Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

“Bên Thắng Cuộc” được dịch sang tiếng Nhật

“Bên Thắng Cuộc” được dịch sang tiếng Nhật 

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-07-10
703689_514412291911125_1201077093_305.jpg
Bìa sách "Bên thắng cuộc".
Photo courtesy of Osinbook 
Giáo sư người Nhật Ari Nakano, chuyên ngành chính trị học, đang làm việc tại đại học Daito Bunka tại Nhật Bản. Bà cũng dạy tiếng Việt cho một số Đại học Nhật. Bà đã dịch hai cuốn sách của tác giả Bùi Tín là Hoa Xuyên Tuyết và Mặt Thật, và hiện đang dịch quyển Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức sang tiếng Nhật. Tháng hai vừa qua bà có tham gia một hội thảo về chính sách môi trường tại Hà Nội. Bà đã dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn sau đây:

Giúp người Nhật hiểu rõ VN

Kính Hòa: Được biết là giáo sư đang dịch quyển Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức sang tiếng Việt, theo giáo sư thì quyển sách có tầm quan trọng như thế nào đối với Việt Nam hiện đại?
GS Ari Nakano: Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc ba mươi tám năm rồi. Tác giả Huy Đức sinh năm 1961, cùng thế hệ với tôi, thế hệ không có trải nghiệm cuộc chiến đó. Có thể là anh Huy Đức không có bị ảnh hưởng nhiều bởi ý thức hệ chính trị, vì vậy điều đó cho phép anh ấy có cái nhìn khách quan hơn về lịch sử. Tôi cho rằng cuốn sách này quan trọng đối với người Việt Nam. Tôi nghe rằng học sinh Việt Nam không quan tâm đến lịch sử bởi vì lịch sử được giảng dạy ở Việt nam theo ý thức hệ chính trị. Tôi hy vọng thế hệ trẻ Việt nam sẽ quan tâm hơn về lịch sử không phải với ý thức hệ chính trị mà với tầm nhìn khách quan hơn.
Kính Hòa: Giáo sư nghĩ rằng công chúng người Nhật sẽ đón nhận cuốn sách ra sao?
Có thể là anh Huy Đức không có bị ảnh hưởng nhiều bởi ý thức hệ chính trị, vì vậy điều đó cho phép anh ấy có cái nhìn khách quan hơn về lịch sử.
-GS Ari Nakano
GS Ari Nakano: Trong thời kỳ chiến tranh người Nhật quan tâm đến Việt Nam và sau khi chiến tranh kết thúc, sự quan tâm đó mất đi vì chúng tôi không có thông tin từ trong nước Việt Nam. Chúng tôi không hiểu tại sao lại có thuyền nhân, tại sao lại có chiến tranh giữa Việt Nam với Campuchia và với Trung Quốc. Chúng tôi chưa bao giờ hiểu là thực sự cái gì đã xảy ra bên Việt Nam sau năm 1975. Người Nhật chỉ biết về chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đổi mới, chúng tôi không có thông tin về giai đọan sau 1975 cho đến khi đổi mới bắt đầu. Sách Bên Thắng Cuộc sẽ giúp người Nhật hiểu những điều đó.
Kính Hòa: Giáo sư có gặp khó khăn gì không khi dịch quyển sách này?
GS Ari Nakano: Tôi thường xuyên liên lạc với anh Huy Đức qua email và anh ấy trả lời rất nhanh nên tôi không gặp khó khăn gì dù tôi ít có thì giờ. Tôi chỉ có một lo ngại cho anh ấy sau khi anh ấy về nước, không biết có bị bắt hay không?
Kính Hòa: Xin giáo sư cho biết về cuộc hội thảo ở Hà nội hồi tháng hai mà giáo sư có tham gia.
GS Ari Nakano: Hồi tháng hai vừa qua tôi có một cuộc hội thảo tại Hà Nội về chính sách môi trường tại Việt Nam, kể cả dự án Bauxite ở Tây Nguyên. Rất tiếc là phía Việt nam không muốn đề cập đến vấn đề Bauxite nên chúng tôi đã không thảo luận được gì cả. Tôi cho là hội thảo có rất ít kết quả vì phía cơ quan chính phủ Việt Nam không muốn công khai những gì bất lợi cho họ.
Kính Hòa: Thưa Giáo sư, tôi có nghe nói là do bài viết về cuộc hội thảo đó của Giáo sư trên báo Asahi Shimbun mà công an đã đến văn phòng của báo này ở Hà Nội.
GS Ari Nakano: (cười) Tôi có nghe nói, mà thực ra thì đại diện của Asahi với bài viết có quan hệ gì đâu.
Kính Hòa: Thưa Giáo sư có nghĩ rằng do bài viết ấy mà Giáo sư sẽ gặp khó khi trở lại Việt nam không?
GS Ari Nakano: (cười) Tôi không biết là đối với một giáo viên đưa sinh viên Nhật sang Hà Nội học tiếng Việt hai hay ba tuần thì có gặp khó khăn gì không.
Kính Hòa: Xin cám ơn Giáo sư đã dành thời giờ cho Đài Á Châu Tự Do thực hiện buổi phỏng vấn hôm nay.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-winner-side-translated-japanese-kh-07102013000958.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001