Song Chi - Ngành Y nhà Sản thời mạt (I)
Song Chi
Sai sót ở khắp mọi nơi
Tình trạng làm ăn gian dối, vô lương tâm, thiếu trách nhiệm, tệ tham nhũng, sự xuống cấp trầm trọng về mặt văn hóa đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, sự bát nháo, vô luật pháp… trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội ở VN dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản đã diễn ra từ nhiều năm nay, không còn là chuyện mới lạ gì nữa. Nhưng không hiểu đến thời mạt vận thế nào mà vài năm gần đây, những chuyện tệ hại như vậy trong ngành Y tế cứ liên tiếp nổ ra khiến dư luận vô cùng sốc.
Vì quá nhiều, chỉ xin đưa ra những ví dụ riêng trong năm 2013.
Trước hết là những sai sót về chuyên môn hoặc do cẩu thả, tắc trách…dẫn đến chết người. Những trường hợp như vậy rất nhiều, có thể dễ dàng tìm đọc trên báo chí VN:
Chẳng hạn, “Hàng loạt sản phụ tử vong chỉ trong vòng 1 tháng” (báo Giáo dục VN), nói về những cái chết oan ức, tức tưởi của các sản phụ, có khi cả mẹ cả con, tại các Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh trong tháng 8-9.2013. Còn nữa: “Vụ sản phụ tử vong tại Huế: lỗi do bệnh viện tuyến trên?” (Lao Động), “Thai phụ chết bất thường sau hai mũi tiêm” tại trạm y tế xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa (Tin ngắn), “Hai mẹ con thai phụ tử vong sau khi uống thuốc chờ sinh” (Dân Trí), BV Đa khoa TP.Vinh, Nghệ An…
Bên cạnh sản phụ thì trẻ sơ sinh, trẻ em là thành phần mỏng manh, rất dễ bị biến chứng, tử vong, do đó rất cần được quan tâm chăm sóc chu đáo. Nhưng tại các trạm y tế, bệnh viện lớn nhỏ của VN trong thời gian qua thì sao?
Từ những sai sót nghiệp vụ nhưng chưa chết người như “Điều dưỡng tiêm nhầm thuốc phun sương cho trẻ” (Người Lao Động). Đây là trường hợp nhầm tưởng ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin là nước cất, với một bệnh nhi 7 tháng tuổi, tại Bệnh viên phụ sản quốc tế Phương Châu (TP. Cần Thơ), may mà cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng! “Nữ điều dưỡng bệnh viện phụ sản Hà Nội làm rơi 5 trẻ sơ sinh” (Dân Trí), khi đưa các em đi tắm trên xe đấy, do trượt chân, xe bị nghiêng đổ làm cả 5 bé sơ sinh đang nằm trên xe bị rơi xuống đất!
Cho đến chết người: Trẻ sơ sinh 6 ngày tuổi tử vong vì tiêm nhầm thuốc tại Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An “Tiêm nhầm thuốc, bệnh nhi tử vong” (Thanh Niên).
Chết oan vì y bác sĩ làm ăn lơ là, thiếu trách nhiệm, vô lương tâm:
“Bác sĩ nhận phong bì vẫn thờ ơ để trẻ sơ sinh tử vong?” (Lao Động): “Dù đã nhận tiền “bồi dưỡng” của gia đình sản phụ, nhưng vị bác sĩ (BS) vẫn thản nhiên ngồi xem tivi, còn hai nữ hộ sinh cùng kíp trực thì ngồi ăn bánh kẹo, trong khi sản phụ đang đau đớn trên bàn đẻ!...” Đến khi buộc phải đưa đi mổ đẻ thì em bé đã bị suy hô hấp nặng, sau đó tử vong vì nước ối tràn vào màng phổi gây ngạt.
