Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Không cần thiết thì nên bỏ 


 
Chiến Thắng 
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, khi thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một số đại biểu băn khoăn, nếu không hiến định rõ “vai trò của kinh tế nhà nước là chủ đạo” thì sẽ không khẳng định được “vai trò chủ đạo của Nhà nước trong điều tiết nền kinh tế”.


Những người đề nghị bổ sung “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” đưa ra lập luận rằng, có như vậy mới khẳng định được “tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”; hay có vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước mới “bảo đảm sự hài hòa và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tức là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”...

Có thể thấy những lập luận trên chưa thuyết phục. Về lý thuyết, khó có thể có sự cạnh tranh và bình đẳng trước pháp luật nếu quy định thành phần kinh tế này chủ đạo và ưu tiên hơn thành phần kinh tế khác. Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã chứng minh rằng hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước đang có rất nhiều vấn đề. Còn trong lịch sử kinh tế thế giới cũng chưa thấy một nền kinh tế nào phát triển đạt tới trình độ cao mà dựa trên nền tảng chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết phải là một nền kinh tế thị trường đầy đủ mà trong đó các quan hệ kinh tế, phân phối sản phẩm, lợi ích đều do các quy luật thị trường điều tiết, chi phối. Thuộc tính căn bản nhất mà chúng ta không thể chối bỏ đó là tự do cạnh tranh.

Không ai phủ nhận Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, chi phối nền kinh tế và định hướng nền kinh tế. Nhưng Nhà nước không sử dụng và phát huy vai trò đó thông qua kênh chủ đạo là “kinh tế nhà nước”, mà chủ yếu thông qua cơ chế và chính sách.

Chẳng hạn, theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế cần được khuyến khích nhằm phát huy lợi thế so sánh của vùng miền nào đó để tối đa hóa hiệu quả đầu tư, đảm bảo phát triển cân bằng và hài hòa giữa các vùng miền. Khi kinh tế gặp khó khăn, Nhà nước tăng chi đầu tư để kích thích nền kinh tế; sử dụng nguồn lực vật chất để tái phân phối thu nhập trong nền kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa, cân bằng giữa các vùng miền và các tầng lớp, đối tượng trong xã hội...

Trong những năm qua, quy định “kinh tế nhà nước là chủ đạo” không hề tạo ra hay phản ánh đặc trưng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), một nền kinh tế có cạnh tranh lành mạnh, các nguồn lực được phân phối hợp lý, hiệu quả cao thì Nhà nước sẽ có điều kiện thực hiện chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, diện chính sách một cách tốt nhất.

Chưa kể, chúng ta đang trong quá trình đàm phán để gia nhập các hiệp định thương mại tự do với các nước, để hội nhập với cộng đồng kinh tế khu vực và thế giới, trong suốt quá trình đó, chúng ta phải thuyết phục các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Vì vậy, nếu trong Hiến pháp khẳng định “kinh tế nhà nước là chủ đạo” thì điều này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam khi bước ra thế giới.

Hiến pháp là luật gốc, đạo luật cơ bản nhất của một quốc gia, vì vậy những nội dung “không nên, không cần thiết” (nói như đại biểu Vũ Viết Ngoạn) cần phải được loại bỏ.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
nguồn:http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/06/khong-can-thiet-thi-nen-bo.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001