Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Hà Giang - Có phải dân Thái thích đảo chánh?

Hà Giang - Có phải dân Thái thích đảo chánh? 

   at 12:36 PM


Hà Giang/Người Việt - 

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bước qua một khúc quanh mới, khi Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, sáng thứ Hai, giải tán Quốc hội, và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Nhưng lãnh đạo phe biểu tình nhất định dùng cuộc xuống đường vĩ đại, ước tính khoảng 150,000 người, để tạo áp lực, đòi lập ngay một chính phủ mới.
Khoảng 150,000 người biểu tình tụ họp tại trước tòa nhà chính phủ ở Bangkok hôm 9 tháng Mười Hai, đỏi Thủ Tướng Yingluck Shinawatra từ chức để lập chính phủ mới. Bà Yingluck giải tán Quốc Hội, đề nghị bầu cử sớm, mong làm dịu tình thế. (Hình: PHILIPPE LOPEZ/AFP/Getty Images)

Ngay sau khi tuyên bố từ chức, ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ, cũng là cựu Thủ tướng Thái, phát biểu với báo chí: "Thủ tướng chưa bao giờ tỏ ra có trách nhiệm hay lương tâm.”

Việc toàn thể các thành viên của đảng Dân Chủ, đảng đối lập lớn nhất, đứng về phe người biểu tình hiện đang đòi bà Yingluck từ chức, cho thấy tình hình chính trị của Thái Lan ngày càng trở nên bế tắc.

Quân đội Thái, từng lật đổ Thaksin Shinawatra, anh ruột của Thủ Tướng Yingluck, trong cuộc đảo chính năm 2006, đến giờ vẫn giữ vai trò trung lập, cho biết không muốn tham gia vào tranh chấp này.

Nếu biểu tình dẫn đến đảo chánh, đây sẽ là lần đảo chánh thứ 18 của Thái Lan, kể từ thập niên 1930s. 18 cuộc đảo chánh trong vòng bảy thập niên, so với bất cứ quốc gia nào, cũng là một mức độ quá cao.

Tại sao Thái Lan có một nồng độ đảo chánh cao như vậy? Có phải dân Thái thích đảo chánh? 
Một phân hóa sâu xa

Mọi việc bắt đầu vào ngày 24 tháng Mười Một, khi trên 100,000 người xuống đường tại Bangkok, đòi nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra phải lập tức từ chức. 

Thủ Tướng Yingluck khá bất ngờ trước biến cố này. 

Vài năm đầu trong nhiệm kỳ của bà Yingluck, người đắc cử vẻ vang trong cuộc bầu cử năm 2011, có vẻ an bình. Dưới quyền lãnh đạo của Yingluck, Thái Lan hồi phục từ cuộc khủng hoảng lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6.5 phần trăm trong năm 2012.

Nhưng không phải người dân nào cũng hài lòng với chế độ của người nữ thủ tướng đầu tiên của đất Thái. 

Tuy bà Yingluck Shinawatra chính thức cầm quyền, nhưng không ai nghĩ rằng vị nữ thủ tướng này cai trị đất nước Thái Lan mà không có bàn tay xen vào, thậm chí điều khiển, của ông anh ruột tỷ phú. Nội các của Yingluck đầy rẫy đồng minh thân cận nhất của Thaksin, thường xuyên truyện trò với Thaksin qua Skype, đồng thời, nhiều nhà lập pháp đảng Puea Thai thường xuyên ra nước ngoài để gặp Thaksin tại nhà riêng của ông ta ở Hồng Kông và Dubai.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra, qua vài năm trị vì yên ổn, có thể đã đánh giá sai tình hình, châm ngòi cho cuộc biểu tình mới nhất này, bằng cách ủng hộ một dự luật ân xá, mà nếu được thông qua, sẽ xóa tan tội tham nhũng của Thaksin, mở đường cho ông anh tỷ phú đầy quyền lực này trở về nước.

Phe đối nghịch gọi dự luật này là một “động thái trắng trợn” nhằm “xóa hết tội lỗi” của Thaksin để đưa ông về nước tìm cách lấy lại quyền lực. 

Dự luật cuối cùng bị thất bại ở Thượng Viện, bà thủ tướng xếp xó nó, nhưng đã quá trễ. Hàng trăm ngàn người Thái vẫn tràn ra biểu tình ở các đường phố Bang Kok, đòi hỏi bà Yingluck, mà họ gọi là "phe nhóm của Thaksin" từ chức. 

Việc Yingluck ủng hộ dự luật ân xá gây phẫn nộ cho nhiều thành phần dân chúng, vốn sẵn cho rằng Yingluck chỉ là bù nhìn của Thaksin, cũng như tin rằng Thaksin dùng tiền để mua phiếu cho cô em trong cuộc bầu cử năm 2011. Kẻ thù chính trị lâu năm của Thaksin được dịp đang cố gắng tận dụng sự giận dữ của công chúng để nắm quyền kiểm soát.

Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định:
"Dự luật ân xá thất bại này phản tác dụng. Các phong trào chống Thaksin, dịu đi được một thời gian, được khơi mào trở lại, và mọi dấu hiệu cho thấy sẽ không dừng lại ở đây." 

Tình trạng bất ổn này cho thấy một hố sâu chia cách giữa phần lớn người nghèo nông thôn với giới thương lưu thành thị. Phân cách này đã dẫn đến nhiều biến động ở Thái Lan trong những năm gần đây, mặc dù người ở trung tâm cuộc phân hóa, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã không có mặt ở Thái Lan kể từ năm 2008 đến nay.

Trước khi bị quân đội đảo chánh năm 2006, Thaksin là một tỷ phú, tạo được tài sản khổng lồ trong ngành viễn thông vào cuối thập niên 80s và đầu thập niên 90s. Thaksin bị cáo buộc tội thao túng chính sách của chính phủ để tạo lợi thế cho đế chế kinh doanh của mình. 

Phe ủng hộ chính quyền Yingluck nói rằng hành động của phe biểu tình làm suy yếu đi nền dân chủ non trẻ của Thái Lan. 

Phe ủng hộ biểu tình nói rằng ngay cả khi gia tộc Shinawatra, trên nguyên tắc, có thể nói rằng họ được thắng cử đàng hoàng, thực sự họ đã không đắc cử một cách dân chủ, vì đã dùng tiền mua phiếu. 

Hai phiên bản dân chủ khác nhau

Điều đáng nói là cả người biểu tình trên các đường phố Bangkok và chính quyền Thái Lan xin họ thôi đừng chống đối nữa, đều nói mình đứng về phía dân chủ.

Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế Chulalongkorn, nhận định rằng hai phe "tin vào hai phiên bản dân chủ khác nhau."

"Đó là một cuộc đấu tranh cho linh hồn của dân tộc, cho tương lai của đất nước", ông nói. Một bên muốn "được lắng nghe", trong khi phe người biểu tình "muốn sự hợp pháp của chính quyền bắt nguồn từ căn bản đạo đức. Họ quan niệm là, nếu một bên trích một số tiền, mà do tham nhũng họ mới có được, để mua phiếu của người nghèo, thì đó không phải là dân chủ thật sự.”

Đảng Dân chủ, đã không dành được phiếu của đa số cử tri từ hơn 20 năm nay, bị đảng Pheu Thai và bà Yingluck đánh bại thảm thương trong cuộc bầu cử năm 2011, nói rằng bà thắng cử được là nhờ tiền mua phiếu do Thaksin bỏ ra.

"Không thể gọi đây là một nền dân chủ", Sombat Benjasirimongkol, một người biểu tình đang đứng bên ngoài một bót cảnh sát tuần này khẳng định.

"Chính phủ này là một chế độ độc tài, lên nắm quyền bằng cách mua phiếu. Giới ủng hộ Yingluck là những người nghèo, thất học, thiếu hiểu biết, rất dễ mua phiếu của họ.”

Giáo sư Pavin Chachavalpongpun, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Kyoto, không đồng ý. Ông nói lập luận “dễ mua phiếu của người nghèo” chỉ là một cái cớ phe đối thủ của ông Thaksin sử dụng để giành chính quyền.

Giải thích quan điểm của mình, giáo sư Pavin nói phong trào biểu tình phản đối chính phủ chỉ đơn giản là "một thiểu số từ chối không muốn công nhận kết quả bầu cử.”

“Họ (đảng Dân Chủ) không thể cạnh tranh nổi với Thaksin, không thể thắng cử. Vì vậy, họ đưa ra lý thuyết là người dân quê ít học không biết cách bỏ phiếu. Thực tế là, những người này (người ủng hộ Thaksin) không hề ngu ngốc. Họ có ý thức chính trị."
Thói quen đảo chánh

Giáo sư Nicholas Farrelly, thuộc Đại học Quốc gia Australia có quan điểm là Thái Lan có vẻ nghiện đảo chính, và có thói quen sử dụng những sự can thiệp bên ngoài hiến pháp, để giải quyết xung đột chính trị.

Ông Farrelly nhận định rằng qua nhiều thập niên dựa vào đảo chính “như một biện pháp mặc định” để khôi phục sự ổn định, Thái Lan đã tạo ra một loại "văn hóa đảo chính", trong đó việc lặp đi lặp lại các cuộc đảo chính khiến giới trí thức nước này nghĩ rằng đó là lối thoát duy nhất khi có bế tắc chính trị . Nói một cách khác, càng đảo chính nhiều thì càng mê đảo chính, Farrelly kết luận.

Joshua Kurlantzick, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Council on Foreign Relations, đồng ý với giáo sư Nicholas Farrelly, và đưa ra một số giải thích, chẳng hạn, sở dĩ Thái Lan hay có những cuộc đảo chánh, một phần là vì thặng dư tướng lãnh.

