Ward Wilson - Nhật thua vì Stalin chứ không vì bom nguyên tử - p.1
Phần 1
Diên Vỹ chuyển ngữ
29.05.2013
Liệu chính sách hạt nhân trong 70 năm qua dựa trên một sự dối trá?
Từ lâu, việc Hoa Kỳ sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh Nhật trong Thế chiến thứ II đã là đề tài của cuộc tranh luận sôi nổi. Thoạt đầu chỉ vài người đặt vấn đề về quyết định thả hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki của Tổng thống Truman. Nhưng vào năm 1965, sử gia Gar Alperovits lập luận rằng mặc dù hai quả bom này đã dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh ngay lập tức, các quan chức Nhật lúc ấy cũng đã muốn và chắc chắn sẽ đầu hàng trước khi Mỹ có kế hoạch chiếm đóng vào ngày 1 tháng Mười một. Vì thế việc sử dụng chúng là không cần thiết. Rõ ràng là nếu việc ném bom là không cần thiết để thắng cuộc chiến, thì việc ném bom Hiroshima và Nagasaki là sai trái. Bốn mươi tám năm sau, thêm nhiều người khác đã tham gia vào cuộc tranh luận: một số ủng hộ ý kiến của Alperovitz và lên án việc ném bom, những người khác sôi nổi phản biện rằng việc ném bom là hợp đạo lý, cần thiết và cứu người.
Tuy nhiên cả hai quan điểm này đều cho rằng việc tấn công Hiroshima và Nagasaki bằng thứ vũ khí tân tiến và hiệu quả này đã buộc Nhật phải chịu đầu hàng vào ngày 9 tháng Tám. Chúng đã không đặt vấn đề về tính hiệu quả của việc ném bom -- câu hỏi thực sự là, nó có tác dụng không? Luận điểm chính thống là đương nhiên, nó đã có hiệu lực. Hoa Kỳ ném bom Hiroshima vào ngày 6 tháng Tám và Nagasaki vào ngày 9 tháng Tám, khiến Nhật lo sợ trước mối đe doạ của những cuộc dội bom hạt nhân khác và cuối cùng phải đầu hàng. Nhưng có ba vấn đề quan trọng đối với cái nhìn này, và hợp chung lại với nhau, chúng đánh bại luận điểm cố hữu về lý do vì sao Nhật đầu hàng.
Thời điểm
Vấn đề đầu tiên đối với lập luận truyền thống là thời điểm. Và đây là một vấn đề nghiêm trọng. Quan điểm cố hữu đưa ra một vạch thời gian đơn giản. Không quân Hoa Kỳ thả bom hạt nhân Hiroshima vào ngày 6 tháng Tám, ba ngày sau họ lại ném một quả khác vào Nagasaki, và ngày kế tiếp Nhật đã gửi tín hiệu muốn đầu hàng. Chẳng thể trách được các tờ báo Mỹ khi chúng chạy những dòng tít như: “Hoà bình trên Thái Bình Dương: Quả Bom của chúng ta đã thắng!”
Khi câu chuyện về Hiroshima được kể trong hầu hết các chuyện lịch sử Mỹ, ngày ném bom -- 6 tháng Tám - đã được dùng như một cao trào của dòng truyện. Tất cả những yếu tố của câu chuyện đều dẫn đến thời điểm này: quyết định chế tạo bom, quá trình nghiên cứu bí mật tại Los Alamos, cuộc thử nghiệm đầu tiên đầy ấn tượng, và điểm đỉnh kết thúc tại Hiroshima. Nói cách khác, nó được kể như là câu chuyện về quả Bom. Nhưng ta không thể phân tích quyết định đầu hàng của Nhật một cách khách quan trong ngữ cảnh của câu chuyện về quả Bom. Xem nó như là “câu chuyện về quả Bom” đã đưa ra giả định rằng vai trò của quả Bom là trọng tâm.
Nếu xem xét theo quan điểm của người Nhật, ngày quan trọng nhất trong tuần lễ thứ hai của tháng Tám không phải là ngày 6 mà là ngày 9. Đó là ngày mà Hội đồng Tối cao nhóm họp -- lần đầu tiên trong cuộc chiến -- để thảo luận về việc đầu hàng không điều kiện. Hội đồng Tối cao là một nhóm gồm sáu thành viên cao cấp nhất của chính phủ - một dạng uỷ ban nội các -- đang điều khiển hoàn toàn Nhật Bản trong năm 1945. Trước ngày 9 tháng Tám, các nhà lãnh đạo Nhật đã không thực sự nghĩ đến việc đầu hàng. Đầu hàng vô điều kiện (điều mà phe Đồng minh đòi hỏi) là một viên thuốc đắng khó nuốt. Hoa Kỳ và Anh Quốc đã tiến hành những toà án tội ác chiến tranh tại châu Âu. Nếu họ quyết định đưa Nhật hoàng - người được tin là hiển linh - ra toà thì sao? Nếu họ loại bỏ Nhật hoàng và thay đổi hoàn toàn hình thức nhà nước hiện tại thì sao? Mặc dù tình hình đã xấu đi trong mùa hè 1945, giới lãnh đạo Nhật vẫn chưa muốn nghĩ đến việc từ bỏ truyền thống, đức tin và lối sống của mình. Cho đến ngày 9 tháng Tám. Điều gì đã xảy ra khiến họ thay đổi quyết định của mình một cách đường đột và dứt khoát như thế? Điều gì đã khiến họ lần đầu tiên ngồi xuống để nghiêm túc bàn thảo việc đầu hàng trong suốt 14 năm chiến tranh? Không thể nào là Nagasaki. Việc ném bom Nagasaki xảy ra vào cuối buổi sáng ngày 9 tháng Tám, sau khi Hội đồng Tối cao đã bắt đầu buổi họp thảo luận việc đầu hàng, và tin về việc ném bom chỉ đến tai giới lãnh đạo Nhật vào đầu buổi trưa -- sau khi cuộc họp của Hội đồng Tối cao đã chấm dứt với bế tắc về quyết định và toàn bộ nội các được triệu tập để tiếp tục thảo luận. Chỉ dựa trên thời điểm thôi thì Nagasaki không thể là yếu tố thúc đẩy họ đầu hàng.
