Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Phạm Nhật Bình - Ở lại với đảng: khôn hay dại, đạo đức hay tàn nhẫn

Phạm Nhật Bình - Ở lại với đảng: khôn hay dại, đạo đức hay tàn nhẫn 



Phạm Nhật Bình
Kính gửi quí cơ quan truyền thông báo chí,
Sự ra đi vĩnh viễn của Tướng Giáp để lại trong lòng nhiều người những suy nghĩ ngổn ngang. Có người thương. Có người tiếc. Có người bực. Có người cảm nhận cả ba.

Một chuyên gia về tình hình Việt Nam đã cung cấp một cách lý giải rằng nếu nhìn ông Giáp như một người mà tất cả sự nghiệp đều dựa vào, đều xuất phát từ đảng và luôn tự xem mình là người của đảng thì thái độ của ông trong suốt mấy thập niên qua có thể hiểu được. Đến cuối đời, ông vẫn chọn ở lại với đảng.
Nhưng cùng lúc nó lại làm bùng lên câu hỏi cho đại khối đảng viên CSVN còn lại. Ở lại với đảng như Tướng Giáp là khôn hay dại? là đạo đức hay tàn nhẫn?
Kính chuyển đến quí vị bài viết “Ở lại với đảng: khôn hay dại, đạo đức hay tàn nhẫn?" của tác giả Phạm Nhật Bình và kính mong được tiếp tay phổ biến.
Trân trọng,
Mai Hương,
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân

=============================================

Phạm Nhật Bình - Ở lại với đảng: khôn hay dại, đạo đức hay tàn nhẫn

Sự ra đi vĩnh viễn của Tướng Giáp để lại trong lòng nhiều người những suy nghĩ ngổn ngang. Có người thương. Có người tiếc. Có người bực. Có người cảm nhận cả ba.
Người ta thương khi thấy ông bị những người lãnh đạo với lòng dạ nhỏ nhen khác ganh tị và tìm đủ cách nhục mạ ông một cách công khai mà ông chỉ im lặng chịu đựng. Nhưng người ta bực khi những tướng tá quanh ông bị thanh trừng một cách thảm khốc mà ông vẫn im lặng. Họ bị ám hại chỉ vì các đối thủ muốn chặt sạch vây cánh của ông. Rồi người ta tiếc vì nếu ông chịu dùng uy tín của mình để phản đối chính sách nhượng dần chủ quyền đất nước cho Bắc Kinh từ Hội nghị Thành Đô cho tới nay thì đã phúc đức cho đất nước này biết bao ... nhưng phần lớn ông vẫn chỉ im lặng một cách khó hiểu.
Tuy nhiên, một chuyên gia về tình hình Việt Nam đã cung cấp một cách lý giải: nếu nhìn ông Giáp như một người mà tất cả sự nghiệp đều dựa vào, đều xuất phát từ đảng và luôn tự xem mình là người của đảng thì thái độ của ông trong suốt mấy thập niên qua có thể hiểu được. Đến cuối đời, ông vẫn chọn ở lại với đảng.
Lời giải thích này giúp nhiều người chợt hiểu ra tâm trạng của Tướng Giáp. Nhưng cùng lúc nó lại làm bùng lên câu hỏi cho đại khối đảng viên CSVN còn lại. Ở lại với đảng như Tướng Giáp là khôn hay dại? là đạo đức hay tàn nhẫn?
Thường thì câu hỏi kế tiếp sẽ là Khôn hay Dại cho ai? Đạo Đức hay Tàn Nhẫn đối với ai? Nhưng nếu nhìn vào những vụ việc thực tế gần đây, người ta lại phải thêm một câu hỏi hợp lý nữa là: đối với cấp nào?

Ai ăn ốc, ai đổ vỏ?

