Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Vận mệnh của TT Nguyễn Tấn Dũng qua chữ ký

Vận mệnh của TT Nguyễn Tấn Dũng qua chữ ký 


Vô Chiêu (Danlambao) - Sau bài “Núi Lang Biang sạt lở, điềm suy tàn của chế độ”, Vô Chiêu nhận được nhiều email có kèm theo chữ ký của ông Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng và các câu hỏi về vận mệnh của ông ta. Bài viết thô thiển này xin được trả lời các câu hỏi đó và hy vọng có thêm nhiều góp ý của quý độc giả.

*

Là người ai cũng có tên,
Ký thành một chữ, vận liền hiện ra.
Mai sau, lành dữ đều là,
Hiện trên nét chữ, ấy là mệnh thân.

Vận mệnh là vận khí và sinh mệnh. Vận có lúc thịnh lúc suy, có khi bị bế tắc, khi thì hạnh thông. Vận chỉ tính ở giai đoạn trưởng thành (tuổi đôi mươi). Mệnh thường được đánh giá ở chữ thọ hoặc yểu, sinh hay tử. Thông thường hai chữ vận mệnh đi đôi là hàm ý nói về cát hung họa phúc, bao gồm giàu, nghèo, vinh, nhục, buồn, vui trong cuộc đời của mỗi người. Vận mệnh như một sức mạnh vô hình của tạo hóa, con người khó nắm vững hay chi phối được nó, mà ngược lại nó định sẵn và chi phối cuộc đời của con người.

Cổ nhân nói “Dân có Tuần, Nước có Vận”. Vận nước là vận khí của một quốc gia. Theo Kinh Dịch thì mọi việc trên đời đều biến đổi không ngừng. Có những việc xảy ra ngày hôm nay được bắt nguồn từ hôm qua và đó là nguyên nhân cho những việc xảy ra ở ngày mai. Lên đến đỉnh cao, tất phải rơi xuống. Xuống điểm thấp nhất, tất phải trồi lên. Cho nên, vận nước thịnh hay suy là tùy vào sự biến dịch theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ, hễ Âm thịnh thì Dương suy, nhưng khi Âm thịnh đến cực điểm của Thái Âm thì sẽ nhường chỗ trả lại cho Dương, khi Dương đến cực điểm của Thái Dương thì cũng sẽ nhường lại cho Âm (thuyết "Phản Phục" của Dịch lý).

Hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy Âm (chế độ CSVN) đã và đang suy thoái trầm trọng, ngày càng xuống dốc thật sự, rất khó cứu vãn… ắt sẽ phải trả lại cho Dương. Quy luật tự nhiên “Âm cực Dương hồi”, mỗi sự vật khi đi đến cực độ phải biến là như vậy.

Vận mệnh con người cũng giống như vận nước, đều có những chu kỳ thịnh hay suy, tùy theo tuổi mà tính theo tam hợp: Thân Tý Thìn, Dần Ngọ Tuất, Hợi Mão Mùi, Tỵ Dậu Sửu. Vận nước theo chu kỳ của mỗi quốc gia đều khác nhau tùy theo yếu tố địa lý. Riêng vận nước Việt Nam thay đổi theo chu kỳ Tý Ngọ Mẹo Dậu (những năm giữa của 4 tam hợp).

Chu kỳ Tý Ngọ Mẹo Dậu

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, những biến chuyển và thay đổi chính trị quan trọng đều rơi vào chu kỳ những năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu.

Năm Tý

- Năm 1672 (Nhâm Tý), cuộc chiến Trịnh - Nguyễn kết thúc.

- Năm 1792 (Nhâm Tý), vua Quang Trung băng hà.

- Năm 1804 (Giáp Tý), nhà Nguyễn đặt quốc hiệu là Việt Nam.

- Năm 1840 (Canh Tý), vua Minh Mạng băng hà.

- Năm 1888 (Mậu Tý), hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Đốc Tích, Lưu Kỳ... nổi lên khiến giặc Pháp điêu đứng.

- Năm 1912 (Nhâm Tý), cụ Phan Bội Châu và Cường Để lập "Việt Nam Quang phục hội".

- Năm 1924 (Giáp Tý), Phạm Hồng Thái mưu sát Toàn quyền Đông Dương tại Sa Điện (Quảng Châu), gây tiếng vang lớn trong công cuộc chống Pháp.

Năm Ngọ

- Năm 1054 (Giáp Ngọ), nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt, nói lên niềm tự hào dân tộc.

- Năm 1078 (Mậu Ngọ), đức Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt. Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà" là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên ra đời.

- Năm 1258 (Mậu Ngọ), quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất, quét sạch 30 vạn quân xâm lược ra khỏi đất nước.

- Năm 1282 (Nhâm Ngọ), nhà Trần mở Hội nghị Bình Than, bàn kế hoạch chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai.

- Năm 1426 (Bính Ngọ), đức Lê Lợi chiến thắng vẻ vang tại Tốt Động - Chúc Động.

