Tiểu Muội - Triển lãm, hội thảo về Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn
at 6/04/2013 11:30:00 AM
Tiểu Muội (thực hiện)
LTS: Vào hai ngày 6 và 7 Tháng Bảy tới đây, tờ báo mạng Diễn Ðàn Thế Kỷ sẽ tổ chức một cuộc triển lãm và hội thảo về hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn. Cuộc hội thảo sẽ diễn ra tại hội trường nhật báo Người Việt. Nhân dịp này, ông Phạm Phú Minh, trưởng ban tổ chức, trả lời phóng viên Tiểu Muội về ý nghĩa, mục đích, và chương trình của cuộc triển lãm.
***
Tiểu Muội (NV): Thưa nhà văn Phạm Phú Minh, được biết tờ báo mạng Diễn
Ðàn Thế Kỷ mà ông là đại diện sẽ tổ chức một cuộc triển lãm và hội thảo
về hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn vào hai ngày 6 và 7
tháng 7 năm 2013 tại hội trường nhật báo Người Việt. Ðây là một sinh
hoạt văn học hiếm thấy tại hải ngoại, ông có thể cho biết lý do tổ chức
công cuộc triển lãm và hội thảo này không?
Tiểu Muội (trái) trong lần phỏng vấn ông Phạm Phú Minh tại tòa soạn Người Việt. (Hình: Người Việt)
Phạm Phú Minh (PPM): Kể ra, tại các nơi có đông đảo người Việt Nam tị
nạn trên thế giới lâu nay cũng có tổ chức những sinh hoạt liên quan đến
văn học, với tầm vóc lớn nhỏ khác nhau, đề tài khác nhau. Ví dụ năm 1995
một nhóm thân hữu của nhà văn Võ Phiến có tổ chức một đêm Võ Phiến tại
Washington D.C. để nhằm vinh danh sự nghiệp văn chương của ông; một đêm
tưởng niệm các nhà văn đã chết trong tù hay chết vì từng bị tù đày trong
nhà tù cộng sản cũng đã được Hội Văn Bút Hải Ngoại tổ chức; ba tờ báo
Thế Kỷ 21, Người Việt và Xây Dựng (San Jose) đã tổ chức Ngày Phạm Quỳnh
(triển lãm và hội thảo) tại Little Saigon vào ngày 8 tháng 5 năm 1999;
cuộc hội thảo “Văn học hải ngoại: Thành tựu và tiềm năng” do các tạp chí
Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu cùng tổ chức tại Little Saigon, Nam
California vào ngày 27 tháng 1 năm 2007, v.v...
Vậy cuộc triển lãm và hội thảo lần này cũng là theo nếp các sinh hoạt cùng loại trước nó.
Hai tác phẩm do Ðời Nay xuất bản trong thập niên 1930.
NV: Nhưng lại là một đề tài khá xa trong quá khứ: Về hai tờ báo
và một văn đoàn được lập ra cách đây 80 năm. Có một động lực gợi ý cho
quyết định này không?
PPM: Nói về động lực thì có cái gần, có cái xa. Ðộng lực gần, là
mới năm ngoái (2012), một nhóm anh chị em văn nghệ tại hải ngoại đã
thành công trong việc sưu tầm và điện toán hóa (scan) toàn bộ các tờ báo
Phong Hóa và Ngày Nay. Từ chuyện hai tờ báo cách đây tám thập niên này
chỉ được nói tới như một huyền thoại, đến việc toàn bộ các số báo được
scan và tung lên nhiều trang mạng trên thế giới, ai cũng có thể vào coi
được, đã tác động nhiều người, trong đó có tôi, quay về tìm hiểu các
biến cố văn học thuộc thập niên 1930 của thế kỷ trước, trong đó báo
Phong Hóa Ngày Nay và nhóm Tự Lực Văn Ðoàn là các sự kiện nổi bật.
