Trở lại bài “Đi tìm con người Hoàng Trung Thông”
Nguyễn Huệ Chi
Tôi vừa hoàn thành trọn vẹn bài “Đi tìm con người Hoàng Trung Thông” nhân cuộc tọa đàm kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông tại Viện Văn học 22-4-2013. Bài này được “Văn hóa Nghệ An” đăng sơ bản, sau nhiều ngày nhớ và nghĩ, có bổ sung hoàn chỉnh hơn và tạp chí “Thế giới mới” đã đăng lại trọn vẹn bản chỉnh sửa trong số 23 ngày 24/6/2013. Trong bài có nhắc đến những ngày tôi cùng nhà thơ Hoàng Trung Thông sang Đức vào mùa Đông năm 1980 dự hội thảo khoa học “35 năm văn học chống Phát xít”.Cho đến giờ tôi vẫn không nắm bắt được con người thật của Hoàng Trung Thông mặc dù chính tôi đã từng chạm vào con người ấy. Trong một Hoàng Trung Thông có đến mấy con người, điều ấy thì chắc không khó để chúng ta nhất trí. Trước hết là con người chức vụ, kể từ khi là Tỉnh ủy viên Nghệ An cho đến tận khi đảm đương Vụ trưởng Vụ Văn nghệ sau hòa bình lập lại. Nhưng tôi dám quyết, con người chức vụ không phải là con người thật của ông, hay đúng hơn, lúc đầu nó là con người thật, rồi sau mười mấy năm từng trải, kinh qua những cuộc đấu đá trong các phong trào từ ngoài xã hội vào đến văn chương, hình như có cái gì đấy không hợp với tạng của mình, Hoàng Trung Thông đã xa lìa dần con người chức vụ một cách không tự giác. Cho đến khi về Viện Văn học thì tôi nghĩ, chức Viện trưởng với ông chỉ còn là chức phận, một nhiệm vụ do trên giao không thể không làm. Chẳng thế mà, với bản lĩnh, học vấn, và cách giải quyết mọi việc bằng phong thái từ tốn và đức vị tha hiếm có, ông có thể đã đóng góp cho Viện được rất nhiều vào thời điểm này. Chính ông đã hóa giải những mâu thuẫn rắc rối giữa ba ông Viện phó một cách nhẹ nhàng mà đến GS Đặng Thai Mai cũng không thể hóa giải nổi, làm cho Viện đang rất căng trở nên yên ổn. Ông lại có tấm lòng liên tài nên biết cách khuyến khích khéo léo những người thực sự có năng lực trong Viện, và có thể nói, sau khi ông về Viện được 3, 4 năm, uy tín của Viện trưởng trong toàn Viện là một uy tín gần như tuyệt hảo, chinh phục người khác cả bằng lý và bằng tình. Đến mức trong lần bầu Giáo sư năm 1980, cả Viện đều bỏ phiếu chức danh Giáo sư cho ông, trong khi một số người tai mắt ở Viện khá nhiều năm chỉ bầu được Phó giáo sư mà thôi.
Hình như vì đọc được bài đó trong dạng sơ bản nên Dr Trương Hồng Quang từ Đức đã đã gửi về cho tôi tấm ảnh mấy anh em chụp chung tại Leipzig vào những ngày này, trong đó tính từ trái sang có: Trương Hồng Quang, Huỳnh Khái Vinh, Hoàng Trung Thông, người tài xế của Viện Hàn lâm Đức, tôi, nhà thơ Indonesia Agam Wispi (một người nhờ mưu mẹo cụ Hồ nên đã thoát chết trong cuộc đảo chính của Suharto năm 1965-1966, sau trở thành người tị nạn ở Đông Đức), và Đinh Xuân Dũng.
Tấm ảnh gợi lại bao nhiêu kỷ niệm về một chặng đường khó có thể quên.
