Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Ngân sách “vay nhiều”, người dân sẽ thêm yêu nước

Ngân sách “vay nhiều”, người dân sẽ thêm yêu nước 



|
Kinh tế khó khăn, hụt thu ngân sách khiến “chiếc bánh” ngân sách nhà nước các năm 2013, 2014 rất căng thẳng, phải vay nhiều để chi tiêu là điểm rất đáng chú ý trong bản báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại Quốc hội chiều 23/10.

Ngân sách sẽ rất căng, phải vay nhiều để chi tiêu
Theo Tuổi trẻ, báo cáo của Chính phủ cho thấy thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán.
“Sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN” – báo cáo thẩm tra của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, nêu rõ.
“Qua 3 năm thực hiện chính sách thu NSNN theo hướng khoan sức dân và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nên thuế suất, mức thuế, chính sách miễn, giảm được điều chỉnh tích cực đã dẫn tới giảm thu khá mạnh, trong khi đó, nhu cầu chi và các chính sách, chế độ ban hành khá nhiều tạo ra sức ép cho cân đối thu chi, chưa bố trí đủ ngân sách cho một số khoản nợ. Bội chi NSNN và nợ công tăng nhanh, an ninh tài chính quốc gia chưa vững chắc” – báo cáo thẩm tra nhận định.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển (Ảnh TTO)
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển (Ảnh TTO)
Từ những nhận định trên, Ủy ban Tài chính – ngân sách cho rằng: “Chính phủ cần có biện pháp tích cực để thực hiện chiến lược tài chính theo hướng: Cơ cấu lại thu, chi NSNN, nhất là chi NSNN phải lấy hiệu quả là mục tiêu chủ yếu, quản lý chặt chẽ, minh bạch; Tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng…”.
Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65% GDP. “Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – ngân sách nhận thấy, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao. Đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công” – ông Hiển nói.
Dân trực tiếp đóng tiền cho các tập đoàn Nhà nước?
Việc thông báo tình hình ngân sách đang khá căng thẳng và dự kiến phải vay nhiều để chi tiêu đã khiến nhiều người cho rằng Chính phủ thông qua báo cáo tại Quốc hội đang chuẩn bị tâm lý cho người dân về tình trạng ngân sách không đủ để chi tiêu và chắc chắn sẽ có những khoản vay nợ để bù chi tiêu.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng trong hoàn cảnh phong trào nhiệt tình đóng thuế, phí là yêu nước đang ngày càng được phổ biến rộng rãi trên khắp cả nước, những vấn đề nổi bật trong báo cáo tài chính được cho rằng chính là hành động lên dây cót, chuẩn bị tâm lý yêu nước cho mọi người, mọi nhà. Bởi việc lạm chi sẽ dẫn đến những hệ quả như tăng thuế phí cho người dân thoải mái nộp hay phải đi vay để người dân trả.
Trong hoàn cảnh đó, không ít người đã tỏ ra lo lắng cho người Việt khi đã cố gắng chứng minh tình yêu nước nồng nàn, sâu sắc bằng việc gồng mình đóng 432 loại phí. Tuy nhiên, trước đó không lâu người dân đã được các vị công bộc giảng giải cho hiểu rằng đừng có tăng thuế phí là kêu ca, than vãn, bởi đó là điều bất khả kháng. Có lẽ vì vậy mà người dân cũng đã ít nhiều chuẩn bị tinh thần ủng hộ việc tăng các loại thuế phí trong thời gian sắp tới.
Trong sự không mấy sáng sủa của tài chính nước nhà, không ít người đã xem các tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu của nước ta hiện nay là điểm sáng trong màn đen u tối, và hy vọng các tập đoàn Nhà nước sẽ dẫn dắt nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, khi mà EVN vẫn miệt mài tính cả tiền xây biệt thự, bể bơi, sân tennis cho nhanh viên sử dụng , ngành than – khoáng sản xin giảm thuế, hỗ trợ chính sắc đặc thù liên tục mà vẫn miệt mài kêu lỗ, rầu lòng khi lương nhân viên chỉ vẻn vẹn có 7,2 triệu hay như các tập đoàn đầu tầu vẫn đều như vắt chanh có các báo cáo đầu tư cả trong và ngoài ngành thua lỗ liên miên… đã có những ý kiến cho rằng thay vì thông qua việc tăng hàng loạt những loại thuế phí, đóng tiền chi cho ngân sách chung hay là để người dân tùy tâm đóng góp thẳng cho các cho tập đoàn để hạn chế các bước trung gian, giúp các ông lớn có kinh phí nhanh hơn trước nhiều. Đằng nào mà tiền ngân sách chẳng được chi cho các tập đoàn Nhà nước.
Lý giải về ý tưởng được cho là độc đáo và phù hợp là người dân trực tiếp đóng tiền cho các tập đoàn, những người đưa ra ý tưởng cho rằng điều này không những góp phần cho các doanh nghiệp đầu tàu của đất nước tiếp cận vốn một cách nhanh nhất có thể mà còn giúp người dân đỡ cảm thấy áp lực khi các loại thuế phí lại rục rịch tăng để đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước.
Đấy là chưa kể đến việc nhiều người cho rằng nếu tăng đóng góp, nên tăng một lần và đóng một lần chứ không nên tăng rải rác, khiến người dân cứ phải sống trong nỗi khó chịu hàng ngày nhận được thông báo tăng giá một cách không cần thiết.
Hai A (Theo TTO, Phunutoday)
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80852/ngan-sach-vay-nhieu-nguoi-dan-se-them-yeu-nuoc/2013/10
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001