Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Matthew Lee - “Sông Mekong không phải của riêng ai”

Matthew Lee - “Sông Mekong không phải của riêng ai” 



Mathew Lee, Phóng viên hãng AP đi cùng ông Kerry
Dọc trên các con kênh rạch chằng chịt đục phù sa ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi John Kerry từng đi tuần tra tìm quân Việt Cộng, giờ đây với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, ông chuyển hướng sang một kẻ thù mới: biến đổi khí hậu.
Ở miệt này của Nam phần Việt Nam, nước biển dâng, tình trạng xói mòn và tác động của việc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn những người lính Việt Cộng mà Kerry từng chiến đấu vào những năm 1968 và 1969.
Phát biểu bên bờ sông ở ấp Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Ngoại trưởng Kerry nói tài nguyên của sông Mekong phải ‘làm lợi cho người dân không chỉ ở một nước, không chỉ ở quốc gia nơi dòng sông đó xuất phát mà còn phải ở tất cả các nước mà dòng sông đó chảy qua’.
Trong một phát ngôn được cho là nhắm vào Trung Quốc, nước định xây một số đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong vốn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người dân ở hạ nguồn, Kerry nói: “Không một nước nào có quyền tước bỏ nguồn sống, hệ sinh thái của nước khác. Sông Mekong là tài sản toàn cầu, là báu vật của cả khu vực.”
Kerry cũng nói rằng một ưu tiên cá nhân của ông là đảm bảo rằng trong số sáu nước cùng nằm trong lưu vực sông Mekong với 60 triệu người sống dựa vào dòng sông này không có nước nào khai thác nó mà gây hại cho những người dân còn lại.
“Mấy chục năm trước đây cũng ở vùng sông nước này, tôi là một trong những người đã chứng kiến thời khắc khó khăn trong lịch sử chung của hai nước chúng ta,” Kerry phát biểu trước một số thanh niên địa phương gần một cầu tàu ở ấp Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
“Hôm nay cũng trên vùng sông nước này tôi đang chứng kiến hai nước chúng ta đã cùng nhau đi xa như thế nào và chúng ta đang nói về tương lai. Mọi thứ phải nên như thế,” ông nói.
Tương lai đó, nhất là đối với nguồn sống dựa vào sông nước của hàng triệu người sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, đang bị đe dọa, ông nói và cam kết khoản viện trợ trị giá 17 triệu đô la cho chương trình thích nghi với biến đổi khí hậu.
Số tiền này sẽ giúp cho người nông dân trồng lúa, người nuôi tôm, nuôi cua và người chài lưới thích nghi với những biến đổi do mực nước biển dâng cao gây nên khiến cho hệ sinh thái bị nhiễm mặn.

'Chẳng thay đổi nhiều'


Ông Kerry đã đi dạo trong ấp Kiến Vàng trước khi có bài phát biểu
Trước đó, trên đường đến ấp Kiến Vàng, khi ca nô chở Kerry đang đi trên sông Cái Nước, Kerry nhớ lại mùi củi cháy khi ca nô của ông chạy ngang qua một xóm nhỏ ven sông. Mùi củi này, theo Kerry, vẫn như xưa dù đã gần 50 năm trôi qua.
Có lúc, có một gia đình đang đi trên ghe ngược chiều vẫy tay chào và cười với ông Kerry.
Ông vẫy tay chào lại và khi thấy gia đình có nuôi một con chó trên ghe, ông nói: “Tôi cũng có nuôi một con chó. Tên nó là VC.”
Khi đến ấp Kiến Vàng, Ngoại trưởng Kerry đã đi vào xóm của người dân. Ông ghé một tiệm tạp hóa mua kẹo cho các em nhỏ. Ông còn nói vài câu Tiếng Việt để làm cho các em cười.
Nhìn về phía tán cây bên bờ sông, Kerry nói: “Mọi thứ chẳng thay đổi bao nhiêu. Phần lớn vẫn như hồi nào.”
“Đây là vùng mà chúng tôi gọi là vùng ‘hỏa lực tự do’,” ông nói, “Việt Cộng hầu như có mặt khắp nơi.”
Vào tối Chủ nhật ngày 15/12, ông Kerry đã có mặt ở Hà Nội, nơi ông có các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo Việt Nam vào sáng thứ Hai ngày 16/12.
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Hai, 16/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131216/matthew-lee-song-mekong-khong-phai-cua-rieng-ai
======================================================================
Ông Kerry trở lại thăm vùng Châu thổ sông Cửu Long