Hãy dùng thí dụ đầu tiên mà cả nước đều biết, đó là vụ chiếm đoạt tài sản khổ công tạo dựng trong nhiều thập kỷ của gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Khi cả nước quá bất bình, lãnh đạo đảng vội xoa dịu dư luận bằng chính miệng của Thủ tướng. Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng một đoàn tùy tùng mấy ông bộ trưởng, thứ trưởng và cả trăm ký giả long trọng họp báo ở Hải Phòng để tổng kết, phân tích và đi đến kết luận phần lỗi nằm gần hết ở phía nhà nước.
Nhưng kết quả đến nay thì sao? Ngoài việc 2 nạn nhân tiếp tục nằm tù và gia đình 2 anh mất trắng tay, còn có 5 quan chức huyện Tiên Lãng bị đưa ra tòa “trị tội”. Đó là những viên chức cấp thừa hành gồm chủ tịch và phó chủ tịch huyện, một trưởng phòng và hai đảng viên đứng đầu xã Vinh Quang.
Tuyệt nhiên không có cán bộ cao cấp nào thuộc Thành Ủy Hải Phòng — những người chỉ đạo việc thi hành chính sách cưỡng chế đất đai và hưởng lợi nhiều nhất — bị trầy trụa gì sau vụ này. Nhưng đáng giật mình hơn nữa là việc giám đốc công an Hải Phòng, Đỗ Hữu Ca, được nâng hàm lên cấp tướng. Ông Ca là người trách nhiệm chính trong việc kéo công an thành phố, chó nghiệp vụ, và cả một đơn vị quân đội vào ngày 5/1/2012... đi cướp đất. Ông Ca là một trong những người chính trong danh sách những người chịu trách nhiệm mà ông Nguyễn Tấn Dũng liệt kê tại buổi họp báo.
Năm đảng viên huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang nghĩ gì khi nghe loa tù đọc tin Tướng Ca vừa lên chức? Chẳng cần ai nhắc thì những câu tự hỏi "khôn hay dại?" vẫn hiện ra sau những ngày cay đắng của thân phận "dê tế thần".
Nhưng vụ việc Đoàn Văn Vươn chỉ là một thí dụ nhỏ cho hiện tượng nuôi dê tế thần trên cả nước, đặc biệt trong lãnh vực ngân hàng, đầu tư, địa ốc. Trong những năm đầu tư ngoại quốc ào ạt đổ vào Việt Nam, các quan chức ở thượng tầng đua nhau đẩy con cái ra giữ những vị trí cực kỳ béo bở ở đầu các đại công ty do chính họ lập ra để "hứng tiền". Những trường hợp lộ liễu nhất mà ít ai không biết là những vụ như cô Tô Linh Hương, con gái Ủy viên BCT kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, tuy mới tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế của “Học viện Báo chí và Tuyên truyền” nhưng được đưa lên làm chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Xây dựng Vinaconex; hay như Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Dũng, làm chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (Viet Capital), v.v....
Nhưng khi vừa có dấu hiệu kinh tế xuống dốc, khi các số liệu về thua lỗ của các đại công ty bắt đầu bị công luận soi mói, rọi đèn, lập tức các "lãnh đạo trẻ" này được rút ngay ra khỏi các vị trí trách nhiệm. Hàng loạt "dê tế thần" được đưa vào thế chỗ trước khi báo đài và đủ loại cơ quan điều tra được đèn xanh xông vào cửa chính.
Những trường hợp “con cháu các cụ” (CCCC) tương tự được đẩy vào những vị trí cao cấp về chính trị cũng đang liên tục diễn ra, mà đặc biệt là những chiếc ghế ủy viên Trung ương Đảng để làm bệ phóng lên các chức ở thượng tầng. Hiển nhiên, quyền lực dễ dàng kéo theo quyền lợi. Và quyền lợi giúp giữ vững ghế quyền lực hiện tại và mua ghế quyền lực tương lai. Rất nhiều tên tuổi có thể kể ra, từ Nông Quốc Tuấn, con trai Nông Đức Mạnh, lên làm bí thư tỉnh ủy Bắc Giang 5 tháng để bước lên ghế ủy viên trung ương; đến những Lê Mạnh Hà, con trai Lê Đức Anh, lên làm Phó chủ tịch UBND TP/HCM; Trần Sĩ Thanh, cháu chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, lên làm phó tỉnh ủy Daklac; Lê Nam Thắng, con trai Lê Duẫn, lên làm thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng lên làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng; … Nhưng đáng kể hơn nữa là chung quanh mỗi CCCC này luôn có một nhóm dê nho nhỏ để xử dụng khi có chuyện tai tiếng, dù các chú (hay cô) dê này có biết chức năng phụ trội của mình hay không.

Ai ăn tiền, ai ăn đạn?