Hiroshima cũng không phải là ứng viên tốt trong giả thuyết này. Nó xảy ra 74 tiếng -- hơn ba ngày trước đấy. Cơn khủng hoảng nào lại cần đến ba ngày mới ngã ngũ? Tín hiệu của một khủng hoảng là việc ý thức được một đại hoạ không tránh khỏi và lòng mong muốn tột bực để giải quyết ngay lập tức. Nếu giới lãnh đạo Nhật nghĩ rằng Hiroshima đã khởi động một khủng hoảng thì tại sao họ lại đợi đến ba ngày sau mới gặp nhau để bàn thảo?
Tổng thống John F. Kennedy đang ngồi trên giường đọc báo vào khoảng 8:45 sáng ngày 16 tháng Mười 1962 khi McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia bước vào báo cáo với ông rằng Liên Xô đã bí mật bố trí tên lửa hạt nhân tại Cuba. Chỉ trong vòng hai giờ bốn mươi lăm phút sau, một uỷ ban đặc biệt đã được thành lập, các thành viên được lựa chọn, liên lạc và đưa đến Nhà Trắng để ngồi tại bàn họp nội các và thảo luận những việc cần làm.
Tổng thống Harry Truman đang nghỉ ngơi tại Independence, Missouri vào ngày 25 tháng Năm 1950 khi Bắc Hàn đưa quân vượt vĩ tuyến 38, xâm chiếm Nam Hàn. Bộ trưởng Ngoại giao Acheson gọi điện báo tin cho Truman vào buổi sáng thứ Bảy ấy. Chỉ trong vòng 24 giờ, Truman đã bay nửa chiều dài nước Mỹ để ngồi tại toà nhà Blair House (Nhà Trắng lúc ấy đang được tu sửa) với những cố vấn quân sự và chính trị cao cấp để bàn chuyện phải làm.
Ngay cả Tướng George Brinton McClellan -- tư lệnh Quân đoàn Potomac của Liên quân vào năm 1863 trong giai đoạn Nội chiến, người mà Tổng thống Lincoln đã buồn bã nhận xét rằng “Ông ta có tính cách chậm rãi” -- cũng chỉ mất có 12 tiếng khi bắt được tài liệu của Tướng Robert E. Lee ra lệnh chiếm đóng Maryland. Những nhà lãnh đạo này đã phản ứng -- cũng như mọi nhà lãnh đạo tại bất kỳ một quốc gia nào -- với những đòi hỏi cấp bách mà cơn khủng hoảng tạo ra. Mỗi người đều đưa ra những bước đi quyết định trong một thời gian ngắn. Vậy thì chúng ta có thể giải thích ra sao giữa thói quen ứng xử trên với hành động của giới lãnh đạo Nhật? Nếu Hiroshima thực sự khởi động một khủng hoảng dẫn đến việc người Nhật buộc phải đầu hàng sau khi tham chiến trong suốt 14 năm, thì tại sao họ lại cần đến 3 ngày để ngồi lại thảo luận việc ấy?
Ai đấy có thể cho rằng việc chậm trễ thì hoàn toàn hợp lý. Có lẽ họ đã chậm trễ để nhìn nhận tầm quan trọng của việc thả bom. Có lẽ họ đã không biết đấy là một quả bom hạt nhân và khi biết và hiểu ra ảnh hưởng tàn bạo mà loại bom này gây ra, họ đã nghiệm ra một cách tự nhiên là mình phải đầu hàng. Đáng tiếc là cách giải thích này lại không hợp lý so với các bằng chứng.
Trước tiên, thống đốc Hiroshima đã báo cáo với Tokyo ngay trong ngày Hiroshima bị ném bom rằng khoảng một phần ba dân số đã bị giết trong vụ oanh tạc và hai phần ba thành phố bị tàn phá. Thông tin này đã không thay đổi trong vài ngày sau đấy. Vì thế hệ quả -- kết quả cuối cùng của việc ném bom -- đã rõ ràng ngay từ đầu. Chính quyền Nhật hầu như đã biết hệ quả của vụ tấn công từ ngày đầu, nhưng họ đã không hành động.
Thứ hai, báo cáo sơ khởi của nhóm điều tra vụ ném bom Hiroshima của Quân đội, nhóm này chuyên tường thuật chi tiết những gì đã xảy ra, đã không được đưa ra cho đến ngày 10 tháng Tám. Nói cách khác là nó đã không tới tay Tokyo mãi cho đến khi đã có quyết định đầu hàng. Mặc dù báo cáo miệng của họ đã được gửi đến (quân đội) và ngày 8 tháng Tám, chi tiết về vụ thả bom cũng vẫn chưa có được cho đến hai ngày sau. Vì thế quyết định đầu hàng đã không dựa trên việc nhận thức rõ ràng về nỗi kinh hoàng tại Hiroshima.
