Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Eric X. Li - Chuyện hai chế độ chính trị

Eric X. Li - Chuyện hai chế độ chính trị 



Eric X. Li (Lý Thế Mặc)
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Tháng Sáu vừa rồi tại Edinburgh, Scotland, trong chương trình diễn thuyết nổi tiếng TED Talk, một nhà đầu tư vốn mạo hiểm thành đạt của Trung Quốc là ông Eric X. Li (Lý Thế Mặc), người sáng lập hãng Chengwei Capital ở Thượng Hải, đã trình bày trước một cử tọa quốc tế chọn lọc quan điểm tán dương mô hình chuyên chế Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ông Eric X. Li từng học tại các trường đại học Berkeley và Standford.
Ông cũng là thành viên của Hội đồng Quản trị của Học viện Kinh tế China Europe International Business School (CEIBS) tại Thượng Hải và Ghana. Trong vòng vài năm gần đây, nhất là sau bài viết trên mục op-ed của tờ New York Times với nhan đề “Vì sao mô hình chính trị Trung Quốc lại ưu việt?” tháng 2-2012, ông được coi là nhà hùng biện hàng đầu của Trung Hoa Đỏ. Cùng với bản dịch bài thuyết trình của Eric X. Li, chúng tôi sẽ giới thiệu bài của giáo sư Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh) phản bác các quan điểm của Li.
________________


Xin chào quý vị. Tôi tên là Eric Li, và tôi sinh ra ở đây.
À mà không, tôi không sinh ra ở đó. Đây là nơi tôi sinh ra: Thượng Hải, vào lúc cao trào của Cách mạng Văn hóa. Tôi nghe bà kể là bà nghe tiếng súng nổ cùng với những tiếng khóc lọt lòng của tôi.


Khi lớn lên, tôi được nghe một câu chuyện giải thích toàn bộ những gì tôi cần biết về nhân loại. Chuyện thế này. Tất cả các xã hội loài người phát triển theo trình tự tuyến tính, bắt đầu là xã hội nguyên thủy, rồi xã hội nô lệ, chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, và cuối cùng, quý vị thử đoán xem cuối cùng chúng ta ở đâu? Chủ nghĩa cộng sản. Sớm hay muộn gì thì toàn thể nhân loại – bất luận văn hóa, ngôn ngữ, và quốc tịch gì – cũng sẽ tiến đến giai đoạn cuối cùng này của sự phát triển chính trị và xã hội. Các dân tộc trên toàn thế giới sẽ thống nhất trên thiên đường hạ giới này và mãi mãi tận hưởng đời sống hạnh phúc. Nhưng trước khi đến đó, chúng ta tham gia vào một cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, cái thiện của chủ nghĩa xã hội chống lại cái ác của chủ nghĩa tư bản, và cái thiện ắt sẽ thắng.
Tất nhiên đó là đại luận thuyết chắt lọc từ các thuyết của Karl Marx. Và người Trung Quốc tin lấy tin để. Chúng tôi được dạy bài học lớn này mỗi ngày. Nó trở thành một phần của chúng tôi, và chúng tôi tin nó. Truyện này bán chạy như tôm tươi. Khoảng một phần ba dân số toàn thế giới sống trong tầm ảnh hưởng của đại luận thuyết này.
Rồi đùng một cái, sự đời đổi thay. Phần tôi, vì vỡ mộng trước cái tín ngưỡng thất bại của thời trai trẻ, tôi sang Mỹ và thành một anh chàng hippie [ở Đại học UC] Berkeley.
(Thính giả cười)
Giờ đây, khi tôi đã trưởng thành, lại xảy ra chuyện khác. Cứ như thể một đại luận thuyết là chưa đủ, tôi được nghe một luận thuyết khác. Cái này cũng to tát không kém. Đại luận thuyết này cũng cho rằng tất cả các xã hội loài người phát triển theo trình tự tuyến tính hướng đến một đích duy nhất. Đại luận thuyết này như sau: Tất cả mọi xã hội – bất kể văn hóa gì, bất luận là Ki tô giáo, Hồi giáo, hay Khổng giáo – phải tiến triển từ các xã hội truyền thống trong đó nhóm là đơn vị cơ bản đến các xã hội hiện đại trong đó các cá nhân riêng biệt là các chủ thể tự chủ, và tất cả các cá nhân này vốn dĩ duy lý, và họ đều muốn cùng một thứ: lá phiếu bầu cử. Vì họ đều duy lý, một khi được quyền đi bầu, họ sẽ tạo ra chế độ cai trị tốt đẹp và mãi mãi tận hưởng đời sống hạnh phúc. Lại là thiên đường hạ giới. Sớm muộn gì thì nền dân chủ bầu cử cũng sẽ là hệ thống chính trị duy nhất cho tất cả mọi quốc gia và mọi dân tộc, với một thị trường tự do giúp tất cả mọi người đều giàu có. Nhưng trước khi đạt đến đó, chúng ta tham gia vào một cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. (Thính giả cười) Cái thiện thuộc về những nơi có nền dân chủ và có sứ mệnh truyền bá dân chủ khắp địa cầu, đôi khi bằng vũ lực, chống lại cái ác của những nơi không tổ chức bầu cử.
(Thính giả cười, vỗ tay)
Truyện này cũng bán chạy như tôm tươi. Theo tổ chức Freedom House, số chế độ dân chủ đã tăng từ 45 vào năm 1970 lên đến 115 vào năm 2010. Trong 20 năm qua, giới chóp bu quyền lực phương Tây bền bỉ đi khắp thế gian rao bán tập cáo bạch này: Nhiều đảng phái đấu tranh giành quyền lực chính trị và mọi người bỏ phiếu bầu chọn là con đường cứu rỗi duy nhất cho các nước đang phát triển vốn lâu nay lầm than. Những ai tin vào tập cáo bạch này chắc chắn sẽ thành công. Những ai không tin nhất định sẽ thất bại. Nhưng lần này, người Trung Quốc không tin.
Chỉ lừa tôi một lần thôi nhé …
(Thính giả cười)
Sự thể ra sao hẳn quý vị đã rõ. Trong chỉ 30 năm, từ một trong những nước nông nghiệp nghèo nhất thế giới, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Sáu trăm năm mươi triệu người thoát cảnh đói nghèo. Tám mươi phần trăm thành quả xóa đói giảm nghèo của toàn thế giới trong thời kỳ đó diễn ra ở Trung Quốc. Nói cách khác, tất cả các nền dân chủ mới lẫn cũ cộng lại cũng chỉ bằng một phần nhỏ thành tựu mà một nhà nước độc đảng đạt được mà không cần bầu cử.
Đây, tôi lớn lên bằng những thứ này: tem phiếu thực phẩm. Có lúc mỗi người được chia khẩu phần vài trăm gam thịt mỗi tháng. Khỏi cần phải nói, tôi ăn hết cả khẩu phần của bà tôi.
Vì thế tôi tự hỏi bức tranh tổng thể này có gì không ổn? Nay tôi ở ngay tại nơi mình ra đời, kinh doanh phát đạt không ngừng. Ngày nào cũng có doanh nhân mở công ty mới. Tầng lớp trung lưu đang tăng lên với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thế nhưng, theo đại luận thuyết này, những thành quả này làm gì có cơ hội xảy ra. Vì vậy tôi làm việc duy nhất mình có thể làm. Tôi nghiên cứu nó. Phải, Trung Quốc là một nhà nước độc đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, và họ không tổ chức bầu cử. Các học thuyết chính trị chủ yếu của thời đại chúng ta đưa ra ba giả định. Một hệ thống như vậy có tính cứng nhắc về mặt vận hành, khép kín về mặt chính trị, và không chính danh về mặt đạo đức. Chà, các giả định này đều sai. Ngược lại mới đúng. Khả năng thích ứng, chế độ “chiêu hiền đãi sĩ” trọng nhân tài, và tính chính danh là ba tính chất đặc trưng của hệ thống độc đảng của Trung Quốc.
