Xích Tử - Câu chuyện nhỏ trong lịch sử xứ Goutchimi
Xích Tử
Sử chép:
Năm XX86, Vương quốc Goutchimi tổ chức ngày lễ lập quốc rất lớn, kéo dài suốt cả tháng, mặc dù kinh tế đang vẫn khó khăn, dân chúng đói khổ thiếu thốn trăm bề. Đồng tiền mất giá đến phải chở cả xe bó tiền giấy mới mua được lạng mì chính bột, con cá khô, bì kem đánh răng cũng dạng bột. Triều chính rối loạn đến mức bổ nhiệm quan lại nhầm lẫn, người làm thơ được sắc chỉ phong làm quan kinh tế; người biết kinh bang tế thế buồn chí lại xin về quản lý Viện thơ.
Phải làm lễ trọng như vậy vì năm ấy có một sự kiện văn hóa lớn trong Vương quốc: Đức Tổng thư ký hộ quốc Beandix ban hành lệnh cho toàn dân được phép để lại râu tóc mày mi (gọi tắt là lông) bình thường như quốc dân năm châu bốn bể, để cơ may dân chúng, đất nước được hòa nhập trở lại cộng đồng hoàn vũ, tìm cách kết nối làm ăn nhằm thoát cảnh cơ bần.
Tục lệ này vốn đã bị cấm từ thời tiên đế Auaq, hỗn danh Người yêu nước của Vương quốc này, cách đó đã 32 năm. Số là sau 9 năm thân chinh đánh đuổi ngoại xâm ở miền Tây Bắc, ngày 9/10/XX54, trên đường trẩy quân thắng lợi về lại kinh đô, tiên đế ghé viếng Đền Quốc tổ, tự tẩy rửa thanh sạch, dâng hương và nằm ngủ trước sân Đền Thượng. Nửa đêm Quốc tổ hiện về truyền dạy rằng “Giặc ngoài chưa hết, tạm thời giữ lấy một nửa giang sơn. Quốc sách hay nhất cần áp dụng như thời Quốc tổ khởi nghiệp là đưa dân cả nước vào cuộc làm chung ăn chung, không phân biệt giàu nghèo, không có hộ riêng bếp riêng; cả nước chỉ cần một người lãnh đạo, không lập chức Ngự sử hay Gián quan, không cho các băng đảng tà giáo hoạt động. Để đo lòng bá tánh, tốt nhất là ra lệnh cấm mọi người để lông. Đây là một thứ vô dụng trên cơ thể con người, nhất là trên đất Văn Lang ta. Thời 18 đời Quốc tổ khởi nghiệp dựng nước, đàn ông đúc trống đồng, đàn bà giã lúa sàng gạo, lông tóc vướng bụi đồng cám lúa gây vướng, lâu ngày phát bệnh. Ngay ở bên tây, vốn xứ lạnh, rất cần các loại lông để làm ấm. Tuy nhiên qua nhiều thế hệ, lông mọc quá nhiều; đến giữa thế kỷ trước, như con đã biết, có người phát điên, chỉ ngồi lảm nhảm rồi viết ra những điều viễn vông, hoặc giả có người suốt ngày chỉ muốn bạo loạn lật đổ triều đình. Cấm để lông nhằm tránh điều đó, mà cũng để dễ quản lý sự phục tùng của dân chúng”.
Tiên đế y lời, suốt mấy chục năm trị quốc theo lời Quốc tổ, chỉ dạy cho các thế hệ tập quân cứ thế mà làm. Nhờ vậy, dân tình răm rắp; qua các cuộc chiến tranh việc tuyển quân không thiếu một người là cũng nhờ cung cách ấy. Quân lính ra trận, vì không có râu tóc, sợ địch phát hiện, nên đánh rất hăng, chiến thắng lừng lẫy. Tuy nhiên, không như lời Quốc tổ, vì thiếu râu tóc nên lâu ngày nhân dân, quan lại phát nhiều bệnh lạ, chẳng làm ăn gì khấm khá, mà cuộc sinh nhai lại ngày càng khốn khó.
Tình cảnh nguy ngập đến mức quan Tổng thư ký hộ quốc phải bàn với quần thần, cùng quyết định cho dân để lông trở lại, và tổ chức lễ lập quốc thật to để bố cáo ân đức uyên cao này. Ngài Tổng bí thư Hội quốc liên và nguyên thủ của nhiều nước không đợi giấy mời, vừa nghe tin ấy đã đăng ký xin được dự lễ. Vương quốc Goutchimi đồng ý tất cả, chỉ mật lệnh cho lực lượng Vệ quốc hoàng gia theo dõi kỹ và sẵn sàng ứng phó.
