Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Sân khấu chính trị Úc

Sân khấu chính trị Úc 

Thủ tướng Australia Kevin Rudd bắt tay các thành viên của phe đối lập tại Quốc hội, ngày 27/6/2013.Thủ tướng Australia Kevin Rudd bắt tay các thành viên của phe đối lập tại Quốc hội, ngày 27/6/2013.
Tôi theo dõi tình hình chính trị trên thế giới ở một phạm vi khá rộng, nhưng thường tập trung vào bốn điểm chính: Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam và Úc. Với Mỹ, tôi theo dõi khá cẩn thận, đặc biệt về phương diện chính sách, vì, không ai có thể chối cãi được, với tư cách siêu cường quốc số một thế giới, bất cứ chính sách nào của Mỹ cũng đều ít nhiều ảnh hưởng đến các nước khác. Với Trung Quốc, tôi vừa theo dõi vừa lo lắng: sự nổi dậy của họ cũng như các chính sách về quân sự và lãnh thổ của họ có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cả khu vực, đặc biệt, Việt Nam. Với Việt Nam, tôi vừa theo dõi vừa bực bội trước cả chính sách lẫn thái độ của giới lãnh đạo: họ vừa độc tài vừa dốt nát, vừa giả dối vừa bẩn thỉu, và, nói theo dân gian, “vừa hèn với giặc vừa ác với dân”. Với Úc, tôi theo dõi vì lý do đơn giản: tôi sống, làm việc, đóng thuế và có bổn phận bầu cử ở Úc.

Hơn nữa, theo dõi sinh hoạt chính trị của Úc cũng là một cách giải trí.

Nói chung, theo tôi, sinh hoạt chính trị ở các nước theo Nghị viện chế (parliamentary system) bao giờ cũng sôi nổi và hào hứng hơn ở các nước theo Tổng thống chế (presidential system).

Ở các nước theo Tổng thống chế, ví dụ Mỹ hay Pháp, Tổng thống là người đứng đầu hành pháp, lâu lâu mới xuất hiện trước Quốc Hội, và xuất hiện như một vị khách; nếu xuất hiện trước báo chí hay dân chúng, thì cũng xuất hiện như một vị lãnh đạo, chủ yếu để ban huấn từ; đối thoại, nếu có, cũng chỉ họa hoằn. Bởi vậy, với dân chúng, Tổng thống bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định. Và vì khoảng cách ấy, cách xưng hô đối với các tổng thống bao giờ cũng phải cung kính và long trọng, lúc nào cũng “thưa tổng thống”.

Ở các nước theo Nghị viện chế, như Úc, Anh, Nhật, Tân Tây Lan hay Thái Lan thì khác, người lãnh đạo tối cao thực sự là Thủ tướng; và Thủ tướng cũng đồng thời là lãnh tụ của khối đa số trong Quốc Hội, lúc nào cũng bị ngồi đối diện với thủ lãnh phe Đối lập. Và phải cãi nhau ỏm tỏi với phe Đối lập.

Ở Úc, mỗi năm Quốc Hội thường họp khoảng gần 70 ngày. Trong những ngày họp ấy, có những giờ được gọi là thời gian chất vấn (question time), kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, ở đó, phe đối lập có thể đặt bất cứ câu hỏi nào cho thủ tướng và các bộ trưởng. Giới hạn thời gian cho mỗi câu hỏi là 45 giây và cho câu trả lời là bốn phút. Các câu hỏi được đặt ra với mục đích bắt bí đối phương nên bao giờ cũng bất ngờ, hiểm hóc, và dĩ nhiên, đầy ác ý. Nhưng những người bị hỏi bắt buộc phải trả lời. Vừa có một chiếc thuyền tị nạn đâu đó mới đến Úc ư? Câu hỏi: “Thủ tướng làm cách nào để ngăn chận nạn di dân bất hợp pháp?” Chiếc thuyền ấy bị đắm làm chết nhiều người trên lãnh hải Úc ư? Câu hỏi: “Thủ tướng làm cách nào để ngăn chận để những thảm cảnh như thế không xảy ra nữa?” Một chiếc xe tải bất cẩn phóng nhanh đâm vào chiếc xe lửa đang chạy khiến mấy người chết ư? Câu hỏi: “Tại sao thủ tướng lại để những tai nạn như vậy xảy ra? Tại sao không xây dựng đường xá cho an toàn hơn? Làm cách nào để giảm thiểu các tai nạn giao thông?” Vân vân.