Bấy giờ chúng ta vừa đánh nhau với Tàu ở biên giới tạm xong và trong cơn đói hành hạ cả nước, vẫn đang mơ ước một mô hình của Cộng hòa dân chủ Đức, trong khi người Đức thì lại ước ao và thán phục một cuộc “giải phóng” để thống nhất đất nước như chính chúng ta. Chưa ai biết gì và cũng không thể nào tưởng tượng nổi cái kết cục về sự sụp đổ bức tường Bá Linh chỉ trong một đêm vào 9 năm sau. Nhưng rồi chỉ ít lâu Trương Hồng Quang trở về nước, làm cán bộ nghiên cứu trẻ tại Viện Văn học, và nghiệm sinh kiếp sống thực của “nhà khoa học thứ thiệt” tại một xứ sở đang ôm bụng lép để mà ước mơ. Quang cũng đã phải lăn lộn đến mấy năm theo cách nằm trên bàn, đắp một tấm chăn mỏng hè cũng như đông, bán dần từng món mình mang từ “thiên đường” Đông Đức về để dằn cái bụng. Rồi đến lúc bị đẩy đến… “bức tường Bá Linh” của đói khát thì anh đành phải quyết định. Tôi nhớ trong một lần cả Viện được đi nghỉ Đồ Sơn vài hôm (1986) (bấy giờ tôi là Thư ký Công đoàn Viện, lo toan việc này nên không thể lầm lẫn), một buổi chiều trời chập choạng Quang còn ngồi tư lự trên bãi cát, tôi đến gần ngồi xuống bên cạnh, tự nhiên Quang buột thốt ra hết mọi dự định của anh, rằng nhân việc Trung ương Đoàn Thanh niên cử một đoàn đi sang Đức mời Quang làm người phiên dịch, Quang sẽ tái xuất và… không hẹn ngày trở lại. Không hiểu sao lúc bấy giờ không cần nghĩ ngợi tôi gật đầu ngay, nói rằng quyết định của em là sáng suốt, và nên làm theo lời mách bảo từ sâu thẳm lương tri mình. Thế rồi Quang ra đi và đúng là biệt tăm… để nhiều năm sau trở thành một Dr Trương Hồng Quang người Đức gốc Việt như hôm nay.
Mỗi lần nghĩ đến kỷ niệm không sao quên được ấy tôi lại cứ nhớ đến bài thơ Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên cát) của thi hào Cao Bá Quát. Bài thơ nói lên tâm trạng một người đi trên bãi cát mịt mùng, bước chân lún xuống cát khiến người đi cảm thấy mỗi bước tiến lên lại là một bước lùi trở lại (tôi đã thực nghiệm đi như thế ở Quảng Trị và đúng là cảm giác bị “đi lùi” rất rõ). Và đây là môt cuộc độc hành hết sức cực khổ, chỉ riêng mình tỉnh trong khi những người bộ hành trên đường thì đều là “phường danh lợi” (nhóm lợi ích?) nên họ khác hẳn, tha hồ dọc ngang khắp nơi mọi chốn nhưng quán rượu nào cũng bốc lên hơi men của thứ rượu đặc biệt ngon (mỹ tửu) của họ – họ toàn “đi trong cơn say” (khủng khiếp của người đời là chỗ ấy – quả là một phát hiện thần tình của thi nhân họ Cao). Ao ước có được phép thụy du để vừa đi vừa ngủ như các tiên ông cũng không tài nào có. Rốt cuộc, nhìn ra mọi phía phía nào cũng là những bức tường sừng sững: phía Bắc là muôn lớp núi vây bủa, phía Nam là nghìn đợt sóng biển dồn dập, chúng cứ vây chặt lấy mình. Còn mình, đến khi tỉnh táo lại cũng không thể hiểu nổi vì sao lại đứng trơ trên bãi cát.
Tôi ghi lại bản dịch bài thơ này của mình ở đây để tặng Dr Quang và các bạn với linh cảm: Có lẽ Quang đã sớm biết được định mệnh của một kẻ (hay rất nhiều kẻ) “sa hành đoản ca” ngay trên đất nước mình và nhờ đó sớm tìm được lối thoát trong cuộc phiêu lưu hồi bấy giờ chăng?
