Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Nguyễn Hoài Vân - Dân Chủ : từ Đông sang Tây

Nguyễn Hoài Vân - Dân Chủ : từ Đông sang Tây 

   at 2:26 PM


Nguyễn Hoài Vân - 

Dân chủ là người dân làm chủ đời sống của mình. Muốn như vậy, người dân phải được tự do, và giữa người dân này với người dân khác phải có sự bình đẳng. Tuy nhiên, Tự Do và Bình Đẳng lại là hai khái niệm đối nghịch nhau. Dân Chủ được xây dựng trên một nền tảng mâu thuẫn. Xin mời bạn đọc cùng chúng tôi xét qua vấn đề này :

TỰ DO VÀ BÌNH ĐẲNG :

Con người có nhiều điểm khác nhau : kẻ mạnh người yếu, kẻ thông minh, người “chất phác”, kẻ khéo léo, người vụng về v.v…nên hễ để cho mọi người tự do thì những kẻ có nhiều điều kiện sẽ tận dụng ưu thế của họ để qua mặt người khác trong cuộc chạy đua của cuộc sống, và sự bình đẳng sẽ không duy trì được. Muốn cho mọi người bình đẳng thì buộc phải giảm tự do, bắt những người tài ba hơn, khéo léo hơn, mạnh khoẻ hơn người khác, hạn chế khả năng của họ. Lý tưởng bình đẳng buộc phải có một quyền lực mạnh mẽ để duy trì tình trạng bình đẳng, đồng thời giảm bớt tự do, này. Đó là xã hội lý tưởng của người yếu vì bảo đảm cho họ đỡ bị đè đầu cưỡi cổ. Ngược lại, lý tưởng tự do là lý tưởng của kẻ mạnh, tin vào khả năng thăng tiến của mình, nên cần tự do để có điều kiện thực thi khả năng ấy. Xã hội tự do là môi trường thuận lợi cho họ tiến nhanh, tiến cao, tiến xa, qua mặt người khác trong cuộc sống.

Vì tự do và bình đẳng đối nghịch nhau, nên tuỳ theo khuynh hướng thiên về bên này hay bên kia mà có những đường lối quản trị quốc gia khác nhau. Các xã hội thiên về “ bình đẳng” thường bị chỉ trích là làm cản trở sự phát triển, không khuyến khích những người có khả năng tận dụng tài ba của họ. Các xã hội này thường nghèo hơn các xã hội thiên về lý tưởng tự do. Ngược lại, mô hình “tự do” lại hay bị phê phán là đưa đến tình trạng cách biệt giàu nghèo. Thật vậy, vì đề cao ý tưởng mọi người tận dụng khả năng của mình để thăng tiến nhanh hơn, mạnh hơn người khác, nên mô hình này có thể đưa đến một số tai hại như:

- Thành phần xã hội này phát triển trong khi thành phần khác nghèo đi. 
- Nước này phát triển mạnh trong khi nước khác nghèo đói
- Con người tận dụng ưu thế của mình để phát triển mạnh mẽ trong sự huỷ diệt thiên nhiên.

Người ta có thể nghĩ đến việc dung hoà hai khái niệm Bình Đẳng và Tự Do, bằng cách đặt ra các giới hạn cho các khái niệm ấy :

- Hạn chế Bình đẳng là chỉ đặt vấn đề BÌNH ĐẲNG ĐIỀU KIỆN chứ không phải bình đẳng trong kết quả của việc mưu sinh. Mọi người đều bình đẳng trong điều kiện sinh sống, nghĩa là :
.  Được hưởng sự giáo dục, huấn luyện như nhau
.  Được bảo vệ bởi những luật lệ như nhau
.  Được quyền tham gia vào sự phát triển cũng như vào các cơ cấu quản trị xã hội như nhau, v.v…

- Hạn chế tự do thường được diễn dịch qua nguyên tắc : “Tự do của anh phải bị hạn chế bởi tự do của tôi”.
Hạn chế tự do là một điều phức tạp, rất khó thực hiện. Chỉ cần nhìn qua hệ thống pháp luật của các quốc gia tự do là đủ thấy rõ. Pháp luật vừa bảo vệ, vừa hạn chế tự do, nên rất đa dạng và phải làm đi làm lại mãi, thêm bớt luôn luôn.
 Nhu cầu hạn chế tự do là một lý do khiến khái niệm này khó có thể đồng nhất ở mọi nơi, vào mọi lúc, với mọi người. Thật vậy, con người ở những môi trường khác nhau, với ảnh hưởng văn hoá, lịch sử v.v…khác nhau có thể quan niệm sự hạn chế tự do một cách khác nhau, và kết quả, tức chính quan niệm tự do, cũng trở thành khác nhau. Vì thế, đem quan niệm tự do ở chỗ này đặt vào chỗ khác có thể là một sai lầm.

TÌNH HUYNH ĐỆ :

Có lẽ để hy vọng giải quyết một cách dễ dàng hơn sự đối nghịch giữa bình đẳng và tự do nên người ta đã ghép vào hai khái niệm này một khái niệm thứ ba (tôn chỉ thứ ba của Cộng Hoà Pháp), đó là TÌNH HUYNH ĐỆ.

Đối với tự do và bình đẳng, quan niệm thứ ba này có một số ưu điểm, như:
- Nó dễ được chấp nhận bởi mọi người, ở mọi nơi
- Nó có thể được coi như một giới hạn hay một sự điều hoà tự nhiên cho cả hai khái niệm bình đẳng và tự do. 

