Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Nguyễn Mộng Hoài - Phòng chống tham nhũng: Nhai phải miếng gân bò luộc dở!

Nguyễn Mộng Hoài - Phòng chống tham nhũng: Nhai phải miếng gân bò luộc dở! 



Nguyễn Mộng Hoài
Lúc đầu, là người dân khi được nghe chủ trương, chính sách, rồi cả Luật, rồi cả việc tăng cường các tổ chức khá hùng hậu, phen này bọn tham nhũng hết nơi ẩn náu, chẳng chóng thì hơi chày, sẽ bị "tiêu diệt sạch sành sanh" đem lại sự vững mạnh, phồn vinh cho đất nước.
Lấy cái mốc là từ khi công bố "Nghị quyết trung ương 4 về một số vấn đề về xây dựng Đảng hiện nay", dân càng tin vào sự quyết tâm của Đảng mà tiêu biểu là BCH trung ương, tin hơn một chút vào "Nhà nước quản lý". Nhưng thời gian trôi đi từ đó đến nay đã trên dưới ba năm, vậy mà công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta vẫn "trong tình trạng chưa có chuyển biến bao nhiêu, nạn tham nhũng vẫn phát triển, tinh vi và phức tạp hơn.
Tất nhiên là của cải vật chất và tinh thần của đất nước, của nhân dân, kể cả tiền trong túi từng người dân, vẫn bị "thất thoát", nói toạc ra là vẫn bị "cướp", "cắp" rất nhiều và rất nhiều. Còn bọn tham nhũng, nói như "Blog Gò Cỏ may" thì to tham nhũng to, nhỏ tham nhũng nhỏ, từ trên xuống dưới, chỗ nào cũng thấy có tham nhũng. Còn bà Phó Chủ tịch nước thì chua xót nói rằng "họ ăn không từ một cái gì !". Đất nước còn nghèo (còn nạn tham nhũng thì chẳng thẻ nào giầu được), nếu có giầu thì chỉ tập trung mọi nguồn của cải cướp được vào tay bọn tham nhũng mà thôi.
Gọi như thế vẫn là rất trừu tượng. Tham nhũng là quốc nạn, là "giặc nội xâm", là một bầy sâu đã và đang hoành hành dữ dội trên tất cả các linh vực. Để chống loại giặc nội xâm này, chúng ta về mặt lý thuyết đã có đủ cả, từ nghị quyết trung ương, đến bộ luật, đến các loại chỉ thị của cấp cao nhất đến hàng loạt hội nghị từ trên xuống dưới, huy động cả hệ thống, cả các cơ quan chức năng đầy đủ "vũ khí" phương tiện hiện đại vào cuộc, vậy mà "chống tham nhũng chỉ như là "gãi ghẻ", chỉ mới "bắt" được một vài con "mèo con", còn những con "hổ lớn" thì...
Sau vụ "Vi-na-sin", ta đang "xử" vụ "Vi-na-lai" và tiếp sau đó còn nhiều vụ khác được coi là những vụ tham nhũng lớn, cần phải bị pháp luật trừng trị răn đe kẻ khác và lấy lại lòng tin của dân chúng. Kể ra làm được như vậy thì dân hoan nghênh, song xem ra, nói một cách hình tượng thì chống tham nhũng khác nào như "đám bị bông". Ông bạn già của tôi, khoác áo Đảng 50 năm rồi đã ngán ngẩm kêu lên: "Chống tham nhũng kiểu này giống như nhai phải miếng gân bò, nuốt vào thì không nuốt được, mà nhả ra thì chưa nhả được" cuối cùng lại tốn thêm tiền của dân thôi. Còn bầy tham nhũng thì cười khẩy: "Có đến mùa quýt mới chống nổi tham nhũng. Tại sao lại như vậy ?