|
Ông Kerry đi thuyền trên sông Mekong. Ảnh Reuters
Ông Kerry đi thuyền trên sông Mekong. Ảnh Reuters
Tin từ xã Tân An Tây.— Chiếc ghe chở ông John Kerry lượn vòng theo dòng Cái Nước ngầu đục nơi vùng châu thổ Cửu Long, gợi lại niềm nhớ khi xưa, ông Bộ trưởng Ngoại Giao từng chỉ huy một đơn vị tuần giang Hoa Kỳ trong cuộc chiến.
Nhưng chẳng phải nhân danh một quá khứ mà ông trở lại miền đất xa xôi bên dòng Cửu Long, con sông lớn hàng thứ mười hai trên thế giới. Ông tới đây để đưa ra một lời kêu gọi về mối đe dọa gia tăng do sự thay đổi khí hậu,và tác động của nó tới vùng châu thồ với hàng triệu cư dân sinh sống nhờ lương thực, nước uống và phương tiện giao thông.
Đây là lần đầu tiên ông Kerry trở lại bên sông Cửu Long sau 1968, thời gian ông phục vụ với tư cách một sĩ quan trẻ tuổi trong Hải quân Hoa kỳ chống lại du kích Việt Cộng, cuộc chiến đã mang lại cho ông ta huy chương Purple Hearts, hai anh dũng bội tinh với ngôi Sao Bạc và Sao Đồng.
Ông Kerry ngỏ lời với các học sinh, sinh viên tụ họp bên bờ sông Cái Nước: “ Thật là thích thú cho tôi khi trở lại đây. Mấy chục năm trước tại vùng sông nước này, tôi là một trong các chiến binh đã chứng nghiệm thời gian khó khăn của lích sử giữa chúng ta.”
Hôm nay, tôi lại chứng kiến những bước dài để hai dân tộc chúng ta tiến lại gần nhau, cùng hẹn về tương lai. Đó là công việc chúng ta phải hoàn thành.
Con đường mà ta cùng đi hướng về tương lai, không quay về quá khứ.
Ăn vận đơn sơ trong màu kaki nhạt, áo sọc xanh, mang kính mát, ông Kerry đứng trên chiếc phà giữa các cộng sự viên, có dáng trầm ngâm suy nghĩ.
Khung cảnh không thay đổi bao nhiêu, vẫn mùi củi rạ tỏa lan ra từ các xóm thôn, dẫn ông về những ngày hành quân trên sông bến cũ.
Khi đến ven sông dọc theo khu vực Kiến Vàng – dịch sát nghĩa sang Anh văn là Golden Ants — ông Kerry lên bờ, đi tản bộ, tới một quán chạp phô, mua kẹo phát cho đám trẻ nhỏ. Ông ta vỗ về một con chó con, nhớ lại cái thời gian trong quân ngũ, ông có nuôi một con chó lai và đặt tên chó là “Vi Xi “ tức là Việt Cộng. ( YY : VC chỉ định MTGPMN).
Tại đây, ông Kerry gặp ông Đặng Kiều Nhân, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển sông Cửu Long, và ngỏ ý muốn biết về mực nước, và sự thay đổi các dòng nước ảnh hưởng ra sao đến các dân cư quanh vùng
Mối quan tâm của ông bộ trưởng không chỉ hướng vào sự thay đổi khí hậu nơi sông Cửu Long, nhưng đặc biệt vào sự viêc Trung Cộng xây dựng thêm bốn con đập dọc sông Cửu Long nhằm tạo ra điên lực phục vụ nền kinh tế của họ, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với Cambodia và Việt Nam.
Ngoài ra, Lào Quốc dự tính xây những nhà máy thủy điên trên sông Cửu Long, trong khi Cambodia cũng có hai đập thủy điện cùng loại.
Qua dòng sông, ông Kerry tâm sự cùng các sinh viên về những xây dựng vừa nói trên, và hứa viện trợ 17 triệu mỹ kim nhằm đối phó với ảnh hưởng do sự thay đổi khí hậu.
Bộ trưởng Kerry nói rõ: “Không một quốc gia nào có quyền tước đoạt đi quyền sinh sống, hệ thống sinh thái và những tiềm năng sinh sống do dòng sông kia mang lại.
“Con sông kia là tài sản toàn cầu, một kho tàng quý báu của toàn khu vực, và vì thế, vấn đề cấp bách của chúng ta, là phải ngăn chặn sự đổi chiều dòng chảy, và độ sâu của đáy con sông. Chúng ta đã nhận ra sự đe dọa tới khối lượng ngư sản xảy ra do những thay đổi này.”
Ông Kerry hứa sẽ nêu vấn đề khi ông tới gặp chính quyền Trung Quốc, và hy vọng tất cả các bên sẽ cùng nhau giải quyết sự việc một cách hiệu quả.
(YY lược dịch)
Nguồn: Kerry returns to Viet Nam’s Mekong Delta. Reuters. Dec 15, 2013
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/82262/ong-kerry-tro-lai-tham-vung-chau-tho-song-cuu-long/2013/12
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001