Khi đất đai là gắn bó máu thịt
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-06-19
2013-06-19
Đền bù cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất và vai trò sở hữu đất đai một lần nữa lại được đem ra mổ xẻ tại phiên thảo luận dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hôm 17/6. Các vấn đề khác như Nhà nước cần bồi thường nếu cưỡng chế sai hay thu hồi đất phải an dân cũng được các đại biểu nhấn mạnh.
Với các nội dụng thảo luận quan trọng về dự thảo Luật đất đai sửa đổi, chương trình được truyền hình và truyền thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi, trong đó có đến 21 ý kiến phát biểu liên quan.
Quyền sở hữu và sử dụng đất?
Theo báo cáo trình trước Quốc hội, có gần 7 triệu lượt ý kiến nhân dân góp ý dự thảo luật đất đai sửa đổi và khẳng định sự đồng tình với quy định “sở hữu toàn dân,” thế nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) lại tỏ rõ sự băn khoăn khi ông nhấn mạnh rằng, khi tiếp xúc với cử tri thì đa số nhân dân lại đề nghị quyền sở hữu về đất ở, không giống với những gì mà báo cáo tổng hợp.Ông Thuyền khẳng định “báo cáo tổng hợp nói đa số nhân dân đồng tình, nhưng theo tôi không phải như thế. Chúng ta viết như thế hơi chủ quan, bởi đa số nhân dân người ta muốn sở hữu về đất ở, chứ không phải như chúng ta tổng hợp đâu.”
Ông Thuyền cũng phân tích rất thẳng thắn rằng nếu đất đai là sở hữu toàn dân, thì hãy trưng cầu dân ý xem nhân dân có đồng ý vấn đề này hay không, vì người dân là người có quyết định. Quan điểm của ông Thuyền được dư luận đánh giá cao, tuy nhiên xem chừng như xa vời, bởi thực tế Việt Nam không có luật trưng cầu dân ý, mặc dù nguyên tắc trưng cầu dân ý có được đề cập đến trong Hiến pháp.
Có lẽ vì không có sự phân định rõ ràng giữa quyền sở hữu Nhà nước và cá nhân về đất đai mà bấy lâu nay những vụ biểu tình của người dân ở các địa phương khi bị trưng thu đất cho các mục đích kinh tế, thương mại vẫn là những nhức nhối trong xã hội. Lý do căn bản nhất nằm tại khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân,” Nhà nước là người chủ đại diện, còn người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà thôi.
Theo Hiến pháp năm 1959, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thừa nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người nông dân, chỉ có “đất hoang” mới thuộc “sở hữu toàn dân.” Thế nhưng sau vài lần sửa đổi, Hiến pháp năm 1980 đột nhiên xuất hiện khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai.
Giải thích của L.S Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam khái niệm này ra đời do ý kiến chủ quan của một vài lãnh đạo thời điểm đó, chứ không dựa trên bất kỳ một nền tảng khoa học nào cả.
Những kẽ hở của Luật đất đai
Trong một lần trao đổi với chúng tôi trước đây, đại biểu QH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) nhận định:“Mặt tiêu cực của việc công hữu đất đai là mang lại lợi ích cục bộ cho một nhóm người và đồng thời mang lại thiệt thòi cho một nhóm người khác, nhất là người nghèo, tạo ra những bất công xã hội. Trong thời gian vừa rồi thì không ai giàu lên mà không dính đến đất đai: từ những doanh nghiệp cho đến những quan chức nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đất đai. Nếu nói về khía cạnh ấy thì đúng là luật đất đai đang tạo kẽ hở cho một nhóm người.”
Cũng bởi luật đất đai đang tạo kẽ hở và gây ra những bất công xã hội, mà số liệu thống kê, từ năm 2003 đến 2011 cho thấy lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tăng bình quân gần 70% mỗi năm và trong số đơn thư khiếu nại gửi lên các cấp chính quyền thì có đến gần 80% liên quan đến thu hồi hoặc đền bù về đất đai.
