Người Buôn Gió - Không cho nó làm công an
Người Buôn Gió
Anh ta đến nhà khuyên tôi không đi biểu tình. Lần nào cứ có lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc là anh ta tìm gặp tôi để khuyên không nên đi. Anh ta khuyên bằng lý luận như đúng chủ trương mà đài báo hay tuyên truyền, nhưng đến phần kết tội hay hăm dọa như đài báo thì anh ta bỏ không nói đến.
Anh ta cứ khuyên, tôi thì cứ đi. Rồi lần sau anh ta lại khuyên, tôi lại vẫn cứ đi.
Một lần vào ngày thứ bảy, trước ngày biểu tình một hôm. Anh ta đến gặp tôi như thường lệ, khuyên không đi biểu tình. Lần này anh chở theo cậu con trai chừng 20 mươi tuổi. Hai bố con anh vừa đi ăn giỗ họ hàng về. Giờ thì câu chuyện đi hay không đi đã thành lệ rồi, chả phải nói nhiều. Rút gọn là mai có đi không. Có đi chứ. Thôi đi làm gì. Không phải đi chứ. Thở dài. Chép miệng. Hết.
Anh ta không tuyên truyền kiểu đài báo nữa, lần cuối anh ta tuyên truyền như vậy cách đó từ năm ngoái. Khi anh ta định nói thì tôi ngăn lại và nói một tràng y chang những gì anh ta định nói. Đại loại là phải tin tưởng vào đối sách của đảng và nhà nước, tình hình thế giới phức tạp, chúng ta chỉ trông vào thực lực mình, mà mình thực lực còn yếu, đảng và nhà nước đang cố gắng chắt chiu để mua vũ khí, tàu chiến, quan tâm chiến sĩ hải quân... thực hiện đồng bộ, đàm phán khéo léo, tránh đụng độ đối đầu bất ổn... Gì chứ khoản này tôi nói còn hay hơn báo nhà nước. Bọn nhà báo viết bài loại đó còn nháp, chứ loại văn phong ấy tôi vừa hút thuốc, uống trà cũng tuôn ra ào ào. Cái loại bài viết đóng khung từng phần, những cụm từ cũng có sẵn, điền vào nhau thành bài. Cái thay đổi là phần lên án bọn biểu tình đưa lên trên , phần ca ngợi đường lối chủ trương đưa xuống dưới. Hay đảo ngược lại hai phần. Thậm chí tôi nghĩ nếu rành tin học, tôi còn tạo ra phần mềm viết bài báo dạng đó. Chỉ cần đưa ngày tháng, tên, địa danh...vài số liệu vào. Rồi gõ lệnh "biểu tình" là ra ba bài báo. Hoặc cao cấp hơn nữa thì phần mềm "chống diễn biến hòa bình" hay "cảnh giác trước luận điệu chống phá".
Hết cái để nói, tôi hỏi con anh ta học gì. Thật ngạc nhiên, con anh ta học một trường kỹ thuật. Tôi hỏi:
- Sao không cho nó vào công an?
Anh ta lắc đầu, cười rất ý nhị.
- Thôi, vào làm gì rồi lại vất vả. Cho nó học kỹ thuật mai kia làm đâu thì làm cho lành.
Tôi nói một suất vào công an mấy trăm triệu,riêng con cái cán bộ chiến sĩ trong ngành thì được ưu tiên vào thẳng. Tự nhiên cho nó đi học ngành khác vừa phải tốn tiền học, vừa phải tốn tiền xin việc, mà anh có giàu gì đâu lại cho con theo hướng đó. Trong khi học và theo nghề như thế trước mắt là bỏ đi hàng trăm triệu. Con nhà người ta còn thi nhau chạy vào kìa.
Anh ta lại lắc đầu cười nhăn nhó:
- Chú cứ hỏi khó, ai chứ? Chú thì biết quá là vì sao.
Chàng trai trẻ con anh ta mở to đôi mắt nhìn tôi. Cậu ta nhìn thông minh và hiền lành. Từ bộ quần áo mặc trên người, cử chỉ và thái độ cho thấy cậu ta là người rất ý thức với cuộc sống. Đặc biệt là cậu ta nhìn tôi thân thiện chứ không hề có vẻ e dè hay khoảng cách khi nghĩ tôi là đối tượng mà bố cậu phải làm việc, mặc dù cậu đã nghe câu chuyện và biết tôi là ai. Tôi hỏi việc học hành, cậu thưa dạ vâng đầy đủ. Cậu nói không thích làm cơ quan nhà nước, thích sau này làm ở công ty ngoài hơn. Tôi không hỏi lý do sao cậu lại chọn vậy, có lúc dừng câu hỏi lại ở đoạn nào lại tốt hơn là cứ truy hỏi theo dòng sự kiện.
Hai bố con nhà nọ ra về. Tôi ngồi ngẫm nghĩ, bỗng nhiên tôi thấy ra rằng số lượng cán bộ chiến sĩ công an không cho con cái mình theo nghề cũng khá nhiều. Nhất là ở những năm gần đây. Trong khi nhiều gia đình buôn bán, ở vùng quê lại gắng chạy chọt cho con mình vào làm công an, thì một số cán bộ, chiến sĩ công an lại tìm cho con mình một nghề khác . Chấp nhận tốn kém nuôi ăn học, lo việc làm sau này.
Tôi cứ nghĩ mãi vì sao họ làm vậy. Trong khi đồng đội họ cũng vẫn đưa con vào ngành ầm ầm. Mẫu số chung là gì? Sự khác biệt là đâu?
Tôi nghĩ miên man tìm câu trả lời. Hóa ra bài toán đi tìm lời giải của tôi hướng về chủ thể người bố, mẹ là một hướng đi sai. Lời giải nằm ở những đứa con của họ. Khi đứa con ngoan, có tố chất tự chủ thì không người bố mẹ nào muốn con mình đi theo nghề công an của họ. Bất đắc đĩ đứa con ỷ lại, lêu lổng họ đành cho vào ngành để yên tâm.
Bởi thế nhiều người cán bộ, thậm chí là sĩ quan cao cấp trong lực lượng công an cũng không hướng con mình vào nghề của họ. Mặc dù đó là một nghề ổn định, dễ dàng có công việc, còn dễ kiếm chác đằng khác.
Khi Bố Già thấy Mai Cơn chấp thuận vào nghề, ông đã rất buồn. Ông không buồn khi Tonny con cả theo nghề bố hay cả đứa con thứ hai, Nhưng ông buồn vì dòng đời đưa đẩy Mai Cơn hiền lành và có tố chất để làm con người lương thiện phải nối nghề ông. Sau này nắm quyền tuyệt đối, Mai Cơn mắng đứa cháu khi nó định vào nghề găngxtơ:
- Đồ ngu, giờ là thời cần kiến thức, tao không muốn mày đi con đường này.
Không cho nó làm công an. Nếu bạn lắng nghe, tìm hiểu kỹ trong xã hội quanh ta. Bạn sẽ thấy ngỡ ngàng khi phát hiện điều này xảy ra không phải là ít. Điều đó cũng lạ lùng phải không?
Khách gửi hôm Thứ Năm, 13/06/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130613/nguoi-buon-gio-khong-cho-no-lam-cong-an
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001