Rồi nào tại BV đa khoa trung tâm An Giang: “Trẻ sơ sinh chết oan vì nữ hộ sinh mải nhận tiền “lót tay”? (Soha News), đã bỏ mặc sản phụ trên giường đẻ, lo đi giúp cho người vừa mới đút tiền, đến khi quay lại thì nước ối đã khô phải mổ đẻ, cháu bé sinh ra bị ngạt phải chuyển lên BV Nhi Đồng 1, TP.HCM nhưng thủ tục giấy tờ phải mất thêm…3 tiếng đồng hồ nữa. Cuối cùng khi chuyển lên được TP.HCM thì cháu bé đã bị viêm phổi, ngạt, thiếu oxy não nghiêm trọng và tử vong sau 2 tuần.
Rồi nào “Chậm mổ, một trẻ sơ sinh tử vong”, BV Đa khoa Lâm Đồng (báo Thanh Niên), “Một trẻ sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ tắc trách”, BV Đa khoa Quảng Nam (báo Thanh Niên) v.v…
Số liệu của tổ chức Save the Children tại VN cho biết “Việt Nam: 17 nghìn trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm” (VNMedia). Trong đó có bao nhiêu phần trăm là do bệnh lý hoặc những nguyên nhân khách quan không thể cứu chữa, còn lại bao nhiêu phần trăm do sai sót nghiệp vụ, do tắc trách, thiếu lương tâm?
Không chỉ riêng khoa Sản, khoa Nhi tại nhiều BV với những sai sót dẫn đến những cái chết tức tưởi cho sản phụ, trẻ sơ sinh, trẻ em, những khoa khác cũng vô số trường hợp sai sót xảy ra.
Đây là những trường hợp chẩn đoán sai, ghi đơn thuốc sai, đầy tính bi hài:
“Bé gái bị chẩn đoán “phù nề bao quy đầu” (VNEXpress), sự việc xảy ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi 7 tháng tuổi được bác sĩ kết luận là sốt virus, nhưng phần chẩn đoán trong đơn thuốc lại ghi “phù nề bao quy đầu”. Bệnh viện giải thích “nhầm lẫn này là sự cố liên quan đến công tác hành chính. Trong đó một phần do lỗi khách quan vì hệ thống mạng tại bệnh viện quá tải, phần khác, bác sĩ đã không kiểm tra lại đơn thuốc sau khi in”!
“Vụ cụ ông 73 tuổi có thai do…”lỗi đánh máy” (Dân trí), sự việc xảy ra tại BV Đa khoa khu vực Củ Chi, cụ ông 73 tuổi đi điều trị chấn thương cột sống nhưng giấy ra viện lại gán thêm chẩn đoán “thai 16 tuần”, lần này là do…lỗi đánh máy!
“Thai phụ đòi cắn lưỡi tự tử vì bị bác sĩ chẩn đoán nhầm nhiễm HIV” (báo Giáo dục Việt Nam), sự việc xảy ra tại BV Đa khoa TP. Thanh Hóa. Theo bài báo, điều đáng nói là BV còn để rò rỉ thông tin về kết quả nghi nghiễm HIV của sản phụ khiến nhiều người thân, bạn bè kỳ thị, kể cả một số y bác sĩ tại BV Phụ sản Thanh Hóa nơi sản phụ được chuyển đến để theo dõi, cách ly cũng tỏ thái độ xa lánh, làm sản phụ khủng hoảng tinh thần đòi tự tử. Cuối cùng hóa ra…chẩn đoán nhầm!
Những vụ việc trên vẫn chưa…kịp gây ra hậu quả nghiêm trọng, còn đây là chẩn đoán nhầm, phẫu thuật nhầm:
BV Lao và Bệnh Phổi Cần Thơ “Tràn khí màng phổi bên trái, bác sĩ đặt ống dẫn lưu bên phải” (báo Dân trí), khiến bệnh nhân bị choáng chấn thương, co giật, sau đó phải…mổ lại.
BV Đa khoa khu vực Cai Lậy: “Tiền Giang: bức xúc vì bác sĩ mổ nhầm chân” (Sống Mới): “Mặc dù bệnh nhân được bác sỹ chẩn bệnh và chỉ định phẫu thuật khớp gối trái, nhưng kíp mổ lại thực hiện mổ gối chân phải. Điều đáng nói, trong kíp trực có cả giám đốc bệnh viện nơi điều trị.”
