Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Phạm Bá Hải - Lê Trí Tuệ, giờ này em ở đâu? (1 & 2)

Phạm Bá Hải - Lê Trí Tuệ, giờ này em ở đâu? (1) 



Phạm Bá Hải
ca1_0.jpg
Phạm Bá Hải (người đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với bạn bè đến chúc mừng nhân ngày mãn hạn quản chế

Sau khi gỡ bỏ được quản chế, tôi hơi tí bận bịu với vài công việc mới. Vẫn không thể không day dứt với một người em đã sát cánh bên tôi hơn tháng trời cho đến lúc 7:30 tối ngày 7/9/2006 người ta đã tách em ra khỏi phòng, trong trụ sở công an tỉnh Thái Bình. Tôi bị bắt, còn người em thì mãi 5 năm sau tôi mới hay rằng em đã mất tích! Lê Trí Tuệ - giờ này em ở đâu?
Ngày 15/7/2006 tôi được công ty điều về Việt Nam tiếp xúc với một số đối tác và thành lập văn phòng đại diện tại Sài Gòn. Khi xong việc, tôi tiếp xúc với nhóm 8406 trong đó có Lê Trí Tuệ.
Tuệ tỏ ra luôn là người năng nổ, xông xáo trong mọi việc, đặc biệt là cách đối phó với an ninh công an. Thời bấy giờ tôi khá chậm trong phản ứng và không có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Tuệ đã hướng dẫn cho tôi. Ngày tôi bị ách lại tại sân bay khi qua Singapore tham dự cuộc họp của công ty, Tuệ đã có mặt tại sân bay cùng vài anh em đón tôi về. Kể từ ngày đó, Tuệ về ở nhà tôi.
Chúng tôi có rất nhiều hoạt động với nhau, bàn thảo và từng bước tiến hành. Đầu tháng 9/2006 nhóm chúng tôi lên đường ra Bắc. Ghé thăm nhà báo Du Lam Tân Vĩnh Phát để chứng kiến kinh tế gia đình anh bị lụn bại ra sao vì các bài viết của anh, rồi cùng nhau lên đường ra Huế, nơi Cha Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi đang chờ gặp. Hồi ấy không như bây giờ, công an an ninh theo rất trắng trợn, với những khuôn mặt hung hãn như sẵn sàng lao vào bẻ quặt tay đè cổ bạn. Cuộc nói chuyện của chúng tôi tại Nhà Chung Huế không được bao lâu, an ninh đã gõ cửa. Cha Lý phải mở để mấy lần trả lời với họ gì đó. Cha vào nói chúng tôi rằng an ninh không muốn chúng tôi ở đây và Cha nói nhanh thêm vài ý. Sau khoảng 25 phút, chúng tôi bước ra, về khách sạn.
An ninh Huế huy động trên 20 nhân viên theo sát và can thiệp rất gay gắt. Hai chúng tôi lên tàu ra Hà Nội nhưng đã phải nhảy tàu đột ngột tại Quảng Bình để cắt đuôi một nhân viên an ninh theo bám ngay trong toa tàu. Không lâu sau khi về đến nhà Tuệ ở Hải Phòng, an ninh đã có mặt ở trước nhà. Tuệ chở tôi rồ ga khiến đoàn xe an ninh bốn chiếc lập tức ùa theo và cuộc rượt đuổi trốn tìm 30 phút ở các phố hẽm Hải Phòng bắt đầu. Chúng tôi cắt được họ nhưng lại trả cái giá khác là chiếc xe bị va vào bậc thềm nhà…suýt bể lốc máy! An ninh trả đũa phát lệnh truy nã “hai kẻ cướp giật” trên đường phố, họ truy ra đến chủ xe gắn máy là…cha của Tuệ.
Tình hình trở nên nguy cấp khi đã có hai người trong Bạch Đằng Giang Foundation bị bắt. Họ truy tìm tôi. Tuệ có bàn với tôi vài giải pháp, nhưng tôi chọn đối mặt. Có lẽ chính vì điều này nên Tuệ trở nên lo lắng hơn, cẩn thận hơn, song rất quả quyết. Tôi chứng kiến Tuệ đã rất mạnh mẽ phản ứng với an ninh Thái Bình khi họ chụp mũ chúng tôi bán ma túy. Chúng tôi bị lôi kéo, xô mạnh vào chiếc xe 12 chỗ, nó phóng nhanh đưa về trụ sở CA tỉnh Thái Bình.
Tôi chấp nhận bước vào nhà tù như mọi người trên thế gian này chấp nhận hy sinh để có sự thay đổi tốt đẹp hơn. Tôi đã mong rằng Tuệ sẽ còn mạnh mẽ, còn nhanh nhẹn để đương đầu và đấu tranh. Bây giờ tôi lại mong rằng Tuệ vẫn còn nghe tôi nói: Giờ này em ở đâu?
Nghe đâu mới đây, một vị lãnh đạo người Việt của một đảng bên Hoa Kỳ đã thoát chết sau mấy nhát đâm ám sát bên Campuchia. Tôi không muốn nghĩ đến nhưng lại không thể không liên tưởng đến Lê Trí Tuệ.
Phạm Bá Hải.