- Năm 1786 (Bính Ngọ), cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, anh hùng Nguyễn Huệ thống nhất đất nước.

- Năm 1930 (Canh Ngọ), Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm Mẹo

- Năm 1075 (Ất Mẹo), đức Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm.

- Năm 1459 (Kỷ Mẹo), vua Lê Nhân Tông bị người anh giết chết.

- Năm 1627 (Đinh Mẹo), Trịnh - Nguyễn bắt đầu phân tranh.

- Năm 1735 (Ất Mẹo), vua Lê Thuần Tông mất.

- Năm 1759 (Kỷ Mẹo), vua Lê Ý Tông mất.

- Năm 1771 (Tân Mẹo), Nguyễn Nhạc chiêu binh chống nhà Nguyễn.

- Năm 1783 (Quý Mẹo), Nguyễn Ánh thua trận phải lánh nạn ở Phú Quốc. 

- Năm 1819 (Kỷ Mẹo), vua Gia Long mất.

- Năm 1867 (Đinh Mẹo), cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Pháp tuyên bố toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc lãnh địa của nước Pháp.

Năm Dậu 

- Năm 937 (Đinh Dậu), đức Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc.

- Năm 1009 (Kỷ Dậu), Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra triều Lý.

- Năm 1285 (Ất Dậu), đức Trần Hưng Đạo đánh bại 50 vạn quân Nguyên Mông xâm lược.

- Năm 1789 (Kỷ Dậu), vua Quang Trung thắng trận Đống Đa, đại phá 20 vạn quân Thanh xâm lược

- Năm 1885 (Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết tấn công giặc Pháp ở kinh thành Huế, đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, phát động “Phong trào Cần vương” chống Pháp.

Lịch sử VN thời cận đại 

- Nạn đói năm 1945.

- Ngày 11/3/1945 (Ất Dậu), Nhật đảo chính Pháp và trao trả độc lập cho Việt Nam. Vua Bảo Đại ra "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre, khôi phục chủ quyền Việt Nam và chính phủ Trần Trọng Kim ra đời.

- Ngày 25/8/1945, Bảo Đại đọc Thuyên ngôn Thoái vị

- Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

- Hiệp định Geneve năm 1954 (Giáp Ngọ), chia cắt đất nước.

- Ngày 16/6/1954, ông Ngô Đình Diệm được Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm Thủ tướng.

- Ngày 1/11/1963 (Quý Mẹo), Tổng thống Ngô Đình Diệm bị phe đảo chánh sát hại.

- Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969 (Kỷ Dậu).

- Biến cố ngày 30/4/1975 (Ất Mẹo).

- Năm 2011 (Tân Mẹo), Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư, Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội và Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng thêm nhiệm kỳ 2.

Ấn tín

Ngày xưa chưa có chữ ký, chỉ có vua chúa và các quan lại mới dùng ấn tín mỗi khi phê duyệt một tờ trình hay công văn quan trọng. Ấn là dấu, là vật bảo chứng. Tín là tin, xác nhận. Ấn tín là con dấu chứng minh, có tác dụng xác nhận mệnh lệnh hoặc sự đồng thuận của vua chúa hay quan lại. Ấn tín của vua có loại đúc bằng vàng, bằng ngọc và gọi chung là bảo tỷ (quốc bảo ấn). Bảo tỷ được xem là trọng vật của quốc gia, như Bảo tỷ triều Nguyễn là loại ấn tín tượng trưng cho đế quyền của các vị vua.

Các ấn tín của nhà Nguyễn được chia làm hai loại: Loại ấn bằng vàng gọi là "kim tỷ" và loại ấn bằng ngọc gọi là "ngọc tỷ". Mỗi loại ấn đều có cách sử dụng riêng và dùng cho một loại công văn được chỉ định. Từ thời Nguyễn Phúc Chu đã có ấn bằng vàng, sau khi Gia Long lập ra triều Nguyễn, việc đúc ấn bằng vàng mới được chú trọng.

Tổng cộng trong thời Nguyễn (1802- 1883), nhà Nguyễn đã làm ra hơn 20 chiếc ấn bằng vàng và bằng ngọc, loại đúc bằng vàng chiếm đa số. Theo sử sách, các vua Nguyễn có nhiều ấn nhất trong lịch sử, 13 đời vua nhà Nguyễn có hơn 46 ấn. Trong đó, triều Gia Long có 6 ấn bằng vàng, triều Minh Mạng chế thêm 8 ấn, tất cả được xếp vào loại Quốc bảo.

Nếu căn cứ theo bản Dụ năm 1847 của vua Thiệu Trị, nhà Minh có 24 ấn, nhà Thanh có 25 ấn, thì số lượng ấn của triều Nguyễn cũng tương đương với 2 triều đại này. Trong 20 ấn đúc thời đầu nhà Nguyễn, có 6 ấn đúc thời vua Gia Long và 14 ấn đúc dưới thời vua Minh Mạng.

