Nguyễn Chí Thiện - Phùng Cung
at 1:20 PM
Nguyễn Chí Thiện -
Tôi mến và phục Phùng Cung ngay từ khi được đọc truyện
“Con ngựa già của chúa Trịnh” đăng trên báo Nhân Văn. Trong tất cả các bài
văn, bài thơ in trên tờ Nhân Văn, trong các tập giai phẩm Mùa Xuân, Mùa
Thu, Mùa Đông, tôi thấy “Con ngựa già của chúa Trịnh” là đặc sắc nhất, về
nghệ thuật cũng như về nội dung. Nó vừa thâm trầm, vừa tinh tế đúng như con
người anh. Nó còn điểm đúng huyệt của Đảng.
Chính vì vậy, Đảng đã căm giận bỏ tù anh không xét xử hơn mười hai năm. Nhiều người nhận định rằng truyện chĩa vào các văn nghệ sĩ có tài, nhưng vì đã ngoạm vào miếng đỉnh chung Đảng ban phát, nên chẳng những tài tận, mà nhân cách cũng diệt. Điều đó đúng. Nhưng nếu chỉ đả mấy anh văn sĩ, thi sĩ cô đầu, nhưng kẻ mà chính các “đồng chí bố” trong bụng cũng khinh rẻ, nhân dân cũng tởm lợm thì Đảng đâu có cay cú đến thế. Điều Đảng không thể không trừng trị nặng là anh đã dám nêu bật lên một sự thực nhục nhã: Văn nghệ sĩ, trí thức, toàn bộ dân tộc, giống như con ngựa già của Chúa Trịnh, bị Đảng gắn vào hai bên mắt hai cái lá đa bằng da, chỉ được nhìn thẳng một hướng hạn hẹp, trời mây, sông núi hoa lá không được thấy gì hết!
Chính vì vậy, Đảng đã căm giận bỏ tù anh không xét xử hơn mười hai năm. Nhiều người nhận định rằng truyện chĩa vào các văn nghệ sĩ có tài, nhưng vì đã ngoạm vào miếng đỉnh chung Đảng ban phát, nên chẳng những tài tận, mà nhân cách cũng diệt. Điều đó đúng. Nhưng nếu chỉ đả mấy anh văn sĩ, thi sĩ cô đầu, nhưng kẻ mà chính các “đồng chí bố” trong bụng cũng khinh rẻ, nhân dân cũng tởm lợm thì Đảng đâu có cay cú đến thế. Điều Đảng không thể không trừng trị nặng là anh đã dám nêu bật lên một sự thực nhục nhã: Văn nghệ sĩ, trí thức, toàn bộ dân tộc, giống như con ngựa già của Chúa Trịnh, bị Đảng gắn vào hai bên mắt hai cái lá đa bằng da, chỉ được nhìn thẳng một hướng hạn hẹp, trời mây, sông núi hoa lá không được thấy gì hết!
Nguyễn Chí Thiện (trái) và Phùng Cung.
Cái cảnh con chiến mã Kim Bông dũng mãnh tung vó, phi
nước đại, vất lại sau mông cả một vùng Sơn Nam Thượng, xông pha trăm trận,
tung hoành là thế, mà khi thanh bình trở lại, nhàn nhã bước vào lâu đài
cung điện Chúa, mới đặt chân lên nền đá xanh mát đã thấy bàng hoàng, rùng
cả mình, chợt nghe tiếng chim hót trong trẻo trên các lùm cây xanh tươi mà
hốt hoảng, ngơ ngác, Đảng cũng cho là chửi sỏ Đảng. Thực ra, đó chỉ là sự
tha hóa tầm thường của những kẻ thiếu Tâm, thiếu Đức, khi được vinh hoa,
phú quý, lo lắng bảo vệ cho địa vị của mình.
Mùa đông năm 1970, tôi rời Yên Bái lúc bốn giờ sáng. Sau
18 tiếng đồng hồ vừa đi ca nô, đi xe tải, xe lửa, chen chúc nhau trong một
toa đen kín mít, nhầy nhụa phân lợn, tay bị khóa số 8 khóa từng cặp hai
người một, đoàn tù chúng tôi tới trại Phong-Quang khoảng mười giờ tối,
người nào cũng nôn mửa rũ rượi, kiệt lực. Ngồi xếp hàng trên sân đất, dưới
mưa bụi, gió buốt, nghe điểm danh, nghe cán bộ quát nạt, huấn thị, rồi giúp
mấy anh tù tự giác khám xét hành lý toàn đồ giẻ rách, hôi hám. Tới tận gần
12 giờ đêm, chúng tôi mới được phân chia vào các phòng.
Trong tất cả các cuộc trùng phùng trên thế gian này, khó
có cuộc trùng phùng nào có thể vui mừng bằng những cuộc gặp lại nhau trong
tù của những người bạn tù. Tôi vừa bước vào phòng thì bốn, năm ông đã ập
tới, cười nói, hỏi han, nắm tay, nắm vai, đỡ hộ túi quần áo, mời nước, mời
thuốc. Tôi cũng vui không kém gì họ. Thôi thì đủ thứ chuyện. Bao nhiêu mệt
nhọc tan biến hết. Sức mạnh của tình cảm thực là kỳ diệu, không loại thuốc
hồi sức nào sánh kịp! Các anh nói Phùng Cung cũng ở trại này, đang nằm bệnh
xá vì bị lao phổi. Mắt tôi sáng lên. May quá rồi, thế là tôi sắp được
chuyện trò với anh, người tôi mến phục đã lâu mà chưa được biết mặt. Vài
hôm sau, tôi lảng vảng xuống bệnh xá tìm anh. Đó là giờ tù đang chia cơm,
chiều hôm ấy lại ăn tươi, có “mều ngạnh” (thịt trâu) nên việc chia bôi rất
vất vả, mất nhiều thời gian. Thịt chia riêng, xương chia riêng, da chia
riêng, nước đong từng thìa. Tất cả đều phải cân bằng một loại cân tự tạo,
nhưng độ nhậy có lẽ chẳng kém gì cân tiểu ly. Chia xong lại phải viết tên
từng người vào những mẩu giấy nhỏ, gập lại, trộn lẫn lộn, rồi đặt bên cạnh
từng bát, mỗi phần không quá một lạng. Đọc đúng tên ai, người đó lấy bát
đó. Tù nhân đứng vòng trong, vòng ngoài, “góp ý” cho người được cử ra chia,
thường là người có uy tín, trung thực, không lèm nhèm. Mấy chục bệnh nhân ở
bệnh xá cũng đương xúm xít tham dự công việc chia chác thiêng liêng đó, trừ
mấy người hấp hối. Tôi nhìn tất cả họ, từng khuôn mặt một. Không ai có vẻ
là Phùng Cung cả. Tôi vòng ra phía sau bệnh xá. Một người trung niên mặc áo
bông, đứng trước cây ớt chỉ thiên, nhưng đầu lại ngẩng nhìn lên nền trời
xám nặng, nét mặt xám nhợt, bất động. Phùng Cung đây rồi! Tôi đoán vậy, và
bước lại gần, khẽ hỏi:
- Xin lỗi, có phải anh Cung không?
Phùng Cung nhìn mặt tôi một thoáng, rồi đáp:
- Vâng, sao anh biết?
Tôi cười:
- Tôi mới từ Yên-Bái tới mấy hôm. Nghe anh Lê-Quang-Dũng
nói anh ốm, tôi tới hỏi thăm. Tôi tù tất cả đã hơn tám năm rồi.
- Anh kém tôi hai năm. Nhưng tù về tội gì vậy?
- Cần gì tội mới tù! Bao nhiêu người ở đây, tội gì?
Nhưng chúng nó bảo tôi làm thơ phản động.
Phùng Cung hững hờ, có vẻ trịch thượng:
- Làm thơ? Có thể đọc nghe vài câu không?
Sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là phải hết sức thận
trọng. Bao người chỉ vì mắc bệnh “ngứa họng” khi trà lá với bạn bè mà tan
đời! Trong tù càng phải kín miệng hơn. Nhưng khi nhìn thấy Phùng Cung, tôi
linh cảm anh không là người hại tôi. Tuy vậy tôi vẫn phân vân. Tôi chọn một
bài “vừa phải”, không quá “nặng dose”.
- Anh đang nằm bệnh xá. Tôi đọc một bài về cảnh bệnh xá
trong tù cho anh nghe.
Gió
bấc, mưa phùn lướt thướt qua
Củ khoai hà dím thành vô giá
Bệnh cũ âm thầm lại phát ra
Lũ tôi đã đoán bao người ngã
Trong vụ đông này khó đứng qua
Thân xác như hình nan, cốt mã
Mong cầu đông giá nới tay tha!
Tôi đọc hết bài, chờ đợi một câu phê bình. Nhưng anh im
lặng. Một lúc, anh hỏi tôi:
- Anh ở toán nào?
- Tôi ở toán đan, gần ngay đây, toán mà lưu manh gọi đùa
là “Mầm non của nghĩa địa”. Tôi cũng lao như anh, thỉnh thoảng lại ho ra
máu, ít đi làm lắm. Hôm nào hứng, anh tới phòng tôi chơi. Vào ngày thường,
đi làm hết, chuyện trò tiện hơn.
Đã bắt đầu đọc tên lấy thịt. Tôi bắt tay anh Cung:
- Anh vào ăn đi. Hôm khác chúng ta gặp nhau. À, tôi là
Thiện, Chí Thiện thiền sư. Au revoir!