image011.jpg
(ảnh, hàng đứng từ trái: Tuệ và tôi cùng các ACE khác trong Khối 8406)

Admin gửi hôm Thứ Ba, 10/09/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130910/pham-ba-hai-le-tri-tue-gio-nay-em-o-dau
=======================================================================
Phạm Bá Hải - Lê Trí Tuệ, giờ nay em ở đâu (2)


Phạm Bá Hải
Hải Phòng, tháng 9/2012
Cơn mưa thu lất phất phủ kín đường phố Huế. Chắc Huế không lớn, tôi nghĩ vậy, tôi tình cờ rảo bước theo những con đường mà bảy năm trước, tôi đã đi qua bên cầu Tràng Tiền.
Huế hiền hòa như dòng nước sông Hương, trong, xanh và nhiều cá. Mấy chiếc xuồng câu, xen lẫn vài ông lão giăng lưới buổi sớm tạo nên cảnh sông Hương yên bình, mộc mạc. Tôi ngắm bình minh và nhớ đến Tuệ nơi này ngày ấy, bắt đầu những sóng gió.
Thành phố Hải Phòng lần thứ hai viếng thăm, hẳn không giống tí nào lần trước. Từ khách sạn ở đường Điện Biên Phủ, sáng sáng tôi đều chạy bộ dọc đại lộ Trần Hưng Đạo với công viên lớn, cỏ xanh, rồi hồ Tam Bạc cho tới điểm cuối là Bến xe Tam bạc. Ngay những ngày đầu, tôi đã tìm người bố của Lê Trí Tuệ, một cựu sĩ quan hải quân.
Lúc Tuệ đưa tôi về nhà, Tuệ giới thiệu với bố là tôi là thương gia bên Ấn Độ và đã bị ngăn không cho tái xuất cảnh. Bố Tuệ làm con gà nấu cháo thết đãi. Giờ tôi hình dung ông chắc già lắm rồi, bởi ngay cả tôi râu cũng đã dài ra cả hai tấc. Tôi mong gặp lại, nhưng đã không may.

Phạm Bá Hải và chị Dương Thị Tân trước cửa nhà bố của Tuệ

Căn nhà im lìm không có người, hỏi người bên cạnh thì hay rằng ông chủ nhà đã vắng nhà nhiều ngày rồi. Tôi dạm hỏi người thân của họ thì được chỉ đến người bác của Tuệ.

image003_18.jpg
Từ trái: Nguyễn Thị Nhung (mẹ Phương Uyên), chị Dướng Thị Tân, Thanh Nghiên, Thủy (con trai Nguyễn Xuân Nghĩa) và bác gái của Tuệ.(Ảnh Phạm Bá Hải)

Khi biết chúng tôi là bạn của Tuệ khi xưa giờ muốn tìm lại, người bác tỏ ra dè dặt. Cảm giác y như đến thăm các gia đình tù nhân còn trong vòng sợ hãi bởi sự răn đe của an ninh, chính quyền. Chúng tôi không có tin gì nhiều, ngoại trừ một đám mây mờ trước mặt.
Tìm thêm thông tin, tôi ghé thăm gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Một bức ảnh hiếm hoi có Tuệ vào dịp Tết 2007 cùng với các nhà bất đồng chính kiến Hải Phòng.

image005_0.png
Từ trái: nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Trí Tuệ, người lính già Vũ Cao Quận, Nguyễn Mạnh Sơn, cô Trần Thị Lệ (mẹ Công Nhân), Công Nhân và Bạch Ngọc Dương (ảnh chụp vào Mùng 4 Tết 2007tại nhà ông Nghĩa).