Thứ ba, ít nhất quân đội Nhật cũng hiểu được vũ khí hạt nhân là gì. Nhật cũng đã có chương trình vũ khí hạt nhân. Một số nhân viên quân đội đã đề cập trong nhật ký của mình rằng bom nguyên tử đã tàn phá Hiroshima. Thậm chí Tướng Anami Korechika, bộ trưởng bộ chiến tranh, đã đến tham vấn với người đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân Nhật Bản vào đêm 7 tháng Tám. Vì thế quan điểm rằng giới lãnh đạo Nhật không biết về vũ khí hạt nhân cũng không đứng vững.
Cuối cùng, một dữ kiện khác về yếu tố thời điểm cho thấy có một vấn đề nổi bật. Vào ngày 8 tháng Tám, Bộ trưởng Ngoại giao Togo Shigenori đến gặp Thủ tướng Suzuki Kantaro và yêu cầu triệu tập Hội đồng Tối cao để thảo luận về việc Hiroshima bị ném bom, nhưng các thành viên hội đồng đã từ chối. Vì thế cơn khủng hoảng đã không lớn dần lên mỗi ngày cho đến khi nó bùng nổ hoàn toàn vào ngày 9 tháng Tám. Bất kỳ giải thích nào về hành động của giới lãnh đạo Nhật dựa trên hiệu ứng “sốc” từ vụ ném bom Hiroshima phải bao gồm cả thực tế là họ đã nghĩ đến việc triệu tập cuộc họp để thảo luận việc bị đánh bom vào ngày 8 tháng Tám, trong đó kết luận là nó không quá quan trọng, để rồi bất thình lình quyết định gặp nhau để bàn chuyện đầu hàng một ngày sau đó. Hoặc là họ đã bị lâm vào tình trạng tâm thần phân liệt tập thể, hoặc một sự kiện nào khác là động cơ thực sự dẫn đến việc bàn thảo đầu hàng.
Mức độ Huỷ diệt
Về khía cạnh lịch sử, việc sử dụng quả Bom dường như là một sự kiện cá biệt quan trọng nhất của cuộc chiến. Tuy nhiên, trên quan điểm cận đại của người Nhật, có thể khó để tách biệt quả Bom khỏi những sự kiện khác. Nói cho cùng, khó để tách biệt một giọt nước mưa ra khỏi cơn cuồng phong.
Trong mùa hè 1945, Không quân Hoa Kỳ đã tiến hành một trong những chiến dịch phá huỷ thành thị dữ dội nhất trong lịch sử thế giới. Sáu mươi tám thành phố Nhật bị tấn công và tất cả đều bị phá huỷ toàn bộ hay một phần. Dự tính đã có khoảng 1,7 triệu người bị mất nhà ở, 300 nghìn người bị thiệt mạng và 750 nghìn người bị thương. Sáu mươi sáu đợt tấn công đã sử dụng bom thông dụng, hai vụ ném bom hạt nhân. Những vụ dội bom thông dụng đã tạo ra những thiệt hại khổng lồ. Trong suốt mùa hè, các thành phố đã bị đốt cháy mỗi đêm. Trong cảnh tàn phá chồng chất, chẳng có gì ngạc nhiên khi một cuộc tấn công đơn lẻ nào đấy đã không tạo được ấn tượng đáng kể -- thậm chí khi nó sử dụng đến thứ vũ khí mới đặc biệt.
Tuỳ theo địa điểm mục tiêu và độ cao tấn công, mỗi chiếc máy bay ném bom B-29 xuất phát từ đảo Mariana mang khoảng 16 đến 20 nghìn cân Anh bom. Một phi vụ oanh kích thường có 500 máy bay. Điều này có nghĩa là mỗi đợt dội bom thông thường đã thả từ 4 đến 5 nghìn tấn bom tại mỗi thành phố. (Một nghìn tấn - kiloton - là tiêu chuẩn đo lường sức nổ của vũ khí nguyên tử. Quả bom ở Hiroshima có sức nổ 16,5 kiloton, quả bom ở Nagasaki có sức nổ 20 kiloton.) Với ngần ấy bom, sức tàn phá được trải rộng và đều (vì thế sẽ hiệu quả hơn), trong khi một quả bom đơn lẻ với sức nổ lớn hơn cũng chỉ phí đi sức huỷ diệt của nó tại trọng tâm của vụ nổ -- tái huỷ diệt những thứ đã bị tàn phá -- ta có thể nói rằng một số những vụ thả bom thông thường đã đạt gần mức huỷ diệt của hai vụ thả bom hạt nhân.
Đợt dội bom thông dụng đầu tiên, một cuộc oanh tạc ban đêm vào Tokyo trong ngày 9-10 tháng Ba là một cuộc tấn công với sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử chiến tranh của thành phố. Khoảng 16 dặm vuông trong thành phố bị cháy trụi. Dự tính khoảng 120 nghìn dân Nhật bị thiệt mạng -- số tử vong cao nhất trong bất kỳ cuộc ném bom nào vào thành phố.