Trong những năm gần đây, không cần chờ đến những khi có chuyện tai tiếng, mỗi ngày nhiều tầng cán bộ cấp dưới đang bị đẩy ra tuyến đầu để đón nhận tất cả sự phẫn uất của người dân. Đặc biệt trong hàng ngàn vụ cướp đất, cướp nhà đang diễn ra trên cả nước, những người hưởng thụ phần rất lớn của các khu vực giải tỏa thường núp rất kín phía sau. Dân chúng chỉ biết và chỉ với tới những viên chức cấp thấp ngay trước mặt họ. Sự oán hận của hàng trăm ngàn gia đình bỗng chốc trở thành tay trắng, không cửa không nhà, không có cách nào kiếm sống, được trút hết lên những kẻ trực tiếp thi hành điều luật này, quyết định kia xuất phát từ bên trên. Bản thân của những kẻ thi hành thường chẳng được gì hoặc chỉ được chia phần rất nhỏ.
Cụ thể như trường hợp Văn Giang-Ecopark. Người dân không hề biết, hay chỉ biết rất ít về những tập đoàn hưởng lợi lên đến hàng triệu thậm chí hàng tỷ đô la bên trên. Những tập đoàn này — luôn luôn xây quanh các cột trụ là con cái của các quan chức ở thượng tầng — giấu mặt rất xa hiện trường, chỉ ký lệnh cưỡng chế rồi chờ kết quả. Còn đại khối lực lượng công an đi cưỡng chế đất theo lệnh trên hầu như chẳng được sơ múi gì ngoài sự cực kỳ oán hận của người dân. Oán hận đến độ "một mất một còn" tại hiện trường. Trong mắt dân oan ngày nay, công an không khác gì đám côn đồ mà họ thuê mướn đi đánh phụ.
Hay trong vụ anh Đặng Ngọc Viết cũng vậy. Những kẻ nắm hầu như trọn vẹn và hưởng lợi từ cái quỹ đất đó núp rất kín phía sau và phía trên. Những người dân uất ức như anh Viết chỉ thấy và chỉ có thể trút hờn căm của mình vào 5 cán bộ cấp thấp phải chường mặt ra tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Thái Bình.
Với tình trạng mọi nhóm lợi ích, mọi công ty gốc cổ thụ trên cả nước đều đang thua lỗ, túng tiền bù đắp cho khoảng trống thu nhập, và cứ chọn con đường "cạp đất mà ăn" như hiện nay, hiện tượng đảng viên, cán bộ cấp thấp trở thành bia chắn đạn cho các quan chức lớn đang có chỉ dấu sẽ gia tăng. Đặc biệt khi giai cấp dân oan đang lan nhanh tới các gia đình có con em trong quân đội.
Cùng lúc, với cách dùng người này lãnh đạo đảng luôn có thể nói mạnh để xoa dịu dân chúng rằng: Chính sách của đảng (tức của lãnh đạo đảng) căn bản là đúng mà chỉ có cán bộ thừa hành bên dưới làm sai mà thôi. Nói cách khác, lãnh đạo đảng luôn có thể đổ tội và chỉ trích "đám sâu" mà họ đang nuôi nấng và xử dụng hàng ngày.

Đạo đức hay tàn nhẫn?

Bên cạnh những đảng viên phải tự đặt câu hỏi Khôn hay Dại trong đời sống hàng ngày, còn có những đảng viên mang trong lòng câu hỏi sâu xa hơn, đó là: Ở lại với đảng là đạo đức hay tàn nhẫn?
Trước hết về khía cạnh đạo đức. Điều đã khá rõ là càng về sau, các thế hệ lãnh đạo đàng CSVN càng ít đạo đức hơn, dù đó là "đạo đức cách mạng". Giữa một đất nước mà chính họ xác nhận là còn quá nghèo vì "phải đối phó liên tục với nhiều thế lực thù địch" thì các gia đình lãnh đạo đều đang ngồi trên những núi gia tài ở tầng hàng tỷ đô la một cách không giấu diếm — từ các vườn rau riêng trên sân thượng đến các đoàn xe xịn chạy đua trên đường phố đến các lâu đài giữa đám nhà dân lụp xụp. Lý tưởng XHCN từ lâu đã trở thành: Cạo vét theo khả năng, tẩu tán theo nhu cầu. Thực trạng này đặt dấu hỏi lớn với những đảng viên cộng sản còn muốn giữ lòng đạo đức với đảng, vì đảng bây giờ là ai?
Nhưng đào khoét đất nước trong lúc dân còn đói hàng ngày ở các vùng xa, trẻ em còn chết hàng ngày vì lội suối, đu qua sông đi học, bệnh nhân chen chúc trên sàn các nhà thương dơ bẩn, ... vẫn chưa đủ. Để bảo vệ ghế cai trị và có chỗ dựa kinh tế lẫn chính trị, 4 thế hệ lãnh đạo đảng liên tiếp dâng nhượng dần dần chủ quyền đất nước kể từ sau Hội nghị Thành Đô 1990. Nguy hiểm nhất hiện nay là gần cả trăm khu vực biệt lập của Trung Quốc trên khắp lãnh thổ Việt Nam, kể cả tại những khu vực hiểm yếu quân sự dọc theo biên giới, trên "nóc nhà Đông Dương". Và nay xe tải lớn của Trung Quốc được phép chạy tự do băng qua biên giới và nối liền các khu biệt lập trên. Mối nguy mất nước không còn ở tận ngoài khơi Biển Đông xa xôi nhưng đã nằm sâu trong đất liền Việt Nam.
Điều đáng nói là đối với dân tộc Việt hôm nay và đối với lịch sử Việt ngày mai, tội bán nước ấy thuộc về TẤT CẢ mọi đảng viên đảng CSVN chứ không riêng gì các tổng bí thư và các ủy viên Bộ chính trị và những người đã đặt bút ký hoặc quì bái Bắc Kinh. Lý do là vì những lãnh đạo này đại diện cho nguyện vọng của tất cả các đảng viên và sự ở lại với đảng của mỗi đảng viên đồng nghĩa với việc chấp nhận sự đại diện này.
Trên căn bản đó, việc tiếp tục ở lại với đảng trở thành quá tàn nhẫn đối với đồng đội, đối với những người đã hy sinh xương máu bảo vệ đất nước này trong suốt mấy ngàn năm qua. Từng câu từng chữ của các anh hùng dân tộc xả thân chống ngoại xâm phương Bắc đang bị tẩy xóa, đục bỏ; từng tấm bia từng khu mộ của những chiến sĩ chống Trung Quốc xâm lược thời 1979 - 1989 đang bị đập phá để tránh làm phiền lòng Bắc Kinh.
Sự tàn nhẫn không dừng ở đó. Trong khi đảng viên, cán bộ cấp thấp hàng ngày đem thân đi làm những chuyện bị nhân dân nguyền rủa để thu lợi và giữ ghế cai trị cho cấp trên, thì chính con cháu họ đang là nạn nhân của các suy đồi mọi mặt trong xã hội hiện nay. Việc tiếp tục ở lại với đảng và tiếp tay kéo dài chế độ độc tài hiện nay cũng chính là nỗ lực dìm các thế hệ kế tiếp trong vô cảm, tụt hậu, đói nghèo, bất công, và nhất là sống dưới lằn mức giá trị con người mà cả nhân loại đã xem là đương nhiên từ giữa thế kỷ trước. Dưới các nhãn hiệu xinh đẹp, từng hàng từng lớp người trẻ gốc Việt chỉ mong đi làm lao công, làm nô lệ tình dục ở nước khác để "tiến thân". Cứ vài chục năm, lãnh đạo đảng lại khoe "đã xóa đói giảm nghèo được thêm một ít". Thế giới sẽ còn tiếp tục nhìn người Việt Nam với cặp mắt khinh thường hay với lòng thương hại bao nhiêu năm nữa?

