Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

DANH DỰ NĂNG LỰC VƯƠN TỚI BÌNH QUYỀN

DANH DỰ NĂNG LỰC VƯƠN TỚI BÌNH QUYỀN 

                                                      
17/12/2013
Nguyễn Hoàng Đức
 .
Danh dự là thứ cao nhất của con người, bằng chứng là, nó là thứ cá nhân, sắc tộc hay quốc gia nhiều khi phải chứng minh và đổi bằng máu mới có được. Danh dự không hề đơn giản và dễ hiểu một chút nào, bởi vì nó là bài học có giá của sinh mệnh. Danh dự là thứ cao quí tột cùng người cao thượng buộc phải có. Và người bình thường cũng buộc phải có luôn. Triết gia Kant, người được mệnh danh là “ông hoàng của phúc âm mới”, cho rằng: muốn giữ được thanh danh tốt thì con người ta buộc phải thực hiện bổn phận của mình trong bất kể hoàn cảnh nào, cái mà ông gọi là “mệnh lệnh tuyệt đối” ( l’imperative absolue).
Người đạo đức giữ mình, không chịu vong thân trong mọi hoàn cảnh, vì họ coi đạo đức là mệnh lệnh tuyệt đối, không có sự lựa chọn thứ hai, hoặc không  có thỏa hiệp cho bản thân mình, chẳng hạn như thấy đói thì ăn cắp, rồi đổ cho hoàn cảnh, thấy việc phải ra tay như “anh hùng thấy sự bất bình chẳng tha” lại lủi trốn lấy cớ tôi đang bận việc khác. Trái lại, người tầm thưởng tùy tiện, giống như ký sinh thay đổi theo nhiệt độ môi trường hay hoàn cảnh, thì được đâu âu đấy. Thí dụ dễ hiểu thế này, một chiếc xe tốt, máy của nó khởi động trong mọi thời tiết dù nóng sa mạc hay lạnh đóng băng, phanh của nó làm việc cả lúc khô và trơn, đèn của nó có thể rọi cả trời quang lẫn sương mù… nó sẽ là cái xe tốt, gây tin tưởng cho người lái, và có giá trị cao. Trái lại mấy cái xe gia công phọt phẹt bạ chỗ nào cũng nằm vật ra. Dễ thấy hơn, các phương tiện ở nhiều nước tiên tiến, tổng số chúng chỉ sai vài phút trong cả năm. Riêng tầu Việt Nam trong một chuyến chậm vài giờ là bình thường, nên người Việt mới hát “tầu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng”.
Khi tôi bàn về danh dự, có ý kiến cho rằng, thời buổi khó khăn này còn bàn đến “danh dự” – thứ cao xa mà làm gì? Nói thế không khác nào bảo: thời đói kém này, chúng ta cứ bàn đến chữ nghĩa, giáo dục để làm gì? Ở đời người ta cứ lầm tưởng: không ăn, không uống thì chết. Nhưng không biết được rằng, không thở thì còn nhanh chết hơn. Tuy vậy, vì không khí không mất tiền mua nên người ta coi thường nó. Cái máy bay rất hiện đại, nhưng nếu không có thứ hướng dẫn sóng của ăng ten, cái tưởng là phụ họa nhưng lại quan trọng nhất, thì máy bay không dám cất cánh. Thời nay, các công ty xuất khẩu ý tưởng như Google hay Facebook… thường đạt giá trị cao hơn hẳn thứ lao động cơ bắp hay móc tài nguyên lên bán. Vì thế nếu coi danh dự là xa hoa phù phiếm không thiết thực, thì là cách của “ăn lấy đặc, mặc lấy dầy”, tưởng thực dụng sẽ no ấm, nhưng lại là đói kém nhất. Trước kia trong quân đội có câu “tư tưởng không thông vác bình tông không nổi”. Danh dự cũng vậy, nó là tư tưởng, là ăng ten dẫn dắt hành động của con người, nếu nó không được đặt trúng vị trí, thì cơ thể sẽ không thể nào vận động.