Mặt tiêu cực của việc công hữu đất đai là mang lại lợi ích cục bộ cho một nhóm người và đồng thời mang lại thiệt thòi cho một nhóm người khác, nhất là người nghèo, tạo ra những bất công xã hội. Trong thời gian vừa rồi thì không ai giàu lên mà không dính đến đất đai: từ những doanh nghiệp cho đến những quan chức nhà nướcTrong kỳ họp QH đang diễn ra bàn về luật đất đai sửa đổi, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần phải gắn thu hồi đất đai và vấn đề an dân vì lòng dân chưa thuận sẽ còn tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai. Riêng về vấn đề thu hồi đất đai, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Dak Nông) đề nghị Nhà nước chịu trách nhiệm đa dạng hình thức và tiền bồi thường cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất.
Đại biểu Dương Trung Quốc
Một vấn nạn khi bị thu hồi đất, ngoài chuyện đền bù không thỏa đáng, người mất đất còn mất luôn cả nguồn thu nhập thường xuyên, thậm chí có trường hợp không có chỗ tái định cư, vì thế, số dân oan mất niềm tin vào chế độ ngày càng tăng.
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khi phân tích vai trò của sở hữu tư nhân về đất đai và những bất cập khi thu hồi đất, bà cho biết:
Ai cũng vậy, khi họ gắn bó máu thịt với cái sở hữu của họ thì họ sẽ phải tìm mọi cách để làm sao khai thác cho phần đó mang lại lợi ích lớn nhất cho họ và chính họ, họ sẽ bảo vệ được quyền lợi của họ trên đó, tránh được những tình trạng hiện nay như trong nhiều trường hợp đất đai mang danh sở hữu nhà nước cho nên một số chính quyền địa phương thường hay lạm quyền thu hồi đất của người nông dân một cách vô tội vạ, một cách rất rẻ và lại cung cấp lại cho doanh nghiệp hoặc cho những người thân quen, rồi sau đó, người ta lại bán lại theo giá rất đắt và đẩy không biết bao nhiêu gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng.
Ai cũng vậy, khi họ gắn bó máu thịt với cái sở hữu của họ thì họ sẽ phải tìm mọi cách để làm sao khai thác cho phần đó mang lại lợi ích lớn nhất cho họ và chính họ, họ sẽ bảo vệ được quyền lợi của họ trên đó
Bà Phạm Chi Lan
Để giải quyết những thách thức trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phân tích cần phải giải quyết thỏa đáng, đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho quyền lợi của ba chủ thể: người sử dụng đất, nhà đầu tư và chính quyền nơi thực hiện dự án về thu hồi đất; ngoài ra, Nhà nước cũng có trách nhiệm bồi thường nếu cưỡng chế sai.
Bên cạnh câu chuyện đền bù đất phải thỏa mãn đúng giá thị trường, dựa trên đúng mục đích sử dụng đất thì việc có lẽ mấu chốt cuối cùng chính là công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau.
Tôi rất tiếc là trong bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn khuynh hướng duy trì quyền sở hữu của Nhà nước về đất đai, tôi là một trong những người đã có đề xuất khi sửa đổi luật đất đai, nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau. NN nền cần chấp nhận một loại hình sở hữu tư nhân cho đất đai, thí dụ như của nông dân, vì VN vẫn là một nước vẫn dựa rất nặng vào nông nghiệp, nông dân là một lực lượng rất lớn trong xã hội, kể cả trong lực lượng lao động của VN. Vì thế tôi rất thiên về hướng công nhận sở hữu tư nhân về đất đai cho nông nghiệp hoặc cho mục đích canh tác.
Ngoài ra, bà Lan cho rằng Nhà nước vẫn cần thiết phải duy trì quyền sở hữu đối với một số loại đất đai thuộc sử dụng công, thí dụ như đất dùng cho các mục đích quốc phòng, an ninh hay các công trình công cộng…
Chúng tôi xin được mượn lời của vị chuyên gia kinh tế này để làm phần kết cho bài mình: nếu VN chấp nhận một hình thức đa dạng hơn về sở hữu cho đất đai thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho các tầng lớp nhân dân khác nhau, cũng như cho sự phát triển của đất nước, đó là cách tốt nhất để đất đai được sử dụng hiệu quả nhất.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/wh-lan-proper-a-mst-thin-06192013131516.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001