Vì cách câu chuyện được kể lại, chúng ta thường tưởng tượng rằng việc thả bom Hiroshima thì tội tệ hơn rất nhiều. Chúng ta tưởng rằng số người bị chết là cao vô kể. Nhưng nếu bạn phác hoạ đồ thị về số người tử vong trong tất cả 68 thành phố bị ném bom vào mùa hè 1945, bạn sẽ thấy rằng Hiroshima lại đứng hàng thứ hai trong tổng số dân thường tử vong. Nếu phác hoạ đồ thị diện tích dặm vuông bị tàn phá, bạn sẽ thấy rằng Hiroshima đứng thứ tư. Nếu phác hoạ đồ thị về tỉ lệ phần trăm của thành phố bị tàn phá, Hiroshima đứng thứ 17. Rõ ràng Hiroshima vẫn nằm trong những thông số của những đợt dội bom thông thường xảy ra trong mùa hè ấy.
Trên quan điểm của chúng ta thì Hiroshima có vẻ như là một sự kiện đơn độc và nổi bật. Nhưng nếu ta đặt mình vào vị thế của những nhà lãnh đạo Nhật trong khoảng thời gian ba tuần lễ trước cuộc tấn công Hiroshima, bức tranh rõ ràng là khác hẳn. Nếu bạn là một thành viên quan trọng trong chính quyền Nhật vào thời điểm cuối tháng Bảy đầu tháng Tám, trải nghiệm của bạn về việc thành phố bị dội bom sẽ như thế này: Vào sáng ngày 17 tháng Bảy, bạn sẽ đọc được báo cáo rằng tối qua đã có bốn thành phố bị oanh tạc: Oita, Hiratsuka, Numazu và Kuwana. Trong đó, Oita và Hiratsuka bị tàn phá hơn 50 phần trăm. Kuwana bị phá huỷ đến 75 phần trăm và Numazu bị đánh trầm trọng hơn, với gần như 90 phần trăm thành phố bị cháy trụi.
Ba ngày sau, khi thức giấc bạn lại biết được có thêm ba thành phố bị oanh kích. Fukui bị phá huỷ hơn 80 phần trăm. Một tuần sau lại thêm ba thành phố khác bị ném bom vào ban đêm. Hai ngày sau lại có thêm sáu thành phố bị ném bom chỉ trong một đêm, trong đó có Ichinomiya với hơn 75 phần trăm diện tích bị phá huỷ. Vào ngày 2 tháng Tám, bạn đến văn phòng và nhận được báo cáo rằng có thêm bốn thành phố bị tấn công. Và các báo cáo sẽ bao gồm tin tức về thành phố Toyama (gần bằng diện tích của thành phố Chattanooga ở Tennessee vào năm 1945) đã bị phá huỷ đến 99,5 phần trăm. Hầu như toàn bộ thành phố đã bị san bằng. Bốn ngày sau lại có bốn thành phố bị tấn công. Vào ngày 6 tháng Tám, chỉ có một thành phố là Hiroshima bị ném bom nhưng các báo cáo nói rằng có thiệt hại lớn và một loại bom mới đã được sử dụng. Thế thì cuộc tấn công mới này nổi bật đến đâu trong bối cảnh hàng loạt thành phố bị tàn phá trong mấy tuần qua?
Ba tuần trước khi Hiroshima bị ném bom, đã có 26 thành phố bị Không quân Hoa Kỳ oanh tạc. Trong số ấy, tám thành phố -- gần một phần tư -- đã bị phá huỷ hoàn toàn hoặc bị phá huỷ hơn cả Hiroshima (về tỉ lệ phần trăm diện tích thành phố bị huỷ diệt). Thực tế việc Nhật có đến 68 thành phố bị tàn phá trong mùa hè 1945 đã đưa ra một thách thức nghiêm trọng đối với những ai muốn dùng việc ném bom Hiroshima làm nguyên nhân để Nhật đầu hàng. Câu hỏi là: Nếu họ đầu hàng chỉ vì một thành phố bị tàn phá, thì tại sao họ đã không đầu hàng khi 66 thành phố khác bị huỷ diệt?
Nếu giới lãnh đạo Nhật muốn đầu hàng vì Hiroshima và Nagasaki, ta sẽ cho rằng nói chung họ đã quan ngại đến việc các thành phố bị dội bom, rằng việc tấn công các thành phố đã gây áp lực làm họ đầu hàng. Nhưng điều này không có vẻ như thế. Hai ngày sau vụ oanh tạc Tokyo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Shidehara Kijuro đã bày tỏ thái độ vốn cũng tương tự như quan điểm của phần đông các quan chức cao cấp lúc ấy. Shidehara nhận định rằng “người dân sẽ dần dần quen thuộc với việc bị ném bom mỗi ngày. Trong khi ấy, tinh thần đoàn kết và quyết tâm của họ sẽ tăng mạnh hơn.” Trong một bức thư gửi bạn ông nói rằng điều quan trọng là người dân phải trải qua những khó khăn vì “ngay cả nếu cả trăm nghìn thường dân bị giết, bị thương, bị đói khát, ngay cả nếu hàng triệu ngôi nhà bị phá huỷ hoặc thiêu trụi,” vẫn cần thêm thời gian để sử dụng đến phương tiện ngoại giao. Cũng nên nhớ rằng Shidehara là một người ôn hoà.
