Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Chúng ta phải làm gì? (Kỳ 4) - Tổ chức biểu tình

Chúng ta phải làm gì? (Kỳ 4) - Tổ chức biểu tình 


Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Biểu tình là một trong những hành động thể hiện lòng yêu nước và bày tỏ thái độ của nhân dân đối với những hành động cướp nước và bán nước của cộng sản Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cuộc biểu tình đã gây được nhiều tiếng vang nhưng thật sự chúng ta vẫn bị công an cộng sản đàn áp. Như vậy yêu cầu về việc tổ chức quy mô hơn nữa các cuộc biểu tình chống Trung cộng và chống cộng sản bán nước để biểu lộ sức mạnh dân tộc, đánh động dư luận trong nước về cộng sản đã bán nước và nguy cơ nô lệ đang tới rất gần là hết sức bức thiết. Ngoài ra như tôi đã trình bày trong “Chúng ta phải làm gì - Kỳ 1” thì đây cũng là một biện pháp ly gián quan hệ quan thầy - chư hầu của Trung cộng và cộng sản Việt Nam.

Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin trình bày một số suy nghĩ xung quanh việc tổ chức biểu tình tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng chỉ là những kinh nghiệm từ những ngày đầu đi biểu tình năm 2007, 2008... của tôi và nhận xét mang tính tham khảo và góp ý cho các bạn và tổ chức của các bạn. Đây hoàn toàn không phải là sự duy ý chí, nó chỉ mang tính tham khảo gửi tới các bạn. Hãy vận dụng sáng tạo vào từng từng trường hợp là một điều tối cần thiết trong đấu tranh.

1. Đôi điều về Biểu tình ở chế độ cộng sản độc tài Việt Nam:

Nguyên tắc của biểu tình là phải có nhiều người tập trung lại với nhau, mà nhiều người tập trung lại thì thành “tụ tập đông người”, mà tụ tập đông người thì sẽ... bị dẹp. Người dẹp ở đây chính là công an, côn đồ cộng sản. Mà người bị dẹp hay nói cách khác nạn nhân chính là chúng ta - những người đang đấu tranh chống giặc ngoại xâm và độc tài, bán nước.

Như chúng ta đã biết, biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Nhưng đến nay, biểu tình ngoài sắp đặt của nhà cầm quyền cộng sản vẫn còn là một chuyện tương đối xa lạ ở Việt Nam, thậm chí như một điều bị cấm. Biểu tình bị ngăn cản, dù có diễn ra thì người ta vẫn quanh co, không dám gọi đúng tên. Biểu tình vốn dĩ thuộc phạm trù nhân quyền của con người hay thực tế hơn là vấn đề đối nội, nhưng ở Việt Nam quyền biểu tình được nêu trong Hiến pháp trên thực tế chỉ còn để đối ngoại.

Cản trở đối với quyền biểu tình của công dân không chỉ xuất phát từ ý muốn được “yên ổn“ của những người cầm quyền, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự nhầm lẫn về mặt lô-gíc: Cả hai phía đều coi việc chưa có Luật biểu tình chính là nguyên nhân khiến quyền biểu tình chưa được hay chưa thể thực thi mà quên đi đó là một thứ quyền căn bản của con người.

Phía người dân tưởng là khi chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên đa số những người muốn bày tỏ chính kiến... vẫn im lặng. Ngay cả những người đã can đảm xuống đường vẫn cảm thấy chưa yên tâm, lo là hành động của mình có gì đó không ổn về mặt pháp luật, nên mới đề nghị Quốc hội ban hành Luật biểu tình. Đây là điều sai lầm hết sức nghiêm trọng.

Phía nhà cầm quyền cộng sản thì coi các cuộc biểu tình không do họ hoặc các cơ quan Nhà nước tổ chức là bất hợp pháp, là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì nhà cầm quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ... Hay nói một cách cụ thể hơn đó là nhà cầm quyền cộng sản sợ nhân dân làm mất lòng Trung cộng khi cộng sản đã bán nước và sợ người dân tập dượt cho một cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài. Có lẽ cũng do cho rằng chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên một số người muốn trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình, vì nếu có luật thì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa, vẫn còn lại những quyền tự do tối thiểu, và không phải ai cũng muốn chấp nhận những quyền tối thiểu ấy của người dân. Chính vì vậy nhà cầm quyền cộng sản không muốn có Luật biểu tình và cũng không muốn cho dân biểu tình.