“Những vụ “mổ nhầm” chết người của bác sĩ VN” (Tin tức online), liệt kê vài vụ nổi cộm trong mấy năm gần đây từ tiêm nhầm thuốc bệnh nhi chết tức tưởi, cắt nhầm bàng quang bệnh nhi 21 tháng tuổi, khâu nhầm ruột vào tử cung, “tặng” gạc trong ổ bụng sản phụ, quên mũi khoan trong người bệnh nhân v.v…Cứ cái đà này thì còn ai dám bước chân vào các bệnh viện từ địa phương cho tới trung ương ở VN nữa đây?
Y đức càng ngày càng sa sút, nhiều bác sĩ, bệnh viện bây giờ chỉ nghĩ cách làm ăn gian dối để kiếm tiền, bất chấp hậu quả có thể gây ra cho bệnh nhân.
Nào “Cần thơ: Bệnh viện dùng thuốc hết hạn cho bệnh nhi” (Dân Việt), sự việc xảy ra tại BV Nhi Đồng, Cần Thơ.
Trung tâm Y tế dự phòng TP. Tuy Hòa tiêm vaccine hết hạn cho trẻ và không chỉ một, mà nhiều trẻ “48 em bé đã bị tiêm lô vaccine hết hạn sử dụng” (VNExpress).
“Kinh hoàng chuyện “ăn bớt” vaccine tại TT Y tế dự phòng Hà Nội” (Lao Động), chỉ tiêm cho trẻ có 2/3 so với liều chuẩn, sau đó cộng dồn lượng vaccine dư lại để tiêm cho trẻ khác “Phanh phui tiếp vụ ăn bớt vaccine: Tiêm cho trẻ thuốc pha sẵn, nghi dồn” (báo Lao Động)...
Mới đây, tại phiên thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 11 tháng Chín, bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phải bức xúc kêu lên: “Người ta “ăn” của dân không từ một thứ gì”. Câu nói của bà đã được nhiều tờ báo giật tít đưa lên.
Đúng là “ăn” không chừa một thủ đoạn nào, một đối tượng nào. Ngay cả những con người đau khổ, bất hạnh tột cùng như bệnh nhân bị phong cùi. “Hà Nội: bệnh nhân phong bị “ăn bớt” thuốc?”, tại Trung tâm Da liễu Hà Đông, Hà Nội. Cũng tại Trung tâm này, đã diễn ra hàng loạt sai phạm trong đó có vụ các hộ lý ở Khoa điều trị nội trú đã bỏ đói, “ép” hơn 20 bệnh nhân phong phải ăn thịt sống vào năm 2012, khiến dư luận bàng hoàng phẫn nộ. Bên cạnh đó báo chí cũng phản ánh cung cách thái độ phục vụ hết sức tệ hại của một số nhân viên, hộ lý đối với người bệnh ở đây.
Chưa hết, trong vòng hai năm 2012-2013, hàng loạt trẻ em đã bị tai biến, tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1, một loại vaccine mà nhiều nước tiên tiến đã không còn sử dụng nữa.
Trước tình hình đó, đầu tháng 5, Bộ Y tế quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine Quinvaxem.
Xung quanh vụ tiêm vaccine này, bài “Việt Nam sử dụng nhiều loại vaccine quá cũ” (VietnamNet) đưa tin: “Các chuyên gia về vắc xin cho biết Việt Nam đang sử dụng nhiều loại vắc xin thế hệ cũ nên tỷ lệ phản ứng cao và khuyến cáo Nhà nước cần tăng cường đầu tư để trẻ được sử dụng vắc xin thế hệ mới, giảm tai biến sau tiêm chủng.” Mà vì sao sử dụng vaccine thế hệ cũ? Vì rẻ, khi đầu tư của nhà nước cho vaccine còn quá thấp.