Tại cơ quan cao nhất của chính phủ -- Hội đồng Tối cao - thái độ rõ ràng là cũng tương tự. Mặc dù Hội đồng Tối cao đã thảo luận tầm quan trọng của việc Liên Xô vẫn giữ vị trí trung lập, họ đã không có một thảo luận thấu đáo về tầm ảnh hưởng của chiến dịch oanh kích vào các thành phố. Trong các hồ sơ lưu trữ, thậm chí chiến dịch ném bom vào các thành phố đã không được đề cập đến trong các thảo luận của Hội đồng Tối cao ngoại trừ hai trường hợp: một lần chỉ được nhắc qua vào tháng Năm 1945 và một lần khác trong một thảo luận bao gồm nhiều đề tài vào đêm 9 tháng Tám. Dựa trên bằng chứng này, thật khó để nói rằng các quan chức Nhật đã nghĩ rằng việc ném bom các thành phố mang tính quan trọng đáng kể so với những vấn đề cấp bách hơn liên quan đến việc vận hành chiến tranh.
Ngày 13 tháng Tám tướng Anami đã nhận định rằng những vụ ném bom hạt nhân cũng chẳng đe doạ gì hơn những đợt ném bom xăng mà Nhật đã phải chịu đựng trong nhiều tháng. Nếu tình trạng của Hiroshima và Nagasaki cũng không tệ hơn những đợt thả bom xăng, và nếu giới lãnh đạo Nhật đã không xem chúng đủ quan trọng để bàn thảo sâu kỹ, thì tại sao Hiroshima và Nagasaki lại có thể dồn họ đến mức phải đầu hàng?
(còn tiếp)
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Sáu, 07/06/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130606/ward-wilson-nhat-thua-vi-stalin-chu-khong-vi-bom-nguyen-tu-p1
======================================================================
Ward Wilson - Nhật thua vì Stalin chứ không vì bom nguyên tử - p.2
Phần 2
Diên Vỹ chuyển ngữ
29.05.2013
Tiếp theo phần 1
Tầm quan trọng Chiến lược
Nếu người Nhật nói chung không quan tâm lắm đến việc oanh tạc các thành phố cũng như việc ném bom hạt nhân ở Hiroshima, thì họ quan tâm đến điều gì? Câu trả lời thật đơn giản: Liên Xô.
Người Nhật đang lâm vào tình thế chiến lược tương đối khó khăn. Họ ở gần điểm cuối của một cuộc chiến mà họ đang là kẻ thua trận. Tình hình trở nên xấu hơn. Tuy nhiên, Quân đội vẫn vững mạnh và được tiếp tế tốt. Vẫn còn gần 4 triệu quân tác chiến trong đó 1,2 triệu đang bảo vệ các hòn đảo của Nhật.
Ngay cả những quan chức cứng rắn nhất trong chính quyền Nhật cũng biết rằng không thể tiếp tục cuộc chiến. Câu hỏi không phải là liệu có nên tiếp tục, mà là làm cách nào để chấm dứt cuộc chiến với càng nhiều lợi thế càng tốt. Phe Đồng minh (Hoa Kỳ, Anh và các quốc gia khác -- nên nhớ rằng Liên Xô vẫn giữ tính trung lập) đang đòi hỏi một “đầu hàng vô điều kiện.” Giới cầm đầu của Nhật hy vọng rằng họ vẫn có thể tìm cách thoát khỏi những phiên toà tội ác chiến tranh, giữ nguyên hình thái chính quyền của mình và giữ lại một số lãnh thổ mà họ từng chiếm được như Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện, vài phần của Malaysia và Indonesia, một phần lớn phía đông Trung Quốc cũng như vô số các hòn đảo trên Thái Bình Dương.
Họ có hai kế hoạch nhằm đạt được những điều kiện đầu hàng tốt hơn: nói cách khác, họ có hai lựa chọn chiến lược. Lựa chọn đầu tiên là ngoại giao. Nhật Bản đã ký một thoả ước trung lập 5 năm với Liên Xô vào tháng Tư 1941, có nghĩa là nó sẽ hết hạn vào năm 1946. Một nhóm gồm đa số các quan chức dân sự do Bộ trưởng Ngoại giao Togo Shigenori dẫn đầu hy vọng sẽ thuyết phục được Stalin đóng vai trò điều phối giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh và bên kia là Nhật Bản. Mặc dù kế hoạch này khó có triển vọng, nó cho thấy một tầm nhìn chiến lược. Nói cho cùng, Liên Xô sẽ quan tâm hơn đến việc bảo đảm rằng các điều khoản dàn xếp thì không có lợi lắm cho Hoa Kỳ: bất kỳ sự tăng cường quyền lực và ảnh hưởng nào ca Hoa Kỳ tại châu Á cũng có nghĩa là sẽ làm giảm thiểu quyền lực và ảnh hưởng của Nga.
Kế hoạch thứ hai là quân sự, và đa số những người cổ xuý nó, dẫn đầu bởi Bộ trưởng Chiến tranh Anami Korechika, đều là giới quân nhân. Họ hy vọng có thể sử dụng bộ binh của Quân đội Nhật hoàng để gây tổn thương lớn đến quân đội Hoa Kỳ nhằm đạt được những điều khoản có lợi hơn. Chiến lược này cũng hơi xa vời. Hoa Kỳ dường như kiên quyết đạt bằng được việc đầu hàng vô điều kiện. Nhưng trên thực tế vì nội bộ quân đội Hoa Kỳ quan ngại và không muốn có một cuộc đánh chiếm với lượng tử vong cao, nên chiến lược của tư lệnh tối cao Nhật không hoàn toàn là quá đáng.