Xin giải thích :
Hễ chấp nhận tình huynh đệ giữa con người với nhau thì sự tự do phát triển khả năng của mình để qua mặt người khác sẽ đương nhiên bị hạn chế, vì người bị mình qua mặt được coi như  anh em mình. Khi qua mặt người anh em ấy, thì tình huynh đệ sẽ bắt buộc mình phải có một trách nhiệm nào đó đối với anh ta. Mình sẽ không thể đè đầu cưỡi cổ anh ta một cách vô tình, mà ngược lại, tự cảm thấy bổn phận phải nâng đỡ anh ta, giúp anh ta có được một đời sống khá hơn, mặc dù những yếu kém.

Mặt khác, khi một người tài giỏi bị chèn ép, không được thụ hưởng trọn vẹn thành quả của khả năng của mình, thì người ấy, nếu tin vào tình huynh đệ, vẫn có thể tìm được một sự đền bù nào đó trong niềm vui giúp đỡ anh em, chứ không phải chỉ trong sự hưởng thụ vật chất.

Vì vậy : hô hào kiến tạo một xã hội « tự do và bình đẳng » có thể trở thành lệch lạc nếu không nghĩ đến một khái niệm điều hòa cốt yếu : đó là TÌNH HUYNH ĐỆ giữa người với người.

Tuy nhiên, nói tình huynh đệ khơi khơi thì lại trở thành trừu tượng, vận dụng ngôn từ hoa mỹ nhưng rỗng tuếch, không khi nào thực thi được đúng mức, như trong nhiều xã hội Tây Phương. Trong điều kiện hiện tại, thật khó mà nghĩ được rằng đa số con người có thể coi mọi người khác là anh em, và “thương yêu anh em như chính bản thân mình”. Vì thế, cần phải cho cái lý tưởng ấy một khuôn khổ thực tế. Người ta phải dễ dàng nhận ra, một cách cụ thể : đâu là anh em tôi, và đồng thời, đâu là cha, là mẹ, là chú bác, là bà con họ hàng tôi, để đem cái TÌNH vào sự giao thiệp với những con người ấy. Tức là cần một khung cảnh rõ ràng, dễ hình dung, để người ta có thể cảm thấy những liên hệ thân tình trong phạm vi đó, đồng thời với việc ý thức những tương quan quyền lợi hiển nhiên với những người trong cái tập thể đã được nhận chân.

Khung cảnh vừa nói có thể rất đa dạng. Chỉ xin nêu lên một thí dụ :

Người Nhật có khuynh hướng coi các xí nghiệp như những gia đình lớn. Các vị điều hành xí nghiệp cư xử như cha mẹ, chú bác, lo cho nhân viên từ nhà ở, nơi giữ trẻ, đến chuyện giải trí, nghỉ ngơi, du lịch, đau yếu, hưu trí, thậm chí cả đến những yếu tố thực tế lúc mệnh chung ! Đối lại, nhân viên coi xí nghiệp như gia đình mình, hết lòng lo cho hãng xưởng phồn thịnh, trong tình đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhân viên trong cùng công ty. Người ta thường ca tụng : công nhân Nhật Bản khi có tranh chấp phải tập họp biểu tình, thì, đến lúc giải tán, một tàn thuốc họ cũng cúi nhặt để khỏi làm dơ sân hãng !

DÂN CHỦ VÀ “ĐỒNG THUẬN” :

Nhiều người nói : dân chủ là đồng thuận. Thật vậy, đồng thuận là một khái niệm cơ bản trong sự thực thi dân chủ. Điều cần nhận rõ là con đường đưa đến đồng thuận rất khúc khửu chông gai :

1) Đồng thuận là cùng nhau thoả thuận về một vấn đề chung nào đó. Nói đồng thuận nghĩa là trước đó có sự bất đồng, bất thuận. Từ sự bất đồng, bất thuận này người ta mặc cả, trả giá, để đi đến đồng thuận. Trả giá trên căn bản nào ? Thường là trên căn bản quyền lợi của mỗi thành phần liên hệ. Từ đó, đưa đến việc mỗi thành phần tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi của mình và kéo cái “đồng thuận” kia càng thiên về phía mình càng tốt. Điều ấy có khi không phù hợp với quyền lợi chung, nhất là khi sự phát triển xã hội đòi hỏi một số hy sinh trong một giai đoạn khó khăn nào đó. Đồng thuận nhìn theo kiểu này là một cuộc trả giá, trong đó mỗi bên có khuynh hướng thách giá thật cao, để phòng khi mặc cả có phải bớt xuống. Trong sự trả giá này quyền lợi riêng rất dễ được đặt trên quyền lợi chung, và người ta cũng dễ có khuynh hướng dùng những phương cách « nói thách » rất hiệu nghiệm nhưng tai hại cho sự phát triển chung, thí dụ như những cuộc biểu tình, đình công quá đáng, đến độ trở thành phá hoại.

2) Một tai hại khác của những trả giá như vừa nói, là việc một số “con buôn chính trị” có thể dùng tài  khéo léo của mình để ảnh hưởng vào sự đồng thuận, đưa đến tình trạng “lẻo mép chủ nghĩa”, trong đó, những kẻ phỉnh gạt thiên hạ có thể dễ dàng « bán » những « món hàng » hư hại cho xã hội.

