Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Hương Lan - Tự tin với dự án phim từ tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn 


Hương Lan thực hiện

SGTT.VN - Một sự trùng hợp thú vị, trong khi chúng tôi khởi đăng loạt bài về Tự lực văn đoàn thì các tác phẩm nổi bật của nhóm như: Gánh hàng hoa, Thừa tự, Hồn bướm mơ tiên… cũng đang được chuyển thể thành kịch bản phim, sẵn sàng lên trường quay. Bất ngờ là, đạo diễn Trần Lực, tác giả của dự án phim Tự lực văn đoàn, lại chính là cháu nội của nhà văn Trần Tiêu.

Đạo diễn Trần Lực. Ảnh: Hi Lam

Nếu nói dự án phim xuất phát từ con mắt nhạy bén của một đạo diễn, thì cơ sở nào để anh tin rằng, những câu chuyện của một thời xa xưa vẫn có hấp lực với khán giả thời nay?

Hãy nói về cảm nhận của tôi, với tư cách một đạo diễn và một khán giả thời nay nhé! Tôi thích đưa các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn lên phim không chỉ vì đó là “của gia bảo”, mà còn bởi các cụ ngày xưa viết hay quá! Đến giờ đọc lại, từ văn phong cho tới câu chuyện vẫn khiến tôi rung cảm, và thấy rất hiện đại. Truyện của các cụ đầy ắp hình ảnh. Cấu trúc chặt chẽ. Tính cách nhân vật sắc nét. Những vấn đề, những số phận được khắc hoạ trong đó, ở thời nào cũng có, vậy nên nó luôn giữ được màu sắc hiện đại, chẳng hạn như: Những người phụ nữ hy sinh đến tận cùng cho chồng con (Chồng con – Trần Tiêu), những con người lơ lửng trong ảo mộng (Gánh hàng hoa – Khái Hưng), những rạn nứt liên quan đến gia sản (Thừa tự – Khái Hưng)… Đặc biệt, khi cần phê phán, các cụ luôn đi vào những thói hư tật xấu vốn là bản chất nên câu chuyện luôn mới, dù ở thời nào. Cái tôi thích nhất là những mâu thuẫn, xung đột của nhân vật, của câu chuyện, vốn đang rất thiếu ở tiểu thuyết và phim ảnh Việt Nam hiện tại, được các cụ đẩy đến tận cùng bằng một cái nhìn khách quan và hồn nhiên. Đây là điểm khiến bất cứ đạo diễn nào cũng thêm phần tự tin, rằng mình sẽ làm ra một bộ phim hay!

Anh chọn Gánh hàng hoa của nhà văn Khái Hưng là tác phẩm “khai máy” cho dự án.* Có lý do gì đặc biệt không?

Vì đấy gần như là tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn Khái Hưng, cũng là tác phẩm đầu tiên tôi đọc của cụ, và lần nào đọc lại cũng thấy rung động. Chắc chắn tôi giữ nguyên tinh thần của truyện. Các tình tiết chính cũng vậy, vì cấu trúc truyện quá vững, không thể thay đổi được gì. Chỉ có thể phát triển câu chuyện thêm một chút cho phù hợp với tính chất phim ảnh và độ dài 30 tập. Một tác phẩm khác của cụ Khái Hưng, chắc chắn tôi sẽ dựng phim nhựa, là Hồn bướm mơ tiên. Khái Hưng viết tiểu thuyết này, tôi nghĩ, phải lao lực khủng khiếp. Nó khác hẳn những cuốn tiểu thuyết khác của Tự lực văn đoàn. Nó có chất hư ảo, đúng ra là hư hư thực thực rất hấp dẫn. Quan điểm về tình yêu cũng rất lạ, có gì đó tạo cảm giác chơi vơi. Tôi đọc cuốn này khi còn bé, và phải đọc đi đọc lại mấy lần mới hiểu được nội dung cũng như một phần tư tưởng của cụ.

Trước đây, đã có một vài đạo diễn dựng phim từ tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, nhưng đều chưa thành công. Anh định tái hiện cuộc sống thời xưa theo cách “nguyên trạng” hay cải biên nó theo hướng hấp dẫn khán giả thời nay?

Tôi nghĩ, cuộc sống ngày xưa có thể chậm rãi hơn ngày nay, nhưng các cụ ta ngày xưa đâu có rề rà quá mức thế. Và, đâu phải cứ làm phim cổ trang, phim về thời trước là mạch chuyện phải thật khoan thai. Thế nên, tôi chỉ định truyền tải tinh thần của truyện thôi. Mà thực ra, tiết tấu của truyện nhanh lắm đấy! Không phải bỗng dưng tôi mời đạo diễn Hà Sơn chuyển thể kịch bản Gánh hàng hoa. Anh ấy tiếp xúc nhiều, đọc rất nhiều, đặc biệt, có những sáng tạo và cách tư duy rất lạ. Cái tôi muốn là một bộ phim về thời xa xưa phải hấp dẫn được khán giả của ngày hôm nay. Và đạo diễn, chắc chắn phải là một gương mặt trẻ. Nếu tôi không trực tiếp đạo diễn phim Gánh hàng hoa thì cũng sẽ mời một người thậm chí còn ít tuổi hơn tôi.

Không ít người phỏng đoán, với dự án này, chưa tính áp lực thị trường, chỉ riêng áp lực từ dòng họ và truyền thống gia đình thôi cũng đủ khiến anh trầy trật…?

Nói thật, tôi chỉ có một áp lực, đó là bối cảnh phim và lời thoại. Với tôi, cái thời xa xưa của cụ, của bà, của bố, không hề xa lạ. Nhiều khi, tôi còn có cảm giác như mình đã được sống trong những ngày tháng ấy. Bởi thế, khi làm phim Gánh hàng hoa, tôi không bị áp lực về chuyện mình làm đúng hay sai. Tôi rất tự tin vào cảm nhận của mình, và tự tin cả về sự hiểu biết của mình về một thời đã xa ấy.

HƯƠNG LAN (THỰC HIỆN)

* Tiểu thuyết Gánh Hàng Hoa do Nhất Linh và Khái Hưng viết chung (chú thích của DĐTK).
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/huong-lan-tu-tin-voi-du-phim-tu-tieu.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001