Một cách để đánh giá liệu việc ném bom Hiroshima hay việc tuyên chiến và tấn công của Liên Xô là nguyên nhân khiến Nhật phải đầu hàng là so sánh hai sự kiện này đã ảnh hưởng đến tình hình chiến lược ra sao. Sau khi Hiroshima bị ném bom vào ngày 8 tháng Tám, cả hai lựa chọn trên đều còn khả năng. Vẫn còn có thể nhờ Stalin môi giới (và nhật ký của Takagi viết vào ngày 8 tháng Tám cho thấy rằng ít nhất là vài quan chức Nhật vẫn còn nghĩ đến nỗ lực lôi kéo Stalin vào cuộc). Vẫn còn có thể cố gắng để đánh một trận cân não cuối cùng và gây tổn thất nặng nề cho đối phương. Việc Hiroshima bị tàn phá chẳng có ảnh hưởng gì đến việc làm suy giảm tính sẵn sàng của binh lính đang cố thủ tại các hòn đảo của Nhật. Lúc ấy chẳng còn mấy thành phố sau lưng, nhưng họ vẫn cố thủ, họ vẫn còn đạn dược, và sức mạnh quân sự của họ vẫn chưa bị suy giảm nghiêm trọng. Việc thả bom Hiroshima đã không làm phá sản hai lựa chọn chiến lược của Nhật.
Ngược lại, ảnh hưởng của việc Liên Xô tuyên chiến và đánh chiếm Mãn Châu và Đảo Sakhalin lại rất khác biệt. Một khi Liên Xô đã tuyên chiến, Stalin không còn có thể đóng vai trung gian -- ông đã trở thành kẻ tham chiến. Vì thế lựa chọn ngoại giao đã bị xoá sổ bởi hành động của Liên Xô. Ảnh hưởng đối với tình hình quân sự cũng rất nghiêm trọng. Đa số các đội quân tinh nhuệ nhất của Nhật đã bị chuyển đến phía nam của các hòn đảo trong nước. Quân đội Nhật đã đoán đúng rằng mục tiêu tấn công đầu tiên của Mỹ chắc chắn sẽ là hòn đảo cực nam Kyushu. Ví dụ như đội quân Quan Đông nổi tiếng một thời ở Mãn Châu giờ chỉ là cái vỏ ngoài so với trước đây vì những đơn vị tinh nhuệ nhất đã bị chuyển về phòng thủ Nhật Bản. Khi người Nga tấn công Mãn Châu, họ đã chọc thủng đội quân tiên tiến một thời và nhiều đơn vị của Nga chỉ dừng lại khi cạn kiệt nhiên liệu. Tập đoàn quân thứ 16 của Nga với 100 nghìn quân đã phát động một cuộc tấn công vào nửa phía nam Đảo Sakhalin. Họ được lệnh xoá sạch những kháng cự của Nhật và chỉ trong 10 đến 14 ngày, phải sẵn sàng để đánh chiếm Hokkaido. Quân Nhật được lệnh phải bảo vệ Hokkaido, Tập đoàn quân Khu vực số 5 với hai sư đoàn vài hai lữ đoàn đang ở trong các vị trí cố thủ ở phía đông hòn đảo. Kế hoạch tấn công của Liên Xô lại nhắm vào việc đánh chiếm Hokkaido từ phía tây.
Chẳng cần đến một thiên tài quân sự để thấy rằng, trong khi có thể đánh một trận cân não chống lại một hoả lực lớn đang tấn công ở một hướng, nhưng không thể nào chống lại hai hoả lực lớn tấn công từ hai hướng khác nhau. Cuộc tấn công của Liên Xô đã làm mất hiệu lực của chiến lược quân sự của một trận đánh quyết định, cũng như nó đã làm mất hiệu lực chiến lược ngoại giao. Chỉ trong một nước đi, toàn bộ những lựa chọn của Nhật đã bị tiêu tan. Cuộc tấn công của Liên Xô đã mang tính quyết định về chiến lược -- nó làm phá sản cả hai phương án của Nhật -- trong khi việc ném bom vào Hiroshima lại chẳng làm phá sản phương án nào.
Việc Liên Xô tuyên chiến cũng đã thay đổi việc tính toán lượng thời gian còn lại để xoay trở. Tình báo Nhật tiên đoán rằng lực lượng Hoa Kỳ sẽ không tấn công trong vài tháng tới. Trong lúc ấy, lực lượng Xô Viết có thể có mặt tại Nhật chỉ trong 10 ngày. Cuộc tấn công của Nhật đã khiến cho quyết định chấm dứt chiến tranh trở nên cực kỳ cấp bách.
Và các nhà lãnh đạo Nhật đã rút ra kết luận này từ vài tháng trước. Trong một cuộc họp của Hội đồng Tối Cao vào tháng Sáu 1945, họ đã nói rằng việc Liên Xô tham chiến “sẽ quyết định số phận của Đế chế Nhật.” Phó Tham mưu Trưởng Kawabe nói trong cùng cuộc họp rằng “việc giữ gìn hoà bình tuyệt đối trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là bắt buộc đối với việc duy trì cuộc chiến.”