Cũng trong bài báo trên: “Sau khi vắc xin Quinvaxem bị tạm ngừng lưu hành vào đầu tháng 5 vừa qua, phương án mua vắc xin vô bào (với giá đắt hơn nhiều lần so với vắc xin Quinvaxem) cũng đã được đưa ra với tổng kinh phí dự trù khoảng 700-800 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng phải “ngậm ngùi” cho biết khoản kinh phí lớn trên sẽ khiến phương án này khó được thông qua. Và đúng như đã được đoán trước, trong thời gian tới, vắc xin Quinvaxem sẽ được đưa trở lại chương trình tiêm chủng mở rộng (sau khi có kết luận “đảm bảo an toàn”).
Đúng là mới đây, sau 5 tháng tạm ngừng, Bộ Y tế lại khẳng định các ca tai biến nặng và tử vong sau khi tiêm không phải do vaccine và cho phép tiêm vaccine Quinvaxem trở lại, khiến từ người dân đến y bác sĩ vừa tiêm chủng vừa run, coi như may nhờ rủi chịu?!
Khổ thân trẻ em VN sinh ra trong một nước nghèo mà mạng sống con người thì bị coi quá rẻ nên mới thành ra vậy.
Đỉnh điểm của những sự việc tồi tệ của ngành Y trong năm 2013 là vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội và vụ tráo thủy tinh thể ở BV Mắt, Hà Nội.
Cả hai vụ này đều gây rúng động dư luận vì tính chất vô lương tâm đến tột cùng của những con người khoác trên mình chiếc áo trắng tinh khiết của ngành Y nhưng vì tiền mà có thể nhúng tay thực hiện những việc làm gian dối, tàn nhẫn, bất chấp hậu quả. Thứ hai là tính nghiêm trọng của vấn đề xét trên hậu quả do sự việc gây ra đối với bệnh nhân, cuối cùng là quy mô của sự việc khi hàng ngàn bệnh nhân bị “nhân bản” phiếu xét nghiệm, hàng ngàn bệnh nhân bị tráo nhân thủy tinh thể kém chất lượng, chưa kể theo người tố cáo, cả dịch nhầy sử dụng trong phẫu thuật cũng bị đánh tráo thứ rẻ tiền hơn và một hộp dịch nhầy được "tận dụng" dùng cho 4-5 bệnh nhân khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao!
Đây chỉ là một số ví dụ bê bối của ngành Y tế nước Cộng hòa XHCN VN trong năm 2013, và cũng không ai dám chắc từ đây đến cuối năm sẽ còn có vụ bê bối động trời nào khác nữa hay không.
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Ba, 01/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131001/song-chi-nganh-y-nha-san-thoi-mat-i
======================================================================
Song Chi - Ngành Y nhà Sản thời mạt (II)
Song Chi
Nguyên nhân vì sao?
Không phải đến bây giờ ngành Y tế VN mới xảy ra những vụ bê bối. Nhưng với mức độ dày đặc, liên tiếp hết vụ này đến vụ khác, xảy ra ở nơi này nơi kia, vụ việc sau tồi tệ hơn vụ trước…khiến người dân không khỏi bàng hoàng tự hỏi vì sao ngành Y lại đổ đốn đến vậy.
Cái gì cũng có quá trình cả. Mọi lĩnh vực ở VN bây giờ, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội, y tế, giáo dục…đều mang những “căn bệnh” nghiêm trọng trong cơ chế tồn tại của nó, chẳng khác nào ung thư. Nếu khi gốc rễ của “căn bệnh” không được xử lý, chữa trị đến nơi đến chốn mà chỉ “bôi thuốc” qua loa ngoài da, thì chỉ càng ngày càng trầm trọng, bục phát khắp nơi, đủ kiểu. Ngành Y cũng vậy.