Cũng qua tìm hiểu hai tờ báo Phong Hóa Ngày Nay, chúng tôi biết được
thời điểm thành lập Tự Lực Văn Ðoàn là vào tháng 7 năm 1933. Tính đến
tháng 7 năm 2013 là vừa đúng 80 năm. Chúng tôi tổ chức cuộc triển lãm và
hội thảo là để đánh dấu cái mốc tám mươi này.
Có dịp nhìn lại thì càng thấy phải “làm một cái gì” cho những công trình
rực rỡ như thế của nền văn học Việt Nam. Dù trước kia văn chương Tự Lực
Văn Ðoàn đã được dạy trong chương trình Việt văn bậc trung học miền
Nam, nhưng ngày nay chỉ còn là những ký ức xa mờ trong đầu óc những
người lớn tuổi tại hải ngoại, còn lớp người nhỏ tuổi hơn thì hầu như
chẳng biết gì. Triển lãm và hội thảo là một dịp nhắc nhở, với hiện vật,
với tài liệu thuyết trình, những giá trị đích thực một thời của đất nước
Việt Nam chúng ta.
Một lý do nữa cần phải nhắc nhở cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại về Tự
Lực Văn Ðoàn là trong suốt một thời gian dài từ khi đảng Cộng Sản Việt
Nam cướp được chính quyền, họ chẳng những không dạy dỗ trong trường học
mà còn liên tục đả phá và cấm đoán, chôn vùi các thành tựu văn học của
văn đoàn này, cho nên những hiểu biết của xã hội về giá trị thực của Tự
Lực Văn Ðoàn hầu như bị triệt tiêu. Chỉ tới giai đoạn gọi là đổi mới, từ
đầu thập niên 1990 trở đi cái nhìn của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam
mới có phần nào “biết điều” hơn đối với Tự Lực Văn Ðoàn, một giá trị
đích thực của nền văn học Việt Nam.
NV: Từ thập niên 30 của thế kỷ trước cho đến nay là 80 năm, chúng
ta lại đang ở trong tình trạng là di dân sống xa xứ sở, ban tổ chức
định triển lãm những gì về đề tài này? Ý chúng tôi là làm sao tìm ra
những chứng liệu của thời đó để trưng bày cho quần chúng thấy?
PPM: Một câu hỏi rất hay. Thưa đúng như thế, không thể có gì để mà triển lãm nếu chúng tôi không gặp những may mắn.
May mắn thứ nhất, như tôi vừa nói, là tự dưng hai tờ báo Phong Hóa và
Ngày Nay từ một huyền thoại bỗng thành hiện thực, như là chỉ trong nháy
mắt. Chỉ cần có máy computer là ai cũng có thể vào các trang web có liên
hệ để xem, để đọc, ví dụ như vào thư viện của báo Người Việt Online là
có thể xem từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng. Nên nhớ là cho đến ngày
nay, cả trong nước lẫn hải ngoại, chưa có tờ báo nào quy tụ nhiều họa sĩ
tài danh như hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay. Những họa sĩ này là Nguyễn
Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Tô Ngọc Vân, Ðông Sơn (tức Nhất Linh), Trần
Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, Trần Quang Trân, Lê Phổ, Nguyễn Tường Lân... Họ
vẽ tranh bìa, họ trình bày báo, vẽ minh họa và tranh khôi hài, v.v...
với một trình độ nghệ thuật cao, khiến tờ báo dưới mắt người đọc trở
thành duyên dáng, linh động, hấp dẫn. Bây giờ mang những tác phẩm mà họ
tạo ra trong tờ báo đem triển lãm để lớp người 80 năm sau thưởng thức
thì tôi nghĩ cũng hay và nên lắm.
Hình bìa báo Xuân Ngày Nay, 1940.