Tôi không phải chờ lâu. Hai hôm sau, vào buổi sáng, khi
trại đi lao động hết, vắng ngắt. Phùng Cung vào phòng tôi. Tôi mời anh leo
lên sàn trên, chỗ tôi nằm. Anh vừa leo, vừa nói:
- Ốm yếu sao không nằm dưới, đỡ leo trèo vất vả.
- Cái gì cũng có lý do của nó cả. Nằm sàn trên đun nấu
đỡ bị lộ, đỡ bụi hơn, mùa đông lại ấm hơn nằm phía dưới.
Anh Cung ngồi xuống chiếu, móc trong túi ra một gói con
con:
- Dũng nó bảo anh nghiện trà nặng lắm. Hôm nay mới tới
gặp anh là vì còn phải kiếm trà.
- Trà lúc nào tôi chẳng có, nhưng toàn là trà gói ba hào
loại bét, chua loét.
Tôi mở gói trà của Phùng-Cung ra, kêu lên: Trà búp, loại
ngon!
Tôi đổ tất cả vào cái ca tráng men, lấy dăm cái đóm cật,
đun độ hai phút là sôi, lấy miếng giẻ ướt lau sạch ca, lau tới đâu trắng
tới đó. Tôi giải thích:
- Phải lau ngay khi đun xong, ca còn nóng bỏng mới sạch
trắng được. Để nguội, cọ bằng cát cũng mệt mới trắng. Quản giáo mà thấy ca
đen thì cùm. Cái gì cũng phải đánh nhanh, rút gọn! Bây giờ mình ngồi uống
ung dung. Trời lại mưa, không sợ gì nữa.
Tôi lấy hai cái chén, tiện bằng ống nứa, rót trà vào.
Chúng tôi đưa ly trà lên miệng, tận hưởng hương trà thơm ngát, rồi nhấp một
hớp nhỏ. Khoan khoái, tỉnh táo hẳn. Tôi hỏi anh Cung:
- Anh có biết tại sao lại kiến hiệu đến thế không? Trà
ngon không cần phải vào tới dạ dầy, xuống ruột, thẩm thấu vào máu, rồi mới
tác động tới chúng ta. Nó đi thẳng từ khứu giác, vị giác lên thần kinh não,
nên vừa mới nhấp một tí đã sảng khoái cả người rồi!
Chúng tôi mỗi người hút một điếu thuốc lào, uống một ly
trà nữa, cho ấm người lên, rồi mới bắt đầu vào chuyện muốn nói:
- Anh tù đã 10 năm rồi, anh sáng tác được nhiều không?
Anh Cung lắc đầu:
- Mấy năm đầu rầu rĩ, lo nghĩ về vợ con, không làm gì
được. Sau đó có viết một số truyện ngắn trong đầu, nhưng không nhớ nổi.
Đành chuyển sang thơ. Làm cũng được ít thôi, độ vài chục bài. Hôm nọ nghe
anh đọc bài thơ về bệnh xá, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Tôi nằm bệnh xá nhiều.
Những cảnh, những tâm trạng bi đát tôi thấy hàng ngày, sao tôi không làm
được bài nào? Hiện giờ, chúng tôi đã đoán trước được có ba người sẽ không
qua khỏi mùa đông này. Nhìn thấy chết đến từ từ mà không cứu được! Khoai
sắn còn chẳng đủ, thuốc men thì vớ vẩn, kiệt dần, rồi gục. Mùa đông như một
vị hung thần, chỉ biết cầu mong nó đỡ rét, nó nới tay buông tha. Thơ anh
thực lắm!
- Thật ra, lượng không quan trọng. Cuộc đời một thi sĩ
mà có được vài trăm câu thơ hay đã là thành công lắm rồi. Truyện Kiều hơn
3200 câu, những câu thực hay cũng chỉ ở con số trên 200 là cùng. Nhưng Việt
Nam mình chưa ai bằng Nguyễn Du cả. Anh đọc nghe vài bài của anh đi.
Ngồi hút thuốc lào, uống trà ngon, nghe thơ, đó là những
giờ phút hạnh phúc nhất trong tù. Hạnh phúc vì chúng tôi quên hẳn chúng tôi
đang tù tội, ốm yếu, quên hẳn mọi ô trọc cuộc đời. Chúng tôi chìm đắm, hay
đúng hơn, bay bổng trong say sưa: say trà, say thuốc, say thơ. Anh Cung đọc
liền một lúc ba, bốn bài: giọng trầm nhẹ, nghe rất rõ. Càng nghe, tôi càng
ngạc nhiên, càng bị cuốn hút vào dòng thơ anh. Tôi chưa từng được đọc thơ
nào như thế. Nó mới tinh. Mới về ý, về tình, về ngôn ngữ, và nhất là về
hình tượng, âm điệu. Thơ anh thực là đẹp. Anh đọc tới đâu, tôi thấm tới đó.
Thơ đẹp, cũng như mọi vẻ đẹp trên thế gian này, đâu cần phải nghiên cứu nát
óc mới thấy. Nó đi thẳng vào tim, vào óc ngay. Tôi biết anh tốn nhiều tâm
huyết lắm mới tạo được những câu thơ như thế. Anh tìm tòi nhiều về chữ
nghĩa, những không mắc “ngữ bệnh” như Âu-Dương-Tu hàng ngàn năm trước đã
than phiền. Anh tìm tòi nhiều về hình tượng, về âm điệu nhưng không trở
thành cầu kỳ, quái gở, thậm chí tới mức ngớ ngẩn như một số người! Càng đọc
nhiều thơ, tôi càng nể các vị thâm nho ngày xưa. Các vị đó nhận xét ngắn gọn,
như muốn cô đúc chân lý vào một câu. Sau này gần Phùng-Cung nhiều, thấy anh
làm thơ quá khó nhọc, tôi thấm thía câu nói của Lục-Du: “Cái tận cùng của
công phu là sự bình dị”.
Khi anh Cung ngừng đọc, tôi hút thêm một hơi thuốc lào,
nhả khói ra mù mịt, hãm một hớp trà, rồi đặt tay lên đùi anh:
- Anh quả là có tài, kỳ diệu lắm! Bài “Biển cả”
của anh có thể là một bài dạy về đạo lý làm người cho các vị đế vương. Tôi
không bốc anh đâu. Mà bốc cũng chẳng được. Hay dở nó rành rành ra đấy. Khen
chê lung tung, người ta khinh! Nhiều câu thơ của anh tuyệt vời! Thí dụ như:
“Trước
mắt trẻ thơ, tinh cầu chỉ là chấm nhỏ
Càng tối đen, càng nhìn rõ xa xanh.”
“
Mắt phàm tục đăm đăm vương chút lệ
Chút lệ này xuất hành từ trí tuệ con người.”
“Hỡi
biển cả
Diện tuy rộng, nhưng thiếu những giác quan cần thiết
Lòng tuy sâu, mà chứa đầy mầu xanh mặn chát!
Bỏ mất mênh mông, chuốc lấy ồn ào
Tự thao túng cái thói hư nộ cuồng sóng vỗ
Trống trải, bơ vơ, chiều quả phụ
Bình minh vô vọng phương mờ…
Ôi, bao im lặng thanh cao
Đều chìm lăn trong thét gào man rợ!
”
“Vậy
dẫu có vô cùng lớn lao gì đó
Ta chỉ yêu cầu phải hài hòa với vô cùng bé nhỏ mà thôi! ”
Chỉ một bài “Biển Cả” đã nhiều câu hay thế rồi, tôi đâu
có nói quá!
Anh Cung xúc động, nắm tay tôi:
- Cảm ơn, anh đã khích lệ tôi nhiều lắm.
Có tiếng mở cửa. Chúng tôi im lặng. Thiếu úy Võ, cán bộ
trực trại đi vào phòng. Nhìn lên sàn, thấy chúng tôi, hắn quát:
- Ốm đau nghỉ nhà, lại tụ tập trà lá, văn thơ chửi chế
độ. Ai cho phép đun nấu? Tôi cùm cổ các anh lại! Hắn đi cả giầy đầy bùn
ướt, leo lên chiếu tôi:
- Đưa cái ca đây!
Tôi ôn tồn trình bày:
- Tôi xin nước sôi ở nhà bếp, không đun nấu. Anh Cung
với tôi biết nhau từ ngoài xã hội. Anh đem cho tôi ít thuốc lào. Trời mưa
rét, chúng tôi uống tí trà cho đỡ lạnh. Ho lao sắp chết cả, thơ văn gì nữa.
Võ trợn mắt:
- Im, không được chối. Tôi đứng ngoài nghe hết cả rồi!
Anh em ở trại đã cho tôi biết cán bộ Võ, người miền Nam
tập kết đã nhiều tuổi, nghiện trà cực nặng, không ác, chỉ phải tính hay nạt
nộ nhưng lại thích người khác nói nhẹ nhàng.
Tôi chống chế:
- Cán bộ ở ngoài nghe thì đã rõ là chúng tôi không nói
xấu chế độ. Anh Cung theo Đảng chống Pháp từ 16 tuổi, nhất thời lệch lạc về
tư tưởng, Đảng chỉ cho vào đây “uốn nắn” lại. Đời nào anh ấy nói xấu Đảng.
Võ trợn mắt nhìn anh Cung, quát to hơn:
- Về ngay bệnh xá!
Rồi quay sang tôi:
- Chiều đi làm ngay!
Thế là chúng tôi hết bay bổng. Rơi tõm xuống thực tại.
Từ đó chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau. Khi có trà, khi
không. Toàn nói về thơ. Mấy tháng sau, anh Cung ra khỏi bệnh xá, vào toán
đan lát. Cùng một toán, chúng tôi ở cùng một phòng, tha hồ chuyện trò.
