Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Lòng tin và sự xấu hổ 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn trong phiên họp khai mạc cuộc họp Shangri-La bàn về an ninh khu vực Đông Nam Á, ngày 31/5/2013.Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn trong phiên họp khai mạc cuộc họp Shangri-La bàn về an ninh khu vực Đông Nam Á, ngày 31/5/2013.

Nhân nhắc đến khái niệm lòng tin chiến lược trong bài nói chuyện của ông Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta thử bàn về chuyện lòng tin trong chính trị nói chung. Nói đến lòng tin, ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào sự tin cậy (trust, chứ không phải faith hay belief) và chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị đối nội, trong nội bộ một quốc gia.

Trước hết, hầu như ai cũng biết sự tin cậy là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mọi người có thể sinh hoạt chung với nhau trong xã hội, từ phạm vi nhỏ và riêng tư nhất là gia đình và bạn bè đến những phạm vi lớn hơn như các cơ sở làm ăn buôn bán hoặc các đoàn thể và cuối cùng, sinh hoạt chính trị trong cả nước. Nền tảng của cái gọi là đạo đức công dân, thật ra, là vấn đề tin cậy: mình tin người khác và làm cho người khác tin mình bằng cách, trước hết, tự mình làm cho mình đáng tin cậy. Nền tảng của dân chủ, nghĩ cho cùng, cũng là sự tin cậy: tin cậy vào thiện chí của người khác và vào quyết định của đa số (biểu hiện cụ thể nhất là qua các lá phiếu).

Trong chính trị đối nội, lòng tin có ba loại: tin vào các nhà lãnh đạo, tin vào các tổ chức công quyền và tin vào cơ chế.

Trong các tổ chức công quyền, nổi bật nhất là lập pháp (tập trung vào Quốc hội - ở một số nước, có hai hình thức chính Thượng viện và Hạ viện), hành pháp (tập trung vào phủ Tổng thống và/hoặc văn phòng Thủ tướng) và tư pháp (qua hình ảnh của toà án cũng như công an). Ranh giới giữa lòng tin vào các nhà lãnh đạo và các tổ chức công quyền không hoàn toàn rạch ròi: Ở các cơ quan hành pháp, người ta có khuynh hướng nhìn vào người lãnh đạo cao nhất (tổng thống hoặc/và thủ tướng); còn ở các cơ quan khác, từ lập pháp đến tư pháp, vai trò tập thể nổi bật hơn vai trò của cá nhân, do đó, người ta có thói quen nhìn vào cả cơ quan hơn hơn là từng người cụ thể, ngay cả là người lãnh đạo cao nhất.

Đối với các nhà lãnh đạo, lòng tin cũng có nhiều loại: Một, tin vào cá tính và đạo đức của họ; và hai, tin vào lý tưởng cũng như các chính sách mà họ theo đuổi. Trong hai loại lòng tin ấy, cá tính của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng đầu tiên, có vai trò thu hút quần chúng nhất. Không có cá tính mạnh và không có sức cuốn hút quần chúng, không ai có thể trở thành lãnh tụ được, nhất là ở các quốc gia dân chủ, nơi để trở thành lãnh tụ, người ta phải trải qua những cuộc tranh cử và bầu cử gay gắt, trước hết, trong nội bộ đảng, và sau đó, trong phạm vi quốc gia. Nhưng yếu tố đầu tiên này tức khắc trở thành thứ yếu khi người ta trở thành lãnh tụ thực sự. Khi trở thành lãnh tụ, yếu tố được quần chúng quan tâm nhất lại là lý tưởng và từ đó, chính sách của họ. Lý tưởng, vốn thường lớn và chung chung, là yếu tố đầu tiên để gây chú ý và sự đồng cảm. Tuy nhiên, yếu tố chính để quần chúng đánh giá giới lãnh đạo chính là đường lối và chính sách, tức những khía cạnh nhằm hiện thực hoá lý tưởng mà họ tuyên truyền. Đối với đường lối và chính sách, ba điều kiện căn bản nhất là: một, rõ ràng; hai, nhất quán; và ba, hiệu quả. Xuyên suốt từ đầu đến cuối, vấn đề đạo đức của nhà lãnh đạo luôn luôn là một vấn đề quan trọng. Có điều, ở đây là đạo đức công dân chứ không phải là đạo đức cá nhân. Những cái gọi là hiền lành, khiêm tốn, hòa nhã, dễ thương, mau nước mắt, v.v. đều thuộc loại đạo đức cá nhân. Là đạo đức cá nhân, chúng chỉ có ý nghĩa trong phạm vi liên-cá nhân, giữa người này và người khác, trong một không gian có giới hạn. Điều người ta quan tâm nhất ở nhà lãnh đạo là thứ đạo đức công dân, trong đó, nổi bật nhất là sự trong sạch, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng pháp luật, bởi vậy, ba cái xấu thường dễ bị theo dõi và lên án nhất chính là tham nhũng, vô trách nhiệm và lạm dụng quyền hành.