Báo Phong Hóa và Ngày Nay còn mở ra nhiều chân trời mới lạ cho thời bấy
giờ, như âm nhạc, y phục phụ nữ, kiểu nhà cho dân nghèo... Chúng tôi sẽ
trưng bày những bản nhạc được coi như là đầu tiên của nền tân nhạc Việt
Nam được in trên báo Ngày Nay do những nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn
Xuân Khoát, Lê Thương, Thẩm Oánh... sáng tác; những kiểu áo quần phụ nữ
do người tạo kiểu tiên phong, họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường thực hiện
và phổ biến trên khắp Việt Nam qua báo Phong Hóa trong thập niên 1930;
các kiểu nhà với vật liệu rẻ tiền nhưng cao ráo thoáng mát do các kiến
trúc sư thời bấy giờ như Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện, Võ Ðức Diên
vẽ... Các hình ảnh này sẽ cho chúng ta một cái nhìn cụ thể về nhiều mặt
sinh hoạt rất tiến bộ của một thời, đã để lại ảnh hưởng lâu dài cho đến
ngày nay trong xã hội Việt Nam.
NV: Vâng, như thế thì riêng hai tờ báo cũng đã chứa đựng nhiều thứ để triển lãm thật. Nhưng ngoài ra còn những gì khác không ạ?
PPM: Còn nhiều thứ. Như sách của nhà xuất bản Ðời Nay thuộc TLVÐ
ấn hành từ thập niên 1930, 40. Chuyện này lại là may mắn nữa, có người
giới thiệu cho chúng tôi một nhà sưu tập sách xưa ở Sài Gòn, và anh ấy
đã nhiệt tình cung cấp cho chúng tôi hình ảnh bìa những sách TLVÐ xưa mà
anh ấy có. Ở hải ngoại, thậm chí một tấm ảnh bìa sách cũ cũng không thể
tìm đâu ra, đằng này chúng tôi được cung cấp cả mấy chục bức ảnh như
thế, thật là một tư liệu quý chúng tôi không ngờ mình có được.
Một nguồn tư liệu khác là từ gia đình các thành viên của TLVÐ như hình
ảnh, các trang bản thảo, thủ bút, phác thảo họa phẩm do chính tay quý vị
ấy vẽ, v.v... Và như trên đã nói, số họa sĩ cộng tác với hai tờ báo
Phong Hóa và Ngày Nay khá đông đảo và giàu tài năng; ngoài những tác
phẩm mỹ thuật các vị ấy thực hiện trên mặt báo, chúng tôi cũng cố gắng
tìm được tranh của một số vị, như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn
Cát Tường, Nguyễn Tường Tam, Lê Phổ, v.v... để trưng bày. Ngoài những
tài liệu có tính cách lịch sử, số tranh này sẽ mang lại không khí sáng
tạo của cả một thời xưa, cách đây bảy, tám mươi năm.
NV: Có vẻ đã nhiều thứ quá cho một phòng triển lãm...
PPM: Tổng quát là như thế. À, còn một thể loại khá đặc biệt, đó
là những cuốn sách của Tự Lực Văn Ðoàn được dịch sang tiếng nước ngoài
mà suốt mấy tháng qua chúng tôi đã lùng kiếm ráo riết trên... khắp thế
giới. Xin lỗi, đó chỉ là một lối nói cường điệu cho vui, sự thật chúng
tôi đã liên lạc với giới sách vở của một số nước, và kết quả chúng tôi
đã có được: Ba cuốn từ Nhật Bản, ba cuốn từ Pháp, một cuốn từ Nga, một
cuốn từ Úc. Riêng Hoa Kỳ thì chỉ có một cuốn tiểu thuyết, nhưng các
truyện ngắn của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam thì được dịch sang tiếng
Anh khá nhiều. Cầm những cuốn sách mình đã quen thuộc từ thuở bé như
Hồn Bướm Mơ Tiên, Anh Phải Sống, Ðoạn Tuyệt, Gánh Hàng Hoa, v.v... nay
được dịch và xuất bản bằng tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh,
lòng tôi cảm thấy rất tự hào và xúc động.