3) Rất gần với “lẻo mép chủ nghĩa” là nạn mị dân, đã làm sụp đổ nhiều xã hội. Mac Aulay cho rằng : “Ở mỗi thời đại, phần tử hèn hạ nhất luôn nằm trong đám mị dân”. Đám này thường kích thích vài xu hướng hay ước vọng chính đáng, hay không chính đáng lắm, của người dân, để đưa xã hội vào con đường đổ vỡ. Hiện trên thế giới có hai đề tài chính đang được khai thác bởi đám mị dân, đó là:
.  Dân tộc chủ nghĩa quá khích
.  Và tinh thần tín ngưỡng cuồng bạo.

4) Một khía cạnh khác của “đồng thuận” là sự cần thiết phải thông hiểu rõ ràng vấn đề đang được tranh cãi để có thể đi đến thoả hiệp hay chống đối. Người dân cần hiểu biết về một đạo luật hay về sự hay dở của chính phủ  trong một công việc chính xác, để có đủ dữ kiện trước khi chọn lựa một thái độ. Sự hiểu biết này thường được truyền đạt qua các phương tiện truyền thông: truyền thanh, truyền hình, báo chí, sách vở … Như vậy, có thể nói : ai nắm các phương tiện truyền thông thì nắm dư luận và nắm một phần quan trọng của việc hành sử quyền dân chủ. Vì lý do đó, có từ « médiacratie » để hàm ý rằng các nhà truyền thông mới thực sự chủ trì việc quản lý xã hội. Nhưng, ta lại tự hỏi : ai nắm các phương tiên truyền thông ? Ai có được những số vốn khổng lồ để làm việc ấy ? Rốt cuộc,  phải công nhận mọi việc đều quy về…tiền bạc !

Như vậy, đồng thuận, khi tuỳ thuộc vào một dư luận bị lợi dụng, hay lu mờ bởi những quyền lợi riêng tư, thì sẽ đưa xã hội vào trì trệ hoặc đổ vỡ. Muốn tránh những lầm lạc này, ĐỒNG THUẬN cần đi liền với Ý THỨC : ý thức sự quân bình cần thiết giữa quyền lợi của mình và quyền lợi của xã hội, ý thức những nhượng bộ cần thiết cho lợi ích chung, ý thức đâu là ý kiến khách quan, thực tế, đâu là mị dân, cơ hội chủ nghĩa. Đây cũng là vấn đề TỰ GIÁC.

DÂN CHỦ VÀ TỰ GIÁC :

Mỗi người đều tự giác làm đúng vai trò, bổn phận của mình, đó là lý tưởng của một xã hội dân chủ. Trong một xã hội kiểu này, không cần có áp lực từ trên xuống để điều khiển đời sống con người, vì mỗi người đều tự giác làm đúng việc của mình. Nói cách khác, không cần đến hình thức quản trị theo mô hình “ kim tự tháp” nữa, mà mọi sinh hoạt của xã hội sẽ được tổ chức theo mô hình “hạch tâm”, như một số học giả Tây Phương đã nhận định từ vài năm nay.

Thật ra, đây chỉ là một ước mơ. Trong điều kiện hiện tại, khó mà quan niệm nổi một xã hội như vậy, ít ra là tại các nước đang phát triển. Thật ra, một xã hội lý tưởng xây dựng trên những công dân tự giác có thể được coi như một loại thiên đường, trong bản chất không xa thiên đường Cộng Sản. Cần nói là các nhà chế tạo thiên đường thường quan niệm một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó con ngưòi phải chịu nhiều hy sinh, có khi bị tước đoạt quyền tự chủ một thời gian, trước khi đạt đến xã hội lý tưởng như được hứa hẹn. Đối với học giả Cộng Sản, thì trước hết phải sản xuất thật mạnh, trải qua thời kỳ quá độ, bước lên xã hội chủ nghĩa qua độc tài vô sản, rồi mới từ từ đạt tới thiên đường Cộng Sản, bao hàm một nền dân chủ tự giác của những công dân không còn cần đến quyền tư hữu, vì sự sản xuất đã đạt đến một mức độ dư dùng cho tất cả mọi người, không cần đấu tranh vì không còn giai cấp, không cần chính phủ, vì người công dân tự giác thừa sức tự quản lý xã hội. Đối với Tôn Văn, dân chủ cũng không thể được thực thi ngay tức khắc, mà phải thông qua một “thời kỳ huấn chánh”, để người dân học hỏi cách hành sử quyền làm chủ đất nước mình, tức có được một kiến thức chính trị vững vàng, đồng thời đạt đến một trình độ tự giác nào đó.

Thật vậy, không phải cứ nói tự giác là người dân sẽ tự giác. Dù cho có tin là khuynh hướng tiến hoá tự nhiên của nhân loại sẽ là một xã hội kiểu này (điều không có gì là chắc chắn), đối với nước ta, cũng phải nhận định rằng : đây không phải là việc của một tương lai gần. Việc của thế hệ hiện tại không phải là quản trị một xã hội lý tưởng, mà là quản trị một xã hội có kẻ hay, người dở, kẻ dơ người sạch, kẻ bất lương, người lương thiện, kẻ hèn hạ, người anh hùng, kẻ tự giác, người …không tự giác, hoa thơm và bãi phân trâu ! Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.