Có những nguyên nhân dễ nhìn thấy như sự yếu kém về trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ. Ngành Y ở nước nào cũng là một ngành đòi hỏi cao về tay nghề, “đầu vào” thường được tuyển chọn gắt gao hơn một số ngành khác, thời gian đào tạo lâu dài. Bác sĩ chuyên khoa phải vừa học vừa thực tập cả chục năm mới được công nhận bằng cấp. Nhưng ở VN trong thời gian qua, vấn đề đào tạo của ngành Y lại có những lỗ hổng “chết người”.
Báo chí đưa tin “Bộ Y tế kiện Bộ giáo dục” (báo Người Lao Động) vì cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát, tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế. “Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này.
Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.”
Ngay chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng “thừa nhận tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành Y.” Rằng trên thực tế có những cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành, chất lượng đào tạo rất kém v.v…
Chuyện các trường đại học, cao đẳng được cấp giấy phép mở tràn lan, chủ yếu để kinh doanh là chuyện không mới, nhưng có những ngành như Sư Phạm hay Y tế mà cũng cho “đào tạo đại trà” thì hậu quả như thế nào nay đã rõ. Trong việc này trách nhiệm thuộc về cả hai Bộ Y tế và Bộ Giáo dục phải phối hợp với nhau để giám sát chất lượng đào tạo nhân lực ngành Y.
Không những chất lượng đào tạo kém, nhiều bác sĩ, quan chức trong ngành Y còn xải bằng giả, chạy chức chạy bằng để kiếm “ghế” nên chuyên môn nghiệp vụ lắm lúc chưa đạt đến mức của bằng cấp, địa vị mà họ có. Ví dụ như vụ một chuyên viên thanh tra thuộc Phòng thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Phước sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả (“Thanh tra Sở Y tế…xài bằng giả”, VietnamNet), “Quảng Bình: Hàng chục nhân viên y tế sử dụng bằng giả” (Dân trí)…
Đỉnh cao là vụ ông Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khai gian học vị tiến sĩ tại trường Đại học Uppsala (Thụy Điển) nhưng thật ra “trường đại học Uppsala Thụy Điển đã cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Cao Minh Quang, chứ không phải văn bằng” (“Thứ trưởng Bộ Y tế khai gian học vị tiến sĩ”, VNExpress). Theo quy định của trường Uppsala, chứng chỉ nói trên cần phải đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ.
Không những thế, nhân vật này còn bị phanh phui nhiều vụ bê bối khác. Trên VTC News có cả loạt bài về “Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và những tai tiếng”. Người ta tự hỏi không biết trong số các ông bà quan chức của ngành Y hiện nay có những người nào xài bằng giả, khai gian học vị mà chưa bị lộ chăng?
Như đã chỉ ra ở trên, những sai sót trong ngành Y ở VN không chỉ do yếu kém về chuyên môn mà còn do cung cách phục vụ, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp, nói chung là y đức của nhiều y bác sĩ quá kém và ngày càng tụt dốc.
Ai đã từng bước chân vào các Trung tâm Y tế, bệnh viện công lớn nhỏ ở VN thì đều có lần trải qua kinh nghiệm không lấy gì làm vui vẻ này. Trong khi ở nhiều quốc gia dân chủ tiến bộ, người bệnh khi vào bệnh viện điều trị vừa được hoàn toàn miễn phí mà còn được chăm sóc phục vụ đến nơi đến chốn, đúng nghĩa “bệnh nhân là thượng đế”, từ nhân viên, y tá, điều dưỡng, bác sĩ…lúc nào cũng nụ cười trên môi, nói năng nhẹ nhàng, ân cần chu đáo…
Còn ở VN, bệnh nhân luôn có cảm giác ngược lại là mình đang cầu cạnh, nhờ vả các y bác sĩ, nhẹ nhất thì cũng là nét mặt lạnh lùng, hỏi không muốn trả lời, hoặc tệ hơn còn quát nạt, mắng chửi bệnh nhân. Và như “luật bất thành văn”, người bệnh muốn được cư xử, chăm sóc tốt, điểu trị nhanh chóng thì phải đưa “phong bì”, gặp đâu dúi đó, từ trên xuống dưới, có tiền là thái độ cung cách phục vụ sẽ khác. Nạn “phong bì” đã tồn tại từ nhiểu năm nay trong ngành, như một căn bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế cũng đã là may, rằng chỉ cần đút lót tiền thì sẽ được chữa trị tốt. Đằng này lòng tham của nhiều cán bộ nhân viên y tế đã không còn giới hạn, nên mới có những vụ động trời như “nhân bản” phiếu xét nghiệm hay tráo thủy tinh thể, chỉ vì tiền, bất chấp hậu quả xảy ra cho bệnh nhân.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến cho các sai phạm trong ngành Y càng ngày càng lan rộng, với mức độ kinh khủng hơn là do xử lý vẫn còn quá nhẹ. Khi xảy ra chết người, cách đối phó thường gặp ở các bệnh viện là tìm cách bao che cho nhân viên, loanh quanh che giấu nguyên nhân thật sự dẫn đến tử vong, khi không thể che dấu được nữa thì xử lý hành chính, kiểm điểm, kỷ luật, ngưng công tác một thời gian hoặc cùng lắm là buộc thôi việc.