NV: Những trình bày vừa rồi là các thông tin về phần triển lãm
của chương trình. Xin cám ơn ông, và xin hẹn gặp lại trong một cuộc
phỏng vấn khác để được nghe ông trình bày về phần hội thảo.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/tieu-muoi-trien-lam-hoi-thao-ve-phong.html
======================================================================
Triển lãm, hội thảo về Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn (2)
Triển lãm, hội thảo về Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn (2)
Tiểu Muội (thực hiện)
Phần 2: Hội thảo
LTS. Trong số DĐTK ngày 4 tháng 6, 2013 vừa rồi, chúng tôi đã
đăng phần 1 bài phỏng vấn của phóng viên Tiểu Muội với ông Phạm Phú
Minh, trưởng ban tổ chức cuộc Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa
Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn sẽ tổ chức tại nhật báo Người Việt hai ngày 6
và 7 tháng 7, 2013 sắp tới. Hôm nay mời quý độc giả theo dõi tiếp bài
phỏng vấn về phần Hội thảo.
*
Tiểu Muội (NV): Trong lần hỏi chuyện trước ông đã cho biết về nội
dung cuộc triển lãm báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn. Hôm nay
xin ông cho biết về phần 2, là phần hội thảo.
Phạm Phú Minh (PPM): Vâng, tổ chức này gồm hai phần: phần triển
lãm là trưng bày hình ảnh dấu tích xưa của hai tờ báo và sách vở tài
liệu thời ấy; phần hội thảo là trình bày ý nghĩa, nội dung của những thứ
này bằng lời.
Ký giả Tiểu Muội (NV) và nhà văn Phạm Phú Minh
NV: Xin ông cho biết chi tiết hơn về hội thảo, chẳng hạn về những đề tài gì và thành phần diễn giả.
PPM: Như tôi vừa nói, nội dung tổng quát của cuộc hội thảo là tìm
hiểu về (1) hai tờ báo Phong Hóa Ngày Nay, và (2) giá trị các tác phẩm
Tự Lực Văn Đoàn.
Trước hết, về hai tờ báo. Khác với sách thời tiền chiến (trước 1945) như
tác phẩm của Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng hay Tự Lực Văn Đoàn, thế hệ
của tôi (tạm coi như năm 1945 vừa biết đọc biết viết) khi lớn lên ở miền
Nam vẫn được đọc đầy đủ, nhưng các loại báo của thập niên 1930, 40 và
trước đó thì hầu như chưa từng thấy bao giờ. Vì sách thì được tái bản,
còn báo thì chỉ in có một lần, mà sau đó đất nước chiến tranh, mất mát
xiêu lạc hết cả.
Cô Nguyễn Thị Hậu, người thiếu nữ Hà thành đầu tiên
mặc áo quần kiểu Lemur, thập niên 1930 (hình báo Phong Hóa).
Phải nói là sau năm 1954, đi học ở thành phố, làm quen với thư viện
chúng tôi may ra mới có cơ hội một đôi lần nhìn thấy tờ Phong Hóa hay
Ngày Nay, sau khi đã được giảng dạy một cách tổng quát ở trường. Mãi cho
đến bây giờ, sau khi đã sưu tầm được đầy đủ hai tờ báo này, mới được
tận mắt đọc các bài viết về tình hình chính trị, xã hội, văn nghệ; xem
những bức tranh minh họa, hí họa, thậm chí các mẩu quảng cáo các sản
phẩm và dịch vụ của xã hội Việt Nam cách đây 80 năm, thấy như đang chạm
vào một mảng lịch sử rất sống động của nước nhà.
NV: Ông có thể cho biết những đề tài cụ thể sẽ được thuyết trình về hai tờ báo này?