Giờ đây, phần lớn giới chính trị học cho rằng hệ thống độc đảng vốn dĩ không có năng tự sửa sai. Hệ thống đó không trường tồn vì không thể thích ứng. Quý vị thử xem thực tế thế nào nhé. Trong 64 năm điều hành quốc gia lớn nhất thế giới, các chính sách của Đảng đã có phạm vi rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại, từ tập thể hóa đất đai triệt để đến chủ trương Đại Nhảy vọt, rồi tư hữu hóa đất nông trại, rồi Cách mạng Văn hóa, rồi cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, rồi đến người kế nhiệm Giang Trạch Dân thực hiện một bước tiến chính trị lớn là mở cửa cho phép giới kinh doanh tư nhân vào Đảng, điều không tưởng trong thời kỳ Mao cầm quyền.
Như vậy, Đảng tự sửa sai theo cách khá đáng kể. Về thể chế, luật lệ mới được ban hành để chỉnh sửa những sai lệch trước đây. Ví dụ, giới hạn về nhiệm kỳ công tác. Các lãnh tụ chính trị trước đây thường giữ chức vụ trọn đời, và họ lợi dụng điều đó để tích lũy quyền lực và kéo dài mãi mãi quyền cai trị của mình. Mao Trạch Đông là cha đẻ của Trung Quốc hiện đại, nhưng thời gian cai trị kéo dài của ông đã dẫn đến những sai lầm tai hại. Vì vậy Đảng đã áp dụng giới hạn về nhiệm kỳ công tác với tuổi bắt buộc về hưu từ 68 đến 70.
Một điều ta thường nghe là, “Cải cách chính trị chậm trễ hơn nhiều so với cải cách kinh tế”, và “Cải cách chính trị là nhu cầu cấp bách của Trung Quốc.” Nhưng nhận xét này là một cái bẫy tuyên truyền ẩn giấu đằng sau một thành kiến chính trị. Một số người chỉ dựa trên suy diễn mà quyết định họ muốn thấy có những kiểu thay đổi gì, và chỉ những thay đổi như vậy mới có thể gọi là cải cách chính trị. Sự thật là các cải cách chính trị chưa bao giờ ngừng lại. So với 30 năm trước, 20 năm, hay thậm chí 10 năm trước, mỗi khía cạnh của xã hội Trung Quốc, cách cai trị đất nước, từ cấp địa phương thấp nhất đến trung tâm quyền lực cao nhất, hiện nay đều đổi mới đến mức không còn nhận ra nữa. Những thay đổi như vậy không thể nào diễn ra nếu không có các cải cách chính trị theo kiểu căn bản nhất. Tôi dám nhận định rằng Đảng là chuyên gia hàng đầu thế giới về cải cách chính trị.
Giả định thứ nhì là trong một nhà nước độc đảng, quyền lực tập trung trong tay của một thiểu số, và thế là sẽ xảy ra tình trạng quản lý kém và tham nhũng. Tham nhũng đúng là đại nạn, nhưng trước hết ta thử nhìn bối cảnh tổng thể. Điều tôi sắp nói có thể nghe có vẻ ngược đời. Đảng hóa ra là một trong những thể chế chính trị trọng dụng tài năng nhất trên thế giới hiện nay. Cơ quan cầm quyền cao nhất của Trung Quốc, Bộ Chính trị, có 25 ủy viên. Trong Bộ Chính trị gần đây nhất, chỉ có 5 ủy viên có xuất thân quyền quý, nhóm được gọi là Thái tử Đảng. Hai mươi ủy viên còn lại, trong đó có Chủ tịch và Thủ tướng, có xuất thân rất bình dân. Trong cơ quan lớn hơn, Trung ương Đảng với hơn 300 ủy viên, tỉ lệ ủy viên sinh ra trong gia đình quyền quý và giàu có thậm chí còn thấp hơn. Đại đa số cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc công tác và phấn đấu để vươn lên cấp cao nhất. Nếu đem so thực tế đó với các giới chóp bu cầm quyền ở cả các nước đã phát triển lẫn các nước đang phát triển, tôi nghĩ quý vị sẽ thấy Đảng xếp gần vị trí hàng đầu về “tính cơ động hướng lên” (upward mobility).[i]
Thế thì câu hỏi đặt ra là làm sao điều đó có thể xảy ra trong một hệ thống do một đảng duy nhất điều hành? Xin giới thiệu với quý vị một thể chế chính trị đầy uy quyền, nhưng ít người phương Tây biết đến: Ban Tổ chức của Đảng. Ban Tổ chức hoạt động như một cỗ máy nhân sự khổng lồ mà đến cả một số công ty thành công nhất cũng phải ghen tị. Ban này vận hành một kim tự tháp luân chuyển với ba thành tố: cơ quan chức năng của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, và các đơn vị sự nghiệp như trường đại học hay chương trình cộng đồng. Ba thành tố này tạo nên những con đường sự nghiệp riêng biệt nhưng cũng hợp nhất với nhau cho các cán bộ Trung Quốc. Các sinh viên tốt nghiệp đại học được tuyển vào các vị trí khởi đầu trong cả ba con đường này, và họ bắt đầu từ cấp thấp nhất, gọi là “keyuan” [科员; nhân viên]. Sau đó, họ có thể được đề bạt lên bốn cấp bậc cao hơn theo thứ tự tăng dần: fuke [副科, phó phòng], ke [科, trưởng phòng], fuchu [副处, phó ban], và chu [处, trưởng ban].
Mấy từ này không phải là những thế võ trong phim Karate Kid đâu nhé. Đây là chuyện nghiêm chỉnh. Các chức vụ này có phạm vi rất rộng, từ quản lý y tế ở thôn đến đầu tư nước ngoài ở một quận thành thị hay giám đốc trong một công ty. Mỗi năm một lần, Ban Tổ chức Đảng xét duyệt thành tích của họ. Ban Tổ chức phỏng vấn cấp trên, cán bộ đồng cấp, và cấp dưới của họ. Ban Tổ chức đánh giá tư cách cá nhân của họ. Ban Tổ chức tiến hành thăm dò dư luận. Rồi Ban Tổ chức thăng chức những người có thành tích tốt nhất. Trong suốt sự nghiệp của mình, các cán bộ này có thể luân chuyển qua cả ba con đường này. Dần dà, những người tài đức sẽ vượt qua bốn cấp bậc nền tảng này để vươn lên cấp cán bộ fuju [副局, phó cục] và ju [正局, trưởng cục]. Ở đó, họ gia nhập hàng ngũ cán bộ cao cấp. Lúc đó, nhiệm vụ công tác tiêu biểu sẽ là quản lý một quận/huyện với hàng triệu nhân khẩu hay một xí nghiệp quốc doanh có doanh thu hàng trăm triệu Mỹ kim. Để quý vị thấy hệ thống này có tính cạnh tranh ra sao, xin nêu vài con số: năm 2012, có 900.000 cán bộ cấp phó và trưởng phòng, 600.000 cán bộ cấp phó và trưởng ban, và chỉ có 40.000 cán bộ cấp phó và trưởng cục.
Sau cấp trưởng cục, một số ít những người tài giỏi nhất sẽ thăng tiến lên nhiều cấp cao hơn, và cuối cùng là vào Trung ương Đảng. Quá trình này mất đến hai đến ba chục năm. Có chuyện nhất thân nhì thế không? Đương nhiên rồi. Nhưng tài đức vẫn là nhân tố chủ yếu để quyết định đề bạt. Về căn bản, Ban Tổ chức áp dụng một phiên bản hiện đại hóa kế thừa từ hệ thống bồi dưỡng nhân tài đã có từ mấy trăm năm của Trung Quốc. Chủ tịch mới nhậm chức của Trung Quốc, Tập Cận Bình, là con của một cựu lãnh tụ;[ii] đây là điều bất thường, và ông là người đầu tiên thuộc loại này vươn lên đến vị trí cao nhất. Ngay cả với ông, con đường sự nghiệp cũng mất 30 năm. Ông bắt đầu với chức trưởng thôn, và đến lúc vào Bộ Chính trị, ông đã quản lý những vùng có tổng dân số 150 triệu người và các mức GDP tổng cộng 1,5 ngàn tỉ Mỹ kim.
