đình, quan hệ xã hội… là có thực. Nhiều quốc gia đã hiển nhiên thừa nhận hội chứng nghiện Internet là một trong những nguy cơ tàn phá sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ.
Vì thế hãy sử dụng Internet một cách thông minh để nâng cao năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống, thay vì bị nó nuốt chửng và tàn phá cuộc đời bạn.
(1): Internet addiction disorder
(2): Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders
(3): Issues for DSM-V: Internet Addiction. Am. J. Psychiatry 165:3, March 2008
(4): Game online
(5): Ahn DH: Korean policy on treatment and rehabilitation for adolescents’ Internet addiction, in 2007 International Symposium on the Counseling and Treatment of Youth Internet Addiction. Seoul, Korea, National Youth Commission, 2007, p 49.
(6): Kimberly S. Young, Cristiano Nabuco de Abreu, Internet Addiction: A Handbook and Guide to Evaluation and Treatment, JohnWiley & Sons, Inc. 2010.
(7): http://www.thongkeInternet.vn
(8): Kimberly S. Young, Cristiano Nabuco de Abreu, A Handbook and Guide to Evaluation and Treatment, JohnWiley & Sons, Inc. 2011.

nguyen_y_van gửi hôm Thứ Năm, 20/06/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130620/ban-nghien-internet-toi-muc-nao
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001