Anh em tù cũng xếp Phùng Cung vào loại phạm binh, phạm
cán, nghĩa là những kẻ “Hồng Kỳ sinh, Hồng Kỳ dưỡng”, lạc điệu một chút, bị
Đảng tống vào trại giam, nhưng vẫn còn tương đối “vững lập trường”, vẫn
“cách mạng”. Lúc đầu họ tưởng họ chỉ cải tạo ngắn hạn rồi Đảng sẽ “xét lại”
cho về. Họ cũng ăn, ở, làm, y hệt chúng tôi, nhưng họ vẫn tự hào tuyên bố
là họ “Tù khác!” làm tôi phì cười. Số phạm binh, phạm cán này khá nhiều,
Ban Giám Thị không ưu tiên hết được. Chỉ một số nhỏ được làm văn hóa, trật
tự, trực phòng, toán trưởng các toán… Những năm đầu, chúng tôi khổ với họ.
Những cuộc họp trong toán thường do họ điều khiển. Những phương pháp kiểm
điểm, phê bình, tố giác, chụp mũ họ sử dụng thô bỉ, đểu cáng hơn ngoài xã
hội nhiều! Nhưng rồi ba năm, sáu năm, chín năm… Ăn hết “lệnh” này tới
“lệnh” khác, vẫn tù (lệnh là “lệnh tập trung”, ba năm một lệnh). Họ uất ức,
lên án chế độ thậm tệ, và… đi cùm, tỉnh dần dần. Công bằng mà nói, cũng có
một số phạm binh, phạm cán có tư cách, không cáo cò, không hành hạ bạn tù,
mà thông cảm với số phận oan khổ của mọi người. Họ nhận thức được họ cũng
cùng một kiếp, cũng là nạn nhân cả, không có “Tù khác” gì hết! Làm ăng-ten
mà tù miền Bắc chúng tôi gọi là Béc-giê, thành phần nào cũng có: Tư sản,
địa chủ, công nông, sĩ quan, binh lính, viên chức thời chính phủ quốc gia
Bảo-Đại, trí thức… Chỉ riêng những người Công giáo, Phật giáo, những linh
mục, tu sĩ, nhà sư là rất hãn hữu. Điều này chứng tỏ Tôn Giáo là vô cùng
hữu dụng trong việc duy trì nhân phẩm, đạo đức loài người!
Phùng Cung là một trong số rất ít những kẻ “Cờ đỏ đẻ,
cờ đỏ nuôi” nhìn suốt vấn đề, dứt khoát với Đảng với chủ nghĩa Mác-Lê
khá sớm. Nhiều đảng viên tù lâu cũng chán Đảng, Bác. Nhưng tâm trạng họ vẫn
là tâm trạng “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”. Anh Cung tâm sự với
tôi là phải trải qua nhiều năm suy tư, nhận xét, phân tích nghiêm túc, anh
mới khai tử được chuỗi mơ hồ, mới làm nổi những câu thơ như:
Ngộ độc rồi, lại chuốc độc lẫn cho nhau!
Độc đây là chủ nghĩa Mác-Lê, là thiên đường Cộng Sản đầy
ảo ảnh huyễn hoặc như “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, “Thế giới
đại đồng không còn biên giới”, “Xã hội không còn giai cấp, không còn người
bóc lột người”, mọi bất công, áp bức đều tan biến, chỉ còn lao động
sáng tạo và thương yêu. Để đi tới cái tương lai lấp lánh đó thì bạo lực
phải là bà đỡ của cách mạng, giai cấp vô sản phải là kẻ đào mồ chôn giai
cấp hữu sản, nông dân phải đạp đầu địa chủ xuống bùn đen vạn kiếp, Đảng
Cộng Sản phải là Đảng duy nhất lãnh đạo, Đảng kiểu mới, phải có nền chuyên
chính bằng thép; văn hóa, nghệ thuật, giáo dục chỉ có một nhiệm vụ duy nhất
là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, nhà văn, nhà thơ phải là “kỹ
sư tâm hồn”, trái tim của nghệ sĩ phải thuộc về Đảng, phải coi tôn giáo
là thuốc phiện, là phản động, và như Lê-Nin nói “Không thừa nhận một thứ
đạo lý nào khác. Cái gì có lợi cho Đảng, cái đó là đạo lý”, “Kẻ nào
không đi với chúng ta, kẻ đó là kẻ thù”, “Chúng ta không xoa đầu kẻ
thù, mà chúng ta phải bóp vỡ sọ chúng!” Đến nỗi Maxim Gorki phải kêu
lên: “Nếu quan niệm đơn giản như thế, thì mọi giá trị bị phá hủy hết!”
Nhiều người nhiễm độc nặng đến nỗi như bị quỷ ám, không
nhận ra rằng họ đương xây con đường lên cái chân trời Cộng Sản mù mịt đó
bằng thây người, bằng nước mắt, mồ hôi, rớt rãi, cơ hàn, chiến tranh, lao
tù, gian dối, thủ đoạn tàn bạo, bằng ngu tối, vô luân, vô sỉ, bằng nô lệ
kềm kẹp, bằng hủy diệt tất cả những gì mang tính người! Chẳng khác gì muốn
làm một bữa tiệc ngon mà dùng toàn đồ thiu thối, đầy ròi bọ, đầy chất độc.
Phật, Chúa, Khổng-Tử đều mong muốn nhân loại “yêu thương nhau”, “hỉ xả từ
bi”, “bốn bể là anh em” và răn mọi người phải tu thân, phải làm điều thiện,
phải có lòng lành ngay cả trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Tóm lại là
phải tu nhân tích đức. Cộng Sản lại coi những khuyến dụ đó là ru ngủ, là mê
tín, là phản động, lạc hậu.
Từ đầu thế kỷ này, Lê-Nin đã ngây thơ khẳng định rằng
chế độ tư bản đang giẫy chết. Y hẳn không ngờ rằng nó giẫy gần một thế kỷ
rồi vẫn không chết, mà ngày càng cường tráng. Còn chế độ của y và Đảng y
dầy công dựng lên thì chỉ ra đời mới có bảy mươi năm đã chết không kịp
giẫy! Các triều đại phong kiến của một giòng họ cũng kéo dài 800 năm, 400
năm, 300 năm, 200 năm, chế độ tư bản cũng hình thành mấy thế kỷ rồi mà vẫn
đầy sức sống. Tại sao chế độ Mác-Lê lại chết yểu như vậy? Chính vì tính
chất Phi Nhân của nó!
Phùng-Cung vốn là tín đồ Mác-Lê, nhưng anh lại gọi chủ
nghĩa Mác-Lê là “Học thuyết King Cobra”, lại nhận xét về Đảng tính như thế
này:
Tổ
chức rèn bằng được cho tôi thú tính.
Bước quá độ vững vàng để tiến lên Đảng tính!
Để tẩy hết được chất độc, cho tâm hồn trong sáng, anh đã
phải treo xác mình lên cửa quan biến hóa, như mấy câu thơ rất triết lý
trong bài “Dòng Sông” của anh đã nêu rõ:
Trong
sông, những giọt nước nhỏ nhoi, tôi con của vô tận.
Buổi du hành, lòng vương sầu xứ.
Nguyện treo xác mình lên cửa quan biến hóa.
Hẹn bước trở về trong sáng ngàn thu…
Giống như Khuất-Nguyên, Phùng-Cung vấn thiên:
Nhà
thơ hỏi Không Trung
Hỏi đủ ba lần
Cả ba lần đều được trả lời bằng một màu xanh bất tận!
Để đi tới một kết luận, Phùng-Cung thường phải suy nghĩ
gian nan lắm. Anh nói bằng một hình tượng dân gian rất quen thuộc, nhưng
dưới ngòi bút anh trở thành mới lạ:
Mỗi
ý nghĩ trong ta đều trải qua lặn lội.
Như phận chiếc cò lặn lội trong phong dao…
Nằm trong tù, anh thấm hiểu rằng nuôi nấng anh, dạy anh
làm người là người mẹ đầy yêu thương, đầy nghị lực, chứ không hề phải là
Đảng, Bác:
Mồ
hôi mẹ tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt.
Con níu giọt mồ hôi đứng dậy làm Người.
Hai câu thơ này, cũng như nhiều câu thơ khác của
Phùng-Cung, bộc lộ rõ tài sáng tạo chữ, sáng tạo hình tượng nghệ thuật của
anh. Những chữ “đăm đăm”, “níu”, toàn là những chữ bình thường hàng ngày,
nhưng dùng đúng chỗ, đắc địa, chúng trở thành độc đáo, gợi cảm vô cùng:
hình ảnh người Mẹ lao động cực nhọc, lầm lũi, bền bỉ, năm này qua năm khác.
Người con bé bỏng níu vào giọt mồ hôi đăm đăm chảy xuống của Mẹ, mà đứng
dần lên khôn lớn làm người, diễn tả một cách xúc động công lao dưỡng dục
trời biển của Mẹ. Một hôm tôi hỏi anh Cung:
- Anh có hối hận vì đã theo Đảng kháng chiến chống Pháp
không?
Anh trả lời ngay lập tức. Chắc anh đã suy ngẫm nhiều về
điều này:
- Theo Đảng thì hối hận. Kháng chiến chống Pháp thì
không.
