Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến Pháp

Cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến Pháp 


Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-10-02
Chủ tịch nước  Việt Nam Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang
AFP

Nghe bài này
Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam tuyên bố Hiến Pháp đứng sau cương lĩnh của đảng. Đảng cộng sản Việt Nam một lần nữa thể hiện nhận thức rằng mình đứng trên pháp luật. Kính Hòa trình bày.
Câu chuyện đảng cộng sản (gọi tắt là đảng) quan hệ như thế nào với các định chế nhà nước đã được bàn đến từ lâu trong đời sống chính trị Việt Nam. Câu chuyện ấy trở nên sôi động với nhịp độ nhanh hơn từ đầu năm 2013 đến nay qua những diễn biến như kiến nghị xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp, tuyên bố của ông Lê Hiếu Đằng về ý tưởng thành lập một đảng phái chính trị đối trọng với đảng cộng sản,…Ngày 28/9 câu chuyện đó lại được những người quan tâm đến chính trị Việt Nam chú ý sau câu nói của ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng rằng Hiến pháp của quốc gia là văn kiện đứng hàng thứ hai sau cương lĩnh của đảng.
Quốc hội hay Đảng hội?
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời sau khi mô hình cộng sản đã đựơc xây dựng tại Liên Sô cũ, nơi đó đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, không có các đảng phái khác, và đảng nắm tất cả các định chế nhà nước, từ quốc hội cho đến tòa án và những bộ của cơ quan hành pháp.
Cùng với phong trào giải phóng thuộc địa, đảng cộng sản Việt Nam đã lên nắm quyền từ năm 1954 tại miền bắc và sau 1975 trên cả nước, đảng đã nhanh chóng thực hiện mô hình Liên Sô, được thể hiện rõ nhất tại điều 4 của Hiến Pháp Việt nam năm 1992 rằng đảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất điều khiển xã hội.

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. AFP
Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. AFP

Tuy nhiên, khi bước ra từ bóng tối của cuộc đấu tranh bí mật lên nắm quyền, đảng không thể ngay lập tức xóa bỏ mọi định chế nhà nước đã có, và hơn nữa đảng cũng phải lãnh đạo một quốc gia tồn tại giữa một thế giới không chỉ có cộng sản, của các quốc gia khác, nơi có các định chế nhà nước tồn tại hằng trăm, hàng nghìn năm. Và đảng cộng sản dù muốn hay không muốn cũng phải giao thiệp với họ. Vào những năm sau 1975 có một quyển tiểu thuyết gối đầu giường nổi tiếng của đòan thanh niên cộng sản lưu hành khắp nước là Thép đã tôi thế đấy, nhân vật Pavel Corshegin nói với người yêu cũ là vợ một viên chức ngọai giao Ba Lan rằng,
ĐCS Việt Nam đã lên nắm quyền từ năm 1954 tại miền bắc và sau 1975 trên cả nước, đảng đã nhanh chóng thực hiện mô hình Liên Sô, được thể hiện rõ nhất tại điều 4 của Hiến Pháp VN năm 1992 rằng đảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất điều khiển xã hội
“Chẳng qua là phải giao thiệp với bọn tư sản các người mà chúng tôi, những người cộng sản vẫn phải duy trì cái định chế ngọai giao này.”
Hơn nữa trong cuộc đấu tranh để nắm quyền, đảng đã liên kết với những người không cộng sản, khi cả hai có cùng một mục tiêu chung. Đó là Mặt trận Việt Minh trong cuộc chiến tranh giành độc lập 1946-1954, đó là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hay thành phần thứ ba trong cuộc chiến Việt Nam 1955-1975. Đối với những người không cộng sản này, cái xã hội mà họ muốn là một xã hội có các định chế nhà nước, như quốc hội, tòa án,…
Một người như vậy là ông Hồ Ngọc Nhuận, một dân biểu đối lập trong quốc hội thời Việt Nam Cộng Hòa, một người chống sự có mặt quân sự của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam nói rằng,
Có những điều mà mình hy vọng là (đảng này) sẽ có những cái gì đó mới, nó là đảng Việt Nam và khác với những đảng khác.
Những điều đó chính là những định chế nhà nước, một nhà nước độc lập mà họ hy vọng. Họ hy vọng rằng đảng cộng sản Việt Nam, một thành viên của phong trào giành độc lập cho quốc gia, sẽ khác với Liên Sô của những quần đảo Gulag đọa đày, sẽ tôn trọng một Nhà nước thay vì xóa bỏ nó, như dự trù của lý thuyết cộng sản.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam  (từ trái)Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam (từ trái)Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang . AFP