Xin đừng hiểu lầm tôi nhé. Tôi nói thế này không phải để chê bai ai cả. Chỉ nói lên thực tế thôi nhé. Còn nhớ George W. Bush chứ? Cái này không phải chê bai. (Thính giả cười) Trước khi thành Thống đốc tiểu bang Texas, hay Barack Obama trước khi tranh cử Tổng thống, chắc không làm nổi một chức cán bộ quản lý quận cấp thấp trong hệ thống của Trung Quốc. Winston Churchill từng nói dân chủ là một chế độ tệ hại ngoại trừ tất cả các chế độ còn lại.[iii] À, có lẽ ông chưa nghe đến Ban Tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người phương Tây luôn giả định rằng bầu cử đa đảng với phổ thông đầu phiếu là cách duy nhất để có được tính chính danh chính trị.
Tôi từng được hỏi, “Đảng không được bỏ phiếu bầu chọn. Thế thì lấy đâu ra tính chính danh?”
Tôi đáp, “Bằng năng lực có được không?”
Sự thật thế nào thì chúng ta đều biết. Năm 1949, khi Đảng lên cầm quyền, Trung Quốc đang sa lầy trong những cuộc nội chiến, đất nước bị ngoại xâm chia cắt, còn tuổi thọ trung bình lúc đó chỉ là 41. Ngày nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, một cường quốc công nghiệp, và nhân dân có đời sống ngày càng thịnh vượng hơn.
Hãng nghiên cứu Pew Research thăm dò dư luận Trung Quốc, và đây là số liệu của những năm gần đây. Hài lòng với đường hướng của đất nước: 85 phần trăm. Số người nghĩ rằng họ khá giả hơn 5 năm trước: 70 phần trăm. Số người kỳ vọng tương lai sẽ tốt hơn: cao đến 82 phần trăm. Báo Financial Times thăm dò dư luận của giới trẻ toàn cầu, và đây là những số liệu mới toanh vừa công bố tuần trước. Chín mươi ba phần trăm Thế hệ Y của Trung Quốc lạc quan về tương lai của đất nước mình. Đấy, nếu đây không phải là tính chính danh, tôi chẳng biết nó là gì nữa.
Ngược lại, hầu hết các nền dân chủ có bầu cử trên khắp thế giới đang có thành tích vô cùng tệ hại. Với thính giả ở đây, tôi không cần phân tích tỉ mỉ về hiện trạng rệu rã, từ Washington đến thủ đô các nước Châu Âu. Chỉ trừ vài ngoại lệ, rất nhiều nước đang phát triển đã áp dụng chế độ bầu cử nay vẫn đang chịu cảnh nghèo đói và nội chiến. Các chính phủ được bầu lên, rồi chỉ vài tháng sau mức tín nhiệm chính phủ rơi xuống dưới 50 phần trăm và nằm ở đó và thậm chí còn tệ hơn cho đến kỳ bầu cử kế tiếp. Dân chủ đang trở thành vòng tuần hoàn vĩnh cửu của việc bầu cử rồi hối tiếc. Cứ kiểu này, tôi e rằng chính chế độ dân chủ, chứ không phải chế độ độc đảng của Trung Quốc, mới có nguy cơ đánh mất tính chính danh.
Tôi không muốn tạo ra cảm nhận sai là tình hình Trung Quốc ổn cả, là Trung Quốc đang ung dung trên đường vươn lên thành siêu cường quốc. Đất nước này đương đầu với nhiều thách thức lớn. Song hành với sự thay đổi quyết liệt như thế này là những vấn đề xã hội và kinh tế quá sức chịu đựng. Ví như chuyện ô nhiễm. Hay an toàn thực phẩm. Hay các vấn đề dân số. Trên mặt trận chính trị, vấn đề trầm trọng nhất là tham nhũng. Tham nhũng lan tràn, phá hoại chế độ và tính chính danh đạo đức của chế độ. Nhưng phần lớn giới phân tích chẩn bệnh sai. Họ cho rằng tham nhũng là kết quả của chế độ độc đảng, do đó, để chữa dứt căn bệnh này, ta phải dẹp bỏ toàn bộ chế độ.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì ta sẽ thấy khác. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trong những năm gần đây xếp Trung Quốc hạng từ 70 đến 80 trong số 170 quốc gia, và thứ hạng này của Trung Quốc đang tăng lên. Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, xếp hạng 94 và đang giảm dần. Đối với khoảng trăm quốc gia có thứ hạng thấp hơn Trung Quốc, hơn một nửa là các nền dân chủ có bầu cử. Vậy nếu bầu cử là liều thuốc tiên chữa lành căn bệnh tham nhũng, cớ sao những quốc gia này không giải quyết được?
Tôi là một nhà đầu tư vốn mạo hiểm. Tôi đánh cược. Nếu tôi kết thúc bài nói chuyện này mà không liều mình đưa ra vài tiên đoán, thì chẳng phải đạo chút nào. Tôi thì tôi tiên đoán thế này. Trong 10 năm sắp đến, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người sẽ nằm ở tốp đứng đầu tất cả các nước đang phát triển. Tham nhũng sẽ bị kiềm chế, nhưng không loại bỏ hẳn, và Trung Quốc sẽ tăng 10 đến 20 hạng lên cao hơn thứ hạng 60 trong bảng xếp hạng của Minh bạch Quốc tế. Cải cách kinh tế sẽ tăng tốc, cải cách chính trị sẽ tiếp tục, và chế độ độc đảng sẽ vẫn đứng vững.
Chúng ta đang sống trong buổi hoàng hôn của một kỷ nguyên. Các đại luận thuyết với những luận điệu phổ quát đã phụ lòng chúng ta trong thế kỷ 20 và đang phụ lòng chúng ta trong thế kỷ 21. Đại luận thuyết là căn bệnh ung thư đang giết chết dân chủ từ bên trong. Tôi xin nói thế này. Tôi không đến đây để kết án dân chủ. Ngược lại, tôi nghĩ rằng dân chủ đã đóng góp cho sự vươn lên của phương Tây và góp phần tạo nên thế giới hiện đại. Chính cái luận điệu phổ quát mà nhiều giới chóp bu phương Tây đang đưa ra về hệ thống chính trị của họ, chính thái độ ngạo mạn đó là cốt lõi của những căn bệnh hiện nay của phương Tây. Chỉ cần họ bớt đi chút thời gian lo áp đặt tư tưởng của mình lên các nước khác, và dành thêm chút thời gian lo cải cách chính trị trong nước, có thể họ tạo cơ hội tốt hơn cho nền dân chủ của họ. Mô hình chính trị của Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ thay thế được nền dân chủ có bầu cử, vì khác với chế độ dân chủ, mô hình Trung Quốc không giả vờ có giá trị phổ quát. Mô hình này không thể xuất khẩu được. Nhưng đó đích thị là luận điểm tôi muốn bàn. Ý nghĩa của ví dụ Trung Quốc không phải là nó đưa một phương án khác, mà chứng tỏ rằng có nhiều phương án khác nhau. Chúng ta hãy hạ màn khép lại cái kỷ nguyên đầy các đại luận thuyết này. Chủ nghĩa cộng sản và dân chủ có thể đều là các lý tưởng đáng ca ngợi, nhưng kỷ nguyên của thuyết phổ quát giáo điều đã kết thúc. Chúng ta hãy thôi giáo huấn người khác và con cháu chúng ta rằng chỉ có một cách trị quốc và chỉ có một tương lai duy nhất mà tất cả mọi xã hội đều phải tiến đến. Như vậy là sai. Như vậy là vô trách nhiệm. Mà tệ hơn cả, như vậy thì chán quá. Hãy để tính phổ quát tránh ra nhường chỗ cho tính đa nguyên. Có lẽ một thời đại lý thú hơn đang đợi chúng ta. Liệu chúng ta có đủ can đảm để nghênh tiếp nó hay không?
Cảm ơn quý vị.
