Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Chúng ta sẽ không bao giờ mất anh

Chúng ta sẽ không bao giờ mất anh 



|
Những người bạn của Điếu Cày đã tới ủng hộ tinh thần cho anh trước cửa nhà tù.
Những người bạn của Điếu Cày đã tới ủng hộ tinh thần cho anh trước cửa nhà tù.
Nhà tù không hẳn là địa ngục nhưng phận tù đày là kiếp đày đọa nhất của mọi kiếp người.
Và trong kiếp đày đọa ấy, vẫn có thêm một sự đọa đày.
Nếu anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn bị biệt giam trong buồng kỷ luật thì có nghĩa, anh đã bước sang ngày thứ 32 tuyệt thực trong “nhà tù của nhà tù”.
Còn tôi, ngồi đây để gõ mấy con chữ vô nghĩa này, để nói về sự may mắn của mình.
Tôi may mắn cả khi là một người tù.
Tôi đã không phải bỏ mạng như người tù lương tâm Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương sau hàng chục năm bị giam cầm. Hay người tù lương tâm, linh mục Nguyễn Văn Vàng, khi chết vẫn đang bị cùm và bị bỏ đói.
Tôi không phải thoi thóp để nhìn quỹ thời gian của mình đang dần vụt mất như người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu gần bốn mươi năm trời không nhìn thấy ngày trở về.
Tôi may mắn hơn rất nhiều những người trong một khoảnh khắc bại trận đã bị biến thành tù nhân chỉ vì không biết dùng thủ đoạn và sự tàn ác với dân tộc mình để chiến thắng. Trong số những cựu quân nhân cán chính dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, có người bị cầm tù đến tận hôm nay, đã hàng chục năm trời sau cái lần gọi là “giải phóng” ấy. Có người đã gửi lại thân xác (nguyên vẹn hoặc không nguyên vẹn) nơi chốn ngục tù. Nhiều đồng đội của họ vẫn còn bị cầm tù nơi nghĩa trang lạnh lẽo.
So với những người tù hình sự (có tội hoặc không có tội), tôi cũng may mắn hơn. Họ, hầu hết không dám nhìn thẳng vào mặt những tên cai tù.
Và nhìn sang những đứa trẻ phải theo mẹ vào tù để chung kiếp đọa đày, nhiều bé đã ra đời trong bốn bức tường giam, vẫn còn may mắn hơn nhiều bào thai khác không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời dù trong chốn ngục tù. Tôi may mắn hơn các bé vì tôi là người tù đã ngoài ba mươi tuổi.
Còn trước anh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tôi thấy mình tầm thường và nhỏ bé.
Trong buồng biệt giam, nơi có thể nghe rõ cả tiếng thở dài của người bạn tù buồng bên cạnh, Điếu Cày đối mặt với sự tĩnh lặng đến ghê người. Và lắng nghe cơ thể của mình – một hình hài đã trở nên quá mong manh – thay đổi qua từng ngày tuyệt thực. Nhưng anh đâu chỉ đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần. Để đánh bại anh, chúng sẽ “lôi” Điếu Cày ra khỏi những suy tưởng của riêng mình, bắt anh chấp nhận một cuộc đấu cả bằng sức (vốn đã không còn) lẫn bằng trí. Một người luôn “dị ứng” và mẫn cảm với mọi sự sỉ nhục như Điếu Cày, hẳn sẽ không tiếc dù là chút sức lực cuối cùng để ném sự khinh bỉ và ghê tởm vào những tên cai tù, đang lăm lăm dùi cui và bản nhận tội viết sẵn dành cho anh.
Tất cả chúng ta đang hướng về anh, tôi cũng như bạn. Nhưng tôi sẽ làm cái việc lần đầu tiên tôi làm: Kết thúc bài viết khi nó vẫn đang dang dở. Và tin rằng, chúng ta sẽ không bao giờ mất anh. Anh đã chiến thắng và anh sẽ sống.
Nhà tù đã quỳ gối quy hàng trước anh, một người tù kiên gan và bền chí.
Và chính anh, đang nâng đỡ chúng ta trong những phút giây yếu đuối này.
© Phạm Thanh Nghiên
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/77791/chung-ta-se-khong-bao-gio-mat-anh/2013/07
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001