Trà Giang - Từ ván cờ người đến cách mạng văn hoá ở Quảng Ngãi (2)
Trà Giang
Như đã trần tình trong entry trước, việc đưa những chuyện của một tỉnh lên danluan.org là lãng phí, không đáng so với những vấn đề nước sôi lửa bỏng quốc gia đại sự mà nhiều bạn đọc quan tâm, thao thức. Tuy nhiên, cũng đã ngỏ ý rằng, ở Việt Nam, chuyện của một tỉnh là chuyện của nhiều tỉnh, của cả nước, chuyện của tương cà muối mắm, nhưng do bản chất thể chế và sự tương tác biện chứng của các hợp phần trong sinh thể xã hội, đều có thể phản ánh bản chất chính trị, văn hoá chính trị của cả nước.
Nét đặc thù của Quảng Ngãi hiện nay là có một ông bí thư tỉnh uỷ được chuyển từ nơi khác đến. Chính sách luân chuyển, điều chuyển và bổ nhiệm cán bộ như vậy đã thể hiện tính chất độc quyền ở giai đoạn thư lại hoá, quan liêu hoá trong công tác đảng; nó biến cán bộ đảng thành một công chức chính trị có giá trị sử dụng như nhau trong tất cả cấp độ của hệ thống tổ chức. Với quyền hạn về công tác cán bộ trong đảng cũng như trong hệ thống chính trị, đảng là tạo ra sự mâu thuẫn đền mức độ làm triệt tiêu tính chiến đấu của nguyên tắc tập trung dân chủ; trong nguyên tắc ấy, vốn có sự không phân biệt ba bình diện: thiểu số phục tùng đa số; địa phương phục tùng trung ương; cấp dưới phục tùng cấp trên. Một khi (trong tình trạng) đảng đã dùng quyền của Bộ Chính Trị, Ban thường vụ các cấp để quyết định việc điều động, bổ nhiệm, đảng đã loại trừ bình diện thứ nhất – tức nguyên tắc nhất trí vốn có giá trị trong từng cấp bộ từ dưới cơ sở (chi bộ) lên trên, khiến nó mâu thuẫn với hai bình diện còn lại trong quá trình xây dựng tổ chức, kỷ luật và tư tưởng trong đảng, vốn rất có hiệu quả trong thời kỳ đấu tranh bí mật và trong chiến tranh. Mâu thuẫn đó phản ánh sự khủng hoảng trong công tác tổ chức đảng, sự suy thoái về đoàn kết nội bộ và xuất hiện ngày càng nghiêm trọng những xung đột về lợi ích giữa đảng viên với đảng viên, giữa các bè cánh, phe phái, nhóm trong nội bộ đảng.
Sự lạm dụng quyền lực chính trị vốn không có chính danh đầy đủ, cộng với lịch sử văn hoá chính trị kiểu như ông Hồ Chí Minh gọi Hưng Đạo Đại vương bằng bác, con cái gọi bố khi bị tố khổ bằng thằng, học sinh gọi thầy giáo cùng sinh hoạt chi đoàn chi bộ bằng đồng chí thì những con đường thụt lùi nhưng cứ tự sướng như là sự đổi mới cứ rộng thênh thang và mọi chuyện đều có thể xảy ra như trường hợp Quảng Ngãi.
Như đã nói, dự án lớn nhất của ông bí thư từ ngoài hành tinh Quảng Ngãi là cách mạng về công tác cán bộ. Sự thay đổi luân chuyển hàng loạt đó thể hiện như rằng từ trước đến nay Quảng Ngãi không biết làm hoặc làm sai công tác này, rằng những vị trí, chức danh và con người đảm nhiệm hiện nay không đúng, sai, và không có hiệu quả. Dự án ấy, trong nhưng ngày này, vẫn tiếp tục, nhưng có thay đổi các con cờ, thế đánh và đường đi. Chính vì vậy, nó lại càng bộc lộ tính chất trò chơi, càng không thể giải thích các mục tiêu nghiêm túc trong việc sử dụng, quản lý con người đáp ứng các yêu cầu phục vụ phát triển nghiêm túc của tỉnh.
Bên cạnh đó, ông bí thư cũng dành công sức, trí tuệ rất nhiều cho cuộc cách mạng văn hoá của tỉnh. Qua nhiều phát biểu, với phong cách lãnh tụ gọi Trần Hưng Đạo Đại Vương nói trên, ông tỏ ý chê bai văn hoá và con người Quảng Ngãi: tư duy và phong cách sống ì trệ, khô cứng, thô ráp, ảnh hưởng vào trong hoạt động công vụ, kinh doanh với những biểu hiện tư duy không đổi mới, không toàn diện, bảo thủ, vô trách nhiệm, nói làm lấy được; ứng xử thiếu sự mềm mại, linh hoạt, tế nhị v.v..cho nên phải cách mạng, thay đổi từ gốc.