Chính quyền Nhật đã một mực không quan tâm đến chiến dịch không kích đang tàn phá các thành phố của họ. Điều này có thể không đúng khi việc ném bom bắt đầu vào tháng Ba 1945, nhưng cho đến khi Hiroshima bị tấn công thì rõ ràng họ đã đúng khi xem việc dội bom chỉ là một màn trình diễn không quan trọng về mặt gây ảnh hưởng chiến lược. Khi Truman đưa ra lời đe doạ nổi tiếng là sẽ “dội mưa huỷ diệt” lên các thành phố Nhật nếu Nhật không chịu đầu hàng, rất ít người ở Hoa Kỳ biết rằng chẳng còn gì để huỷ diệt. Đến ngày 7 tháng Tám, sau khi Truman đưa ra lời đe doạ, chỉ còn 10 thành phố có dân số hơn 100 nghìn vẫn chưa bị ném bom. Sau khi Nagasaki bị tấn công vào ngày 9 tháng Tám, chỉ còn lại chín thành phố. Bốn nơi trong số đó nằm ở cực bắc đảo Hokkaido, rất khó để oanh tạc vì khoảng cách quá xa Đảo Tinian, căn cứ của các máy bay Mỹ. Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ Henry Stimson đã loại Kyoto, thủ đô cổ của Nhật, ra khỏi danh sách các mục tiêu tấn công vì tính quan trọng về tôn giáo và biểu tượng của Nhật. Vì thế dù lời đe doạ của Truman thật đáng sợ, sau khi Nagasaki bị ném bom thì chỉ còn lại mỗi bốn thành phố lớn là có thể bị ném bom hạt nhân ngay.
Tầm mức dữ dội và xuyên suốt của chiến dịch oanh tạc của Không quân Hoa Kỳ có thể đo lường bằng thực tế là họ đã ném đi ném lại các thành phố Nhật đến nỗi họ phải tấn công cả những “thành phố” với dân số chỉ đến 30 nghìn người hoặc ít hơn. Trong một thế giới cận đại, 30 nghìn người cũng chỉ tương đương với một thị trấn lớn.
Đương nhiên là luôn có khả năng để tái tấn công các thành phố vốn đã bị oanh tạc bằng bom xăng. Nhưng trung bình thì các thành phố này đã bị huỷ diệt đến 50 phần trăm. Hoặc Hoa Kỳ có thể ném bom hạt nhân lên các thành phố nhỏ hơn. Tuy nhiên, chỉ còn lại sáu thành phố nhỏ (với dân số từ 30 nghìn đến 100 nghìn dân) chưa bị ném bom. Với tình hình Nhật đã có đến 68 thành phố bị tàn phá bởi các vụ không kích, và hầu như vẫn bình chân, thì có lẽ không gì ngạc nhiên khi giới lãnh đạo Nhật đã không ấn tượng mấy với lời đe doạ đánh bom thêm nữa. Điều này không thuyết phục mấy về mặt chiến lược.
Một cốt truyện tiện lợi
Bất chấp sự hiện hữu của ba luận điểm phản biện đầy thuyết phục trên, những giải thích truyền thống vẫn bám chặt trong quan điểm của nhiều người, nhất là tại Hoa Kỳ. Người ta thật sự không muốn nhìn vào dữ kiện. Nhưng có lẽ điều này cũng không đáng ngạc nhiên. Cũng đáng để chúng ta tự nhắc mình rằng kiểu lý giải truyền thống thật tiện lợi về mặt cảm xúc -- đối với Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ. Quan điểm có thể mang tính cố chấp vì nếu chúng đúng sự thật, nhưng đáng tiếc, chúng cũng có thể cố chấp vì thoả mãn được cảm xúc. Chúng bù đắp được nhu cầu tâm lý đầy quan trọng. Ví dụ, khi cuộc chiến kết thúc, lý giải truyền thống về sự kiện Hiroshima đã giúp giới lãnh đạo Nhật đạt được những mục tiêu chính trị quan trọng, về đối nội lẫn đối ngoại.
Hãy đặt mình vào vị trí của Nhật hoàng. Bạn vừa đưa đất nước qua một cuộc chiến tranh thảm bại. Nền kinh tế tan hoang. Tám mươi phần trăm các thành phố của bạn đã bị ném bom cháy rụi. Quân đội đã gục quị sau hàng loạt thất bại. Hải quân bị xoá sổ và chỉ co cụm trong bờ. Nạn đói đang đe dọa. Nói tóm lại, cuộc chiến này là một đại hoạ và điều tệ nhất là bạn đã nói dối với người dân của mình về tình hình đất nước xấu đến mức nào. Họ sẽ bị sốc trước tin đầu hàng. Vậy bạn muốn làm điều gì hơn? Thừa nhận là bạn đã thất bại thảm hại? Đưa ra một tuyên bố nói rằng bạn đã tính toán sai lầm trầm trọng, lặp lại lỗi lầm, và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước? Hay là đổ lỗi của việc thất trận lên trên một khám phá khoa học kỳ diệu chẳng ai có thể đoán trước? Chỉ cần một động thái là đổ lỗi thất trận lên quả bom nguyên tử đã giúp quét sạch toàn bộ các lỗi lầm và tiên đoán sai lạc về cuộc chiến xuống gậm bàn. Quả Bom là một lời bào chữa hoàn hão cho việc thất trận. Không cần phải chia sẻ trách nhiệm; không cần tổ chức những cuộc điều trần để giải trình. Các nhà lãnh đạo Nhật đã có thể tuyên bố rằng họ đã làm hết sức mình. Vì thế, trên phạm trù tổng quát nhất quả Bom đã đóng vai trò chuyển hoá trách nhiệm khỏi các quan chức Nhật.