Theo thiển ý của người viết bài này thì, nguyên nhân sâu xa cốt lõi của nạn tham nhũng ở nước ta không giống bất kỳ nạn tham nhũng nào ở nước khác, trước hết nó xuất phát từ "cơ chế" nói thẳng ra là chính là vì cái sự "quản lý độc quyền" (do hiểu sai chữ cầm quyền) mà ra cả. Vậy thì chống làm sao được ? Tại sao lại có sự "đổ vỡ" của một loạt ngân hàng, tại sao nền tài chính của ta vô cùng yếu kém, tại sao sử dụng các loại vốn, trong đó có ODA chưa thật hiệu quả, tại sao lại có Vi-na-sin, Vi-na-lai...và nhất là đất nước ta bây giờ sao lại có nhiều loại "tặc" đến thế. Nhan nhản những "tặc" là tặc, lâm tặc, cát tặc, tin tặc, vàng tặc...và có khi có cả "gái tặc" nữa chưa biết chừng. Nghe tin mà có cảm giác như đang sống trong một khu rừng hoang vô chính phủ.
Chỗ nào cũng thấy có tham nhũng, chỗ nào cũng có mặt chi bộ đảng và chấp hành các đoàn thể chính trị xã hội,mà chỗ nào cũng không chống được tham nhũng. Không khó hiểu lắm đâu. Với phương châm "hi sinh đời bố, củng cố đời con" người ta hiểu và làm theo một cách khác hữu hiệu ghê gớm lắm. Bố mẹ bây giờ làm quan chức to nhỏ, vừa có quyền, có thế, có điều kiện để "tham nhũng" làm giầu bất chính, hiện tại thế hệ bố mẹ không hưởng hết thì tất nhiên là để lại cho con. Chủ tịch tỉnh Hà Giang sau khi "về vườn" làm một "dinh thự" trị giá 260 tỷ đồng, ông lớn nhất nọ nghỉ hưu có tài sản trong tay trị giá 900 tỷ đồng, để cho "vợ nhỏ" làm đồ thế chấp nợ Ngân hàng, ông Bí thư tỉnh nọ dành ra 100 tỷ để làm nhà cho con và con lại nói rằng do vợ nó chịu khó trồng rau nuôi lợn mà có...
Nhờ có "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" nông nghiệp và nông thôn, các quan chức cấp huyện, cấp xã, nhất là các quan chức chủ chốt, cũng giầu lên nhanh chóng. Trong khi còn "sốt" đất, trị giá một xuất đất ở đẹp tại quê tôi từ 1 tỷ đếm 1,5 tỷ đồng (trên dưới 100 mét vuông) Vậy mà từ Bí thư, chủ tịch đến cán bộ văn phòng, cán bộ địa chính xã mỗi người đều có hàng chục xuất đất đẹp, đã và đang xây dựng mấy dinh thự nguy nga...Nếu không tham nhũng đất đai thì làm sao có nhiều tiền đến thế?
Đấy là đời bố, còn các con sau khi bé phải lớn, lớn lên phải "noi gương bố" cũng được bố "học hộ", lấy bằng hộ và "xin" được việc làm chỗ vớ bở nhất, để có điều kiện "thu nhập cao và nhanh" một phần để "trả nợ" món nợ mà bố mẹ đã vay để mua quan bán chức cho bản thân và chạy chọt mua chữ mua bằng cho con. Mấy đứa con, nhờ thế mà phất lên nhanh chóng, mua được ô tô tiền tỷ để bố mẹ đi nghỉ mát. Bố khen: "Thằng này, con này làm ăn giỏi" Mới đấy mà đã "Tậu" được ô tô mấy tỷ. Thật là "con hơn cha là nhà có phúc !" Như thế thì, bố mẹ có chức có quyền, tham nhũng vào cỡ bự, con phải "học" cha thôi. Vậy huy động cha vào cuộc "chống tham nhũng này ư? Đừng có làm vậy, không được đâu. Chẳng bao giờ có chuyện "con chó điên lại tự cắn nó cả" (ý của bài viết trong Gò Cỏ may).
Ăn phải cục gân bò, không nhai được để nuốtt thì nhả ra, nhai mãi sái cả hàm thì nhai làm gì. Nhiều cụ già đầu tóc bạc phơ đến cõi cả rồi nói với nhau rằng, phòng chống tham nhũng của ta cứ như là đấm bị bông, tốt nhất là nên"sống chung" với tham nhũng có lẽ tốt hơn. Có một đồng chí đảng viên 85 tuổi, còn khá minh mẫn, đã vừa cười vừa nói rằng: tốt nhất là thế này, bỏ ngay cái nghị quyết, cái luật về chống tham nhũng đi đỡ tốn tiền điều tra, xử lý các vụ tham nhũng, cứ để nó đấy. Cần có sự thay đổi thể chế cơ chế, tức là triệt tận gốc, nếu không bắt được "con mối chúa" để diệt cả tổ mối bảo vệ đê, thì đừng bắt các con mối con nữa, mất công, tốn tiền, mà có khi "ông chống tham nhũng" nhờ có chống tham nhũng mà lại giầu nhanh chưa biết chừng !