PPM: Như nhận xét chung của nhiều nhà nghiên cứu, báo Phong Hóa
và Ngày Nay đã đem lại rất nhiều điều mới mẻ cho xã hội Việt Nam hồi
thập niên 1930. Chúng tôi lựa chọn các đề tài sau đây để trình bày trong
hội thảo:
Trước hết, về phương diện hình thức, hai tờ báo này đã rất chú trọng về
mỹ thuật, quy tụ nhiều họa sĩ có tài để làm mới hẳn, đẹp hẳn, duyên dáng
hẳn tờ báo. Sự kiện này rất mới mẻ, trước PH NN chưa một tờ báo nào của
Việt Nam đạt tới, và cả sau này, dù với kỹ thuật cao, nhưng về mỹ thuật
cũng ít tờ nào sánh được với hai báo này, dù thời đó phương tiện làm
báo cũng như in ấn còn thô sơ hơn bây giờ nhiều. Vì thế chúng tôi có đề
tài nghiên cứu về phương diện mỹ thuật của hai tờ PH NN, do họa sĩ Ann
Phong, giáo sư hội họa tại đại học Pomona trình bày.
Thứ hai, trong thập niên 1930, Việt Nam chúng ta chưa có nền tân nhạc
như bây giờ. Âm nhạc Tây phương do người Pháp mang lại bắt đầu có ảnh
hưởng tại các thành thị, nhưng hoặc là người ta hát tiếng tây, hoặc đặt
lời Việt cho một số các bài phổ biến nhiều, chứ trong nửa đầu thập niên
30 trở về trước, bài hát do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác hầu như chưa có.
Từ nửa sau của thập kỷ này, trên báo Ngày Nay mới xuất hiện những bài
như Một Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên; Tiếng Đàn Đêm Khuya, Bài Đàn Xuân
của Lê Thương; Bình Minh, Hồn Xuân nhạc Nguyễn Xuân Khoát lời Thế Lữ;
Khúc Yêu Đương của Thẩm Oánh v.v... Đặc biệt, trên báo Ngày Nay có một
bài kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác và đóng góp những ca khúc Việt, mà tôi
coi là Tuyên ngôn mở màn cho nền tân nhạc Việt Nam. Bài ấy có đoạn viết:
"Báo Ngày Nay đã nhận lấy cái vinh hạnh đầu tiên công bố những tác phẩm
ban đầu của nền âm nhạc đổi mới; báo Ngày Nay sẽ là một thứ đài triển
lãm cho những bài âm nhạc khác, là một diễn đàn để các bạn bày tỏ ý kiến
và là một khách thính phong nhã để các nhạc sĩ các nơi gặp nhau.
Đọc bài của các bạn gửi tới gần đây, chúng tôi nhận ra rằng phần nhiều
không có tính cách Việt Nam. Đó thường là những âm điệu đàn tây, nhanh
nhẹn, vui vẻ, nhưng không có dấu vết của tâm hồn Việt Nam phổ theo một
cảm hứng mới.
Cái nhược điểm ấy các bạn nên tránh, và để tâm khảo cứu, sáng tác, biên
soạn ra những bài mới, không khô khan, không ủy mị, không có cái buồn
một giọng như bản đàn cũ; những bài mới ấy sẽ du dương, hay nhanh nhẹn,
uyển chuyển, vui vẻ, êm ái, hay mạnh mẽ, nhưng cốt nhất phải có tính
cách Việt Nam." (Ngày Nay số 124, ngày 21 tháng 8 năm 1938).
Nhận thấy vai trò tiên phong của báo Ngày Nay như thế trong lịch sử nền
tân nhạc Việt Nam, chúng tôi chọn đề tài âm nhạc, nhạc sĩ Lê Văn Khoa
được mời nghiên cứu và trình bày.
NV: Hiện tại Việt Nam chúng ta đã có một nền tân nhạc rất đồ sộ.
Ông có nghĩ tất cả bắt nguồn từ các bản nhạc đăng trên báo Ngày Nay như
vừa nói hay không?