Qui kết sự bại trận của Nhật cho quả Bom cũng được dùng cho ba mục đích chính trị đặc biệt khác. Thứ nhất, nó giúp bảo toàn tính chính danh của Nhật hoàng. Nếu việc bại trận không phải vì các lỗi lầm mà vì một vũ khí kỳ diệu đầy bất ngờ của kẻ thù, thì ngôi vị hoàng đế vẫn có thể tiếp tục tìm được hậu thuẫn trong nước.
Thứ hai, nó kêu gọi sự đồng cảm quốc tế. Nhật đã phát động chiến tranh một cách hung hãn, và đặc biệt rất tàn ác với người dân các nước bị họ xâm chiếm. Hành xử của họ trong chiến tranh chắc chắn sẽ bị các nước khác lên án. Biến Nhật Bản thành một quốc gia nạn nhân từng bị tấn công một cách bất công bằng thứ vũ khí tàn khốc ác liệt của chiến tranh sẽ giúp dung hoà những điều kinh tởm vô đạo đức mà quân đội Nhật đã làm. Chuyển vận sự chú tâm của mọi người vào việc ném bom hạt nhân giúp tô vẽ Nhật dưới một ánh sáng đồng cảm và chuyển hoá những đòi hỏi trừng phạt nghiêm khắc.
Cuối cùng, nói rằng quả Bom đã thắng cuộc chiến cũng làm thoả mãn người Mỹ chiến thắng. Quá trình chiếm đóng của Mỹ ở Nhật kéo dài đến năm 1952, và trong giai đoạn ấy Hoa Kỳ đã có quyền thay đổi hoặc biến xã hội Nhật theo ý của mình. Trong những ngày đầu chiếm đóng, nhiều quan chức Nhật đã lo ngại rằng người Mỹ muốn xóa bỏ ngôi vị Nhật hoàng. Và họ còn lo đến một điều khác. Nhiều quan chức cao cấp của Nhật biết rằng họ có thể phải đối diện với toà án tội ác chiến tranh (những phiên toà xử tội ác của những kẻ cầm đầu Đức Quốc xã đã đang được tiến hành tại châu Âu khi Nhật đầu hàng). Sử gia Nhật Asada Sadao đã nói trong nhiều cuộc phỏng vấn sau chiến tranh rằng “Các quan chức Nhật... rõ ràng là đã lo làm vừa lòng những nhân viên tra vấn Mỹ.” Nếu người Mỹ muốn tin rằng quả Bom đã giúp đánh thắng cuộc chiến thì tại sao lại phải làm họ phật lòng?
Suy luận việc quả bom hạt nhân giúp kết thúc chiến tranh đã phục vụ quyền lợi của Nhật trong nhiều phương diện. Nhưng nó cũng phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ. Nếu quả Bom chiến thắng cuộc chiến, thì cái nhìn về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ cũng được tăng lên, ảnh hưởng ngoại giao của Hoa Kỳ tại châu Á và trên thế giới cũng tăng theo, và an ninh Hoa Kỳ cũng được củng cố. Hai tỉ Mỹ kim sử dụng để chế tạo nó đã không phí hoài. Ngược lại, nếu việc Liên Xô tham chiến là nguyên nhân khiến Nhật đầu hàng, thì Liên Xô sẽ có thể tuyên bố rằng họ đã làm được trong bốn ngày việc mà Hoa Kỳ đã không làm được trong bốn năm, và quan điểm về sức mạnh quân sự cũng như ảnh hưởng ngoại giao của Liên Xô sẽ tăng lên. Và khi cuộc Chiến tranh Lạnh diễn ra, nhận định rằng việc Liên Xô tham chiến là yếu tố quyết định cũng chẳng khác gì giúp đỡ và hỗ trợ kẻ thù.
Với những câu hỏi được đặt ra ở đây, thật đáng quan ngại khi nghĩ đến bằng chứng của sự kiện Hiroshima và Nagasaki là trọng tâm của mọi lập luận khi ta đề cập đến vấn đề vũ khí hạt nhân. Sự kiện này là nền tảng để biện hộ cho tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân. Nó đóng vai trò tối trọng đối với vị thế của thứ vũ khí này, đó là quan điểm rằng những luật lệ bình thường thì không áp dụng với vũ khí hạt nhân. Đó là phạm vi tối trọng của mối đe doạ hạt nhân: Đe doạ của Truman về việc dội “mưa huỷ diệt” lên Nhật Bản là lời đe doạ nguyên tử đầu tiên rõ rệt nhất. Nó là chìa khoá của ánh hào quang về quyền lực khổng lồ phong toả loại vũ khí này, khiến nó trở nên vô cùng quan trọng trong quan hệ quốc tế.
Nhưng chúng ta là gì để có thể đưa ra những kết luận trên nếu câu chuyện cố hữu về Hiroshima bị nghi ngờ? Hiroshima là trọng tâm, là điểm mấu chốt mà từ đó phát ra những tuyên bố và khẳng định khác. Nhưng câu chuyện mà chúng ta vẫn tự kể cho nhau nghe dường như lại quá xa so với thực tế. Chúng ta là gì để bàn về vũ khí hạt nhân nếu thành quả vĩ đại đầu tiên này -- sự kỳ diệu của quả bom khiến Nhật Bản bất ngờ đầu hàng -- hoá ra chỉ là một thứ huyền thoại?
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Sáu, 07/06/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130607/ward-wilson-nhat-thua-vi-stalin-chu-khong-vi-bom-nguyen-tu-p2
=====================================================================
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001