Cát dài, bãi cát dài,
Mỗi bước – một bước lùi.
Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ,
Bộ hành nước mắt lã chã rơi.
Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non lội suối giận khôn nguôi!
Xưa nay phường danh lợi,
Bôn tẩu hết ngược xuôi.
Gió thoảng hơi men trong quán rượu,
Say cả – hỏi tỉnh được mấy người?
Bãi cát, bãi cát, ngao ngán lòng,
Đường phẳng mờ mịt, đường hiểm vô cùng!
Nghe ta ca “cùng đường” một khúc:
Phía Bắc núi Bắc, núi muôn lớp,
Phía Nam biển Nam sóng nghìn đợt,
Sao mình anh trơ trên bãi cát?
Nguyễn Huệ Chi
Trao đổi của Dr Trương Hồng Quang trên Facebook
Cám ơn phản hồi của anh nhiều. Cũng nhờ đó mà em mới nhớ lại chàng trai đứng ở phía trái bức ảnh – năm ấy vừa mới tròn 21 tuổi.
Có ba người trong ảnh nay đã mất, anh Huỳnh Khái Vinh – lúc đó là nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp Leipzig – bác Hoàng Trung Thông và ông Agam Wispi, nhà thơ Indonesia. Ông Wispi (đứng giữa anh và anh Đinh Xuân Dũng) là người có một số phận éo le, nhờ một sáng kiến của cụ Hồ mà đã thoát chết trong đợt thảm sát ở Inđô sau sự kiện đảo chính của Suharto, tuy nhiên sau đó bị quản thúc ở Trung Quốc, rồi sang tị nạn ở CHDC Đức, về già sống ở Hà Lan. Sau thời điểm chụp bức ảnh này Agam Wispi trở thành người bạn vong niên rất gần gũi với em, vừa chứng kiến cả mối tình đầu, vừa cả đỉnh cao cuộc hôn nhân của chàng Trương.
Với bác Hoàng Trung Thông mãi về sau này, trong thời gian sống ở 20 Lý Thái Tổ, em cũng có một kỷ niệm khá đặc biệt. Lúc đó là vào đầu hè 1986, bác Thông bấy giờ không còn là Viện trưởng nữa mà chỉ ghé qua Viện chơi, vô tình đúng vào thời điểm mà Thầy Nghệ [Trần Quốc Nghệ, nhà giáo siêu giỏi, cực kỳ uyên bác, xuất thân Tú tài Trường Khải Định Huế, cũng là một võ sĩ đấm bốc, từng vô địch quyền Anh hạng lông toàn Trung Kỳ, bị bắt từ 1953 trong chỉnh đốn tổ chức ở Khu IV, mãi sau hòa bình 1954 mấy năm mới được thả – NHC], thầy giáo bồi dưỡng lớp năng khiếu văn Nghệ Tĩnh của bọn em dạo 1975/1976 (trong đó có các bạn Nguyễn Giáng Vân và Nguyễn Thiện Nam) đang có mặt ở đó. Hai cụ là cố nhân của nhau và hình như sau nhiều thập kỷ mới có dịp hội ngộ. Em nhớ thầy Nghệ lúc đó khá kiệm lời, còn cụ Thông thì lại rất sôi nổi. Đáng tiếc em chỉ còn nhớ một nội dung mà cụ Thông nói – đại ý cụ Nghệ là một người rất giỏi, nhưng vì vướng vào Quốc Dân Đảng nên bị lỡ mất cơ hội (học thuật/chính trị?). Cụ Nghệ cãi lại điều này và rồi hai cụ cứ giằng co (một cách tương kính thôi) với nhau cho đến lúc chia tay. Cụ Thông ra về trước, thầy Nghệ còn ngồi lại một lúc với em (và bác Nguyễn Đức Mậu?). Khi cụ rời Viện Văn học thì trời đổ mưa, may mắn em có dịp biếu cụ một chiếc áo mưa. Và rồi chỉ mấy tháng sau đến lượt em cũng xa Viện, lưu lạc mãi đến tận bây giờ…
Trương Hồng Quang
Tọa đàm nhân 20 năm ngày mất nhà thơ Hoàng Trung Thông 22-4-2013. Ảnh: Mi Ly
Thời kỳ ấy người ta kỳ vọng ở Hoàng Trung Thông rất nhiều và sự tín
nhiệm đối với ông không chỉ bó hẹp trong Viện mà rộng ra ngoài xã hội.