Đã có những đảng viên không thể nhắm mắt tàn nhẫn với dân tộc

Nhiều đảng viên, kể cả các đảng viên cao cấp, đã ray rứt lương tâm nhiều năm tháng trước câu hỏi: Trung thành với một đảng đang liên tục làm mục rữa đất nước có phải là sự tàn nhẫn với dân tộc, với các thế hệ tương lai không?
Sau cùng họ đã chọn con đường không thể tiếp tục ác với cháu con của mình và bước đầu tiên là phải ngưng ngay, không tiếp tay với thế lực đang làm khổ dân tộc nữa. Họ chọn con đường rời bỏ đảng hay nhất định làm những việc mà họ biết sẽ bị khai trừ!
Thế là họ lần lượt rời bỏ những đặc quyền đặc lợi đang hưởng từ tay chế độ và chấp nhận những đòn trừng phạt, trả thù. Họ là những bác sĩ thứ trưởng Y tế Dương Quỳnh Hoa, ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách, cán bộ cao cấp Nguyễn Hộ, trung tướng Trần Độ, viện trưởng Viện Triết Học Mác-Lênin Hoàng Minh Chính,... dài đến những trung tá Trần Anh Kim, chủ nhiệm trường đảng Vi Đức Hồi, blogger Nguyễn Chí Đức,... của thời nay.
Nhưng có lẽ những dòng chữ của Luật gia Lê Hiếu Đằng trong những ngày bịnh liệt giường đã “tính sổ” lại cuộc đời mình với đảng đang làm rung động nhiều đảng viên CSVN nhất. Bằng những lời lẽ bình thản nhưng thẳng thắn và can đảm, ông Đằng khẳng định chỉ có dân chủ tự do mới đưa đất nước tiến lên, hội nhập vào trào lưu của thế giới văn minh. Ông chân thành kêu gọi đảng viên hãy rời bỏ đảng CSVN vì tương lai của đất nước và các thế hệ cháu con.

* * *

Hơn lúc nào hết, câu hỏi: Ở lại với đảng, đạo đức hay tàn nhẫn? đang chờ câu trả lời của từng đảng viên CSVN. Xin đừng chờ đến cuối đời hay đến khi không còn quyền chức nữa mới để lương tâm mình sống lại! Xin đừng để quá muộn trước sự phán xét của lương tâm, của lịch sử, và nhất là trước sự khinh bỉ và oán hận của chính con cháu mình.
Khách gửi hôm Thứ Sáu, 25/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131025/pham-nhat-binh-o-lai-voi-dang-khon-hay-dai-dao-duc-hay-tan-nhan
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001