Ông đã minh hoạ ngay cho thái độ đánh giá có phần bi quan, tiêu cực đó bằng việc yêu cầu ngành ngoại vụ chuẩn bị để ông “làm việc” với Đại sứ Singapore khi đến Quảng Ngãi xúc tiến việc đầu tư của Tập đoàn Semcorp vào một khu đô thị lớn trong tỉnh và chỉ cho phép vị quan chức này đến “chào xã giao” Chủ tịch tỉnh. Sự phân công đó không giống chút nào với các tỉnh khác và ở cấp trung ương vì vốn tiếp làm việc với đối tác chính quyền nhà nước vốn là việc của phía chính quyền. Có lẽ ông ngại vì những hạn chế văn hoá theo cách ông đánh giá nói trên ở vị Chủ tịch tỉnh. Nhận xét này phải lấp lửng vì cũng với khách nước ngoài là một nhà báo chiến trường cao niên, vượt nửa vòng trái đất từ Mỹ, bỏ tiền túi để bay qua dự lễ kỷ niệm thảm sát Sơn Mỹ thì ông lại chỉ cho ngồi ghế chầu rìa, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Ông tập trung các mục tiêu cách mạng văn hoá vào Lý Sơn, huyện đảo duy nhất và đang là điểm nóng thời sự, là cái nhiệt kế của tình hình Biển Đông. Ông nói một cách tự tin và thành thật rằng ông muốn có cuộc cách mạng văn hoá như vậy vì ông rất yêu Lý Sơn, rằng ông đã thân chinh đi xin bắn pháo hoa trong tết cho dân đảo thưởng thức, rằng ông đã xin cho Lý Sơn thiết bị lọc nước mặn từ Tập đoàn Doosan mà đến nay không có nhiên liệu chỉ hoạt động cầm chừng.
Nội dung cách mạng văn hoá của ông với đảo gồm hai hợp phần chính yếu: Rác và việc đi vệ sinh của cư dân sát biển, việc chôn cất những người qua đời.
Đây là hai cậu chuyện lưu cữu, vô cùng khó xử của đảo.
Với rác, chưa có cơ sở xử lý nào hoạt động; nếu có, phương án chôn hoặc đốt đều có hạn chế về chất lượng và hiệu quả. Do vậy, hiện nay vẫn vứt bừa là chính, tốt nhất là xuống biển.
Việc đi vệ sinh của nhóm dân cư sống sát mép bờ, làm ngư nghiệp, nhà vốn hẹp và nghèo nên không có công trình vệ sinh riêng, từ mấy trăm năm nay, vẫn là dựa vào biển, theo cả hai nghĩa đen, bóng. Thuỷ triều sẽ giải quyết chất thải từ nội tạng cùng với rác.
Muốn xử lý câu chuyện này, phải cải tạo hạ tầng tinh thần - tập quán; cách này đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Trước mắt, cần phải đầu tư hạ tầng vật chất kỹ thuật, tức là cơ sở xử lý rác và công trình vệ sinh công cộng. Hỡi ôi, với việc này, tư nhân trên đảo không thể làm được. Giá như ông bí thư bàn với ông Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, chia bớt sự tài trợ của các doanh nghiệp từ trường Nguyễn Kim Vang ra cho một phần các công trình như vậy ở đảo thay vì chỉ tung ra ý tưởng chỉ đạo.
Việc chôn cất cũng vậy, ông bí thư rất lo cho diện tích đất đảo mất dần do sạt lở và đất ở phục vụ phát triển dân số - gia đình. Ông đưa ra sáng kiến về hoả táng hoặc lập nghĩa trang trong đất liền. Lại hỡi ôi, hoả táng thay đổi quá căn cơ về tập quán, tinh thần và trong điều kiện hiện nay, liệu nó sẽ được vận hành bằng năng lượng gì, vì điện hiện đang chỉ cung cấp cho sinh hoạt từ 17 giờ đến 23 giờ với giá cả chục ngàn/kW. Ngay tại thành phố Quảng Ngãi, hơn chục năm trước, nhà nước đã lấy tiền của dân để chi cho nghiên cứu khoa học và xây dựng một đài hoả táng với vốn vài chục tỉ đồng, tương đương với khoảng 160 tỉ hiện nay; công trình từ trước đến nay, cả chục năm, chỉ tổ chức được một đám tang, mà là địa táng, cho một quan chức cấp cao về hưu ở tỉnh.
Việc lập một nghĩa trang cho đảo ở đất liền là một ý tưởng có vẻ tốt, song chắc phải khắc phục nhiều việc, trong đó có sự thuyết phục để có đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi định lập, nếu có dân chủ tối thiểu và không dùng đến công cụ cưỡng chế trấn áp quen thuộc. Tuy nhiên, cái khó nhất là thân nhân người mất không thể đi tàu vào buổi chiều, cũng không thể đi xe máy vượt biển hơn 30 km dù chỉ tốn một giờ đi để thắp hương cho người khuất, chí ít là trong thời gian đầu của thất tuần, một năm, ba năm.
Nếu phương án trên khó quá, ông bí thư có thể đề xuất thuỷ táng, để cư dân đảo có dịp gặp Osama bin Laden, bởi ông là bí thư, được đảng tin tưởng bổ nhiệm, ông có quyền, có khối óc vĩ đại, luôn sáng hơn mọi người.
Khách gửi hôm Chủ Nhật, 16/06/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130616/tu-van-co-nguoi-den-cach-mang-van-hoa-o-quang-ngai-0
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001