Nhưng đó là với y bác sĩ, còn Phó Giám Đốc, Giám đốc BV, quan chức cấp cao trong ngành Y bị xử lý nặng rất hiếm. Có khi, chỉ là chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, ngang bằng hoặc cao hơn, như trường hợp bà Giám đốc BV Răng hàm mặt trung ương TP.HCM Lâm Hoài Phương bị thôi chức vì có rất nhiều sai phạm như lộng quyền, tự lợi, gian dối nhưng lại được chuyển qua… giảng dạy ở trường Đại học Y Dược TP.HCM!
Trong khi có những vụ như “nhân bản” phiếu xét nghiệm hay tráo thủy tinh thể nói trên rõ ràng là tội ác, phải xử lý hình sự chứ không còn là sai sót chuyên môn, kiểm điểm, xử lý hành chính nữa. Nếu áp dụng luật pháp mạnh tay, cứ sai sót nghiêm trọng là phải cách chức, bỏ tù thì có lẽ những kẻ tham lam, vô lương tâm cũng chùn tay bớt.
Chính vì pháp luật chưa xử lý nghiêm nên người dân tức giận, gần đây cứ lâu lâu chúng ta lại đọc thấy thông tin ở một trung tâm y tế hay bệnh viện nào đó có người bệnh bị chết oan ức do sai sót, tắc trách của bệnh viện hoặc không rõ lý do, khiến người nhà bức xúc bao vây đập phá bệnh viện, đuổi đánh cả y bác sĩ…Pháp luật không xử thì dân tự xử, thế thôi.
Còn những chuyện như tự nguyện từ chức thì càng…không bao giờ. Ở VN trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, dường như khái niệm “văn hóa từ chức”, sự liêm sỉ hay lòng tự trọng đều là những món xa xỉ, quý hiếm. Ngành Y cũng vậy.
Đứng đầu ngành hiện nay là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong các quan chức đạt số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất, tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh của Quốc hội vào tháng Sáu, 2013 vừa qua. Đồng thời cũng là một trong các quan chức mà người dân mất lòng tin, thiếu thiện cảm nhất, cùng với “Ông Giao thông” Đinh La Thăng hay “Ông Giáo dục” Phạm Hữu Luận.
Thứ nhất vì từ khi bà Tiến tại vị cho đến nay, những sai phạm trong ngành cứ càng ngày càng nhiều, càng trầm trọng. Bản thân bà Tiến thì lại có rất nhiều câu phát ngôn hoặc việc làm khiến dư luận sửng sốt vì rất …bản năng, theo kiểu nói mà không nghĩ, hoặc rất vô cảm, thiếu trách nhiệm. Nếu muốn liệt kê cho hết những câu nói, việc làm như vậy của bà Bộ trưởng Y tế, e rằng bài viết này sẽ dài…gấp đôi, gấp ba!
