Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Từ lấy phiếu tín nhiệm đến trưng cầu dân ý

Từ lấy phiếu tín nhiệm đến trưng cầu dân ý 

Đức Thành


Trong những ngày này, được biết nhóm nhân sĩ trí thức (thường được gọi là nhóm kiến nghị 72) tiếp tục có kiến nghị tiếp theo về Hiến pháp và luật đất đai, qua đó nhấn mạnh đặc biệt về sự cần thiết và nhất thiết phải tổ chức trưng cầu dân ý về hai dự thảo này. Tuy văn bản góp ý này chưa được các cơ quan có trách nhiệm trả lời vì bản góp ý này mới chỉ gửi được vài ngày nhưng đang được dư luận đang rất chăm chú trông đợi sự phúc đáp từ phía đại diện Đảng, Nhà nước.

Sau sự lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nhất là sau sự kiện Quốc hội quyết định lùi thời hạn thông qua dự án luật đất đai trong kỳ họp tháng 5 vừa qua, nhân dân phần nào tin tưởng ở bầu không khí dân chủ đã có chiều hướng được cải thiện. Có thể nói rằng tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam trong đó có những đảng viên chân chính đang hết sức kỳ vọng vào những động thái tiếp theo của các cơ quan hữu trách mà trước hết là những cá nhân lãnh đạo biết lấy quyền lợi dân tộc làm trọng, biết nắm vững xu thế thời đại để có những quyết sách đúng đắn cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam.
Điểm qua nghị trình làm việc từ nay đến cuối năm của Quốc hội, thấy nổi lên hai vấn đề lớn bắt buộc đảng cầm quyền phải có những động thái lấy lại lòng tin của nhân dân, đó là thông qua một bản Hiến pháp mới phù hợp với lòng dân và thông qua được luật đất đai sửa đổi phù hợp nhằm giải quyết những mâu thuẫn về đất đai giữa nhân dân với nhóm lợi ích có quyền có tiền sẵn sàng lợi dụng đường lối phát triển kinh tế xã hội của đất nước để vơ vét bòn rút của cải là tài sản của nhân dân và nhà nước.
Sẽ không ngoa khi nói rằng cả Quốc hội chưa ai dám đặt vấn đề là nên tiếp tục phát huy việc lấy phiếu tín nhiệm này bằng cách mở rộng trưng cầu dân ý đến toàn dân trên toàn quốc về xây dựng bản dự thảo hiến pháp và dự thảo luật đất đai sửa đổi theo nhiều phương án nhằm tiếp tục tìm kiếm những đồng thuận cơ bản nhất để xây dựng cho được bản hiến pháp tiên tiến, thể hiện tính dân chủ, phát huy được toàn sức mạnh dân tộc trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đối với luật đất đai, có thể nói đây là một đạo luật rất quan trọng, có lẽ chỉ đứng sau vai trò của hiến pháp, vì nó liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội, liên quan tới từng cá nhân con người Việt Nam cho đến cả hệ thống chính trị của đất nước. Do đó cái ý chí chủ quan của một nhóm nhỏ cầm quyền nào đó muốn tiếp tục duy trì hình thức sở hữu toàn dân để trục lợi, hay làm bàn đạp tiến thân là không thể chấp nhận được. Có một thực tế đã xảy ra là càng chần chừ không sửa đổi các khiếm khuyết của luật đất đai hiện hành thì mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng. Vậy nên nếu luật đất đai sửa đổi được thông qua mà không giải quyết căn bản các mâu thuẫn trong xã hội về đất đai mà luật hiện hành đang mắc phải thì nguy cơ phản kháng xã hội ngày một tăng vì cho đến thời điểm hiện nay những người cầm quyền không thể dùng mãi lý lẽ là do trình độ năng lực có hạn, do khó khăn này nọ để bao biện cho những yếu kém thất thoát mà mình gây ra trong thời gian cầm quyền. Trong thế giới phẳng, với sự phát triển của Internet và công nghệ mạng, những ngu dốt, tham quyền cố vị, ích kỷ hẹp hòi, hãnh tiến, xấu xa bỉ ổi nhất của giới lãnh đạo vốn trước đây được phủ một lớp son giả trá, nay đã lộ tẩy, lòi ra những dơ dáy bẩn thỉu nhất.
Quyết không để dân tộc bị lầm than bởi một nhóm lợi ích được trang bị một thứ lý luận một thời được cổ súy hết cỡ, cũng không thể để dân tộc mãi phụ thuộc ngoại bang trong đường hướng phát triển đất nước và hơn ai hết lo cho tổ quốc có nguy cơ bị Hán hóa, đa số các nhân sĩ, trí thức, đảng viên và những người dân không quản hiểm nguy, không quản sức lực và không phân biệt thành phần giai cấp, đã có những tiếng nói đóng góp tâm huyết nhằm xây dựng cho được một bản hiến pháp tiên tiến, thu hút được những tiềm năng ưu tú nhất của dân tộc đứng ra gánh vác non sông đất nước, xây dựng cho được hệ thống luật pháp nói chung, luật đất đai nói riêng đảm bảo hài hòa lợi ích của mọi công dân Việt Nam cũng như các tổ chức, cá nhân vì một Việt Nam giàu mạnh, qua đó thể hiện ý chí dân chủ, độc lập, tự cường của dân tộc Việt …
Mong rằng Quốc hội Việt Nam và những người lãnh đạo đất nước luôn luôn giương cao ngọn cờ vì dân, vì đất nước, phát huy sự thành công trong việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua để tiếp tục có kiến nghị cho trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp sửa đổi và luật đất đai sửa đổi theo tinh thần của nhóm kiến nghị 72 đã kể ở trên.
Nếu không tổ chức trưng cầu dân ý thì việc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua chỉ là việc làm nửa vời và như thế làm sao lấy lại lòng tin!
Đ. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/17381
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001