Với những câu hỏi, nhiều khi dựa trên những sự kiện nóng hổi như thế, thủ tướng hoặc các bộ trưởng không được quyền trả lời là không biết. Nhiệm vụ của họ là phải biết. Họ được trả lương và được cung cấp rất nhiều điều kiện làm việc là để biết mọi sự kiện liên hệ đến trách nhiệm của họ. Và tìm cách giải quyết. Mà những cái gọi là liên hệ đến trách nhiệm ấy thì nhiều vô cùng. Một công ty nào đó bị đóng cửa khiến mấy trăm người mất việc: Thủ tướng phải biết. Một bệnh viện để bệnh nhân chết oan ức vì quá tải: Thủ tướng phải biết. Bởi vậy, thường, giới lãnh đạo Úc, đặc biệt là thủ tướng, thường phải thức dậy rất sớm, từ 5-6 giờ sáng, và công việc đầu tiên trong ngày là phải đọc toàn bộ các tờ báo lớn trong nước, rồi được cố vấn truyền thông tóm tắt tất cả mọi chuyện lớn nhỏ trong ngày và đêm hôm trước.

Theo dõi các giờ chất vấn như thế, người ta không thể không phục các chính trị gia. Họ biết nhiều và nhớ nhiều vô cùng. Biết và nhớ đến từng chi tiết, từng con số. Hơn nữa, phần lớn họ đều ăn nói rất trôi chảy, phản ứng mau lẹ, đối đáp sắc sảo. Họ có khả năng trả lời mọi câu hỏi một cách hùng hồn nhưng phần lớn lại không rõ ràng đủ để người ta có thể biết họ đang thực sự nghĩ gì và sẽ làm gì. Ngôn ngữ chính trị, nói chung, có những đặc điểm riêng và cần những kỹ năng riêng. Được trau dồi thường xuyên trong các giờ chất vấn, các lãnh tụ đều rất điêu luyện, nhiều người được khen là bậc thầy.

Nhưng vui nhất khi theo dõi các giờ chất vấn như vậy là thái độ của các dân biểu thuộc hai phía: chính phủ và đối lập. Cả hai giống như một bầy con nít, lúc nào cũng hò hét, cũng ồn ào. Khi “phe ta” lên tiếng ư? Họ ồ lên ra vẻ tán thành và ngưỡng mộ. Khi “phe địch” lên tiếng ư? Họ cũng ồ lên nhưng một cách chế nhạo và phản đối. Một trong những chữ mà chủ tọa Quốc Hội (speaker) thường ra lệnh nhất trong các giờ chất vấn là “Trật tự!” Lệnh thì lệnh, các dân biểu, nhất là các dân biểu ngồi ghế sau, vẫn cứ nhao nhao lên ồ ồ à à.

Cung cách sinh hoạt như thế tạo nên ấn tượng bình đẳng trong sinh hoạt chính trị tại Úc. Bình đẳng giữa chính phủ và đối lập (ở Úc, phe đối lập, thật ra, cũng là một thứ chính phủ - shadow government, ở đó, cũng có lãnh tụ và các bộ trưởng tương ứng với guồng máy chính phủ). Và bình đẳng giữa các quan chức cao cấp và dân chúng.

Nếu chính trị ở mọi nơi đều là một sân khấu thì sân khấu chính trị Úc ít khi có bi kịch, cũng hiếm khi có anh hùng ca. Phần lớn chỉ có kịch hoặc kịch hài.