Vậy chúng ta nên hiểu quyền biểu tình và mối quan hệ của nó với Luật biểu tình như thế nào cho đúng?. Xin bạn đọc lướt qua một số yếu tố trong chính hiến pháp của nhà cầm quyền cộng sản và vài lời phân tích của luật sư Trần Vũ Hải.

a. Quyền biểu tình trong Hiến pháp hiện hành

Cơ sở pháp lý để đánh giá về tính hợp pháp của hoạt động biểu tình là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Điều 69 của Hiến pháp hiện hành quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Mặc dù là “tự do” nhưng việc đi kèm theo nó mệnh đề “theo quy định của pháp luật” khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và nhà cầm quyền cộng sản dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Thật ra, từ “pháp luật” xuất hiện 60 lần trong Hiến pháp 1992, nhiều khi chỉ là một phạm trù chung chung, không ám chỉ một luật cụ thể nào. Chúng ta phải hiểu “theo quy định của pháp luật” hay “trong khuôn khổ pháp luật” là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật (nếu đã có). Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thì còn thiếu rất nhiều luật, và đến bây giờ vẫn còn thiếu, nhưng mọi tư duy lành mạnh đều hiểu rằng: Không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật.

Hiến pháp 1992 viết công dân có quyền biểu tình “theo quy định của pháp luật”, chứ không đòi hỏi cụ thể là “theo quy định của Luật biểu tình”. Giả sử, nếu Hiến pháp quy định là công dân chỉ có quyền biểu tình theo quy định của Luật biểu tình, thì công dân có quyền chất vấn và phê phán Quốc hội nhà cầm quyền cộng sản là tại sao mấy chục năm rồi mà vẫn chưa ban hành Luật biểu tình? Lúc đó nhân dân nhắc nhở và đòi hỏi Quốc hội phải ban hành Luật biểu tình, chứ không phải chỉ đề nghị hay xin xỏ, vì những điều đó được khẳng định tại chính Hiến Pháp như sau: 

- Điều 6, Hiến pháp 1992: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. 

- Điều 53, Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội”. 

Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép. Chính vì vậy lập luận là vì chưa có luật biểu tình để đàn áp biểu tình của nhà cầm quyền cộng sản chính là vi hiến và ngụy biện.

b. Nhận định của luật sư Trần Vũ Hải

Mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên (RFA) và luật sư Trần Vũ Hải (1):

Nam Nguyên: Ở Việt Nam, thưa Luật Sư, có thể tiến tới biểu tình có xin phép, được nhân viên công lực giữ trật tự và bảo vệ như ở các nước khác hay không ạ?

LS Trần Vũ Hải: Nói chính xác là chưa có luật biểu tình, tuy nhiên có nghị định của chính phủ năm 2005 có nói về vấn đề tụ tập hội họp gì đó đông người, từ 5 người trở lên thì phải có giấy phép. Kiểm tra cái nghị định này thì cái nghị định này căn cứ vào luật tổ chức chính phủ chứ không căn cứ vào hiến pháp, và nghị định này do Bộ Công An đề xuất, tức là nhằm làm nhiệm vụ để giữ gìn trật tự, đúng không ạ? Thế thì tôi cho rằng đây là vấn đề trật tự, không phải là biểu tình. 

Biểu tình là có mục đích chính trị rõ ràng là để ủng hộ hay phản đối ai, hoặc là chính sách hay hành vi, cho nên cái nghị định này, cái nghị định của chính phủ năm 2005 không nằm trong phạm vi, không thể đồng nhất với biểu tình. Bởi vì thứ nhất cái nghị định này không căn cứ vào hiến pháp, cái thứ hai là biểu tình là một quyền chính trị. 

Điều 50 của Hiến Pháp có nói là có 3 loại quyền con người được thể hiện theo hiến pháp và luật, là quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền văn hóa. Hiện nay Hiến Pháp đã quy định quyền biểu tình, nhưng lại "theo quy định của pháp luật" tức là ý nói rằng phải có luật về biểu tình, thế thì đáng tiếc là chưa có. Mới có luật về báo chí để nói về vấn đề báo chí, nhưng mà chưa có luật biểu tình.