Đối với các tổ chức, nội dung của cái gọi là lòng tin chỉ tập trung chủ yếu vào khía cạnh thực hành với hai nội dung chính: năng lực và tính hiệu quả. Tiêu chí để đánh giá việc thực hành là hiến pháp và luật pháp. Nói đến năng lực và tính hiệu quả của các cơ quan, người ta phải đối chiếu việc thực hành của các cơ quan ấy so với các quy định ghi trong hiến pháp và luật pháp. Nếu nhiệm vụ chính của công an, chẳng hạn, là bảo đảm an ninh và an toàn trong xã hội thì năng lực và tính hiệu quả của công an cần phải được đo lường và đánh giá trên mức độ tội phạm các loại trong xã hội.

Đối với cơ chế, lòng tin chủ yếu tập trung vào tính lý tưởng, tính hiệu quả và sự bền vững của nó.

Qua ba loại lòng tin ở trên, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các xã hội dân chủ và các xã hội phi dân chủ.

Ở các xã hội dân chủ, từ Mỹ đến Úc và toàn bộ các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu, dân chúng có thể mất lòng tin vào giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền, nhưng họ luôn luôn tin tưởng vào cơ chế. Cơ chế dân chủ mà họ thiết lập và hoàn thiện suốt cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa không những có tính lý tưởng cao, phù hợp với những bảng giá trị phổ quát của nhân lại (tôn trọng tự do cá nhân và sự bình đẳng giữa mọi người cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật) mà còn có tính hiệu quả trong việc vận hành kinh tế, an sinh xã hội và đặc biệt, quản trị đất nước. Hơn nữa, mọi người còn tin tưởng vào sự bền vững của nó: Một mặt, giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền có thể thay đổi, nhưng cơ chế dân chủ thì không; mặt khác, chính cơ chế ấy bảo đảm mọi sự thay đổi quyền lực đều diễn ra một cách êm thắm, không gây nên bất cứ một xáo trộn nào trong xã hội. Chính vì vậy, ở hầu hết các nước dân chủ, tâm lý quần chúng thường khá an tâm sau các cuộc bầu cử. Trong bầu cử, người ta có thể tranh đấu với nhau một cách dữ dội nhưng bầu cử xong, tuy có kẻ thắng người thua và tuy sẽ có những chính sách khác nhau, mọi người vẫn biết rõ một điều: tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp chế vẫn được tôn trọng và duy trì. Dưới chính phủ mới, một số người có thể bị cắt bớt một phần trong các trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội, chẳng hạn, nhưng chắc chắn, sẽ không có ai bị bỏ đói, bị tước đoạt đất đai hay bị bắt bỏ tù một cách vô lý vì một số phát ngôn hay vì tham gia một cuộc biểu tình nào đó.

Cũng chính vì tin cậy vào cơ chế nên ở các quốc gia Tây phương, hầu như không ai nghĩ đến chuyện gây bạo loạn để lật đổ chính quyền. Mọi sự thay đổi, nếu có, đều diễn ra bên trong cơ chế, với các luật chơi gắn liền với cơ chế.