DÂN CHỦ VÀ ĐA NGUYÊN :

Nhiều người nghĩ rằng : đã dân chủ thì đương nhiên là phải đa nguyên. Nói « dân chủ đa  nguyên » phải chăng là mặc nhiên công nhận có một nền “dân chủ” nhất nguyên ? Xin được phân tích vấn đề này :

Người ta có thể quan niệm “đa nguyên” một cách “kỹ thuật”:

Đa nguyên là một kỹ thuật “làm” dân chủ, đối lại với một “kỹ thuật’ khác gọi là « dân chủ tập trung ». Dân chủ tập trung đại khái là một mô hình tổ chức loại kim tự tháp trong đó nhân sự ở tầng trên được bầu bởi tầng dưới, từ tầng này lên tầng khác, cho đến đỉnh tháp. Nói cách khác : quyền lãnh đạo được uỷ thác dần dần từ dưới lên trên, trong những nhiệm kỳ định trước, đưa đến một đường lối thống nhất mà mọi người phải tuân theo. 

Những học giả biện hộ cho dân chủ tập trung cho rằng nền dân chủ nào cũng đều phải tập trung. Không thể có hàng triệu người cùng quyết định việc nước. Nhân dân phải uỷ thác quyền làm chủ đất nước cho những nhóm lãnh đạo, từ địa phương đến trung ương. Các quyết định trong việc quản lý xã hội bắt buộc phải được tập trung trong tay một số người được bầu. Điều quan trọng là những người ấy được đề cử theo một thể thức dân chủ. Theo các học giả này thì điểm chính yếu trong dân chủ tập trung là “dân chủ” chứ không phải là “tập trung”.

Những người chống lại dân chủ tập trung, tức chủ trương « dân chủ đa nguyên », thì nói : dân chủ tập trung khiến người cầm quyền có thể lạm dụng quyền hành của mình và trở thành độc tài trá hình. Lý do vì họ nắm hết việc nước trong tay nên rất dễ thao túng dư luận (qua phương tiện truyền thông chẳng hạn), đàn áp đối lập, tổ chức bầu cử không đúng đắn v.v… để củng cố vị thế lãnh đạo của phe nhóm mình trong lâu dài.

Trong khuynh hướng » đa nguyên », người ta đòi hỏi phải có nhiều đầu mối quyết định việc nước. Quyền hành phải được phân tán, các quyết định hệ trọng phải được chia sẻ giữa nhiều đầu mối phán quyết, bên cạnh chính phủ, thượng viện, hạ viện v.v... Thí dụ như  những hội đồng chuyên môn (như « hội đồng tối cao truyền thanh truyền hình » ở Pháp), có nhiều quyền quyết định trong lĩnh vực liên hệ, hay các cơ cấu bao gồm đại diện công đoàn như hội đồng quản trị các quỹ hưu trí và an sinh xã hội (Pháp), hội đồng « kinh tế xã hội » (Pháp), hoặc quy tụ đại diện các tôn giáo, như « uỷ ban đạo đức »  (Pháp), chưa kể các uỷ ban và hội đồng có tính giai đoạn, được bổ nhiệm để giải quyết một vấn đề đặc biệt, v.v… Người ta cũng càng ngày càng tạo thêm điều kiện để người dân có thể tham gia trực tiếp vào việc quản trị xã hội, như  những cuộc trưng cầu dân ý trải rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống (Thuỵ Sĩ, Hoa Kỳ …), hay những phương tiện thăm dò trực tiếp, đặc biệt là ở địa phương, để mọi người dân có thể lập tức cho biết ý kiến và đề nghị của mình về một vấn đề nào đó trong làng mạc, thành phố. Đó là dân chủ đa nguyên hiểu theo khía cạnh “kỹ thuật”.

Mặt khác, người ta còn dùng chữ đa nguyên với một ý nghĩa triết lý hơn một chút để chỉ sự tôn trọng tất cả mọi thành phần, mọi tư tưởng, mọi tập quán, kể cả những thành phần thiểu số, hay kỳ quái, đi ngược lại với tập quán xã hội. Nói cách khác, mọi thành phần, dù là thiểu số, đều là một “nguyên” và đều có quyền tham dự vào việc nước, trong phạm vi dân chủ. Giữa chế độ Cộng Hoà, người ta có thể lập đảng bảo hoàng suy tôn một đấng quân vương nào đó, lập đảng Nazi, tôn vinh Hitler, hay ngược lại, lập đảng cực tả, đòi tước đoạt tài sản của người giàu, quốc hữu hoá rộng rãi. Các tổ chức này hàng ngày sinh hoạt vui vẻ, ấn hành sách báo, truyền đơn, biểu ngữ, quây quần hội họp, quyên tiền, có khi ứng cử dân biểu, nghị viên,  tổng thống … Đó là chưa kể đến những giáo phái thờ ác quỷ, hay tin theo một đấng “cứu thế” sống giữa họ, những nhóm liên lạc với “người” ở hành tinh khác, hay các phong trào chủ trương luyến ái kỳ dị, trao đổi vợ chồng, v.v… tất cả đều được xã hội bảo vệ, trong phạm vi luật pháp.

Ngoài ra cũng có quan niệm đa nguyên là mọi người dân trong xã hội đều là một “nguyên” và đều tham gia tích cực vào việc nước trong tinh thần tự giác. Chúng ta đã bàn qua vấn đề này.

Trên phương diện lịch sử thì dường như quan niệm đa nguyên là một đặc sản của xã hội Tây Phương. Theo Henry Kissinger, quan niệm ấy hình thành từ bốn điều kiện :
1) Truyền thống và quan niệm triết học La - Hy về giá trị con người
2) Sự phân chia quyền hành giữa Giáo Hội và uy quyền quốc gia. Quyền hành này là giới hạn của quyền hành kia, tuy cả hai cùng hỗ trợ nhau trong công trình chung.
3) Sự xuất hiện của giai cấp trưởng giả. Giai cấp này càng ngày càng có ảnh hưởng trong mọi sinh hoạt của xã hội, nhưng lại muốn đứng ngoài chính trị, chỉ muốn công việc làm ăn của họ đừng bị trở ngại.
4) Nhu cầu phải dung hợp và chung sống hoà bình sau những cuộc thánh chiến đẫm máu.