Nói chính xác là chưa có luật biểu tình, tuy nhiên có nghị định của chính phủ năm 2005 có nói về vấn đề tụ tập hội họp đông người, từ 5 người trở lên thì phải có giấy phép. 

.....

LS Trần Vũ Hải: Tôi cho rằng cái nghị định năm 2005 là không bao gồm vấn đề biểu tình ở đây. Đây là một cái trách nhiệm của Quốc Hội phải ban hành, nhưng chưa ban hành. Bây giờ để giải quyết tình huống ấy, theo luật thì BTV có quyền giải thích điều luật ấy cần phải được hiểu như thế nào. Khi chưa có luật thì đương nhiên được hưởng hay là phải đợi đến khu luật biểu tình ra đời.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng phải thấy rằng khi có vấn đề gì thì công an, lực lượng an ninh, lực lượng trật tự có nghĩa vụ phải đảm bào rằng là sẽ không có phát sinh những vấn đề gây rối, những vấn đề quá khích. Thì tôi nghĩ ở bất kỳ đất nước nào các lực lượng an ninh trật tự cũng phải làm nhiệm vụ đó.”

c. Nhận định chung về biểu tình tại Việt Nam:

Nhà cầm quyền cộng sản dùng Luật biểu tình như một vật cản để giới hạn và ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Nó chứng tỏ nhà cầm quyền cộng sản sợ 3 điều thông qua biểu tình: 

- Sợ nhân dân thông qua biểu tình “phá vỡ” mối quan hệ và hợp đồng bán nước của cộng sản cho Trung cộng. 

- Thông qua biểu tình gây áp lực lên nhà cầm quyền cộng sản về mọi mặt kinh tế, xã hội mà đảng muốn mình độc quyền điều hành. 

- Sợ nhân dân tập dượt cho một cuộc xuống đường tổng thể lật đổ cộng sản. 

Như vậy chúng ta phải lấy đúng cái quyền thật sự của con người và những gì đã ghi trong Hiến pháp để làm những gì cộng sản đó là: Biểu tình. Vấn đề làm thế nào làm cho các cuộc biểu tình thành công? Xin có một số góp ý ở phần dưới.

2. Vài lưu ý trong tổ chức biểu tình:

Bỏ qua các yếu tố sợ hãi do cộng sản đàn áp vì chúng ta đang dần chứng tỏ bằng làn sóng đấu tranh dân chủ đang dâng cao mà những hành đọng của Phương Uyên, Nguyên Kha... hay các phong trào đấu tranh giữ đất của nông dân Văn Giang, Trịnh Nguyễn, của anh em ông Đoàn Văn Vươn hoặc việc đi phân phát tuyên ngôn nhân quyền, tuyên bố 258 là những ví dụ. Ngoài ra việc nhân dân dưới sức ép về kinh tê, nhận ra sự thật bị lừa hơn 80 năm qua cũng giúp nỗi sợ hãi ngày càng phai nhạt. Chúng ta cũng có thể đọc thêm loạt bài “Cuộc cách mạng của sợ hãi” của tác giả Vũ Đông Hà để tìm cách thích hợp nhất để vượt qua sự sợ hãi giúp ích cho biểu tình thành công (2).

Như vậy điều còn lại là làm sao để có được các cuộc biểu tình chống Trung cộng và cộng sản bán nước hiệu quả? Hãy tham khảo một số lưu ý sau đây. 

- Nên thành lập một liên minh dạng Liên minh Biển Tây của người Philippines (Vấn đề cụ thể này tôi xin trình bày trong “Chúng ta phải làm gì? - Kỳ 5”) để phối hợp hành động thật nhịp nhàng và có tiếng nói trong vấn đề với Trung cộng ra công luận quốc tế thay cho nhà cầm quyền bán nước. 

- Có thể trong cuộc biểu tình chống Trung cộng nên mời công dân Philippines và công dân Nhật bản tham gì vì họ cùng kẻ thù chung là Trung cộng bành trướng và nhà cầm quyền cộng sản không có lý do bắt họ. Đồng thời đây là một hình thức đoàn kết và kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế.(Xem thêm bài viết trên Viendongdaily để tham khảo thêm (3)

- Các tổ chức đứng ra biểu tình nên chọn một số đại sứ quán, cơ quan nhân quyền LHQ... để mời họ tới tham gia quan sát biểu tình và theo dõi nhân quyền. 