Còn các diễn viên thì phần lớn đều dễ thương.

Dễ thương nhất là sự bình dân. Trước hết, trong cách xưng hô. Phần lớn các thủ tướng Úc đều đề nghị người khác, từ các ký giả đến dân chúng, cứ gọi họ bằng tên (thay vì bằng họ theo kiểu long trọng thường thấy). Sau đó, trong cách thức sinh hoạt. Họ đi đâu cũng đi một cách lặng lẽ, không có cảnh xe cảnh sát hụ còi inh ỏi dọn đường. Nếu đi máy bay thương mại, họ cũng ngồi một ghế như mọi hành khách khác, không có chuyện xua đuổi người khác - như trường hợp Bộ trưởng ngoại giao Bỉ trong chuyến thăm Việt Nam ngày 13/6/2008 - để nhường chỗ cho quan chức như ở Việt Nam.

Thủ tướng John Howard trước đây có thói quen sáng sáng đi bộ tập thể dục ngoài đường, sang đến Hà Nội, ông cũng đi bộ như vậy dọc hồ Hoàn Kiếm, lúc nào cũng chỉ có hai nhân viên an ninh mặc thường phục âm thầm đi phía sau, như ba người bình thường khác, chìm lẫn hẳn vào đám đông. Còn Peter Costello, lúc đang làm Phó lãnh tụ đảng Tự Do kiêm Bộ trưởng Bộ Ngân khố, về quyền lực, chỉ đứng sau Thủ tướng John Howard, mỗi cuối tuần, vẫn cứ tự cắt cỏ trong vườn và cỏ ngoài đường trước mặt nhà ông, như mọi người đàn ông tháo vát khác.

Tôi ở khá gần nhà bà Julia Gillard. Ngay cả lúc bà đang làm Thủ tướng, đi bộ dọc bờ biển, bà cũng đi một cách lặng lẽ. Ai chào thì bà chào lại, còn không thì thôi. Vào tiệm cà phê, bà cũng sắp hàng như mọi người; mua xong, cũng móc ví trả tiền như mọi người. Hầu như ai cũng biết bà, nếu chào, cũng chào một cách nhẹ nhàng; nếu không, thì cứ thản nhiên chuyện trò tiếp với bạn bè, làm như bà không hề có mặt ở đó. Bà đến rồi đi, không hề gây chút xáo trộn nào trong tiệm. Hai người cận vệ ý tứ đứng ngoài cửa chờ. Mà họ cũng mặc thường phục. Nên cũng ít người biết.

Có người lặng lẽ đến độ chết cũng không ai biết.  Đó là trường hợp của Harold Holt (1908-1967), lên làm thủ tướng từ tháng 1 năm 1966. Sáng chủ nhật 17/12/1967, ông cùng hai người bạn đi tắm ở bãi biển Point Nepean, gần Portsea, tiểu bang Victoria. Có hai cận vệ đi theo. Hôm ấy sóng khá lớn. Nhưng Holt rất tự tin: ông nổi tiếng bơi giỏi. Nhưng nhảy xuống biển, bơi được một lúc, ông biến mất. Hai người bạn và hai cận vệ không biết làm gì khác hơn là đứng… la làng ơi ới. Những người tắm biển chung quanh đổ xô tìm kiếm. Hai ngày sau, chính phủ công bố là Thủ tướng đã chết. Nhưng không tìm thấy xác. Sau đó là vô số tin đồn rộ lên: Holt cố tình tự tử; Holt giàn cảnh chết để đi sống lén lút với bồ đâu đó; Holt là gián điệp của Trung Cộng, được tàu ngầm của Trung Cộng đón và chở về lục địa, v.v..

Sau đó, chính phủ Úc không bao giờ cho tiến hành bất cứ một cuộc điều tra nào. Lý do: Họ sợ tốn tiền thuế của dân chúng một cách vô ích!

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/san-khau-chinh-tri-uc/1698361.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001