Theo học giả này, nếu thiếu một trong những điều kiện vừa kể, thì xã hội Tây Phương đã tiến theo một hướng khác. Ồng cho rằng kiểu mẫu đa nguyên như ở Tây Phương không thể tái tạo được ở nơi khác…

DÂN CHỦ VÀ PHÁT TRIỂN :

Dân chủ có phải là điều kiện tất yếu để phát triển mạnh hay không ? Nếu bảo rằng phải, thì tại sao gần nước ta, những “con rồng nhỏ” khi chưa thực sự dân chủ, đã vẫn phát triển được một cách nhanh chóng?

Người ta có thể nhận xét rằng : có hai điều kiện quan trọng của phát triển, bên cạnh một số điều kiện khác. Đó là : có được sự tham gia của thật nhiều nhân tài, và tạo được môi trường thuận lợi cho những người này thi thố tận lực tài ba của họ .

Với hai quan niệm Tự Do và Bình Đẳng như đã nói ở trên, xã hội Dân Chủ có thể thoả mãn được hai điều kiện này :

- Tự do khiến người tài có thể thi thố tận lực khả năng của mình
- Và bình đẳng khiến sự tuyển mộ người tài được trải rộng đến toàn thể xã hội, đến mọi giai cấp, mọi tầng lớp, bất kể sang hèn, giàu nghèo.

Như vậy, trên lý thuyết, dân chủ quả có thuận lợi cho sự phát triển. Tuy nhiên, như đã nói, trong thực tế, sự phát triển có những điều kiện khác, gắn liền với từng xã hội. Nói cách khác, muốn thực sự giúp ích cho việc phát triển thì phải thực thi dân chủ theo những cách thức thích hợp với dân, với nước, với lịch sử, của mỗi xã hội.

Thật vậy :
- thích hợp với dân tình, dân chí, thì mới tránh làm cho người dân có cảm tưởng bị lợi dụng bởi những từ ngữ cao đẹp nhưng trống rỗng đối với họ, và thờ ơ bất hợp tác;
- thích hợp với những điều kiện đặc biệt của địa phương thì mới tránh pha lẫn những cái chưa pha lẫn được, tránh những bất mãn, tranh chấp, tốn hao nhân lực và tài nguyên;
- thích nghi với những điều kiện lịch sử thì mới tránh khỏi đốt giai đoạn, làm những việc trừu tượng, chủ quan, việc đã qua mà cứ cố níu kéo, hay việc chưa thể mà vẫn cứ làm.

Khái niệm đơn vị phát triển, được đề cập đến trong một bài khác, có thể là một tư tưởng tốt. Các chương trình “phát triển toàn diện” rất thường lâm vào bế tắc. Vì thế có khuynh hướng đề ra những kế hoạch phát triển từng vùng, được phân định dựa trên một số hạ tầng cấu trúc cần yếu, cũng như phù hợp với điều kiện nhân văn, địa lý và lịch sử như vừa nói.

TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, VÀ DÂN CHỦ TRONG TƯ TƯỞNG ĐÔNG PHƯƠNG

Tự Do :
Truyền thống Đông Phương có vẻ ít dùng chữ tự do mà hay nói « tự tại ».

Theo quan niệm này, tự do, hay tự tại, gắn liền với sự giảm thiểu mọi ràng buộc. Nói một cách cụ thể , đó là thoát khỏi những tham cầu và những bám chấp, thu gọn trong bốn chữ “vô cầu bất chấp”. Để thực hiện được điều này, có thể hình dung một hành trình giải thoát bao gồm một số giai đoạn. Trong bài Lão Giáo của loạt bài « Tam Giáo », chúng tôi đã theo sự chỉ dẫn của Trang Tử mà ghi lại bốn giai đoạn như sau :
1) Ngoại thiên hạ : tức loại bớt những  gì có thể cảm thấy bằng giác quan hay gợi lên bằng ý tưởng. Nói cách khác là giảm sự ràng buộc bởi ngoại cảnh.
2) Ngoại vật : bớt chú trọng nơi phần vật chất của mình, quay vào nội tâm. Đây cũng là giảm thiểu tối đa nhu cầu vật chất.
3) Ngoại sinh: là diệt « ngã », bớt nghĩ đến “cái tôi”, ý thức được « cái tôi » chỉ là một tập hợp của nhiều thành tố, không thể tự nó hiện hữu, không phải là một « thực thể tự tại ».
4) Thực hiện được « Ngoại sinh » cho đúng mức, thì đạt đến trạng thái Triêu Triệt, được định nghĩa như làm  một với Nhất Thể của Vũ Trụ, không còn bị ràng buộc bởi thời gian, không gian, sống chết,  v.v… nữa. Đó là Tự Do tuyệt đối.