Tôi cười:
- Chống sự đô hộ của ngoại quốc là đúng. Nhưng nó chỉ
được gọi là đúng khi thắng Pháp rồi, cuộc sống phải tốt đẹp hơn. Nếu anh
biết trước cuộc sống người dân lại khốn nạn hơn nhiều lần thời Pháp thuộc,
về cả vật chất lẫn tinh thần, thì anh có tham gia kháng chiến không? Thoát
khỏi chiếc chảo bỏng để rơi thẳng vào than lửa, anh không hối hận sao? Tôi
kính phục tinh thần yêu nước của dân mình dám hy sinh tất cả để giành độc
lập. Nhưng dân mình đã bị lừa gạt, phản bội. Bị lừa phản ê chề như thế mà
anh không hối hận? Nhìn cuộc sống trần trụi đểu cáng, khủng khiếp bây giờ,
tôi đã tự hỏi:
Phải chăng đó giá công lao huyết hãn
Mấy ngàn ngày đánh Pháp những năm xưa?
Mấy ngàn ngày đánh Pháp những năm xưa?
Cuộc khởi nghĩa của Lê-Lợi kéo dài 10 năm cũng hy sinh,
gian truân lắm! Nhưng nếu Lê-Lợi bằng xương máu của dân, thắng quân Minh,
lại thiết lập một triều đại tàn bạo hơn cả quân Minh thì lịch sử đánh giá
Lê-Lợi là có công hay có tội? Lê-Lợi được coi là anh hùng dân tộc hay bạo
chúa vô song? Giả thử những Phạm-văn-Xảo, Trần-Nguyên-Hãn, Nguyễn-Trãi sống
lại tôi hỏi các vị đó là nếu biết trước bị chặt đầu, bị tru di tam tộc bởi
chính cái triều đình mà các vị là khai quốc công thần, các vị có vào
Lam-Sơn tìm Lê-Lợi không? Hay các vị đã tìm nơi ẩn cư? Dù cuộc nổi dậy
chống Minh là chói lòa chính nghĩa, người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn
nhiều dưới thời Minh Triều cai trị…
- Nhưng…
Anh Cung định nói. Tôi giơ tay ngăn lại:
- Anh đừng trả lời ngay. Đây chỉ là một ý kiến. Anh hãy
suy ngẫm cái đã.
Trong cuộc đời tù 27 năm của tôi, tôi chơi với nhiều
phạm binh, phạm cán. Nhiều bạn tù không bằng lòng về sự giao thiệp này. Tôi
nghĩ họ chỉ là những công cụ mù quáng của Đảng, cần phải soi sáng cho họ
bằng những lý lẽ xác đáng, vô tư. Hơn nữa, có thực quyền quyết định tới vận
mạng dân tộc chỉ có mấy chục tên trong Bộ-Chính-Trị, trong Ban-Bí-Thư. Tội
lỗi với Tổ-Quốc cũng chỉ những tên đó là Chính Phạm. Vả lại, đã vào tù,
thời những công cụ mù quáng kia đã trở thành nạn nhân, một điều kiện rất
thuận lợi để giúp họ nhìn rõ sự thật mà họ đã thấp thoáng nhận thấy. Tại
sao lại phải xa lánh họ? Nhất là khi lẽ phải ở về phía ta? Các cụ ngày xưa
đã chẳng bảo là “Nói phải củ cải cũng phải nghe”. Huống chi họ cũng là
người, dù bị ngộ độc nặng! Trừ những tên tay sai đắc lực có nợ máu đã trở
thành đao phủ của dân lành. Trừ những kẻ quyền uy nghiêng ngả hưởng thụ
thừa mứa đã biến thành Yêu, thành Quỷ! Chỉ những kẻ không thể gọi là người
được nữa, mới có thể ra những nghị quyết bắn bỏ hàng vạn dân vô tội, tù đày
không xét xử hàng bao nhiêu vạn người lương thiện, phá tan nát bao gia
đình, đẩy hàng triệu thanh niên nam nữ đi chết vùi, chết giập trong giải
Trường-Sơn, nhằm mục đích xây dựng một nước Việt-Nam thống nhất trong lao
ngục, xiềng xích, cơ hàn, tối tăm. Tôi thường trao đổi như vậy với
Phùng-Cung, với các bạn khác. Chẳng ai đánh giá tôi là cực đoan. Một số
người còn coi tôi là quá bao dung !
Một hôm Phùng-Cung mỉm cười nói với tôi:
- Mình vừa làm xong một bài thơ hiện thực kiểu Thiện
làm. Nghe thử xem.
Anh đọc một bài thơ dài đến hơn 30 câu. Tôi yêu cầu anh
đọc lại cho tôi nghe tới ba lần. Tôi lắc đầu:
- Tôi cũng thích giọng thơ của anh lắm. Tôi đã cố thử
mãi, nhưng không ổn. Anh cũng không nên nhảy vào lĩnh vực của tôi. Chúng ta
hãy phát huy cái sở trường của riêng mỗi người. Như thế đỡ phí công vô ích.
Thấy Phùng-Cung không vui, tôi nói thêm:
- Văn, và nhất là Thơ, nó là Người, anh ạ. Chúng ta đọc
thơ Nguyễn-Du, Tú-Xương, Xuân-Hương, Yên-Đổ, chúng ta thấy như được sống
gần gũi thân thiết với họ. Chúng ta có thể hình dung nổi được tính khí của
từng người từ cái đằng hắng, cái lườm, cái ho, cái cười khẩy, từ điệu bộ,
giáng dấp, thái độ, phong cách ăn nói, đi đứng, cảm xúc, rung động của họ.
Không ai giống ai. Chẳng hạn như anh, tôi trước có gặp anh bao giờ đâu, ảnh
cũng không thấy. Chỉ vì đọc “Con ngựa già” của anh, nên khi nhìn thấy anh, tôi
nhận ra ngay. Thậm chí cùng một bài thơ mà phong cách tác giả khác, phong
cách dịch giả khác. Như Tỳ Bà Hành của Bạch-Cư-Dị và bản dịch của
Phan-Huy-Vịnh. Đọc ta thấy hai người khác hẳn nhau. Thí dụ như mấy câu:
Cùng
một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
Từ xa Kinh khuyết bấy lâu
Tầm-Dương đất trích gối sầu hôm mai.
Dịch vừa sát ý vừa chau chuốt, đẹp. Nhưng không phải là
Bạch-Cư-Dị nữa, mà là Phan-Huy-Vịnh, một nhà nho hiền lành, đa cảm, ủy mị.
Trong khi nguyên văn:
Đồng
thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tằng tương thức
Ngã tùng khứ niên từ đế kinh
Trích cư ngọa bệnh Tầm-Dương thành.
Tôi dịch từng chữ để anh thấy:
Cùng
là kẻ lưu lạc nơi chân trời
Gặp nhau hà tất phải từng biết nhau
Ta từ năm trước rời Đế Kinh
Làm kẻ lưu đày nằm ốm ở thành Tầm-Dương này.
Những câu thơ đầy khí phách của một chí sĩ, đượm tinh
thần tứ hải giai huynh đệ, bi nhưng hùng, khác hẳn với họ Phan. Nhiều nhà
phê bình Trung-Quốc không cảm nhận được cái hồn của họ Bạch, liều lĩnh nói
thơ ông là bạch thoại, thơ để các chị vú em đọc, gần bốn nghìn bài thơ của
ông không có tới một gram chất thơ! Còn Xuân-Diệu nữa, anh biết là một tay
Pédé chứ? Đọc thơ hắn là rõ ngay!
- Sao thơ hắn cũng lộ ra là Pédé à?
Đây nhé:
Chớ
đạp hồn em, trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.
- Anh có thấy giáng điệu ẽo ợt của một tay đồng cô
không?
Phùng-Cung cười tít cả mắt:
- Đúng quá, không sai tí nào!
- Còn nhiều nữa, như:
Con
đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiều.
Anh có thấy nó lả lơi, õng ẹo không? Có tí gì là đàn ông
đâu!
Cụ Vũ-Thế-Hùng, một trí thức đã du học ở Pháp, một nhà
thơ, một giáo dân có uy tín, một quan huyện thời trước 1945, trỏ ngón tay
vào mặt tôi vừa cười vừa nói:
- Phải gọi mày là thằng quái ác, chứ không gọi là
Chí-Thiện được!
Cụ Hùng cũng như cụ Nguyễn-văn-Tiến, cựu đảng viên đảng
Cộng Sản Pháp, đều rất thích thơ Phùng-Cung. Khi nghe Cung đọc thơ, cụ Tiến
thường gật gù: “Merveilleux! Merveilleux!” (Kỳ diệu! Kỳ diệu!)
Nhờ thơ, nhờ bạn bè, đời tù của chúng tôi bớt phần nặng
nề, u uất.
Phùng-Cung sống rất sơ sài, không bao giờ để ý tới
chuyện ăn, chuyện mặc. Ước vọng của anh đối với dân tộc cũng không cao xa.
Anh chỉ dám mơ cho người dân được sống xum hòa, đầy đủ rau gạo, thế thôi.
Ước vọng đơn sơ này được anh thể hiện bằng những vần thơ tươi mát, nhiều
mầu sắc, nhiều hình ảnh đẹp:
Cây
đại xuân ngạt ngào hương vạn thọ
Muôn chim hỡi, hãy về đây xây tổ ấm
Để chào đón một bình minh
rau gạo xanh trắng toàn phần!
Nằm trong tù, anh mong cho thế giới an bình, lòng người
dịu lắng, thôi chém giết. Tư tưởng nhân ái này, anh diễn tả bằng những vần
thơ êm ả, tuyệt mỹ:
Vùng
châu thổ Lưỡng Hà gà vang tiếng gáy
Lớp lớp thương vong lòng bằng an ngồi dậy
Dưới ánh sao mai ưu ái trong lành…
Sao mai là biểu tượng của Đức Mẹ, của lòng lành, của sự
quan phòng ưu ái!