Như thế là thực hiện "sống chung với tham nhũng, đừng coi là quốc nạn nữa. Tất nhiên phải có cách "chống khác" như thực hiện chế độ pháp trị "tam quyền phân lập" bảo đảm dân chủ thật sự, người dân có quyền trực tiếp bầu chủ tịch nước và chủ tịch cac cấp hành chính khác, cán bộ nhân viên cơ quan, ban ngành có quyền lựa chọn và bầu người đứng đầu cơ quan ban ngành. Trước mắt còn chế độ một đảng, duy trì tốt được thì cứ duy trì, nhưng người lãnh đạo phải xứng đáng là người lãnh đạo, không để thằng dốt ngồi trên đầu dân và có quyền "ra lệnh" cho dân. Dân chứ không phải các con cừu non. Không có dân tôi đố các ông các bà sống nổi lấy một ngày. đất nước được an toàn lấy một ngày !
Hiện giờ, các tổ chức chính trị xã hội của ta chưa mấy tổ chức chủ động phát hiện tham nhũng, thì dựa vào đâu để phát hiện? để xử lý. Mất công, mất sức, tốn tiền, tốn của mà có khi còn "mất đoàn kết" nữa. Tốt nhất là khoanh vùng, khoanh kẻ tham nhũng nếu phát hiện được, không giao nhiệm vụ cho cho loại người đó nữa, triệt để giao quyền chọn người lãnh đạo từ cấp thôn, xã trở lên, tất cả cơ quan xí nghiệp, ai được nhân dân và cán bộ công nhân viên chức chon với đa số tín nhiệm thì làm thủ trưởng, là người đừng đầu với bản cam kết hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, trong sạch, minh bạch thu nhập của cá nhân và gia đình, làm ăn chính đáng, nói không với hối lộ và nhận hối lộ, với mua quan bán chức, với việc đề ra sự móc ngoặc ngầm, thỏa thuận ngầm, ví dụ bên A, bên B, trong xây dựng, giữa bảo hiểm y tế với bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, quy định thật chặt chẽ và giám sát căn kẽ các việc thu thuế, thu phí, thu quỹ, sử dụng quỹ...Việc này ta có làm được không? Thừa sức, nhưng có cấp nào đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo không ? Nếu còn độc quyền thì không bao giờ chống được tham nhũng, hoặc chống được tiêu cực nói chung.
Tóm lại, chống tham nhũng cũng rất tốn kém tiền của của Nhà nước và của nhân dân. Ví dụ phiên tòa xử "Dương Chí Dũng và đồng bon" tốn bao nhiêu tiền, mấy chục tỷ từ khâu phát hiện, xử lý bắt giam, giam gữ đến lấy cung, cáo trạng ra tòa, luật sự cảnh vệ..." chắc chắn tốn kém quá nhiều đấy các vị ạ. Đấy cũng là tiền của dân. Kính chẳng bõ phiền. Không biết sau xử án, có bọn tham nhũng bị xử lý thật thì tiền trăm tỷ chúng có "thi hành án" không hay lại cũng tuyên cho vui đấy thôi. Vì vậy tốt nhất là không đẩy mạnh chống tham nhũng nữa, mà tập trung vào cải tạo chế độ, sửa đổi phương châm lãnh đạo và quản lý đất nước, trọng dụng người tài, người ngay thẳng. Chỉ có tập thể nhân dân là nhìn rõ mọi chuyện, mọi gương mặt trung thực hoặc gan tà. Vậy thì sao lại cứ phải nhai mãi cái gân bò mà nuốt không xong nhả cũng khó nhả như vậy ?
Nguyễn Mộng Hoài
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Hai, 16/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131216/nguyen-mong-hoai-phong-chong-tham-nhung-nhai-phai-mieng-gan-bo-luoc-do
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001