Tương tự như vậy, trong bài Phật Giáo, chúng tôi cũng đã mượn một phương pháp Đại Thừa căn bản (Tứ Cú), để ghi lại bốn giai đoạn của tri thức (xem bài Phật Giáo) :
1) Tin tưởng mù quáng
2) Tin tưởng sau khi đã vận dụng lý trí để suy luận cặn kẽ, phân biệt hẳn hoi giữa đúng sai, tốt xấu v.v…
3) Tương đối hoá mọi hiện tượng, nhận thức và suy luận, nhìn ra rằng mọi việc đều vừa đúng vừa sai, vừa tốt vừa xấu, vừa hay vừa dở …
4) Và sau cùng, thấy được là không có gì « thường có » để mà đúng với sai, để tốt với xấu, có với không … Giai đoạn này là giai đoạn của sự giải thoát khỏi mọi cái “chấp”, kể cả chấp sự  “không chấp” và cầu cái “vô cầu”. Đó cũng là tự do tuyệt đối, lúc nào cũng là lúc này, ở đâu cũng là ở đây, không sống không chết, không sinh không diệt, không người không ta.

Theo Trang Tử, chỉ cần tu luyện trong 19 ngày là có thể đạt đến “ngoại sinh” tức tự do tuyệt đối (ngoại thiên hạ phải tốn ba ngày, ngoại vật bảy ngày, ngoại sinh chín ngày). Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, chúng ta vẫn buộc phải bằng lòng với một sự Tự Do tương đối, mà chúng ta có thể trau dồi và phát triển bằng cách:
- Giảm thiểu nhu cầu, biết tự thoả mãn với cái mình đang có, không tạo thêm những ham muốn không cần thiết.
- Bớt những thành kiến, cố chấp, những tin tưởng mù quáng, cuồng tín.
- Bớt nghĩ đến mình, giảm thiểu sự tự ái.

Ngày nay, quan niệm “tự do” này của tư tưởng Đông Phương có một đối thủ rất lợi hại: đó là “xã hội tiêu thụ”, trong đó tiêu thụ trở thành  một giá trị, một mục đích của cuộc sống. Người ta cố sức làm việc, để có thể tiêu thụ hơn ngưòi khác, có nhà lớn hơn, xe tốt hơn, áo quần đẹp hơn v.v… vì tin rằng giá trị của mình tuỳ thuộc vào những thứ ấy.

Nếu chúng ta muốn tìm về với tư tưởng của tiền nhân, thì nên đặt lại vấn đề như sau:

Giả sử mục đích của cuộc sống là mưu tìm hạnh phúc, thì sự tiêu thụ phải được coi như cái giá phải trả để có sự hạnh phúc ấy. Ai trong chúng ta, khi mua một món hàng lại không muốn trả giá càng hạ càng tốt ? Khi “mua” món hàng hạnh phúc cũng vậy : hãy cố hưởng thụ thật nhiều hạnh phúc, với thật ít tiêu thụ !

Tuy nhiên, nếu không thúc đẩy tiêu thụ, không khích động nhu cầu, thì làm sao làm « chạy » được kinh tế ?

Câu trả lời có lẽ là cần theo một mô hình kinh tế khác, thoát khỏi mô hình phí phạm vô lối của “xã hội tiêu thụ”. Người ta ước lượng nếu toàn thể nhân loại cùng đua nhau tiêu thụ như người Hoa Kỳ, thì tất cả tài nguyên trên thế giới sẽ tiêu tan chỉ trong vòng mười năm ngắn ngủi. Qua phim ảnh, sách báo, các chương trình truyền hình, và nhiều  phương tiện truyền thông khác, một phần lớn nhân loại hiện ước mơ một đời sống “kiểu Mỹ”, sau khi đã tỉnh giấc đối với thiên đường Cộng Sản. 

Thiên đường này thay thế thiên đường khác, một giấc mộng đẩy lui một giấc mộng, tựu trung vẫn chỉ là phiêu lưu trong mộng tưởng…

Bình đẳng :
Ý tưởng bình đẳng ở Đông Phương nằm trong niềm tin rằng mọi con người và mọi sự vật đều có cùng một bản thể (Vạn vật dữ ngã nhất thể giã – Trình Minh Đạo), đều như anh em cùng cha mẹ (Dân ngô đồng bào, vật ngô dữ giã – Trương Tái). Quan niệm bình đẳng này gắn liền một cách thâm sâu với đạo sống của người Đông Phương, và nhất là không chỉ giới hạn trong loài người mà còn mở rộng ra đến muôn loài vạn vật.

Nhưng đó là triết lý trừu tượng. Trong thực tế hàng ngày, từ nhiều ngàn năm nay, vấn đề bình đẳng tại nước ta đã được thể hiện qua sự kiện mọi tầng lớp xã hội đều có thể sản xuất ra được những người tích cực tham gia việc nước, kề cả ở những cấp bậc cao nhất. Hoàng Đế Bảo Đại có phát biểu trên đài truyền hình, đại ý rằng : Triều Đình Việt Nam xưa sinh hoạt đại khái như một chế độ Đại Nghị. Nhà Vua làm gì cũng bàn với các vị quan, mà các vị này, thì đến từ mọi giai tầng xã hội. Thật ra, ngay cả đến các bậc Quân Vương cũng có thể đến từ mọi giai tầng xã hội. Những thí dụ trong lịch sử không thiếu. Vua Thái Tổ nhà Lý là một trường hợp tiêu biểu. Ngài vốn là một đứa trẻ không cha (có thuyết nói khác), làm con nhà chùa, thế mà lớn lên lật đổ được một dòng vua suy thoái, khai sáng một triều đại lẫy lừng thịnh trị. 

Lịch sử nước ta quả không thiếu gì những vị :
Chẳng phải rằng ngây chẳng phải đần
Bởi vì nhà khó hoá bần thần
( Nguyễn Công Trứ)

Thế mà sau trổ tài làm nên danh phận lừng lẫy. 