(Vỗ tay)
Bruno Giussani: Eric, xin anh nán lại với tôi vài phút vì tôi có vài câu muốn hỏi anh. Tôi nghĩ nhiều người ở đây, và nói chung ở các nước phương Tây, đồng ý với phân tích của anh về các chế độ dân chủ đang rệu rã, nhưng đồng thời, nhiều người có phần thấy khó chịu khi nghĩ đến chuyện có một chính quyền không được dân bầu lại quyết định lợi ích quốc dân là gì, mà không có bất cứ hình thức giám sát hay tham mưu nào. Trong mô hình Trung Quốc có cơ chế nào cho phép người dân phát biểu rằng cái lợi ích quốc dân mà nhà nước đã xác định là sai lầm?
Eric Li: Nhà chính trị học Francis Fukuyama gọi chế độ Trung Quốc là “chủ nghĩa độc tài biết phản hồi” (responsive authoritarianism). Không chính xác như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng gần đúng. Tôi biết công ty thăm dò dư luận lớn nhất Trung Quốc. Anh có biết ai là khách hàng lớn nhất của họ? Chính phủ Trung Quốc. Không chỉ chính phủ trung ương, chính quyền thành phố, chính quyền tỉnh, mà cả các địa phương cấp thấp nhất. Họ luôn tiến hành các cuộc khảo sát. Quý vị có hài lòng với việc dọn rác? Quý vị có hài lòng với định hướng chung của đất nước? Như vậy ở Trung Quốc có một kiểu cơ chế khác để phản hồi những yêu sách và suy nghĩ của người dân. Ý tôi là, tôi nghĩ chúng ta nên tự gỡ ra để khỏi kẹt trong lối tư duy cho rằng chỉ có một chế độ chính trị duy nhất – bầu cử, bầu cử, bầu cử – có thể bảo đảm khả năng phản hồi của chế độ. Thực tình mà nói tôi chẳng biết bầu cử có còn tạo nên chính phủ có khả năng phản hồi trên thế giới nữa hay không.
(Vỗ tay)
Bruno Giussani: Nhiều người có vẻ đồng ý. Một trong những đặc tính của một chế độ dân chủ là có không gian cho xã hội dân sự diễn đạt ý kiến. Và anh đã trình bày các số liệu về mức độ ủng hộ dành cho chính quyền và nhà chức trách ở Trung Quốc. Nhưng sau đó anh cũng nhắc đến các yếu tố khác, ví dụ như các thách thức lớn, và hẳn nhiên có nhiều số liệu khác đi theo một hướng ngược lại: hàng chục ngàn vụ bạo loạn và biểu tình, và phản kháng về môi trường, vân vân. Vậy có vẻ như anh cho rằng mô hình Trung Quốc không có chỗ bên ngoài Đảng để xã hội dân sự diễn đạt ý kiến.
Eric Li: Có một xã hội dân sự sống động ở Trung Quốc, dù đó là chuyện môi trường hay cái gì gì khác. Nhưng nó khác lắm, anh không nhận ra đâu. Vì theo định nghĩa của phương Tây, cái gọi là xã hội dân sự phải tách biệt hay thậm chí đối lập với chế độ chính trị, nhưng khái niệm này xa lạ với văn hóa Trung Hoa. Hàng ngàn năm qua đã có xã hội dân sự, nhưng chúng nhất quán, gắn bó và là một phần của trật tự chính trị, và tôi nghĩ đó là một khác biệt văn hóa lớn.
Bruno Giussani: Eric, cảm ơn anh đã chia sẻ với TED.
Eric Li: Cảm ơn anh.
Nguồn: Eric X. Li: A tale of two political systems, TEDGlobal 2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra

[i] Ý nói cơ hội thăng tiến và có địa vị xã hội cao hơn. Trong khái niệm tính cơ động xã hội, “cơ động hướng lên” hàm ý sự dịch chuyển theo chiều dọc, lên một giai tầng xã hội cao hơn. Ngược lại là “cơ động hướng xuống” (downward mobility). (N.D.) [ii] Tập Trọng Huân (1913-2002) thuộc lớp lãnh đạo thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (N.D.)
[iii] Trong bài phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 11/11/1947, Winston Churchill nói: “Nhiều hình thức chính quyền đã được thử và sẽ được thử trên thế giới đầy tội lỗi và khổ đau này. Chẳng ai giả vờ nghĩ rằng dân chủ là hoàn hảo và hoàn toàn sáng suốt. Thực vậy, có người đã nói dân chủ là hình thức chính quyền tệ hại nhất ngoại trừ tất cả các hình thức khác thỉnh thoảng đã được dùng thử.” (N.D.)
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Ba, 22/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131022/eric-x-li-chuyen-hai-che-do-chinh-tri
=======================================================================
Yasheng Huang - Tại sao dân chủ vẫn thắng: Phê bình bài diễn thuyết “Chuyện hai chế độ chính trị” của Eric X. Li



Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh)
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh)
Bài liên quan: Eric X. Li: Chuyện hai chế độ chính trị
Đọc cả hai bài bằng bản PDF
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Đầu năm nay, nhà kinh tế học Yasheng Huang [Hoàng Á Sinh] (xem bài diễn thuyết TED Talk năm 2011 của ông) tranh luận với Eric X. Li [Lý Thế Mặc] trên tạp chí Foreign Affairs về một vấn đề tương tự bài diễn thuyết TED Talk. TED Blog yêu cầu giáo sư Hoàng mở rộng lập luận của ông trong cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra với Li.
Thử hình dung lẫn lộn hai phát ngôn sau đây của một bác sĩ chuyên về ung thư: 1) “Anh có thể chết vì ung thư” và 2) “Tôi muốn anh chết vì ung thư.” Khó mà nhận ra sự khác biệt căn bản giữa hai phát ngôn này. Phát ngôn thứ nhất là một lời tiên đoán – phát ngôn này nói rằng một việc có thể xảy ra với một số điều kiện nhất định (trong trường hợp này là chết nếu bị ung thư). Phát ngôn thứ hai là một sở nguyện, một ao ước, hay một ý muốn về một thế giới theo sở thích cụ thể của một người.
Ai lại có thể phạm một sai lầm căn bản khi nhầm lẫn hai loại phát ngôn này? Nhiều người lắm, trong đó có Eric X. Li, trong bài diễn thuyết TED Talk hôm nay. Đại luận thuyết của Marx đã ăn sâu vào đầu Li – và đầu tôi thời niên thiếu và thời thanh niên trong thập niên 1960 và 1970 – là một phát ngôn chuẩn tắc. Khi Marx nảy ra những tư tưởng về sự tiến hóa của các xã hội loài người, trên thế giới chưa có một quốc gia nào giống chút đỉnh như chế độ cộng sản mà ông cổ xúy. Chế độ cộng sản theo hình dung của Marx không có quyền tư hữu hay bất cứ kiểu quyền sở hữu nào. Tiền cũng không có mặt trong chế độ đó. Phiên bản chủ nghĩa cộng sản của Marx chưa bao giờ, và rất có thể sẽ chẳng bao giờ, trở thành hiện thực. Marx “tiên đoán” dựa trên suy diễn; và những người kế thừa ông tiên đoán bằng cách áp đặt ước muốn của họ, được thực hiện bằng quyền lực và bạo lực.
Ngược lại, cái luận thuyết dường như được mớm cho Li khi ông là một “anh chàng hippie Berkeley” thì dựa trên kinh nghiệm thực tế của các vấn đề con người. Chúng ta đã có hàng trăm năm kinh nghiệm với dân chủ và hàng trăm quốc gia / năm có các quá trình chuyển tiếp sang dân chủ và cai trị bằng dân chủ. Phát ngôn cho rằng các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu lên là một phát ngôn thực chứng – đó là một tiên đoán dựa trên dữ liệu. Trong thập niên 1960, khoảng 25 phần trăm các nước trên thế giới có chế độ dân chủ; tỉ lệ hiện nay là 63 phần trăm. Có rất nhiều trường hợp các chế độ độc tài chuyển sang chế độ dân chủ hơn là ngược lại. Những nước còn lại trên thế giới đã thể hiện rõ ràng ý muốn có chế độ dân chủ. Như Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) đã cho biết, trong 25 nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc mà chưa tự do hay tự do một phần, 21 nước sống nhờ tài nguyên thiên nhiên. Nhưng đó là những ngoại lệ giúp chứng minh quy tắc – các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu hơn. Ngày nay không có quốc gia nào được xếp vào nhóm giàu nhất có chế độ toàn trị độc đảng. (Singapore là một trường hợp chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.) Dù Li có thích hay không, các quốc gia đó dường như đều có đích đến như nhau.