Danh dự đâu có đơn giản là danh dự mà nó là khối đô-mi-nô đầu tiên làm lăn đi tất cả các con đô-mi-nô khác. Trước hết, người nô lệ không thể được gọi là có danh dự, bởi như người ta nói “hạng cổ cày vai bừa”, “kiếp chó ngựa nô tài”, hay “đồ kẻ dưới, công dân hạng hai”… Vì thế muốn có danh dự, việc đầu tiên con người đều khao khát vươn lên, rồi bình đẳng. Dịp vừa qua, thế giới chứng kiến một bản mẫu về bình đẳng độc nhất vô nhị trong lịch sử, cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela, người da đen, đã phấn đấu hơn nửa thế kỷ nâng dân Nam Phi cũng như da đen trên toàn thế giới lên địa vị ngang bằng với người da trắng, khi ông mất đã được cả triệu người da đen đến thăm, được cả trăm lãnh tụ các nước trong đó có nhiều cường quốc đến viếng.
Thế giới đã chứng kiến những cuộc đấu tranh đòi ngang bằng rung động lịch sử toàn cầu như giải phóng nô lệ, giải phóng phụ nữ, giải phóng các dân tộc… Khi một phụ nữ da đen Mỹ đầu tiên không chịu đứng lên giành chỗ cho người da trắng, chị đã tạo ra tiền lệ để những phụ nữ da đen khác không phải nhường chỗ cho người da trắng. Việc tưởng nhỏ nhưng đó là một cuộc đại chiến trong tâm hồn, và nó cũng trực tiếp liên quan đến sinh mệnh của chị. Chị đã đòi bình quyền, và như vậy cũng là đòi danh dự ngang bằng cho mình, để không phải làm trâu chó.
Bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau. Mà là bình đẳng trong bổn phận. Khi ông chủ da trắng đề nghị tối thứ bảy trông con cho ông đi có việc, một nữ người ở da đen ở Mỹ nói: “Thưa ông hôm đó là ngày nghỉ của tôi”.
       “Tôi sẽ trả cô gấp đôi lương!”
        “Cũng được nhưng để hôm khác. Còn thứ bảy này tôi đã hẹn đi nhảy với bạn trai. Mong ông về đúng 18 h chiều, tôi phải về đúng giờ để còn chuẩn bị”.
Đấy là bình đẳng trong chức năng khác biệt, và trong bổn phận thuộc về mỗi người. Người ở nữ da đen dù chỉ là kẻ làm thuê, nhưng đã ngang bằng với ông chủ trong hợp đồng mà cả hai đều phải tuân thủ và tôn trọng lẫn nhau. Tôi làm cho anh. Anh trả tiền cho tôi theo đúng tinh thần hợp đồng. Nếu ai vi phạm thì phải ra tòa. Dù là chủ anh cũng không có quyền ép buộc tôi làm việc thêm cho dù chỉ một buổi tối. Cái bình đẳng đó từ đâu mà ra? Dứt khoát từ ý thức về danh dự. Khi cô người ở từ chối đề nghị của ông chủ, cô đã không sợ theo kiểu khiến ông chủ bất mãn có thể mất việc, mà cô nghĩ, tôi không nhường cho ông cả ý thích, lẫn cuộc đời của tôi, nếu phải mất việc tôi sẵn sàng đối mặt với nó, nhưng sẽ có công đoàn và pháp luật bảo vệ tôi.