PPM: Nếu khảo sát về mặt xã hội thì đúng như vậy. Từ chỗ dân
chúng chỉ hát dân ca hay các bài cổ bản, rồi dần dần bắt chước các bài
theo điệu tây, sau phát động của báo PH NN, các bản tân nhạc Việt dù còn
ít ỏi bắt đầu phổ biến rộng rãi, sau đó xuất hiện phong trào sáng tác
của các nhạc sĩ khác ngay vào đầu thập niên 1940 như Hoàng Quý, Đặng Thế
Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước... Cần lưu ý là thời đó chưa
chính thức có trường âm nhạc, người yêu nhạc chỉ học trong chỗ riêng tư
với những vị thầy người Pháp, các vị linh mục được đào tạo nhạc trong
giáo hội, hoặc tự học, hỏi han chỉ vẽ cho nhau giữa bạn bè...
NV: Cám ơn ông về nhận xét này. Xin ông tiếp tục các đề tài khác về báo PH NN.
PPM: Thành tựu to lớn và rõ rệt nhất về mặt phong tục và xã hội
mà hai tờ báo Phong Hóa Ngày Nay mang lại vào thời đó và ảnh hưởng tiếp
tục mãi về sau, là vấn đề cải cách y phục phụ nữ, do họa sĩ Le Mur
Nguyễn Cát Tường phụ trách. Vào thời điểm đầu thập niên 1930, nước ta
vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, nền tân học do người Pháp
chưa mang lại nhiều thay đổi trong nếp sống xã hội, cụ thể là đối với
phụ nữ. Người đàn bà vẫn còn bị buộc chặt vào tam tòng tứ đức của Nho
giáo, và dĩ nhiên vẻ đẹp thể chất của họ vẫn chưa thoát khỏi quan niệm
xưa: răng đen nhưng nhức mới là đẹp, khăn mỏ quạ mới là duyên dáng, áo
mớ ba mớ bảy lùng thùng luộm thuộm mới là sang, quần thì không bao giờ
thoát khỏi màu đen mới là bày tỏ đức kín đáo thuần hậu của nữ tính
v.v... Quần áo xưa như vây kín người phụ nữ lại, và cũng vây kín luôn
cái đẹp tự nhiên của thân thể người nữ, vốn là một tác phẩm mỹ thuật của
hóa công.
Trên mặt báo PH NN, họa sĩ Nguyễn Cát Tường vừa đưa ra quan niệm mới về
cái đẹp, vừa chứng minh bằng các kiểu quần áo mới do ông vẽ ra. Về sau
xã hội thường nhắc đến chiếc "áo dài Lemur", nhưng thật ra ông vẽ đủ các
kiểu quần áo cho phái đẹp, và còn lập nhà may riêng để phổ biến một
cách cụ thể các kiểu cách mới ấy. Con trai của họa sĩ Nguyễn Cát Tường,
nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiền, sẽ trình bày về sự nghiệp cải cách y
phục phụ nữ của thân phụ ông.
Bản nhạc Một Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên đăng trên báo Ngày Nay.
Một sinh hoạt văn nghệ thời điểm 1930 cũng còn rất mới đối với Việt Nam,
đó là kịch. Về sân khấu, Việt Nam từ xưa vẫn có hát bội, hát chèo, qua
thế kỷ 20 lại thêm hát cải lương ở miền Nam, tất cả đều là tuồng hát,
còn gọi là ca kịch. Đi kèm với chương trình giáo dục, người Pháp du nhập
vào Việt Nam kịch thơ và kịch nói, còn gọi là thoại kịch. Những nhà cải
cách của báo Phong Hóa Ngày Nay nhìn thấy nhu cầu giải trí của quần
chúng Việt Nam cần có món ăn mới, và đã có cố gắng xây dựng môn kịch
mới. Tập thể tòa soạn báo Phong Hóa Ngày Nay đóng góp cả đạo diễn (Thế
Lữ), người diễn kịch (Thế Lữ, Tú Mỡ) lẫn người viết kịch bản (Khái Hưng
và thân hữu như Vi Huyền Đắc). Sự đóng góp ban đầu ấy rất quan trọng để
gây thành phong trào kịch về sau, hoặc các vở quy mô ở các sân khấu
thành phố, hoặc kịch sinh hoạt vui nhộn bên lửa trại của Hướng đạo, hay
kịch tuyên truyền trong cuộc chiến chống Pháp...