Vào tháng 8 năm 2006, Tuệ có giới thiệu và đưa míc cho tôi nói chuyện với một người là bạn gái của Tuệ từ bên Úc. Tôi biết họ rất yêu nhau, tôi vẫn còn nhớ tên cô gái ấy và thành phố cô ở. Tôi vẫn hy vọng rằng cô gái ấy có thể có thông tin gì đó của Tuệ vào những phút cuối.
Những người bạn tù chính trị trong trại giam Xuân Lộc, họ đều đã từng sống bên Campuchia và bị bắt từ bên đó đưa về Việt Nam, đã kể cho tôi nghe nhiều về giá trị một mạng người chỉ 200 đô la, đặc biệt là người Việt Nam.
Trong facebook của tôi, một người nào đó đã nhắn tin, với nguyên văn: Tuệ đã bị thủ tiêu.
Phạm Bá Hải.
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 13/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131013/pham-ba-hai-le-tri-tue-gio-nay-em-o-dau-2
=======================================================================
Những thông tin cuối cùng về Lê Trí Tuệ
Hải Huỳnh (Danlambao) - Loạt bài: "Lê Trí Tuệ giờ này em ở đâu" vừa đăng lên các diễn đàn thì trang nguyentandung.org đáp trả: "Lê Trí Tuệ giờ này em ở đâu, còn lâu mới biết". Anh Phạm Bá Hải đang trăn trở cho số phận của một người em, một thanh niên dấn thân cho dân chủ thì báo lề đảng đem số phận của một con người ra đùa cợt, thách thức.

Không phải đến bây giờ số phận của Lê Trí Tuệ được nhắc đến mà từ lâu truyền thông độc lập cũng đã nhắc đến nhiều về Lê Trí Tuệ. Người quan tâm đến Lê Trí Tuệ nhất có lẽ là cựu tu sĩ Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (PGVNTN) là thầy Thích Trí Lực.

Ông Trí Lực bây giờ đã hoàn tục với sự cho phép của Giáo hội PGVNTN. Ông đang định cư tại Thụy Điển cùng với gia đình. Chúng tôi liên lạc với ông Trí Lực bây giờ là Phạm Văn Tưởng thì ông cho hay: ông bị an ninh Việt Nam qua tận Phnompenh, Cambodia bắt cóc năm 2002 khi ông đang hưởng quy chế tỵ nạn của UNHCR. Ông bị giam 20 tháng tù rồi được thả vào năm 2004 và sau đó thì ông đi tỵ nạn chính trị ở Thụy Điển. Ông không biết gì về Lê Trí Tuệ nhưng ông tin là Lê Trí Tuệ cũng bị bắt cóc y như trường hợp của ông. Mọi đầu mối phải quay lại với những người tỵ nạn tại Cambodia trước đây. Phần lớn họ đều bỏ Cambodia chạy trốn sang Thailand xin tỵ nạn.

Chúng tôi liên hệ với ông Ngô Đắc Lũy trước đây từng làm mục sư hệ phái Tin Lành Mennonite tại Phnompenh. Ông Ngô Đắc Lũy là người nhân chứng sau cùng tiếp xúc với Lê Trí Tuệ kể từ ngày 6.5.2007 là ngày Lê Trí Tuệ bị mất tích bí ẩn ở Phnompenh. 

Theo ông Ngô Đắc Lũy thì khi chạy trốn cộng sản qua Cambodia ông gia nhập hệ phái Tin lành Mennonite và trở thành mục sư của hệ phái này. Ông có mở một hội thánh tại Phnompenh. Vào tháng 4.2007 anh Lê Trí Tuệ chạy qua Cambodia và gọi điện thoại cho ông. Ban đầu ông rất ngại vì nghe một giọng Bắc (đa phần an ninh của Việt Nam hoạt động tại Cambodia là người Bắc). Sau khi tìm hiểu thì ông Lũy hẹn Lê Trí Tuệ trước một đài truyền hình của Cambodia rồi đón Lê Trí Tuệ về nhà. Ông thuê cho Lê Trí Tuệ một căn nhà cách nhà thờ của ông khoảng 150 mét, nhưng nằm phía bên trong. Nghĩa là Lê Trí Tuệ muốn đi ra tiệm internet hay mua sắm, gặp gỡ ai thì cũng phải đi ngang qua nhà thờ cũng là nơi ông Lũy đang trú ngụ. Khi mới sang Cambodia thì Lê Trí Tuệ có gia nhập hội thánh của ông Ngô Đắc Lũy. Cùng sinh hoạt trong hội thánh này còn có nhiều người "nổi tiếng" như là ông Ngô Vằn Tài hiện đang định cư ở Mỹ, ông Nguyễn Phùng Phong hiện đang tỵ nạn ở Bangkok, Thailand và đặc biệt là nhân vật Nguyễn Công Cẩm, còn có tên khác là Nguyễn Cẩm Công hay Lyheng chính là một an ninh của Việt Cộng cài vào hội thánh này. Nguyễn Công Cẩm là người đã bắt cóc thầy Thích Trí Lực vào năm 2002 và cũng chính là người đe dọa ông Ngô Văn Tài cũng như bắt cóc ông Ngô Đắc Lũy vào tháng 10 năm 2007.