Giữa lúc các Viện trong Ủy ban Khoa học Xã hội không Viện nào có xe
riêng, ông làm một bài thơ gửi lên ông Tố Hữu, thế là lập tức Viện Văn
có xe Lada mới coóng, oai hơn bất kỳ một Viện nào.Thế nhưng cũng thật lạ, Hoàng Trung Thông đã không dựa vào yếu tố “nhân hòa” nói trên mà tiến hành tổ chức lại Viện, chủ động tạo cho Viện một bước đột phá như nhiều người hết lòng chờ đợi. Chủ yếu, ông nắm lấy vai trò Tổng biên tập tờ tạp chí để sao cho không có bài nào “sinh sự”, còn thì cứ nhẩn nha như không. Ông khước từ chức vị Giáo sư ngay sau khi được cả Viện tín nhiệm, vì theo ông, làm một nhà thơ cũng đã là đủ lắm. Và hàng ngày ông hầu như không để nhiều thì giờ tính toán các mảng hoạt động khác nhau của Viện sao cho cân đối, thúc đẩy khâu này khâu nọ, mà mặc cho cỗ máy của Viện cứ thế vận hành theo đà vốn có từ xưa. Sự rời rạc loạc choạc vì thế dần dần nảy sinh. Ông chỉ quan tâm đến một vài bộ phận chuyên môn mà mình thích thú, đặc biệt là văn học cổ cận đại, và một phần nào văn học hiện đại, nên kết thân không giấu giếm với Ban Văn học Cổ cận đại, kể cả việc chăm chút, góp ý cho các công trình của Ban này. Có vẻ như trong môi trường mà sự suy tưởng được đẩy lùi rất xa về quá khứ, những đàm đạo văn chương của ông trở nên thoải mái hơn, không còn bị vướng víu gò gẫm, cảm hứng cứ thế tự nó tuôn chảy. Vì thế, nhiều hôm đến Viện, ông chỉ ghé vào bàn làm việc một tí rồi đi thẳng xuống nhà tôi ở phía sau, gặp chuyện gì nói chuyện ấy đến hết buổi, nhưng tuyệt không đề cập đến chính trị cũng như nhân sự của Viện, không hé lộ thái độ riêng của mình về cách nhìn cách nghĩ đối với một người cụ thể nào. Thậm chí có hôm để mua vui cho con gái tôi mới chừng 8, 9 tuổi, ông đã dùng tay trồng cây chuối và đi một vòng bằng hai tay, chân chổng ngược lên trời, giữa cái nền nhà chỉ được chừng 12 mét vuông, làm con tôi cười như nắc nẻ.
Tôi đoán chắc ông có điều gì đó giấu kín trong lòng không thể cởi ra với người khác, nên chỉ lấy chơi đùa, và luận bàn văn chương cổ điển làm thú khuây giải. Hiện tôi còn giữ được thủ bút một bài phú tục do ông ghi lại tặng mình với lời nói miệng khi trao cho tôi: nhu cầu sex vốn có từ xưa, sex luôn gắn với văn chương phi chính thống chứng tỏ cái libido trong con người là một trong những nguồn cảm hứng luôn luôn có khát vọng thăng hoa sang địa hạt thẩm mỹ. Cấm kỵ chuyện này là một thiệt thòi lớn cho văn chương của cổ nhân.