Sự bất bình của người dân đối với bà Bộ trưởng Y tế càng lúc càng dâng cao từ cách xử lý của bà qua hàng loạt vụ việc. Từ vụ dịch “tay chân miệng” tràn lan tại 63 địa phương trên cả nước vào năm 2011, trong đó, 20 tỉnh, thành có ca bệnh tử vong với con số 119 người, thì tại buổi gặp mặt giữa Bộ Y tế và báo chí, bà Bộ trưởng vẫn tuyên bố “chưa đến mức phải công bố dịch”; cho tới hàng loạt vụ sản phụ tử vong rồi trẻ em tử vong vì tiêm vaccine nhưng bà Bộ trưởng với trách nhiệm của người đứng đầu ngành không hề có một lời chia sẻ với gia đình các bệnh nhân, hoặc ngỏ lời xin lỗi…
Nhất là khi 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hôm 20 tháng Bảy, thì ngày 21 tháng Bảy bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại dẫn đầu đoàn công tác đi dâng hương, dâng hoa trong lễ khởi công xây dựng Nhà tháp chuông Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gio Linh, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cả hai đều thuộc tỉnh Quảng Trị mà không hề ghé thăm gia đình 3 em bé vừa mới tử vong để an ủi họ một lời.
Và khi báo chí hỏi thì bà bảo “Lịch trình, chuyến bay... đã được bố trí kín lịch. Do vậy, bà không thể bố trí thời gian đi thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong.
“Bộ Y tế cũng đã có đoàn công tác tại Quảng Trị thăm hỏi, chứ tôi không thể trực tiếp đi”, bà Tiến nói.” (“Bộ trưởng Y tế lý giải việc đến Quảng Trị nhưng không thăm 3 trẻ tử vong”, Tiền Phong).
Người dân phẫn nộ, đã có những bài viết, kiến nghị yêu cầu bà Tiến từ chức trên các blog, báo “lề dân”, thậm chí trên facebook đã lập ra hẳn một trang blog “Bộ trưởng Bộ Y tế hãy từ chức” với mục tiêu 10.000 người ký tên đề nghị bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức, hiện tại, ngày 30 tháng Chín, 2013, đã có 9.452 người tham gia.
Nhưng tất nhiên bà Tiến sẽ không từ chức. Ở nước này nếu chưa bị cách chức thì người ta vẫn cứ tiếp tục tại vị, làm gì được nhau nào?
Hệ quả của một chế độ không có dân chủ, người dân không được tự do bầu chọn người xứng đáng vào các cương vị từ thấp đến cao trong bộ máy chính quyền cũng không có quyền “đuổi” những kẻ bất tài, kém đức đi là vậy.
Nguyên nhân sâu xa hơn, xã hội VN trong mô hình thể chế chính trị độc tài dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản VN, luôn tự hào lấy tư tưởng Mác Lênin làm học thuyết chủ đạo, là một xã hội không có tình người, không coi trọng, thậm chí khinh rẻ con người. Sinh mạng con người quá rẻ, bao nhiêu cái chết oan ức do đủ thứ nguyên nhân trời ơi gây ra, chẳng riêng gì trong ngành Y.
Cái xấu cái ác sự không tử tế, bất công tràn lan, diễn ra hàng ngày khiến con người lâu dần chai sạn, tình người ngày càng hiếm hoi. Đó mới là lý do chính vì sao con người đối xử với nhau nói chung và các cán bộ nhân viên y bác sĩ đối xử với bệnh nhân nói riêng, như vậy.
Trong bất cứ quốc gia nào thì giáo dục và y tế cũng rất quan trọng, gắn bó với đời sống người dân. Người dân trong suốt cuộc đời mình rồi cuộc đời của con cái, không thể nào không dính dáng đến trường lớp, bệnh viện, đi học, đi khám bệnh…Có thể không tin vào công an, vào chính quyền cũng chả sao, nhưng nếu đến thầy cô giáo hay bác sĩ mà cũng không thể đặt niềm tin vào nữa thì quả là bi kịch!
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Ba, 01/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131001/song-chi-nganh-y-nha-san-thoi-mat-ii
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001