NV: Từ kịch bản văn học in trên sách báo đến kịch được trình diễn
trên sân khấu là một đoạn đường khá xa. Và Tự Lực Văn Đoàn không phải
là một gánh cải lương, Nhất Linh không phải là một nghệ sĩ cải lương,
như lời một cô nữ giảng viên trường Đại học Sư phạm Thái Bình "tuyên bố"
trong một chương trình của đài truyền hình VTV3 ngày 9 tháng 1, 2007.
Vậy vai trò của PH NN trong việc phổ biến kịch như thế nào?
PPM: Nhà văn Phạm Thảo Nguyên, con dâu của kiện tướng về kịch Thế
Lữ, người thuyết trình về những đóng góp của báo PH NN cho phong trào
kịch mới, sẽ làm sáng tỏ những thắc mắc này.
Sau đây tôi xin trình bày đề tài sau cùng của buổi hội thảo về báo PH NN.
Báo Phong Hóa Ngày Nay làm tươi mới xã hội về nhiều phương diện, như bốn
vấn đề nhạc, kịch, họa, y phục phụ nữ chúng ta vừa đề cập. Nhưng chủ
trương bỏ cũ theo mới của họ thực sự chú trọng về phong tục tập quán của
một xã hội nông nghiệp dưới chế độ phong kiến hàng ngàn năm của nước
ta. Họ muốn phá bỏ những hủ tục sau các lũy tre xanh, thăng tiến đời
sống dân nghèo, và có hẳn một chương trình thay thế những cái nhà ổ
chuột tối tăm hôi hám của tầng lớp thấp cổ bé miệng nghèo khổ là nông
dân ở thôn quê và thợ thuyền ở thành phố.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên.
Để thực hiện công tác xã hội mang tên Nhà Ánh Sáng, PH NN đã phát động
một phong trào rầm rộ lôi kéo nhiều nhân vật uy tín trong xã hội, sinh
viên, học sinh, giáo chức, các hội đoàn... tham gia vận động để gây quỹ
và gây ý thức rộng rãi khắp nơi. Các kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp, Nguyễn
Cao Luyện, Vũ Đức Diên đã nghiên cứu tạo ra những mẫu nhà khang trang
đầy ánh sáng, chỉ dùng vật liệu rẻ tiền có sẵn trong nước. Do thời cuộc,
trận đại chiến thế giới 2 bùng nổ, phong trào xây nhà này chưa thực
hiện được nhiều, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên tại Việt Nam gây dựng
được một phong trào phục vụ xã hội rộng lớn, có tiếng vang, đánh động
lương tâm nhiều người, mà sau này gọi là các hoạt động "xã hội dân sự"
do các tổ chức phi chính phủ phổ biến khắp nơi trên thế giới.
Giáo sư Đỗ Quý Toàn, người đã tổ chức và tham gia nhiều công tác xã hội
và giáo dục tại miền Nam trước 1975, sẽ thuyết trình về đề tài Nhà Ánh
Sáng do báo PH NN phát động vào cuối thập niên 1930.
Chúng tôi nghĩ đến đây các trình bày cho phần hội thảo về hai tờ báo
Phong Hóa và Ngày Nay đã tạm đủ. Còn phần hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn,
xin hẹn lần tới.
NV: Xin cám ơn ông và hẹn gặp lại.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/trien-lam-hoi-thao-ve-phong-hoa-ngay.html
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001