Giải thích việc Hoàng Trung Thông không mê chức vụ, có lần chị Băng Thanh nói với tôi ông có đọc cho chị ấy nghe hai câu thơ chữ Hán, mà tôi nhớ đại khái:
Thủy thiển hồ hàn ngư bất đa,
Điếu ông tranh tụ nại như hà?
(Nước nông hồ lạnh cá đâu nào,
Chen chúc ông câu biết tính sao?)
Tâm sự ấy cho thấy, việc ông càng về sau càng không làm tròn phận sự của một Viện trưởng không phải là một sự lười nhác mà có nguyên nhân sâu xa của nó, được kết đọng qua một chuỗi dài nhiều năm dấn thân và chứng kiến nhân tình thế thái, tuy sự nghiệp vẫn hanh thông nhưng trong trái tim trung thực của một nghệ sĩ đã phải mang những vết khía không sao chịu nổi. Vì thế, đánh giá hành vi của ông vào những năm cuối thời kỳ ở Viện theo một chiều hướng nào tôi nghĩ đều là không đơn giản:
Tôi muốn uống rượu trong
Lại phải uống rượu đục
Chao! Sông cũng như người
Có khúc và có lúc.
(Tứ tuyệt II)
Ta nhìn mặt trời,
Tưởng là mặt trăng.
Mặt trời chói lọi,
Sao mây mờ giăng?
Và ta tự hỏi
Làm được gì chăng?
Tưởng là mặt trăng.
Mặt trời chói lọi,
Sao mây mờ giăng?
Và ta tự hỏi
Làm được gì chăng?
(Ngày)
Việc nghiện rượu của ông xét cho cùng hẳn cũng là một cách tìm quên.
Ông trở nên thoải mái trong sự lơ mơ của người say và biết là rượu tàn
phá cơ thể đấy nhưng vẫn chấp nhận như một sự tự hủy hoại chính mình.
Đến nỗi có hôm dựa vào mối thân tình, tôi đã gắt với ông ở ngay tại nhà
ông, thì con trai ông là Vĩ ghé tai nói nhỏ với tôi: “Chú ơi, để cho bố
cháu say như thế cũng là một chút hạnh phúc của bố cháu”.Một mình ta mời trăng mời bạn
Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm.
Bạn uống rượu lòng ta không thể chán
Ta thương ta, thương người xa thương thầm.
(Mời trăng)
Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, thì chính sự lãnh đạm với chức vị cũng chứng tỏ con người Hoàng Trung Thông không kham nổi lợi lộc và quyền hành. Về phương diện này, ông là một tấm gương thuộc loại trong sáng nhất trong hàng ngũ quan chức làng văn tính đến nay. Chỉ riêng chuyện chiếc xe Lada, đó là do ông xin được, nhưng ông đã hưởng thụ nó rất ít, và không hề ý thức về cái quyền mình được hưởng thụ. Mỗi ngày ông đi từ 70 Ngô Quyền đến 20 Lý Thái Tổ rồi lại từ 20 Lý Thái Tổ trở lại 70 Ngô Quyền, thế là xong. Có nhiều hôm ông không đi xe mà còn tự cuốc bộ. Chiếc xe từ đó trở thành phương tiện chung cho cả Viện, cả cho Công đoàn Viện tìm đường giao thiệp với các địa phương để cải thiện sinh hoạt cho anh chị em, trong điều kiện cả nước ăn bo bo và mì luộc trường kỳ. Hồi ấy tôi là Thư ký công đoàn nên không thể nào quên những lần cử người này người khác mượn xe Lada để bôn ba khắp nơi cầu may vào các dịp tết nhất. Mỗi lần kiếm được một món thực phẩm nào như gạo thịt là cả Viện tụ họp chia phần y hệt một ngày hội lớn. Còn nhớ cái Tết năm 1984, bạn Nguyễn Hữu Sơn (mới về Viện được một năm) được cử về Hà Nam Ninh tìm một con lợn với giá phải chăng do một hợp tác xã nhượng lại. Lợn được bỏ lên xe Lada chở về trong sự hân hoan chờ đón