Các nền dân chủ có tham nhũng hay không? Li nghĩ vậy. Ông trích dẫn Chỉ số của Minh bạch Quốc tế (TI) để chứng minh quan điểm của mình. Số liệu TI cho thấy Trung Quốc có thứ hạng cao nhiều chế độ dân chủ. Cũng có lý.
Tôi luôn nghĩ rằng có hơi mỉa mai khi dùng số liệu về tính minh bạch để biện hộ cho một chế độ chính trị xây trên nền tảng mờ ám. Ngoài chuyện mỉa mai, nên nhớ rằng bản thân chỉ số TI là sản phẩm của chế độ chính trị mà Li quá coi thường – chế độ dân chủ (nói cho đúng là dân chủ kiểu Đức). Điều này nhấn mạnh một điểm căn bản – chúng ta biết rất nhiều về tham nhũng ở các chế độ dân chủ hơn chúng ta biết về tham nhũng ở các nước toàn trị vì các chế độ dân chủ, theo định nghĩa, có tính minh bạch cao hơn và họ có nhiều dữ liệu hơn về tính minh bạch. Tuy tôi tin những so sánh về tham nhũng giữa các nước dân chủ, việc so sánh một cách máy móc tham nhũng ở Trung Quốc với tham nhũng ở các chế độ dân chủ, như Li đã làm rất nhiều lần, là phạm sai lầm căn bản. Phương pháp của ông nhầm lẫn hai hiệu ứng – mức độ minh bạch của một quốc gia và mức độ tham nhũng của một quốc gia. Tôi không muốn nói là các chế độ dân chủ nhất thiết phải trong sạch hơn Trung Quốc; tôi chỉ muốn nói rằng cách Li dùng dữ liệu của TI không phải căn cứ để rút ra kết luận theo một trong hai hướng. Cách đúng đắn để rút ra kết luận về vấn đề này là nhận định rằng với cùng một mức độ minh bạch (và cùng mức độ về nhiều thứ khác, trong đó có thu nhập), Trung Quốc có – hay không có – tham nhũng nhiều hơn các chế độ dân chủ.
Chỉ cần một ví dụ đơn giản là đủ minh họa ý này. Năm 2010, hai doanh nhân Ấn Độ lập một trang mạng gọi là I Paid a Bribe (Tôi hối lộ). Trang mạng này kêu gọi người ta đăng nặc danh những trường hợp công dân Ấn Độ phải bỏ tiền ra để hối lộ. Đến tháng 8/2012, trang mạng này đã ghi nhận hơn 20.000 vụ tham nhũng. Một số doanh nhân Trung Quốc cố gắng bắt chước: Họ lập trang I Made a Bribe (Tôi hối lộ) và 522phone.com. Nhưng hai trang mạng này nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc đóng. Kết luận đúng ở đây không phải, theo như kiểu lập luận của Li, là Trung Quốc trong sạch hơn Ấn Độ vì Trung Quốc không có bài đăng trên mạng nào về các vụ tham nhũng trong khi Ấn Độ có khoảng 20.000 vụ được đăng lên.
Dù tôi rất tôn trọng công lao của Minh bạch Quốc tế, dữ liệu của tổ chức này rất kém trong việc xử lý điểm khác biệt căn bản về mức cảm nhận tham nhũng (perception of corruption) và mức độ tham nhũng thực sự xảy ra (incidence of corruption). Các chế độ dân chủ có tính minh bạch cao hơn – về những cái tốt và cái xấu của chúng – hơn các chế độ toàn trị. Chúng ta biết nhiều hơn về nạn tham nhũng ở Ấn Độ một phần vì chế độ Ấn Độ minh bạch hơn, và có một giới bình luận nhiều chuyện không ngại phê phán và chỉ trích chính phủ (và trong một vài trường hợp, gắn máy quay phim trong phòng khách sạn để ghi cảnh đưa tiền đút lót cho các chính khách). Ngoài ra, tham nhũng ở cấp thấp dễ quan sát hơn tham nhũng ở cấp cao nhất trong hệ thống tôn ti chính trị. Chỉ số TI phát hiện trò tham nhũng của một cảnh sát viên tên Barun ở Chennai dễ hơn là phát hiện tội tham nhũng của một ủy viên Bộ Chính trị tên Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những yếu tố này, chứ không phải bản thân nạn tham nhũng, có thể giải thích phần lớn những khác biệt về thứ hạng TI giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Vẫn dùng số liệu của TI, Li thích chỉ ra rằng những nước như Indonesia, Argentina và Philippines vừa là chế độ dân chủ vừa khét tiếng về tham nhũng. Ông thường bỏ sót các dữ kiện quan trọng khi đề cập đến vấn đề này. Phải, các quốc gia này là những nền dân chủ, vào năm 2013, nhưng những nước này đã được cai trị bởi các nhà độc tài quân sự nhẫn tâm trong mấy chục năm trước khi chuyển sang dân chủ. Chính chế độ chuyên quyền của các quốc gia này đã sinh ra và dung dưỡng nạn tham nhũng. (Còn nhớ 3.000 đôi giày của bà Marcos?) Tham nhũng giống như ung thư, đã thành di căn và ăn sâu. Tuy ta có lý do hoàn toàn chính đáng để phê phán các nền dân chủ mới vì không kịp thời diệt tận gốc nạn tham nhũng, nhưng nhầm lẫn các khó khăn của việc chữa trị nạn tham nhũng ăn sâu với nguyên nhân sâu xa của nó thì cũng hệt như nói rằng một bệnh nhân ung thư bị mắc bệnh ung thư sau khi nhập viện để làm hóa trị.
Nhóm những kẻ tham nhũng trắng trợn nhất thế giới chỉ toàn những kẻ chuyên quyền. Theo một báo cáo của TI, tính đến năm 2004, ba lãnh tụ cầm quyền bòn rút quốc dân nhiều nhất là Suharto, Marcos và Mobutu. Ba nhà độc tài này đã cướp bóc tổng cộng 50 tỉ Mỹ kim từ người dân bần cùng ở nước họ. Đương nhiên các chế độ dân chủ không miễn dịch với nạn tham nhũng, nhưng tôi nghĩ họ phải cố gắng cật lực hơn nữa mới mong theo kịp những nhà độc tài này.
Li hết sức tin tưởng ở chế độ Trung Quốc. Trước hết ông lập luận rằng chế độ này được đa số dân chúng Trung Quốc ủng hộ. Ông trích dẫn một cuộc khảo sát của báo Financial Times nói rằng 93 phần trăm thanh niên Trung Quốc lạc quan về tương lai của họ. Tôi đã xem những mức đánh giá tín nhiệm cao này do Li và nhiều người khác dùng làm bằng chứng cho thấy chế độ Trung Quốc lành mạnh và vững vàng, nhưng tôi không hiểu tại sao Li lại dừng ở mức 93%. Sao không đi tới cùng, 100% luôn? Ở một nước không có tự do ngôn luận, yêu cầu người dân trực tiếp đánh giá thành tích của các vị lãnh đạo thì cũng giống như yêu cầu người dân làm bài thi chỉ có một lựa chọn trả lời duy nhất. Số liệu trưng cầu dân ý dành cho Erich Honecker và Kim Jong-un hẳn phải khiến các vị lãnh đạo Trung Quốc xấu hổ.
(Tôi cũng xin chú thích một chút để khuyến cáo về cách nên và không nên sử dụng số liệu khảo sát ở Trung Quốc. Tôi đã làm nhiều nghiên cứu khảo sát ở Trung Quốc, và tôi luôn thấy ngượng vì khó lý giải được các kết quả khảo sát. Ngoài các áp lực chính trị thường hướng các câu trả lời theo một chiều nhất định, một trở ngại khác là người trả lời khảo sát ở Trung Quốc đôi khi xem làm khảo sát giống như làm bài thi. Bài thi ở Trung Quốc có câu trả lời chuẩn, và đôi khi người trả lời khảo sát ở Trung Quốc điền vào mẫu khảo sát bằng cách cố gắng đoán xem câu trả lời “chuẩn” là gì, chứ không phải bày tỏ ý kiến của chính họ. Tôi thường khuyến cáo không nên sử dụng một cách ngây thơ số liệu khảo sát ở Trung Quốc.)