Phùng-Cung không phải là người Công giáo, anh xưa tin
theo Đảng, tin vào chủ nghĩa cộng sản. Nhưng anh thấy bất cứ nước nào đem
ứng dụng chủ nghĩa vô thần này đều gây ra những thảm họa gớm ghiếc. Anh
hướng về Chúa, cầu mong sao có ngày:
Khắp nẻo xanh Nam Bắc bán cầu
Chim hót thánh thi!
Chim hót thánh thi!
Tuy nhiên, ý thức rõ rằng ngày nào còn Đảng, ngày đó dân
tộc còn chìm đắm, còn quằn quại trong vực thẳm, anh khao khát được xuống
đường xung trận, chém sả vào đầu con Rắn Đỏ để đón Rồng Thiêng về lại xứ
sở. Xong việc, anh sẽ quỳ xuống để Thượng đế phán xét hành vi xung sát của
anh. Hãy nghe những vần thơ mà âm điệu thực kỳ diệu, mới lạ:
Còn
ta
Lưng đeo roi
Ta quỳ dưới chân Thượng Đế nhân từ
Để Người tiện xét hành vi ta xung sát
Ôi, bóng xế ngả dài
Dài như sầu muộn
Nẻo hoàng hôn chưa gột rửa
Vương máu xa xăm…
Dấu xưa ơi, ta dừng cương
Chùm chuông nhỏ trên tháp thiêng làng cũ
Mảng nghe tiếng chiều, sầu đổ
Dư
âm siêu hóa
Cõi bụi hồn ta vươn cánh xanh, lâng lâng…
Một buổi sáng, cán bộ giáo dục Cửu đưa anh Cung lên gặp
Ban Giám Thị. Hơn một tiếng sau, anh trở về, mặt rầu rầu:
- Vừa gặp hai nhà văn làm việc cho Công An, Nguyễn Công
Hoan và Đồ Phồn. Họ nói ở đây cảnh trí đẹp, thoáng đãng, đúng với cái tên
Phong Quang! Rồi an ủi mình “Cứ an tâm nghỉ ngơi, Bộ sẽ cứu xét”. Mấy anh
tù giỏi về nấu nướng đương thịt một con dê để ban giám thị “mời cơm thân
mật” họ. Hai ông có vẻ thoải mái lắm. Họ khoe chiều họ đi săn bắn. Họ bảo
mình ở đây trong cái rủi cũng có cái may. Ở ngoài đương đánh Mỹ ác liệt.
Tất cả dồn cho chiến trường miền Nam. Riêng tỉnh Thanh-Hóa đã động viên tới
45 vạn bộ đội. Nhiều xã không còn thanh niên nữa. Đồng chí Lê-Duẩn nói nhân
dân ta dù có phải mặc quần xà lỏn, đốt đuốc, cũng đánh Mỹ tới cùng. Bác
trước khi mất cũng nhắc lại với họ là dù có đốt cháy cả dẫy Trường-Sơn cũng
phải chiến đấu. Nhân dân ta không sợ hy sinh. Nhất định thắng!
Nguyễn-Công-Hoan còn đọc cho mình nghe một bài thơ y làm
để ca ngợi công lao “Trị bệnh cứu người” của cán bộ trại. Thơ lục bát, mình
chỉ nhớ có hai câu đầu.
Ra
đi cứ tưởng rừng hoang
Tới nơi mới biết Phong Quang đẹp giầu!
Trung úy Cửu dẫn mình về trại nói là hắn còn phải chuẩn
bị trà ngon, nấm hương, mật ong, rượu tắc kè, thịt nai sấy để tiễn các ông
ấy. Tiếng nói của các ông ấy có trọng lượng lắm!
Mấy hôm sau ngồi chẻ nan cót cạnh tôi, anh Cung thở dài:
- Tất cả cuộc chiến tranh tai hại này đều do ý thức hệ
Mác-Lê đẻ ra cả. Mọi tổn thất nhân dân hứng hết. Anh nghe thử ý mấy câu này
xem có được không:
Trong
vạc nước sôi đang luộc lá cờ
Quằn quại, nổi chìm
Chợt phai, chợt thắm
Bây giờ gia đình nào cũng chia ly tan tác, nên tôi phác
thảo mấy câu rồi hoàn chỉnh sau:
Một
bước ra đi
Một bước sinh ly
Phố vắng ngả bóng chiều rầu rĩ
Ngậm ngùi tìm dấu cố nhân…”
Có tiếng cười nói tục tĩu, nhốn nháo. Trên đường sát
ngay chỗ chúng tôi ngồi làm, mấy chục thiếu phạm tuổi từ tám, chín, tới 14,
15 vác xẻng, cuốc, quang gánh đi qua. Thường gần trại giam nào cũng có một
trại dành cho thiếu phạm mang cái tên khó hiểu là “Trường Phổ Thông Công
Nông Nghiệp 2”. Các thầy, các cô đều là công an trại giam cử sang. Các em
trai đều gầy nhom. Mấy em gái thời đẫy đà, khỏe mạnh do được các thầy quan
tâm giáo dục, bồi dưỡng. Tôi cười, nói với anh Cung và mấy ông bạn già ngồi
cạnh.
- Các bác nhìn xem, mấy con bé kia, tuổi đời mới độ 13,
14. Nhưng tuổi bộ ngực thời phải 17, 18. Phát triển lạ như thế là do các
thầy đấy.
Trước đây có vài em 9, 10 tuổi, vì phạm nội quy nặng, bị
đưa sang trại tù sống với chúng tôi. Các em nói chuyện như người lớn. Cuộc
sống của các em đã dạy cho các em hiểu về chế độ xã hội chủ nghĩa hơn cả
mấy ông đại trí thức. Tôi hết sức kinh ngạc. Có lẽ đầu óc trong trắng của
các em chưa kịp ngộ độc bởi tuyên truyền thì tai họa đã giáng xuống các em
rồi. Mắt các em nhìn thực tế thế nào thì hiểu như thế, không bị các kiểu lý
thuyết hão huyền làm mụ mẫm. “Nhiều cục trưởng, vụ trưởng mà ngu, gửi các
con vào chỗ chúng cháu, mong Đảng giáo dục thành cháu ngoan bác Hồ. Các
thầy, các cô toàn ăn chặn của các cháu. Các cháu đói lắm lại phải lao động.
Ở với các chú còn sướng hơn! Trên đời này phải cướp phá, chém giết để mà
sống. Nhân đạo là tự sát!”
Chắc chắn đó là những lời các em học được ở các đàn anh
lưu manh lớn tuổi hơn. Những người có tiếp tế thường cho các em quà. Tôi
cũng quý các em, thường ôm các em vào lòng, khuyên bảo các em được chút nào
hay chút ấy. Tôi làm được hai bài thơ nói về các em trong dịp này.
Một tối, tôi đọc hai bài thơ về Mao cho anh Cung nghe.
Mấy bạn tù ngồi nghe cười thích thú. Anh Cung nghiêm nghị:
- Phải thận trọng. Tránh bôi nhọ bừa bãi. Cần phải xác
thực. Sao anh biết Mao dâm đãng mà dám nói: “Nó là Đổng-Trác, nhưng dâm
hơn nhiều”?
Tôi bực mình, hơi gắt:
- Chẳng lẽ tôi là người vu vạ? Được, tôi sẽ cho anh rõ.
Đến chủ nhật, tôi đưa anh Cung và anh Vương-Diệu-Dếnh
tới bệnh xá nói chuyện với hai người tù Trung-Quốc vừa chuyển tới vài tuần.
Một người nguyên là Thiếu Tướng. Một người từng là Tổng Công Trình xây dựng
thủy điện Thác Bà. Tôi kiếm bao thuốc Tam-Đảo, một ấm trà búp mời họ. Chúng
tôi ngồi nói chuyện. Anh Dếnh phiên dịch. Anh Dếnh là người Trung-Quốc ở
Lào, vượt biên giới năm 1958, sang thăm một người bạn ở Thanh-Hóa. Anh bị
bắt, bị nghi là gián điệp, và bị giam hơn 20 năm cho tới chết. Hai người
cộng sản Trung-Quốc kể lại nạn đói kinh hoàng vào những năm 59, 60, 61 do
phong trào Đại Nhẩy Vọt và Toàn Dân Luyện Thép gây ra làm chết hàng chục
triệu người. Theo họ nói, có những phụ nữ đói đến nỗi tắt cả kinh. Dân chết
như vậy, Mao vì sĩ diện, vẫn dùng nhiều triệu tấn lương thực trả nợ cho
Liên-Xô! Chuyện ăn thịt người xảy ra ở nhiều nơi. Rồi tới Đại Cách-Mạng
Văn-Hóa, tàn sát không biết cơ man là người. Họ chạy sang Việt-Nam cũng là
để trốn sự truy lùng của Hồng Vệ binh. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Sang
tới biên giới Việt-Nam, họ vào tù ngay. Ông thiếu tướng có dịp được gần
Mao, kể lại Mao thường hay lang chạ với các cô văn công quân đội, các gái
quê kháu khỉnh. Các đồng chí bảo vệ Mao, kiêm luôn cả chức ma cô đưa dắt
gái phục vụ cho người cầm lái vĩ đại.