của mọi người. Khi xe chở lợn về đến nơi, anh em tụ tập, đến mở cửa ra, có vài người đứng gần xướng to lên: “Kính chào thủ trưởng lợn. Xin mời thủ trưởng xuống để chúng em còn đi đón thủ trưởng Thông”. Thử nghĩ, với một Viện trưởng khác, hoặc những người có tiêu chuẩn xe con vào thời bấy giờ, có người nào có cách hành xử bình dân vô vụ lợi đến lạ kỳ như thế? Chắc không một ai ngoài Hoàng Trung Thông. Họ còn lo cho chiếc xe bóng sạch từng ngày nói gì để cho cơ quan chở một loài vật bẩn thỉu có mùi nồng nặc – “bẩn như lợn”. Cho nên, không phải là quá đáng nếu nói chính Hoàng Trung Thông là người Viện trưởng đã bằng tấm gương của chính mình, tạo nên ở Viện Văn học một không khí thật sự bình đẳng và dân chủ.
*
* *
Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm
Về mặt quan điểm tư tưởng, tôi cũng mang máng cảm nhận ra ở Hoàng
Trung Thông thuở bấy giờ có một cái gì thỉnh thoảng lại lấp lóe lên như
là sự phản tỉnh, nhưng đây là một phản tỉnh âm thầm nên không dễ thấy.
Không thể phủ nhận ông là người rất tin ở các chính sách của Đảng. Khi
chủ trương chọn cấp huyện làm đơn vị chiến lược về kinh tế để tạo sức
bật cho nông thôn nhằm nhân rộng những cánh đồng 5 tấn do ông Lê Duẩn
đưa ra được thực thi trên toàn quốc, ông lập tức về Nghệ Tĩnh xem xét
tình hình. Chuyến ấy có tôi, Phong Lê, Lê Ngọc Châu cùng đi với ông. Ông
đã về thăm Bí thư Tỉnh ủy Trương Kiện, nghe ông Kiện thuyết trình kế
hoạch chuyển đổi của Nghệ Tĩnh trong suốt một ngày. Nhưng thái độ của
ông chỉ là lặng lẽ nghe mà không phát biểu. Rồi ông về Quỳnh Lưu, làng
quê nơi mình sinh ra, nơi có ông Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Đợi với lời
tuyên bố nổi tiếng “Một mo cơm một quả cà một tấm lòng cộng sản cùng
nhau xếp đặt lại giang sơn”. Ông cũng đã cùng chúng tôi đi thăm hồ Kẻ Gỗ
để tìm hiểu cái hồ nhân tạo này tưới tắm cho các cánh đồng ở Cẩm Xuyên
xanh tốt lên như thế nào. Cũng chính vì việc vào hồ Kẻ Gỗ khí hậu quá oi
bức, do hai bên đều là núi, mà sau khi trở ra đến thị xã Hà Tĩnh thì
Hoàng Trung Thông bỗng lên một cơn áp huyết đột ngột đến ngất xỉu. Bệnh
viện Hà Tĩnh không có thuốc đặc hiệu nên Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh phải cho xe
vào gấp đưa ông đi suốt đêm ra Vinh vào Bệnh viện Ba Lan nằm điều trị,
khiến chúng tôi lo lắng chờ đợi ở Vinh đến mấy hôm.Đối với tôi, chuyến đi ấy không có một thu hoạch nào đáng kể trong nhận thức, rằng nông thôn quả thực đã lên hương nhờ việc “hợp tỉnh” (hợp nhất các tỉnh nhỏ thành một tỉnh to) và nhờ dùng cấp huyện làm đòn bẩy cho sản xuất. Hoàng Trung Thông hình như cũng vậy. Số phận nông dân luôn làm ông đau đáu, mong họ đổi đời thực sự (trong dịp thăm Cộng hòa dân chủ Đức, ông đã dành phần lớn thời gian để thăm thú các vùng nông thôn nước Đức, nhằm tìm hiểu lý do tạo nên sự cách biệt giữa mức sống của nông dân nước mình so với nông dân nước họ). Nhưng với việc cực đoan phá vườn tược làng quê, đưa dân lên núi lập làng mới như ông Đợi làm thì