Chữ ký

Sau thập niên 1950, người biết đọc biết viết, nhất là giới trí thức khoa bảng đều có riêng một chữ ký. Chữ ký được xem như là một dấu ấn đại diện cho người ký. Còn xấu hay đẹp là tùy theo trình độ học vấn của mỗi người. Trong phạm vi vận mệnh, chữ ký xấu hay đẹp không đặt thành vấn đề, điều cần nhất là nét ký có tốt cho cuộc đời của người ký hay không.

Dưới mắt của nhà tướng học hay nhà chiết tự thì chữ ký của mỗi người như một cẩm nang, trong đó chỉ rõ quá khứ, vị lai về cuộc đời người ký. Tuy nhiên tùy theo trường phái, sự hiểu biết và kinh nghiệm, mỗi nhà chiết tự không nhất thiết phải xem giống nhau, mỗi người đều có phương pháp khác nhau nhưng tựu trung chỉ với mục đích tìm ra vận số của người ký.

Bà Huỳnh Liên Tử đánh giá người cầm viết ký như sau:

- Người cầm viết ký tên mà không cần biết cây viết còn mực hay không, hoặc đặt viết xuống ký liền, thì đó là người nhẹ dạ, chủ quan, khó làm việc lớn. Ngược lại, người cầm viết gạch thử một vài nét trước khi ký, đấy là người cẩn thận, chu đáo, thường thành công trong công việc.

- Người cầm viết ký tên mà đè rất mạnh gần rách tờ giấy, nét ký in hằn qua đôi ba lớp giấy bên dưới, đó là người có tánh nóng nảy, ưa gây gỗ, thích dùng bạo lực.

- Người cầm viết trước khi ký mà đưa viết qua lại để ướm thử, đấy là người có tánh đa nghi, thiếu chân thật, thích vẻ hào nhoáng bên ngoài.

- Người cầm viết thì không dựng đứng, khi ký lại dựng đứng cây viết để ký, đó là người tự cao tự đại, có tánh “thượng đội, hạ đạp”.

- Người cầm viết ký tên nhẹ nhàng như sợ hư giấy, đấy là người có tấm lòng vị tha bác ái, bình đẳng và biết thương người.

- Người chỉ dùng một cây viết để ký tên, đó là người khó tánh, ít bạn bè nhưng lại là người chung thủy, sẵn sàng giúp bè bạn trong cơn nguy khốn.

Luận chữ ký của ông Dũng


Chữ ký cần rõ nét, bình thường (không lập dị), không dài quá, không ngắn quá, không có nét cao quá hoặc thấp quá và cần nhất là quân bình so với lằn gạch bên dưới (nếu có).

Không biết ông Dũng bắt đầu chữ ký này từ lúc nào, nhưng cho dù bao lâu đi nữa thì nét ký vẫn hiện ra cho thấy quá khứ và vị lai vận vào cuộc đời ông. Người viết xin phân tích như sau:

- Chữ D đầu cao ráo, cho biết đường công danh sự nghiệp rất hạnh thông, có quới nhân giúp đỡ nên qua được những hiểm cảnh và bĩ cực của thời trẻ tuổi.

- Nét từ đầu chữ D kéo ngang qua phải cho thấy ông là người khôn ngoan. Loại người này khi đã có quyền lực thì sẽ không bao giờ để cho quyền lực bị chi phối hoặc quyền lợi bị xâm phạm.

- Nét chữ từ trên cao xuống quá thấp, nét nhỏ và không đều, thường là người có tâm địa nhỏ nhen, tỵ hiềm đố kỵ, luôn tạo sự nghi kỵ và chia rẽ trong hàng ngũ những người đồng cấp.

- Nét nhỏ đi xuống, kéo ra và bật lên theo đường gãy (như chữ v), cho thấy ông là người thích được nịnh, thích mua quan bán tước và nặng phần trình diễn.

- Nét đi lên như chữ L cho thấy rõ ông là người giàu có. Thay vì đá nét cong lên cao luôn thì quá vẹn toàn, nhưng lại ngưng bất thường (giai đoạn này là lúc gần 70 tuổi). Đây là nét xấu nhất trong chữ ký của ông Dũng.

Nguyên tắc chiết tự, khi nét chữ bị ngưng bất ngờ thì phải tính ngược lại chữ đầu, mà ngược lại chữ đầu thì thấy số 8 ngược và có chữ thập (đại hung). Tuổi cao niên như ông Dũng, chưa chắc những quới nhân thời trước còn sống để giúp ông thoát cảnh tù tội hay hiểm cảnh như cụ Diệm vào phút cuối.

Nếu ông Dũng nhận biết và thay đổi chữ ký thì ít nhất 6 tháng sau mới có hiệu quả. Tuy nhiên ông Dũng phải làm một việc lớn giúp dân, giúp nước thì may ra mới vượt qua hiểm cảnh. Nhưng thay đổi chữ ký vào những năm tháng cuối đời sẽ khiến ông thay đổi nơi cư ngụ, có thể phải sống lưu vong nơi xứ lạ quê người.

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/van-menh-cua-tt-nguyen-tan-dung-qua-chu.html#.Ukw70lPKEjI
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001