Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Những người chết ra đi

Những người chết ra đi 




|
Nhaanhviet
Nhà của anh Đặng Ngọc Viết – Ảnh: Lan Le Facebook
 
Nếu chiếu theo con số thống kê của nhà nước Việt Nam về số đơn kiện,tụng, khiếu nại của nông dân mà hơn 70% liên quan tới đất đai, thì đội quân “dân oan” trong cả nước lên tới hàng triệu.
“Dân oan”, dường như là một danh từ riêng được mặc định từ khoảng hai thập niên nay để chỉ những người nông dân bị thu hồi, tước đoạt đất đai một cách bất công và tàn bạo. Chủ đề dân oan trở thành nóng bỏng, thường nhật, nhức nhối và bi thảm trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Vì “đất là “sở hữu của toàn dân” nhưng “nhà nước thống nhất quản lý”, nên mặc dù đã giao quyền sử dụng cho dân, nhà nước có thể thu hồi bất cứ lúc nào thấy cần thiết, không chỉ phục vụ cho công cộng mà cho cả lợi ích của các phe nhóm hay doanh nghiệp tư nhân.
Chính vì thế mà đất đai trở thành món hàng đầu cơ, trục lợi lớn nhất, nằm trong tay những kẻ có liên hệ chặt chẽ với bộ máy nhà nước. Họ mặc sức cung cấp, sang nhượng theo nhu cầu.  Các đại gia Việt Nam giàu lên nhanh chóng hầu hết đều nhờ đất đai.
Trong bài “Vietnams Bauern wehren sich” của báo Thụy Sĩ “Neue Zürcher Zeitung” ngày 03/04/2012, Marco Kauffmann Bossart viết:
Các quan chức tham nhũng khó có thể chống lại sự cám dỗ là nhượng đất cho các công ty tài chính nhiều tiền hoặc các nhà đầu tư thay vì phân bổ đất cho nông dân. Tiền hối lộ cho họ rất hậu do giá đất tăng nhanh chóng. Những ai muốn thưa kiện tại tòa án đều có nguy cơ là đơn kiện bị từ chối bởi ngành tư pháp thiên vị, hoặc bản án không được thực hiện. Một điều không ít xảy ra là các cơ quan nhà nước cũng đã sử dụng một lý do không rõ ràng là vì “lợi ích công cộng” nhằm kết thúc quyền sử dụng đất (của người dân) một cách nhanh chóng”.
Đội ngũ dân oan ngày này qua tháng khác với chồng đơn khiều nại “nặng hơn dãy Trường Sơn”, mỏi mòn, ròng rã đi đến các cơ quan công quyền, ăn nằm vật vã nơi công viên, vỉa hè, chờ đợi trong vô vọng. Quả bóng được chuyền đi hết nơi này qua nơi khác, từ địa phương, tới trung ương và ngược lại trong một mê hồn trận, khiến dân oan đảo điên, bất lực và không ít người đã phải chết một cách đau thương.
Bà Hà Thị Nhung, 76 tuổi, người tỉnh Thanh hóa, một lão thành cách mạng với nhiều thành tích và huân chương kháng chiến hạng nhì, đã chết tại công viên Lý Tử Trọng, Hà Nội, vào tháng 11/2012, “trong lúc bị công an Hà Nội đưa đi” sau khi giăng khẩu hiệu khiếu kiện. Trong khí đó báo trong nước cùng ngày dẫn lời công an Hà Nội nói bà Nhung bị chết là “do tuổi cao và bị cảm”. Ngày bà qua đời, Hà Nội mưa, u ám, như chính cuộc đời của bà.