ông chỉ… lắc đầu. Mấy hôm sau ông đưa đến cho tôi xem bài thơ Về làng trong dạng bản thảo, Bài thơ mang giọng tâm tình, kể lại với vợ hình ảnh trẻ đẹp của những cô gái chăn tằm dệt lụa ở quê hương mà ông vừa gặp lại, và tiếc cho vợ đã không về cùng ông. Bài thơ như muốn ngầm nói rằng làng quê đang đẹp lên là điều ai cũng ao ước và đang đẹp lên thật. Song chính những truyền thống lâu đời của làng được nâng niu gìn giữ mới làm cho làng ngày một đẹp. Sau này tôi cứ ngẫm nghĩ, không biết ông có mượn bài thơ để kín đáo nhắn nhủ ông Nguyễn Hữu Đợi một lời khuyên răn nào đó về cái việc phá tan làng mạc mà nghe nói cuối cùng đã phải dừng lại nửa chừng hay không.
Cũng một lần khác tôi được tháp tùng ông, là lần ông đi dự hội thảo khoa học và thăm Cộng hòa dân chủ Đức vào một tháng mùa đông năm 1980. Chuyến đi này có nhiều kỷ niệm đặc biệt với ông mà tôi sẽ phải viết trong một dịp nào đấy để bạn đọc thấy rõ hơn lòng nhân ái và con người đầy cá tính Hoàng Trung Thông. Nhưng ở đây đang nói đến vấn đề tư tưởng, tôi chỉ tách riêng ra một chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ về mạch ngầm tư duy nghệ thuật của họ Hoàng.
Chúng tôi đến Đức, gặp hai người bạn chủ chốt ở Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức là Viện sĩ Nauman và Giáo sư Kortum đều là những người có quan hệ thân tình từ trước; riêng Giáo sư Kortum đã sang thăm Viện Văn học đúng vào dịp được chứng kiến sự kiện thống nhất đất nước nên ấn tượng đối với Việt Nam trong ông khá sâu đậm. Một hôm vợ chồng Giáo sư Kortum làm tiệc thết chúng tôi, có Viện sĩ Nauman đến dự. Chỉ có năm người trong bữa tiệc còn cô phiên dịch tiếng Pháp thì được nghỉ vì cả hai bên đều dùng tiếng Pháp thành thạo, trong đó, tôi là người kém nhất nhưng cũng nghe tạm được bởi người Đức nói tiếng Pháp hơi chậm, đủ để nghe, chứ không nhanh và nuốt lời như người Pháp.
Theo lệnh Viện trưởng, tôi đã thủ sẵn hai chai “Lúa mới” để làm quà song vẫn cất trong túi chứ chưa mang ra. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và tôi nhận thấy người Đức đối với Việt Nam lúc đó có tình cảm quý trọng gần như biệt nhãn. Vì thế Hoàng Trung Thông hình như không cần giữ ý. Nói đến nền văn học chống phát xít của Đức (chúng tôi sang Đức chính là để dự cuộc hội thảo 35 năm văn học chống phát xít), ông ngợi ca Erich Maria Remarque (1898 – 1970) không tiếc lời, kể lại những cảm xúc của mình khi đọc Phía Tây không có gì lạ (mà thực ra thì cuốn này chẳng liên quan trực tiếp đến cuộc chiến tranh thời Hitler nhưng đã bị chính quyền Hitler ra lệnh đốt sau khi lên nắm quyền), quyển Thời gian để sống và thời gian để chết, nhất là cuốn Tình yêu bên bờ vực thẳm ông đều đọc bằng tiếng Pháp, trong khi các tác giả của văn học Cộng hòa dân chủ Đức ông lại không hề nhắc. Kortum có gợi ý Anna Seghers (1900 -1983) với Cây thập tự thứ bảy nổi tiếng song ông cứ lờ đi, chỉ hơi gật đầu, hình như ông không cảm nổi tác phẩm đó, dù nó đã được dịch rất sớm sang tiếng Việt.