Li cũng ca ngợi khả năng thích ứng của chế độ chính trị Trung Quốc. Tôi xin trích:
“Giờ đây, phần lớn giới chính trị học cho rằng hệ thống độc đảng vốn dĩ không có năng tự sửa sai. Hệ thống đó không trường tồn vì không thể thích ứng. Quý vị thử xem thực tế thế nào nhé. Trong 64 năm điều hành quốc gia lớn nhất thế giới, các chính sách của Đảng đã có phạm vi rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại, từ tập thể hóa đất đai triệt để đến chủ trương Đại Nhảy vọt, rồi tư hữu hóa đất nông trại, rồi Cách mạng Văn hóa, rồi cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, rồi đến người kế nhiệm Giang Trạch Dân thực hiện một bước tiến chính trị lớn là mở cửa cho phép doanh nhân tư nhân vào Đảng, điều không tưởng trong thời kỳ Mao cầm quyền. Như vậy, Đảng tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Giờ thử hình dung ta kể câu chuyện sau đây để tung hô “khả năng thích ứng” của Nga chẳng hạn: Nước Nga hay dân tộc Nga đều có khả năng thích ứng rất cao. “Các chính sách” của Nga đã có phạm vi “rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại”, từ trại tù gulag đến phong trào khủng bố đỏ của Stalin, rồi tập thể hóa, rồi kế hoạch hóa tập trung, rồi glasnostperestroika, rồi tư hữu hóa, rồi chủ nghĩa tư bản bè phái, rồi chế độ dân chủ phi tự do dưới thời Putin, điều không tưởng trong thời kỳ Lenin cầm quyền. Như vậy, nước Nga “tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Tôi xin nói rõ và dứt khoát – cách Li lý giải về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giống y hệt cách tôi nói về Nga. Điểm khác biệt duy nhất là Li nói đến một tổ chức chính trị – ĐCSTQ – còn tôi nói về một nước có chủ quyền.
Thính giả TED vỗ tay tán thưởng bài diễn thuyết của Li – nhiều lần là đằng khác. Nếu Li đã so sánh ví von về Nga, chẳng biết thính giả có còn tán thưởng nồng nhiệt nữa hay không. Lý do rất đơn giản: Thính giả TED hiểu tường tận tình hình xáo trộn, bạo lực và con số người chết cao ngất trời trong thời cai trị của Liên Xô. Trong cuốn sách của ông có nhan đề The Better Angels of our Nature (tạm dịch: Những thiên thần tốt đẹp hơn của bản chất con người chúng ta),[i] Steven Pinker trích dẫn kết quả nghiên cứu của các học giả khác cho thấy chế độ Liên Xô đã giết 62 triệu người dân của chính mình. Thiết nghĩ cái từ “sửa sai” có phần nói nhẹ đi mức độ biến đổi to lớn từ chế độ sát nhân, diệt chủng của Stalin sang nước Nga ngày nay tuy còn nhiều vấn đề và khó khăn nhưng dù sao vẫn có dân chủ.
Tôi không biết một anh chàng hippie Berkeley học gì ở trường, nhưng ở Cambridge, Massachusetts, nơi tôi đã học và nay theo nghiệp làm giáo sư, tôi đã học – và hiện nay dạy – hàng ngày rằng ngôn từ thực sự có ý nghĩa. Đối với tôi, tự sửa sai có ít nhất hai hàm ý. Thứ nhất, tự sửa sai là việc sửa sai do chính bản thân thực hiện. Đúng là các chính sách của Mao bị những người kế tục “sửa sai” hay thậm chí đảo ngược, như Li đã đề cập, nhưng nói đây là “sự tự sửa sai” nghĩa là sao? Những chính sách vô cùng tai hại của Mao vẫn còn trong những ngày xế bóng của ông ngay cả khi Mao Chủ tịch nằm liệt giường trong trạng thái thực vật, và người kế vị ông – lên nắm quyền thông qua một thay đổi gần như là đảo chính – chỉ dám sửa đổi các chính sách của Mao sau khi đã biết chắc Mao không sống nổi nữa. Nếu đây là một ví dụ của việc tự sửa sai, vậy đúng ra cái gì không phải là một hành động tự sửa sai? Gần như mỗi ví dụ thay đổi chính sách mà Li nêu ra trong bài diễn thuyết của mình đều được thực hiện bởi người kế vị người đã khởi xướng cái chính sách bị sửa đổi. (Trong nhiều trường hợp, thậm chí không phải do người kế vị liền sau đó.) Đây là một định nghĩa kỳ cục về việc tự sửa sai. Cái này có gồm kiểu tự sửa sai khi những bài toán làm sai mà tôi chưa sửa thuở nhỏ nay đang được con tôi sửa?
Nghĩa thứ hai của tự sửa sai liên quan đến hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa, chứ không chỉ là danh tính của người thực hiện chỉnh sửa. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể tự nguyện sửa lỗi chính tả hay phép toán làm sai của mình, hoặc có thể đành phải sửa sau khi bị cô giáo quất mạnh mấy phát vào tay. Trong cả hai tình huống, danh tính của người chỉnh sửa là một – đứa học trò 10 tuổi – nhưng hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa lại khác hẳn nhau. Ta thường sẽ xếp tình huống thứ nhất vào loại “tự sửa sai”, còn tình huống thứ hai vào loại ép buộc, cưỡng bách, hay như trong trường hợp này, bạo lực. Nói cách khác, tự sửa sai hàm ý sự tự nguyện của người thực hiện chỉnh sửa, chứ không phải bị ép buộc hay cưỡng bách, không phải vì không còn cách nào hơn là phải chỉnh sửa. Yếu tố chọn lựa là một thành phần thiết yếu của định nghĩa về tự sửa sai.
Tôi xin cung cấp thêm vài chi tiết bị bỏ sót cho những ai vỗ tay tán thưởng khi Li gọi giai đoạn 64 năm của chế độ độc đảng ở Trung Quốc là giai đoạn của những trường hợp tự sửa sai nối tiếp nhau. Từ năm 1949 đến 2012, ĐCSTQ đã có sáu lãnh tụ tối cao. Trong sáu người này, hai vị bị phế truất một cách đột ngột và không kèn không trống (và một trong hai vị này bị hạ bệ mà không được xét xử đúng quy trình, thậm chí theo các thủ tục của chính ĐCSTQ). Một vị thứ ba mất hết quyền lực và bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến khi chết. Vậy là 3 trong 6 vị không nắm quyền cho trọn nhiệm kỳ dự trù của họ. Hai trong số những người được Mao chọn kế vị chết trong khi tại chức, một người thiệt mạng trong một vụ nổ máy bay khi ông tìm cách trốn sang Liên Xô, còn người kia bị tra tấn đến chết và bị chôn với tên giả. À, tôi đã nhắc đến con số ước tính 30 triệu người đã chết do chủ trương Đại Nhảy vọt tai hại của Mao, và có lẽ là hàng triệu người đã chết do bạo lực của Cách mạng Văn hóa chưa nhỉ? Vả lại, bạn có biết Mao không những vẫn tiếp tục mà còn đẩy nhanh các chính sách Đại Nhảy vọt sau khi những bằng chứng về mức độ [tác hại] của nạn đói [thời kỳ 1958-1962][ii] đã rõ như ban ngày?