- Về mặt thông tin trước biểu tình: Không nên tuyên bố trên facebook hay các trang mạng xã hội khác mà dùng hoạt động nhóm để vận động và thông báo. Trên các trang mạng xã hội chỉ nên thông báo để đánh lạc hướng công an, an ninh mật vụ. Xin ví dụ: Chúng ta có thể thông báo là sẽ có biểu tình trong vài tuần tới mà không cụ thể để cho công an, an ninh phải mệt mỏi vì theo dõi... Có nhiều hình thức đánh lạc hướng mong các bạn tự nghiên cứu bổ sung thêm. 

- Thông tin trong biểu tình: Do mới là bước đầu của việc đấu tranh nên mới chỉ dừng lại ở biểu tình bất bạo động. Chính vì vậy cần phải sử dụng hình ảnh làm vũ khí chống đàn áp cộng sản. Vì vậy, nên chọn hẳn một nhóm đứng tại một số cao điểm hay góc quay thuận lợi để chụp hình, quay phim để tường thuật trực tiếp lên mạng và gửi đến các cơ quan quốc tế về hình ảnh công an đàn áp. 

- Thông tin sau biểu tình: Tổng hợp các thông tin về hình ảnh, clips tới các trang mạng như đã từng làm. Đồng thời gửi các thông tin đàn áp của công an cộng sản đến các tổ chức quốc tế, đại sứ quán như đối với tuyên bố 258 mà ta đã làm rất tốt. 

- Khi đã có các nhóm thì vấn đề tổ chức biểu tình hết sức thuận lợi và lưu ý trong biểu tình không nên để lộ ra mối quan hệ các nhóm để tránh tổn thất sau này. 

- Không nhất thiết hành trình phải quanh bờ hồ Hà Nội hay khu trung tâm Sài Gòn mà có thể ở các khu đông người như: Sân Vận Động Mỹ Đình, chợ Đồng Xuân, Khu Ngã tư Sở... tại Hà Nội hoặc Chợ Bến Thành... tại Sài Gòn. 

Trên đây là một số góp ý trong tổ chức biểu tình cần lưu ý để tổ chức có ý nghĩa hơn các cuộc biểu tình để có hiệu quả. Các bạn có thể vận dụng tốt hơn nữa dựa trên kinh nghiệm hoạt động của chính mình.

3: Khẩu hiệu mang theo:

Về cơ bản chúng ta có thể đem theo nhiều khẩu hiệu thông qua băng rôn, cờ, áo mặc, mũ và thậm chí kể cả khăn tay... Tuy nhiên cần phải lưu ý vài điểm như sau: 

- Khi đi biểu tình tại Việt Nam chúng ta không nên mang theo cờ Vàng ba sọc đỏ vì cộng sản sẽ lấy cớ là chúng ta cầm cờ “Chế độ cũ” để có thể đàn áp biểu tình. Do đó một cách sáng tạo là chúng ta in cờ Vàng thời Hai Bà Trưng hoặc một số lá cờ vàng của triều đại trước đây như Lê, Trần... 

- In một số tích truyện thật lịch sử trên băng rôn, áo... như Mã Viện bị Hai Bà đánh tan tác, Thoát Hoan chui ống đồng, Liễu Thăng bị chém bay đầu ở Chi Lăng, Nghìn cọc vùi thây giặc tại Bạch Đằng... 

- Tuyệt đối không mang theo cờ đỏ cộng sản vì chúng ta biết rằng cờ đỏ bán nước cho giặc hơn nữa lá cờ của cộng sản là là cờ ăn cắp của tỉnh Phúc Kiến - Trung cộng (Xin xem thêm “Những sự thật cần phải biết” - Phần 89). Vậy thì chúng ta sẽ chống ai nếu chúng ta đi biểu tình chống Trung cộng lại mang cờ 1 tỉnh Trung cộng?. Lý do mà mọi người đem theo cờ cộng sản để tránh đàn áp cũng không đúng vì không đem theo cờ của cộng sản không có nghĩa là không yêu nước. 