Đến giữa chừng bữa tiệc, ngẫu nhiên bà vợ Giáo sư Kortum lên tiếng khen rằng ở Việt Nam có thứ rượu rất, rất tuyệt (Au Việt Nam il y a un alcool très, très bon). Ông Thông liền đưa mắt cho tôi, tôi bèn bước lại nơi để túi lôi hai chai “Lúa mới” ra đưa vào bàn tiệc góp phần. Mọi người ồ lên một lượt tỏ ý vui mừng và mở luôn nút để cùng thưởng thức. Vốn là người sính rượu, ông Thông uống rất hào hứng, uống nhiều hơn cả chủ nhân bữa tiệc, vừa uống vừa say sưa bàn luận tiếp về văn học, và say lúc nào không biết. Đột nhiên trong một cơn hứng khởi bột phát, ông đưa mắt nhìn khắp mọi người một cách khác thường rồi bỗng cất tiếng hỏi: “Permettez-moi de poser une question directe: y a-t-il ce qui s’appelle le réalisme socialiste en réalité?” (Cho phép tôi hỏi thẳng: trong thực tế có cái gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hay không nhỉ?). Cả hai vợ chồng vị Giáo sư và ông Viện sĩ người Đức ngơ ngác, dồn mắt nhìn vào Hoàng Trung Thông. Nhưng khi họ chưa kịp nói câu gì thì ông đã tự trả lời, giọng kéo dài của người say, cũng có một vẻ tự tin khác lạ: “Non, jamais. Il n’y a rien de si difficile à avaler” (Không, chưa hề có. Không có một cái gì “khó nhá” đến như vậy cả). Cả hai người đàn ông reo lên, hưởng ứng lập tức: “Ah! C’est juste! Avis bien judicieux!” (Ô! Đúng! Ý kiến quá đúng!). Còn bà vợ ông Kortum thì không nói câu gì nhưng đôi mắt bỗng tươi tỉnh hẳn lên. Tuy nhiên, cũng chỉ đến đấy. Kể cả ông Thông nữa, ai nấy đều kịp thời dừng lại rồi chuyển sang những chủ đề khác, như chê trách việc Trung Quốc bất ngờ đánh thọc vào biên giới Việt Nam, coi là chuyện vô sỉ… Không một ai nhắc lại điều vừa bất chợt nói với nhau thêm một lời nào.
Cho đến tận khi rời nước Đức, ông Thông cũng không bao giờ nói tiếp với tôi vấn đề này nữa. Tất nhiên, tôi biết đấy là điều ông buột ra trong một lúc say, dẫu sao hẳn cũng phải ủ kín đã từ lâu lắm. Kể từ đó, tôi mới ngày càng để ý tìm hiểu những uẩn khúc bên trong con người Hoàng Trung Thông – người Viện trưởng ân tình mà tôi bao giờ cũng quý trọng. Thú thực đến nay, như đã nói ở phần mở đầu, tôi vẫn chưa tìm ra con người thật của ông, mặc dù đã có đôi phen được chạm đến nó. Đúng như một câu thơ ông chợt hé lộ mình trong một vài năm trước khi mất: “Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm – Mời trăng”. Có phải ông muốn nhắc nhở chúng ta, lũ người phàm tục, đừng có như mặt trăng kia, chỉ biết sáng nhờ nhờ và vô tri vô giác khi xem xét lòng người hay không?
21-4-2013
N.H.C.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/17351
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001