Dưới sự cai trị của đảng, nhà nước vẫn tồn tại, chính phủ vẫn tồn tại, quốc hội vẫn tồn tại, tòa án vẫn tồn tại, có điều tất cả những định chế ấy nằm dưới quyền thao túng của các đảng viên cộng sản. Một cấu trúc song trùng, chính quyền-đảng, quốc hội-đảng tồn tại một cách phức tạp, cùng với những tổ chức ngọai vi của đảng như Mặt trận tổ quốc, tạo nên một hình ảnh nhà nước có vẻ bình thường như tất cả các quốc gia khác. Ông Hồ Ngọc Nhuận nói tiếp,
Bây giờ đây tôi cũng hỏi tại làm sao quốc hội Sài gòn của chúng tôi ngày xưa, các đảng phái được vô, tôn giáo được vô còn bây giờ mấy anh bít hết chỉ có đảng của mấy anh thôi. Đó là đảng hội chứ quốc hội gì?
Ông Hồ Ngọc Nhuận
“Bây giờ đây tôi cũng hỏi tại làm sao quốc hội Sài gòn của chúng tôi ngày xưa, các đảng phái được vô, tôn giáo được vô còn bây giờ mấy anh bít hết chỉ có đảng của mấy anh thôi. Đó là đảng hội chứ quốc hội gì?”
Và như mọi người đều biết, quân đội, tổ chức được thành lập để bảo vệ những người có cùng một quốc gia cũng bị bắt buộc thề thốt trung thành với đảng, chỉ là một bộ phận của quốc gia mà thôi.
Đảng đứng trên pháp luật
Thế nhưng, đảng cộng sản cũng ra sức tuyên truyền cho hình ảnh định chế nhà nước của họ, rằng nhân dân mà đại diện bởi quốc hội mới là đại diện tối cao, còn họ, những người cộng sản chỉ có….lãnh đạo mà thôi. Họ cũng không xóa đi văn bản căn bản nhất của mọi nhà nước hiện đại là Hiến pháp, nhưng trong ấy có điều số bốn qui định rằng họ và chỉ họ mà thôi mới là những người cầm quyền. Mặt khác, bộ máy tuyên truyền của đảng lúc nào cũng khẳng định rằng đảng không đứng trên pháp luật.
Đảng ở mọi nơi trong quần chúng
Đảng ở mọi nơi trong quần chúng. AFP

Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được
Đại tá Phạm Đình Trọng cựu đảng viên
Nay ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng bản Hiến pháp ấy, bộ luật cơ bản ấy của pháp luật của một nhà nứơc, chỉ đứng hàng thứ hai sau cương lĩnh của đảng. Những người Việt nam nghe thấy và đọc được lời tuyên bố ấy, với năng lực ngôn ngữ bình thường, không có cách hiểu nào khác hơn là đảng đứng trên pháp luật. Đại tá Phạm Đình trọng, một cựu đảng viên cộng sản nói với chúng tôi,
“Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.
Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật.”
Sự vô pháp luật ấy của xã hội Việt Nam mà Đại tá Phạm Đình Trọng đề cập ngày càng tăng. Từ việc công dân bắn chết cán bộ nhà nước rồi tự sát thay vì kêu gọi đến pháp luật, cho đến dân quê thay nhà nước xử tử hình những kẻ ăn trộm chó.
Quốc hội Việt Nam, cơ quan về lý thuyết là có quyền lực cao nhất nước, sắp bàn luận về việc sửa đổi Hiến Pháp, mà theo lời ông Trọng thì đại đa số nhân dân theo điều tra của đảng là đồng ý duy trì điều số bốn. Cùng lúc ấy, những con người quyền uy nhất Việt Nam là các ủy viên trung ương đảng cộng sản, cũng đang bàn luận nhau về việc ấy ở kỳ đại hội trung ương lần thứ tám của họ. Cơ chế song trùng nhưng bên nặng bên nhẹ vẫn đang loay hoay tìm đường tồn tại cho mình.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/party-1st-conti-second-10022013081822.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001