Buổi lễ diễn ra vào một buổi sáng trọng thu tại Đàn xã tắc trung ương của Vương quốc. Quan tổng thư ký hộ quốc đọc chỉ dụ ngắn gọn nhưng quan trọng, trong đó ôn lại lịch sử oanh liệt 41 năm của Vương quốc, công bố chiếu chỉ về việc cho dân chúng từ nay được để lông. Chưa kịp để đám dân chúng dự lễ bày tỏ hân hoan, ngài kết thúc chỉ dụ bằng mấy lời chắc nịch “Hỡi đám quần chúng, khi được để lại lông tóc bình thường, hãy biết ơn triều đình và tưởng nhớ tiên đế. Tiên đế là đấng minh quân vĩ đại. Chính ngài đã cấm dân để lông nhưng cũng chính ngài là người ban ân cho dân để lại lông tóc. Không có tiên đế thì cũng không có chuyện để lại lông tóc. Cũng giống như người bố bị khui ra tội giết con mình chỉ vì người bố đó đã có công đẻ ra con mình. Tóc là văn hóa, là bản sắc của dân tộc; do vậy, tuy được để lại lông tóc, quả nhân chỉ yêu cầu tất cả mọi người phải nhượm đỏ toàn bộ phần lông trên người đi. Quả nhân nói như vậy, quần chúng thấy có đúng không?” Phía đám đông có tiếng đáp tập thể rất to nhưng không rõ. Có người làm sử trước đây cho là quần chúng hô “đúng” nhưng theo âm Ăng lê. Quan Tổng thư ký liếc mắt nhìn quan sứ xứ Ceramic, chỉ thấy ngài nhếch mép cười.
Kết thúc buổi lễ, các nguyên thủ nước ngoài được tháp tùng về Trung Nguyên Các để thưởng thức cà phê sáng tạo. Riêng ngài Tổng bí thư Hội quốc liên bị ngất, tùy tùng phải đưa ngài trực chỉ Vương quốc Hoko gần đó để cấp cứu. Nghe nói ngài Tổng bí thư ngất vì nghe đoạn cuối của bản chỉ dụ, trong đó có việc nhuộm tóc, nhưng đặc biệt là từ “giết” và “khui ra”, vì ngài có tên Cuellar, âm đọc gần giống “khui ra”, tưởng người ta sẽ giết mình hoặc nói mình phạm tội giết người gì đó.
Kể từ đó, đất nước có nhiều thay đổi. Bọn làm tóc lông giả, thuốc nhuộm lông, dịch vụ cấy lông và dịch vụ buôn bán lưu thông các sản phẩm nói trên, cả làm ăn thật và treo đầu dê bán thịt chó, đều giàu có phất lên rất nhanh. Đám ngư tiều canh mục thì vẫn chưa có gì thay đổi; ruộng đất vẫn thuộc triều đình tuy việc sử dụng có vài khoản nới lỏng. Nhưng khốn nỗi, vì râu tóc đỏ hoe lại có mùi thuốc nhuộm nên lên rừng tìm thú, bị thú đánh hơi bỏ chạy từ xa; mấy năm sau lại có sắc chỉ cấm săn bắn; ra đồng làm ruộng, mùi thuốc nhuộm không biết thế nào lại quyến rũ chim chóc động dục kéo đến từng bầy phá hoại hoa màu khôn xiết. Bọn giàu có nói trên biết nông dân chán nghề nông, cậy các kế sách phát triển đô thị, mở mang công nghiệp, hình thành kinh tế trang trại của triều đình, bỏ tiền ra mua hết; giá rẻ như bèo; nông dân nào chống lại, chúng thuê lục lâm thảo khấu từ nơi xa đến trấn áp, đôi khi có Vệ binh triều đình hỗ trợ.
Tình hình mỗi lúc một nguy; lân bang nhìn về phía nam cười khẩy, nhớ lại bài diễn văn năm trước của ngài tổng thư ký hộ quốc Beandix. Những nước khác ở xa lấy làm lạ, bỏ công nghiên cứu nhiều năm vẫn không hiểu được tại sao bản sắc văn hóa của người Goutchimi, vốn tóc đen bình thường, nay lại đỏ. Tuy có làm ăn, nhưng vẫn ngại ngùng, luôn thủ thế.
Sử chép theo lối kể ngoại truyện như thế, không có nhiều chi tiết biên niên; tên tuổi các chính nhân bị phiên âm theo tiếng Đức tiếng Nga nên đời sau chưa kiểm chứng được câu chuyện nhỏ nói trên.
Xích Tử
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130613/cau-chuyen-nho-trong-lich-su-xu-goutchimi-0
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001