Anh Cung nghe mà sững sờ. Tôi nói với hai người
Trung-Quốc là các Hoàng Đế xưa còn có nhiều cung nữ hơn Mao. Điều đáng
trách là Mao lại lên mặt “Đạo đức cách mạng”, “Lương tâm cộng sản” mà xử tù
người khác về tội hủ hóa. Đôi khi còn xử tử nếu dám liều mạng chơi trèo đè
lên các nữ đồng chí có chồng là cán bộ cao cấp công tác xa.
Hai người cộng sản Trung Quốc độ một năm sau bỏ xác tại
trại tù Phong Quang.
Phải nói hiếm có nhà thơ nào mê thơ như anh Cung. Có lần
chúng tôi mải tranh luận về một chữ. Anh em đang chia cơm. Họ gắt ầm lên,
gọi chúng tôi ra đặt bát để lấy cơm. Chúng tôi hấp tấp chạy ra! Anh Cung
ngã xuống giao thông hào (đào để tránh máy bay Mỹ oanh tạc và cũng để vùi
xác chúng tôi, nếu máy bay Mỹ tới cứu. Ban giám thị nói thẳng với tù như
vậy). Anh ngã, văng cả thìa, cả bát.
Vài anh em thỉnh thoảng lại thì thầm với tôi:
- Anh Thiện này, ông Cung hình như bị bệnh thần kinh ấy.
Tôi cười:
- Ông ấy tỉnh như sáo, kinh kệ gì!
- Không, đúng thật mà, tôi thấy ông ấy hay ngồi bên giao
thông hào, miệng lẩm bẩm, bấm bấm ngón tay như bấm độn!
Tôi hiểu ra. Đó là anh đang làm thơ, lẩm bẩm đọc đi đọc
lại để sửa chữa. Bấm ngón tay là đếm chữ.
Các bạn tù kể lại trước khi tôi tới trại Phong Quang, có
lần anh Cung ho ra máu nhiều, tưởng chết, đã nhờ bạn bè, nếu anh chết, hãy nhắn
cho vợ anh, chị Thoa, là có thể đi lấy chồng. Nhưng rồi các bạn cố xoay sở
kiếm cho anh thuốc chữa, anh qua khỏi.
Khi hiệp định Paris sắp sửa ký, anh, cụ Vũ-Thế-Hùng, cụ
Nguyễn-Văn-Tiến được thả. Mừng cho các người được về, nhưng lòng tôi buồn
rượi. Những cuộc vĩnh biệt, ly biệt, hội ngộ, tái ngộ ở trong tù bao giờ
cũng xúc động hơn ở ngoài xã hội. Có lẽ vì nó xảy ra bất ngờ, cũng có lẽ vì
người tù, do bị cách biệt với cuộc sống nên tình bạn thường rất gắn bó, sâu
nặng.
Đến năm 1977, tôi và đa số bạn tù của tôi được thả. Các
anh Trần Nhu, Nguyễn-Ký, Lương biệt kích, Sơn biệt kích, Vũ-Thư-Hiên,
Kiều-Duy-Vĩnh, Lê-quang-Dũng v.v… lần lượt ra về, số tù còn lại không
nhiều. Nhưng đã có những tù mới tới bổ sung! Khi thả tôi cùng độ hai chục
người nữa, chánh giám thị trại Trịnh-Văn-Thích nói: “Tha các anh là tha
những cái xác vật vờ. Đảng còn phải cho cái bọn miền Nam nó hiểu thế nào là
chuyên chính vô sản!”
Quả thực từ 1975, quản giáo phải chuyển vào miền Nam rất
nhiều. Tù từ Nam chuyển ra Bắc cũng không ít. Guồng máy chuyên chính hoạt
động rầm rộ trên địa bàn cả nước, nên tạm thời thiếu cai ngục.
Về tới Hải-Phòng, tôi sống với bà chị là Nguyễn-Thị-Hoàn
và gia đình con bà. Căn nhà 136 phố Ga có tới 10 hộ chen chúc. Toàn là các
gia đình cán bộ đảng viên, tổ trưởng khu phố và một gia đình của chính công
an phường tên là Thanh. Công an Phường, công an Quận, công an Sở thường
xuyên tới “hỏi thăm sức khỏe”. Sống trong tình thế như vậy, tôi không dám
ngồi trong cái buồng con 8m2 của tôi để viết lách. Tôi thường đạp chiếc xe
đạp con gấu, loại xe kẻ cắp không thèm lấy, đi ra ngoại thành mua dăm lít
rượu về bán cho các hàng thịt chó. Khi lò nấu rượu bị lộ vỡ, tôi lên Hà-Nội
nhờ anh Vũ-Thư-Hiên giao bột nở, nhờ anh Trình, Trung úy quân đội Pháp,
giao cho mấy bó nan hoa xe đạp mang về Hải-Phòng bán, sống qua ngày. Cuộc
sống của Phùng Cung cũng khổ sở chẳng khác gì tôi. Bạn bè đều phải lo kiếm
sống, họa hoằn lắm mới gặp nhau.
Ngày 16-7-1979, tôi vào Tòa Đại Sứ Anh giao tập thơ gần
400 bài cho họ, rồi trở ra và được chở thẳng vào xà lim 1 Hỏa-Lò. Lại bắt
đầu cuộc đời tù tội, cung kẹo, cùm kẹp, đói rét trong suốt 12 năm. Tôi và
anh Cung, dù ở trong lao ngục hay ở ngoài, vẫn làm thơ, mỗi người một kiểu
thơ khác nhau, dù thơ văn chỉ mang lại toàn tai vạ cho chúng tôi. Đúng là cái
nghiệp!
Ngày 28-10-1991, tôi được thả về, ở 65 Nguyễn-Công-Trứ
với bà chị thứ hai là Nguyễn-Thị-Hảo và gia đình con bà. Lúc này tôi rất
yếu, nặng có 42 cân, lại đau đầu, trĩ nội, trĩ ngoại. Sau 12 năm xa cách,
ra ngoài bạn bè người thì chết đói, chết bệnh, tự tử, vượt biển mất xác,
tâm thần, người thì vào tù nữa, người thì may mắn trốn thoát ra nước ngoài.
Những bạn còn lại trong nước lần lượt mời tôi tới nhà tổ chức ăn mừng liền
mấy tuần. Trong những tiệc vui đó, tôi phải kê gối nằm nghiêng vì trĩ quá nặng
không ngồi lâu được. Tình cảm bạn tù chúng tôi thật quý báu. Bất chấp sự
răn đe, sự theo dõi, chụp ảnh trộm của công an, chúng tôi vẫn giao tiếp với
nhau công khai. Liên-Xô đổ đã làm Đảng choáng váng, chùn tay lại. Căn nhà
của các anh Phùng-Cung, Phùng-Quán, Trung úy Phan-Hữu-Văn, Đại úy
Kiều-Duy-Vĩnh bị bộ công an theo dõi chặt chẽ, vì chúng tôi thường gặp nhau
ở những nơi đó. Hàng tháng, vào những ngày chủ nhật, tôi đi xích lô tới nhà
anh Cung, ở chơi với anh cả ngày. Lại hút thuốc lào, uống trà, chuyện văn
thơ, ngồi ngay trên nền nhà. Nhìn chị Thoa vợ anh Cung xới cơm, múc canh,
tôi nhớ hai câu thơ anh viết về những người vợ, người chị Việt-Nam dịu
hiền, chịu thương, chịu khó, nhường nhịn:
Từng
đọi cháo, lưng rau, chia sẻ bàn tay
thanh thảo
Hiu hắt lề quê hai bữa cơm đèn…
Anh Cung vẫn say thơ, còn tôi thì đã ngừng từ năm 1988
vì suy nhược thần kinh, hay bị đau đầu khi phải suy nghĩ lâu. Bác
Nguyễn-Hữu-Đang, anh Phùng-Quán, anh Lê-Quang-Dũng cũng thường có mặt.
Anh Cung thấy tội nghiệp cho Tố-Hữu. Nhân dân chẳng còn
ai nhắc tới thơ hắn nữa. Gần 40 năm trời, cả một bộ máy tuyên truyền khổng
lồ nâng đỡ, hà hơi tiếp sức mà vẫn chết. Thực hoài công!
Tội
nghiệp nhà thơ
Hợm mình
Lầm lạc
Bởi không biết sống
Nên không biết chết
Nửa thế kỷ bị lưu đày
Trong cõi tung hô!
Tuy anh Cung khinh Tố-Hữu, nhưng cũng như chúng tôi, anh
không liệt hắn vào loại bồi bút. Chúng tôi nghĩ Tố-Hữu làm thơ ca ngợi
Hồ-Chí-Minh, Lê-Nin, Stalin, Mao-Trạch-Đông, ca ngợi Liên-Xô, Trung-Quốc,
phe xã hội chủ nghĩa, vì hắn thực sự là một người cộng sản. Hắn ca ngợi
đảng hắn, chế độ hắn, các lãnh tụ hắn. Không cần làm thơ, hắn cũng quyền
cao chức trọng, hưởng mọi ưu đãi. Cũng như đối với các văn nghệ sĩ trẻ,
những người nào thực lòng tin tưởng là chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt,
Đảng, Bác là vĩ đại, do bị tuyên truyền nhồi sọ từ khi còn là thiếu niên,
là nhi đồng họ cũng không phải là bồi bút. Họ chỉ sai lầm. Đầu độc họ chính
là những văn nghệ sĩ, những trí thức lớn tuổi, những người ít nhiều đã có
danh từ trước 1945. Từ sau Cải-Cách Ruộng-Đất và vụ Nhân-Văn, tiếp sau càng
ngày càng phải sống dưới sự khống chế toàn diện và triệt để, bị trói chặt!
