Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Hoàng Nhất Phương - Lời Tri Ân

Hoàng Nhất Phương - Lời Tri Ân 



Hoàng Nhất Phương
Được sinh ra sống trong đời, được nói lời cảm ơn những ai đã đang giúp đỡ, khích lệ mình là điều hết sức bình thường. Không biết cảm ơn hay quên ơn người khác - đáng lẽ là chuyện bất thường - nhưng hình như bây giờ điều này rất hay xảy ra. Sự bình thường của lòng biết ơn và sự vô ơn cũng "hết sức bình thường" này, khiến cõi người ta phải tự hỏi: Vì đâu nên nỗi? Bởi vì đời sống quá khó khăn, quá vội vã, quá máy móc, khiến người ta không thể bình tâm để lời tri ân từ đáy sâu nội ngã có cơ hội lên tiếng. Hay bởi vì phải chịu đựng nhiều đau khổ, nên người ta khó lòng tìm thấy một điều gì đó để biết ơn? Thời đại thông tin khoa học tiến bộ đã cống hiến rất nhiều tiện nghi cho nhân loại. Vậy tại sao người ta vẫn không thể biết ơn, và không vui sống? Dễ hiểu thôi. Cứ nhìn ngắm thế giới bằng đôi mắt bi quan yếm thế, nhất định người ta sẽ thấy chết là khổ, sống cũng là khổ; sầu muộn, phiền não, cũng là khổ. Không có được điều mình mong muốn cũng là khổ. Triết gia Aristotle từng nói "tri giác là khổ - to perceive is to suffer." Vì đau khổ nên người ta không nhận ra nghĩa tình, chỉ thấy bi phẫn tuyệt vọng. Một ví dụ trước mắt: Cơn bão Haiyan với sức gió lên đến 300km/một giờ không ngừng tàn phá đất nước Phi Luật Tân. Con số tử vong có thể lên đến 10.000 người. Dân chúng phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thực phẩm, thiếu quần áo, nhiều không đếm được. Haiyan đang thổi ra biển, hướng vào Việt Nam. Cư dân ở quanh vùng duyên hải đã được di tản, nhưng cũng không thể biết điều tồi tệ nào sẽ xảy ra…?! Cho dẫu toàn thế giới hướng về Manila, hết lòng giúp đỡ cứu trợ. Nhưng nỗi bất hạnh vì nhà tan cửa nát, vì quá nhiều người thiệt mạng, khiến không chỉ gia đình của nạn nhân mà cả những người ngoài cuộc cũng phải than khóc. Tưởng như cõi người ta mặc nhiên bị trầm cảm, không còn tâm trí nghĩ đến bất cứ điều gì khác, quên cả lời tri ân khi được nhường cơm xẻ áo!
Bắt đầu từ lúc làm chủ trái đất, có gian nan khốn khó nào cõi người ta chưa từng nếm trải? Cháy rừng, động đất, sập cầu, vỡ đê, đổ nhà, dịch bệnh, bom đạn, chiến tranh, bạo lực, khủng bố…v.v… Nhân loại thật sự từng nếm trải muôn vàn thống khổ. Cho dẫu là như vậy con người cũng đã vượt qua những đêm dài hằng thế kỷ, đã mạnh mẽ trỗi dậy, kiên cường tái thiết, hàn gắn những mất mát cả về tinh thần lẫn vật chất; và vẫn luôn hy vọng sẽ kiến tạo một nền hòa bình thịnh trị chung trên toàn thế giới. Nếu không lạc quan nhìn về phía trước, nếu không tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng, nếu không dũng cảm làm lại từ đầu..., sau Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, sau những cơn địa chấn hay những trận sóng thần khủng khiếp, có lẽ nhân loại đã trở về thời kỳ mông muội và bị tận diệt. Dù lắm khi thở than…người đời có dư sao riêng ta thiếu thốn, người đời sung sướng sao mình ta sầu thảm…, mỗi người đều cố bước ra khỏi hố thẳm nội tâm đi tìm con đường vui sống. Bởi vì ai cũng biết: Ở bất cứ nơi đâu trên thế giới bị tai họa, thì nhân loại cư ngụ trong những lãnh thổ bình yên còn lại của địa cầu đều chung lòng chung sức giúp đỡ. Như bây giờ mọi người đang góp công góp của, để cứu trợ Phi Luật Tân, và những khu vực bị ảnh hưởng bão Haiyan. Sự tổn thất đã đành không thể nào bù đắp, nhưng lòng tương thân tương ái giữa người với người cũng không có gì so sánh được. Phải chăng chỉ bấy nhiêu thôi đủ để cảm tạ ân sủng thiên lý của trời đất, đủ để cảm ơn người đã cho ta mượn bờ vai để tựa, đã đưa bàn tay cho ta vịn để đứng lên.
Sự sống là điều kỳ diệu, là món quà đặc biệt nhất mà nhân loại được thụ hưởng. Hiểu rõ điều này cũng có nghĩa là nhận biết: Mỗi người hiện hữu trên trái đất đều có cội nguồn. Nguồn cội thôi thúc chúng ta thương nhớ hình bóng quê hương, ghi lòng tạc dạ công cha nghĩa mẹ ơn thầy. Thật dung dị và chân thành, người xưa dùng câu "uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, để nói lời tri ân với bất cứ ai đã đổ mồ hôi trên ruộng đồng vườn tược, cho chúng ta được hưởng thành quả tốt đẹp khi lúa được mùa, khi hoa màu cây trái sum sê chín mọng. Bắt đầu hợp thành xã hội, cũng là lúc nhân loại biết phải qúy trọng và tri ân những gì mình đã đang lãnh nhận. Chúng ta không bao giờ quên bài học đạo đức đầu đời về lòng biết ơn. Chẳng phải nhờ giàu sang hay nhờ thông thái, mà chính nhờ tinh thần an lạc chúng ta mới có thể sống bình yên và hạnh phúc. Một trong số những yếu tố tinh thần có sức nâng đỡ tâm hồn nhiều nhất - đó là lòng biết ơn - là sự trân trọng đối với những người đã nuôi dưỡng, dạy dỗ, đối xử tốt, ân cần trợ giúp chúng ta mọi nơi mọi lúc, cả những khi lỡ bước cùng đường.
Meister Eckhart từng nói: "Nếu suốt đời lời cầu nguyện duy nhất mà bạn nói, chỉ là xin cảm ơn, chừng ấy cũng đủ rồi - Ifthe only prayer you ever say in your entire life is thank you, it will be enough." Nguyện chúc chúng ta vui hưởng Lễ Tạ Ơn như ý nguyện, bằng lời tri ân gửi đến nhau với cả tâm tình.
Hoàng Nhất Phương
9:15am Thứ Hai ngày 11 tháng 11 năm 2013

Hồ Gươm gửi hôm Thứ Bảy, 30/11/2013 
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131130/hoang-nhat-phuong-loi-tri-an
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001