Một đời đi theo cách mạng, vào lúc tuổi già sức yếu, không đồng xu dính úi, không biết kêu ai, đã lìa đời với bao nghi vấn về cái chết. Không mội ai thân thích. Xác được đưa vội vã về quê…
“Họ đâu ngờ
Sau lưng mình là máu đẫm trồi lên
Chiếc ghế
Có thằng con thoát chết vụ khui hầm
Trở về ngồi chễm chệ
Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao
Nói năng đứng ngồi quan trọng
Thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào
Cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao
 Cao
        Cao
              Cao
Đến tận chỗ không còn nghe tiếng cuộc đời oan trái
Không còn thấy trên con đường gập ghềnh của tổ quốc đau thương
Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng
Dưới chồng đơn khiếu nại
Nặng hơn dãy Trường Sơn
(Mẹ Đâu Ngờ – Bùi Minh Quốc)
Ông Phạm Anh Nam, một dân oan khác ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, đã tự thiêu và chết vào ngày 11/10/2011 ngay truớc khu đất mà gia đình ông đang cư ngụ hợp pháp nhưng bị chính quyền cưỡng chế.
Chị Phạm Thị Anh Kiều, con gái nạn nhân cho biết gia đình cô cũng như nhiều hộ dân khác ở đây thuê đất ở trên một dải thuộc quốc lộ 21. Ủy Ban huyện Bảo Lâm thông báo sẽ “bán” lại cho những hộ dân, ưu tiên cho những hộ dân đang sử dụng đất. Nhà cô có giấy tờ hợp lệ tới 6 năm nữa mới hết hạn sử dụng bốn lô đất, mà xã chỉ bán cho hai lô, còn hai lô thì bán cho người ngoài huyện trong khi cả 4 lô đều đang có cây trồng và trang thiết bị khai thác kinh tế.
Gia đình chạy vạy mọi cách để có tiền theo đuổi vụ kiện gần mười lăm năm trời, nhưng vẫn không được. Tới ngày 15/09/2011 huyện cho người xuống cưỡng chế và thu hết cà phê của gia đình mà không hề có thông báo cưỡng chế. Cho tới ngày 26/09 công an huyện xuống uy hiếp tinh thần, vừa phẫn uất vừa bị quẫn bách nên ông đã tự thiêu.
Bà Đặng Thị Kim Liêng, cũng có cái chết tương tự. Phần đất của gia đình bà ngay sát cạnh ngôi nhà hàng xóm  bị lấn chiếm mất 3 tấc kéo dài 15m. Gia đình bà có đầy đủ bằng chứng để chứng minh phần đất đó thuộc quyền sử dụng của mình. Bà Liêng làm đơn khiếu nại suốt 6 tháng trời đều bị làm ngơ, thậm chí cơ quan công quyền còn làm sổ đỏ phần đất đó của gia đình chị cho người hàng xóm. Vào ngày 30/07/2012, bà đã tự thiêu.
Đến anh Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, cái tuổi trưởng thành, ý thức hoàn toàn được hậu quả của mọi hành động. Anh vốn hiền lành, cư xử đúng mực, theo ghi nhận của hàng xóm. Mảnh đất mà trên đó gia đình sinh sống tuy không có giấy tờ nhưng gia đình anh ở đây từ bốn đời nay, dễ đến cả trăm năm, rộng 220 mét vuông. Hơn 180 mét vuông trong tổng số diện tích đất của nhà anh Viết bị thu hồi được đền bù 504 triệu đồng, còn lại hơn 30 mét vuông nhưng chiều rộng chỉ gần 2 mét, không đủ xây nhà. Nếu nhận đất ở khu tái đinh cư thì được cấp 70 mét vuông với giá 600 triệu đồng. Có nghĩa là hoặc gia đình phải kiếm bù thêm 100 triệu nữa, hoặc cầm 504 triệu đồng ra đường tìm kế sinh nhai. Nhưng sinh nhai làm sao khi cha già bệnh tật nằm trên giường, người anh trai bất bình thường vì bị nhiễm chất độc màu da cam. Bản thân Viết đi làm xa tận Sài Gòn, cũng không ổn định?
Ngày 11/9/2013 anh Viết đã xông thẳng vào Trung tâm Quỹ Đất của tỉnh Thái Bình, bắn chết ông Vũ Ngọc Dũng, Phó giám đốc Trung Tâm và làm bị thương 4 người khác. Mặc dù ngoài đời anh chẳng hề có tư thù gì với họ, nhưng trong sự nổi giận chắc anh đã nghĩ rằng chính họ là những kẻ đại diện, gây nên bất công cho gia đình anh.