Theo Kurlantzick, so với gần như tất cả quân đội trên thế giới, quân đội Thái Lan có quá nhiều sĩ quan cao cấp không cần thiết cho bộ quốc phòng và cho việc chiến đấu. Mặc dù không có kẻ thù nào, Thái Lan có hơn 1,700 tướng lĩnh và đô đốc, một tỷ lệ quá cao so với quân đội Mỹ. 

Theo Kurlantzick, hầu hết các sĩ quan cao cấp của Thái Lan “không có việc làm thực sự.” Sự rảnh rỗi khiến họ nghĩ rằng để có thể đạt được uy tín, tiền bạc, thậm chí cảm thấy mình cần thiết, họ chỉ còn cách can thiệp vào chính trị.

Ngoài việc thặng dư tướng lãnh, vẫn theo phân tích của ông Kurlantzick, Thái Lan có một thể chế phức tạp, không là một chế độ quân chủ tuyệt đối, mà cũng không phải là một chế độ quân chủ lập hiến thực sự. 

Không là nền quân chủ lập hiến thật sự là vì, nhà vua, là vua trị vì lâu nhất trên thế giới, qua nhiều thập kỷ, đã tích lũy được quyền hạn cá nhân khổng lồ. Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như năm 1973 và năm 1992, nhà vua đã can thiệp trực tiếp vào chính trị để chấm dứt các cuộc biểu tình, cũng như phân xử các vụ tranh chấp lớn. Làm như vậy, có thể ông đã giúp Thái Lan trong ngắn hạn, nhưng lại làm suy yếu sức mạnh của tổ chức chính thức có trách nhiệm giải quyết tranh chấp.


Sự can thiệp của hoàng gia vô hình chung củng cố quan điểm rằng chia rẽ chính trị của Thái Lan chỉ có thể được giải quyết một cách không chính thức, bởi một vị minh quân từ cung điện hoặc một tướng lãnh từ quân đội.

Muốn bỏ được thói quen dựa vào những biện pháp nằm bên ngoài hiến pháp, Joshua Kurlantzick cho rằng mọi phía liên quan phải có những thay đổi.

Trước hết, theo Kurlantzick, ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo của Đảng Dân chủ, người đã nhiều lần bác bỏ kết quả bầu cử, và điều động các cuộc biểu tình đầy bạo lực để châm ngòi cho các cuộc đảo chính, sẽ phải chấp nhận tranh cử, và cố gắng để được đắc cử. 

Kurlantzick giải thích: 
“Dù các biểu tình có thể giúp cho phe đối nghịch đạt mục đích trong thời gian ngắn hạn, liên tục dùng biện pháp này để loại bỏ phe ủng hộ Shinawatra sẽ làm cho Thái Lan suy yếu, mà cũng không giúp cho Đảng Dân chủ ở một vị trí cạnh tranh tốt hơn trong những cuộc bầu cử tới."

"Đảng Dân chủ đã không giành được một cuộc bầu cử quốc gia kể từ đầu những năm 1990 và vì thế cần phải hiểu nhu cầu của giới nghèo, trở nên hấp dẫn hơn với người dân Thái ở nông thôn, nếu muốn giành chiến thắng." Ông nói.

Cung điện cũng phải thay đổi để tiếp tay trong việc phá vỡ văn hóa đảo chính của Thái Lan. Thay đổi trong cung điện hoàng gia của Thái Lan có thể đang diễn tiến. Vị vua tôn kính vừa ăn mừng sinh nhật thứ 86 trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Sau khi nhà vua qua đời, người kế nhiệm ông sẽ không có lợi thế của một quyền lực được tích tụ qua nhiều thập niên vận động chính trị, Thái Lan nhờ đó có thể sẽ phát triển thành một chế độ quân chủ lập hiến thực sự, và phải củng cố vai trò của các cơ quan được chính thức được thiết lập để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như tòa án.

Thay đổi quân đội có lẽ sẽ mất nhiều thời gian nhất. Nhưng, Kurlantzick lập luận, nếu ở các nước khác trong khu vực, như Myanmar và Indonesia, nơi quân đội tham gia nhiều hơn vào chính trị, còn có thay đổi được, thì Thái Lan cũng làm được. Giống như Indonesia, chính phủ Thái Lan có thể giảm bớt quân số, nhất là các cấp lãnh đạo, một mặt dùng tiền này đảm bảo lương hưu cho binh sĩ, và bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao của quân đội vào các cơ quan chính phủ khác, để họ khỏi quá rảnh tay, mà trở thành thực sự hữu dụng cho đất nước. 

Để xoa dịu tình hình, nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra đã dẹp bỏ tự ái, giải tán quốc hội, đề xướng một cuộc bầu cử sớm. Liệu những điều này có đủ giúp Thái Lan giữ vững nền dân chủ, và rũ bỏ được thói quen đảo chánh? 

Thế giới đang chăm chú theo dõi. (H.G.)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/ha-giang-co-phai-dan-thai-thich-ao-chanh.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001