Li gọi những thay đổi chính sách này sau những biến động đau đớn này là “những hành động tự sửa sai”. Cách lý giải của ông là một thực thể gọi là ĐCSTQ, chứ không phải ai khác, thực hiện những thay đổi chính sách này. Trước hết, sở dĩ như vậy có phải là do chẳng có ai khác được phép có cơ hội thực hiện những thay đổi chính sách này? Thứ hai, lối suy nghĩ cứ chú trọng đến ai thực hiện thay đổi chính sách chứ không phải hoàn cảnh diễn ra thay đổi chính sách quả là không ổn. Ta thử mở rộng logic của Li thêm một chút nữa. Liệu chúng ta có phải định nghĩa lại Phong trào Độc lập Mỹ là một hành động tự sửa sai của người Anh? Hay có lẽ gọi việc nhượng quyền cai trị của đế quốc Anh cho Ấn Độ là một hành động tự sửa sai khác của người Anh? Liệu chúng ta có phải mô tả lại sự đầu hàng của người Nhật để kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai là hành động tự sửa sai của người Nhật? Đúng là có hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki và bao chuyện nữa, nhưng chẳng phải các đại diện của Nhật hoàng Hirohito đã ký Văn kiện Nhật Đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri hay sao?
Đã là búa thì nhìn gì cũng nghĩ là đinh. Li nhìn thấy các căn bệnh của các chế độ dân chủ ở khắp nơi – khủng hoảng tài chính ở Châu Âu và Mỹ, nền chính trị tiền bạc và nạn tham nhũng. Tôi đồng ý ngay là nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru. Nhưng ta nên hiểu thật rõ bằng cách nào và lý do tại sao nền chính trị tiền bạc là một cỗ máy hỏng hóc. Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ – một người một phiếu. Để nhất quán về logic, lẽ ra Li nên tung hô nền chính trị tiền bạc vì nó đưa Mỹ đi sang hướng của nền chính trị kiểu chuyên quyền mà ông quá say mê.
Điều này có thể là một tiết lộ gây sốc cho Li, nhưng các nền dân chủ Mỹ và Châu Âu không sáng chế ra khủng hoảng tài chính. Nhiều chế độ chuyên quyền đã trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trầm trọng. Ví dụ như Indonesia năm 1997 và nhiều chế độ quân phiệt ở Châu Mỹ La tinh trong thập niên 1970 và 1980. Những chế độ chuyên quyền duy nhất không bị khủng hoảng tài chính rõ rệt là các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, như Romania và Đông Đức. Nhưng sở dĩ như vậy hoàn toàn là do họ không đáp ứng điều kiện tối thiểu để có khủng hoảng tài chính – là phải có một hệ thống tài chính. Những hậu quả của khiếm khuyết này thì ai cũng biết rồi – thay vì những trồi sụt lớn tuần hoàn theo chu kỳ, những nước này bị đình trệ kinh tế lâu dài. Một nhà đầu tư vốn mạo hiểm chẳng phát đạt nổi trong chế độ đó.
Li nói ông đã nghiên cứu khả năng đạt thành tích của các chế độ dân chủ. Ít nhất là trong bài diễn thuyết này, bằng chứng cho thấy ông đã nghiên cứu chưa được thuyết phục cho lắm. Không có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia phải trả giá kinh tế vì có tính dân chủ. (Cũng nên lưu ý rằng cũng không có bằng chứng toàn cầu đáng thuyết phục cho thấy các chế độ dân chủ nhất thiết phải đạt thành tích tăng trưởng kinh tế tốt hơn các chế độ chuyên quyền. Có nơi có, có nơi không. Kết luận tùy từng trường hợp.) Nhưng về các lĩnh vực dịch vụ công, bằng chứng cho thấy các chế độ dân chủ nhỉnh hơn. Hai học giả David Lake và Matthew Baum chứng minh rằng các chế độ dân chủ ưu việt các quốc gia chuyên quyền về cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn như y tế và giáo dục. Không chỉ các nền dân chủ lâu đời có thành tựu tốt hơn; mà cả các nước chuyển sang dân chủ cũng có cải thiện tức khắc về cung cấp các dịch vụ công này, và các nước quay trở lại với chế độ chuyên quyền thường bị sa sút.
Li đổ lỗi tình trạng tăng trưởng thấp ở Châu Âu và ở Mỹ cho dân chủ. Tôi hiểu tại sao ông có quan điểm này, vì đây là sai lầm phổ biến của những người quan sát hời hợt – Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 8 hay 9 phần trăm, còn Mỹ tăng trưởng với tỉ lệ 1 hoặc 2 phần trăm. Ông đang nhầm lẫn một hiệu ứng toán học của việc tăng trưởng thấp do cơ số lớn với một hiệu ứng chính trị của việc dân chủ kìm hãm tăng trưởng. Vì các quốc gia dân chủ thường giàu hơn và có GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều, nên họ khó mà có tỉ lệ tăng trưởng bằng với các nước nghèo – và chuyên quyền – có GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều. Tôi xin đưa ra một so sánh ví von. Một cậu bé 15 tuổi có nhiều khả năng tự đi xem phim hay đi chơi với bạn bè hơn một cậu bé 10 tuổi vì cậu ta lớn tuổi hơn và trưởng thành hơn. Cũng có thể là cậu ta không lớn nhanh bằng cậu bé 10 tuổi vì cậu ta đã gần hơn với đỉnh của chiều cao con người. Quả là ngớ ngẩn nếu nhận xét, theo logic của Li, rằng cậu bé 15 tuổi lớn chậm hơn vì cậu tự đi xem phim.
Li nói rất rõ rằng ông ghét dân chủ, hơn là về các lý do khiến ông ghét dân chủ. Li bác bỏ dân chủ với lý do văn hóa. Trong bài diễn thuyết, ông khẳng định dân chủ là một khái niệm xa lạ đối với văn hóa Trung Hoa. Quan điểm này suýt nữa nghe buồn cười nếu không có những hàm ý gián tiếp. Như tôi vẫn hiểu xưa nay, vốn mạo hiểm là một khái niệm nhập ngoại nhưng dường như điều đó không cản trở Li theo nghiệp này và giàu lên nhờ nó. (Mà hình như “Eric” cũng là gốc gác nước ngoài phải không nhỉ? Tôi có thể sai về điểm này.) Ngược lại, Li có nhất nhất tôn trọng từng nguyên tắc của văn hóa và truyền thống Trung Hoa? Liệu Li có phản đối việc bãi bỏ tập quán bó chân của phụ nữ Trung Quốc?
Có một thực tế đơn giản là người Trung Quốc đã chấp nhận nhiều khái niệm và tập quán nước ngoài. (Xin nhắc một chút: đối với người Trung Quốc, chủ nghĩa Marx cũng Tây phương không kém Adam Smith.) Sẽ hoàn toàn chính đáng nếu ta tranh luận về những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào Trung Quốc nên chấp nhận, áp dụng hay phỏng theo, nhưng cuộc tranh luận này là về những tư tưởng mà Trung Quốc nên áp dụng, chứ không phải về việc liệu Trung Quốc có nên áp dụng bất cứ tư tưởng và tập quán nước ngoài nào hay không.
Nếu vấn đề là về những tư tưởng nào hay những tập quán nào nên áp dụng hay bác bỏ, thì khác với Li, tôi không cảm thấy đủ tự tin để biết chính xác những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào mà 1,3 tỉ dân Trung Quốc muốn theo hay muốn bác bỏ. Về mặt logic, một lập luận mang tính văn hóa để phản bác dân chủ không khiến người Trung Quốc không có được dân chủ, mà dẫn đến một phương hướng hành động để người dân Trung Quốc tự quyết định về các ưu điểm hay nhược điểm của dân chủ. Hơn nữa, nếu chính người Trung Quốc tự nguyện bác bỏ dân chủ, thì việc gì phải tốn kém quá nhiều nguồn lực để chống và cấm đoán dân chủ? Không có cách nào tốt hơn để tiêu xài số tiền này hay sao?