Anh Viết đã chọn cái chết bằng cách tự sát vì không muốn sự trả thù của chế độ. Anh bình thản về nhà, chia tay cha, đi vào Chùa, lạy Phật Bà Quan Âm, rồi mới bắn vào tim mình.
Một người chết vì bị xô đẩy ở vườn hoa, hai người tự thiêu, một tự sát. Cái chết của họ là chứng minh sâu sắc về sự bất lực, quẫn bức.
Với hai bàn tay trắng, họ lao đầu vào bức tường quyền-tiền khổng lồ của hệ thống chính trị tồn tại dựa trên bạo lực với những đặc quyền, đặc lợi, được gia cố bằng đôla và vàng, che kín hết công lý và kỷ cương đạo đức xã hội. Hậu quả thật là bi thảm. Cái chết dường như là biện pháp tiêu cực cuối cùng chống chọi lại sự vô vọng. Có thể trước khi chết, họ nghĩ rằng, kết thúc sự chịu đựng khốn khổ trên thế giới này, nhưng chết đi có thể sẽ để lại một điều gì đó cho hy vọng?
Không, thật đáng tiếc, những cái chết thương tâm của họ không biến thành ngọn lửa Mohamed Bouazizi, chàng sinh viên thất nghiệp đã tự thiêu để rồi ngọn lửa căm thù bùng lên thành một cuộc cách mạng đường phố, lật đổ chế độ độc tài của Ben Ali ở Tunisia.
Xã hội Việt Nam bế tắc về ý thức chính trị, một đường hầm thiếu không khí. Những trường hợp của các cá nhân chưa đủ để lan toả tác động lên sự vô cảm với thời cuộc, trong khi báo chí nhà nước bịt kín hết diễn biến các sự kiện.
Một bộ phận dân chúng kiếm được tiền nhờ các dự án, nhờ đất đai và làm ăn bất chính vẫn ăn xài phè phỡn và mong chế độ càng tồn tại càng có cơ hội hưởng lộc. Đa số còn  lại cặm cụi lo toan cái ăn, cái mặc. Có  ”tám” chuyện chính trị thì cũng chỉ nằm ở mức kêu ca, chế diễu chế độ và dừng lại. Họ sống trong văn hoá sợ hãi và nô lệ, bằng lòng hoặc cam phận với những gì đang có, thậm chí cho rằng ngày hôm nay được như thế này là quá tốt, hơn nhiều thời chiến tranh thiếu thốn. Họ chỉ so sánh với thời chiến tranh mà chẳng thèm để tâm quan sát ra thế giới bên ngoài, còn  bộ máy tuyên truyền suốt ngày nhồi nhét thông tin chỉ có lợi cho chế độ.
Khi mà ở tuổi về hưu, phải đi ăn mày khiếu kiện đất đai, vật vờ nơi công viên, mà vẫn tin tưởng ở đảng, tức là vẫn còn đặt lòng tin vào băng đảng ăn cướp, như bà Nguyễn Thị Cúc, 74 tuổi, một cán bộ lão thành về hưu, bạn của bà Hà Thị Nhung xấu số. Khi mà trong căn nhà lụp xụp của anh Đặng Ngọc Viết, bàn thờ Hồ Chí Minh với cờ đảng và cờ đỏ sao vàn được đặt chính giữa và cao to nhất. Thì đấy chính là bi hài kịch của cái gọi là sự phản kháng. Nó chứng tỏ một sự ngu muội của đám đông, phản ảnh tình trạng u mê, ngột ngạt. Vùng lên bằng sự trỗi dậy của bản năng, chỉ vì nồi cơm bị chiếm đoạt, chứ không phải ra đòn với chế độ đương quyền, là nguyên nhân của mọi vấn đề.
Người ta nói tức nước vỡ bờ, nhưng bờ vẫn còn kiên cố, một vài đợt dậy sóng nhỏ chưa đủ tạo áp lực. Con đường dân chủ Việt Nam thật khó trông chờ vào một cuộc cách mạng xuống đường.
© Nhật báo Người Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80112/nhung-nguoi-chet-ra-di/2013/10
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001