Thậm chí hình ảnh của người học trò trong dân gian, cũng như trong văn chương, gần như bao giờ cũng là một anh chàng nghèo nàn tơi tả :
Áo Trọng Do bạc thếch, giải xuân thu cho đượm sắc cần lao
Cơm Phiếu Mẫu hẩm xì, đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ
( Cao Ba Quát )

Sống trong “bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ” (N.C.Trứ), thế mà nói ra thì chỉ rặt những “toan sẻ núi lấp sông, làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ” (Nguyễn Công Trứ) sẵn sàng “đeo vòng thư kiếm, gánh vác giang sơn” ( Cao Bá Quát) ! Thật vậy, thư sinh phần nhiều là con nhà bần hàn, nhưng lại chính là những người sẽ lĩnh việc quản trị đất nước.

Rồi, khi quốc biến, người ta không còn kể đâu là danh gia quý tộc, đâu là dân giả bần hàn, mà ai có tài cũng đều được tôn trọng. Từ Phù Đổng Thiên Vương cho tới sau này, người trong dân giả đã nhiều phen cứu nước, lưu danh kim cổ. Không ai nghĩ đến tỵ hiềm nguồn gốc của họ. Ngay cả nữ giới, gặp thời gặp lúc, cũng đã viết lên những tràng sử oanh liệt, được hậu thế tôn thờ...

Tinh thần bình đẳng ở Việt Nam thời cổ, vì giúp cho người tài ở mọi tầng lớp, mọi giai cấp, đều có thể tham gia tích cực vào việc nước, nên có lẽ đã góp phần không nhỏ vào sự hùng mạnh của nước nhà. Và cũng có lẽ ảnh hưởng lề lối cai trị Trung Hoa đã làm bớt đi phần nào tinh thần bình đẳng ấy. Vì thế, cần làm cho nó sống lại, và triển nở cùng với những tinh hoa khác của dân tộc.

Dân chủ :
Nếu đi tìm ý tưởng tôn trọng người dân ở Đông Phương, người ta có thể lần lên đến thời các vị Vua Thánh : Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Đạo của các ngài được truyền thừa bởi Nho Gia, để rồi, ngay giữa thời Đông Chu phong kiến, các vị này đã giõng dạc tuyên bố:

Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh !

Ta gần như nhận ra tôn chỉ “Vox populi, suprema lex” (ý dân là luật tối thượng) hay “Vox populi, vox Dei” (ý dân là ý trời) của người Tây Phương. Tuy nhiên khi đi vào thực tế áp dụng, thì Đông và Tây có chỗ khác biệt:

Ở Tây Phương, hễ nói đến dân chủ là người ta liền nghĩ ngay đến QUYỀN LỢI. Người ta  đòi hỏi, đấu tranh, cho mọi thứ quyền lợi của mình. 

Ở Đông Phương, ngừơi ta nghĩ đến BỔN PHẬN nhiều hơn là quyền lợi. Khi quan niệm mình với vạn vật cùng một thể, mình với Trời Đất là một (Thiên nhân hợp nhất) người Đông Phương đặt ngay vấn đề bổn phận của mình với Đất Trời vạn vật. Trong bài Nho giáo, chúng tôi có đề nghị định nghĩa đạo Nhân là sống ý thức bổn phận của mình đối với người khác và đối với toàn thể Thiên Nhiên. Trong khuôn khổ gia đình, xã hội, người ta đã đề ra những phạm trù “chuyên môn” cho Đạo Nhân như:
-  Hiếu là Nhân với cha mẹ
-  Đễ là Nhân với anh em
-  Kính là Nhân với người trên
-  Từ là Nhân với kẻ dưới
-  Nghĩa là Nhân trong sự ghét điều quấy ưa điều phải
-  Lễ là Nhân trong sự nhường nhịn
-  Trí là Nhân của sự sáng suốt, biết phân biệt hay dở, tốt xấu…
-  Tín là Nhân trong sự giao kết thành thật không xảo trá v.v…

Rồi người ta cũng đề ra những giai đoạn qua đó con ngưòi có thể trau dồi và phát huy đạo nhân. Thí dụ nơi chính mình, thì gọi là TU THÂN, nơi gia đình mình, gọi là TỀ GIA, trong nước mình, gọi là TRỊ QUỐC, và sau cùng đem đạo Nhân đến khắp mọi nơi, gọi là BÌNH THIÊN HẠ.

Có lẽ người Việt Nam đã đi xa hơn một chút trong đạo Sống này. Thật vậy, đối với người Vịêt, Đạo Nhân không chỉ đặt căn bản trên bổn phận, mà còn bao hàm khái niệm TÌNH THƯƠNG. Người mình gặp ai cũng xưng hô là bác, chú, anh, chị, em, cháu, con …tức cũng muốn đem người ấy vào trong phạm vi thân tình của một gia đình. Đối với người mà ta gọi là bác, là chú, là anh, là chị, em, cháu … thì vấn đề không còn là bổn phận thuần tuý nữa, mà có thêm một sự thân tình. Bổn phận kia không chỉ là kết quả của một sự suy luận khô khan, mà mang hương thơm của đoá hoa tình thương nở rộ trong tim mỗi người.

Người Việt Nam cũng đã biết cụ thể hoá cái tình ấy trong việc tổ chức xã hội, khi đặt ra một khuôn khổ rõ ràng cho khái niệm GIA ĐÌNH TÌNH THƯƠNG vừa nói : đó là ngôi làng thơ mộng với lũy tre xanh, cây đa, mái đình v.v…đã làm thổn thức nhiều văn nhân, thi sĩ.