Những vị này thừa hiểu rằng cuộc sống dưới thời Pháp thuộc tuy chẳng tốt
đẹp gì, tuy chịu cái nhục mất nước, cũng còn dễ thở hơn nhiều dưới cái ách của
Đảng. Họ rất rõ Đảng là một tổ chức siêu phát xít, cực kỳ hung hiểm, nên họ
rất hoảng sợ. Họ tán tụng Đảng, cổ võ mọi chính sách của Đảng, giúp Đảng
làm công việc đầu độc lớp trẻ là để được yên thân, để được ưu đãi về vật
chất. Họ đi nước ngoài như đi chợ, con cái cũng du học ngoại quốc. Họ mới
thực xứng đáng với danh hiệu bồi bút, nghĩa là dùng ngòi bút làm tôi tớ để
hưởng bổng lộc đãi ngộ, vất bỏ tất cả những gì gọi là lương tâm, liêm sỉ!
Từ ngày ra tù, suốt 20 năm, Phùng-Cung luôn bị cái đói “bám
thắt lưng mà đánh”. Anh tôn kính hạt gạo lắm!
Tôi
rạp đầu
Bạc tóc rạp đầu
Lạy hạt gạo thiêng!
Chị Thoa tần tảo hôm sớm nuôi chồng, nuôi con, thân gầy
như thân ve, làm anh đau lòng. Anh làm bài thơ “Mồ hôi xương” tặng
vợ:
Em
vất vả
Tối ngày vất vả
Lưng áo em
Ngoang vôi trắng xóa
Cái trắng này vắt tận trong xương!
Vợ chồng anh sống trong cảnh:
Trệu
trạo trái sung
Ruột tím cơ hàn
Mà trong lòng vẫn nơm nớp tai họa:
Mắt
trước, mắt sau
Kinh hoàng di lụy
Quỳ gối, chống tay, vẫn còn sợ ngã!
Chính sách khủng bố của Đảng quả là ghê gớm. Chẳng trách
bao năm đất nước hơn 70 triệu con người mà cứ bất động, cứ im lặng mênh
mông!
Suốt mấy chục năm, công an thường tới nhà anh, gọi anh
lên đồn, lên sở đe doạ, khủng bố tinh thần. Có lần, không biết ai tố giác,
công an bắt anh và Phùng Quán phải nộp cho chúng tập thơ chép tay của anh
độ 50 bài. Cả gia đinh anh lo âu, hồi hộp. Cuối cùng đành nộp cho chúng.
Cũng may, toàn là thơ tả cảnh cả, không đụng gì tới chế độ, nên chỉ bị tịch
thu tập thơ và nghiêm khắc cảnh cáo! Anh mỉa mai ví thân phận anh như cánh
bèo, tới cạn kiệt rồi mà không yên:
Lênh
đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh.
Nhưng từ khi Đông-Âu tan, rồi Liên-Xô đổ, anh không còn
“quỳ gối, chống tay, vẫn còn sợ ngã” nữa, mà ngang nhiên đương đầu với mọi
hiểm họa. Năm 1992, anh và Phùng-Quán tổ chức mừng thọ bác Nguyễn-Hữu-Đang
80 tuổi (tuổi ta). Anh viết thư mời các văn nghệ sĩ, mời cả Đỗ-Mười,
Lê-Đức-Anh. Trong giấy mời anh đề là “Mừng sống dai”. Điều này làm
chính quyền tím ruột. Tuy trong buổi ăn uống họp mặt, không ai trực tiếp
lên án Đảng, nhưng sự việc hàng mấy trăm văn nghệ sĩ, trí thức tới mừng thọ
một tên phản động bị bỏ tù 15 năm, quản thúc tại Thái-Bình hơn chục năm, đã
là cái tát vào mặt Đảng! Đỗ-Mười, Lê-Đức-Anh tất nhiên không tới. Nhưng
công an thì tới đông, dù không ai mời. Họ ngang nhiên quay cả vidéo để làm
tài liệu! Buổi “Mừng sống dai” đông vui này còn chứng tỏ một điều:
nỗi sợ đã giảm nhiều. Bạo lực đã ít hiệu quả.
Ngày anh Phùng-Quán mất, Phùng-Cung đứng ra tổ chức tang
lễ. Đám táng Phùng-Quán làm Đảng lo ngại. Nó quá đông. Có những vòng hoa đề
những dòng chữ như “Những người cùng chung hoạn nạn”, “Một kẻ sĩ bất khuất”
v.v… Nhiều bài thơ ca ngợi Phùng-Quán, chửi bóng gió Đảng cũng xuất hiện.
Hôm đó tôi đứng cạnh quan tài Phùng-Quán, cùng Nguyễn-Hữu-Đang, Phùng-Cung.
Tôi ghi vào sổ tang mấy chữ: “Anh Quán mất đi là một điều đau buồn chung.
Nhưng cũng mừng là trước khi nhắm mắt vĩnh viễn, anh đã mở rộng mắt và nhìn
rõ sự thật”. Đám táng có nhiều công an chìm, công an nổi. Nhà nước sợ đám
tang trở thành một cuộc biểu tình!
Nhiều người lần lượt tới thắp hương trước linh cữu anh
và nói vài lời. Tất cả đều bày tỏ lòng thương tiếc và kính phục tinh thần “Yêu
ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét” của anh. Bài nói của nhà thơ,
nhà giáo lão thành Vũ-Đình-Liên là cảm động nhất. Chỉ có một tiếng nói duy
nhất lạc lõng là bài thơ Hoàng-Cầm đọc. Đại ý nói Quán là người một lòng
chung thủy với Đảng, Bác. Đảng, Bác ra lệnh là Quán đi đầu làm theo. Bài
thơ này sau đó được báo Văn-Nghệ đăng lại. Chị Trâm, vợ anh Quán giận dữ
nói với tôi: “Anh Quán đã bỏ Đảng, Bác từ lâu rồi. Anh Cầm đã sỉ nhục chồng
tôi!”
Khi tôi mới tù về, Phùng-Cung đã giơ cho tôi xem bài thơ
ca ngợi Hồ nhân ngày sinh 100 năm của y, Hoàng-Cầm làm, lấy tên là “Nhớ về
làng Sen” đăng kín cả hai trang báo Văn-Nghệ. Anh còn cho tôi xem tập thơ
“Trường ca Bác” của Lê-Đạt cũng làm vào dịp này. Tôi đọc lướt qua, và thấy
tiếc cho các anh đó. Anh Cung nói với tôi là không bao giờ mời họ tới nhà
anh cả. Tôi thấy anh đã nhiều tuổi rồi, lại ốm yếu, sức thơ của anh cũng đã
xuống. Tôi khuyên anh nghỉ thơ, ngồi viết hồi ký về vụ Nhân-Văn. Anh là
người trong cuộc, lại là người chân thực, anh biết nhiều sự thật, kể cả
những sự thật buồn lòng. Tất cả phải viết ra để mọi người, nhất là lớp trẻ
biết rõ.
Từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa lung lay rồi sập, nhà
nước Cộng Sản đối phó với những người không phục tùng một cách khôn khéo
hơn. Tình thế đã khác. Họ trở nên xảo quyệt, ma quái, tinh vi, không trắng
trợn, thô bạo quá như lúc còn cường thịnh. Họ dùng chính sách “vừa dụ, vừa
dọa”. Trong một số trường hợp, họ đã thành công. Cụ Nguyễn-Mạnh-Tường viết
quyển L’Excommunié (Kẻ bị khai trừ) in ở Pháp, Nguyễn-Khắc-Viện phát biểu
bất đồng chút ít. Công an đến đe dọa trước. Rồi nhân dịp tết Nguyên-Đán,
Đỗ-Mười thân chinh tới nhà hai vị “mừng tuổi” một số quà, một số tiền, việc
này được chiếu cả lên tivi. Thế là hai cụ im hẳn. Chính quyền chỉ cần có
thế!
Con trai anh Phùng-Quán, cháu Quân, dây vào việc đánh
chết người, bị bắt vào Hỏa-Lò. Nắm lấy cơ hội này, công an gọi anh lên sở,
đề nghị anh “Có chung tiếng nói với Đảng” họ sẽ tha con anh ngay, coi như
vô tội. Vợ chồng anh Quán hỏi ý kiến tôi và Phùng-Cung. Chúng tôi hiểu lòng
bố mẹ thương con, không thể không cứu. Cháu Quân lại định tự sát trong nhà
giam. Tôi khuyên anh Quán là chỉ cần hứa với công an là anh im lặng cũng đủ
rồi. “Còn chuyện có chung tiếng nói với Đảng” là không thể chấp nhận. Anh
Quán thở dài sườn sượt. Anh hứa với công an như tôi khuyên. Lập tức cháu
Quân được về gia đình. Ít lâu sau, anh Quán qua đời.
Bác Nguyễn-Văn-Phổ, con học giả Nguyễn-Văn-Vĩnh, bạn tù
của tôi từ năm 1962, hoạt động quân báo nội thành cho cộng sản hồi chống
Pháp. Năm 1955, bác bị vu vạ là gián điệp, bị xử 15 năm tù, nhà cửa, tài
sản bị tịch thu hết. Bác được giảm 5 năm, nhưng lại nằm tù 17 năm, một
tháng, một ngày, mới được thả! Ra tù độ 7, 8 năm, tòa bí mật xử lại vụ án,
và xác định là tất cả vô tội. Bác được bạn bè rỉ tai cho biết việc xử lại
này. Bác đến tòa xin được văn bản tòa minh oan cho bác. Bác đã ở vào tuổi
bát tuần, bác chỉ yêu cầu chính quyền trả lại ngôi nhà bị tịch thu trị giá
khoảng sáu trăm ngàn đô la Mỹ. Đơn từ gửi các nơi, năm này sang năm khác,
không ai buồn giải quyết. Chúng tôi khuyên bác đưa việc này ra công luận
thế giới. Cuối cùng tận năm 1995, bác tới nhà tôi nói một thiếu tướng quân
đội tới nhà bác, đưa cho bác 100 triệu (gần 10 ngàn đô la Mỹ). Bác đành
bằng lòng cho qua hết: ngôi nhà, đồ đạc, tiền bồi thường 17 năm tù oan. Mọi
chuyện êm thấm!