- Tuyệt đối không mang theo hình Hồ Chí Minh vì chính Hồ Chí Minh đã sai Phạm Văn Đồng bán nước cho Tầu mà cụ thể là công hàm 1958 được chính nhà cầm quyền cộng sản thừa nhận. Cũng không thể lý luận mang theo ảnh Hồ Chí Minh thì không bị đàn áp. Các bạn thấy rõ rằng trong những lần biểu tình trước việc đem theo ảnh Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi điều này. Do đó không nên mang theo ảnh của tên bán nước để đi chống bán nước và cướp nước được. 

- Chính vì báo nhân dân và các phương tiện đã công khai công hàm 1958 và cái đó là hoàn toàn có thật nên chúng ta ngoài băng rôn khẩu hiệu thì nên có băng rôn in thật to đoạn tuyên bố của Trung cộng: “...quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc....” và nguyên cái công hàm của Phạm Văn Đồng đồng ý tuyên bố của Trung cộng để nhân dân thấy sự thật bán nước của cộng sản. (Có thể in các tờ rơi phát cho bà con trên đường biểu tình và cho rơi ngay xuống đường). 

- Đồng thời in các tuyên bố của quan chức cộng sản như: 

Năm 1956, Ung Văn Khiêm, nhân tiếp phái đoàn ngoại giao Trung cộng, Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao có tuyên bố với Lý Chí Dân (Li Zhimin), tham tán sứ quán Trung cộng tại Việt Nam: “chiếu theo tài liệu Việt Nam thì HS và TS thuộc về Trung Quốc”.

Lê Lộc, Chủ Tịch Châu Á Sự Vụ, nhân có mặt cũng nói vào: “Theo sử liệu VN thì HS và TS thuộc TQ từ thời nhà Tống”. Sự việc này tạp chí Beijing Review ngày 18 tháng Hai năm 1980 đã có đăng lại trong bài “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa”.

- Khẩu hiệu mang theo thường là “Đả đảo Trung cộng, “Cắt lưỡi bò”, “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam hay “Tầu khựa cút khỏi biển đông... Nay đề nghị chúng ta thêm “Đả đảo bán nước”. Cộng sản lấy cớ gì mà đàn áp khẩu hiệu này? Nó đàn áp thì rõ ràng nó tự cho nhân dân thấy bản chất bán nước rõ hơn. 

- Kết hợp đốt và xé cờ Trung cộng để gây sức ép ly gián Việt cộng và Trung cộng. 

- Khẩu hiệu nên dùng 2 thứ tiếng và Việt và Anh để cho bạn bè quốc tế dễ hiểu và có thể thêm chữ Tầu để cho chính bọn Tầu khiếp sợ. 

Người dân Philippines biểu tình (Ảnh: Minh họa)

Trên đây là một số góp ý nhỏ trong biểu tình về vấn đề khẩu hiệu, bạn đọc có thể có những sáng tạo thêm để cho các cuộc biểu tình thành công hơn nữa. Và đây chỉ là những bước đầu cho một cuộc xuống đường tập thể hoành tráng hơn với những khẩu hiệu tương tự như “Cộng sản đi chết đi” hay “Đả đảo cộng sản hèn với giặc, ác với dân” sau này.

4. Kết luận:

Biểu tình là quyền cơ bản của chúng ta, đảng cộng sản tìm mọi cách tước đoạt và đàn áp để dễ dàng độc tài và bán nước cho Trung cộng. Chúng ta phải đoàn kết lại để tổ chức lại những cuộc biểu tình có hiệu quả và ý nghĩa hơn. Từ đó có thể có tiếng nói nhất định gây sức ép cho cộng sản và cả Trung cộng. Ngoài ra đây có thể là những bước tập dượt và chuẩn bị cho việc biểu tình đòi trả tù nhân lương tâm hoặc sau này là lật đổ chế độ cộng sản bán nước hại dân tại Việt Nam. Hãy xuống đường bằng những cái đầu tình táo và tổ chức chặt chẽ, cộng sản sẽ phải thất bại vì chúng ta có chính nghĩa và có lòng yêu nước. Một câu hỏi được đặt ra là cần làm gì để có thể thống nhất biểu tình như trên? Những vấn đề đó sẽ được giải quyết trong “Chúng ta phải làm gì?- Kỳ 5”.

01/10/2013

________________________________

Bài liên quan đã đăng:

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/chung-ta-phai-lam-gi-ky-4-to-chuc-bieu.html#.Ukrth3_KEjI
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001