Sáng Chủ nhật ngày 6.5.2007 anh Lê Trí Tuệ tham gia sinh hoạt với hội thánh của ông Ngô Đắc Lũy. Buổi chiều thì Lê Trí Tuệ đi ngang qua nhà thờ của ông Lũy để ra ngoài có công việc riêng. Ông Lũy nhớ rất rõ là lúc đó ông đang dọn quét trước sân nhà thờ và Lê Trí Tuệ có nói: "Mục sư ơi tối nay em về nhà mục sư ăn cơm đó nhớ nấu cơm cho em!". Tối đó rồi 2 ngày sau không thấy Lê Trí Tuệ về thì ông Lũy và các thành viên trong hội thánh vội báo cáo cho UNHCR tại Phnompenh biết.

Lê Trí Tuệ đến Cambodia tháng 4 và qua ngày 6 tháng 5 năm 2007 thì mất tích trước khi có được quy chế tỵ nạn của UNHCR.

Theo ông Lũy thì vào tháng 10 năm 2007 ông cũng bị Nguyễn Công Cẩm bắt cóc 3 ngày. Nguyễn Công cẩm cũng dùng số phận của Lê Trí Tuệ ra đe dọa ông Ngô Đắc Lũy. Sau 3 ngày thì ông được thả và ông chạy trốn tiếp qua Bangkok tỵ nạn vì quá sợ.

Theo ông Ngô Đắc Lũy thì cho đến hiện nay Lê Trí Tuệ vẫn còn sống và có thể đang bị an ninh của Cambodia ép sử dụng khả năng về internet.

Ông Ngô Đắc Lũy cũng cung cấp cho chúng tôi một số hình ảnh của Lê Trí Tuệ khi sinh hoạt trong hội thánh của ông ở Cambodia. 

Mọi đầu mối về Lê Trí Tuệ từ ngày 6.5.2007 cho đến nay có lẽ phải quay về Cambodia mới xác thực. Hiện nay thì Lê Trí Tuệ còn sống hay bị thủ tiêu thì chỉ có cộng sản Việt Nam là biết chắc. Thầy Trí Lực khuyên chúng tôi cẩn thận khi quay trở lại Cambodia để tìm kiếm thông tin của Lê Trí Tuệ vì an ninh Việt Nam vẫn còn nằm đầy ở Cambodia. Mới đây nhất là vụ ông Nguyễn Công Bằng, tổng thư ký Đảng Vì Dân cũng bị an ninh Việt Cộng mưu sát tại Siêm Riệp. Ông Ngô Đắc Lũy có nhã ý giới thiệu cho chúng tôi một hội thánh mà ông tin là an toàn.

Anh Phạm Bá Hải tâm sự là sau này đất nước có tự do dân chủ thì nhiều số phận của con người cần được bạch hóa. Với anh thì việc đầu tiên là đi tìm và công bố hồ sơ về Lê Trí Tuệ. Đó chính là cái tâm của những người hoạt động dân chủ cho đất nước. Còn những kẻ chỉ biết bắt cóc, thủ tiêu, hù dọa và đùa cợt với số phận một con người thì chỉ có là ác quỷ. Hiện thân của nó trước mắt là trang nguyentandung.org với lời mỉa mai: "Lê Trí Tuệ ở đâu: còn lâu mới biết". Không có một sự thật nào che giấu dưới ánh mặt trời. Từng tội ác của đảng cộng sản mỗi ngày sẽ phơi bày trước ánh sáng.

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/nhung-thong-tin-cuoi-cung-ve-le-tri-tue.html#.Umeu4FOAWRA
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001