Ở đời nơi bất công thì khỏe bắt nạt yếu, lớn bắt nạt nhỏ, nam bạo hành nữ, khôn ăn hiếp dại, trẻ lấn át già, quan lại đè nén dân chúng… nhưng trong xã hội bình đẳng thì không vậy, bởi vì người ta có hệ thống công quyền đủ tốt đẹp và công lý để bảo vệ những người yếu. Ở Mỹ, có một câu chuyện hiển nhiên nhưng rất đẹp. Anh chàng đần độn kia bảo với mọi người: thằng khôn nó được hưởng cái khôn của nó, còn tôi ngu tôi hưởng cái ngu của tôi. Theo ý anh ta, người khôn có rất nhiều thành tựu, vinh quang và tiền của. Còn anh ta ngu, thì được hưởng đúng cái gì trong khả năng của mình, không bị những kẻ khôn lạm dụng hay bắt nạt, bởi vì dù anh ta ngu vẫn có pháp luật để bảo vệ mình.
Bình đẳng là thử thách khó khăn đầu tiên của loài người vì hầu hết người ta đều thích ăn trên ngồi trốc, nhưng bình đẳng có lẽ cũng là phát hiện muộn mằn bậc nhất trong lịch sử loài người. Những năm mới đây, Liên Hiệp Quốc phát hiện, ở nước nào không có bình đẳng nam – nữ thì đều nghèo đói, bởi lẽ thay vì công việc được chất lên vai hai người thì chỉ được đặt lên vai nam giới, còn phụ nữ ở nhà. Vì vậy, thước đo một quốc gia tiến bộ giầu mạnh cũng chính là thước đo giải phóng để phụ nữ bình quyền. Và còn cụ thể hơn là bằng chứng mà tỉ lệ phụ nữ điều hành quốc gia.
Trước khi trời đất lấy lại cân bằng, nó phải trải qua giông tố. Ngay trong gia đình hay xã hội muốn: cha không nói oan, quan không nói hiếp, chồng không có nghiệp nói thừa thì mỗi người phải cố gắng rất nhiều. Mới đây có ý kiến cho rằng, người Việt thông minh sao nước Việt nghèo đói vậy? Ngay cả nước Mỹ mới đây cũng có một chuyện rất xôn xao dư luận, khi một giáo sư người Mỹ đánh động vào trái tim của các bậc phụ huynh cường quốc rằng “trẻ con Mỹ chẳng có tư chất gì đặc biệt cả”.
Cuộc đời chính là sân khấu lớn cho văn học. Mà triết gia Hegel xác định, không thể có thứ văn học lớn nhờ sụt sịt vài khó khăn nheo nhóc của đời sống, bởi vì thứ nhân vật sống trong khó khăn chỉ là thứ co ro dày vò cuộc đời túng thiếu đói khổ, ở đó làm sao xuất hiện những trai hùng gái liệt đang đương đầu làm vỡ tung những bi kịch lớn của thời đại. Dân tộc chúng ta đã trải qua nhiều biến cố hào hùng, sao chúng ta vẫn buộc phải nói “văn học chúng ta không tương xứng với tầm vóc của thời đại?” Còn lý do nào khác hơn là bởi chúng ta đâu có đào sâu vào ý nghĩa danh dự của người con người, một con người có chiều cao lớn vọt khỏi những tem phiếu giành cho giá áo túi cơm.
Nước Nhật nghèo tài nguyên bậc nhất, nhưng vì là quốc đảo nên ý thức trọng danh dự rất cao, vì thế trong cả chiến tranh lẫn hòa bình họ đều chứng tỏ khả năng “hiệp sĩ” của mình. Danh dự luôn luôn là câu chuyện của ông chủ, còn đầy tớ thì cần “ăn để mà sống”. Một cá nhân hay một dân tộc muốn tự chủ về mình luôn cần ý thức về danh dự. Nhà văn thì phải cần danh dự hơn ai hết! Vậy mấy bài thơ lẻ cảm xúc lè tè liệu có đủ bậc thang để bắc lên danh dự? Chúng ta sẽ bàn tiếp về việc này. Danh dự như không khí để thở, mong rằng ít ra nó cũng mang tính “thời sự” ngang ngửa như cơm áo?!
NHĐ 15/12/2013

Tác giả gửi cho NTT blog
nguồn:http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/2013/12/17/danh-du%CC%A3-nang-lu%CC%A3c-vuon-toi-binh-quyen/
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001