Ở các nước phi dân chủ, ngược lại, điều người ta ít tin nhất, lại là cơ chế. Thoạt đầu, chế độ phi dân chủ nào cũng khuếch đại tính lý tưởng của nó để thu phục nhân tâm. Nhiều người sẵn sàng tin và có người sẵn sàng hy sinh tính mạng để thực hiện các lý tưởng ấy. Nhưng cái thiếu nhất của các chế độ độc tài là tính hiệu quả. Khái niệm hiệu quả ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà còn trải rộng ra mọi phạm vi khác, từ luật pháp đến xã hội, văn hóa, chính trị và nhân quyền. Cứ nói mãi đến tự do nhưng đi đâu cũng đối đầu với công an, lúc nào cũng có nguy cơ bị công an còng tay hay đạp vào mặt; cứ nói mãi đến dân chủ, nhưng tranh cử thì hạn chế, bầu cử thì gian lận, bộ máy công quyền đều được giao phó cho những kẻ bất tài nhưng có nhiều “quan hệ”… dần dần người ta sẽ mất hết niềm tin. Chính vì có sự trái ngược giữa tính lý tưởng và tính hiệu quả như vậy, mọi chế độ độc tài đều thiếu hẳn tính ổn định và bền vững. Kiểu tuyên truyền ưu tiên cho ổn định ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam, là một lối ngụy biện đầy nghịch lý, bởi, tự bản chất, đã độc tài thì không thể ổn định, và vì không ổn định, nó cũng không thể bền vững.

Đó chính là tình trạng ở Việt Nam hiện nay.

Lần lượt, nhiều người, ngay cả những kẻ từng cúc cung phục vụ chế độ gần như cả đời, đều nhận ra một điểm: tất cả các khuyết điểm ở Việt Nam đều bắt rễ từ một cái lỗi chính, có người gọi là “lỗi hệ thống”. Lỗi hệ thống tức là lỗi ở cơ chế. Lỗi ở cơ chế chủ yếu là lỗi ở ba khía cạnh: một, phương thức lên cầm quyền (thường, một cách chính đáng, phải gắn liền với các cuộc bầu cử tự do); hai, ở phương thức phân quyền (yêu cầu tối thiểu là tính chất độc lập của tư pháp, và đằng sau nó, lực lượng công an); và ba, phương thức kiểm soát quyền lực (chỉ đáng tin cậy khi, thứ nhất, người kiểm soát độc lập với người bị/được kiểm soát; và thứ hai, từ nhiều nguồn khác nhau. Ở Tây phương, cơ cấu kiểm soát quyền lực thường chằng chịt nhiều tầng và từ nhiều góc độ khác nhau, từ tư pháp đến truyền thông, các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức phi chính phủ và, bàng bạc khắp nơi, dân chúng).

Lâu nay, dường như chính quyền Việt Nam cảm thấy tuyệt vọng trong việc củng cố lòng tin của dân chúng vào cơ chế nên bộ máy tuyên truyền của họ thường hiếm khi đề cập đến cơ chế, vốn gắn liền với chế độ. Họ chỉ sử dụng biện pháp tiêu cực là cấm đoán việc phê phán cơ chế hoặc lâu lâu vẽ vời vài chuyện nhăng nhít (trong đó, mới nhất là việc bỏ phiếu tín nhiệm giới lãnh đạo) để mị dân hoặc lừa dân với ảo tưởng là cơ chế ấy đang trong tiến trình tự hoàn thiện. Nhưng cố gắng xây dựng lòng tin dựa trên lời hứa hẹn là nó đang tự thay đổi và hoàn thiện chỉ là một trò chơi nửa vời của những kẻ đang biết là mình thua cuộc. Nó thiếu hẳn tự tin. Và cũng thiếu lòng tin ở cơ chế.