Cho đến nay cuộc tranh luận này chưa diễn ra ở Trung Quốc, vì muốn có cuộc tranh luận này thì trước tiên phải có chút ít dân chủ cái đã. Nhưng nó đã diễn ra ở những môi trường Trung Hoa khác, và kết quả của những cuộc tranh luận đó là giữa văn hóa Trung Hoa và dân chủ về căn bản không xung khắc nhau. Hong Kong, dù không có chế độ dân chủ bầu cử, có tự do báo chí và chế độ pháp trị, và chẳng có bằng chứng nào cho thấy nơi này rơi vào cảnh hỗn loạn hay vô chính phủ. Đài Loan ngày nay có một nền dân chủ đầy sức sống, và nhiều người Đại lục sang thăm Đài Loan thường ngạc nhiên khi thấy xã hội Đài Loan không chỉ có dân chủ mà còn tôn trọng truyền thống Trung Hoa hơn nhiều so với Đại lục. (Xưa nay tôi luôn cảm thấy những người tin rằng dân chủ và văn hóa Trung Hoa xung khắc với nhau là những người thầm ủng hộ độc lập cho Đài Loan. Họ không xem người Đài Loan là Trung Hoa.)
Quả thật bản thân Li đã chấp nhận một số cải cách chính trị thường được xem là “Tây phương”. Các tổ chức phi chính phủ thì được, và thậm chí đôi chút tự do báo chí cũng được. Ông cũng ủng hộ đôi chút dân chủ trong nội bộ Đảng. Đó đều là những bước đúng đắn để đạt đến chế độ Trung Quốc có tính dân chủ hơn chế độ của Mao, và tôi ủng hộ cả hai tay. Chúng tôi khác biệt ở chỗ tôi cho rằng quyền tự do bỏ phiếu và cạnh tranh đa đảng là những bước mở rộng tự nhiên và hợp lý của những cải cách ban đầu này, trong khi Li vạch một ranh giới rõ rệt giữa các cải cách chính trị đã diễn ra và những cải cách chính trị tiềm năng mà một số người trong chúng ta đã cổ xúy. Dù gắng hết sức, tôi vẫn không thấy có gì khác biệt trên nguyên tắc giữa những cải cách một phần này và những cải cách hoàn chỉnh hơn có bao gồm dân chủ.
Li có một cách kỳ lạ để phản đối dân chủ: Ông phản đối nhiều cơ chế vận hành của dân chủ. Đặc biệt, ông có ác cảm với việc bỏ phiếu. Nhưng vấn đề là bỏ phiếu chỉ là cách để thực thi dân chủ, và ngay cả Li cũng ủng hộ có đôi chút dân chủ. Ví dụ, ông ủng hộ dân chủ trong nội bộ Đảng. Được, tôi cũng vậy; nhưng làm sao ta thực thi dân chủ trong nội bộ Đảng nếu không có bỏ phiếu? Như vậy hơi giống như ca ngợi môn thể thao quần vợt nhưng lại lên án việc dùng vợt để chơi môn này.
Li chưa đưa ra được một lập luận mạch lạc và hợp lý cho các quan điểm của mình về dân chủ. Tôi ngờ rằng, dù tôi không có bằng chứng trực tiếp, có một phương án đơn giản – ủng hộ các cải cách mà ĐCSTQ ủng hộ và phản đối các cải cách mà ĐCSTQ phản đối. Làm bộ làm tịch như vậy thì cũng ổn, nhưng đó không phải là một lập luận có nguyên tắc về bất cứ điều gì.
Nói vậy, nhưng tôi vẫn tin rằng có một cuộc tranh luận quyết liệt về dân chủ là điều hoàn toàn lành mạnh và thực sự cần thiết – nhưng cuộc tranh luận đó phải dựa trên số liệu, dữ kiện, logic là lý luận. Theo tiêu chí này, bài diễn thuyết của Li chưa khởi xướng cuộc tranh luận đó.
Tuy nhiên, về mặt này, chế độ dân chủ và chế độ chuyên quyền không đối xứng nhau. Trong một chế độ dân chủ, ta có thể tranh luận và phê phán cả dân chủ lẫn chuyên quyền, như Li đã làm khi ông chê George W. Bush (tôi rất khoái chỗ này) và như tôi làm ở đây. Nhưng những người trong một chế độ chuyên quyền chỉ có thể phê phán dân chủ mà thôi. (Có tin kể rằng khi được thông báo có những người biểu tình la hét “Đả đảo Reagan” trước Nhà Trắng mà chính quyền Mỹ chẳng làm được gì với họ, Brezhnev nói với Reagan, “Có những người la hét ‘Đả đảo Reagan’ trên Quảng trường Đỏ và tôi sẽ chẳng làm gì với họ cả.”) Tôi chẳng có ác cảm gì với những người phê phán giới cầm quyền và tỏ ra nghi ngờ về dân chủ. Thực ra, khả năng làm được điều đó trong một nền dân chủ chính là sức mạnh của dân chủ, và một nguyên nhân quan trọng của tiến bộ nhân loại. Copernicus là Copernicus vì ông lật đổ, chứ không phải vì ông tái tạo thiên văn học Ptolemy. Nhưng với cùng tiêu chí đó, tôi quả thật có ác cảm với những người không thấy ưu điểm của việc cung cấp quyền tự do mà họ đang có cho những người hiện chưa có quyền tự do đó.
Giống như Li, tôi không thích giọng điệu cứu tinh mà một số người dùng để ủng hộ dân chủ. Tôi ủng hộ dân chủ vì những lý do thực dụng. Lợi ích quan trọng nhất của dân chủ là nó có khả năng chế ngự bạo lực. Trong cuốn The Better Angels of Our Nature, tác giả Pinker cung cấp những số liệu thống kê đáng kinh ngạc: Trong thế kỷ 20, các chế độ toàn trị gây ra 138 triệu cái chết, trong đó có 110 triệu ở các nước cộng sản. Các chế độ chuyên quyền làm chết thêm 28 triệu người nữa. Các chế độ dân chủ làm chết 2 triệu người, chủ yếu ở các thuộc địa của họ cũng như những vụ phong tỏa thực phẩm và đánh bom dân sự trong chiến tranh. Như Pinker đã đề cập, các chế độ dân chủ thậm chí gặp khó khăn trong việc xử tử những kẻ giết người hàng loạt. Theo lập luận của Pinker, các chế độ dân chủ có “một mớ bòng bong các giới hạn về thể chế, nên một vị lãnh tụ không thể chỉ việc hứng chí huy động quân đội hay dân quân dàn trải khắp nước rồi bắt đầu sát hại hàng loạt dân thường.”
Ngược lại với những điều dường như Li được chỉ bảo khi ông là một anh chàng hippie Berkeley, ý đồ của dân chủ không phải là dân chủ dẫn đến một cõi Niết bàn, mà là dân chủ có thể giúp ngăn chặn một địa ngục trần gian. Dân chủ còn nhiều, nhiều vấn đề. Chức năng bảo hiểm này của dân chủ – về giảm thiểu các thảm họa – thường bị lãng quên hoặc bị xem là đương nhiên, nhưng đây là lý do quan trọng nhất khiến dân chủ ưu việt hơn tất cả mọi chế độ chính trị khác từng được loài người phát minh cho đến nay. Biết đâu một ngày nào đó sẽ có một chế độ tốt hơn dân chủ, nhưng chế độ chính trị của Trung Quốc, theo cách diễn đạt của Li, không phải là một trong những chế độ đó.
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh) là Giáo sư Kinh tế Chính trị và Quản trị Quốc tế tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là nhà sáng lập cả Phòng Nghiên cứu Trung Quốc lẫn Phòng Nghiên cứu Ấn Độ ở trường Sloan của MIT. Các bài viết của ông đã đăng trên The Guardian, Foreign Policy, Forbes, và gần đây nhất là trên Foreign Affairs, nơi ông tranh luận với Eric X. Li về một chủ đề tương tự. Năm 2011, giáo sư Huang nói chuyện ở diễn đàn TEDGlobal về dân chủ và tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguồn: Yasheng Huang, Why democracy still wins: A critique of Eric X. Li’s “A tale of two political systems”, TED Blog, 1/7/2013

[i] Xem bài phỏng vấn tác giả giới thiệu sách ở đây. (N.D.) [ii] Xem thêm về Nạn đói lớn ở đây. (N.D.)
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Tư, 23/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131023/yasheng-huang-tai-sao-dan-chu-van-thang-phe-binh-bai-dien-thuyet-chuyen-hai-che-do
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001