Khuôn khổ này được mở rộng thêm ra, với quan niệm GIA ĐÌNH TÌNH THƯƠNG DÂN TỘC, để nhấn mạnh trên cái TÌNH giữa người Việt, trong một đơn vị lớn hơn, là toàn dân tộc. Cùng với tinh thần bình đẳng đã nói ở trên, quan niệm « tình gia đình » này có lẽ đã là lợi khí quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của tiền nhân. Đừng nên coi nhẹ nó. Cần nhận rõ : không có nền dân chủ nào đẹp bằng, và hiệu quả bằng một chính thể được xây dựng trên tình thương giữa những người tự coi mình như thành phần của một đại gia đình …

Để cho vấn đề « dân chủ - tự do » ở Đông Phưong được đầy đủ hơn, chúng tôi cũng không quên nhắc lại lời của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, đã được trích dẫn trong bài Lão Giáo. Ông nói :
“ Trị đại quốc, nhược phanh tiểu tiên”

Nghĩa là : trị nước lớn cũng như chiên cá nhỏ, càng can thiệp vào, tức càng đụng, càng lật, thì càng nát.

Và câu của Trang Tử (Ứng Đế Vương) :
“Thuận vật tự nhiên, nhi vô dụng tư, nhi thiên hạ trị hỹ”.

Ý nói: (nhà cầm quyền) thuận theo tính tự nhiên của mọi vật, đừng theo quyền lợi hay sự thiên chấp riêng tư của mình, thì thiên hạ sẽ yên ổn.

Hai câu này cho thấy các ý tưởng rất thời thượng như « cần hạn chế sự can thiệp của nhà cầm quyền » và « cần thuận theo chiêu hướng chung của lịch sử », đã có từ xưa trong tư tưởng Đông Phương. 

Ngoài ra, vấn đề « đa nguyên » ở Đông Phương có thể được hình dung như sau :
Vì mọi tư tưởng đều vừa đúng vừa sai và chỉ nói lên một phần của sự thật, nên mọi tư tưởng đều được tôn trọng, nếu không làm hại cho sự an bình trong xã hội. Mặt khác, vì chân lý tuyệt đối không thể nói ra (xem loạt bài “Tam Giáo”), cho nên mỗi người phải tự lực tìm ra chân lý, và phải được tôn trọng trong nỗ lực ấy. Kết quả là không có những hệ thống cố định, mang tính giáo điều, mà chỉ có những con đường, những phương pháp, phương tiện, “pháp môn”, để tuỳ thời, tuỳ trường hợp, « tuỳ duyên nghiệp » mà ứng dụng. 
Tuy nhiên, cần thêm là những con đường hay phương pháp ấy đều quy về một chân lý duy nhất,  là bản thể của vạn vật, như ý nghĩa câu : « Vạn Pháp quy nguyên ». Vì thế, có thể cho rằng tư tưởng Đông Phương khởi đi từ đa nguyên, nhưng lại quy về nhất nguyên.

TÓM LẠI

Dân chủ không nhất thiết là chìa khoá mở được mọi cánh cửa, giải quyết mọi vấn đề của đời sống con người. Dân chủ cũng không phải bao giờ cũng là cái đũa thần đem lại phát triển, giàu mạnh và phúc lợi.. Dân chủ, tự do, cũng không phải là những khái niệm tổng quan, có thể áp dụng đồng loạt ở khắp mọi nơi, với tất cả mọi người.

Chấp nhận dân chủ là phần nào chấp nhận mọi sự xấu tốt trong xã hội, là chấp nhận người cao thượng lẫn kẻ hèn hạ, người lương thiện lẫn kẻ bất lương, quân tử và tiểu nhân, thánh nhân và phàm phu. Dân chủ là sự tổng hợp những tương phản của con người, và giá trị của một xã hội dân chủ không thể là gì khác hơn giá trị của đa số người dân trong xã hội ấy. Dân tốt, nền dân chủ sẽ  sẽ tốt, dân xấu xa, nền dân chủ sẽ đốn mạt.

Winston Churchill có tuyên bố một câu thường được trích dẫn, đó là : “Dân chủ là lối cai trị xấu xa nhất ngoại trừ những lối cai trị khác”. Ông muốn nhắc nhở một điều căn bản, đó là:
Dân chủ cần được quan niệm trong một xã hội không hoàn hảo, với nhiều xấu xa. Trong một xã hội như thế, dân chủ là giải pháp đỡ xấu nhất. Thí dụ như nó cho phép thay thế một chính sách hay một chính phủ mà không cần đổ máu.

Nói cách khác :
Không có xã hội hoàn hảo
Không có thiên đường nơi trần thế này, 
Chính trị là nghệ thuật thoả hiệp với cái đỡ xấu nhất.

Vì thế, cần tránh rơi vào những giấc mơ, chạy theo những thiên đường …

Cũng xin có một nhận xét cuối :

Khi tranh đấu dân chủ, cho người dân được quyền làm chủ đất nước, có khi nào người ta tự hỏi :

NẾU ĐẤT NƯỚC KHÔNG ĐƯỢC TỰ CHỦ, THÌ NGƯỜI DÂN KIA LÀM CHỦ CÁI GÌ ?

Nguyễn Hoài Vân
Ngày 9 tháng giêng 1991
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/nguyen-hoai-van-dan-chu-tu-ong-sang-tay.html?utm_source=BP_recent
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001