Một số trí thức, văn nghệ sĩ, ít nhiều phản kháng khi
Đảng cởi trói (thực ra là nới lỏng đôi chút) bị chính quyền doạ dẫm, mua
chuộc, đã trở lại với nghề bồi bút cũ như Trần-Mạnh-Hảo,
Nguyễn-Thị-Ngọc-Tú, Diệp-Minh-Tuyền, Trần-Quốc-Vượng v.v… Một số co lại, im
lặng.
Nhưng nhìn chung, đại đa số, kể cả các đảng viên, đều
chán ghét Đảng. Nhiều người đấu tranh ngấm ngầm chống lại. Cứ xem những bài
văn, bài thơ được photocopy lưu truyền khắp nơi thì rõ.
Tôi thường nói với anh Cung và bạn bè là tôi có thể sẽ
được ra nước ngoài. Nhìn vào tình hình trong nước, tình hình thế giới, tình
hình người Việt hải ngoại mà tôi ít nhiều am hiểu qua một số bạn bè từ Mỹ,
Canada, từ Pháp, từ Úc về, tôi tin chắc rằng sớm là khi Mỹ bình thường quan
hệ ngoại giao với Hà-Nội, muộn là khi Mỹ cho Việt-Nam tối huệ quốc, tôi sẽ
được hộ chiếu sang Hoa-Kỳ. Anh Cung, cũng như các bạn tôi, đều là những kẻ
sống quá lâu trong lòng cộng sản, nên hiểu rõ tẩy của chúng, đòn phép, ý
đồ, đường đi nước bước của chúng. Tất cả đều đồng ý với nhận định của tôi.
Quả nhiên, khi Mỹ sắp quan hệ ngoại giao với Việt-Nam tôi
được cấp hộ chiếu. Và ngày 1-11-1995, tôi rời Việt-Nam đi Hoa-Kỳ.
Trước khi đi, các bạn tôi, toàn là bạn tù, tổ chức ăn
uống chia tay, chúc mừng tôi. Anh Cung gặp riêng tôi, vẻ mặt ưu tư:
- Tôi hiểu Thiện không mang thơ tù của tôi đi được. Có
vài người quen, đảng viên lâu năm cả, sắp đi công tác ngoại quốc. Họ cũng
chán Đảng, chán chế độ lắm! Tôi định nhờ họ mang tập thơ đó đi, tôi viết
nhỏ, gọn, dễ dấu. Hơn nữa, họ đã ra nước ngoài nhiều lần, không bị khám bao
giờ cả.
Tôi giật mình nhìn anh:
- Không được, việc nguy hiểm như vậy, đảng viên hay
không, chán đảng hay không, đều không thể tin được. Nhỡ là tình báo của Bộ
Nội-Vụ thì sao? Anh cũng biết khi mở kho hồ sơ mật vụ Đông-Đức ra, có những
ông văn sĩ, trí thức chống đối, bao năm mọi người vẫn nể phục, lại tóe loe
ra là các ông ấy làm việc cho cơ quan an ninh. Đúng là bây giờ cán bộ, đảng
viên đa số đã chán ngấy Đảng. Nhưng chắc chắn cũng có một số nhỏ làm việc
cho công an. Việc gián điệp tối mật, chúng ta biết ai vào với ai! Anh cứ an
tâm, chớ nóng vội. Sẽ có người tin cậy mang thơ của anh đi. Ngoài những
người thực hiểu rõ nhau, anh cũng chớ nói với ai là anh có tập thơ đó cả.
Anh nghe lời tôi, và không giao tập thơ tù của anh cho
họ. Anh Nguyễn-Hữu-Hiệu về Việt-Nam vài lần. Lần nào cũng tới thăm Phùng-Cung,
Phùng-Quán, Nguyễn-Hữu-Đang và tôi. Anh Hiệu đã mang lọt không những thơ
tù, mà cả gần mười truyện ngắn của Phùng-Cung sang Mỹ. Việc này nguy hiểm.
Anh Cung đã nhờ mấy người Việt hải ngoại mang đi. Nhưng họ e ngại.
Thời gian trôi thật là nhanh. Tôi sang Hoa-Kỳ đã được 19
tháng. Phải rời quê hương, rời những người thân, những bạn bè chí cốt đã
bao năm chia sẻ ngọt bùi cay đắng, tôi nhớ lắm! Luống tuổi rồi, lại xa
nước, tôi thấy câu tục ngữ La-tinh: “Đâu sống tốt, đó là tổ quốc” là sai.
Tôi nghĩ chúng ta vạn bất đắc dĩ mới phải rời bỏ đất nước. Quê cha đất tổ
càng đau khổ, chúng ta càng xót thương. Tôi hằng mơ ước một ngày không xa,
quê hương Việt-Nam yêu dấu được tự do, tôi sẽ trở về tìm lại những thứ cuộc
đời không thể quên, gắn bó với hồn tôi từ thủa tôi còn mặc quần thủng đít:
Những bờ tre, góc phố, những hương cau, hương bưởi, những quán nghèo, những
ngôi mộ, những con trâu, con chó đầy ân tình, những mùa trăng mênh mang,
những con người đôn hậu, cần cù, thông minh, hóm hỉnh, cùng chung tiếng
nói, điệu ru, câu hò, giọng hát, cùng chung một lịch sử vui buồn, một nền
văn hiến ngàn năm, và nhất là cùng chung bao tan tác, nổi chìm, giập vùi,
tai họa trong gần nửa thế kỷ. Vào những giờ phút hoàng hôn của tuổi sáu
mươi, tôi luôn có cảm giác mình đang sống những ngày ủ rũ buổi tàn thu.
Hình bóng những người mà tôi đã yêu, những thâm tình mà tôi đã mất thường
chập chờn trong tâm tưởng… Khi ra đi, tôi bùi ngùi nâng ly nói với các bạn:
- Cuộc đời chúng ta, tan hợp, hợp tan đã nhiều. Lần này
tôi xa các bạn, lòng vẫn hy vọng có một ngày rất gần sẽ được trùng phùng,
khi đất nước không còn bóng giặc. Cuộc trùng phùng này sẽ tưng bừng nhất,
hào hùng nhất, vĩ đại nhất trong cuộc đời đầy bất hạnh của chúng ta. Vì đó
cũng là cuộc trùng phùng, cuộc đại đoàn viên của cả dân tộc sau nửa thế kỷ
chia ly, đày đọa. Chúng ta căm giận mà không tàn ác vì chúng ta trân quý
điều thiện. Chúng ta nhân ái mà không khoan nhượng, hòa hợp với tội ác vì
chúng ta phẫn nộ trước mọi cái ác. Chúng ta biết ngẩng đầu trước sức mạnh
đen tối của bạo lực, nên chúng ta biết khoan dung cho những kẻ biết cúi đầu
hối cải, ủng hộ, khuyến khích họ trở về với Lương-Tri, với Dân-Tộc!
Từ ngày sống ở Mỹ, tôi vẫn gọi điện thoại về thăm hỏi
gia đình, thăm hỏi các bạn. Cách đây bốn tuần, vào tối thứ bảy, các bạn tôi
tập hợp nhau tại nhà Đại úy Kiều-Duy-Vĩnh đợi nói chuyện với tôi. Vừa bắt
đầu câu chuyện, nhà thơ Lê-Quang-Dũng báo tin cho tôi biết là Phùng-Cung đã
mất hôm thứ sáu tại nhà, sau hai tuần bạo bệnh. Các anh sắp đi đưa đám. Tôi
bàng hoàng, lòng quặn đau. Thế là anh đã ra đi vĩnh viễn, tôi chẳng bao giờ
còn được trông thấy anh, nhìn thấy nét mặt đầy ưu tư của anh, nâng cốc uống
trà với anh, nghe anh đọc thơ nữa… Đành rằng cửa tử ai cũng phải qua, nhưng
sao lòng lại đau, nước mắt lại ứa ra! Đêm đó, tôi nằm quay mặt vào tường,
hồi tưởng lại những năm tháng gần anh, từ buổi đầu gặp gỡ trên trại
Phong-Quang, một chiều đông ảm đạm, anh đứng trước cây ớt chỉ thiên, ngẩng
đầu nhìn lên nền trời xám nặng, nét mặt xám nhợt bất động, tới buổi từ biệt
anh, vào Sài-Gòn đi Hoa-Kỳ, anh nắm tay tôi không muốn rời, nước mắt rơm
rớm…
Mai này trở về Việt-Nam, tôi chỉ còn biết cúi đầu đứng
lặng trước chút thổ phần bò xéo cuối thôn, nơi thân xác anh an nghỉ…
Trời gần sáng, tôi nhắm mắt chợp đi, mơ thấy những vì
sao, những cánh buồm xanh biếc, đương ngược giòng Ngân lộng gió, đưa linh
hồn anh về với Thượng-Đế chí nhân!
Nguyễn Chí Thiện
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/nguyen-chi-thien-phung-cung.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001