Trước đây, bộ máy đảng và chính quyền tập trung thật nhiều công sức vào việc gây dựng lòng tin vào các nhà lãnh đạo bằng cách thần thánh hóa, hoặc ít nhất, thần tượng hóa một người nào đó, trước là Hồ Chí Minh, sau là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Nhưng với giới lãnh đạo thuộc các thế hệ sau, các nỗ lức ấy bị biến thành tuyệt vọng ngay cả trước khi họ bắt đầu thực hiện. Lý do chính, tôi nghĩ, là do sự phát triển của truyền thông. Với thế hệ lãnh đạo đầu tiên, việc thần thánh hóa tương đối dễ: dưới mắt dân chúng, ông Hồ Chí Minh, chẳng hạn, lâu lâu mới thoáng qua một lần. Toàn bộ hình ảnh của ông là do các cán bộ tuyên truyền hoặc chính ông vẽ ra. Không ai có thể kiểm tra được cả. Giới lãnh đạo gần đây, đi đâu cũng có các ống kính chĩa vào ghi hình và ghi âm, rất dễ bộc lộ những sự hớ hênh trong cả trí tuệ lẫn nhân cách. Huống gì hầu hết các nhà lãnh đạo gần đây đều thuộc loại kém cỏi. Họ khó đủ sức để giữ được lòng tin của quần chúng.

Dĩ nhiên, nói đến lòng tin của dân chúng đối với lãnh đạo Việt Nam, chúng ta khó tìm ra một bằng chứng cụ thể nào để phân tích. Bầu cử thì gian lận; các cuộc điều tra dư luận thì bị cấm đoán, mọi cố gắng tìm kiếm số liệu đều trở thành vô vọng. Nhưng ít nhất cũng có một số người biết chắc chắn là dân chúng không tin giới lãnh đạo: Đó chính là giới lãnh đạo hiện nay. Biết, nên họ sợ và tìm mọi cách để tránh né việc đối đầu với việc bày tỏ cách đánh giá của dân chúng. Họ biết chắc chắn một điều: nếu để dân chúng tự do bộc lộ lòng tin, họ sẽ chỉ đạt được số âm.

Như vậy, ở đây, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác: Ở Việt Nam, không phải chỉ có việc dân chúng mất lòng tin vào cơ chế, cơ quan công quyền và giới lãnh đạo mà còn có hiện tượng bản thân giới lãnh đạo cũng không tin vào cơ chế và đặc biệt, vào quần chúng. Họ không bao giờ dám để dân chúng phát biểu một cách tự do và trung thực. Họ cũng không dám để dân chúng được tự do lựa chọn. Đây đó, họ giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể đa đảng: đa đảng sẽ gây nên hỗn loạn. Tại sao đa đảng, ở các nơi khác không gây nên hỗn loạn mà ở Việt Nam thì có? Họ trả lời: Tại dân trí Việt Nam còn thấp! Nói thế tức là không tin vào trí tuệ, vào phán đoán, và cuối cùng, sự lựa chọn của dân chúng.

Trên diễn đàn quốc tế, giới lãnh đạo Việt Nam nói đến lòng tin, nhưng một trong những bi kịch lớn nhất ở Việt Nam là không ai tin ai cả. Trong quan hệ xã hội, người ta không tin nhau. Trong quan hệ chính trị, dân chúng không tin nhà cầm quyền và nhà cầm quyền, ngược lại, cũng không tin dân chúng. Khi lòng tin bị đánh mất, yếu tố thống trị mọi quan hệ xã hội và chính trị chỉ còn là sự giả dối.

Giả dối thì ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam, sự giả dối có hai điểm đặc biệt: Thứ nhất, nó không phải chỉ hiện diện, thậm chí, không phải chỉ phổ biến mà còn thống trị mọi sinh hoạt và mọi loại quan hệ; và thứ hai, chính vì tính chất thống trị ấy, nó trở thành một điều bình thường, không còn làm cho ai xấu hổ cả.

Không có một xã hội nào có thể lành mạnh nếu thiếu sự tin cậy và không có một nền đạo đức nào có thể đứng vững nếu thiếu sự xấu hổ.

Tiếc, Việt Nam thiếu cả hai.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/long-tin-va-su-xau-ho/1681334.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001